chan_dung-ke_si

Kiều Tam cưới vợ -Truyện ngắn Khuất Quang Thụy

27-02-2023

Lượt xem 2085

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

Kiều Tam cưới vợ -Truyện ngắn Khuất Quang Thụy

Khuất Quang Thụy

 

   Không ai trong chúng tôi tin được rằng chuyện cậu Tam cưới vợ vào đúng những ngày cuối năm này lại là một chuyện nghiêm túc. Chí ít cũng đã một lần chúng tôi bị hố với hắn rồi. ấy là vào cuối năm ngoái, khi đơn vị vừa rã rời sau một đợt diễn tập trở về, trung đội của Tam đạt loại giỏi, có tới năm chiến sĩ trong trung đội được thưởng phép, trong đó có cả trung đội trưởng Tam. Ðó cũng là chuyện bình thường. Nhưng điều đáng kể là chiều hôm đó trước khi ra tàu về quê Tam tới chia tay tôi với vẻ mặt rầu rĩ: "Ðại đội trưởng ạ, tôi về phép đợt này kể như là hết một đời trai!" "Sao thế?" "Cưới vợ, chứ còn sao nữa." Tôi bật cười: "Cưới vợ là chuyện vui mừng sao mà cậu lại trình cái bộ mặt thiểu não ra thế?" "Em bị ép duyên - Tam nhăn nhó kể - Chả là ông cụ nhà em với sư đoàn trưởng của mình vốn là đồng đội cũ của nhau từ những năm đánh Mỹ, chẳng hiểu vì ân oán gì mà hai cụ lại hứa hẹn gả con cho nhau. Bố em viết thư lên nói rằng chỉ chờ em được nghỉ phép là sẽ sang thưa chuyện với nhà gái, tức là với sư trưởng của mình ấy, để xin tổ chức. "Thế thì càng tốt chứ sao. Cậu trở thành con rể của sư trưởng anh em đại đội ta cũng được nhờ". Vẻ mặt của Tam càng trở nên khổ hơn. "Vấn đề là ở chỗ... em đâu có yêu cô ấy". "Sao lại không yêu? Nàng có xinh không?". Tam nhăn mặt: "Xấu ma chê quỷ hờn. Ðã thế tính nết lại chẳng ra sao, lúc nào cũng lên mặt con ông lớn, khinh người như rác". "Thế thì vứt - Tôi cũng bắt đầu bất bình - cậu không việc gì phải biến thành vật hy sinh cho tinh thần đồng đội của mấy ông cựu chiến binh. Nếu cần, tớ sẽ kéo mấy anh em trong đại đội đi cùng với cậu lên tận sư đoàn gặp ông ấy để nói cho ra nhẽ". "Thôi thôi...- Tam vội gạt đi - Làm thế sao tiện, tôi không muốn kéo anh em vào chuyện này, để tôi tự giải quyết lấy".

 

   Tôi tiễn Kiều Tam ra về mà lòng vẫn không yên, thời buổi này mà còn bị ép duyên theo kiểu đó thì chịu sao nổi? Mà là ai chứ, một thằng sĩ quan trẻ giỏi giang ngang dọc hẳn hoi kia mà! Là cán bộ cấp phân đội, chẳng mấy khi tôi có dịp được gặp sư đoàn trưởng của mình nhưng trong tâm trí tôi từ trước tới nay vẫn lưu giữ được những ấn tượng tốt đẹp về ông. Ðó là một người chỉ huy dày dạn, giỏi giang, vừa có kinh nghiệm trong thực tế chiến đấu, lại vừa được học hành đào tạo đến nơi đến chốn và đã kinh qua hầu như tất cả các cấp chỉ huy từ tiểu đội đến sư đoàn, nên cán bộ cấp dưới khó mà qua mặt ông được điều gì. Nghe đồn ông sắp được điều lên làm phó tư lệnh tham mưu trưởng quân đoàn và cái lon cấp tướng cũng không phải là điều gì quá xa vời đối với một vị chỉ huy giàu năng lực như ông. Vậy mà không hiểu sao ông ta lại có thể có một hành động lạ lùng đến như vậy? Cũng không loại trừ khả năng ông quá lo lắng cho tương lai của con gái hơi bị... khiêm tốn về nhan sắc, nên đã cố bám vào những lời hứa hẹn trời ơi đất hỡi của cánh lính trận những lúc vui mồm để hy vọng kiếm cho con gái một tấm chồng "ở chốn ba quân": Và cái cậu Tam lớ quớ thế nào lại trở thành nạn nhân. Chuyện ông bố Kiều Tam là bạn chiến đấu của sư trưởng thì cả tiểu đoàn chúng tôi đều biết. Hồi Kiều Tam mới ra trường, chính ông bố đã đích thân đưa Tam lên sư đoàn nhận công tác và đã gây ra một vụ to tiếng với cánh lính cảnh vệ vì ông cứ một mực đòi xộc thẳng vào Sở chỉ huy để gặp bằng được "thằng Tâm mốc" (biệt danh của ông sư trưởng thời đánh Mỹ), cho đến khi trực ban phải điện thoại báo cáo Sở chỉ huy và sư đoàn trưởng Tâm phải đích thân ra đón khách thì ông mới chịu thôi. Gặp mặt nhau, ông cười đẩy chàng thiếu úy Kiều Tam ra trước mặt sư trưởng rồi nói: "Không phải là tao xin xỏ cho nó được về đây đâu nhé? Nhưng nó đã được điều động về đây thì tao giao nó cho mày. Hãy rèn nó cho cẩn thận. Không có ưu tiên ưu tót gì đấy nhé. Nó mà hư hỏng thì mày liệu mà ăn nói với bà Vân". Bà Vân là vợ ông, dĩ nhiên là mẹ của Kiều Tam rồi, nhưng có trời mới hiểu vì sao mà ông lại đem vợ mình ra để dọa thủ trưởng mới của con. Chỉ biết rằng từ đó Kiều Tam quả là có được sư trưởng để mắt tới theo đúng yêu cầu của ông bố, nghĩa là rèn tới nơi tới chốn chứ không một chút nương nhẹ nào, thậm chí còn bị "phân biệt đối xử" nữa là đằng khác, nghĩa là trong những lần tập huấn cán bộ phân đội trước mùa huấn luyện, khi đích thân sư trưởng kiểm tra thì bao giờ Kiều Tam cũng được một suất ưu tiên và sẽ bị hành đến nơi đến chốn nếu có sơ suất. Về phía Kiều Tam cũng vậy chưa một lần cậu ta có ý định lợi dụng mối quan hệ này để tạo thuận lợi cho mình trong công tác, thậm chí cũng chưa một lần cậu ta bén mảng tới sư đoàn bộ thăm "chú Tâm" như lời dặn của ông bố. Cũng có lẽ vì những điều ấy mà cán bộ, chiến sĩ trong đại đội càng thêm nể trọng Kiều Tam, thời buổi này mà còn có những người không coi ô dù là cái đinh gì thì kể cũng đáng nể thật. Nay bỗng dưng lại nghe Tam tâm sự về cái chuyện khó xử này tôi bỗng nổi máu anh hùng, muốn thử xả thân giúp bạn một phen.

 

   Chiều hôm đó, sau khi Tam đã lên đường về quê, tôi và Hải chính trị viên đại đội hội ý chớp nhoáng và đi đến nhất trí phải hành động ngay để vừa tránh cho một cán bộ cấp dưới của mình một cuộc đối đầu nan giải với việc ép duyên? vừa tránh cho thủ trưởng cấp trên của mình rơi vào một lầm lỗi có khi là "chết người" chứ chẳng chơi. Thế là ngay sau khi hết giờ buổi chiều tôi và Hải lập tức phóng xe lên thẳng sư đoàn bộ xin gặp sư đoàn trưởng. Ðang hăng hái với vị trí hậu vệ trên sân trong một trận thư hùng giữa đội sư đoàn bộ và đội tiểu đoàn thông tin, sư đoàn trưởng Tâm bị gọi ra khỏi sân vì "có một việc rất hệ trọng". Vẫn trong bộ đồ thi đấu của cầu thủ số 5, ông tiếp hai sĩ quan cấp dưới ngay tại bộ bàn ghế kê để ngồi hóng gió dưới bóng một cây si xanh tốt rễ rủ lòng thòng trước sân của ngôi nhà nghỉ dành cho các vị chỉ huy sư đoàn.

 

   - Hai cậu uống nước đi, xin lỗi vì ngoài giờ nên mình không được chỉnh tề lắm - Dường như để cho hai vị sĩ quan trẻ yên tâm rằng ông nhận ra họ, sư đoàn trưởng tiếp luôn - Hai cậu ở đại đội hai, tiểu đoàn một phải không? Cậu này là Sinh, đại đội trưởng, một trong năm tay thiện xạ của sư đoàn, còn cậu này là Hải, chính trị viên đại đội... Tớ không lầm đấy chứ?

 

   - Dạ... Thủ trưởng có trí nhớ tốt thật đấy - Tôi khen một câu lấy lệ.

 

   - Sư đoàn trưởng mà không nhớ mặt, nhớ tên các cán bộ chỉ huy phân đội của mình thì chỉ huy sao được. Mình biết đến tận cán bộ trung đội kia, không tin các cậu cứ thử kiểm tra xem.

 

   Tôi làm như tình cờ hỏi:

 

   - Thế thủ trưởng biết cậu Tam chứ ạ?

 

   - Sao lại không? Nó là một trong những cán bộ trung đội giỏi nhất của sư đoàn ta đấy. Ðại đội các cậu có được một trung đội trưởng giỏi như nó là may mắn lắm đấy. Hồi đánh Mỹ mình và bố cậu ấy cùng chiến đấu trong một tiểu đội, thân nhau lắm. Nói cho đúng ra ông Thành, bố thằng Tam là người chỉ huy của mình. Là tiểu đội trưởng thôi, nhưng ông ấy hách lắm nhé, mình đã từng bị ông ấy phạt mấy lần cơ đấy. Nhưng đánh đấm thì hăng. Ðến năm bảy mươi lăm, mình đã là tiểu đoàn trưởng, còn ông ấy thì vẫn chỉ là trung đội trưởng, nhưng mình vẫn ngại ông nhất. Trong chiến dịch Tây Nguyên, ông ấy bị thương rồi sau đó về phục viên luôn. Hôm đưa thằng Tam lên đơn vị gặp mình, ông ấy vẫn còn cay cú bảo: "Mẹ kiếp! Thằng oắt con này mới nứt mắt ra, chỉ đi học có ba năm đã được phong thiếu úy rồi. Mình thì đánh nhau bạc mặt mười năm trời mà lúc ra quân cũng chỉ là thằng thiếu úy quèn!"

 

   Trong lúc sư trưởng say sưa "hồi ký", tôi và Hải nhấp nháy đùn đẩy nhau chưa biết nên vào chuyện thế nào, cũng may sư trưởng hiểu ý liền ngừng lời hỏi:

 

   - Thế có việc gì mà cả hai cậu kéo nhau lên đây gặp chỉ huy sư đoàn?

 

   - Dạ... chẳng là... chẳng là - Tôi ấp úng.

 

   - Cứ mạnh dạn trình bày đi - Sư trưởng khích lệ.

 

   Tôi hít một hơi thật sâu lấy can đảm xông thẳng vào vấn đề.

 

   - Dạ... thưa thủ trưởng, chúng tôi rất hiểu mối tình đồng chí đồng đội rất sâu đậm của những người đã từng sống chết với nhau trên chiến hào như thủ trưởng và bác Thành bố của cậu Tam. Nhưng không nên vì thế mà để ảnh hưởng tới tương lai hạnh phúc của thế hệ sau...

 

   Sư đoàn trưởng ngạc nhiên nhìn chúng tôi.

 

   - Các cậu đang nói gì thế nhỉ?

 

   Tôi cười thầm trong bụng "Cha này còn giả ngây giả ngô đây. Ðã thế thì ta phải xông thẳng vào trận thôi".

 

   - Là chúng tôi đang nói về chuyện hôn nhân của cậu Tam với... con gái của thủ trưởng ấy mà.

 

   Sư trưởng trợn tròn mắt nhìn chúng tôi:

 

   - ... Chuyện hôn nhân... giữa... con gái tôi với... cậu Tam... nhưng...

 

   - Vâng... - Vì nghĩ rằng thủ trưởng sắp nổi điên đến nơi nên tôi nắm chặt lấy tay cậu Hải như để lấy thêm lòng can đảm rồi xả tiếp một hơi - Chúng tôi vừa được đồng chí Tam cho biết rằng trong đợt nghỉ phép này đồng chí ấy sẽ... phải kết hôn theo ý nguyện của hai gia đình chứ không phải vì tình yêu. Ðồng chí ấy nói rằng chỉ vì ngày trước thủ trưởng và bác Thành đã hứa hẹn với nhau rằng sau này sẽ gả con cho nhau. Ðồng chí Tam đang rất đau khổ và khó xử vì từ chối thì vừa trái ý bố vừa trái ý thủ trưởng, mà... bố và thủ trưởng thì đều là giời cả, nên...

 

   Mải nói, tôi không để ý thấy nét mặt thủ trưởng hết đỏ bừng lên lại tái dại đi rồi ông bỗng ôm bụng mà cười, cười ngả nghiêng xiêu vẹo cả người. Tiếng cười vốn dĩ hay lây nên chỉ một lúc sau cả Hải và tôi cũng ngặt nghẽo cười theo... mặc dù chúng tôi chưa hiểu mình cười vì cái gì?

 

   - ối trời đất ơi... - Thủ trưởng vừa lau nước mắt nước mũi vừa kêu trời - ông Thành ơi là ông Thành ơi! Cái thằng quỷ con nhà ông nó nghĩ ra chuyện gì thế này?

 

   Ðến lượt tôi và Hải nhìn nhau ngơ ngác "Như vậy là... như vậy là..." Miệng tôi lắp bắp, tôi đã lờ mờ cảm thấy hình như mình vừa làm một việc dại dột. Sau khi cười thỏa thuê, sư đoàn trưởng nhìn chúng tôi như hai thằng ngố.

 

   - Các cậu bị thằng quỷ ấy nó lỡm rồi. Làm quái gì có cái chuyện hứa hôn nhảm nhí đó cơ chứ? Trí khôn của các cậu để ở đâu thế? Mãi tận cuối năm bảy mươi nhăm, khi ông bố nó ở chiến trường ra thì mới đúc ra nó cơ mà. Còn tớ, vào thời điểm đó đã vợ con gì đâu mà dám hứa trở thành thông gia của ông   Thành? Tớ cũng có một cô con gái kém thằng Tam ba tuổi vừa tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm mẫu giáo thật, nhưng cái thằng quỷ ấy đã nhìn thấy nó bao giờ đâu? Các cậu sống với nhau mà chẳng hiểu nhau gì cả. Một thằng cứng đầu như thằng Tam mà lại có thể bị ép duyên à? Nó mà không thích thì dù có dí súng vào đầu nó, nó cũng chẳng chịu huống nữa là...

 

   Tôi và Hải chỉ muốn chui ngay xuống đất cho rồi. Thì ra tôi đã bị thằng khốn ấy cho ăn quả lừa. Còn may là tôi chưa kể ra những lời mà thằng Tam chê con gái sếp là vừa xấu người lại vừa xấu nết đấy. Thông cảm với cảnh ngộ bẽ bàng của chúng tôi sư đoàn trưởng vừa tiễn chúng tôi về vừa an ủi.

 

   - Dù sao thì cũng phải khen ngợi tinh thần vì đồng đội của hai cậu. Còn cái thằng trời đánh ấy thì cứ để đấy cuối tuần này tớ sẽ về tận nhà bảo với bố nó để bố nó cho nó một trận.

 

   Mặc dù chúng tôi sẵn sàng trả "nhuận mồm" với giá cao để được nghe Kiều Tam kể lại tấn hoạt kịch trứ danh xảy ra vào cái hôm sư trưởng của chúng tôi đến tận nhà để "bảo bố nó cho một trận", nhưng Kiều Tam vẫn im lặng. Sau khi lặng lẽ chịu phạt nửa tháng lương vì can tội dựng chuyện khiến tôi và Hải bị hố trước mặt sư trưởng, Kiều Tam tuyên bố một cách hào phóng: "Tớ vẫn có thể xét chiếu cố về nhiều mặt để lấy con gái ông ấy". Nghe hắn nói phách lối như vậy chúng tôi chỉ phì cười, không thèm chấp. ở đại đội này ai còn lạ gì miệng lưỡi của Kiều Tam nữa. Chỉ có một điều lạ là kể từ sau cái lần đi phép ấy Kiều Tam rất hay viết thư, một việc mà từ trước tới nay hắn rất ngại. Nhưng hắn viết thư cho ai và thi thoảng cũng nhận được thư của ai thì chịu, không ai đoán ra được. Theo cậu liên lạc đại đội thì chắc chắn thư gửi cho hắn là thư của con gái. Ðiều đó thì chẳng khó khăn gì, chỉ cần ngửi và nhìn nét chữ là biết ngay. Nhưng người con gái đó là ai, có quan hệ như thế nào với đương sự? Ðoán mãi không ra, "hội đồng sĩ quan đại đội" bèn đi đến một biện pháp cứng rắn. Nhằm đúng vào buổi chiều hôm hắn vừa nhận được thư, sau giờ hành chính tôi cho liên lạc gọi hắn lên hội ý gấp. Lên tới nhà đại đội, thấy có mặt đông đủ các cán bộ trung đội Kiều Tam không nghi ngờ gì, chỉ thấy hắn tủm tỉm cười rồi thỉnh thoảng lại đưa tay lên nắn túi áo ngực. Tôi liếc nhìn mọi người ra hiệu rồi hô lớn: "Bắt đầu!. Lập tức hai cán bộ trung đội ngồi hai bên chồm tới ghì cứng cu cậu vào ghế, tôi ung dung bước tới mở túi áo ngực của hắn, lôi ra một bức thư. Ðúng như lời cậu liên lạc bức thư sực nức mùi con gái. Kiều Tam la lên: "Không được, đó là thư riêng của tôi." Nhưng tôi cứ phớt lờ, mở lá thư ra đọc.

 

Anh thân yêu của em!

 

Nhận được thư của anh em mừng quá. Vậy là anh không giận em vì em đã chậm biên thư lên cho anh. Thực tình hồi này em bận quá, vừa phải dạy lại vừa phải học thêm. Em muốn lấy được tấm bằng đại học trước khi trở thành vợ anh, là vì em muốn xứng đáng với anh, một sĩ quan trẻ giỏi giang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng...

 

   Vỗ tay rào rào. Thế là rõ rồi, Kiều Tam đã có người yêu. Tôi lật trang cuối cung cấp thêm cho "hội đồng sĩ quan" một thông tin quan trọng nữa, tên của người yêu cậu Tam là... Em yêu của anh Nguyễn Thùy Linh. Gửi anh nhiều cái hôn nồng cháy. Lại vỗ tay rào rào. Kiều Tam giận điên lên, mặt mũi đỏ phừng phừng. Tôi trịnh trọng tuyên bố kết thúc điều tra. Từ đó Tam được xóa tên khỏi danh sách trắng, vì dù sao cũng đã có một mối tình vắt vai.

 

   Nhưng có người yêu là một chuyện, cưới vợ lại là một chuyện hoàn toàn khác, đó là một việc nghiêm túc hệ trọng. Ðến như tôi đây, xét về thâm niên yêu đương thì ăn đứt Kiều Tam rồi, nhưng đã bao giờ dám mơ tưởng đến chuyện cưới xin đâu. Dù rằng hắn vừa được phong quân hàm trung úy, nhưng tôi còn là đại úy mà vẫn chưa nghĩ rằng mình có thể đủ sức để xây đắp một cái tổ uyên ương đâu nhé. Chẳng lẽ thằng này cưới vợ về rồi thả cỏ?

 

   Với bản tính của một người thích cầm đèn chạy trước ô-tô tôi liền lấy tình đồng chí đồng đội ra thử khuyên bảo xem có thể chữa được cái máu thích lấy vợ của Kiều Tam hay không. Hắn lắng nghe một cách rất chăm chú, rồi cũng gật đầu đồng tình: "Anh nói cũng có lý nhưng kẹt một nỗi cô vợ tương lai của tôi lại hơi bị xinh gái, những điều khác lại quá lý tưởng. Tóm lại là phải theo lời dạy của các cụ thôi: "Cưới vợ phải cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha".

 

   Nghe hắn nói cứ tức anh ách, nhưng biết làm thế nào được, hắn cưới vợ chứ có phải tôi đâu mà tôi lo. Nhưng cái điều hắn nói rằng cô vợ tương lai của hắn... hơi bị xinh thì còn phải xem lại, xinh mà sao hắn giấu biệt như mèo giấu cứt ấy thế". Chưa một lần hắn dám đưa người yêu lên trình diện "hội đồng sĩ quan đại đội hai", đến một tấm ảnh hắn cũng không dám trình ra. Không khéo lại ma chê quỷ hờn chị em với Thị Nở. Gì chứ khiếu thẩm mỹ của Kiều Tam thì cũng rất đáng nghi ngờ.

 

   Nhưng rồi điều gì phải đến cũng đã đến. Có điều, lại một lần nữa Kiều Tam khiến chúng tôi ngã bổ chửng vì bất ngờ. ấy là vào một buổi chiều, tôi vừa từ bãi tập chiến thuật trở về thì chính trị viên Hải nhảy bổ vào phòng tôi với một gương mặt thất sắc, khiến tôi lập tức nghĩ tới một tai họa, chí ít cũng phải là một cú kỷ luật cấp sư đoàn.

 

   - Thằng Tam... nó... nó... - Hải líu cả lưỡi khiến tôi cũng phát hoảng.

 

   - Nó làm sao? Nói nhanh lên?

 

   - Nó... nó cứ.. ớ.. i...con... ô.. ông.. Tâ.. m..

 

   - Con nhà ai thì mặc cha nó, việc gì mà ông cuống lên thế?

 

   - Nhưng... đó là... là ... con...ga..ái...sư ...sư trưởng.

 

   - Hải? Ông nói sao?- Ðến lượt tôi ngớ ra vì ngạc nhiên - Con gái thủ trưởng Tâm à? Sao nó bảo... con gái ông ấy vừa xấu người lại vừa xấu nết? Hay nó vẫn bị ... ép...?

 

   - ép cái con khỉ? - Hải bỗng nổi khùng lên - Mặt nó cứ tươi hơn hớn như bắt được vàng ấy. Nó lỡm bọn ta thì có. Ðây này, nó đưa lý lịch nhà vợ để báo cáo chính thức xin cưới vợ. Ðúng một trăm phần trăm cô Nguyễn Thùy Linh là con gái của ông Nguyễn Thanh Tâm, đại tá sư đoàn trưởng.

 

   - Thế này thì... láo thật? - Tôi quay sang quát cậu liên lạc đại đội - xuống trung đội một gọi đồng chí Kiều Tam lên gặp chỉ huy đại đội ngay?

 

   Cậu liên lạc lao ra khỏi nhà ban chỉ huy đại đội như một mũi tên nhưng phải nửa tiếng sau Kiều Tam mới đủng đỉnh tới, lại còn véo von thổi sáo mồm nữa chứ! Tôi sửa soạn một bộ mặt thật nghiêm trang đứng đợi trước cửa. Khi hắn vừa vào tới hiên là tôi lên giọng chỉ huy hạ mệnh lệnh ngay:

 

   - Trung úy Kiều Tam... Ðứng nghiêm? Chỉnh đốn trang phục?

 

   Tuy hơi bị bất ngờ nhưng Kiều Tam cũng hiểu rằng lúc này không phải là lúc có thể đùa giỡn nên lập tức trở lại tư thế nghiêm chỉnh, chỉnh đốn trang phục rồi đập gót đứng nghiêm:

 

   - Báo cáo... Tôi, trung úy Kiều Tam, trung đội trưởng trung đội một, đã có mặt theo lệnh triệu tập của đồng chí đại úy đại đội trưởng. Báo cáo hết!

 

   Tôi giả vờ nhìn đồng hồ:

 

   - Ðồng chí đã tới muộn hai mươi phút?

 

   - Báo cáo... Ðồng chí liên lạc truyền đạt mệnh lệnh cho tôi không nói rõ thời gian tôi phải có mặt trình diện đại đội trưởng. Tuy vậy, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu tôi đã không chấp hành đúng mệnh lệnh của chỉ huy cấp trên.

 

   - Ðược rồi... - Tôi bỗng trở nên lúng túng - Ðồng chí nghe tôi hỏi đây. Tại sao... đồng chí không báo cáo chỉ huy cấp trên rằng đồng chí... yêu con gái của sư đoàn trưởng?

 

   - Báo cáo... Tôi nghĩ rằng đó hoàn toàn là chuyện riêng tư. Tôi chỉ có trách nhiệm phải báo cáo với tổ chức khi nào tôi có ý định xây dựng gia đình và tôi đã làm điều đó .

 

   - Nhưng đây lại là chuyện khác, người mà đồng chí định cưới làm vợ lại là con gái...

 

   - Báo cáo... Là con cái nhà ai thì có gì là quan trọng ạ?

 

   - Thằng quỷ, vào đây - Tôi điên tiết bỏ hết cả lễ nghĩa quân phong quân kỷ túm lấy ngực hắn lôi tuột vào trong nhà - Nào, mày nói đi, không phải với tư cách cấp dưới cấp trên gì cả mà với tư cách bạn bè xem mày đối xử với chúng tao như thế có   được không?

 

   Bây giờ thì Tam mới thật sự hiểu rằng chúng tôi rất giận hắn, hắn có thể không sợ cấp trên, vì hắn chẳng làm gì sai cả, nhưng hắn cũng biết sợ sự tự ái của bạn bè.

 

   - Xin lỗi các anh... nhưng tôi... không thể nói sớm hơn được... Vì năm ngoái tôi đã một lần đẩy hai anh vào thế khó xử. Thực tình lúc đó tôi cũng chỉ vui miệng nói đùa cho vui thôi, chứ chưa hề biết con gái ông Tâm mặt ngang mũi dọc thế nào. Ðến khi hai anh lên gặp ông ấy để... can thiệp về cái chuyện ép duyên mà tôi đã bịa ra, ông ấy giận tôi lắm. Ngay trong ngày chủ nhật tuần ấy, ông ta liền phóng xe xuống nhà tôi gặp bố tôi. Hai cụ định liên thủ để cho tôi một trận, nhưng ông Tâm lại dại dột mang con gái theo, có ý khoe, lại có ý dằn mặt tôi rằng con gái ông ấy đẹp như tiên thế này, một thằng thiếu úy ba trợn ba trạo như tôi thì đừng có mà mơ mộng hão huyền. Nhưng ông ta đã đánh giá thấp Kiều Tam này rồi. Tôi mà đã phát hiện ra mục tiêu thì... các anh biết rồi đấy, chỉ có tiến tới chứ không bao giờ chịu lùi bước...

 

   - Thế cậu làm cách nào để câu được con gái ông ấy? - Tôi tò mò hỏi.

 

   Tam nháy mắt cười:

 

   - Dễ ợt, bài một - dương đông kích tây - Trước hết phải làm cho ông cụ nhà mình tin rằng mình đã mê tít con gái ông Tâm nên đã dùng kế bịa ra chuyện hai cụ hứa hôn để dụ ông ấy tới đây. Ðiều này không khó khăn gì, chỉ cần nháy ông già ra rỉ tai vài ba câu là ông ấy hiểu liền, sau đó mình yêu cầu ông ấy phải làm mọi cách giam chân "địch" lại. Về khoản này thì ông già nhà mình nhiều mưu lắm. Muốn giữ ông Tâm lại thì chỉ cần dùng ba kế, thượng sách là "Hồi ký cách mạng"; trung sách là dùng lệnh bài của bà Vân, tức là mẹ mình, ông Tâm rất nể mẹ mình vì chính bà ấy đã làm mối xe duyên cho ông ấy lấy được bà vợ này; còn hạ sách là rượu. Nhưng rồi trên thực tế là đã có sự phối hợp nhịp nhàng cả ba kế trên. Hai cụ ngồi một lúc thì bắt đầu lên cơn hồi ký, cái mặt bàn uống nước lập tức thành sa bàn chiến lệ để hai vị bày hết trận này đến trận khác; bà Vân chạy qua chạy lại vừa phục vụ làm cổ động viên kiêm trọng tài cho cả hai người; và cuối cùng thì vẫn phải có một bữa cơm thân mật để chén chú chén bác...

 

   - Thế còn cậu thì làm gì?

 

  - Hỏi một câu rất thừa... Dĩ nhiên là tôi phải đơn thương độc mã tiến hành một lúc hai bài chiến thuật còn lại rồi: Bài hát - chia cắt đội hình "địch" ra mà đánh. Chỉ cần nháy mẹ mình một cái là bà liền ngọt nhạt nói với cô con dâu tương lai: "Cháu đi với thằng Tam giúp bác một chút chứ để cho thằng gà tồ ấy đi một mình thì bác chẳng yên tâm một chút nào". Khi chỉ còn một mình với nàng thì bài chiến thuật thứ ba - bao vây tiến công liên tục bắt đầu, tất cả các mũi các hướng, tất cả các ngón chiến thuật đều được huy động, kể cả việc nhắc tới tình đồng chí đồng đội thiêng liêng giữa các bậc phụ huynh và nói xa xôi về việc rất có thể các cụ hình như đã có một quyết định trọng đại nào đó liên quan tới tương lai của hai chúng mình... Tóm lại, chỉ trong một hai tiếng đồng hồ phải biết được những thông tin chính xác nhất về nàng và phải gây được cảm tình và sự tin cậy, đặc biệt là sự tin cậy ở nàng. Hai mũi vu hồi của chiến dịch do ông già bà già mình đảm nhiệm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ðến nỗi ông Tâm quên béng cả mục đích chính của chuyến hành quân trừng phạt. Cho đến tận xẩm tối, khi sắp sửa ra về hình như ngài mới sực nhớ ra nên chỉ vào mặt mình và nói với ông già mình bằng cái giọng nửa tỉnh nửa say: "Ông Thành này, cái thằng quỷ nhà anh nó dám nói với đám bạn bè của nó trên đơn vị rằng tôi và anh đã từng hứa với nhau rằng rồi chúng ta sẽ gả con cho nhau. Anh bảo... thế nó có láo không cơ chứ?. Láo! Thằng Tam chưa được phép nói như thế khi bố mẹ hai bên chưa cho phép, phải không?". Ông già nhà mình cũng ngất ngưởng phụ họa- "Nhưng mà tôi nói thế này khí không phải... Bây giờ anh làm quan to rồi, anh có chê thằng Thành này nghèo nàn, kém cỏi không đấy?". Ông bố vợ tương lai ôm lấy ông thông gia tương lai để tỏ tình thân ái: "Ai dám chê anh nào. Anh từng là thủ trưởng của tôi, anh đã từng một lần cứu tôi thoát chết, chị Vân lại là người giúp tôi có được một người vợ hiền, đảm đang... Làm sao mà tôi dám coi thường anh chị". "Thế... còn thằng Tam nhà tôi... anh thấy nó thế nào?". "Nó... thằng Tam nhà anh ấy là... một thằng khá đấy. Có bản lĩnh, có ý chí, thông minh lanh lợi... Nhưng cũng láu cá, bướng bỉnh lắm. Nó chưa một lần tới thăm tôi đâu nhé... Cu cậu ra cái vẻ không thèm nhờ vả gì ai đấy mà... ấy thế mà cu cậu dám bịa ra cái chuyện tôi với anh đã hứa...". "Ðây là tại tôi! Chính tôi đã nói với cháu rằng... Mày cứ liệu hồn, ông Tâm không những chỉ là thủ trưởng của mày mà có thể sẽ là bố vợ tương lai của mày nữa đấy. Mẹ mày đã rỉ tai với bác Tâm gái rồi đấy...". Ông sư trưởng ngớ ra nhìn mẹ tôi: "Thì ra chị đã nói với nhà tôi rồi hả?" Mẹ tôi khéo léo đánh trống lảng: "Thì... chị em chúng tôi gặp nhau chả nói về chuyện con cái thì còn biết nói chuyện gì?". Các ông thấy cha mẹ tôi có thần tình không chứ? Thế là mọi chuyện không những được hóa giải một cách tuyệt vời mà còn tạo cho tôi những điều kiện vô cùng thuận lợi để tiếp tục cuộc chinh phục của mình. Với một điều kiện thuận lợi như thế mà tôi không đánh thắng thì còn mặt mũi nào mà nhìn các ông nữa?

 

  Tam kể chuyện rất hấp dẫn khiến chúng tôi quên cả sự tự ái vì đã bị qua mặt. Nhưng còn một điều nữa tôi nhất định phải hỏi.

 

   - Thế cô Thùy Linh có thực sự xấu như cậu đã ca cẩm với chúng tớ hồi cuối năm ngoái không?

 

   - Nếu vậy thì tớ thà ngậm miệng ăn vài cái roi mây của bố còn hơn. Trái lại nàng rất đẹp, rất dịu dàng nết na nên tớ mới choáng ngay từ cái nhìn đầu tiên chứ. Chính từ giây phút ấy tớ đã quyết định phải chinh phục nàng bằng mọi giá, cho dù bố nàng có là đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì mình cũng chẳng ngán.

 

   - Ðến đây thì chúng tôi chẳng còn cách nào khác hơn là nói câu chúc mừng đồng đội!

 

   Ðám cưới của trung úy Kiều Tam được tiến hành vào dịp giáp Tết, khi đơn vị đang thảnh thơi sau một mùa huấn luyện. Ðó thực sự là một đám cưới điển hình của con nhà lính. Hội trường của sư đoàn bộ đã được trang trí thành một phòng cưới lộng lẫy. Khách mời đa phần là lính trong đó có cả trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng, vốn là bạn chiến đấu với cả hai bậc phụ huynh của cô dâu chú rể. Tôi, đại đội trưởng đại đội hai, được "hội đồng sĩ quan" của đại đội nhất trí bầu là một sĩ quan chưa vợ đẹp trai nhất đại đội nên phải phù rể. Nhờ trời, phù dâu là một cô gái trẻ rất xinh gái nên tôi cũng đỡ bị thiệt thòi. Học tập Kiều Tam, tôi cũng nhanh chóng triển khai các bài chiến thuật nên chỉ trong khoảng thời gian vàng ngọc của ngày hôn lễ tôi cũng đã kịp làm quen và có những thông tin quan trọng nhất, đủ để tiến hành chiến dịch biến cô dâu phụ thành cô dâu chính vào mùa cưới năm sau.

 

   Có Kiều Tam làm cố vấn, tôi tin rằng mình nhất định sẽ thành công.

 

(Văn nghệ quân đội số 2-2000)

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.