chan_dung-ke_si

ẢNH ĐEN TRẮNG – Truyện ngắn Nguyễn Kiên

11-12-2023

Lượt xem 1534

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Kiên

ẢNH ĐEN TRẮNG – Truyện ngắn Nguyễn Kiên

 

Nhà văn Nguyễn Kiên (1935-2014)

 

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Kiên có thế mạnh là các sáng tác truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn về đề tài nông thôn, như Anh Keng, được ông viết năm 1963.

Năm 2001, ông được Nhà nước trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tập truyện ngắn: Trong làng, Vụ mùa chưa gặt, Trái cam trong lòng tay

Ngôi nhà cũ, giữa phố cũ, hẹp và dài như cái ống, suốt tầng trệt bị hai tầng gác trên che phủ, càng vào sâu càng ẩm thấp, tối tăm. Phòng ông Tụ ở đáy cái ống dài thượt đó, đúng hơn là cái đáy hang, may còn có khuôn cửa sổ nhìn ra mảnh sân con trổ một ô vuông nhỏ xíu thông lên trời. Góc sân có một vòi nước dùng chung cho cả số nhà. Bất kỳ lúc nào có nước là người trong các phòng túa ra, tiếng xô chậu va đập ầm ĩ, cả mặt sân ướt dượt, mép sân trơn nhầy nhụa vì những đám rêu xanh. Chỉ những lúc vòi nước cạn khô Tụ mới có thể ra sân khua khoắng tay chân, vặn mình, hít thở và ngửa mặt lên nhìn cái ô trời thăm thẳm tít trên cao. Nhưng phút thư giãn cũng không được lâu. Bà hàng xóm có khuôn cửa sổ nhòm ra sân, phía đối diện với phòng Tụ, là một mẹ sồn sồn, cực kỳ lắm điều, hiếu sự. Cứ bỗng dưng bà ta ầm ĩ toàn chuyện không đâu, cái giọng khàn đục của bà ta gầm gào tru tréo lên. Đến lúc hụt hơi thì bà ta dừng lại thở, rồi lại tiếp tục màn độc diễn. Tụ đành phải trốn ra phố.

Khu phố cũ đã trút bỏ vẻ nhếch nhác, quạnh hiu, trở thành khu buôn bán sầm uất. Con phố nhà ông Tụ lại là trục của mấy phố ngang, các cửa hiệu đua nhau gương kính sáng choang, hàng hóa bầy la liệt. Lòng đường rối mù xe cộ. Trên vỉa hè, các quầy vé số và đủ loại hàng rong bầy bán quẩn quanh. Tụ đi bộ dọc theo hè phố, không mua bán gì, chỉ nhìn ngắm cảnh chen chúc tất bật, cố giữ sự tĩnh lặng trong lòng và thì giờ cứ ngược chiều với Tụ. Gã ăn mặc đúng cách, dáng điệu trịnh trọng, cứ chiềng ra khuôn mặt phẳng lỳ, nhợt nhạt, chịu không thể đoán được tuổi, không biết là trẻ hay già và đôi mắt gã, cái nhìn của gã có cái gì lạ lắm, cái đó chắc chắn có tên, chỉ có điều Tụ chưa gọi ra được. Gã không chịu lẫn trong dòng người đông đúc, thỉnh thoảng lại dừng bước, vẻ như để cho thiên hạ nhìn ngắm mình. Nhưng thiên hạ đều bận rộn, chẳng có ai nhìn ngắm gã. Gã nổi bất bình, bỗng dưng trợn mắt quát mấy bà hàng rong. "Đây là chỗ để cho các người ngồi giãi thẻ ra bầy hàng hả? Còn gì là trật tự văn minh hử? Dẹp! Dẹp ngay!". Mấy bà già vờ xê dịch cái mẹt hành; mấy bà trẻ tảng lờ coi như không nghe thấy, cũng có cô bé con cuống quýt quẩy gánh hàng ù té chạy. Nhưng cũng chỉ là chạy vờ thôi. Đến công an, cảnh sát quản lý thị trường còn chẳng ăn ai nữa là gã. Tuy nhiên gã cũng chỉ quát cho oai thế thôi và gã vừa đi vừa tự thưởng thức cái uy của mình đầy vẻ trịnh trọng.

Gã đàn ông thường đi qua trước mặt Tụ ở một chỗ nhất định. Chỗ có cây cột điện, lưng chừng cây chen tấm biển quảng cáo: "Nạp ga bật lửa" có mũi tên chỉ vào trong; tấm biển đã tróc sơn còn phía trong bây giờ đã là quầy bán kính bút. Gã nghênh nghênh cái bản mặt phẳng lỳ nhìn tấm biển. Về sau, gã vẫn cứ nghênh nghênh mặt như thế nhưng đột nhiên gã giơ cánh tay lên, phát một cử chỉ không rõ rệt hướng về phía Tụ. Tụ vẫn thản nhiên đi, nào biết gã là ai, cái cử chỉ mơ hồ của gã có nghĩa gì? Lần sau nữa, khi đến gần cây cột điện có treo tấm biển "Nạp ga bật lửa" gã bước chậm lại và tiến thẳng đến trước mặt Tụ:

- Chào ông già!

- Vâng, chào anh!

- Ông già rỗi rãi nhỉ, chiều nào cũng bát phố. Nhưng đi một mình thế, nhạt phèo. Tôi sẽ cùng đi với ông già...

Gã đàn ông song hành với Tụ, không cần biết thái độ Tụ ra sao và hơn thế gã còn ra vẻ như hạ cố để trò chuyện với Tụ. "Này ông già, ông già hết thời rồi, chắc chắn ông không biết được những chuyện này đâu, để tôi nói cho mà nghe...". Gã nói rì rầm về những thay đổi nhân sự, ai xuống ai lên, sắp xảy ra trong bộ máy thành phố và cái đường hướng sẽ xoay chuyển ra sao, tùy thuộc vào nhân vật nào... Đột nhiên gã nhoi lên Tụ một bước chân, ghìm Tụ lại, chờ đám đông người đi phố tới gần liền tuyên bố dõng dạc:

- Hãy tin tôi đi, tôi quen biết các ông lớn ở trong thành phố này. Chốn thâm nghiêm nào tôi cũng vào lọt. Các ông lớn đều coi tôi như người nhà, có vị lúc hứng lên còn cởi mở nỗi lòng với tôi. Nhưng nói chung các vị ấy đều bận. Cũng chẳng sao. Đã có phu nhân của các vị ấy. Nói chuyện với các vị phu nhân, nhiều khi được việc lắm. Lại còn các thư ký hay là trợ lý gì gì đó, đường đi lối lại của mình được thông suốt chính là nhờ họ. Mình phải kết thân với họ... Nói tóm tắt khi mình được tiếng có quen biết các ông lớn thì các ông nhỏ tự nhiên phải nể sợ mình. Hàng ngày mình đi đâu, đụng chạm cũng có người nể sợ mình, đã sướng chưa! - Gã đàn ông nghênh mặt lên, cười mơ hồ rồi bỗng quay sang Tụ - Này ông già, ông hiểu tôi muốn nói gì chứ?

Tụ im lặng.

Ông thật không hiểu hay là vờ không hiểu? Gã nắm tay áo Tụ, khẽ lắc lắc - Thôi tôi cứ nói huỵch toẹt thế này. Ông có mong muốn điều gì không? Giả dụ, cái bà hàng xóm lắm điều của ông, bà ta cứ quang quác suốt ngày làm ông phải trốn ra phố. Nếu ông muốn, tôi sẽ có cách giúp ông buộc bà ta phải im mồm hoặc bà ta phải biến đi.

Tụ thủng thẳng:

- ồ, sao lại thế? Không thể đối xử với nhau như thế được!

- Vậy thì tùy ông, tôi sẽ không tranh cãi với ông - gã lắc đầu, vẻ ngán ngẩm - Nhưng dù sao tôi cũng thích được làm quen với ông. Ta hãy cứ đi tiếp, câu chuyện của tôi còn dài... Ông thấy đấy, tôi chẳng là cái gì cả nhưng thiên hạ vẫn cứ phải coi tôi là một cái gì. Tuyệt cú mèo, phải không ông già? Có một thằng cha tổng giám đốc, tôi ngẫu nhiên gặp hắn vài lần ở nhà một ông lớn. Thằng cha đang bê bối chuyện gì đó, mặt mũi bơ phờ. Hắn cần có người ủng hộ hắn, vớ được tôi hắn liền túm chặt. Tôi chỉ đóng vai ầm ừ thôi chứ thực ra tôi chẳng làm gì cho hắn. Mà dù tôi có muốn làm cũng không làm được. Nhưng nhờ có kênh thông tin riêng, tôi biết hắn sẽ thoát nạn, liền báo trước cho hắn. Lẽ tự nhiên khi mặt mũi hắn đã hớn hở trở lại, hắn phải nhớ đến tôi, coi tôi như cánh hữu. Cái tổng công ty của thằng cha ấy khá lớn, xuất nhập khẩu đủ cả, lại có liên doanh với nước ngoài, tiền của của Nhà nước rót vào nhiều như nước... Nhưng thôi, ta hãy đi quá lên đầu phố, tôi sẽ chỉ cho ông xem cái này...

ở khúc ngoặt đầu phố thông ra một đường phố lớn hơn, có một ngôi nhà cao ngất ngưởng, mặt tiền hướng ra phố lớn, gương kính lấp loáng, đèn đuốc sáng choang. Gã đàn ông dừng lại, quay mặt về phía Tụ, nói như giảng giải:

- Cái này gọi là "Khách sạn Hoàng Gia", tuyệt cú mèo. Hà hà... Nó được đứng tên cậu con trai lớn của ông tổng giám đốc bạn tôi, có nghĩa là cái Hoàng Gia tuy thuộc về ông ta nhưng ông ta không dính dáng... Này ông già, hẳn là ông có biết ở chỗ này, trong khu phố của ông có cái khách sạn Hoàng Gia nhưng tôi cam đoan ông không biết bên trong nó thế nào. Vậy hôm nay tôi mời ông, nào... nào... ông hãy đi theo tôi. Tôi sẽ dẫn ông vào quầy bar, ở đấy có vô số loại rượu Tây hảo hạng, ta có thể uống mà không phải trả tiền, lại còn được các cô phục vụ săn sóc chu đáo. Nào... nào... ta đi chứ, để ông già được thấy nhãn tiền cái vai trò đặc biệt của tôi ở những nơi ông không thể ngờ tới. Tôi nói về mình với ông già hơi nhiều nhưng quyết không phải là kẻ ba hoa!

Tụ gỡ tay mình ra khỏi tay gã đàn ông và nói dứt khoát:

- Cám ơn. Anh bạn hãy tin tôi không nghĩ anh bạn là kẻ ba hoa, thế là được rồi!

Lúc này đường phố đã lên đèn. Tụ quay trở lại đường phố cũ, bước nhanh qua những vệt sáng từ các cửa hàng hắt ra.

° ° °

Nhưng gã đàn ông không buông tha Tụ. Mỗi buổi chiều Tụ đi dạo phố vẫn gặp gã ở đúng chỗ có cây cột điện treo tấm biển "Nạp ga bật lửa" và gã lẵng nhẵng bám theo Tụ, rõ ràng là có chủ định. Rồi một hôm gã bỗng nói:

- Ông là Tụ, tức Hội Tụ. Đấy là cái bút danh ông vẫn ký dưới các bài báo viết về nghệ thuật nhiếp ảnh. Hà hà... tôi thừa biết!

Tụ miễn cưỡng công nhận:

- Vâng, đúng thế. Tôi vốn là một viên chức cạo giấy, viết báo tay ngang, chỉ tùy hứng thôi.

- Tôi có đọc những bài báo của ông. Hay lắm. Tuyệt cú mèo. Nhiều người thích và cả tôi cũng thích... Sao ông không viết đều đều, cứ để bạn đọc phải dài cổ ra trông ngóng mới đưa ra một bài ngắn càng đọc càng thèm? - Gã hỏi một cách hờ hững và vẫn mải theo ý nghĩ của riêng gã - Nhưng thôi, ông đã nói là ông chỉ viết tùy hứng, đấy là quyền của ông... Chắc hẳn để có được những bài bình phẩm về ảnh nghệ thuật đáo để đến thế ông phải chơi với cánh nghệ sĩ nhiếp ảnh, thân thiết với họ lắm nhỉ?

- Tôi có quen biết họ nhưng thân thiết thì chỉ có vài ba người thôi.

- ồ, nghệ thuật không cần số nhiều, phải thế không ông già? - Gã ngọ nguậy mấy ngón tay, giọng ngắc ngứ - Tôi biết ông am hiểu nghệ thuật lắm lắm. Xin thú thực, tôi có một việc muốn nhờ ông... Này ông già, người ta bảo già thường trở lại như trẻ nhỏ, tức là sống hồn nhiên, không vụ lợi, thích giúp đỡ người khác. Ông là thế đấy. Tôi biết. Tôi biết mà...

Gã níu cánh tay Tụ, chờ cho một đám đông đi qua, rồi một đám nữa, một đám nữa... (sao chiều nay lắm kẻ đi dạo phố và mua sắm thế nhỉ?) và gã vẫn tiếp tục rì rầm những lời không đâu. Tụ sốt ruột ngắt lời gã:

- Thôi đi, anh bạn cần gì cứ nói thẳng ra đi!

- Vâng, tôi nói ngay đây. Việc tôi cần hoàn toàn đúng với khả năng của ông. Bởi vậy tôi chỉ chọn ông để nhờ vả. Tôi cần chụp một bức ảnh chân dung nhưng không phải là ảnh thông thường do những tay phó nháy sản xuất nhan nhản ra. Nó phải là chân dung nghệ thuật, do một nghệ sĩ thực tài bấm máy. Trong vài ba người cầm máy ảnh bạn thân của ông, chắc chắn đều có tài, ông hãy lựa ra người có tài nhất, thích hợp nhất, ông có lời trước với ông ta, cái ông nghệ sĩ nhiếp ảnh ấy, làm sao để ông ta cảm hứng lên, nhận chụp cho tôi một bức ảnh chân dung. Tôi nhắc lại, một bức chân dung nghệ thuật, ông già hiểu ý tôi chứ?

Gã đàn ông nhờ vả như ép buộc. Tụ muốn thoát ra khỏi gã thì chỉ có cách nhận lời giúp gã. Vả lại việc này cũng không khó. Tụ có một ông bạn thân là tay tổ về ảnh chân dung. Ông ta sùng bái ảnh đen trắng đến mức quên đi cái tên cúng cơm của mình, dùng luôn cái biệt hiệu bạn bè đặt đùa về sau thành thật, là ông Đen Trắng. Ông Đen Trắng để tóc dài, hơi bụi một chút trên khuôn mặt già trước tuổi của ông chỉ có đôi mắt lộ vẻ trẻ trung, nghịch ngợm. Ông Đen Trắng hấp háy mắt cười:

- A, cái gã vẫn rình chộp ông bạn ở chỗ cây cột điện có treo tấm biển "Nạp ga bật lửa" ấy hả? Ông bạn cứ chịu khó đi với gã, chịu chuyện của gã thêm vài ba buổi nữa. Chiều thứ bảy tới, ông bạn dẫn gã đến chỗ ta vẫn hẹn gặp nhau ấy, tôi chờ...

Trong con hẻm cuối phố nhà Tụ có quán café, gọi theo tên của ông chủ là café Lỳ. Quán mở ở gian đầu hồi, một ngôi nhà cổ, trông ra mảnh vườn hẹp có bụi trúc vàng chỉ xanh. Bầu không khí trong quán và cung cách giữ nguyên vẻ đơn sơ, mộc mạc, như là chứng tích của một thời. Cả ông chủ quán cũng vậy, già rồi, cũ kỹ rồi, nhưng nụ cười tủm bâng quơ của ông lại tiết lộ ông còn tinh tường lắm. Ông café Lỳ kiếm sống nhờ đám nghệ sĩ, quen thân đám nghệ sĩ. Bởi vậy cái ông nghệ sĩ tóc dài, hơi bụi mới hẹn Tụ dẫn gã đàn ông đến đây.

Họ ngồi quanh chiếc bàn kê ở một góc khuất. Cà phê được bưng ra. Tụ quay qua quay lại giữa hai người:

- Đây là anh bạn trẻ có việc muốn nhờ ông... còn đây là ông Đen Trắng!

Gã đàn ông há hốc mồm:

- Cái gì?

- Đen Trắng, tên tôi... - ông tóc dài hấp háy đôi mắt nghịch ngợm - Tôi là môn đệ từ xa của cụ Võ An Ninh. Cái ông già gần trăm tuổi ấy, dành cả cuộc đời cho nghệ thuật nhiếp ảnh và chỉ chơi ảnh đen trắng. Cụ ấy bảo ảnh mầu đẹp quá mức còn ảnh đen trắng khiến người ta suy nghĩ và sáng tạo... Tôi giao hẹn trước, nếu anh bạn nhờ tôi chụp chân dung cho anh bạn, tôi chỉ chụp đen trắng.

- Tôi thích ảnh mầu hơn. Nhưng thôi, nghe nói ông là một nghệ sĩ tài danh, ông cứ thử cho tôi một bức ảnh đen trắng xem sao... - Gã đàn ông bỗng đổi giọng - Chỉ có điều tôi lưu ý ông, đây là bức ảnh quan trọng, để dùng vào những việc... à, những việc nói ra thì dài dòng mà ông cũng không hiểu được, tóm tắt lại là những việc cũng rất quan trọng. Ông nhận giúp tôi thì phải hết lòng!

- Tất nhiên! - Ông Đen Trắng quay sang Tụ - có ông bạn tôi đây là người hiểu tôi, đảm bảo cho lời nói của tôi.

- Được... thế còn công xá?

- ồ, tôi không phải là phó nháy đi chụp ảnh thuê. Chuyện ấy ta bàn sau. Để anh xem ảnh tôi chụp, xem anh có thích không đã!

Lúc này quán café bắt đầu đông khách. Bọn họ phần lớn là nghệ sĩ và cả những vị không-nghệ-sĩ, chính những vị này ham ngồi dai và mê tranh luận về nghệ thuật om sòm nhất. Bàn ghế trong quán bị xê dịch, tiếng ly tách va chạm lanh canh, khói thuốc lá tuôn mù mịt. Ông Đen Trắng bị những người quen mới tới lôi kéo, bỏ mặc Tụ ngồi lại với gã đàn ông. Mái tóc dài của ông nhấp nhô lúc chỗ này, lúc chỗ kia. Có một lúc ông biến đâu, có lẽ biến vào gian trong, nơi ông chủ quán café Lỳ dành riêng cho những vị khách thân như bạn. Rồi ông Đen Trắng lại hiện ra:

- Này anh bạn, anh có còn điều gì cần nói với tôi nữa không? Nếu không thì anh bạn có thể về. Tôi bận lắm, nhiều việc lắm...

Gã đàn ông bật đứng dậy:

- Còn một việc... Ông chưa hẹn tôi ngày giờ nào, tôi đến gặp ông ở đâu để ông bấm máy chụp cho tôi bức ảnh?

- à, à... bấm máy hả? Tôi bấm máy rồi! Chụp rồi!

- Chụp lúc nào, hả?

Ông Đen Trắng cố tình nhại lại giọng của gã đàn ông

- Đấy là việc của tôi, nói ra thì dài dòng lắm mà anh bạn cũng không hiểu được.

- Khi nào có ảnh tôi sẽ nhắn qua ông Tụ... Nào ông Tụ, cánh già chúng ta đi thôi. Tạm biệt anh bạn! A quên, bữa uống hôm nay tôi đã thanh toán rồi. Tạm biệt!

Ông Đen Trắng khẽ giơ bàn tay lên, ra hiệu chào và ông kéo theo Tụ, hai người cùng quay ngoắt đi, ra khỏi quán café.

° ° °

Ngay chiều hôm sau Tụ nhận được lời nhắn dẫn gã đàn ông đến quán café Lỳ nhận ảnh. Họ vẫn ngồi ở chỗ cũ, bên chiếc bàn kê ở góc khuất phía trong vườn. Ông café Lỳ bưng ra hai tách cà-phê đen, giây lát sau mới đem ra chiếc phong bì lớn. Gã đàn ông vồ ngay lấy chiếc phong bì, vẻ hồi hộp, căng thẳng. Gã rút tấm ảnh ra, đưa ra xa rồi thu lại gần, nhìn soi mói. Khuôn mặt gã vốn phẳng lỳ, nhợt nhạt nay lên cơn co giật càng nhợt nhạt hơn.

- Này ông chủ quán, ông có nhầm không đấy?

- Không, ông Đen Trắng khi nhờ tôi có dặn tôi kỹ lắm, làm sao tôi nhầm được!

Gã nhăn nhó:

- Đây không phải là tôi!

Rồi gã bỗng hét tướng lên, tấm ảnh trong tay gã run bần bật:

- Không phải tôi! Các người hãy nhìn, hãy so sánh, đây là tôi hay không phải tôi nào?

Bầu không khí trong quán trở nên im phắc, có mấy người khác ngồi ở góc xa, họ ngơ ngác nhìn gã không hiểu gã vừa nói gì. Gã liền tóm lấy Tụ, chìa tấm ảnh ra trước mặt Tụ:

- Này ông già, ông Tụ tức là Hội Tụ, nhà bình luận vẫn có bài đăng báo, ông nói đi: Bức ảnh này, cái mặt người trong ảnh này có phải là mặt tôi không? Mà hãy khoan, ông hãy cầm xem, xem cho kỹ, nghĩ cho kỹ rồi hẵng nói!

Tụ cầm tấm ảnh. ảnh đen trắng, những mảng trắng và mảng đen tương phản, tạo thành cái nền trên đó nổi chìm khuôn mặt của gã đàn ông ngồi trước Tụ. Vẫn khuôn mặt bằng phẳng và nhợt nhạt mà Tụ đã quen nhưng nhờ sự lẫn lộn trắng đen, nhiều chỗ bị mờ chồng của nền ảnh toát ra một ấn tượng rõ mình, duy nhất, lập tức quy tụ những cảm giác rời rạc của Tụ về gã đàn ông. Quái lạ, cái ông nghệ sĩ tóc dài hơi bụi, ông Đen Trắng ấy, ông ta chỉ cần một khoảng khắc nhanh như cái chớp mắt để bấm máy. Cái chớp mắt ấy xảy đến như thế nào, vào lúc nào nhỉ? Tụ đặt bức ảnh xuống mặt bàn, khẽ đẩy về phía gã:

- Một bức ảnh tuyệt vời. Đúng là anh đấy!

- Là tôi?

- Chính xác, là anh!

Gã cầm bức ảnh lên, ném xuống mặt bàn, bàn tay xòe ra, chặn lên bức ảnh, khuôn mặt gã co giật và gã nổi cơn điên:

- A các người, một lũ ngu dốt và bịp bợm! Cái thằng cha Đen Trắng ấy bịp bợm, hắn chưa hề bấm máy chụp tôi hoặc hắn chụp hỏng, hắn đưa bức ảnh khác ra định lừa tôi. Còn ông già, ông Tụ tức Hội Tụ, nhà bình luận dởm, ông chẳng có tư cách gì và cũng chẳng hiểu gì hết. Những bài báo của ông ngu dốt, không đáng giá một xu. Ông không có quyền nhận xét rằng bức ảnh này đúng là ảnh tôi. Ông hãy im đi. Im đi. Hiểu chưa!

Ông chủ quán và mấy người khách lại gần, khẽ hỏi Tụ:

- Có chuyện gì mà ầm ĩ lên thế?

- Chuyện gì hả? Chuyện mấy thằng ngu dốt, bịp bợm, chúng nó định hại tôi... - gã cựa quậy, dậm chân, tay đấm xuống mặt bàn - A, các người cười gì hả? Các người cũng cùng một duộc với bọn ngu. Tôi không thèm đếm xỉa... Rồi những ai sáng láng trong thiên hạ họ sẽ hiểu tôi. Cái mặt tôi đây này - gã chỉ tay lên mặt mình và khoanh một vòng bao quát toàn khuôn mặt - rạng rỡ, thông minh, tư lự. Rành rành là thế. Còn bức ảnh này quyết không phải là ảnh tôi!

Gã cầm bức ảnh đập đập vào không khí rồi xé ra thành từng mảnh vụn. Cả chiếc phong bì đựng ảnh gã cũng xé vụn. Những mảnh vụn đen trắng rơi lả tả quanh chân gã. Gã loạng choạng đứng lên, cơn hờn giận vô lối làm gã mất bình tĩnh, gã quên Tụ, gã quên ông café Lỳ và những người khách trong quán, gã đi nhầm vào phía trong, đụng phải bức tường, lại ấm ức quay ra, một lúc sau mới tìm thấy và tuôn ra ngoài đường.

Tụ ngồi lại trong quán. Vẻ hằn học, cay cú của gã đàn ông trước bức ảnh chân dung đúng là chân dung gã, đến tột cùng lố bịch khiến Tụ buồn cười. ừ thì gã đã chửi bới vung lên chỉ vì Tụ đã nói thật cái điều gã muốn Tụ nói dối. Thôi mặc gã... Đột nhiên gã đàn ông quay trở lại quán café. Lúc này trong quán chỉ còn lại Tụ. Ông chủ quán pha ấm trà đặc, đem ra bàn ngồi uống với Tụ, như thói quen lâu nay của ông đối với khách quen thân ông vẫn thường làm thế. Gã đi thẳng đến chỗ hai người, tự kéo ghế ngồi, cố giấu đi vẻ trịch thượng, tức tối, mặt gã lỳ ra, khinh khỉnh:

- Này ông chủ quán, cái tay phó nháy gửi ảnh cho tôi qua ông ấy, hiện giờ hắn ở đâu?

Ông chủ quán cười:

- Xin lỗi, tôi không quen biết ai là phó nháy!

- Thì ông muốn gọi hắn là gì cũng được. Hắn... chắc là ông hiểu ý tôi, hiện hắn đang ở đâu? Tôi cần gặp hắn!

- A, ông Đen Trắng, một nghệ sĩ thứ thiệt đấy anh bạn ạ. Ông ta hành tung bất định, ông ta xuất hiện và biến đi, vào lúc nào và ở đâu chỉ mình ông ta biết thôi. Nhưng anh bạn cần gặp ông ta để làm gì?

Gã đàn ông dằn giọng qua hai hàm răng va vào nhau lập cập:

- Tấm phim. Tôi cần thu hồi lại tấm phim ảnh của tôi... đúng ra là bức ảnh bị coi là ảnh tôi. Nếu như hắn còn giữ tấm phim, biết đâu hắn chẳng in phóng ra một bức ảnh nữa, đem đi dự triển lãm rồi một ai đó, hoặc chính ông Tụ tức Hội Tụ đây, lại ngứa nghề viết một bài bình luận lăng nhăng đăng báo. Như thế phiền lắm. Tôi phải nắm được tấm phim, chính tay tôi hủy nó đi!

Tụ nhấp nhổm định nói câu gì nhưng ông chủ quán đã nháy mắt, vỗ vai gã đàn ông:

- Anh bạn ơi, không cần phải lo xa thế. Trong chiếc phong bì lúc nãy tôi trao cho anh bạn có ảnh và cả tấm phim. Anh bạn hãy chịu khó tìm trong đống vụn đen trắng ở ngay dưới chân anh bạn. Chúng vẫn còn nguyên cả đấy!

Gã đàn ông cúi nhìn xuống đất, bàn chân gạt gạt một cách miễn cưỡng những mảnh vụn đen trắng chính tay gã đã xé ra. Gã nhón lên một mảnh đen, mỏng manh và nhỏ xíu nhưng lại có vẻ nặng nề trong tay gã, cứ như là gã phải hạ cố làm cái việc không xứng với gã.

- Nó đây rồi. Nó đúng là cái tôi đang cần thu hồi, cần thiêu hủy đi! - Gã buông rơi mảnh vụn cầm trong tay và dùng cả hai bàn chân xóa dập đống vụn đen trắng cho nát nhừ, lẫn lộn vào trong đất - Thế là xong. Xong hẳn. Không còn gì dây dưa dính dáng đến các người! - Gã dừng lại rồi bỗng lớn tiếng tuyên bố - Tôi tài trí và hữu ích hơn ai hết. Các người nhầm, các người không đáng mặt được chơi với tôi. Tôi đi đây!

° ° °

Trong quán café, ông chủ quán ngồi im lặng. Tụ cũng ngồi im, nghĩ về gã đàn ông bỗng dưng cứ bám lấy mình, bắt mình phải làm theo ý gã mà không được liền quay ra hạch sách, quấy nhiễu cả thiên hạ. Bộ mặt gã phẳng lỳ và nhợt nhạt, ở ngoài đời cũng như trong bức ảnh do ông Đen Trắng chụp, cái này phản chiếu lên cái kia một vẻ gì đó vừa khó nắm bắt vừa rõ ràng, duy nhất... Vẻ gì nhỉ?

Bỗng ông chủ quán nói:

- Cái gã đến ám chúng ta và vừa đi khỏi ấy, gã có bộ mặt cô hồn...

- Ông nói gì kia?

- Tôi nói: gã cô hồn! ông chủ quán nhắc lại - Thời buổi nhiễu nhương, ở những chỗ nhòe nhòe sáng tối thường lảng vảng những gã cô hồn... Nhưng thôi, vào giờ này mỗi chiều ông thường đi dạo phố, phải không nhỉ? Ông chờ tôi đóng cửa hàng, tôi sẽ cùng đi dạo với ông!

Tụ và ông café Lỳ đôi bạn già đi ra phố lẫn vào đám đông tấp nập, lẫn vào quang cảnh náo nhiệt của phố phường.

 

Tháng 12-1999
N.K.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.