chan_dung-ke_si

TRÁI CAM TRONG LÒNG TAY - Truyện ngắn Nguyễn Kiên

01-06-2023

Lượt xem 2146

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Nguyễn Kiên

TRÁI CAM TRONG LÒNG TAY - Truyện ngắn Nguyễn Kiên

Nhà văn Nguyễn Kiên

   Trong đời riêng mỗi người, đôi khi có những sự việc chẳng ý nghĩa gì đối với người khác, nhưng với bản thân anh ta lại là một cái mốc quan trọng. Tôi đã gặp một sự việc như thế: đó là cái tai nạn đổ xe bất ngờ xảy đến với tôi, trong một chuyến đi công tác vui vẻ chưa từng có. Chiếc xe bị bẹp mũi, tấm kính chắn gió bị vỡ tan. Cậu lái xe nằm bất tỉnh, máu me đầm đìa nhưng rốt cuộc câu ta chẳng làm sao hết. Còn tôi, ngay lúc đó đã gượng ngồi dậy được, thân thể còn nguyên vẹn vậy mà phải nằm bệnh viện đúng ba tháng, chịu mổ xẻ, đau đớn, trong tình trạng gần như tuyệt vọng. Có những chấn thương bên trong thế nào đó, không thể nói cho thật rạch ròi. Nhưng dần dần chúng tự thu xếp và ổn định lại, chỉ còn gióng xương đùi bên trái bị giập nát là phải mang cái nẹp kim loại, với những đinh ốc vặn chặt, cũng bằng kim loại. Tôi bắt đầu tập ngồi, tập đứng, tập đi chập chững từng bước một, như đứa trẻ nhỏ. Cho đến khi bệnh viện chuyển tôi đến trại an dưỡng X, thì tôi tin chắc thế là tôi đã sống lại, tâm trạng tôi vừa rụt rè vừa náo nức lạ thường. Trại X rất nhỏ, nằm lọt thỏm giữa một vùng đồi vắng vẻ, số giường đã ít, số người đến nghỉ lại càng ít hơn. Tôi ở chung phòng với Vĩnh, một ông già gầy khô, khắc khổ nhưng không có vẻ ốm yếu. Mãi mấy ngày sau tôi mới biết bệnh trạng của Vĩnh và điều đó làm cho tôi bối rối. Vĩnh phải cắt một bên phổi, từ nhiều năm trước. Gần đây, bên phổi còn lại bỗng nổi một khối u ác tính, các bác sĩ đã mổ ra xem rồi buộc lòng phải đóng lại... Tôi bị ám ảnh bởi ý nghĩ so sánh, mặc dầu hiển nhiên nhưng không thể chấp nhận, rằng mình và Vĩnh đang đi ngược chiều: mình vừa từ biên giới của cõi chết trở về, còn Vĩnh thì... Hình như Vĩnh cảm thấy nỗi băn khoăn của tôi. Ông vui vẻ và chủ động săn sóc đến tôi, hỏi han tôi đủ điều. Tôi kể với ông rằng, tôi đi đây đi đó đã nhiều, thay đổi công tác cũng nhiều và có lẽ do thế, gần đây được chuyển sang làm cán bộ nghiên cứu. Nhân tiện, tôi khoe với ông, tôi cũng viết lách được đôi tý. Những bài viết không đến nỗi xoàng, chỉ có thiếu sót nhỏ là chúng quá ít ý kiến mới mẻ và quá nhiều những chữ thừa! Vĩnh cười, vỗ nhẹ vai tôi:

   - Cậu  giỏi! Còn mình là anh cán bộ đốc chiến, suốt đời chỉ có làm, làm, làm. Nhưng dù sao mình cũng giống cậu được hai điểm: Mình đi đây đi đó cũng nhiều; hai nữa, thi thoảng phải ngồi viết báo cáo, mình cũng sản xuất ra kha khá những chữ thừa! - Vĩnh ngừng giây lát rồi ông bỗng nói, tỉnh táo đến lạnh lùng - Cậu thấy đấy, mình già rồi, bệnh tật sắp chết rồi! Nhưng trước khi chết, mình vẫn sống y như cậu vậy. Ðừng băn khoăn vớ vẩn gì cho mình nghe chưa!

   Ngày hai buổi đều đặn, tôi bắt buộc phải đi dạo, để tập luyện đôi chân. Tay chống chiếc gậy hèo nho nhỏ, tôi tập tễnh đi quanh sân trại. Rồi tiến dần lên, đi ra ngoài cổng trại, đến tận đầu mút mỏm đồi hơi nhô ra - nơi đó có cây long não già, cao vút, tán lá xanh nõn nà, những phiến lá lăn tăn lúc nào cũng gợn sóng lên, như vẫy gọi. Ðứng dưới gốc cây long não, có thể nhìn thấy con đường dốc lượn dưới chân đồi, những khe đất xanh rì cây dại và xa hơn, thấp thoáng một xóm nhỏ, lưa thưa rặng tre với vài chục nóc nhà. Có một cô gái từ nơi xóm nhỏ vẫn thường đến đây cắt cỏ. Lần đầu tiên trông thấy tôi, cô nói ngay: "Cháu chào chú. Chú vừa mới đến trại hẳn?". Giọng cô tỏ ra hết sức thân thuộc với nơi này. Dần dà, cô chú ý đến tôi hơn. Cho đến một hôm cô thấy tôi đi khập khiễng, tay chống gậy, mặt tái nhợt và luôn luôn nhăn nhó, cô ngạc nhiên hỏi tôi: "Chú đau chân à?". Tôi vỗ nhẹ lên bắp đùi bên trái, tiết lộ với cô rằng ở trong đó, giữa hai ống xương bị gẫy, có cái nẹp và những đinh ốc bằng kim loại. Cô gái tròn xoe mắt, hấp tấp nói: "Tại sao lại như thế hả chú?". Tôi kể cho cô nghe những gì tôi đã trải quả. Cô rùng mình, nhìn tôi chăm chú rồi bật kêu lên:

   - Trời ơi, tai nạn như thế mà chú còn sống được thì tài quá!

   - Nào tôi có tài giỏi gì đâu! Trước hết, tôi sống được là nhờ bệnh viện, nhờ các bác sĩ. Và sau hết, có lẽ là... là... vì tôi còn quá nhiều ràng buộc với cuộc đời này chăng?

   ý nghĩ về sự ràng buộc đột nhiên lóe sáng trong đầu tôi, chính vì cái vẻ tò mò không che giấu, sự hồi hộp, lo lắng pha chút trẻ thơ của cô gái cắt cỏ hoàn toàn xa lạ, thoắt trở nên gần gũi đối với tôi. Cô ngồi dưới gốc cây, xế trước mặt tôi, chiếc liềm cắt cỏ để bên chân. Bàn chân cô thô nhám, với những ngón chân hơi ngắn và những vết nứt li ti quanh gót, hoàn toàn trái ngược với đôi bàn tay thon dài, khuôn mặt xinh xắn, vầng trán cao vừa phải nhờ những sợi tóc che lòa xòa. Cô bé nhỏ, dịu dàng và nghiêm nghị, vừa trẻ lại vừa già so với lứa tuổi cô... Bỗng cô nói với tôi, vẻ như chẳng ăn nhập vào đâu hết:

   - Chú ơi, giá như bố cháu còn sống, bố cháu gặp chú, trò chuyện với chú, chắc bố cháu vui lắm!

   Tôi không hiểu điều cô gái nói, chỉ cảm nhận nó như một nỗi niềm, một lời an ủi. Nhưng cô gái không dừng lại ở đó, cô cầm cái liềm, bổ nhẹ mũi liềm xuống nền đất sỏi, làm vài viên sỏi bị văng đi, tóe lửa và cứ thế, cô vừa bổ nhẹ mũi liềm, vừa hăm hở nói:

   - Chú có biết vùng đồi này trước đây là một vùng như thế nào không? Một vùng hoang vắng, khô cằn, chỉ có nắng và bụi. Và chú có biết muốn lập nên làng xóm, sinh sống được ở đây thì cần gì không? Cần có nước! Không phải cháu định giảng giải cho chú đâu. Cháu chỉ muốn kể cho chú nghe về bố cháu... Nhưng trước hết, cháu hỏi chú, chú đã bị khát bao giờ chưa - khát cháy họng, rã rời chân tay, mắt mờ đi, ngạt thở? Hồi gia đình cháu, cùng với một số bà con từ dưới xuôi lên đây khai hoang, cháu còn bé tí, cháu đã bị khát như thế. Cháu sợ cái khát quá, ban đêm cháu ngủ, toàn mê hoảng. Cháu thấy một con quỷ, bụng nó to khủng khiếp và nó cứ lượn quanh cháu, cái bụng lắc lư, nước trong bụng nó kêu óc ách. Cháu kêu thét lên, ôm choàng lấy cổ bố cháu. Bố cháu hỏi: "Con làm sao thế?". Cháu nói quấy quá: "Không, con không làm sao..." nhưng rồi lại bật ra: "Con chỉ muốn uống nước thôi". Thế là bố cháu đi tìm nước. Thoạt đầu mò mẫm cứ thấy chỗ nào thấp, đất hơi mềm, lưa thưa cỏ mọc là bố cháu đào giếng. Ðào cho cả xóm, cả làng. Bố cháu đã đào hàng trăm cái giếng. Hàng trăm cái, cháu nói không ngoa đâu. Bởi vì có vô số giếng bố cháu đào, cứ sang mùa khô là nước biến đi đâu hết sạch. Những cái giếng chết. Bố cháu đi lại quẩn quanh giữa những cái giếng chết ấy, vò đầu bứt tai, nhìn ngắm rồi lại đi tìm một sườn đồi khác và lại đào... Ban đầu, mỗi khi bố cháu đào giếng, cần có một người phụ, đứng trên cao kéo những sảo đất từ dưới sâu lên. Về sau bố cháu đào một mình. Một mình cúi lom khom dưới cái đáy hang thăm thẳm, dùng cái xẻng ngắn cán hất từng xẻng đất qua vai, đất bay lên rơi lộp bộp trên nền cỏ... Lúc bấy giờ bọn trẻ con chúng cháu thường chơi quanh quẩn bên chỗ bố cháu đang đào giếng. Cái hình ảnh đất cứ tự dưng từ đâu đó bay lên, đã khắc sâu vào trí nhớ của cháu đến mức, cho đến bây giờ, mỗi khi đi cắt cỏ, cháu khát, cháu ngó quanh tìm nước là lại thấy nó  hiển hiện. Mẹ cháu thỉnh thoảng cũng mơ thấy như thế. Và mỗi lần tỉnh dậy, mẹ cháu lại khóc. Chú có biết vì sao không?

   Tôi im lặng.

   - Là vì, suốt thời gian bố cháu lăn lóc với việc đào giếng, mẹ cháu là người rầy la bố cháu nhiều nhất. Cái xóm khai hoang của cháu chỉ có một nhúm gia đình, đã phải chuyển dịch loanh quanh qua bao nhiêu đồi. Nhiều nhà bỏ về. Mẹ cháu, nghe mấy bà bạn rủ rê cũng muốn bỏ về. Nhưng mà vướng bố cháu. Mát mẻ, hờn dỗi chán chê không được, cuối cùng mẹ cháu nổi đóa lên, la hét vào tận mặt bố cháu: "Ông không sinh ra ở cái đất chó ăn đá, gà ăn sỏi này, có cái gì ràng buộc ông mà ông cứ phải hì hục đào ngoáy quanh năm suốt tháng như thế?". Bố cháu không nín nhịn được, cũng la lên: "Mọi cái ràng buộc tôi, mà cũng chẳng có cái gì ràng buộc tôi! Bà đã lý sự với tôi thì tôi trả lời bà thế đấy! Nhưng thôi, tôi không lý sự, tôi van bà, bà hẵng để cho tôi đào nốt cái giếng này, cái giếng mà tôi đoán chắc với bà nước mạch phải đầy ắp!". Bố cháu đã dùng mưu mẹo như thế đấy, để tiếp tục đào cho đến cái giếng thứ một trăm.

   ... Buổi sáng hôm ấy tôi về muộn. Trong phòng, Vĩnh đang đứng trước khung cửa sổ mở rộng tập thở theo phương pháp dưỡng sinh. Nghe tiếng động nhẹ nơi cửa ra vào. Vĩnh quay lại:

   - Lại ra chỗ gốc cây long não, nói chuyện lẩn thẩn với cô bé cắt cỏ, hử?

   Tôi bỗng trở nên bồng bột, khoe ngay với Vĩnh rằng, hôm nay tôi không chỉ hỏi cô bé những câu lẩn thẩn mà ngược lại, chính cô bé đã trò chuyện với tôi về gia đình cô, về người cha đã khuất của cô. Cô đã thành mối dây liên lạc giữa tôi với cuộc đời rộng lớn, khiến tôi có thể hòa nhập trở lại, vào cuộc đời ấy. Tôi còn khoe thêm với Vĩnh rằng, nhờ cô gái mà tôi biết, dưới xóm nhỏ của cô, có những nhà đã trồng được cả cam, giống cam rất quý, lần đầu tiên du nhập được vào vùng này. Tôi đã gửi tiền cô gái, nhờ cô mua cho ít trái cam.

   - Cậu khá hơn mình đấy! Mình vốn là lính trinh sát, lại lên đây trước cậu, vậy mà mình chẳng hay biết gì cả!

   Vĩnh vừa tiếp tục bài tập dưỡng sinh vừa nói, vẻ bâng quơ:

   - Tôi tưởng ông giễu cợt tôi, giễu cợt  cái chú bé con đang sống trở lại dưới cái bỏ bề ngoài người lớn, là tôi. Nhưng những sự việc xảy ra sau đó đã cho tôi thấy là tôi lầm...

***

   Sau đó, tôi không gặp cô gái cắt cỏ. Có thể là cô bận việc gì, cũng có thể do thời tiết xấu, cô không muốn đi xa. Mà thời tiết xấu thật: chẳng ra nắng cũng chẳng ra mưa, bầu không khí nặng nề, ẩm ướt, lúc thì oi bức, lúc ớn lạnh đến rùng mình. Vĩnh thở rất khó khăn, ông nằm gần như suốt buổi trên giường, nghiến răng chịu đựng những cơn đau và thiêm thiếp ngủ. Tôi cũng chỉ dám đi dạo loanh quanh, dọc theo hành lang mấy dãy nhà. Cuối cùng không sao chịu đựng nổi cơn nhức nhối từ bắp đùi bên trái lan ra khắp thân thể, tôi đành quay về phòng nằm ngủ thiếp đi... Lúc đó là buổi chiều. Một tia nắng xế, lọt qua khe cửa sổ, chiếu chếch vào mặt Vĩnh khiến ông tỉnh dậy. ấy là sau này tôi nghe Vĩnh nói lại chứ lúc ông khẽ gọi tôi, tôi bừng mắt thì Vĩnh đã mở tung cửa sổ và mắt tôi bị chói lòa trước một khung trời đỏ rực.

   - Mình vừa mơ một giấc mơ thật lạ lùng... - Vĩnh giữ tôi ngồi trên giường, còn ông kéo chiếc ghế nhỏ, ngồi sát đầu giường tôi, ông nói vội vã như có cái gì sợ bị quên - nhưng trước hết mình muốn biết, cậu có hay mơ không đã? Cậu thường mơ thấy gì?

   - Tôi không hay mơ. Còn trong mơ, bên những cảnh và người hết sức thân quen, thường xen vào những chuyện xa lạ, kỳ quặc, không có đầu đuôi mạch lạc và nói chung là chẳng có nghĩa gì hết!

   - ừ, ừ... những giấc mơ, nói chung là chẳng có nghĩa gì hết! - Vĩnh nheo mắt nhìn tôi buông một câu lơ lửng, sau đó ông bỗng khoát tay, nói chậm rãi - Nhưng có điều gần đây, mình thường hay mơ thấy một cảnh tượng cứ lặp đi lặp lại. Mình mơ thấy lửa, ngọn lửa bốc cao như một đám cháy lớn và mình vùng vẫy ở trong đó. Không lần nào ngọn lửa thiêu cháy được mình. Nhưng lần nào tỉnh dậy, mồ hôi cũng toát ra ướt đẫm lưng áo mình và ruột gan mình cứ bị nung nấu cồn cào lên. Mình chập chờn nghĩ, có lẽ trong suốt cuộc đời mình, mình đã cảm nhận được một điều gì đó, nó ẩn giấu quá sâu và bây giờ nó nung nấu ruột gan mình. Tuy nhiên, mình cũng không dám chắc. Thế rồi, bỗng dưng có một người khách đến thăm mình. Một cô bé. Cô bé xuất hiện trong phòng lúc nào, bằng cách nào mình không biết. Chỉ biết cô đứng sát bên đầu giường mình, im phắc, đôi mắt nhìn đăm đăm. Mình không nhận ra cô bé đó là ai. Ðồng thời, có một ý nghĩ bướng bỉnh cứ khăng khăng cãi lại rằng, nhất định mình biết cô ta là ai. Mình đưa tay ra, chơi vơi, định nắm lấy tay cô bé, dìu cô ta ngồi xuống chiếc ghế nhỏ vẫn kê ở gần đấy. Nhưng không nắm được. Hình ảnh cô bé gần gũi, rõ ràng đến như thế mà như mờ ảo, xa vời, chỉ có đôi mắt cô đăm đăm nhìn mình là không xa vời chút nào. Có vẻ cô hơi cúi xuống nhìn mình, khẽ nói câu gì đó rồi cô nhấc cái làn vẫn để bên chân, đặt lên mặt chiếc bàn nhỏ kê sát đầu giường mình những trái cây gì đó, giống như là những trái cam... Mình tỉnh dậy vì vệt nắng xuyên chếch qua khe cửa sổ, rọi thẳng vào mắt mình. "Hóa ra là mình mơ", mình lần ra mở cửa sổ, bụng nghĩ vậy nhưng đúng lúc căn phòng bừng sáng, mình quay lại nhìn thì thấy trên mặt chiếc bàn con kê sát đầu giường mình có cả chục trái cam. Thật lạ lùng. Cậu có tin câu chuyện lạ lùng này không?

   Tôi không biết trả lời Vĩnh ra sao. Ðiều đó làm ông phật ý, ông nhích ghế, hơi né người để tôi nhìn cho rõ những trái cam bày trên đầu giường ông. Rồi ông với tay, lấy một trái cam, bàn tay ông xòe ngửa, dứ trái cam vào sát mặt tôi, như thách thức:

   - Hãy xem, có đúng là cam không nào?

   Ðó là trái cam đích thực. Trái cam đầu mùa, vỏ mỏng và căng, múi mọng. Chưa chi tôi đã cảm thấy vị thơm ngon đích thực của múi cam thấm đậm nơi đầu lưỡi và tôi nghĩ, câu chuyện này thực ra cũng đơn giản: chắc chắn có một cô bé thực đã mang những trái cam tới đây và việc tìm ra cô bé ấy cũng không đến nỗi khó khăn gì. Nhưng tôi không dám nói ra, không dám tranh cãi với Vĩnh. Tôi linh cảm thấy rằng, đằng sau chuyện này có chứa đựng một câu chuyện khác...

   Tôi ngập ngừng giây lát rồi đánh bạo thăm dò bằng cách cố tình làm ra vẻ thờ ơ:

   - Thôi hãy tạm gác chuyện giấc mơ của anh lại. Anh kể cho tôi nghe một chuyện gì đó không dính dáng đến mộng mị thì hơn. Chuyện gì cũng được!

   - Biết chọn chuyện gì không dính đến mộng mị được nhỉ? Mình già rồi mà, thành ra nhiều chuyện lắm... - Vĩnh trầm ngâm, sau đó ông bỗng phẩy tay, nói quả quyết - Thôi được, để mình kể chuyện này. Chuyện một cô bé... Cách đây ba mươi sáu năm, năm ấy mình hai mươi mốt tuổi, là lính trinh sát thuộc một đơn vị hoạt động độc lập, thường phải vượt vành đai trắng, vào sâu trong lòng địch. Mình bị địch bắt trong đêm vượt vành đai, vấp phải ổ phục kích của chúng. Chúng giải mình về bốt, giam dưới hầm ngầm, tra tấn mình bằng đủ mọi ngón đòn hiểm ác, vẫn không moi được ở mình một lời khai nào. Thấy mình đã hoàn toàn kiệt sức, tên đồn trưởng đem thả mình xuống cái giếng hoang ở rìa bãi hoang, sát chân rào dây thép gai, phía sau bốt. Mình bị chìm nghỉm dưới làn nước đen ngòm, hôi thối, đặc quánh những rong rêu và cỏ rác mục. Mực nước trong lòng giếng không sâu lắm; vả lại, do bản năng sinh tồn, mình giãy đạp, quờ quạng một lúc thì bíu được vào một khe lõm bên thành giếng, hếch mũi lên thở. Mình hồi sức lại dần và thấy ô trời tròn xoe phía trên cao, cao vút, cái ô trời sao mà thăm thẳm, xanh trong, sạch sẽ và thuần khiết đến thế. Có thể mình nhìn thấy, cũng có thể mình chỉ mơ thấy chăng? Rồi đêm xuống, mình sực tỉnh và cảm thấy khát cháy họng, vội bíu vào thành giếng, leo lên. Nhưng cái thân xác mình lúc này nặng khủng khiếp, nó kéo mình rơi tõm xuống, chìm vào tối tăm và hôi thối, miệng sặc nước, chân ngập trong bùn. Cứ mỗi lần cố leo lên lại thêm một lần chìm sâu hơn xuống đáy giếng. Xuống tới tận cùng. Mình quẫy chân, chạm được vào một vật gì tròn cứng, vội tỳ lên nó. Nhưng nó cứ trượt đi. Chân mình lại sục tìm... Thế rồi, cậu có biết thế nào không, mình đã tìm thấy dưới lớp bùn sâu đáy giếng chồng chất những xương người; những xương sọ trơn nhẵn, những ống xương chân, xương tay còn rắn chắc hoặc đã mủn gẫy. Xương của các đồng đội, đồng chí từng đi trước mình. Và bây giờ đến lượt mình... Không, mình không thể chết, mình phải leo lên, phải thoát khỏi cái lỗ huyệt lộ thiên không lấy gì làm sâu lắm này. Nhưng cũng rõ ràng là mình không thể nào leo lên, không thể nào thoát ra được. Nỗi tuyệt vọng và niềm ham sống giằng co dữ dội trong con người mình và giây phút  đó mình thấy từ ô trời đêm nghiêng xuống một khuôn mặt quỷ có sừng và với hai răng nanh thò dài ra, nhọn hoắt; con quỷ biến đi, thay vào đó là khuôn mặt tên đồn trưởng mắt sâu, râu rậm rồi tên đồn trưởng lại biến đi, thay vào đó là con quỷ... Nhưng dù biến đổi thế nào, cái khuôn mặt gớm guốc ấy vẫn chung một nụ cười giễu cợt khiến mình uất ức đến mức máu mũi mình trào ra. Mình còn đủ tỉnh táo quệt máu vào lòng bàn tay, thấy nó mầu đen đặc quánh và mình áp bàn tay vào thành giếng, tưởng chừng như bàn tay mình dính chặt vào đó chính là nhờ máu... Có thể nói, mình đã sống, trong cái tư thế chết, không biết kéo dài bao lâu. Bỗng có cái gì động đậy, khẽ cọ sát vào mặt mình. Mình quờ tay, nắm lấy cái đó. Thế rồi đầu óc mình bừng tỉnh, mình nhận ra cái đó là một dây chão lớn, dòng từ trên miệng giếng xuống. Nơi tận cùng sợi dây chão buộc sẵn một vòng tròn nhỏ, mình lồng chân vào vòng chão, cố dướn người lên, hai tay níu chặt. Sợi dây chão nặng nhọc kéo mình lên, từng nấc một... Bấy giờ đêm đã khuya, mình đứng bàng hoàng trên mặt đất, thấy lờ mờ trong bóng tối một dáng người bé nhỏ và tiếng nói phào bên tai mình, như gió thổi: "Anh bộ đội, anh đi theo em!". Mình theo cái bóng bé nhỏ luồn qua hàng rào dây thép gai, bò len giữa những bụi gai rậm, đến một hõm đất được che phủ kín đáo bằng cành cây và rất nhiều cỏ khô. Mình ngồi tựa lưng vào vách sau hõm đất, hít thở hơi đất ẩm và mùi cỏ khô ngai ngái, đầu óc tỉnh táo dần trở  lại và bấy giờ mình đã nhận ra người cứu mình là một cô bé gầy gò, yếu ớt, gần như mỏng manh. Cô bé ngồi ngoài cửa hõm đất, rõ rệt mà nhòe lẫn giữa đám cành cây và cỏ. Mình khẽ nói: "Này cô bé, em là ai, sao em lại cứu tôi?". Cô bé chống tay, hơi nhoài người về phía mình, tay kia rờ rẫm tìm khuôn mặt mình, ấp lòng bàn tay lên trán mình - bàn tay cô bé lạnh giá, run bần bật và giọng cô cũng run như thế: "Anh bộ đội, chuyện của em dài lắm. Anh hãy cứ nghỉ cho lại sức hẳn đi!". Mình im. Vì mình hiểu rằng chính cô bé cũng đang cần nghỉ, cần bình tĩnh lại...

   Vĩnh ngừng, khuôn mặt ông tái nhợt vì xúc động và vì cơn đau đột ngột nổi lên. Ông khẽ lúc lắc đầu, miệng hơi há ra, bàn tay xương xẩu của ông túm chặt lấy ngực áo, khẽ giật giật, vẻ không bình thường. Tôi vội vàng nói:

   - Anh làm sao thế, anh Vĩnh?

   - Không, không sao cả! Cái khối u quái ác trong ngực mình chưa làm gì nổi mình đâu. Mình sống dai lắm... - Vĩnh nín thở, rồi sau đó ông thở một hơi dài, như thổi một cái gì vướng mắc ở trong ngực ông cho nó bật ra - Suốt cuộc đời hoạt động của mình, mình đã từng chết đi sống lại nhiều lần, bắt đầu là lần bị thả xuống cái giếng hoang rồi được một cô bé cứu thoát, như cậu thấy đấy. Mà cô bé đó là thế nào, cậu biết không ? Cô bé mồ côi, bị tên đồn trưởng bắt vào đồn, chăn bò cho nó. Tên đồn trưởng này vốn là quản lý đồn điền cho thằng chủ Tây. Cái đồn điền xưa kia chiếm cả một vùng đồi, rộng mênh mông, nay là vùng đai trắng. Ngôi biệt thự của thằng chủ Tây hoang phế đã lâu, nay được xây lại thành đồn bốt và tên đồn trưởng vừa chỉ huy lính đi càn vừa nuôi mộng ông chủ đồn điền tương lai, hắn dựng lên phía sau bốt cả một dãy chuồng bò... ở trong cái hõm đất được che phủ kín đáo bằng cành cây và cỏ khô mà cô bé chăn bò giấu tôi vào trong đó, cô kể cho tôi nghe rằng, trước tôi, đã có ba mươi tám người, trong đó có một phụ nữ, bị chết dưới đáy giếng hoang. Họ đã lần lượt chết, còn cô bé thì ngày càng bị ám ảnh, bị day dứt bởi cái ý nghĩ, cô rất có thể cứu được họ. Cô tính toán một kế hoạch, ngầm chuẩn bị mọi thứ: sợi dây chão, cái khe hở nơi hàng rào, con đường rút chạy và hõm đất ẩn trốn... Nhưng những người bị ném xuống đáy giếng hoang vẫn cứ tiếp tục chết. Cho đến lượt tôi, người thứ ba mươi chín... Cô bé, lúc bấy giờ đã ngồi sát bên tôi, nơi tận cùng hõm đất an toàn. Cô kể về những người đã chết - hình ảnh cái chết dưới đáy giếng hoang dường như mách bảo cô, về cái chết của bố mẹ cô mà thực ra lúc đó cô còn quá nhỏ, cô không hay biết một tý gì. Cô khóc tấm tức. Tôi phải giấu tiếng khóc của tôi khe khẽ nói: "Em bé ơi, nhưng mà cuối cùng có một người đã sống lại được, nhờ em. Thôi, em đừng khóc nữa!". Cô bé có vẻ dịu đi được đôi chút nhưng chỉ giây lát sau, cô bỗng quay sang tôi, giọng đột ngột trở nên gay gắt: "Anh bảo em đừng khóc, sao anh khóc? Nào, anh hãy trả lời em đi?". Giọt nước mắt có bao nhiêu nghĩa. Nếu cậu ở vào địa vị mình lúc đó, cậu sẽ trả lời cô bé ra sao? Cậu hãy nói trước đi! Nói đi! Nào...

   Vĩnh hỏi và thúc giục nhưng không có vẻ gì chờ đợi nghe tôi trả lời. Ông sống trọn mình trong hồi tưởng và đã đến lúc ông không thể gắng gượng được nữa. Bàn tay ông run rẩy đưa lên, nắm chặt lấy ngực áo, đôi mắt đờ ra. Tôi vội dìu ông đứng dậy đưa ông về giường nằm.

Những ngày tiếp theo, Vĩnh bị đau luôn. Bác sĩ phụ trách khu an dưỡng phải cử người về tận bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội, đem thuốc lên, vừa tiêm cho Vĩnh, vừa bắt ông uống đủ loại thuốc bột, thuốc viên, đều đặn hàng giờ. Vĩnh không muốn phiền các thầy thuốc, ông thường tuyên bố rằng, cứ sau mỗi lần tiêm hoặc uống thuốc, ông đều thấy dễ chịu hơn chút ít. Chỉ có tôi là người chứng kiến đến tận cùng nỗi đau đớn âm thầm, dai dẳng của ông. Ông thường nhờ tôi xuống nhà bếp lấy nước sôi, thay nước trong túi chườm và ông nằm co quắp, luồn cái túi chườm vào tận bên trong ngực áo, khiến da ngực ông phồng rộp cả lên. Nhưng ông vẫn cố tỏ ra bình thản. Chỉ cần cơn đau dịu đi một chút là ông lại bảo tôi: "Mình sắp ngủ được rồi. Cứ để yên cho mình ngủ. Còn cậu, cậu hãy đi ra ngoài, tập luyện đôi chân của cậu đi!". Con người Vĩnh thật lạ, ở ông luôn luôn toát ra một uy thế tinh thần thế nào đó, buộc tôi không thể cưỡng lại ông.

   Tôi đi ra ngoài nhưng chỉ quanh quẩn qua lại từ khu vườn hoa nhỏ trước sân tới cổng trại. Bầu trời xanh trong, con đường đồi, những sườn cỏ pha nắng chiều dìu dịu... tất cả vẫn hấp dẫn tôi như ngày nào mới tới nhưng cũng vì thế, tâm trí tôi càng không sao dứt ra khỏi những cơn đau của Vĩnh. Tôi đâm ra ngơ ngẩn, dường như vừa tỉnh lại vừa mơ thấy những cơn đau của chính mình. Bỗng nghe một tiếng gọi nhỏ: "Chú Ðàm!". Tôi giật mình quay lại thì thấy cô gái cắt cỏ tôi thường gặp dưới gốc cây long não, đã theo sát sau tôi từ lúc nào. Hôm nay cô không đi cắt cỏ. Cô mặc đẹp và trang nhã, tay xách làn, úp ngoài cái làn là chiếc nón trắng tinh. Trông cô lớn hẳn lên, tươi trẻ, duyên dáng và nét mặt cô có vẻ ngượng ngùng, bối rối thật lạ lùng. Cô vừa vuốt tóc vừa líu ríu nói:

   - Cháu vừa vào đến cổng thì trông thấy chú. May quá... chú có thể ngồi đây với cháu một lát được không?

   Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế dài, ken bằng thân gỗ đơn sơ, chân ghế chôn trong đất, dưới bóng mát hàng cây xế bên cổng trại. Cô gái đặt cái làn nơi đầu ghế, úp cái nón lên trên, đầu cô nghiêng nghiêng, chăm chú nhìn tôi:

   - Chú khỏe không? Bên chân đau của chú thế nào?

   Tôi dùng đầu gậy cời lên một viên đá rồi co chân, hất nó ra xa. Cô gái cười vui:

   - Cháu mừng chú. Nhưng cháu vẫn không sao quên được cái nẹp với những đinh ốc bằng kim loại nằm trong xương thịt con người - cô chớp mắt rồi bỗng nói - chú nhận được những trái cam cháu gửi cho chú rồi chứ?

   Tôi không biết trái cam nào nhưng vẫn cứ gật đầu:

   - Cảm ơn. Tôi đã nhận được đủ cả.

   - Hôm ấy cháu bận, con em gái cháu nó đem cam lên đây thay cháu. Về nhà, nó kể lại rằng, nó hỏi thăm cô y tá trực, vào được đúng phòng chú. Nhưng trong phòng có hai chú, mà cả hai chú đều ngủ. Một chú quay mặt vào trong tường. Còn chú nằm giường bên, quay mặt trở ra. Chẳng biết chú nào là chú Ðàm, nó đánh liều đến gần chú nằm quay mặt trở ra. Nó thấy chú ấy gầy khô, nét mặt nhăn nhó, thở nặng nhọc. Nó định gọi, nhưng lại sợ. Thế rồi chú ấy bỗng mở mắt ra, bàn tay quờ quạng về phía trước, miệng mấp máy như định nói câu gì. Nó cúi xuống, nghe nhưng không thể nghe rõ câu gì. Hóa ra là chú ấy mê. Nó bối rối quá, vội để những trái cam nó mang theo lên mặt chiếc bàn con kê sát chỗ nó đứng rồi rón rén đi ra... Cháu nghe con em gái cháu kể lại như thế, cháu băn khoăn quá. Nhỡ như nó lầm...

   - Thì tôi chả vừa nói tôi đã nhận được đủ cả rồi là gì! - Tôi ngắt lời cô gái.

   - Vâng! - Cô gái cúi đầu, vẻ ngoan ngoãn - Nhưng như thế cháu lại càng băn khoăn hơn. Băn khoăn cho sức khỏe của chú. Chú ngủ trong đau đớn và mê sảng... Bây giờ thì cháu mừng quá! Con người ta sống thật không dễ mà chết cũng không dễ một chút nào, có phải thế không chú?

   Tôi im lặng; thốt nhiên, cái hình ảnh tương phản của đôi bàn tay thon nhỏ, mềm mại và đôi bàn chân to bè, đầy vết nứt nẻ của cô gái lại đập vào mắt tôi. Nhưng cô không để ý đến điều đó, vẫn chậm rãi nói:

   - Cháu nghĩ như vậy vì mẹ cháu... Chú thử tưởng tượng đời một người đàn bà góa bụa, bìu ríu hai con nhỏ, ở một nơi hoàn toàn xa lạ... Mẹ cháu không có đủ sức lực và quyết tâm như bố cháu, đào hàng trăm cái giếng - hàng trăm cái và bỏ đi phần lớn, rút cục chỉ nhằm cắm cho bằng được cái xóm nhỏ hơn hai chục nóc nhà, cho nó tỏa rễ ra một mảng sườn đồi. Nước có rồi. Nhưng cái ăn vẫn thiếu, tre pheo với bóng cây vườn lại càng thiếu hơn. Lúc bấy giờ cháu mới lên mười, tuy chưa hiểu gì nhưng đã biết thương mẹ cháu lắm. Ðêm đêm rúc đầu vào nách mẹ, cháu tỉ tê: "Mẹ ơi, hay mẹ con ta về xuôi, ở dưới đó còn có bà ngoại với các dì...". Mẹ cháu nuốt nước mắt: "Về làm sao được hở con! ít nhất thì mẹ con mình cũng phải chờ ba năm nữa, mẹ lo xong việc thay áo cho  bố con...". Rồi thế nào, chú biết không? Những năm sau đó, ba mẹ con cháu vừa làm lụng tất bật, hết việc hợp tác đến việc nhà để cho có cái ăn, lại vừa hì hục xe đất màu từ dưới khe đồi lên, tôn mảnh vườn bên cạnh nhà. Cứ mỗi chiều một xe đất, đều đặn như thế, trừ những ngày mưa gió hoặc quá bận. Hai chị em cháu không đáng nói làm gì, chỉ lẵng nhẵng bám theo xe cho mẹ cháu khỏi lẻ loi. Chính mẹ cháu đã đào, xúc, cầm càng xe và gò lưng kéo, không phải hàng trăm, mà hàng ngàn xe đất... Bao nhiêu sợi chão quàng qua vai mẹ, để kéo xe, đã phải thay đi vì chúng ngấm mồ hôi, ải mục dần và đứt. Ðến bây giờ, vô số sợi chão đứt vẫn còn vắt lòng thòng trên gióng chuồng bò nhà cháu. Ðôi khi con bò háo muối, nó lại rút từng mẩu chão, nhai xào xạo. Thế là mẹ cháu lại la lớn: "A, con quái! Con quái!" vừa la vừa kéo vạt áo lên chấm mắt. Thấm thoắt, vậy mà mẹ cháu đã già rồi, mắt kém rồi.

   Những ngày trước đây, ngồi dưới gốc cây long não trên mỏm đồi cao, tôi đã nhìn thấy cái xóm nhỏ của cô gái, phía xa xa. Bây giờ thì tôi nhìn thấy cả ngôi nhà nhỏ của cô, mảnh vườn và vuông sân đầy sỏi vụn. Tôi liền phác ra cái cảnh tượng quây quần đầm ấm giữa ba mẹ con cô, với những nụ cười, tiếng bò nhai cỏ, tiếng lợn kêu và đàn gà tranh ăn tíu tít...

   - Rồi sao nữa? - Cô gái nheo nheo đuôi mắt, hơi hếch cái cằm thon nhỏ, vẻ như khiêu khích trí tưởng tượng của tôi.

   - Rồi cô sẽ đi lấy chồng. Một anh chồng thật tốt nết, nhà ở ngay trong xóm, hoặc nhà anh ta xa thì anh ta sẽ đến ở rể. Còn cô chắc chắn là rất mắn con. Chẳng bao lâu, bà cụ sẽ có một đàn  cháu ngoại...

   Cô gái bỗng phá lên cười ngặt nghẽo. Tiếng cười làm tôi ngơ ngác.

   - Cháu buồn cười quá! Là vì, mẹ cháu cũng thường hay vẽ ra cái cảnh mai sau vui vẻ, y như chú ấy. Nhưng chú biết thế nào không? Một hôm, có một chiếc ô-tô đỗ lại ngoài đầu xóm, nhóm công nhân đi áp tải gỗ tìm vào nhà cháu, xin thổi cơm nhờ. Bọn họ cứ như giặc ấy, làm náo loạn cả lên. Một anh chàng trong bọn bảo cháu: "Này cô bé, vào trong chân núi trồng rừng với bọn anh đi. Bọn anh là một lũ chuyên phá rừng đang cần có người trồng rừng mà tìm mãi chưa ra!". Cháu ức quá, liền nói: "Cái mặt anh còn non choẹt, sao dám gọi tôi là cô bé?  Mà anh với tôi có quen biết gì nhau!". Anh chàng đáp lửng lơ: "Thì thôi, tôi sẽ gọi cô là cô bạn vậy... Này cô bạn, cô có bao giờ để ý đến đàn kiến không? Kiến ở khắp nơi và cứ đi lại tất bật khắp nơi. Con người ta cũng như kiến ấy, người ở khắp nơi và cũng cứ đi lại tất bật khắp nơi, trên mặt đất này. Con người gặp nhau tuy không cụng đầu như kiến nhưng lại biết nhìn nhau. Chẳng hạn như tôi đang nhìn cô bạn, cô bạn thấy thế nào?". Anh chàng tán cứ như gió ấy... Nhưng thôi, cháu có chút việc bận, cháu phải đi ngay bây giờ...

   Cô gái đột ngột nhấc cái làn cô vẫn giấu dưới chiếc nón úp nghiêng, lấy trong làn ra một cái  túi ni-lông mỏng, trong đựng những trái cam. Cô giúi cái túi vào tay tôi. Tôi định nói một câu gì nhưng cô gái lập tức buộc tôi phải câm lặng, bằng cách nói thác ra rằng cô đã cầm tiền tôi gửi để mua cam, số tiền ấy cô mua chưa hết, vậy thì tôi bắt buộc phải nhận những trái cam cô đem đến cho tôi. Rồi cô đứng ngay dậy, chào tôi, đi rất nhanh theo con đường dốc lượn xuống chân đồi.

***

   Trở về phòng, tôi đặt ngay túi cam lên mặt chiếc bàn con, bên phía giường Vĩnh. Việc làm đó nảy ra tự nhiên, ngoài ý thức của tôi, dường như nó nhất thiết phải là như vậy. Không ngờ lúc đó Vĩnh nằm nhắm mắt nhưng vẫn tỉnh. Ông ngồi bật ngay dậy, khẽ hất hàm về phía tôi, giọng gay gắt:

   - Cậu vừa làm cái trò gì thế, Ðàm?

   Tôi định thanh minh nhưng Vĩnh xua tay, giọng càng gay gắt hơn:

   - Hóa ra lần trước cũng chính là cậu hả? Cậu thông minh và đã thành công  đấy. Nhưng lần này cậu lặp lại là cậu ngu ngốc. Ngu ngốc, cậu hiểu chứ.

   Cơn nóng giận của Vĩnh thật bất thường, vô lý. Tuy nhiên, đã quá quen với sự trở chứng của một người bệnh như Vĩnh, tôi đành nín nhịn và nhận tất cả lỗi lầm về mình. Tôi thổ lộ với ông rằng, mấy trái cam chẳng đáng kể gì, cái chính là tôi muốn chia sẻ cùng ông niềm vui của tôi khi tôi nhận được chúng, từ tay cô gái không quen biết. Tôi vừa trò chuyện với cô và lần này, tiếp nối với những lần trước, cô đã lôi cuốn tôi vào giữa dòng đời tuôn chảy. Tôi đã hồi sinh và cảm thấy từ trong máu thịt tôi, rằng cái dòng chảy ấy là vô cùng, đầy ghềnh thác, nhan nhản ngẫu nhiên, những khúc êm đềm  thật hiếm hoi và ngắn ngủi, đến mức ta chưa kịp thở cho khoan khoái thì những ghềnh thác mới đã lại hiện ra rồi. Cái giây phút cô gái vụt đứng lên, chào tôi rồi hấp tấp quay đi - tôi không rõ cô đi đâu, có việc gì, chỉ có thể đoán là việc ấy rất hệ  trọng đối với cô - cái giây phút ấy khiến tôi bị ám ảnh. Nghe tôi nói, nét mặt Vĩnh dịu dần, ông mỉm cười độ lượng, hướng về phía tôi:

   - Cậu thử nói rõ hơn, cậu bị ám ảnh về nỗi gì nào?

   - Về sự biến đổi - tôi ngập ngừng - về những điều mình biết và chưa biết...

   - Biết và chưa biết. Thì hiển nhiên phải vậy, nó mới là cuộc đời chứ! - Vĩnh khẽ đặt bàn tay lên ngực áo, xoa nhè nhẹ - Như mình đây, mình đã chai lì đi trước những cơn đau quằn quại, với ý nghĩ đinh ninh rằng nó không thể đứt, vậy mà nó vừa đột nhiên chấm dứt... Chà, mình thấy trong người cứ nhẹ lâng lâng. Ðể mình kể nốt cậu nghe chuyện ba mươi sáu năm về trước của mình. Mình cần phải kể, để xua tan cái cảm giác bị bứt ra, tan loãng đi khỏi mặt đất này... Cái đêm thoát tù ba mươi sáu năm về trước ấy, nói tóm tắt, mình đã cùng cô bé vượt qua vành đai trắng, tìm về được nhà bà mẹ cơ sở cũ của mình. Bà mẹ chỉ có một con trai, đã bị giặc giết, đem bêu đầu ngoài chợ. Vì thương con, bà khóc lòa cả hai mắt. Nghe tiếng tôi nói, bà nhận ra ngay. Còn cô bé, bà phải sờ đầu tóc, mặt mũi, nắn vuốt hai cánh tay, cho đến từng ngón tay - sau nhiều lần như thế, bà mới nói thong thả và rành rọt: "U tin con. Nếu con không chê u nghèo, con ở lại, u sẽ nuôi con, gây dựng cho con!". Tôi nán ở lại nhà bà mẹ ít hôm, tưởng như thế là đã thu xếp được cho cô bé ổn thỏa. Không ngờ, buổi tối sắp lên đường tìm về đơn vị cũ, cô bé cứ níu chặt lấy tôi, khóc nức nở, đòi theo tôi. Cô nói với tôi rằng, cô có thể làm cấp dưỡng, liên lạc hoặc bất cứ việc gì. Tôi càng an ủi, dỗ dành, cô càng khóc, cuối cùng tôi phải hứa với cô, sau khi tìm thấy đơn vị, tôi sẽ trở lại đón cô. Cô bé nín khóc, nhìn tôi đăm đăm, vừa như van xin vừa như quả quyết: "Không chỉ hứa mà phải thề với em đi!". Tôi mấp máy môi nhưng cô bé vội xua tay, nét mặt cô già hẳn đi, đanh sắt lại: "Anh hãy cắn vào đầu ngón tay trỏ của anh, cho tóe máu. Rồi anh nuốt những giọt máu của anh vào bụng anh đi. Nào... anh có dám thề với em theo cách như thế không nào?". Tôi vâng theo cô bé trong nỗi kinh hoàng, không phải vì tôi sợ đau đớn mà là vì cái ma lực mạnh mẽ đến dữ dằn ẩn trong giọng nói trẻ thơ, êm dịu của cô. Về sau này tôi mới dần dần hiểu ra rằng, cô bé khăng khăng níu giữ tôi, quyết không để mất tôi vì tôi, lúc đó, là biểu tượng của cả cuộc đời này, cuộc-đời-nói-chung, mà cô vừa tìm lại được... Ðơn vị tôi đã chuyển địa bàn hoạt động, rồi những trận giặc càn, những chuyến đi trinh sát mới và những trận đánh mới... Mãi một năm sau tôi mới tìm về chốn cũ, gặp lại được cô bé của tôi. Cô không còn là cô bé con gầy gò, đen đủi, rách tả tơi mà đã thành một cô gái tuy không xinh đẹp nhưng mặn mà, tươi tắn. Cô nói với tôi, ngay sau phút đầu gặp gỡ: "U chết rồi!". Tôi thắp ba nén nhang, cúi đầu trước bàn thờ bà mẹ. Rồi tôi rụt rè tin để cô biết, chuyến này cô có thể theo tôi về đơn vị, làm cứu thương hoặc sang công tác bên huyện hội phụ nữ - đoàn thể nhận đỡ đầu đơn vị tôi. Cô gái ngồi im lặng, xoắn vặn hai bàn tay rồi bỗng ngẩng lên, thảng thốt nói: "U chết rồi... Anh thử tưởng tượng, một năm trời em sống với u phải sờ tận mặt em mới nhận ra được. Sau u chỉ cần nghe giọng nói. Sau cùng, em nín thở, rón rén đến bên u, u chỉ cần thoáng ngửi thấy mùi tóc em là u biết... Căn nhà xiêu vẹo này có bàn thờ u, hơn nữa, còn có những hầm bí mật do chính tay em đào và chỉ  mình em biết. Anh có biết vì sao em dám đào hầm bí mật không? Vì những giọt máu ứa ra nơi đầu ngón tay trỏ của anh đấy...". Thế là chúng tôi chia tay nhau. Cô gái ở lại. Và tôi đi. Tôi đi suốt thời trai trẻ, cho đến tận bây giờ... Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh cô gái vừa cố định lại vừa chuyển dịch theo dòng thời gian. Tôi thường tưởng tượng cái giây phút mình hiện sống, thì ở nơi cô, cô đang sống thế nào? Chẳng hạn, lúc này đây, giá mình gặp lại cô ta, chắc cô ta đã thành bà mẹ và rất có thể một đứa con bà cũng sẽ đem cho mình những trái cam, như những trái cam này chăng?

   Vĩnh nhấc túi cam lên, nhìn ngắm rồi chậm chạp nhấc ra từng quả, bày chúng lên mặt bàn. Khuôn mặt ông đờ đẫn, vẻ như ông đã quên cơn nóng giận về việc tôi đã đặt túi cam "của tôi" lên bàn ông và ông đang chìm đắm vào một giấc mơ nào đó. Nhưng cũng không hoàn toàn như thế. Vĩnh chợt ngẩng lên, đôi mắt ông sáng lấp lánh, ông cầm một trái cam, đặt vào lòng bàn tay tôi, nói như ra lệnh:

   - Trái gì đang trong tay cậu, cậu biết không? Trái hạnh phúc đấy. Hạnh phúc bình dị, vừa nuôi dưỡng tinh thần ta, lại vừa ăn được. Nhưng chớ vội ăn ngay. Trước khi ăn, hãy tự hỏi mình, thứ trái cây này sao nhỏ và hiếm hoi đến thế, hỏi mà không hờ hững, vô tình thì hãy ăn!

   Giọng Vĩnh bỗng lạc đi, nghe khác lạ. Tôi cúi xuống tay mình. Ðến khi ngẩng lên thì Vĩnh đã ngã xuống giường, môi mím chặt, đôi mắt nhìn mơ hồ tận đâu đâu...

***

   Ngày tôi phải xa Vĩnh không ngờ đến quá nhanh. Thứ hai đầu tuần, trại an dưỡng gửi tôi về bệnh viện tỉnh để chiếu X quang và kiểm tra sức khỏe. Ðường xá không lấy gì làm xa nhưng cầu phà trắc trở, mãi sáng hôm sau tôi mới trở về được. Xe chở tôi vừa đỗ lại trước sân trại thì cô y tá từ phòng trực hấp tấp chạy ra, vẫy gọi tôi. Cô tin để tôi biết rằng, đêm qua Vĩnh đột ngột bị lên cơn đau quá nặng, trại phải đi mượn xe bộ đội, cấp tốc đưa Vĩnh về Hà Nội, gửi ông vào bệnh viện chuyên khoa vốn vẫn điều trị cho ông từ mấy năm nay. Cô đưa cho tôi một tờ giấy gấp tư vuông vắn. Tôi giở ra, thấy chữ của Vĩnh viết rất to, nắn nót, ngòi bút như xiết lên mặt giấy: "Mình đi. Ðàm ở lại mạnh khỏe. Ðừng quên mình!". Trời ơi, làm sao tôi có thể  quên Vĩnh được. Tôi cảm thấy ngột ngạt, liền quay ra cổng trại, nặng nhọc leo lên mỏm đồi có cây long não. Trước mặt tôi, phong cảnh một vùng đồi quen thuộc dường như mờ đi, chỉ còn nổi rõ con đường dốc lượn dưới chân đồi. Tôi như nhìn thấy chập chờn đâu đó - hình bóng chiếc xe bộ đội sơn mầu xanh rêu, mui bạt đã cũ, lao nhanh giữa  đám bụi cuốn mù. Thế là Vĩnh đã ra đi, im lặng và nhẹ nhàng như ngọn gió... Chợt nghe một tiếng gọi thoảng bên tai tôi:

   - Chú Ðàm!

   Tôi giật mình quay lại, thấy một cô bé tóc ngắn cũn cỡn, khuôn mặt bầu bĩnh, mắt rất to, tay cô bé cầm cái liềm hơi vung vẩy...

   - Sao cháu biết tên chú?

   Cô bé cười, để lộ  một chiếc răng cửa mọc nghiêng.

   - Lúc nãy, cháu nghe cô y tá gọi tên chú. Cháu cắt cỏ bên hàng rào mà. Gánh cỏ của cháu kia... Giá không có cô y tá thì cháu chẳng nhận ra chú đâu. Hôm chị cháu sai cháu đem cam lên cho chú, chú ngủ, cháu thấy chú già, gầy khô, râu ria mọc khiếp lên kia!

   - Dạo ấy chú đang đau. Còn bây giờ chú hết đau rồi. Chú lại được gặp cháu nữa, vui quá!

   Cô bé đứng im, để tôi nhặt những vụn cỏ vương trên mái tóc và vai áo cô.

   - Chú biết không, chị cháu lấy chồng rồi! - Cô bé bỗng nói - Hôm chị cháu mang cam lên cho chú là hôm chị cháu lên phố huyện may áo cưới đấy... Chị cháu mặc bộ đồ cô dâu đẹp lắm, nhưng mà   chị cháu ngượng, mặt cứ đỏ tưng bừng lên. Thế  rồi đến lúc họ nhà giai xin đón dâu về, chị cháu đến bên mẹ cháu, nói lí nhí: "Con xin phép mẹ, con đi..." mắt chị cháu đỏ hoe, nước mắt vòng quanh, trông thật buồn cười. Chị cháu lấy anh cháu là do hai người yêu nhau đấy chứ. Anh cháu ở lâm trường, tít trong chân núi. Chắc chị cháu sợ lúc mới về trong ấy, lạ, chú nhỉ?

   Tôi mỉm cười:

   - Cái đó thì chú chịu, chú không biết. Bao giờ cháu lớn như chị cháu...

   Cô bé rụt cổ, lưỡi hơi thè ra:

   - Eo ôi, cháu còn bé thế này, biết đến bao giờ cháu lớn bằng chị cháu mà chú đã vội nói! à, mà cháu quên, chị cháu  có dặn cháu, nếu cháu lên đây cắt cỏ, tìm gặp được chú, thế nào cũng mời chú, dẫn chú về chơi nhà cháu một buổi. Chú về được không?

   Tôi nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn nhưng cứng cáp của cô bé. Lòng tôi đinh ninh, thế nào tôi cũng đi theo bước chân nhảy nhót của cô.

1988

Cùng tác giả: Anh Keng - Truyện ngắn Nguyễn Kiên

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.