chan_dung-ke_si

Anh Keng - Truyện ngắn Nguyễn Kiên

12-01-2023

Lượt xem 4329

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

Anh Keng - Truyện ngắn Nguyễn Kiên

Anh Keng

Truyện ngắn của Nguyễn Kiên

 

Năm Keng mười tám tuổi, ông Keng bắt đầu tính chuyện hỏi vợ cho anh. Liền trong hai năm, đánh tiếng ba đám, đều không được. Các cô gái không thích Keng, còn đối với ông Keng thì các cô sợ.

Quả thực ông Keng cũng có chỗ khác người. Ðầu tóc ông bao giờ cũng để dài, tóc chờm xuống gần kín cổ áo. Còn đầu tóc anh em Keng thì trọc, cắt bằng kéo, nham nhở như lông sâu róm. Thời kháng chiến, lính Tây hay về làng sục sạo, ông bảo: làm thế để đánh lừa thằng Tây. Nhưng bây giờ thằng Tây đã cuốn xéo rồi, việc gì còn phải đánh lừa ai? Chính là vì ông kiệt. Mái gà nhà ông đẻ, ông không bán trứng ở làng, sợ chỗ thân tình phải để rẻ. Bà Keng mang lên tận chợ huyện bán. Mười chín quả trứng, mỗi quả tám xu, vị chi một đồng năm hào hai xu, người mua bớt hai xu, còn một đồng rưỡi.

- Ðồ khôn nhà dại chợ, đã lên đến trên ấy, không bán được chín xu thì thôi chứ, của thêm vào chẳng có lại có của bào ra!

Bà vợ cãi:

- Dào, hai đồng xu thì làm gì, cũng coi như là tôi uống bát nước chè tươi...

Ông Keng quắc ngay mắt lên:

- Lại còn quạc cái mồm ra nữa à? Uống bát nước nó khác, nó bổ béo vào thân mình. Ðằng này đi ném ra chỗ giời ơi đất hỡi, dễ rồi người ta ơn đời mình đấy. Nay hai xu, mai hai xu...

Bà vợ im bặt. Trong nhà này người ta đã sống quen như thế, vợ con chỉ được quyền nghe, còn ông có quyền nói. Và người ta tin như thế là phải. Thì cứ xem, nó rành rành ra đấy: không nhờ ông mưu tính, xếp đặt, thu ha hà vén thử hỏi lấy đâu ra nhà gỗ, sân gạch, bể nước như thế này?

Ðối với các con, ông Keng lại càng khắc nghiệt. Ðấy là cách biểu lộ lòng thương yêu con cái của ông: ông muốn anh em Keng sau này phải kế tục được ông, vun đắp cho cao to thêm mãi phần gia tài do ông để lại chứ không thể ăn tàn phá hại đi. Keng còn phải vác ngược bừa, sợ răng bừa chạm đất, đã suốt ngày chài chãi ngoài đồng. Hết việc đồng đến việc nhà, bố Keng ốp Keng làm đến xâm tối mắt. Lâu dần thành quen, hễ không cất nhắc chân tay là không chịu được. Ngoài cái hứng thú trong công việc làm ăn ra, anh chẳng còn hứng thú nào khác. Anh cũng chẳng cần phải lo lắng gì: ngay cả tương lai của anh, bố anh cũng đã xếp đặt sẵn cho cả rồi... Anh sống, vừa cằn cỗi như một cụ già, vừa ngây thơ như một trẻ nhỏ.

Vào hợp tác xã, Keng đứng đầu bảng lao động hạng A. Việc gì khó khăn, nặng nhọc hợp tác cũng gọi đến anh. Rồi phong trào chung lôi anh vào cuộc họp hành, học tập, tranh cãi...

- Nay họp. Mai họp. Ðể rồi xem có được thêm công điểm họp nào không? - Bố Keng cằn nhằn.

- Người ta họp kiểm điểm ông đội trưởng xui vợ tưới nước vào phân mà lại không đi à! - Keng trả lời bố, cộc lốc.

- Dào, dễ không có mày, người ta không kiểm điểm được! - Ông Keng không ưa cái thói cãi lại, nghiến răng chì chiết. - Tao còn lạ gì chúng mày, chỉ giỏi đàn đúm, đàn đúm... Liệu mà giữ lấy thân đấy, con ạ, không ai nắm tay được đến tối, gối tay được đến sáng đâu!

Càng ngày Keng càng hay cưỡng lại bố. Anh không bằng lòng cái việc bố anh cứ đi hỏi hết đám này đến đám khác cho anh. Ðúng là anh phải lấy vợ rồi, nhưng vợ anh là "đứa nào" ở làng này nhỉ? Chính điều bí ẩn đó hấp dẫn anh, đem lại cho anh nỗi lo lắng và niềm say mê riêng, bố anh không thể nào hiểu thấu được.

ở đầu xóm nhà Keng có cô Ngọ, đang tuổi dậy thì. Ngọ béo khỏe, lại khéo giữ nước da cứ hồng ửng lên và gặp ai cũng mủm mỉm cười, chẳng hiểu có ý gì. Ngọ hay diện quần lanh đen, áo sơ mi cổ cánh nhạn màu lòng tôm chật căng, trông phây phây. Keng biết bố anh không ưa gì cái vẻ màu mè của Ngọ nhưng chính vẻ màu mè ấy lại làm anh choáng ngợp. Anh vốn là người ít giao thiệp, thiếu từng trải, tình cảm bị đè nén, lòng dù khát khao nhưng chưa hề dám say mê một cái gì theo ý thích riêng, nay tình yêu bỗng cháy bùng lên... Một đêm, đi họp đội sản xuất về, Keng gặp Ngọ ở đầu xóm. May quá, chỉ có hai người. Keng bước vội lên, vấp một cái đau điếng, nhưng cũng chẳng hề gì. Anh liều hắng giọng, rồi khẽ gọi, giọng như người ngạt mũi:

- Ngọ ơi!

Ngọ dừng lại, ngơ ngác...

- Ðằng ấy... đi chơi với tớ cái đi!

- Bây giờ í?

- Khô... ông - Keng cuống lên, vì thực bụng Keng chưa dám nghĩ đến việc rủ Ngọ đi chơi ngay bây giờ.

- Mai nhá?

- ừ, mai... - Keng lắp bắp nhắc lại, như cái máy.

Ngày hôm sau, trời chưa kịp tối câu chuyện đã vỡ bung. Mấy cô gái trong xóm cứ trông thấy Keng là nhấm nháy nhau rồi vờ nói tướng lên:

- Này, đằng ấy đi chơi... ơi với tớ cái đi!

Keng nói chuyện thực, Ngọ lại đùa. Vì sao thế nhỉ? Keng ngẫm nghĩ mãi, cuối cùng anh thấy có nhẽ Ngọ đỏm dáng, còn anh cục mịch nên cô nàng không thích đi chơi với anh.

Vậy Keng phải may một bộ cánh. Việc này không thể cho bố biết được. Anh năn nỉ với mẹ, bà mẹ xiêu lòng, dúi cho anh mười lăm đồng, anh may một cái quần ka-ki và một chiếc áo sơ mi vải phin xanh Nam Ðịnh. Ðã may rồi thì phải mặc. Và bố anh làm ầm ĩ ngay lên:

- à, thằng này giỏi. Tao nuôi mày của chất cao hơn người, thử hỏi mày đã làm được cái gì báo đáp tao chưa mà tấp tểnh học đòi rồi phá của đấy hử?

Ông Keng nói ra nói vào suốt buổi chiều. Ðến tối, ông vẫn còn nói. Keng không cãi, chỉ lùi lũi trốn sang nhà bạn ngủ nhờ. Ông Keng lại càng điên máu. Bộ quần áo, dù sao Keng cũng đã may rồi, của vẫn còn đấy, thôi cũng cho là được đi. Nhưng con mà dám vượt quyền bố là không thể được. Vợ nuông con, vượt quyền chồng cũng không thể được. Bao nhiêu lời chì chiết, ông đổ cả lên đầu vợ.

Ông Keng nằm phản nhà ngoài. Bà vợ nằm trong buồng với thằng Chỉnh, cái Trình. Bà vợ nghe mệt quá đã ngủ từ lúc nào nhưng ông vẫn cứ dẫn dụ, quát nạt và lôi cả những chuyện từ hồi hai người mới lấy nhau ra mà kể lể. Hôm sau, bà cụ Tỵ bên hàng xóm gặp ai cũng líu lại, lắc đầu lè lưỡi kêu rằng đang đêm bà cụ choàng tỉnh dậy, thấy nhà ông Keng có tiếng người, đèn lại sáng, tưởng là trời sắp rạng, vội vàng quang gánh lên chợ huyện. Ðến nơi, chợ chẳng có ma nào, bà cụ ngồi gục dưới gốc đa, đánh một giấc dài...

Mỗi khi Keng diện bộ quần áo mới, Ngọ lại vờ đứng sững, nheo mắt nhìn anh và khen: "Bảnh quá nhỉ!". Keng để ý thấy cứ ngày chủ nhật lại có mấy thanh niên ở công trường về chơi nhà Ngọ. Họ diện quần tây, đi dép da, đeo đồng hồ. Keng cũng đã có một đôi dép lốp, mua từ lâu nhưng chẳng mấy khi đi nên còn mới nguyên. Anh chỉ kém cái đồng hồ đeo tay.

Vậy Keng lại phải mua một cái đồng hồ đeo tay. Lần này anh không xin mẹ nữa. Anh đi gánh gạch thuê, mặc bố mắng chửi, nhất định không đem tiền về nhà. Dành dụm ít lâu, rồi cũng mua được một cái đồng hồ cũ, mặt đã ố vàng, hai cái kim tróc cả mạ lân tinh. Có đồng hồ thì phải thạo xem giờ. Ðã có lần Ngọ hỏi giờ, anh trả lời nhầm, may mà cô ta không có đồng hồ nên không biết. Bấy giờ Keng mới thấy văn hóa mình kém quá. Bố anh có cho anh đi học mấy đâu: "Học lắm rồi nghiền chữ ra mà ăn à!" Ngọ đã học hết lớp bốn. Còn anh, trong chiến dịch bổ túc văn hóa năm ngoái mới chớm học lớp ba được dăm buổi. Phen này nhất định anh phải đi học...

Việc Keng đi học làm cho lớp bổ túc văn hóa vui vẻ hẳn lên. Số thanh niên tinh quái trong lớp từ lâu đã biết chuyện Keng và Ngọ liền xúm vào trêu anh. Keng không biết chối. Anh chỉ văng tục và đỏ mặt lên. Mọi người lại càng trêu anh tợn. Anh chạy chỗ mãi, nhưng chẳng chạy đâu cho thoát. Cuối cùng, chị cả Lạt nói:

- Anh Keng xuống ngồi đây với tôi nào!

- Keng ngồi chưa nóng chỗ, một thanh niên đã lại kêu lên.

Anh Keng ngồi với chị cả Lạt, trông đẹp đôi không kìa!

Chị cả Lạt chẳng phải tay vừa. Chị lấy chồng từ năm mười tám tuổi. Năm mười chín, chị đẻ đứa con giai, sau đó chồng mắc bệnh, ốm liền trong hai năm rồi chết. Chị làm quần quật, phụng dưỡng cha mẹ chồng, hầu hạ chồng, bú mớm cho con. Có những ngày ngắn ngủi, cơn bệnh lui đi, người khỏe khoắn ra, chồng chị yêu thương chị như người phát cuồng. Nhưng rồi chồng chị lại đổ ụp ngay xuống, rất nhanh chóng và ngày càng đuối dần đi. Còn chị thì cứ hơ hớ ra. Vô số trai làng, cả mấy ông trung niên đã có con gái lớn sắp đến tuổi gả chồng đua nhau quấy rầy chị: "Thấy cái hoa thơm, tội gì chẳng ghé mũi ngửi qua một tý!". Chồng chị nằm đó, bất lực, cứ ghen lồng lên. Thành thử, chị chịu khổ gấp đôi.

Sau khi con lớn, chị thường hay về nhà mẹ đẻ ở, cả làng đều đinh ninh chỉ ngày một ngày hai là chị đi lấy chồng khác. Nhưng đã ngót bốn năm qua, chị vẫn chẳng lấy ai, mặc dầu những chàng trai lượn quanh chị còn đông hơn trước gấp bội. ấy là vì chị sợ. Cái hạnh phúc của chị, nó ngắn ngủi quá và tàn nhẫn quá. Và do đó khát vọng về hạnh phúc của chị trở nên to lớn quá. Chị muốn người chồng sau của chị phải là người có thể bù đắp lại cho chị tất cả những gì chị đã phải chịu thiệt thòi. Chị tiến đến gần người này, rồi người khác, ngẫm nghĩ về họ và lại lùi ra xa... Người ta bắt đầu bàn tán. Có người vì không được yêu xoay ra hằn học, có người vì ghét, cũng có người chỉ là rỗi mồm nói cho vui chuyện. Ðại để, toàn những điều ong tiếng ve, chẳng hay ho gì. Ban đầu, chị hết sức buồn bực, đau khổ, nhìn ai cũng như thù địch. Sau rồi cũng quen đi, gác ngoài lỗ tai tất, có đôi lúc còn lấy thế làm vui vẻ và để đối lại những lời trêu chọc chị chỉ cười tràn.

Khi mấy anh chàng tinh quái trong lớp học gán ghép chị với anh Keng, chị cho là chuyện hết sức nhảm. Chị quay phắt về phía bọn họ, lớn tiếng nói, nửa đùa nửa tức giận:

- Bận gì đến các chú đấy? Các chú không được như người ta, các chú ghen à?

Bọn thanh niên cười ầm lên, lại càng buộc chặt hai người vào. Keng không thể chịu đựng được, phát khùng với mọi người và bảo chị cả Lạt:

- Còn nhà chị ấy, vừa vừa cái mồm chứ. Nhà chị là người đứng đắn...

Chị cả Lạt tái mặt đi vì bất ngờ. Nào đã mấy ai, trong những lúc đùa cợt lại bảo chị là người đứng đắn. Nhưng Keng nói thật hay nói mỉa mai? Chẳng lẽ Keng cũng biết mỉa mai?

Từ đấy, cứ ngấm ngầm một mình, càng ngày chị càng chú ý đến Keng.

Một hôm, hợp tác xã họp, cử Keng đánh một chiếc xe bò lên huyện chở phốt phát, cùng với hai người nữa. Chị cả Lạt nghĩ: "Hay mình thử đi một chuyến xem anh ta cầm càng như thế nào!" Liền rủ bà Thủy ngồi cạnh giơ tay xin đi.

Từ làng lên huyện xa tám cây số. Ði đã được quá nửa đường. Keng vẫn không chịu nghỉ, cứ lùi lũi, chẳng hề mở miệng. Bà Thủy đẩy xe phía sau, cùng với Lạt, cũng chẳng nói năng gì, chỉ ra công nhai trầu và nhổ toèn toẹt. Vừa nắng vừa mệt, Lạt đâm ra buồn. Tự nhiên chị lại nhớ không khí lớp bổ túc văn hóa, với những lời đùa cợt, gán ghép vô tư, đôi khi hơi sỗ sàng của bọn thanh niên. Nghĩ cho cùng, thế mà hóa ra vui. Lạt thèm có một cái gì cũng vui vui, tương tự như thế...

- Bác Thủy ơi, bác có chuyện gì vui vui kể đi nào!

- Tôi thì làm gì có chuyện vui - Bà Thủy đáp bằng một giọng uể oải - Già rồi! Bảo anh Keng ấy, anh ấy đang trai...

- Khỉ cái bà này. Cứ phải đang trai mới vui!

Lạt phát mạnh vào lưng bà Thủy, tiện đà đẩy cái xe bò lên một cái mạnh. Chiếc xe chồm tới, ván xe rung bần bật, dúi Keng về phía trước làm anh nhỡ bước, suýt ngã chúi. Keng chỉ khẽ gắt: "Dửng mỡ vừa vừa chứ!". Anh không bắt chuyện. Cũng không dám quay lại, sợ hai người đàn bà trông thấy mặt mình đang đỏ bừng lên.

- Thôi, không ai nói chuyện gì thì tôi ngủ vậy đây!

Lạt ghìm xe, nhảy lên, nằm nép vào một phía để tránh ánh nắng, chân co lại, chiếc nón lá che kín mặt và ngực. Hai càng xe trong tay Keng trĩu ngay xuống. Anh nghĩ bụng: "Cái nhà chị này thế mà nặng". Nhưng chính lúc đó, không hiểu sao anh lại thấy cái xe nhẹ tênh, kéo cứ đi băng băng.

Lạt không ngủ. Ngủ làm sao được. Chị nhỏm dậy, nhảy xuống đất:

- Bác Thủy ơi, hay là bác kể chuyện buồn cũng được. Chuyện nào buồn nhất ấy!

- Chuyện buồn thì có đấy. Dưng mà cả xóm biết cả rồi, việc gì phải kể!

- Chuyện gì thế bác? - Lạt chột dạ, vội hỏi lại.

- à, chuyện ông đội Lung!

- Thôi đi, đừng nói đến ông Lung nữa, ngứa cả ruột! - Ðột nhiên Keng quay lại, gạt đi bằng một giọng hằn học.

Lạt vui hẳn lên. Chị cười lạc cả giọng và buộc chặt ngay Keng vào câu chuyện:

- A, anh Keng giỏi, anh nói xấu sau lưng người ta nhá!

- Thì nó sờ sờ ra đấy, bánh đúc bày sàng việc gì còn phải nói xấu!

Lạt làm ra bộ ngớ ngẩn, cứ gặng dần, buộc Keng phải nói ra những nhận xét của anh về ông đội trưởng đội sản xuất Lung. Rồi đột nhiên Lạt trở nên tinh quái, bắt bẻ những nhận xét của Keng. Keng nổi nóng cãi lại Lạt, mỗi lúc một hăng, tưởng chừng như chính Lạt là người đứng ra bao che cho những chuyện tư túi của ông Lung. Giọng Keng dấm dẳn, thô bạo, nhưng anh không nói vu vơ. Chẳng hạn như chuyện ông Lung dành ruộng mượt bùn cho vợ cấy, ruộng ít cỏ cho vợ đi vơ lá dành thửa nào, ở đồng nào; chuyện ông Lung bày cho vợ gánh phốt phát bằng thúng ướt rồi đem thúng về giặt, lấy nước tưới rau là vào hôm nào, đang kỳ chăm bón cánh nào... Lạt kêu lên:

- Giời đất ơi, cái nhà anh này y như thổ công! Nói đến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Sao ở hội nghị anh cứ ngồi im như thóc, hứ?

- Tôi chẳng nói là gì! - Keng cãi lại một cách yếu ớt.

- Anh á? Có nói, toàn nhìn trộm bố, rồi nói vuốt đuôi người ta! Phen này, bác Thủy ạ, bà con ta phải bầu anh Keng lên làm đội trưởng mới được, để cho anh ấy...

Thấy Lạt vui, bà Thủy cũng hùa theo. Và Keng lại rơi ngay vào tình trạng lúng túng như sa lưới: anh không quen đùa. Nhưng dù sao cái ý kiến đột ngột của Lạt vừa rồi cũng làm Keng nghĩ ngợi. Quả là anh biết cặn kẽ mọi chuyện làm ăn trong hợp tác xã hơn Lạt nhưng anh không chăm họp hành, không hăng hái nói năng, không chú trọng đến công việc chung được như Lạt. Anh luôn luôn bị giằng co và một nỗi sợ hãi ngấm ngầm cứ bám riết lấy anh. Anh sợ bố. Vì sao sợ, anh không rõ, nhưng đúng là anh sợ. Cũng như mọi người trong gia đình anh, anh sợ...

Lượt về, còn cách làng khoảng ba cây số, trời bỗng đổ mưa rào. Nước sa trắng xóa cánh đồng. Nhìn về phía trước, chỉ một quãng ngắn, con đường đã mất hút sau những hàng mưa xiên chéo. Chiếc xe bò bị trượt một bánh xuống cái hố tát nước. Xe chở khá nặng vì ngoài số phốt phát còn mấy chục chiếc lưỡi cày cải tiến. Càng kéo, càng đẩy, xe càng lún và nghiêng đi, hai càng xe đòi bật lên làm cho hai bắp tay Keng bị giật mạnh, nhức suốt lên tận vai. Keng bám thật chắc mười ngón chân xuống bùn, lưng cong, gập hai vai nhô hẳn lên và anh nói, giọng rít qua kẽ răng:

- Bắt bánh lên!

Hai người đàn bà sợ cuống. Một ngọn gió lạnh xô tới, xé rách mảnh nilông phủ trên xe và giật cái nón Keng đội ném xuống ruộng, kéo thành một đường vòng cung dài. Lạt vội vàng đuổi theo, cướp lại cái nón, đội lên đầu cho Keng. Keng không chú ý đến cái nón. Anh ngẩng lên, môi mím chặt, đôi mắt mở trừng trừng, giận dữ, quả quyết, sáng rực trên khuôn mặt chan hòa nước mưa lạnh giá. Anh nói như quát:

- Bắt bánh nhanh lên! Ðổ mẹ nó xe bây giờ!

"Anh ấy không bằng lòng, anh ấy gắt..." Lạt nghĩ vậy với một nỗi lo âu vừa mơ hồ vừa rõ rệt. Chị vội nhảy xuống chỗ đầy bùn lỏng, cùng với bà Thủy cúi gập người xuống, chúi đầu vào cái bánh xe trơn nhầy nhụa. Nhưng chị vẫn để mắt nhìn Keng. Chị thấy anh vươn dài cổ ra, người nhoai về phía trước, chân đạp mạnh, ngón chân miết xuống bùn thành những rãnh sâu đầy nước, toàn thân căng thẳng như một cánh cung sắp bật. Và chiếc xe bắn vọt lên, nhảy chồm về phía trước.

Sau chuyến đi xe phốt phát, chị cả Lạt luôn luôn bị đôi mắt của Keng - đôi mắt giận dữ của anh lúc anh mắng chị, giữa cơn mưa - ám ảnh. Chị bàng hoàng nhận ra rằng đôi mắt đó chứa đựng một sức mạnh gì hết sức bí ẩn, chưa ai biết và chính chị cũng chưa biết rõ, chị chỉ mới cảm thấy nó thôi. Chị bắt đầu tin rằng, cái nhà anh Keng lầm lì, vụng dại thực ra không phải như mọi người vẫn tưởng... Chị đâm ra ngơ ngẩn, cứ nhớ mãi trận mưa, chỉ mong sao có dịp lại được đi như thế, anh Keng lại giận dữ với chị như thế và buổi học nào chị cũng chăm chú nhìn khuôn mặt vuông vức, gồ ghề, nhìn cái áo bạc phếch, cái lưng to rộng hơi gù xuống của Keng.

- Keng, có ai đang nhìn cậu kìa! - Một thanh niên láu lỉnh bỗng kêu lên.

- Này, tôi bảo cho nhà chú biết, nhà chú chỉ đáng tuổi em tôi thôi - Chị cả Lạt công khai thú nhận và lớn tiếng át đi - Chú đừng có lỡm!

Lạt vẫn nhìn Keng, nhưng Keng không nhìn lại. Lạt biết Keng đã bị cô Ngọ hơ hớ thu mất hồn anh rồi. Nỗi ghen tức ngấm ngầm nhói lên trong lòng chị. Chị cựa quậy người trên ghế, chấm mực một cách giận dữ rồi lại vô cớ vẩy hết mực ở ngòi bút đi.

Keng học các môn bình thường, riêng môn tính rất giỏi. Anh toàn tính nhẩm. Tính đố anh cũng nhẩm.

- Anh Keng này, anh làm tính giỏi thế, anh giúp tôi một tý với - Một đêm, sau khi tan học, chị cả Lạt trùng trình đợi Keng ở chỗ vắng, giữ anh lại và nói.

- Ngữ tôi thì giúp thế nào được chị!

- Anh sợ à? - Ðột nhiên Lạt ngẩng lên hỏi Keng.

- Không! Không đời nào! - Keng vội vàng chối.

- Thế thì anh đến đi. Anh bảo tôi cách nhẩm, còn tôi sẽ bảo lại anh cách làm nhời giải. Như thế là tương trợ... Tối mai anh đến nhà tôi nhá. Không phải nhà tôi đâu, nhà mẹ đẻ tôi ấy!

Anh ruột Lạt đi làm xa, ở nhà chỉ có bà mẹ Lạt, người chị dâu và ba đứa cháu nhỏ, thực thuận tiện cho Keng đi lại.

Nếu Keng không đến thì đúng là anh sợ bố anh rồi. Anh đã nói rằng anh không sợ. Anh là con giai. Anh đã lớn. Và công việc làm ăn chung hàng ngày đã kéo anh vượt ra ngoài bốn bức tường gia đình... Ban đầu, cứ đến lúc người nhà đi ngủ là Keng về. Càng về sau Lạt càng giữ anh ở lại khuya hơn. Trong không khí vắng lặng và thân thuộc của nhà mình, đúng là nhà mình chứ không phải ở nơi nào khác, chị cảm thấy có cái gì đó rất cũ kỹ và cũng rất mới mẻ tiến đến gần chị , nhập vào chị, lôi cuốn chị đi, chị muốn kìm mình lại nhưng vẫn cứ bị nó lôi cuốn và không biết nó sẽ lôi cuốn chị đi tới đâu. Ðầu óc chị dần dần trở nên mờ mịt. Chị làm tính sai tuốt ráo cả.

- Ơ cái nhà chị này, tơ tưởng chuyện gì mà ngồi đờ ra thế?

- Không! - Chị cả Lạt giật mình, mặt đỏ lên. Nhưng đột nhiên chị trấn tĩnh lại và chị nói không che giấu - Tôi chẳng tơ tưởng chuyện gì. Tôi đang nghĩ đến anh đấy!

- Nghĩ đến tôi làm sao?

- Nghĩ đến anh với cô Ngọ. Anh đừng có hoài công đeo đuổi. Cô ta... không... hợp... với anh đâu!

Giọng Lạt run run và yếu ớt dần. Chị không dám tin vào điều chị vừa nói. Biết đâu, bỗng một lúc nào đó Ngọ chẳng bừng tỉnh và nhận ra Keng như chị từng nhận ra. Chị không thể cứ để mặc cho sự đời trôi chảy... Nhưng Keng đã đứng dậy, cuộn vở lại.

- Không. Anh đừng về. Anh... - Chị cả Lạt vội vàng nói, người chị lạnh đi vì hoảng sợ và chị nhìn thẳng vào Keng bằng đôi mắt dữ tợn như mắt thú rừng.

Keng choáng váng như bị xô vào cơn lốc mãnh liệt, bốn phía đều mù mịt và cứ xoay tít đi. Chính trong lúc đó, một ý nghĩ loé lên trong đầu anh: "Sao Ngọ nó không nắm cánh tay mình, nó không nhìn mình như thế nhỉ?" và lập tức cơn lốc chấm dứt, để lại một mình anh đứng sững trên mặt đất trống trơn, lòng nguội ngắt... Keng khẽ nhắc lại, giọng dứt khoát:

- Thôi, khuya rồi, tôi về đây!

Chị cả Lạt lật đật chạy theo Keng ra tận cổng mới dừng lại. Người chị như lên cơn sốt, phải vịn vào cái cọc rào, chỉ muốn gục xuống. Nhưng đầu óc chị rất tỉnh táo và một ý nghĩ hết sức khủng khiếp cứ bám chặt lấy chị: "Giời ơi, mình yêu anh ấy rồi ư? Trong làng biết bao nhiêu người, sao mình lại chẳng yêu ai, mình lại đi yêu anh ấy?".

*

* *

Ðại hội hợp tác xã xong, các đội sản xuất lần lượt họp bầu lại đội trưởng. Kỳ này, ông Lung nhất định đổ rồi. Nhưng bà con còn phân vân không biết nên bầu ai, vì những người được tín nhiệm đều đã có chân trong quản trị hoặc trong ủy ban cả. Một hôm, nhân gặp ông chủ nhiệm, chị cả Lạt nói:

- Ông ạ, cháu đề nghị các công cứ dự kiến anh Keng ấy.

- Ai?

Ông chủ nhiệm còn đang rối bù lên vì công việc, ngơ ngác hỏi lại. Chị cả Lạt tưởng ông không bằng lòng, sợ quá, lúng túng mãi mới nói tiếp được:

- Anh Keng ý, ông ạ. Anh ý... còn hơn là những người như ông Lung.

- Thì đã hẳn rồi! - Ông chủ nhiệm giờ mới vỡ nhẽ, cười vui vẻ - Nhưng mà cũng gay đấy, làm đội trưởng còn cần phải...

- Còn cần phải ... đủ các tiêu chuẩn, có phải không ạ? - Chị cả Lạt đã bình tĩnh lại, liền dấn lên - Thì các ông giúp đỡ anh ý. Về phần xã viên, một khi chúng cháu đã bầu, chúng cháu cũng sẽ giúp đỡ. Kỳ vừa qua, nhà ông Lung làm chúng cháu thiệt hại biết bao công của rồi...

Một số cán bộ và xã viên cũng có ý kiến như chị cả Lạt. Ông chủ nhiệm liền đề nghị đưa ra thảo luận ở đội. Bà con tuy chưa tin Keng hẳn nhưng lại nghĩ, thà chậm việc còn hơn nát chuyện nên cuối cùng đều giơ tay bầu anh. Ông Keng cũng đành phải giơ tay theo mọi người.

- Thế nào, được giữ chân đội trưởng có sướng không? - vừa về đến nhà, ông Keng đốp luôn:

- Người ta bầu tôi thì tôi phải đứng ra. Bố đay gì tôi?

- à, "Phải đứng ra" à? Mày nhất định không chịu đứng ra thì ai bắt bò được mày! Tao truyền đời cho mày biết, đến như tao, cai quản độc một cái nhà này, bạc cả đầu mà vẫn chưa đâu vào đâu nữa là cái ngữ mày... �n cơm nhà vác ngà voi... lắm người nhiều điều... nước đời khó lắm đấy, con ơi!

- Thôi, bố đừng nói nữa!

Thấy bố cứ dài dòng mãi, Keng sốt ruột, gạt phắt. Ông Keng tắc cuống họng: Ông trợn mắt, khạc ra một tiếng "hứ" nặng như chì và bĩu môi dài ra, như có ý đe ngầm: "Mày không nghe tao, để rồi tao xem mày làm nên được cái thá gì?".

Thực ra ở hội nghị, Keng cũng đã chối giẫy lên.

Nhưng mỗi người một câu cứ buộc anh vào. Rồi Ngọ đứng phắt dậy, cười toe toét và réo ầm lên:

- Hoan hô anh Keng! Tôi cũng xin bầu anh Keng đấy ạ!

Keng ngồi nín thít, không dám ló mặt ra trước ánh đèn. Anh vừa ngượng vừa uất... Cô ta giễu anh. Cô ta coi thường anh. Thì anh đứng ra làm, làm thật tốt cho cô ta trắng mắt ra! Trước đây, chẳng bao giờ anh dám tin mình có khả năng làm được đội trưởng. Bây giờ, chính bà con nói anh có khả năng làm được đội trưởng kia mà! Biết đâu, sau này Ngọ lại chẳng chết mệt vì cái chuyện đội trưởng của anh.

Năm ấy đang có phong trào tăng vụ, hợp tác xã quyết định mở chiến dịch cấy thêm mấy chục mẫu Nam Ninh xuân. Keng triệu tập họp đội sản xuất, phổ biến kế hoạch mới và lập tức xã viên làm ồn lên như chợ vỡ:

- Xem ở bên Võ Lăng kia kìa, năm ngoái cấy Nam Ninh, sâu ăn sạch, mất cả chì lẫn chài!

- Yêu cầu không cấy Nam Ninh. Cấy Nam Ninh bạc đất, đến vụ mùa rồi ăn bùn!

- Tôi có ý kiến...

- Tôi đã. Tôi xin hỏi ông đội trưởng, chửa xong chiêm đã bắt cấy Nam Ninh, mà giời đất như thế này, chết trâu, Chính phủ có bồi thường không ạ?

- Lại còn khoản phân..

- Khoản thóc giống...

Chung quy lại mọi người đều ngại vất vả, sợ hỏng ăn, cứ hai bát úp một hơn là bày vẽ ra như thế. Keng không biết giải thích. Vả lại anh cán bộ huyện về chỉ đạo cũng giải thích chán ra rồi. Anh cứ để mặc mọi người nói ra nói vào. Nói cho kỳ hết.

- Bà con trật tự! - Cuối cùng, Keng giơ đèn lên, huơ một vòng và nói như quát - Tôi có ý kiến thế này: Ta đã làm là phải có ăn, không ăn nhiều thì ăn ít, ăn ít còn hơn không. Trên đã nghiên cứu kỹ, thấy vùng ta cấy chiêm ít quá nên mới bổ sung cấy Nam Ninh, mà Nam Ninh cũng có thí điểm rồi. Bà con nào còn thắc mắc thì lên trên mà hỏi chứ cứ "tranh đấu" với nhau ở đây mãi thì khuya mất, mai lấy sức đâu mà đi làm. Bây giờ tôi đọc bảng phân công, nếu không ai bổ sung gì thì giải tán.

Keng rút trong túi ra một mảnh giấy nhàu nát, vuốt thẳng, ghé vào gần đèn, đọc rành rọt tên từng người và công việc người đó phụ trách. Thế là cả cái chiến dịch làm Nam Ninh với muôn vàn khó khăn rút lại chỉ còn toàn là những công việc đồng áng quen thuộc... Thắc mắc vẫn còn đó, nhưng chẳng lẽ lại giãy ra không chịu đi làm. Người ta tặc lưỡi đứng dậy, phủi quần, kéo nhau về.

Keng trực tiếp phụ trách nhóm thợ cày. Hôm nào anh cũng dậy từ tờ mờ đất, đi dẻo một lượt, khua các ông thợ cày dậy. Trở về, nuốt vội mấy lưng cơm, anh lại đi dẻo lần nữa, kỳ khi nào các ông ấy đã đi hết, anh mới đánh trâu theo.

Tuy vậy công việc cũng chỉ chạy được vài ba ngày đầu. Bị ốp, các ông thợ cày phát khùng.

- Ông Tuy ơi, ông có đi làm không thì bảo, để còn điều trâu cho người khác?

- Có đấy ạ. Tôi đi ngay đây ạ.

Nhưng ông Tuy vẫn nằm lì ở nhà. Keng lại đến gọi. Ông lại trả lời y như thế. Và ông vẫn không nhúc nhích...

Keng đứng như bị trời trồng ở ngõ nhà ông Tuy, mồ hôi vã ra đẫm trán.

- Ẳng...! - Một con chó đi qua bị Keng đá cho một cái mạnh. Con chó cắm đầu chạy, đâm sầm vào Ngọ vừa ở ngõ ngang bước ra.

- Con khỉ cái nhà anh Keng nhá! Người đâu có người... - Ngọ lườm Keng, trách móc bằng một giọng õng ẹo.

- Người làm sao? - Keng trợn mắt lên quát.

Ngọ sợ quá, vội vàng lủi mất.

Lúc ấy, chị cả Lạt vừa gánh phân đi tới. Chị đỗ gánh xuống, nói nhỏ nhẹ:

- Làm sao mặt lại nặng như đeo đá thế kia?

- Làm sao à? Không đi cày thì tôi điều trâu cho người khác!

Chị cả Lạt hiểu ngay:

- Không được, anh Keng ơi! Người ta nuôi trâu, phải ưu tiên cho người ta đi cày. Anh làm thế rồi rối như canh hẹ.

- Rối tôi cũng làm. Dứt khoát... - Keng đáp liều.

- Anh có biết vì sao ông ấy không đi cày không? Ði cày thì phải cắt thêm cỏ trâu, ông ấy sợ thiệt...

Keng đứng ngớ ra nhìn chị cả Lạt: chị ta nói khéo chừng thực.

- Bây giờ phải đề nghị ban quản trị cho thêm điểm cỏ trâu. Tôi sẽ xung phong lập nhóm đi cắt cỏ, đồng gần hết cỏ thì đi đồng xa - Lạt dừng lại, nhìn thẳng vào mắt Keng, không chớp và chị hạ giọng xuống - Anh cứ làm thế đi, Anh cứ tin tưởng ở tôi, cứ làm thế đi.

Ðủ cỏ trâu, ông Tuy đã chịu đi làm. Nhưng ông làm câu dầm, nửa ngày mới đánh trâu đi, nhoáng một cái đã thấy về. "Cơ đồ này rồi hỏng!" Chị cả Lạt nghĩ vậy và chị đi tìm Keng, thì thầm với anh:

- Anh phải điều người đi bừa ngả mạ ngay đi. Có mạ, nhất thiết phải cấy. Họ trùng trình thế, lỡ vụ là họ để ruộng làm mùa đấy. Tôi thì đi guốc vào bụng...

Chị cả Lạt cứ cặp kè bên Keng như thế, Keng không thể nào không nghĩ đến chị.

Một buổi sáng, chị cả Lạt vừa trở dậy, tay còn cầm cái gáo dừa, đang đứng súc miệng bên chum nước dưới gốc cau, chợt thấy buồn buồn ở sau gáy. Chị quay lại, bắt gặp Keng đứng bên kia hàng rào đang đăm đăm nhìn chị. Lạt hết cả ngái ngủ, vội vàng chạy lại.

- Gì thế? - Lạt hỏi khẽ, phấp phỏng mong chờ Keng sẽ nói với chị ngay lúc này đây, một điều gì chị vẫn chập chờn trong lúc mê ngủ. Nhưng không...

- Chị ngâm mạ nhá.

- Ngâm mạ?

- ừ, ngâm mạ. Ruộng mạ bừa mượt rồi.

- à, ngâm mạ Nam Ninh - Bây giờ chị cả Lạt mới sực tỉnh - Ðược rồi, tôi đi lấy thóc giống nhá, tôi ngâm ngay hôm nay nhá!

Lạt theo chân Keng đi luôn. Ðến đầu xóm thì gặp Ngọ. Hôm nay chủ nhật. Ngọ diện quần lanh đen, áo sơ mi màu hoa cà, tóc buộc một cái khăn tay in bông hoa đỏ loè. Cô lên phố huyện chơi với bạn làm công trường trên đó.

- Anh Lạt ơi! - Keng giật mình quay lại. Ngọ phá lên cười và cô lại càng réo to hơn - Không, tôi gọi chị Keng cơ. Chị Keng ơi!

- Con bà cô, làm chẳng làm, chỉ đi nhởn - Keng đỏ mặt lên, nhổ toẹt một bãi nước bọt, rủa theo Ngọ và trong lúc đó anh bỗng cảm thấy một điều hết sức lạ lùng ngấm ngầm khích động anh: anh muốn thách thức Ngọ, chỉ riêng Ngọ thôi, hãy cứ trêu anh đi!

Cuối chiến dịch cấy Nam Ninh, đội sản xuất quyết định ngả một con lợn, cho bõ cái công phơi nắng suốt từ đầu vụ. Mờ sáng, lợn đã bắt ra chuồng, nằm thở hồng hộc trên tấm cánh cửa đặt ở đầu hiên. Các ông thợ cày cũng đã tề tựu đông đủ.

- Phải hãm một tí tiết, anh đội trưởng ạ!

- Dào, hãm làm gì, một đống người.

- Ðống thì mặc đống chứ. Chỉ kể riêng cánh ta thôi. Theo trâu vắt diệt, mồ hôi không kịp vuốt chẳng nhẽ lại không ưu tiên được bát tiết canh. - Cánh ta cũng phải có tiêu chuẩn: ai không biết uống rượu thì miễn. Như là anh Keng...

Keng cười cái cười thật dễ thương:

- Vâng, ông nào tiện tay bốc cho cháu xin dúm muối. Phần cháu, thế nào cũng được, chỉ xin nhớ cho phần bố cháu. Ông cụ thế nào cũng phải có tý cay.

- Còn phần thợ cấy thì sao đây? - Vừa lúc ấy chị cả Lạt te tái chạy tới và la lên - Cả tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, dễ kém các ông thợ cày!

- Nhà chị đàn bà, vào bếp đun ù nồi nước lên đi!

- Ơ hay, nam nữ bình đẳng, sao các ông lại độc quyền...

- Thôi không có lý sự. Ông Tuy đâu, mượn được dao rồi đây này. Sắc ra sắc!

- Không... - Lạt vẫn không chịu lép, mặt đỏ lên, nói như thách thức.

- Không thì anh Keng nhường cho chị ý vậy - Ông Tuy tiếp luôn, chẳng hiểu đùa hay thật và ông thọc một nhát, con dao bầu sáng loáng ngập giữa ức con lợn đến tận chuôi. Ngày hôm ấy, bao nhiêu thắc mắc, đố kỵ, bao nhiêu chuyện phiền toái bực mình người ta đều quên sạch. Bếp nhà nào cũng thơm inh cả lên. Giữa lúc rượu đã ngà ngà say, ông Keng cười hể hả, bảo Keng:

- Dạo mới vào vụ, làng xóm người ta nói anh nhiều quá, tôi rát cả mặt. Bây giờ cày cấy đã xong xuôi, ăn nhiều ăn ít thế nào chưa biết nhưng tôi cũng lấy làm mừng cho anh. Nhân tiện lúc rỗi rãi, tôi hỏi anh, anh định cái chuyện vợ con như thế nào, anh có còn theo đuổi con Ngọ nữa hay không thì anh bảo để tôi còn liệu?

Keng ngồi ngẩn người ra. A, Ngọ... anh đã quên cô ta từ lâu rồi. Vả lại, cái chiến dịch Nam Ninh vừa qua nó quần anh một trận nhược người, lúc nào cũng tối mắt vì bận rộn, còn thì giờ đâu... Thấy Keng ngồi im, ông Keng bắt đầu ướm ý anh về các cô gái làng, giới thiệu ưu, khuyết điểm từng cô, khuyên bảo anh, dọa dẫm và thuyết phục anh. Ông không tự quyền như trước, vì ông nghĩ: "Chẳng gì nó cũng làm đội trưởng đội sản xuất rồi!". Nhưng Keng vẫn cứ trơ ra, chẳng mảy may xúc động. Các cô gái làng, không hiểu sao lúc này đối với anh chỉ hiện lên như những cái bóng. Anh cảm thấy chẳng có gì dính dáng giữa anh và các cô...

- Thôi đi, bố đừng có dài dòng văn tự. Vợ với chả con!

Keng phát khùng, buông bát đũa xuống, đi ra ngõ. Anh cứ đi, đi mãi dọc đường làng. Và anh nghĩ vơ vẩn một mình : "Mình cũng phải lấy vợ chứ nhỉ? Vợ mình là cô nào ở làng này nhỉ?"

Keng đã đi đến ngõ nhà Lạt lúc nào không biết.

- Anh Keng ơi, mời anh vào chơi.

Chị cả Lạt đứng ở góc sân. Chừng như chị đợi anh từ lâu lắm, mâm cơm còn nguyên, cả đĩa tiết canh, phần lòng thì vẫn để trong sanh nước xuýt, chưa thái:

- Chẳng mấy khi, anh ngồi ăn lưng cơm với chúng tôi cho vui đi!

Bà mẹ và người chị dâu Lạt cũng đon đả mời. Anh giãy ra:

- Tôi ăn rồi.

- Thì tôi cũng ăn rồi. ăn ở đằng... kia (Lạt định nói ăn ở nhà chồng, nhưng chị lái lại được ngay). Anh ngồi xuống đây một tí cho vui - Lạt vừa nói vừa kéo Keng ngồi xuống, nhanh nhảu xẻ tiết canh, so đũa, dúi vào tay anh - Này thôi ăn đi, vẽ vời, khách khứa đâu mà... Từ khi anh lên làm đội trưởng, vất vả biết bao nhiêu...

Rồi Lạt ép anh uống rượu. Một cút rượu nhỏ xíu thôi. Keng định bụng chỉ tợp vài ngụm gọi là - cái giống rượu, anh chúa ghét! - nhưng không được. Lạt cứ tiếp cho anh đầy cả bát: nào miếng gan, miếng tim, nào miếng dồi, miếng cổ hũ... Keng đâm say. Ngoài Lạt ra, anh chẳng nhìn thấy ai nữa. Ðôi mắt Lạt nhỏ dài ẩn dưới hàng lông mày rậm trông càng đen nhánh và cái mũi dọc dừa thanh thanh mới xinh làm sao. Anh sợ không dám nhìn lâu vào mắt Lạt, anh chỉ nhìn độc cái mũi thôi, càng nhìn càng thấy kỳ lạ, sao cái mũi dọc dừa đẹp thế mà từ trước đến nay anh không biết. Anh chỉ biết cái mũi của Ngọ, gãy và ngắn ngủn. Anh bỗng tin một cách chắc chắn rằng béo và gẫy mũi như Ngọ nhất định vô duyên, phải nhỏ nhắn và mũi dọc dừa như Lạt mới duyên. Những ý nghĩ mới mẻ và thật thà ấy lúc tỏ lúc mờ, lúc gần lúc xa, lúc lớn lên, lúc nhỏ đi, cứ xoay tít trong đầu Keng. Hai con mắt Keng đỏ ngầu, đờ ra. Toàn thân anh chao đảo. Rồi anh nằm vật xuống, chẳng còn biết trời đất gì nữa...

Xế chiều, Keng thất thểu về nhà. Chuyện anh say rượu Lạt phải bôi vôi vào gan bàn chân và nấu nước đậu xanh cho anh uống đã bay về trước anh từ lúc nào. Vừa trông thấy mặt anh, ông Keng đã gầm lên:

- Thằng kia, tao tưởng mày giỏi giang thế nào, để con mẹ góa nó bỏ bùa mê thuốc lú cho ăn mà không biết nhục à?

- Nhục? - Keng giương mắt lên nhìn bố. Chưa bao giờ trông anh lại dữ tợn như vậy.

- Muốn sống thì khai ra: mày với nó là thế nào, hử?

- Chẳng thế nào!

- Thế thì cút mẹ mày đi, cho khỏi vướng mắt tao!

Cửa nhà ầm ĩ lên một lúc. Bà Keng phải can hai người, kéo Keng xuống nhà ngang. Keng đánh một giấc thẳng đến tối. Tỉnh dậy, vẫn thấy bố đang cáu kỉnh với mẹ ở nhà trên, về chuyện của anh, những "gái khôn tránh khỏi đò đưa, trai khôn tránh khỏi vợ thừa người ta" và biết bao nhiêu tội lỗi khác từ ngày đầu anh còn trọc lốc.

"Vợ thừa! Ông cứ ra làm đội trưởng, quan hệ với người ta một dạo thử xem. Người ta như thế mà bảo là vợ thừa à?" Keng ấm ức nghĩ vậy, rồi lẳng lặng bỏ đi. Cũng chẳng định trước là đi đâu. Và cứ tự nhiên, anh lại đến nhà Lạt...

*

* *

Bây giờ thì Keng nhất quyết lấy Lạt. Làng xóm điều ra tiếng vào cũng nhiều, nhưng lấy Lạt đâu phải là một cái tội nên chẳng ai dại gì dây dưa vào. Lúc đầu bà mẹ Keng cũng không đồng ý. Về sau, vốn tính ôn hòa, bà xiêu xiêu dần: "Thôi, mặc mẹ nó, đời cua cua máy, đời cáy cáy đào!" Rút cục, chỉ còn độc ông Keng là khăng khăng phá. Càng phá, Keng càng lỳ ra. Anh chẳng cãi, cũng chẳng van xin, chẳng gì hết.

- Thôi được, mày đã chó đen một mực thì ông cho mày miếng đất ở bìa làng, vợ chồng đem nhau ra đấy mà ở. Còn cái cơ ngơi này ông để cho thằng Chỉnh, ông lập nó làm trưởng, ông không cần mày. Ðồ ngu như chó, làm cỗ bưng đến tận miệng cho ăn còn bỏ. Chúng mày giỏi chúng mày tu tạo lấy, túng thiếu đừng có vác rá đến nhà ông!

Cái dinh cơ, đối với Keng lúc này chẳng còn nghĩa lý gì: nó không đem lại sự yên ấm cho anh. Còn đời sống của vợ chồng anh thì đã có hợp tác đảm bảo rồi. Vả lại đã cho vợ chồng anh ra ở riêng, thế nào cũng phải cho anh mấy cây xoan với bè tre ngâm vẫn dành sẵn để làm nhà cho thằng Chỉnh. Còn thiếu thốn gì thì giật mượn bà con, chồng cày vợ cấy, cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần cũng phải xong.

Thấm thoắt, chỉ tháng trước, tháng sau Lạt đã có mang. Bụng chị mỗi ngày một tròn căng ra, thoi loi, hơi nhòn nhọn. Chị đi ngoài đường, bụng cứ đưa ra phía trước hai tay ve vẩy, dẻo như múa. Chị mua cá chép tươi nấu cháo ăn bổ thai. Người chị tươi ra. Chị cười, chị nói. Và chị làm ra làm.

- Này, các bà ơi, sao các bà lại cắt công cấy của cháu? Cuối năm cháu đã nằm xó rồi, phải ưu tiên cho cháu mới phải chứ!

- Thì việc bề bề ra đấy. Dưng mà anh Keng anh ấy bảo...

- Dào, anh ấy bảo gì thây kệ anh ấy!

Keng yêu vợ, muốn vợ nhàn. Lạt thương chồng, nhất định không nghe anh. Chị cấy giỏi, được bầu làm tổ trưởng.

Hai vợ chồng bao giờ cũng dậy sớm nhất xóm. Keng đi đốc thúc công việc toàn đội. Lạt đi gọi các bà thợ cấy. Bao giờ chị cũng có ý về sớm hơn anh một chút để lo cơm nước. Nhưng nhiều buổi chị về đến nhà đã thấy anh hí húi ở dưới bếp rồi. Chị vội vàng cất nón, giằng lấy que cời. Anh quắc mắt lên, gạt tay chị ra, đưa cho chị cái quạt mo và quát chị bằng một giọng vui vẻ: - Mặt chín rừ ra như sốt thế kia kìa! Lên đầu hè ngồi quạt đi một chốc rồi ra ao mà rửa ráy!

Nào chị có sốt. Chị sung sướng quá đấy thôi. Quãng đời góa bụa trẻ trung của chị kéo dài như một mối nghi vấn nặng nề đã chấm dứt rồi. Người ta bắt đầu nhìn cuốn sổ công điểm dày đặc những con số của vợ chồng chị bằng đôi mắt thèm muốn, hơi có chút ghen tị và cái nếp nhà nhỏ bé, mái rạ chưa kịp ngả mầu ngày càng thu hút bà con chòm xóm đổ lại chơi.

*

* *

Cuối năm, gặt hái còn chưa xong thì Lạt thấy nặng bụng không đi làm được. Bao nhiêu công việc đổ cả lên đầu Keng. Anh bận tối mắt tối mũi, mười giờ đêm vẫn còn ở sân phơi. Thóc lúa rơm rạ cứ bộn lên quanh người, bụi bậm đầy đầu tóc. Rồi nhập kho, xuất kho, cân kéo, sổ sách với biết bao nhiêu chuyện phiền toái. ấy thế mà còn việc nhà: vại gạo đã hết nhẵn, thóc vẫn chưa xay. Keng mệt quá, chỉ nghĩ đến cái cối thôi anh đã phát hoảng. Anh đành vác rá về nhà, hỏi vay riêng bà mẹ mấy bát. Bà mẹ thương con, cho giấu nửa nồi gạo. Ðêm, bà lại ra xay đỡ cho mấy cối lúa. Vừa lúc ấy, Lạt chuyển dạ.

Thằng bé con ra đời, chắc nịch, đôi môi đỏ chót, tiếng khóc vang choe chóe. Bao nhiêu chuyện không vui trong lòng bà Keng bay biến đi đâu sạch. Bà cứ quanh quẩn bên giường con dâu suốt đêm không chợp mắt. Tờ mờ sáng hôm sau, bà tất tưởi về nhà, vừa bước chân qua cổng đã làm toáng lên:

- Ông nó ra mà chơi với cháu. Nhà Keng nở con giai rồi!

- Con gi... ai à?

- ừ, con giai. Tai nó to to là. Y như tai Phật!

Ông Keng cười khẩy, cố làm ra vẻ lạnh nhạt. Và ông mang rượu ra uống, uống suông một mình. Bữa rượu thực vô vị, chỉ thấy cay sè. Nhưng ông vẫn cứ uống. Ông cũng chẳng biết mình vui hay buồn...

Những ngày đầu, nhiều lúc Keng không dám tin mình đã có con. Anh đã có con thật, con giai, mới lạ lùng chứ. Thằng bé con anh nó khóc, nó đòi bú, nó tè, rồi nó cười - bé bằng cái hạt mít mà đã biết cười! - Tất thảy đều mới mẻ đối với anh. Anh không dám bế nó, sợ lọt tay. Chú Chỉnh thì dứt khoát anh không cho bế rồi. Ngay cả cô Trinh bế cháu gọn ghẽ thế, anh cũng sợ. "Trai nuôi vợ đẻ gầy mòn" nhưng anh chẳng nề hà gì. Cơm nước, giặt giũ, tã lót... lúc nào bà nội, bà ngoại cháu bé chạy lại giúp thì thôi, còn không anh làm tuốt. Và anh cứ chạy ra chạy vào ngắm con suốt buổi.

Ngày đầu cữ thằng bé, anh thịt con gà, mua cút rượu, mời bố ra chơi.

- Thôi ông ơi, ông bớt giận... - Thấy chồng chần chừ, bà Keng giục khéo.

- Tôi đã bảo với bà rằng họ nhà tôi không phải họ nhà tôm, cứt lộn lên đầu, bà đã hiểu chưa? - Ông Keng đã toan đi, vội quay ngoắt lại.

- Sao tôi lại không biết! Dưng mà, nói cho cùng mình cũng chẳng thể chê trách vợ chồng nó được điều gì. Ông cứ ra nhà nó thử xem...

- Tôi không phải thử. Tôi biết tỏng đi là chúng nó tài giỏi lắm rồi. Không ở cái lò nhà này ra mà tài giỏi được như thế à? Tôi đã ra là tôi ra để dạy bảo chúng nó... - Ông Keng gầm lên, chấm dứt câu chuyện một cách đột ngột và hầm hầm đi ra ngõ.

*

* *

Hôm ngồi uống rượu với bố, Keng nhớ rất rõ lúc đầu ông cụ có vẻ miễn cưỡng và đôi mắt nhìn vừa lạnh nhạt vừa soi mói của ông như muốn nói: "Chẳng qua là vì thằng cháu tao chứ tao mà thèm ngồi uống rượu cùng chiếu với ngữ mày à!" Nhưng Keng không hề nao núng. Anh cứ lẳng lặng uống rượu, còn nhiều hơn cả bố anh và cứ lầm lì như thế, anh lôi cuốn bố anh vào cuộc vui khiến ông không sao cưỡng lại được. Tuy vậy, nhìn vợ Keng ông vẫn cứ thấy vướng mắt thế nào. Nó nựng nịu con nó thì tha hồ. Ðằng này, nó lườm chồng, giật lấy cái chai trong tay chồng, dốc tất cả rượu vào chén cho ông! Ông giận dữ san rượu sang chén của Keng, sai vợ Keng lấy nước mắm rồi nói, lưỡi líu lại:

- Nó không muốn cho anh uống, anh lại càng phải uống. Cứ uống cho say vào. Anh hãy thử ngẫm đời bố anh mà xem. Làm thằng đàn ông muốn dựng nên cơ nghiệp thì không được để vợ nó xỏ mũi, nghe chưa!

Chính qua giọng nói bầu bạn và hơi suồng sã ấy, Keng bỗng nhận ra một sự thay đổi rất lớn lao trong quan hệ giữa hai bố con anh. Từ trước tới nay, bố anh vẫn là người to nhất nhà. Bây giờ anh cũng đã có gia đình riêng. Anh cũng là người to nhất nhà. Không anh thì còn ai nữa: Suốt vụ gặt mùa, độc một mình anh làm quần quật. Anh bảo đảm cơm áo cho tất cả - vợ anh, con anh. Ðời nào anh lại để cho vợ xỏ mũi! Hễ vợ nói gì là anh gạt phắt ngay đi:

- U em không phải lo lắng gì cả. Cứ ở nhà mà ôm con. Con nó không ươn sài là tốt rồi. Còn mọi việc để mặc tôi!

Ban đầu, Lạt cũng cho thế là phải. Chị chỉ quanh quẩn ở nhà với con, lúc nào cũng nâng thằng bé như nâng trứng. ít hôm sau, Lạt đã khỏe, ra gió không thấy chóng mặt nữa, nỗi nhớ đồng dần dần thức dậy trong lòng chị. Ðêm nào đội sản xuất họp chị cũng không ngủ được, cứ ôm con đi ra đi vào, lắng nghe những tiếng ồn ào từ bên kia rào vọng sang, cố đoán xem người ta đang bàn bạc, tranh cãi nhau chuyện gì. Vừa thấy tiếng kẹt cổng, chị đã hỏi luôn:

- Thầy em về đấy ư? Họp gì mà ồn lên thế?

- Gần nửa đêm rồi sao không đi ngủ đi? - Keng trừng mắt nhìn vợ, tỏ vẻ không bằng lòng. Nhưng Lạt cũng chẳng kém, chị nhìn lại anh trân trân. Keng đành phải trả lời, gắt gỏng - Họp chia công điểm vụ chiêm!

- Thế nhà ta nhận bao nhiêu?

- Tôi xin rút hăm nhăm công.

- Sao lại rút?

- Thì u em tính, có độc mình tôi, lại còn công tác. U em thì vụ cấy này hẵng cứ "cho ra ngoài vấn đề!"

- Ngoài vấn đề! Lạt bật ngay dậy - Tôi khỏe rồi, mai tôi đi làm cho xem. Quanh quẩn ở nhà mãi, cuồng cả chân cả tay lên!

- Dào, sợ rồi không có sức - Keng kéo dài giọng mỉa mai - Dưng mà bây giờ tôi thử hỏi, u em đi làm thì vứt con cho ai?

- Tôi gửi nhà trẻ.

- Nhà trẻ? Hay hớm lắm đấy! Người ta con đàn con lũ, người ta mới gửi nhà trẻ. Ðằng này mình...

- Mình làm sao? Ðừng có mà giở chứng!

Lạt bế con ra gửi nhà trẻ thực. Chị đi trồng màu.

Bấy giờ đã cuối tháng chạp. Lúa tháng chạp, đạp không đổ. Hợp tác dồn toàn bộ nhân lực ra đồng, quyết giật cờ thi đua cấy chiêm xong trước tết của huyện. Keng đi suốt ngày, đêm đến lại họp hành, mờ cả mắt. Anh phải tổ chức nhổ mạ thi, cấy thi và hàng đống công việc tuyên truyền động viên khác. ấy thế mà về đến nhà, nhiều khi cơm nước vẫn chưa xong, con chưa đi đón về, là vì tổ trồng màu cứ bị rút người dồn sang bộ phận làm chiêm. Lạt không thể về sớm được... "Chuyện mới lạ lùng chứ, đàn bà không ở nhà cơm nước, không trông nom bú mớm cho con là nghĩa làm sao?" Keng nghĩ vậy và anh gắt toáng lên.

áp Tết, đội Keng cấy vẫn chưa xong, lại toàn phải cấy vá đồng. Rồi còn phải cày màu gấp, đợi mưa xuân. Giữa lúc ấy ông chủ nhiệm đến gõ đầu anh:

- Sao không điều trâu sang tương trợ đội ba, hử ông anh?

- Thì tôi đã bảo... - Keng đang nóng ruột như lửa đốt, giọng càu nhàu.

- Bảo cái con tườu! Ông chủ nhiệm la lên - Anh chỉ biết khư khư ôm lấy cái đội của anh thôi. Ðội ba nó để chết trâu, lỗi ở nó, nhưng giờ nó cày chiêm còn chưa xong, mình là cán bộ của hợp tác xã, mình phải nghĩ đến quyền lợi chung chứ... Thôi, anh điều ngay hai con trâu đang cày màu về đi. Keng đi nhổ mạ, lòng ấm ức không yên. Nghĩ đến hai con trâu của đội mình phải cho đội người mượn ruột anh xót như bỏ muối. Cứ như ý anh, các đội đã được chia phần đều nhau rồi, anh nào vụng tay thì sảy miệng, cho thế mới trắng mắt ra. Nhưng về đến nhà, tuyệt nhiên anh không hé răng nói cho vợ biết câu chuyện đó. Anh tự hiểu, "đứng trên tinh thần cán bộ", nghĩ như anh là sai. Vả lại đó là chuyện công tác của hàng ngũ cán bộ, chuyện đàn ông với nhau, chuyện riêng của anh. Anh là chủ gia đình. Còn vợ anh, dù sao cũng là đàn bà... Kể từ hôm đó, anh đâm ra lì lợm, bắn gắt, vợ nói gì cũng gạt phắt đi.

Hai mươi chín Tết, Keng vẫn phải chạy suốt ngày vì theo quyết định chung, đội anh phải dốc toàn lực ra đồng cấy cho xong. Tối nhọ mặt người, Keng mới về nhà, bụng đói meo, chân tay mỏi rã rời.

Bữa cơm đã dọn sẵn, có lòng lợn, nước suýt và một cút rượu nhỏ, xem ra đã có mùi Tết rồi. Hai vợ chồng ngồi ăn, vừa trò chuyện, vừa nhìn ngắm nhau thực vui vẻ. Keng bỗng nhớ hôm nào, anh say rượu ở nhà Lạt. Hôm nay anh cũng phải say như thế, hoặc hơn thế. Thì đã sao! Anh say ở nhà anh, người vợ đảm đang và rất mực yêu chồng sẽ săn sóc anh kia mà! Giữa lúc Keng đang mơ màng. Lạt đứng dậy:

- Ðêm nay thầy em ở nhà trông nồi bánh nhá. Tôi đi đây... Ðến khuya tôi mới về.

Keng choàng tỉnh ngay khỏi cơn say:

- Ði đâu mà khuya mới về?

- Ði cấy.

- Cấy hứ?

- Chứ gì. Phải hùa vào cấy cho chóng xong còn về ngủ để mai đi chợ huyện sớm mua thức nấu. Ba ngày Tết chẳng nhẽ ăn thịt không à? - Lạt dừng lại, rồi hạ giọng xuống như dỗ dành - Thầy em xem, người ta đã đốt đèn măng sông sáng trưng lên ở ngoài đồng kia kìa.

ánh đèn măng sông hắt qua bụi tre chiếu vào tận sân nhà Keng, soi tỏ những vạt sương xanh mỏng bay rập rờn như khói. Chính Keng đã bàn với tổ thanh niên xung kích đốt đèn măng sông đem ra đồng. Nhưng đấy là chuyện khác...

- Không đi đâu cả - Keng bỗng quát lên - Ði rồi vứt con ở nhà cho ai?

- Còn cho ai?

- Tôi hứ? Tôi không có vú để bịt miệng nó!

- Không có thì chạy sang bà Thủy cho nó bú nhờ - Lạt dừng lại rồi bỗng chạy vào buồng bế con ra - Hay thôi, để tôi đem gửi dì nó quách cho anh được nhẹ mình!

Thấy vợ đi, dáng quả quyết, Keng đứng phắt ngay dậy:

- U em, không đi đâu cả. Tôi đã bảo...

- Anh bảo cũng chẳng bằng chị em người ta bảo tôi. Trái lè lè...

Lạt hất tay chồng rồi bế con đi ra ngõ, vừa đi vừa hôn hít nựng nịu thằng bé, như để trêu tức chồng.

Keng ngồi trơ một mình. Anh không dọn mâm bát, không nhóm bếp luộc bánh, không gì hết. Anh đi nằm, trùm chăn kín mít, ấm ức một mình. Rồi sau anh điên tiết lên, không ấm ức nữa. - Mình thương yêu nó, mà nó tệ. Ðược giữ cái chân tổ trưởng tổ cấy một vụ, bén mùi rồi mà, cứ tớn mãi lên. Nó đã bảo mình trái thì mình trái cho nó biết! - Và anh quay ra ngủ luôn.

Lát sau, Keng choàng tỉnh dậy. Bên hàng xóm có tiếng gà kêu quang quác và ánh lửa ninh bánh chưng hắt qua kẽ vách nhà anh thành những đường kẻ vàng rực. Keng đã dã rượu, nhớ ra ngay tại sao nhà mình lại vắng vẻ và tối như hũ nút. Anh bàng hoàng cảm thấy bầu không khí bao quanh anh sao căng thẳng , nặng nề, giống như bầu không khí trong gia đình anh cũ, bầu không khí đã từng làm anh bức bối và anh đã cố thoát ra. Thực quả anh không chủ bụng ngủ. Không hiểu sao anh lại ngủ, cứ y như bị ma làm... Anh vội vàng chạy ra sân, vã nước lên mặt và kiễng chân nhìn qua rặng tre, dõi tìm vầng sáng xanh trong của ngọn đèn măng sông ngoài đồng xa. Rồi lật đật xuống bếp, xòe diêm, nhóm lửa đun nồi bánh. Anh đun thốc đun tháo, bao nhiêu củi gộc chất vào cũng không thấy vừa, cứ chốc chốc lại mở vung nồi ra ngó xem nước đã sôi chưa.

1963

 

Nhà văn Nguyễn Kiên:

Giải thưởng:

  • Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2001.
  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001.
  • Giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2002.

Tác phẩm tiêu biểu:

  1. Trong làng (truyện ngắn – 1960, 1995)
  2. Vụ mùa chưa gặt (tuyển chọn – 1974, 1982)
  3. Nơi xa (tuyển chọn – 1996)
  4. Đáy nước (truyện ngắn – 1985)
  5. Miếu hoang (truyện ngắn – 1992)
  6. Những mảnh vỡ (truyện ngắn – 1993)
  7. Lá rụng (truyện vừa – 1962)
  8. Chân sóng (truyện vừa – 1967)
  9. Chặng đường nhớ lại (truyện vừa – 1084)
  10. Vùng quê yên tĩnh (tiểu thuyết – 1974)
  11. Nhìn dưới mặt trời (tiểu thuyết – 1981)
  12. Một mảnh đời (tiểu thuyết, 1992)
  13. Những ngày đi lao động (truyện thiếu nhỉ – 1056, 1986)
  14. Con gái người bán chim (truyện thiếu nhí – 1963, 1993)
  15. Năm tôi 13 tuổi (truyện thiếu nhi – 1977, 1987)
  16. Chú đất nung (tuyển chọn – 1996)

 ...

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.