- “Nhà văn phải biết cách nghe thấy tiếng hát của con Thằn lằn, tiếng thở dài của con Ốc sên, và đọc được bài thơ của con Dế trên chiếc lá mít…”, ông tìm đâu ra thứ năng lượng “siêu nhiên” này?

Ai yêu thiên nhiên, yêu những con vật nhỏ bé bình thường, yêu cỏ cây hoa lá… và có sự tôn trọng cần thiết đối với chúng sẽ có khả năng ấy. Tất nhiên, biết cách “đọc” và “nghe” như thế chỉ là một cách nói. Tôi muốn tự nhắc mình, với tư cách là một người viết truyện cho thiếu nhi, phải cố gắng hoàn thành tốt “nhiệm vụ” là góp phần giúp các em có được tình yêu và sự tôn trọng đó.

Nhà văn Trần Đức Tiến và các độc giả nhỏ tuổi. Ảnh: NVCC

- Tại sao ông chọn sáng tác truyện đồng thoại cho các bạn nhỏ?

Đôi khi trò chuyện trong tưởng tượng với một con vật, một cái cây, một bông hoa… thấy lạ và thú vị hơn với một ai đó sống quanh ta hàng ngày. Nhưng tất nhiên cũng khó hơn. Viết đồng thoại đòi hỏi sự tưởng tượng mạnh mẽ, bay bổng nếu muốn hay. Đấy là ưu thế, đồng thời là trở ngại của thể loại này. Tôi chọn đồng thoại, vì sự hấp dẫn của nó và cũng vì muốn thử thách khả năng của bản thân. Không thử bước chân vào những lối đi mới, chắc chắn mình sẽ cũ đi, già đi rất nhanh.

- Một nhà văn 70 tuổi với gánh nặng thời gian trên vai có gặp khó khăn gì khi viết những tác phẩm dành cho thiếu nhi không, thưa ông?

Ôi không! Trái lại, viết cho các em là cách tôi trút đi gánh nặng tuổi tác trên vai đấy chứ. Ít nhất là tôi thấy nhẹ nhõm. Không phải ngẫu nhiên sau một quãng thời gian dài viết cho người lớn, truyện dài, truyện ngắn đủ cả, tôi lại chuyển qua viết cho các em. Còn độc giả, nhất là độc giả nhỏ tuổi, có chấp nhận tôi hay không là việc của các bạn ấy. Nếu các bạn ấy nhăn mặt vì nghĩ tôi “xả rác” ra môi trường, tôi sẽ ngoan ngoãn gác bút ngay lập tức.

- Dạy trẻ bằng những lời lý thuyết giáo điều khô cứng đôi khi thành phản tác dụng, ông có nghĩ như vậy không?

Tôi không chắc lắm việc dạy dỗ kiểu đó phản tác dụng đến mức nào. Nhưng quả thật là chán lè. Mà chưa cần phải lên giọng dạy dỗ đâu. Chỉ cần viết ra những thứ nhạt nhẽo, vô vị… là đã góp phần làm khô úa tâm hồn non trẻ của các em rồi. Bài học thấm thía nhất luôn là kết quả của sự tự chiêm nghiệm, chứ không phải là thứ thông qua miệng người khác.

- “Tôi viết cho thiếu nhi cũng có nghĩa là viết cho người lớn có nguy cơ đánh mất tâm hồn trẻ thơ” – ông có thể chia sẻ thêm về ý kiến này của mình?

Không hiểu người khác thế nào, còn tôi luôn nhận thấy trẻ con nhạy cảm hơn người lớn. Dường như đó là thứ khả năng bẩm sinh, rất gần với tự nhiên. Một đứa trẻ còn ẵm ngửa trong lòng mẹ, cũng có thể nhận biết bóng vía của sự lành dữ. 

Tôi nghĩ tuổi thơ - quá khứ của người lớn - là thứ tài sản vô cùng quý giá trong đời sống tinh thần của mỗi người. Đánh mất tuổi thơ cũng có nghĩa là đánh mất mình. Tôi muốn người lớn đọc truyện trẻ con của tôi, để đừng quên rằng mình cũng từng có một tuổi thơ trong trắng, đẹp đẽ như thế.

Theo nhà văn Trần Đức Tiến, “được chơi” và “chơi được” với trẻ con là rất vui. Ảnh: NVCC

- Theo ông, làm thế nào để nuôi dưỡng sự yêu thích tiếng Việt của độc giả nhí và truyền tải những thông điệp ý nghĩa của cuộc sống qua những tác phẩm thơ văn?

Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học, nên chỉ biết cố gắng sử dụng tiếng Việt trong tác phẩm sao cho trong sáng, sinh động nhất có thể.

- Ông đánh giá thế nào về thứ ngôn ngữ mạng mà một bộ phận giới trẻ đang lạm dụng trong việc học tập, giao tiếp? Liệu nó có làm méo mó tiếng Việt?

Ngôn ngữ mạng, hay ngôn ngữ đường phố, thường rất sinh động, và phải thừa nhận là trong nhiều trường hợp tôi thấy thú vị. Nhiều năm trước đã có “rét” (quá sợ), “máu” (quá hăng hái, nhiệt tình), “mất hút con mẹ hàng lươn”, hay “lặn không sủi bọt” (trốn mất)… Bây giờ, chị có thấy “vầng” có sắc thái khác “vâng” không? “Người iu”, “các tình iu của tôi” cũng ngộ nghĩnh, đáng yêu chứ? “Rùi” không hẳn là “rồi”. “Rất gì và này nọ” hay quá. Cuộc đời “ô trọc lóc” hẳn là một sáng tạo ngôn ngữ … 

Tất nhiên cái gì cũng thế, chả cứ ngôn ngữ, lạm dụng quá sẽ gây phản cảm. Nhưng tôi không hề nghĩ thứ ngôn ngữ đó làm méo mó tiếng Việt như một số người khác lo ngại. Cái gì chết đi cứ chết, cái gì sống được cứ sống, và những cái sống sẽ làm giàu thêm ngôn ngữ của chúng ta. Nhiều bạn trẻ nói năng, viết lách như thế trên mạng đều ít nhiều có hàm ý tếu táo, vui đùa. Nhưng khi viết thư, nhắn tin cho tôi lại rất chỉn chu, nghiêm túc. Như vậy, sự cẩn trọng khi sử dụng ngôn ngữ của các bạn ấy trong những trường hợp cần thiết, đâu có mất đi?  

- Ôm mộng văn thơ từ thời tóc xanh tràn đầy nhiệt huyết nhưng ông lại rẽ ngang làm cán bộ ngành Thống kê. Nhưng nghiệp viết lách vẫn ''bám đuổi'', ông có thể chia sẻ về tác phẩm đầu tiên và cơ duyên gắn bó với văn chương?

Tôi không chủ động “rẽ ngang” mà là do cuộc đời đưa đẩy. Tôi thi vào đại học Văn, nhưng người ta xếp tôi học đại học Kinh tế. Không kêu ai được! Học thống kê ở trường kinh tế mà vẫn thích viết, có những truyện ngắn được đăng trên các báo khi mới ra trường. Tôi viết vì thích viết. Được in báo, sau in sách cứ thế viết. Bạn bè làm văn chương cũng không nhiều. Từ Hà Nội chuyển vào Vũng Tàu cứ một mình viết. Đến lúc thích viết cho thiếu nhi thì viết, tự nhiên vậy thôi, không nghĩ đến “số phận” hay “cơ duyên” gì cả.

- Giải B Sách quốc gia năm 2019 với 'Xóm Bờ Giậu' đã mang lại cho ông điều gì? Ông có ý định gửi tác phẩm tham gia những giải thưởng sách tiếp theo?

Tôi vẫn hay nói với bạn bè: khi được in một cuốn sách viết cho thiếu nhi, tôi thấy vui hơn là in sách cho người lớn. Xóm Bờ Giậu được giải thì càng vui. Nói chung “được chơi” và “chơi được” với trẻ con là rất vui. Còn gửi tác phẩm tham gia giải thưởng nữa chắc thôi. Tôi chấm dứt thi thố từ khá lâu rồi. Xóm Bờ Giậu là được các bạn ở Nhà xuất bản Kim Đồng đề cử. Giải Hiệp sĩ Dế Mèn năm vừa rồi của báo Thể thao & Văn hóa cho tập A lô!… Cậu đấy à?, cũng do các bạn trong Ban sơ khảo giải thưởng đề cử.

Hai tác phẩm dành cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến được rất nhiều bạn đọc yêu thích.

- Ông nhìn nhận thế nào về các giải thưởng văn học, giải thưởng sách hiện nay. Liệu nó có góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng hay chỉ mang tính tượng trưng, phong trào?

Giải thưởng góp phần tích cực vào phát triển văn hóa đọc ít hay nhiều là tùy vào cách tổ chức thực hiện của từng giải thưởng. Sách hay mới có người đọc. Muốn có sách hay phải tìm cách khích lệ được những người có tài viết sách.

- Một ngày của nhà văn Trần Đức Tiến thế nào, thưa ông?

Ảnh: NVCC

Một ngày bình thường như của tất cả những người khác ở tuổi tôi. Tôi dậy sớm tập thể dục, tưới cây, cho chim ăn (chim trời), chuẩn bị bữa sáng (thích tự mình vào bếp hơn là chạy xe ra quán). Ăn sáng, cà phê xong, pha một ấm trà và ngồi vào máy tính. Tôi chỉ viết trong buổi sáng. Chiều đọc, tập thể dục. Tối xem ti vi (chỉ xem bóng đá và phim Mỹ, nếu có).

Nhà văn Trần Đức Tiến

 Nhà văn Trần Đức Tiến sinh ngày 2/5/1953 tại Hà Nam. Quãng thời gian còn đi học, ông từng là học sinh giỏi môn Văn của tỉnh và toàn miền Bắc. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm trong ngành thống kê đến năm 1989 thì chuyển sang công tác ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 1998 đến 2007. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996. 

Một số giải thưởng:

-Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho tập truyện Lỏng và tuột

-Giải Nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1987 và 1990)

-Giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2004)

-Giải Nhất viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn và Bộ Giáo dục & Đào tạo (2005)

- Giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức

- Tác phẩm Xóm Bờ Giậu được trao Giải thưởng Sách Quốc gia 2019 (Giải B)

- Giải Hiệp sĩ Dế Mèn năm 2023 của Báo Thể thao & Văn hóa

Theo vietnamnet.vn