chan_dung-ke_si

VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

23-10-2024

Lượt xem 1905

Đánh giá 3 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Chekhov

VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

Nhà văn Chekhov (1860-1904)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Sao lại nói là không có cốt truyện? Không đúng. Cốt truyện có ở mọi nơi mọi chỗ. Anh hãy nhìn vào bức tường này. Ai cũng biết ở đấy chẳng có gì cả. Nhưng anh hãy nhìn kỹ vào đó, hãy tìm trong đó một cái gì của mình, một cái gì không ai thấy được. Và anh hãy viết ra. Xin cứ tin điều tôi nói, bấy giờ thế nào cũng có một truyện ngắn. Cũng như anh có thể viết rất hay về một chủ đề đã cũ mèm như viết về ánh trăng, miễn là biết nhìn ra trong ánh trăng một cái gì của mình mà không phải một cái gì khác đã quá nhàm.

Cần phải viết về những gì anh thấy những gì anh cảm thấy, viết một cách chân thực. Người ta hỏi tôi muốn nói gì qua truyện ngắn này hay truyện ngắn khác. Gặp những câu hỏi đó, thường tôi không trả lời. Bởi công việc của tôi là viết. Dường như tôi có thể viết mọi điều anh muốn. Giả sử anh bảo tôi viết về cái chai này. Thế là sẽ có truyện ngắn với nhan đề Cái chai. Hình ảnh sinh động làm nên tư tưởng, chứ không phải tư tưởng tạo ra hình ảnh. 

Tôi không nhớ (hồi mới viết - N.D.) có truyện nào tôi phải viết quá một ngày một đêm, và cái truyện ngắn Người xạ thủ mà ông thích đó thì tôi viết ngay trong buồng tắm... Giống y như một phóng viên viết phóng sự về đám cháy, tôi đã phải viết như một cái máy, viết trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, không cần biết độc giả như thế nào. 

Sao lại nói là không có cốt truyện? Không đúng. Cốt truyện có ở mọi nơi mọi chỗ. Anh hãy nhìn vào bức tường này. Ai cũng biết ở đấy chẳng có gì cả. Nhưng anh hãy nhìn kỹ vào đó, hãy tìm trong đó một cái gì của mình, một cái gì không ai thấy được. Và anh hãy viết ra. Xin cứ tin điều tôi nói, bấy giờ thế nào cũng có một truyện ngắn. Cũng như anh có thể viết rất hay về một chủ đề đã cũ mèm như viết về ánh trăng, miễn là biết nhìn ra trong ánh trăng một cái gì của mình mà không phải một cái gì khác đã quá nhàm. 

Truyện vừa, cũng như một màn kịch, có những điều kiện của nó. Cảm giác của tôi báo với tôi rằng ở đoạn cuối của thiên truyện, tôi cần phải tìm cách tập trung sao để làm nổi bật trong tâm trí độc giả cái ấn tượng đã thấp thoáng trong toàn truyện. Để làm được việc này, cần phải ít nhiều gợi lại những gì ở các đoạn trên đã nhắc tới. 

Để viết về bọn ăn cắp ngựa, trong vòng bảy trăm dòng, tôi buộc mình phải luôn luôn nói và nghĩ bằng cái giọng của chúng, cảm thấy mình sống trong không khí của chúng. Nếu làm khác đi, tức thêm vào đấy những yếu tố chủ quan, các hình ảnh sẽ trở nên mơ hồ, và thiên truyện sẽ không thể cô đúc như các truyện ngắn đòi hỏi. Khi viết, tôi luôn tính tới bạn đọc, tôi hiểu những yếu tố chủ quan còn thiếu, trong thiên truyện sẽ được họ bổ sung. 

Theo ý tôi, những đoạn miêu tả thiên nhiên cần luôn luôn ngắn gọn và phải xuất hiện cho đúng lúc. Những câu đại loại “Vầng mặt trời sắp lặn đùa nghịch mãi trong lớp sóng đang trở nên sẫm lại, trông như một lớp vàng đỏ thắm..." nói chung nên quăng bớt đi. Trong việc miêu tả thiên nhiên, cần biết chọn lấy những chi tiết có vẻ bé nhỏ, nhưng gộp chúng nó lại sao cho sau khi đọc, có thể hình dung ra cả bức tranh. 

Cần phải làm việc thật nhiều. Cần phải không ngừng làm việc ngày ngày. Hồi trẻ, tôi viết mỗi ngày một truyện ngắn. Sau đó thành thói quen. 

Anh hãy quan sát kỹ cuộc sống, quan sát kỹ mọi người. Sau đó, có khi đang đi chơi bên bờ biển Yalta chẳng hạn, bất thình lình cái lò so của truyện chợt bật ra trong đầu óc và thế là một truyện ngắn đã có sẵn. 

Anh hỏi cần viết thế nào, để có một truyện thật tốt. Trong truyện đó, không có cái gì được thừa cũng y như trên boong tàu quân sự, ở đó tất cả phải đâu vào đấy, không cái gì được thừa. Truyện ngắn cũng vậy. 

Nghệ thuật viết, nói cho đúng ra, không phải ở chỗ viết như thế nào, mà là nghệ thuật vứt bớt đi những gì dở, kém như thế nào. 

Theo tôi, viết truyện ngắn, cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và kết luận. Với cách viết văn xuôi chúng ta, lôi thôi nhất là vấn đề thời gian. 

Sau những đỉnh cao mà Maupassant bằng trình độ nghề nghiệp rất cao của ông, đã đạt tới, thì thật là khó làm việc. Nhưng vẫn cần phải làm, nhất là những nhà văn Nga, trong công việc, chúng ta phải dũng cảm. Có những con chó lớn, nhưng lại có những con chó nhỏ, có điều tiếng chó nhỏ đừng có lẫn vào tiếng chó lớn mới được. Mỗi bên phải sủa bằng tiếng của mình, bằng cái giọng trời cho của mình. 

 Một lần nào đó, tôi đã nói với anh cần phải tạo ra thản nhiên, khi viết những truyện thương tâm, và anh đã không hiểu tôi. Nhà văn có thể khóc lóc, rên rỉ, có thể đau khổ với các nhân vật của mình, nhưng theo tôi, cần phải làm sao để độc giả khỏi nhận thấy những cái đó. Càng khách quan càng có thể tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ. Đó, tôi muốn vậy. 

Không việc gì phải lo tìm bằng được những cất truyện cho thật lắt léo. Trong cuộc sống, tất cả cứ lẫn lộn với nhau, cái sâu sắc với tầm thường, cái vĩ đai với cái bé nhỏ,  cái bi thảm với cái hài hước. 

Những truyện ngắn mà anh gửi cho tôi toát ra một vẻ giả dối ghê gớm.  Cốt truyện không thể có được. Anh hãy tự kính trọng, đừng cố viết khi óc lười nghĩ. 

Hãy chỉ viết không quá hai truyện ngắn trong một tuần rồi tìm cách thu bớt nó lại, làm lại, cho lao động thực sự là lao động. Đừng viết về những đau khổ mà anh chưa từng trải qua, đừng vẽ nên những khung cảnh mà anh chưa nhìn thấy, vì trong truyện sự giả dối hiện ra còn tẻ nhạt hơn nhiều, so với khi trò chuyện. 

Truyện ngắn của anh tôi rất thích. Đây là một truyện tốt, thông minh, đáng yêu. Nhưng cũng như mọi khi, anh có phần uể oải trong dắt dẫn, nên chi câu chuyện đâm ra oặt oẹo không vững. 

Anh hãy tưởng tượng một cái ao lớn, nước chỉ lăn tăn, mắt thường không sao có thể nhìn thấy sóng. Trên mặt ao có đủ những thứ khác nhau: dăm bào, thùng phuy, bảng gỗ. Do nước chỉ lăn tăn, tất cả những thứ đó cùng như đứng nguyên, bất động và lẫn vào nhau. 

Truyện của anh cũng vậy, quá ít vận động và quá nhiều chi tiết, tới mức cái nọ chồng chất lên cái kia. 

Truyện ngắn của anh rất tốt, chỉ hiềm nó dài quá, trong đó có quá nhiều chi tiết vô bổ. 

Cái giọng điệu chung của truyện bị phá vỡ bởi đoạn nhân vật chính cãi nhau với vợ, một cuộc cãi nhau không cần thiết. Tôi hình dung nó giống như giữa bức tranh vẽ cảnh biển cả rất êm đềm bỗng có những ngọn sóng  quá cao, nó làm cho kích thước bị xô đẩy, ấn tượng bị vụn ra, mất đi sự nhất quán đáng lẽ phải có. 

Anh có biết không, muốn đánh giá một nhà văn mới vào nghề, hãy xem ngôn ngữ của anh ta. Nếu văn anh ta không có cái giọng riêng, anh ta khó lòng có thể trở thành một nhà văn thực thụ. Còn khi đã có giọng riêng, có tiếng nói của mình, với tư cách một nhà văn, anh ta đáng để ta hy vọng. Khi ấy ta có thể xem xét các mặt khác trong những gì anh ta đã viết.

* Theo Tchekov bàn về văn học, M. 1955, tựa trích đoạn do Chân Dung Kẻ Sĩ đặt.

Bài liên quan