Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khi đó đã đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa khẩn cấp khu vực để bảo vệ nguyên trạng, họp bàn tìm cách khai quật tối ưu.
Theo các tài liệu khảo cổ, sáng ngày 18/4/2001, tại bờ biển xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, một nhóm công nhân khai thác titan đã bất ngờ phát hiện một khối gạch bị vùi sâu dưới cát biển. Phát hiện này đã mở ra một cuộc khai quật quan trọng, khi các nhà khảo cổ học nhận định đây là một trong những tháp Chăm cổ nhất tại Việt Nam.
Ngay sau phát hiện này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin lúc bấy giờ (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ông Nguyễn Khoa Điềm, đã chỉ đạo phong tỏa khẩn cấp khu vực, đồng thời tiến hành cuộc họp nhằm tìm giải pháp tối ưu cho công tác khai quật và bảo vệ di tích.
Theo kết quả khai quật, tháp Phú Diên có hình chữ nhật, hướng Đông - Tây, với mặt bằng dài 8,22m và rộng 7,12m. Tháp gồm nhiều phần, bao gồm móng, chân tháp, thân và diềm mái. Chiều cao còn lại của tháp từ 3,1m đến 3,26m, do bị lún nghiêng qua thời gian.
Đế tháp được xây dựng hình chữ nhật với 4 lớp gạch liên kết chặt chẽ, tạo nền móng vững chắc. Thân tháp cao 1,36m, bên trong là lòng tháp hình chữ nhật có bệ thờ cao 0,73m, trên đó đặt Yoni bằng sa thạch, biểu tượng quan trọng trong kiến trúc tôn giáo Chăm Pa. Trước cửa chính, cách 5m, là một bệ thờ hình vuông bằng gạch với kỹ thuật mài khít độc đáo, các nhà nghiên cứu cho rằng nơi đây từng đặt tượng thờ.
Điều đáng chú ý là màu sắc của gạch tháp Phú Diên vẫn giữ được nét đỏ hồng đặc trưng, dù đã trải qua hàng thế kỷ. Theo các nhà khoa học, gạch tháp được làm từ đất sét nung ở nhiệt độ thấp (dưới 800-900 độ C) và sử dụng kỹ thuật mài chập kết hợp với nhựa cây ô dước để tạo sự kết dính bền vững.
Tại khu vực khai quật, các nhà khoa học còn phát hiện một số đồ cúng tế như hộp gốm, chân đèn… So với các tháp Chăm khác thì các họa tiết của tháp Phú Diên mang tính cách điệu và sơ khai hơn, dẫn đến phỏng đoán đây có thể là một tháp có từ rất sớm.
Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, tháp Phú Diên thuộc nhóm tháp lùn trong nghệ thuật kiến trúc Champa. Đây là nhóm tháp khởi đầu của kiến trúc tôn giáo Champa trước khi chuyển sang kiểu kiến trúc vật liệu bền vững.
Kết quả phóng xạ cacbon sau đó cho thấy, tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ VIII, thuộc một trong những tháp Chăm cổ nhất Việt Nam. Giới nghiên cứu nhận định, tháp Chăm này nằm trong phong cách chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc cổ Mỹ Sơn E1 sang phong cách kiến trúc tháp Hòa Lai…
Cận cảnh Tháp Phú Diên
Hình dáng của tháp được xây dựng rất tỉ mỉ mà không hề khô cứng và rườm rà. Phần chân đế, thân, diềm mái hay 4 vòm cửa đều được thiết kế ở 4 mảng tường ngoài tháp tạo dáng vẻ uy nghi cho ngôi tháp.
Tại thời điểm được phát hiện, tháp bị vùi sâu dưới lòng cát từ 5-7m, thấp hơn mực nước biển hiện tại là 3-4m và chỉ cách mép nước biển 120m.
Tháng 12/2001, sau khi hoàn tất các thủ tục khảo sát, tháp Phú Diên được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Quốc gia. Đến tháng 10/2005, quá trình bảo tồn và tu bổ tháp được tiến hành, hoàn thành vào tháng 5/2007 với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng.
Ngày 14/3/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) chính thức xác lập kỷ lục cho tháp Phú Diên là “Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam”.
Hình ảnh trong Đêm hội Tháp Chăm
Sau đó, vào ngày 30/5/2022, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) cũng ghi nhận tháp Phú Diên với danh hiệu “Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”.
Dù đã chịu nhiều biến dạng qua thời gian và tác động của thiên nhiên sau hơn 12 thế kỷ, kiến trúc và nghệ thuật của tháp vẫn giữ được sự tinh tế và giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt.
Theo nguoiquansat.vn/tcdulichtphcm.vn