chan_dung-ke_si

VÀNG VÀ MÁU - Truyện ngắn Thế Lữ

15-12-2023

Lượt xem 1622

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Thế Lữ

VÀNG VÀ MÁU - Truyện ngắn Thế Lữ

Nhà văn Thế Lữ (1907-1989)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Chúng ta biết đến một Thế Lữ nhà thơ, biết đến một Nhớ Rừng trong sách giáo khoa đã in đậm trong trí nhớ của biết bao thế hệ học trò. Nhưng còn một Thế Lữ viết văn, hơn thế còn viết rất xuất sắc. Từ những học hỏi trong các sáng tác của nhà văn Edgar Allan Poe, ông tổ truyện trinh thám của văn học Mỹ, Thế Lữ đã viết Vàng và Máu. Đây là tác phẩm của Thế Lữ được nhiều người nhắc tới và xem như hay nhất trong các truyện trinh thám của ông. 

Bài liên quan: 

ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN KINH DỊ CỦA THẾ LỮ VÀ EDGAR POE TRƯỜNG HỢP “VÀNG VÀ MÁU”

Kể từ châu Kao Lâm ở phía đông và miền bản Slay ở phía tây mà đến, từ mạn bản Pắc đi xuống, và từ bản Hạ trở lên, cách non mười dặm chung quanh chỉ có quả núi đá Văn Dú là cao lớn nhất.

Sừng sững giữa trời, bao quát đồi cây gò đất, núi ấy trông đường bệ hách dịch như đứng làm chúa tể cho cả một vùng phong cảnh hoang vu. Dân Thổ ở các làng gần đó, ngày nào cũng trông thấy ngọn núi mù mù lam tím, nhô lên trên những hàng rừng xanh chi chít um tùm.

Những buổi hoàng hôn bóng chiều soi riêng một phía cũng như các ngày ủ dột âm u, Văn Dú lại hiện ra với một vẻ riêng oai linh và mầu nhiệm.

Đối với ngọn núi lớn, người Thổ không chỉ có tấm lòng kính cẩn phảng phất đối với mọi cảnh bát ngát cao cả, họ còn sợ hãi Văn Dú như một vật có tri giác, có quyền phép làm hại người. Ở những miền quanh đó và trong thời bấy giờ, ai nói tới Văn Dú là một sự gở lạ. Họ chỉ gọi đến tên quả núi trong những khi tức giận nhau mà chửi rủa hay những khi thề bồi. Một người say rượu lớn tiếng xúc phạm đến Văn Dú cũng đủ làm cho khắp cả một châu biết đến tên mình; họ thuật lại những lời nói và cử chỉ của anh ta một cách e dè, nhưng đó là thứ chuyện họ ưa nghe ưa kể nhất.

Núi Văn Dú có một cái hang lớn. Đó là nơi chứa những tai hoạ ghê gớm cho giống người Thổ và là cái nguồn những sự khủng khiếp và những chuyện kinh hoàng. Người ta gọi hang là hang Thần, vì đó là chỗ thần núi ở.

Thần núi Văn Dú linh thiêng lắm, lại rất độc ác và hay nghi ngờ. Người nào hoặc vô tình, hoặc cả gan đến gần thần núi là bị thần hang bắt vào giết đi. Cho nên từ Văn Dú trở ra chừng hai ba dặm chỉ toàn thấy rừng xác, đất hoang; người Thổ không dám đến khai phá để cày cấy.

Trong một năm có nhiều khi trời đất đang yên bỗng đùng đùng một cơn sấm sét. Trên không gió vù, chớp loáng như gươm thiêng vung tít; cây cối vật vã tan nát, người vật lo sợ mất hồn. Khắp mọi nhà đều khua gõ inh ỏi cùng với các bà then thầy pháp kêu khấn cho đến khi nguôi cơn. Nhưng thế mới đỡ tai hoạ.

Lại nhiều khi, sau một hồi giông tố dữ dội, mây đen biến hết, ánh nắng lại soi xuống; bấy giờ trên đỉnh núi chập chờn một tầng khói phủ dần dần bay đi. Trong đám hơi trắng mà người ta bảo là nộ khí của thần hang, có người nói rằng thường trông thấy những hình bóng kỳ dị.

Trong trí tưởng tượng của người Thổ thì cửa hang Thần trông như mồm con yêu hay hổ quái gở. Cái mồm ấy phun ra những hơi độc làm thành dịch tễ, gió bão để phá huỷ các làng. Trước cửa hang Thần, người thì bảo có toàn đầu lâu, người thì bảo có đủ các rắn rết. Lại có người khoe đã nằm mơ vào tận trong hang xem. Qua khỏi những chỗ nguy hiểm rồi thì đến nơi ruộng nương tươi tốt, suối chảy thong dong, cây lá rườm rà, bò lợn từng đàn ăn trên những bãi cỏ xanh non, lại có các nàng tiên nhởn nhơ chăn dắt. Song cái tấm ảnh đào nguyên kia, người ta cũng cho là một cảnh mai mỉa không thể làm dịu được vẻ độc ác của núi Văn Dú gây nên bởi những truyện phao truyền từ trước đến giờ.

Những người già cả trong làng thì cho rằng hang Thần hoá thiêng là vì trong đó chôn cất không biết bao nhiêu thây của quân giặc Khách. Bọn giặc này sang tàn phá nước Nam khi trước bị quân ta đuổi riết, túng thế ẩn vào Văn Dú rồi bị hãm chết đói trong hang. Đứa nào cũng mang theo rất nhiều vàng đã cướp của dân lành. Nay những của ấy hãy còn, nhưng chúng thành thần để giữ lấy.

Về đời ông cha họ thì dân cư vẫn thường cấy cầy được ở gần hang Văn Dú; bấy giờ những tai hoạ chưa có mấy, nhưng mỗi khi sụt sùi mưa gió lại văng vẳng như có tiếng khóc thảm thiết lẫn với tiếng cười gằn; chốc chốc một cơn gió là là mặt đất chạy qua, cửa hang bỗng gầm rít lên một cách giận dữ.

Gần làng kia thuộc châu Kao Lâm có một cái suối chảy đến. Suốt phát nguyên từ Văn Dú và chạy ngang mặt đông bắc quả núi, là phía hang Thần trông ra. Như thế là một sự nguy khốn cho làng ấy. Đã có một hồi, muốn phòng những tai nạn, người ta đặt ra lệ tế thần Văn Dú hàng năm. Vật hy sinh là một người con gái đẹp. Tiếng oán khóc của các cha mẹ những người gái trinh bị giết quăng xuống suối nghe bi thảm đầy trời đất, nhưng không hề cảm được lòng những dân làng độc ác vì ngu dại kia.

May sao được mấy năm sau, có một ông quan trấn người Kinh nghiêm cấm không cho giết người như thế nữa.

Về sau họ thấy trong châu động dữ và đã mấy phen toan giữ lại lệ xưa nhưng đều không thành.

Song cái tục vô đạo này tuy mất đi, cái linh thiêng của tà thần Văn Dú mỗi ngày một lớn, lòng mê muội và khiếp sợ của người miền ấy ngày một tăng thêm. Bao nhiêu điều huyền bí ngày một ly kỳ. Người Thổ cứ cha truyền con nối cho nhau tin, kể đã hơn hai trăm năm trời, cho đến bây giờ là năm Kỷ tỵ 1929).

 

I
Một buổi chiều mùa đông, trời rét căm căm, mưa phùn bay mù mịt.

Từ miền bản Đông thuộc châu Kao Lâm đến mạn Văn Dú, có hai người đàn ông Thổ đang rảo bước đi. Hai người mặc quần áo vải chàm; áo cộc thắt lưng chẽn ngoài quần ngắn và chít ống. Một người trạc ngoại bốn mươi, nét mặt già dặn, mắt sâu, miệng nhỏ, thở hơi ra như khói, cái quai nón mắc xuống cằm đè lấy bộ râu lưa thưa còn lấp lánh những giọt nước mưa. Thỉnh thoảng ông ta ngoảnh bảo người đi sau mấy lời. Người này không nói gì cứ ra chân bước. Hắn còn trẻ; trông rắn rỏi và khoẻ mạnh không kém người trước; hai môi dẩu, trán nhô và cao; đầu quấn một cái khăn lớn. Một tay hắn thủ vào trong áo, còn tay kia thì nắm một cái lao dài.

Hai người cứ trông thẳng phía núi đá mà tiến lên, lúc xéo lên những lối rậm rạp bên đồi, lúc giẫm gẫy những nấm rạ cụt ở ruộng lúa. Qua hết đồi này lại đến những gò khác; những bụi cây xanh mưa ám mỗi ngày một rậm, đồng ruộng ngày một thưa; ngọn núi đá mờ mờ trong đám sương mù cũng ngày một rõ.

Gió bấc thổi bên tai vù vù từng trận. Trước mấy rặng rừng hay trước những khóm cây nặng nề ướt át, những làn mưa bụi trắng từng lớp bay qua.

Chân tay mặt mũi hai người tái cứng đi. Giá cấu chắc không biết đau, có lẽ cũng không biết rét nữa. Quần áo phía trước, mưa hắt nhiều nên ướt đẫm. Từ đầu gối trở xuống toàn những đất đỏ với bùn; mỗi lúc qua một đám cây thấp nào thì cành lá gột sạch gần hết.

Đi tới miền đồi núi và bụi cây chen chúc nhau, không còn dấu vết cày cấy nữa, hai người Thổ trông thấy quả núi Văn Dú đứng chắn trước mặt, hình vóc cao lớn như ngăn đôi phần đất, đỉnh núi như chạm bầu trời.

Họ dừng chân ở cạnh một cái suối lòng sâu như vực. Nước suối xanh đặc như rêu thẫm, đang lừ lừ đi vào một cái hốc to dưới mấy cụm cây lá xoè ra và phủ xuống như cánh tàn.

Họ cởi đôi hài xảo (1) chùi xuống cỏ ướt rồi nhét vào trong nải. Rồi họ đứng thẳng dậy, ngoảnh trông lại quãng đường họ vừa đi qua. Bấy giờ vào khoảng cuối giờ Thân (bốn giờ chiều), mưa đã gần tạnh. Bao nhiêu rừng núi đằng xa đều tan thành hơi trong đám sương dày đặc trắng đục. Chân trời một màu xám như bạc cũ, làm nổi bật những bụi rậm ở gần bên.

Trông sang mạn bờ suối bên kia, thì Văn Dú như sát lại cạnh mình. Quả núi lồng lộng đen sì làm át cả những đống gò nhỏ mọn. Một vài bụi cây xơ xác chen lách dưới những tảng đá lớn mốc rêu. Về phía trong cùng, một rặng rừng thấp và lưa thưa như không dám xanh tốt.

Hai người lẳng lặng tìm một chỗ đỡ trơn và hẹp nhất, lần lần bám víu lấy cành lá rễ cây mà xuống rồi lại chậm chạp khó nhọc như thế mà leo lên bờ suối bên kia.

Từ bờ suối bên kia là địa phận của sự ghê gớm.

Sang tới nơi, họ lại xỏ chân vào đôi giày rơm, rồi cùng nhau đi đến chân núi.

Lần này, người tuổi trẻ phải cầm lao đi trước. Họ bước đi rón rén, cẩn thận, bốn mắt liếc đây liếc đó. Hơi có tiếng lạ cũng dừng lại bởi vì họ yên trí rằng họ đã đi vào nơi hoang dã có lẽ chưa bao giờ có vết chân người.

Mưa đã tạnh hẳn rồi. Gió cũng đã ngớt. Chim chóc bắt đầu lên tiếng ở trên mấy ngọn cây cao hay trong ngách đá. Thỉnh thoảng một vài con quạ vừa bay ngang núi vừa kêu.

Đường đất cũng không đến nỗi khó đi quá như họ tưởng. Nhưng họ cũng không dám bước bạo.

Đi khỏi một cái đồi, qua mấy tảng đá nằm nghiêng trên đám cỏ lau đến một tụm cây họp lại thành gần như một cái miếu. Thấp thoáng trong đám lá xanh um, thấy như có dấu vết một bức tường đổ nát. Hai người không đứng lại. Dấn lên mươi bước nữa, đi về phía chân núi, qua khỏi cái miếu nhỏ, thì hang Thần hiện ra.

Hang Thần trông cũng không to: bề cao bằng nửa cây gạo già mọc trước cửa. Miệng hang loe ra như cái miệng hũ. Phía trên toác ra như cái môi rách, phía dưới có hai tảng đá dài và nhọn đâm lên ở hai bên mép như hai cái nanh. Trông vào trong hang càng xa càng rộng, càng đen tối thêm thăm thẳm sâu vô cùng tận. Trên cửa hang chi chít các giống thảo mộc kỳ dị lấp lánh vì nước mưa phùn mới rửa. Từ trong kẽ đá, bò ra những khúc cây tròn và mốc, bám chặt vào miệng hang. Những dây những rễ; những lá đỏ, lá xanh, lớn bé lẫn lộn, mọc đầy mép hang; những cụm trúc rất nhỏ với những đám cỏ xác xơ chen nhau ở bên những khóm si con và những vừng tóc tiên xanh tốt.

Tiếng hạt nước đọng trên cao vẫn rơi xuống lộp độp lẹt đẹt không dứt, nghe mạnh hơn tiếng chim kêu ríu rít ở những ngọn cây nào. Bỗng chốc cơn gió thổi qua, một loạt nước đổ ào xuống như muôn nghìn quả chín rụng.

Hai người Thổ cùng nín tiếng, hai mắt mở lớn, người thì đưa nhìn tả, người liếc hữu, rồi lại trông vào cái lỗ hang đen tối âm thầm. Họ đã chực lẳng lặng đi vào. Nhưng lại cùng nhau dấn bước qua, đi sang phía hữu hang Thần đến bên lớp dứa ông xúm quanh chân mấy cây dại hình thù kỳ quặc: những cây này đang uốn éo sát chân núi; cây thì chui ra khỏi một tảng đá vỡ, cây thì để cho dây leo quấn chằng chịt, nhiều cây đã đổ, gãy, bật hẳn rễ, mà vẫn còn sống như thường.

Đang tha thẩn nhìn, không có mục đích, hai người bỗng trông thấy một vật gì màu lam ở dưới một cụm dứa. Nhìn kỹ thì hình như một bọc vải, một cái khăn gói màu lam, nằm trong đám lá dại với cỏ cao trên mặt đất. Nhưng không ai dám nói gì hết: nhiều vật tương tự như nhau có thể làm cho mình trông lầm được. Họ bèn bước lại gần để xem sao.

Thì ra một cái khăn gói thực. Một cái khăn gói đã mở, ướt như mới lấy dưới nước lên bên cạnh cái khăn gói ấy còn thấy một con dao rừng và một cái gậy lớn.

Hai người Thổ cùng kinh ngạc như nhau, mỗi người toan kêu lên: "Có ai tới đây rồi!" nhưng không thể nào dám thốt ra miệng một điều quái lạ như thế.

Ông già ngập ngừng một chút, rồi cúi xuống giở cái bọc ra xem: một cái áo chàm vải thô, gói lấy hai nén bạc còn nguyên, với lại...

Bỗng một tiếng khiếp sợ rú lên ở bên cạnh. Ông già đứng phắt dậy, nhìn, thì thấy người con trai mặt tái mét, hai mắt mở to lạ, vừa chỉ về cái miếu trước mặt vừa lớn tiếng nói:

- Kòi ka! Kòi ka! (kìa trông! kìa trông!)

Vang núi cũng đáp lại hai tiếng "kòi ka!" nghe như lời quát tháo.

Ông già trông theo ngón tay trỏ thì thấy trong đám miếu nhỏ, một người chết treo dưới một cây bàng trụi lá, mọc bên một bức tường đổ nát và mốc rêu:

Người chết hình vóc to lớn, đầu có bím vắt ra sau lưng. Chiếc dây chão thõng xuống thắt nút ở gáy và lằn vào cổ, làm cho cái mặt phị, xám hơn bộ quần áo chàm ướt, cúi gằm xuống mà nhìn người ta bằng con mắt không có tròng đen. Hai bàn tay buông thõng, để cho nước mưa ở năm đầu ngón rỏ xuống như giọt tranh. Hai bàn chân đen sì kiễng trên không, như muốn với lấy đám lá sắc cỏ nhọn mọc ở mặt đất.

Các nhánh cây cao chung quanh thỉnh thoảng lại đưa đẩy. Một đàn quạ đen sợ người không dám xuống, gọi nhau bằng những tiếng thê thảm lạnh lùng.

Hai bác Thổ nắm chặt lấy tay nhau, không dám tiến, không dám lùi: quanh mình chỗ nào cũng thấy toàn sự chết.

Họ liếc nhìn vào chỗ tường đổ, trên mặt những gạch còn lại rêu non và những lá nhỏ bám xanh lè. Ở quãng giữa những mảnh tường, tự do mọc lên những cây lá lạ kỳ, rậm rạp. Dây bìm nửa tươi nửa chết bò leo ra tới mấy cây ở gần và rủ xuống phất phơ bên cạnh đùi cái thây ma in lẳn trong hai ống quần đẫm nước.

Một trận gió lạnh buốt ào ào chạy đến làm rung động cả một phía rừng cây. Người Thổ già rùng mình một cái, còn người con trai thì bắt đầu run. Anh ta lẩm nhẩm trong mồm những câu gì mà người kia đứng bên cũng không nghe rõ. Dần dần ông già như đã định trí, bèn dắt người con trai quay lại, toan cùng đi tới cửa hang. Song anh chàng càng đi càng run thêm, phải níu lấy ông già, van đừng tiến lên nữa.

Người Thổ già đứng lại, ngẫm nghĩ một lát, rồi lẩm bẩm mấy tiếng, trong lúc ấy người con trai một tay nắm chặt lấy lao chống xuống đất, còn một tay nhất định không chịu buông ông già.

Yên lặng hồi lâu.

Trời đất hình như chỉ riêng u ám ở chỗ hoang dại ấy.

Mặt ông già không còn nét kinh hãi nữa. Ông ta đang cúi đầu nghĩ, bỗng ngẩng lên, rồi nói:

- Bây giờ đi vào trong hang.

Anh con trai mở mắt rõ to:

- Hử? Đi vào hang à?

- Chứ gì!

- Không! Tôi sợ lắm!

Ông già cau mặt:

- Sợ gì mà sợ! Đằng nào cũng phải vào trong ấy xem đã, rồi còn đi về nữa kia mà?

- Không! Không! Đi về thôi! Không vào! Vào thì chết!

Ông già lấy trong mình ra một mảnh giấy. Trên đó có mấy hàng chữ nhỏ mà ông ta không đọc, chỉ để mắt tới những hình vẽ ngòng ngoèo như hình sông núi của bức địa đồ. Ông ta ngẩng nhìn thân quả núi cao, trông vào cái hang cách độ mươi bước và lãnh đạm nhìn cái xác treo lủng lẳng kia.

Rồi ông ta thản nhiên nói:

- Nào! Ta đi vào đi.

Người con trai lắc đầu không thôi:

- Không có vào! Vào thì chết! Vào chết đấy!

Ông già cứ trông kia thì biết. (Hắn vừa nói vừa chỉ vào thây người Khách). Người ta nói không sai đâu.

- Mày không vào thì tao vào một mình. Đừng có nói lôi thôi. Rồi về đừng kể công đấy... Đi vào không?

- Không... vào thì chết thôi! Vào thì chết!

Người Thổ già thấy vậy bực mình để mặc người trẻ tuổi đấy, xăm xăm bước lại cửa hang.

Đến nơi, ông ta lấy trong bọc ra mấy thanh củi thông, một ít bùi nhùi với một hòn đá lửa.

Lúc bó đuốc thông đã cháy, ông già một tay cầm bó đuốc giơ lên ngang trán, một tay cầm thanh đao to bản, quay lại mắng người con trai là nhát, rồi bước thẳng vào hang Thần. Người con trai cuống cuồng chạy vôi lại cửa hang, cất tiếng gọi.

Nhưng ông già đã lẩn vào trong bóng tối. Ngọn lửa đỏ ngùn ngụt cũng dần dần bé, rồi biến hẳn đi.

Ở ngoài này, anh ta lắng nghe còn thấy đằng hắng một vài lần và thỉnh thoảng có tiếng chân thong thả khua trong một vũng nước.

Anh con trai chợt nghĩ đến những chuyện ma quỷ ám ảnh người chết mà dẫn vào chỗ chết. Anh ta thốt nhiên hối hận rằng không nhẩy xổ vào mà kéo ông già lại. Chắc hẳn ông già này lại bị thần núi bắt vào hang. Anh chàng cố nín hơi nghe tiếng chân dần dần bước còn thấy đưa ra là ông già vẫn còn sống...

Gió bên ngoài thổi qua không buốt bằng hơi lạnh ở hang đá. Anh ta run cầm cập, hai hàm răng va nhau ngày một mạnh.

Bước chân đã thấy im từ lâu.

Chốc chốc lại có tiếng kêu "chít chít" nhỏ, với tiếng thì thầm lớn, tưởng như lời mỉa mai độc ác của yêu quái, ngồi xổm đang vừa ngáp vừa bàn nhau. Thỉnh thoảng hình như cả cái hang thở dài. Rồi, im lặng. Không thể nào đoán được những việc xảy ra trong cái miệng tối bí mật ấy.

Anh Thổ nghe thấy tiếng lạ thì sợ. Anh ta thấy yên lặng lại càng sợ già.

Anh ta muốn hắng giọng lên, hay nói đùa một câu gì để phá cái tịch mịch nặng nề kia; nhưng không dám. Anh ta cũng không dám nhìn về phía cái xác chết; lại tưởng người thắt cổ sắp đứng xuống đất, sắp đi lại gần mình. Anh ta rợn người lên, khẽ ngảnh đầu nhìn lại.

Những bụi cây rậm rịt chung quanh như vây chắn lấy mình: chưa bao giờ anh ta thấy có cái cảm giác vắng vẻ biệt tịch bằng lúc ấy!

Thế mà có một người đi cùng, thì lại vào trong hang mất, lại vào đấy sau khi gặp người thắt cổ! Chẳng hiểu bụng dạ ông thế nào. Mà sao mãi không thấy ông ta ra? Mãi không thấy tiếng gì hết! Hay lạc mất lối? Hay bị mê mẩn sợ hãi quá? Hay gặp ma quỷ? Chết rồi cũng không biết chừng!

Trong lòng người con trai nôn nao như điên dại.

Anh ta nghĩ: hay là gọi thực to lên cho lão già đáng giận kia nghe thấy. Nhưng anh ta lẳng lặng trông xuống dưới chân.

Bên những cái màng đeo những hạt sương sáng đẹp như thuỷ tinh, anh Thổ trông thấy những hòn đá sỏi lăn dưới cỏ. Chợt nẩy ra một ý kiến. Anh ta nhìn vào trong đám tối: cúi xuống nhặt ba bốn hòn to nhất, nghĩ ngợi một lát, rồi đánh liều vứt mạnh vào hang. Hòn sỏi hình như bị rơi xuống chỗ có nước, vì nghe đánh "bõm" một cái. Anh ta lại ném hòn đá nữa, lần này ném thẳng không rụt rè.

Tức thì trong hang có tiếng rên hừ hừ đưa ra. Anh này chưa hiểu sao, bỗng lại nghe thấy tiếng bịch bịch rất mạnh và rất nhanh, rồi như có muôn vàn đá sỏi đổ mưa xuống một cái vũng nước không trông thấy.

Ngay lúc đó, ông già ở trong đám tối hiện ra, nét mặt ông đổi hẳn đi; hai mắt kinh sợ mở đến rách kẽ; nón lật ra đằng sau, khăn buột xuống quanh vai, tóc xoã ra rũ rượi.

Người trai Thổ chưa kịp kêu hỏi thì ông già đã loạng choạng bước vội đến bám lấy hắn, vừa rên, vừa thở hồng hộc, lưỡi líu lại không nói được nên lời nào. Anh chàng điên cuồng vội quăng cái lao đang cầm đi, rồi vực ông già ngồi xuống một bên, một cánh tay đỡ lấy sau vai, tay kia rờ lên trán ông già thì thấy toát ra một thứ mồ hôi lạnh và dính nhơm nhớp. Anh ta rối rít gọi ông già tiếng kêu vang động cả quả núi; nhưng ông ta đã rũ xuống, chỉ lắc đầu không thưa. Ngực ông ưỡn lên, hơi thở càng ngắn càng tức tối. Hai mắt ông trợn ngược nhìn về phía cửa hang là phía ông quay đầu vào. Mồm thì há cứng đờ, thỉnh thoảng như muốn hớp lại. Một dòng máu từ mũi chảy ra, đen và loãng, lẫn vào bọt dãi ở hai bên mép, rồi cùng chảy xuống cái cổ xanh xám, đầu ngoặt ra đằng sau. Người trai thổ vừa run run kéo vạt áo lau cho ông già, bỗng trông thấy trong cái tay co quắp của ông ta một mẩu giấy nhỏ.

Ông già lúc ấy không thở được nữa.

Anh ta không thể nào biết được vì sao mà ông ta đến thế, thấy mẩu giấy lạ, bèn cậy tay ông già ra xem: đó là một mảnh giấy khổ vuông, to bằng hai bàn tay màu hung hung vàng, dầy và dai lắm.

Trên mặt giấy, về phía tả, có vẽ một người quỳ, cầm một tờ giấy lớn giơ lên ngang mặt; ở phía hữu vẽ một bó đuốc đang cháy; nét vẽ rất ngây dại. ở hai hình vẽ có mấy hàng chữ Hán, nghĩa như sau:

Miệng có hai răng;
Ba chân bốn tay;
Mày vào trăm chân;
Mày lên ba tay;
Tên mày là đá;
Đá sinh trứng đá;
Trứng đá giữ của;
Mày có sức mang;
Mày giầu mày chết;

 

II
Về mạn tây nam, sau lưng Văn Dú, là châu Nga Lộc cách xa hòn núi đá chừng ngót một phần tư ngày đường.

Nhà Quan Châu nằm trên một cái đồi, mái lợp tranh, tường đất lèn, thấp và vững chãi. Chung quanh cây tre bụi rậm vây kín. Dưới chân đồi là xóm làng.

Quan Châu Nga Lộc năm ấy chừng ngoại bốn mươi tuổi; người khoẻ mạnh và tinh anh.

Trong nhà lên đèn đã lâu. Ông xếp gọn các đơn từ đã phê xong, lấy cái nghiên mực lớn chận lên, và gạt nhỏ ngọn đèn dầu lạc để trên một cái giá cao trên án sách. Ông tụt giầy, kéo cái chăn dệt ngũ sắc lên tận vai, đặt cái gối xếp lại cho chỉnh, rồi vừa ngả lưng lên bộ ván gỗ quý, vừa thở dài một cách khoan khoái nhẹ nhàng.

Rồi ông quay đầu về nhà bên, cất tiếng se sẽ gọi:

- Tô Nang à! Tô Nang à!

Tô Nang là người thiếp thứ năm của ông Châu Nga Lộc.

Một lát tiếng chân ở ngoài đi tới; ông lim dim mắt nhìn lên đình cái màn chưa buông, nằm vuốt râu có ý đợi.

Cái cảnh tù mù trong gian phòng kín đáo kia vì đâu làm cho ông thấy thú vui của sự sống?

Cửa khẽ cọt kẹt mở, rồi tiếng một người đầy tớ vào thưa:

- Quan Châu à!

- Hả?

- Có một thằng trông mặt sợ hãi lắm, ở đâu hồng hộc chạy vào đây. Nó còn ở ngoài sân đấy.

- Nó vào làm gì?

- Không biết, nó không nói được, nó cuống quýt bám lấy Noòng, chỉ một tí nữa thì bị chó cắn chết.

- Mà sao lại để cho nó vào mới được chứ? Đuổi nó ra.

Quan Châu càu nhàu quay lưng vào. Rồi lại gọi:

- Tô Nang à, đi đóng cửa nhé!

Một lát, cửa lại thấy mở hé:

- Quan Châu à!

Quan Châu ra dáng bực mình:

- Cái gì?

- Cái người lúc nãy...

- Mặc kệ người lúc nãy! ầy... à!

Rồi ông ta lại gắt:

- Mà làm sao cho nó vào mới được chứ?

- Cổng sắp đóng, nó chạy nhanh quá, đâm bổ vào, không ai giữ được. Bây giờ nó không chịu ra nữa.

- Nhưng mà nó vào làm gì?

- Nó đã nói được rồi, nó bảo, nó cần thưa với quan Châu một chuyện ghê gớm lắm.

Ông Châu bực tức vô cùng. Ông chống tay chực dậy, nhưng còn mong bảo cái thằng Thổ quấy rầy kia một lần nữa rằng: Việc quan trọng đến thế nào cũng phải để đến mai.

Người đầy tới trình:

- Nó bảo nó thấy một việc ghê gớm lắm: Một người thắt cổ, với một người chết. Mà nó ở hang Văn Dú ra.

- Ở đâu ra?

- Hang Văn Dú!

- Hang Văn Dú?

- Phải rồi.

Ông Châu ngồi hẳn dậy, bảo:

- Gọi nó vào đây.

Rồi ông tung chăn ra, khêu to ngọn đèn lên, sốt sắng muốn nghe câu chuyện lạ.

Một người trần gian dám vào hang Thần là một việc ghê gớm vô cùng. Song đối với Quan Châu thì lại là một điều lạ thường hơn là quái gở. Vì ông là một người thổ vào hạng trí thức, đọc quá nhiều sách chữ Hán, biết rất nhiều chuyện cũ. Những điều ly kỳ mà dân ông mê tín, như những việc bí hiểm trong hang Thần, ông vẫn ngờ là chuyện huyền hoặc cả. Ông cho rằng đó chỉ là điều phao truyền vô lý của những người bày chuyện, hoặc là những mưu kế của kẻ nào có vàng bạc giấu ở trong hang.

Nhiều lần ông muốn vào tận hang xem, ông lại hy vọng sẽ tìm thấy của cải trong ấy nữa. Song những điều dị đoan truyền lại lâu ngày vẫn có cái vẻ hiển nhiên rất vững chãi, thường khiến những người cứng cỏi nhất cũng sờn lòng. Ông chắc hang Thần không làm hại được mình. Thế mà biết bao lần ông hăm hở định vào thám hiểm trong hang, rồi lại thôi không dám quyết.

Người Thổ lúc nãy đến tưới dầu vào ngọn lửa can đảm chỉ chực những tắt trong lòng ông Châu.

Hai người đày tớ dẫn anh ta vào, như dẫn một người tù. Ông Châu bảo họ lui ra và đóng cửa lại.

Người lạ mặt đứng trong bóng tối, cách Quan Châu chừng năm bước, vẫn yên lặng chưa nói gì. Ông Châu quắc mắt nhìn khắp người anh ta. Bộ mặt anh ta rõ rệt in hình ảnh sự kinh ngạc. Anh lấm lét vừa nhìn xung quanh, vừa thở, môi mấp máy không nói được lời nào.

Một lúc, ông Châu quát to:

- Mày vào đây làm gì?

Anh thổ choàng người lên, rồi nhìn thẳng vào mặt ông Châu, nuốt nước bọt nói:

- Tôi trình quan Châu... rằng ở cửa hang Văn Dú... có một người thắt cổ.

Khi nói đến tiếng Văn Dú, anh ta tái mặt đi. Bỗng thấy ông Châu nhìn ra phía cửa gắt mắng ầm lên:

- Ai cho chúng mày nghe trộm? Có cút đi không chết cả bây giờ?

Người lạ mắt luống cuống.

Ông Châu bảo:

- Tao mắng người nhà, mày không việc gì.

Rồi ông lại hỏi:

- Nhưng mày đến Văn Dú hay sao mà biết?

-Tôi ở Văn Dú về đây... Tôi đi với một người tên là Nùng Khai...

- Nó đâu?

- Chết rồi!

- Nó chết rồi à?

- Phải!

- Chúng mày là người ở đâu? Đến đây làm gì? Đầu đuôi thế nào, kể ra.

Người con trai chưa kịp trả lời, ông Châu lại hỏi:

Mày không biết Văn Dú là chỗ ghê gớm sao?

- Có chứ!

- Thế sao còn đến, đến làm gì... nói mau?

Người con trai thưa:

- Tôi là người Châu Kao Lâm, làm bộ hạ cho Quan Châu tôi. Tôi với Nùng Khai đến Văn Dú vì có việc riêng, Quan Châu tôi sai làm. Chúng tôi đến nơi thấy có một người thắt cổ treo trên cây, mà là một người Khách, người to béo, không biết bao nhiêu tuổi, vì tôi không dám nhìn nó lâu.

Nói rồi anh ta rùng mình lên. Ông Châu hỏi :

- Chỗ ấy có người nào nữa không ?

- Không biết... Chỉ có một mình Nùng Khai vào hang thôi.

- Vào hang làm gì ?

- Vào... có việc riêng.

Ông Châu thấy anh ta không muốn nói "việc riêng" ấy là việc gì mỉm cười một cách hóm hỉnh, vì ông cũng đoán được chút ít, và chỉ bảo người kia rằng :

- Được, thế rồi sao nữa ?

- Đáng lẽ tôi cũng vào hang Văn dú với Núng Khai, nhưng tại tôi thấy người Khách, nên không dám vào nữa, tôi chắc người Khách chết vì hang Thần. Nùng Khai không thèm nghe, vào đấy một mình nên quả nhiên cũng bị chết.

Người lạ mặt bèn thuật lại việc từ lúc ông già thổ đi vào trong hang tối, lúc anh ta đứng một mình chờ đợi nghe ngóng mãi, rồi ném hòn đá sỏi thứ hai và nghe thấy tiếng chân ông già chạy ra, cho đến lúc ông già chết cứng trong tay mình mà không nói được một lời nào hết.

Chốc chốc quan thổ lại chặn hỏi cặn kẽ, nhưng người này, ngoài những cái hắn trông thấy, chừng cũng chẳng biết gì hơn nữa. Câu trả lời của hắn, bởi thế, không được vừa ý ông Châu.

Nhưng khi hắn nói tìm thấy mảnh giấy rướm máu ở tay ông già, và đưa ra để ông Châu xem thì ông ra chiều vừa ý lắm. Ông hăm hở cầm lấy, hình như đã nắm được đầu mối của sự dị thường này.

Trong lúc ông Châu giở tờ giấy ẩm ra xem thì người thổ Kao Lâm nhớ lại bước nguy hiểm sợ hãi đã qua. Anh ta không ngờ một người yếu bóng vía như mình lại thoát được khỏi tay thần Văn dú.

Anh ta nhớ rằng chính lúc sợ hãi ở bên cái xác nằm cứng đờ của Nùng Khai thì trong trí vẫn tỉnh.

Bây giờ trời mỗi khắc một u ám, người anh ta thấy lạnh lẽo, tưởng chừng như bị cái tử khí ngấm dần vào.

Nghĩ đến người Khách chết treo, nghĩ đến cái hoảng hốt của người thổ già lúc chạy ra khỏi hang, nghĩ đến cái hang mình ngồi trước cửa cùng với một người bị nó làm hại; lại nghĩ đến những điều nguy khốn độc ác nó sẽ lừ lừ vây quanh mình như đêm tối ám mù cảnh vật; anh ta liền vùng dậy, buông cái xác ông già xuống đất, như thêm táo tợn vì quá khiếp sợ, khoa thanh lao sáng lên trước mặt rồi hết sức nhanh chạy về đường Kao Lâm.

Đang chạy, sực nhớ ra trước mặt mình có cái suối sâu khó lòng qua được; anh ta vội rẽ sang tay phải; chạy được một độ, thì lại gặp khúc suối nữa chắn ngang. Anh ta thét lên một tiếng to, rồi bán sống bán chết chạy về phía châu Nga Lộc.

Anh chàng thở không ra hơi mà vẫn cứ luôn mồm gọi tên các chư vị "sằn slin" đến cứu. Lúc nào sau lưng cũng ồn ào như có ai đuổi bắt; mà càng chạy càng thấy chậm, bước đuổi càng thấy mau. Những đồi núi rừng rậm như thêm nhiều mãi ra. Đường lối gồ ghề, vừa dính vừa trơn làm cho anh ta cứ chúi vấp hoài, trượt ngã hoài; trăm lần tưởng chết!

Đến lúc trông thấy những nhà cửa dưới chân đồi và cái cổng lớn ở châu Nga Lộc thì trời đã tối. Anh ta chạy vụt ngay vào cổng. Những tiếng hò hét của bọn tôi tớ lại khiến anh ta thêm hoảng, vì anh tưởng đó là những tiếng ma quỷ ở trong chỗ nhà cửa biến hiện ra. Nhưng anh ta đã qua một cái sân rộng và phẳng; đã ngửi thấy mùi thóc vựa và ngựa chuồng là những mùi quen thuộc, rồi lại nghe thấy những câu hỏi giận dữ của mấy người nắm mình lại; lúc ấy anh ta mới dám chắc là mình thực còn ở dương gian.

Các người nhà ông châu Nga Lộc xôn xao nháo nhác lên vì nghe thấy anh ta bảo ở Văn Dú đến. Nhưng chính ông Châu thì không tỏ vẻ sợ hãi gì. Bấy giờ người thổ Kao Lâm thấy ông ta tì trán vào lòng bàn tay, lẳng lặng không nói câu nào và ra chiều suy nghĩ một cách điềm tĩnh.

Cái vẻ ấm áp trong gian phòng sáng bởi ngọn đèn cao này đã làm cho anh ta tỉnh hẳn người lại. Anh ta xì mũi vắt xuống đất, liếm môi một cái rồi khẽ cất thứ giọng kín đáo của người hiến mưu kế mà nói với ông châu những thần những thánh, những thầy mo, bà then, đến những phương cầu cúng để cho thần Văn Dú nguôi cơn lôi đình; vì hắn cho cái chết của người Khách và Nùng Khai là do sự tức giận của thần núi. Cái lòng mê tín của dân thổ lại thấy biểu lộ ra một lần nữa. Ông Châu trí thức kia liệu có sờn lòng vì những điều mắt thấy của tên thổ này chăng?

Người thổ Kao Lâm cứ lải nhải hoài.

Ông Châu thì vẫn trầm ngâm nhìn xuống mảnh giấy dày đặt trên án. Có lẽ ông ta đang nghĩ ngợi đâu đâu chớ không để ý đến những lời anh Thổ nói: vì bỗng nhiên ông ta đọc:

Miệng có hai răng
Mày vào trăm chân
Mày lên ba tay
Tên mày là đá...

Rồi ông hỏi:

- Mày có biết chữ đấy?

Anh ta chưng hửng một lát rồi thưa:

- Có biết.

Ông Châu cau mày, lại hỏi:

- Mà mày hiểu những câu này chứ?

- Hiểu à? Không!

Ông Châu thở dài:

- Thực mày không hiểu nghĩa gì à?

- Không, mà hiểu làm sao được.

- Mày lấy mảnh giấy này ở tay Nùng Khai à?

Người Thổ Kao Lâm thưa:

- Nó ở hang ra tôi mới thấy có. Tôi hỏi, nó không nói được, tôi bảo ra hiệu cho tôi hiểu ý, thì nó chết mất rồi.

Ông Châu vừa nhìn vào tờ giấy, vừa hỏi:

- Nùng Khai là người như thế nào?

- Là người ông Châu Kao Lâm sai đi đến Văn Dú với tôi.

- Nó là người tin cẩn của ông Châu Kao Lâm phải không?

- Phải, cũng như tôi.

Ông Châu khẽ gật đầu. Ông đặt mảnh giấy xuống bàn ngẩng đầu lên nhìn người thổ Kao Lâm rồi dịu lời bảo hắn:

- Bây giờ, mày không được giấu tao một điều gì, thì tao mới xét được rõ việc này. Người Khách kia chết, người Thổ Nùng Khai chết, mà mày không chết; mày cũng đến Văn Dú; mày biết rằng ai giết nó. Thế ngộ bảo mày giết thì sao...?

Người trẻ tuổi vội nói:

- Không! Không phải! Không phải tôi...

Ông Châu liền chặn lại:

- Ừ, tao cũng biết. Nhưng người ta muốn buộc tội cho mày cũng được. Tao lại biết chúng mày định vào hang Văn Dú làm gì nữa kia... Lúc nãy mày bảo quan châu Kao Lâm sai đi có việc riêng, tao đoán biết ngay. Đây là tao hỏi cho rõ thêm, mày không được giấu nữa...

Rồi ông Châu nhìn thẳng vào mặt người trai Thổ hỏi một cách dõng dạc:

- Tại sao quan châu Kao Lâm lại biết được trong hang Thần có của chôn?

Người thổ Kao Lâm giật nẩy mình lên, không giấu được cái kinh ngạc. Trong lúc hốt hoảng, hắn đã trót nói với quan châu rằng: Nùng Khai và hắn đi tới Văn Dú theo lệnh ông quan châu Kao Lâm sai đi. Sau hắn nghĩ lại, định bịa đặt ra một câu chuyện nào đó: như đi tìm người nhà lạc, hay đi qua Văn Dú tự dưng bị dun dủi vào hang, hay là chuyện huyền hoặc nào khác đợi ông Châu hỏi thì han sẽ đem ra mà trả lời. Không ngờ câu hỏi của ông Châu đường đột quá, lại trúng ngay vào sự thực mà hắn muốn giữ kín. Hắn không dám nhìn đôi mắt soi mói của ông Châu Nga Lộc nữa, và đứng lặng thinh.

Ông Châu lại lấy lời nói thực dịu dàng bảo hắn:

- Mày đứng lại gần đây. Đừng sợ mà cũng đừng ngại gì hết. Mày phải nói rành mạch đầu đuôi công việc mày định làm cho tao nghe.

Người thổ Kao Lâm vẫn không thưa. Ông quan thổ nói tiếp:

- Tao có đủ quyền thế để bênh vực mày, cũng có đủ quyền buộc tội mày nữa, mà tao muốn cho mày ở đây hay đuổi mày ra khỏi châu cũng được, ở châu tao không nhà nào dám chứa một người ở hang Thần về.

Ông châu Nga Lộc trông thấy rõ cái sợ hãi trên mặt người trai Thổ: Hắn nhìn ông ta ra ý quan lớn.

Ông ta lại dỗ:

- Thế nào? Mày nói đi. Nói thực mọi điều cho tao nghe. Mày đã vào đây, đã khỏi chết vì ông thần Văn Dú rồi, thì mày nói đi, giấu tao làm gì nữa? Mày giấu tao, rồi tao cũng biết được kia mà?

° ° °

Anh chàng nuốt nước bọt, liếm môi hai ba lần; mặt nhăn nhó ra vẻ khổ sở, tuyệt vọng. Nhưng hắn biết lời của ông quan này chắc chắn như dây sắt ràng buộc, nên phải khai rằng:

- Cách đây ngót mười hôm, một người lý trưởng bản Đong thuộc châu Kao Lâm đến nhà quan châu tôi để đưa một bản địa đồ vẽ đường lối đi vào Văn Dú và biên mấy câu thần chú để khi vào được hang ấy mày đọc thì tìm thấy vàng.

- Nhưng câu thần chú ấy chép trong mảnh giấy này phải không?

- Phải rồi. Nhưng mảnh giấy này lại khác. Chắc Nùng Khai lấy ở trong hang ra: chỉ thấy những chữ chớ không có địa đồ.

- Thế nghĩa là việc này có người khác biết chứ gì?... Có lẽ là thằng Khách?... mà sao nó lại chết, có người nào ở trong hang nữa không?

- Tôi không biết. Tôi biết thế nào được.

- Ừ, phải kể nốt đi.

Anh ta kể tiếp:

- Bản địa đồ ấy nguyên là của một ông già bản Đong tên là Hoàng An Lài, lúc gần chết trao lại cho người lý trưởng ở gần đấy, nói rằng đó là bản sao lại bức địa đồ của một người Tầu đời nhà Minh sang làm quan bên này; viên quan tàu có của để ở Văn Dú...

- Thế nào? Một người quan Tàu, đời nhà Minh?...

- Phải, bấy giờ là hồi quan nhà Minh sang cai trị...

Viên quan Tàu kia tích được rất nhiều của trong hang Văn Dú một cách rất kín, rất khéo, không ai biết được, định sau này sẽ mang dần về Tầu; không ngờ trong nước người Kinh nổi lên đánh đuổi quân Minh, viên quan kia phải chạy ẩn vào nhà ông tổ ba đời nhà An Lài, rồi vì già yếu và lo nghĩ quá nên chết ở nhà ấy. Lúc hấp hối, người ấy có để lại cho nhà họ Hoàng rất nhiều tiền bạc, và đưa ra một bức địa đồ chỉ nơi giấu của, nhờ đưa sang cho con cháu bên Tầu.

- Thế người quan Tầu không có bộ hạ sao?

- Nghe như có. Song người nhà họ Hoàng thông thuộc đường lối và trong khi loạn lạc, họ có cách trốn được ra ngoài. Người quan Tầu bắt nhà họ Hoàng thề nguyền rất độc, không bao giờ được lộ việc ấy ra cho ai biết, mà nhất là không được tìm cách vào hang Thần. Viên quan ấy lại cho biết rằng y đã yểm vào các của giấu ở trong núi và nhờ thần núi giữ của trong ấy nữa, của cải chỉ có con cháu người quan Tầu mới dùng được, mà ai cả gan hay vô tình vào hang Văn Dú sẽ bị thần vật chết ngay.

Nhà họ Hoàng không tin. Người Tầu chết rồi, họ liền đem sao lại bức địa đồ và chép lấy những lời "thần chú" biên lên một mảnh giấy khác.

Ông châu Nga Lộc hỏi:

- Thế thì có lẽ chính là mảnh giấy này.

- Tôi không biết chắc. Người nhà họ Hoàng đưa những giấy tờ của viên quan nhà Minh cùng với hai bản giấy kia sang Tầu, rồi không thấy ai trở lại cả. Để ý dò xét ba bốn mươi năm trời, sau lúc người Kinh đã bình định, và lúc mấy thầy địa lý Tầu đã qua lại được nước Nam, mà vẫn không thấy tăm hơi nhà họ Hoàng, cũng không thấy bóng người Tầu nào sang tìm của hết.

"Về sau con cháu họ Hoàng học thuộc chú và đánh liều đi kiếm của trong hang thần. Nhưng người nào đi cũng không thấy trở lại nữa. Có hai lần người ta đi tìm thì thấy một đứa nằm chết ở gần suối Văn Dú, còn những đứa khác người ta chắc chết ở trong hang, nhưng không ai dám vào. Việc ấy đồn ra và từ đấy bắt đầu có những chuyện ghê gớm gây nên bởi thần Văn Dú. Ở làng gần suối lớn đã phải lập ra tục tế thần núi bằng các người con gái đẹp mới được bình yên. Nhà họ Hoàng không bao giờ dám lộ chuyện kín về sự yểm của ra vì sợ người ta đổ cho cái hoạ lớn kia gây nên tại nhà mình...

Ông Châu chặn lại hỏi:

- Ừ, thế sao họ Hoàng không huỷ cái giấy kia đi?

- Hình như họ muốn giữ lại để sau này con cháu người quan Tầu có ai sang tìm của, họ sẽ đem giấy ra làm chứng, mong người Tầu đền ơn. Song đến đời An Lài thì ông ta vẫn giữ kín không cho các con biết, sợ chúng vì tham mà mang hoạ... Hoàng có ý đưa cho lý trưởng bản Đong để hắn trình cho quan châu Kao Lâm biết đến nguồn gốc những cái hoạ bí hiểm của hang Thần.

Quan châu Kao Lâm tôi lại không sợ những điều ghê gớm kia, bàn với tôi cái kế tìm vàng trong Văn Dú, và có ý sai tôi đi dò xét trước. Tôi mới nghe cũng đủ khiếp, nhưng Quan Châu tôi nhất định bắt tôi phải vâng theo. Trong mấy ngày ông ấy giảng dụ các lẽ cho tôi nghe, cắt nghĩa cho tôi không sợ những chuyện người ta đồn về hang Thần, lại hứa cho tôi rất nhiều tiền, lại cho tôi được làm chánh tổng nữa... Nhà tôi mấy đời nhờ vả nhà Quan Châu tôi, mà bây giờ cũng nghèo. Tôi biết chắc nếu việc thành thì sung sướng một đời nên mới vâng lệnh ông Châu tôi...

- Thế còn Nùng Khai?

- À, phải cũng tại Nùng Khai nữa, nên Quan Châu tôi càng muốn tìm cho được của trong Văn Dú, mà tôi được vững lòng thêm. Nùng Khai là một tên cướp rất táo tợn, nó vẫn chửi rủa Văn Dú mà không việc gì. Nó lại bảo rằng nếu nó biết trước Văn Dú có vàng thì nó lấy đã lâu rồi, không phải đi cướp đâu nữa.

- Sao Quan Châu Kao Lâm lại giao việc cho một tên cướp?

- Vì nó có họ với một người thiếp của Quan Châu tôi. Nó bị bắt đáng nhẽ bị chết chém, nhưng Quan Châu tôi lấy quyền thế giảm tội cho nó. Bởi thế, lúc cho gọi nó lên, nói đi tìm của thì nó thề sống thề chết sẽ trung thành. Nó quả quyết sẽ đi vào hang Thần, sẽ tìm cho được của trong hang Thần. Ông Châu tôi liền giao cho nó bản địa đồ kia, lại cho tôi đi theo, vừa để coi chừng, vừa để giúp đỡ nó. Tôi thấy nó nói mạnh bạo và khôn khéo lắm, nên quên cả sợ. Nhưng đến lúc gần thấy hang núi, tôi đã lo ngại; lúc qua suối lớn, tôi đã ghê rợn; sau lại thấy thằng Khách thắt cổ... Rồi lại thấy Nùng Khai hốt hoảng ở trong hang chạy ra...

Ông châu vừa nghe người Thổ Kao Lâm vừa lấy que đẩy cho ngọn đèn dầu cháy to lên. Trên mặt ông hiện ra cái vẻ chăm chú của một người thu hết cả tâm trí vào một công việc: Lông mày nhíu lại, đôi mắt trong sáng lạnh lùng nhìn ngọn lửa mà hơi thở của ông làm cho run run.

Ông khẽ nói:

- Ai giết tên Khách kia? Trong hang còn có người nào không? Có vật gì không? Yêu quái ư? Sao Nùng Khai lại chết?

Mấy câu đó nói nhanh, nhưng chẳng bảo ai, như lời tự vấn; và người con trai Thổ cũng không biết đáp thế nào được nên ngậm tăm.

Ông quay lại nhìn hắn và hỏi to lên:

- Thế trong mình Nùng Khai không thấy có vết tích gì chứ? Mày có thấy dấu máu nào không?

Người thổ Kao Lâm ngẫm nghĩ một hồi:

- Không thấy gì cả... Hay là không thấy vết thương nào nặng đến nỗi làm chết được người.

- Nhưng không có một tí dấu vết gì sao?

- À có! Mà nhỏ lắm: chỉ lấm tấm rớm máu như chỗ da kỳ mạnh hay bị xước mà thôi...

- Thế à? Ở chân phải không? Nó hẳn bị cái gì quấn chặt ở chân...

- Không! Ở tay, ở hai bàn tay, nhiều nhất là ở các ngón.

Ông Châu lẩm bẩm:

- Thế thì quái lạ, quái lạ lắm!

Ông vừa nói vừa nhìn mảnh giấy vuông mà ông lật hết mặt nọ đến mặt kia.

- Vết máu trên tờ giấy này (lời người trai thổ) là ở tay Nùng Khai dính ra đấy. Nó nắm chặt quá, tôi gỡ mãi mới lấy ra được.

Ông Châu tưởng chừng như không để ý đến câu vừa rồi, chỉ hỏi:

- Thế còn bản địa đồ kia?

- Bản địa đồ kia Nùng Khai giắt trong mình nó, tôi không dám lấy. Bản địa đồ ấy chỉ vẽ lỗi đi Văn Dú chứ không vẽ đường lối trong hang.

Ông Châu gật gù:

- Ừ, được rồi, tao hiểu rồi. Bây giờ mày hãy lui xuống nhà nghỉ đi. Rồi ở đây với tao, tao sẽ liệu. Chúng nó có hỏi thì không được kể điều gì về hang Văn Dú hết, nói rằng Quan Châu bắt phải im.

- Mà Quan Châu có bảo thầy mo...

- Được rồi. Có. Thôi xuống đi. Noòng à! Lên dẫn nó xuống cho nó thay quần áo, cho nó sưởi, rồi bảo nó ngủ đi.

Lúc theo tên Noòng xuống dưới nhà, người thổ Kao Lâm còn dặn với:

- Quan Châu bảo thầy mo nhé... Quan Châu à.

- Được, được!

 

III
Quan châu Nga Lộc chẳng bảo thầy mo nào hết.

Cánh cửa vừa khép lại, ông ta liền thắp lên một ngọn đèn nữa, hăm hở kéo tờ giấy gần lại, rồi một tay ấn vào mồm mà nghĩ, mốt tay gãi hết bụng đến gáy, hết đầu đến lưng.

Mặt ông Châu hồng lên và lộ vẻ mừng rỡ. Ông ta bắt đầu xét lại mảnh giấy của người thổ Kao Lâm rất cẩn thận, vì ông biết rằng hiểu được ý tứ của những câu chữ Hán viết trên đó, ấy là phá được cái tường bí mật của thần giữ của và cắt nghĩa rành mạch được các điều kỳ dị xảy ra.

Những hình vẽ ngây dại và mấy hàng chữ viết rất tốt, tuy bị nước thấm ố hoen, song vẫn rõ ràng lắm: Nét mực cũ đã ăn sâu xuống mặt tờ giấy ướt và dầy. Hình bên trái vẽ một người áo cộc quỳ lên, hai tay cầm một tờ giấy giơ thẳng ngang mặt như người đọc sớ. Ông Châu đoán có lẽ nó muốn chỉ bảo phải trân trọng giữ lấy và theo những lời mầu nhiệm của mấy hàng chữ Hán kia. Bó đuốc, vẽ ở bên trái, ngọn lửa cháy và bốc khói lên, chắc hẳn chỉ về sự tối tăm, hiểm hóc trong hàng thần; hoặc ý bảo phải tìm xét cho hiểu thấu những nghĩa ẩn trong mấy câu kia, mấy câu mà người thổ Kao Lâm gọi là những lời thần chú.

Ông đọc qua một lần mấy hàng chữ nho.

Rồi ông đọc lại lần thứ hai và thứ ba; làm như cứ nhắc lại như thế thì sẽ thấy cái nghĩa ẩn trong đó:

Miệng có hai răng;
Ba chân bốn tay;
Mày vào trăm chân;
Mày lên ba tay;
Tên mày là đá;
Đá sinh trứng đá;
Trứng đá giữ của;
Mày có sức mang;
Mày giầu, mày chết.

Những câu kỳ lạ đến nỗi làm cho ông ngờ là lời thần chú thực. Nhưng không có lẽ; nếu phải lời thần chú thì tên Nùng Khai đã học thuộc tất nhiên không đến nỗi chết, ngay sau khi ở hang thần chạy ra... Quyết nhiên đó là những bí mật, có nghĩa hẳn hoi, nhưng cái nghĩa ấy phải dùng hết tâm lực và trí sáng suốt mà tìm thì mới thấy được.

"Hừ! (ông lẩm bẩm nói để tiếp theo những ý tưởng vừa rồi). Bọn quan Tầu họ quỷ quyệt lắm! Cũng là một thứ lời di lại, mà một đằng thì là những câu dặn dò để tìm ra của, còn một đằng thì lừa cho người ta mắc phải những cái nạn gớm ghê... Nhưng ta, ta không mắc lừa đâu. Ta không nông nổi, u mê như bọn con cháu nhà họ Hoàng, tưởng đây chỉ là những câu có quyền phép mầu nhiệm. Không. Ta biết. Rồi ta sẽ tìm cho ra nghĩa kín, ta sẽ khám phá cho kỳ được".

Ông lại hơi mỉm cười và nghĩ đến cái độc kế mấy trăm năm nay sẽ bị ông huỷ đi mất, mà cái kho của kia tất sẽ về tay ông.

"Miệng có hai răng... ba chân bốn tay"... có lẽ đó là mô tả hình dáng thần giữ của chắc? Không phải. Ta không được tin đến thần giữ của cũng như không được tưởng những câu này là thần chú. Vì nếu thế thì không bao giờ tìm được đầu mối.

"Miệng có hai răng... ba chân bốn tay..." Lạ! "Mày vào trăm chân, mày lên ba tay". Hừ! Quái! Ai vào? Ai lên? Sao lại trăm chân, sao lại ba tay? "Tên mày là đá, đá sinh trứng". Đá sinh trứng đá? Trứng đá giữ của. Có lẽ họ để của ở dưới hang đá chắc? mà sao lại gọi là trứng đá? Trứng đá giữ của. Mày có sức mang... mày giầu mày chết".

Ông càng đọc càng nghĩ càng thấy mờ ám thêm. Chợt có một ý kiến thoảng qua, ông bèn xoay tờ giấy vuông đủ bốn chiều đọc từ trên xuống dưới, rồi đọc từ dưới lên trên; lại đọc ngang từ phải qua trái và từ trái sang phải. Nhưng cũng vô ích. Mấy hàng chữ vẫn trơ trơ giữ cái bí mật cùng với hai cái hình vẽ lạ lùng.

Ông Châu thử ôn lại các bộ truyện cổ mà ông đã xem, nhớ lại những sự tích chép ở trong ấy; bao nhiêu án ly kỳ ra đời trước cùng với bao nhiêu phương pháp cổ nhân dùng để tra, ông đều đem ráp vào việc cắt nghĩa tờ giấy này. Ông thấy từ cổ chí kim không bao giờ có những cái khó hiểu hơn, mà đến những việc tương tự như thế cũng vậy.

Hai ngọn đèn dầu thi nhau sáng, cùng nhau như nín lặng để xem ông Châu nghĩ ngợi trầm ngâm.

Ông ta ngồi trên giường gỗ, trên án thư, khuỷu tay chống bên cạnh một cái đế đèn, nắm tay thì ấn vào mồm, đăm đăm như đang tìm gỡ một nước cờ bí. Lông mày nhíu lại một cách dữ tợn, hai mắt nhìn muốn thủng tờ giấy để trên bàn.

Lúc ấy vào đầu trống canh hai. Nhưng có lẽ ông châu quên cả thời khắc.

Trong cái phòng ấm áp kín đáo ấy, ngoài ông ra lại còn Tô Nang là cô thiếp yêu quý, vào đó chầu chực chăn gối đã lâu. Cô chưa hề thấy quan Châu chăm chỉ miệt mài với việc quan như thế bao giờ. Cô ngồi ghé một chỗ lặng thinh, nghe tiếng quan Châu lẩm bẩm rồi lại im, nghe các tiếng buồn tẻ trong lúc canh khuya rồi cô dựa vào vách mà thiu thiu ngủ.

Chốc chốc, ngọn đèn lại nhô cao lên, rồi khẽ co thấp xuống và nhẩy chập chờn.

Ông quan thổ không nói qua một lời gì nhưng hình như ông nghe thấy tiếng suy nghĩ của mình rõ rệt nói trong giữa khoảng tĩnh mịch sâu xa của đêm tối.

Bỗng chốc đồng hồ trên tường gõ một tiếng lạnh lùng vào giữa thời gian, cùng một lúc móng tay ông châu vô tình cạo xuống cạnh án thư nghe như tiếng con mọt gặm.

Có lúc ông ngáp lên một cái, nói khẽ mấy câu nghĩ ngợi trong trí, rồi lại trầm ngâm đắm đuối tìm những nghĩa ẩn nó chưa chịu hiện hình.

Dưới chân tường, tiếng chuột rúc rích chạy qua làm vểnh tai con mèo yên lặng. Ngoài sân, mấy con ngựa buộc trong chuồng tối đập chân xuống đất xôn xao. Một trận gió làm cót két cành tre; văng vẳng sau thềm, tiếng lá reo và tiếng sâu dế rì rì trong bụi rậm.

... Mày tên là đá
Đá sinh trứng đá
Trứng đá giữ của...

Cái đầu mối, ông mong gỡ được, càng tìm càng thấy bối rối thêm. Đã hơn một trống canh rồi mà những chữ này cùng với thằng người quỳ và bó đuốc vẫn cứ nhảy nhót hoài trong tâm trí ông quan Thổ.

Lúc ấy cô thiếp của ông ngồi dựa ở bên tường kia đang há mồm ra ngủ kỹ.

Hai chân cô duỗi thẳng trên bộ ghế ngựa, bàn tay đặt ngửa trên đùi. Đầu vẫn chưa bỏ cái khăn vuông chàm, trên mặt hiện ra vẻ ngây ngô và bình tĩnh.

Trái lại trên mặt quan ông đầy vẻ lo nghĩ lẫn với vẻ bực mình. Bao nhiêu tâm lực ông đem ra hết mà vẫn không tìm ra được mối manh gì. Ông đọc lại những câu kỳ dị:

Mồm có hai răng...
Ba chân bốn tay...
Mày giầu mày chết...

Không biết đến mấy trăm lần rồi. Nhưng cái trí sáng suốt của ông hình như không đủ lực trước cái đêm tối vô cùng của bí mật.

Cái cằm vuông của ông nổi cả xương và gân lên, hai má và hai tai ông đỏ như bị nướng vào ngọn lửa đèn gần đó.

Lần này ông không đọc bằng mắt nữa; ông lẩm bẩm như người làm tính: "Đá sinh trứng đá, trứng đá giữ của, mày chết... mày chết mày giàu, mồm có hai răng... mồm có hai răng... mồm có hai...".

Tiếng ngáy bên tường cứ rờn rờn hoạ theo, cô vợ trẻ của ông quan già đang vẩn vơ trong giấc mộng... Bỗng một tiếng bẳn gắt theo một nắm tay đập mạnh lên bàn:

- Mệ thảu mư! (2)

Ông Châu vứt giấy quay lại đằng sau, Tô Nang tỉnh dậy.

Ông Châu thấy cô ta thì ngạc nhiên hỏi:

- Ô kìa, thế ra Nang không đi nằm à?

Cô thiếp đã đứng xuống đất, kéo hai nắm tay ra sau mang tai, ưỡn ngực lên cao, ngáp rồi ỏn ẻn nói:

- Nang có đi nằm mà, nhưng Nang còn đợi Quan Châu, Quan Châu chưa ngủ Nang cũng chưa ngủ... quan châu sao thức lâu thế?

Bấy giờ ông quan thổ nghe chừng đã mệt lắm, vì đã hết sức đem cả tinh thần ra để nghĩ ngợi đến gần hai trống canh rồi, cho nên cái mình êm ái của cô hầu non với cái thú đầm ấm trong chăn đã khéo quyến rũ ông đi nghỉ.

Ông Châu lại bên án để tắt bớt đèn đi. Chợt thấy chén nước uống thừa đổ ướt cả tờ giấy. Ông vội cầm lên thấm vào tập hoá từ cho ráo rồi hơ lên ngọn đèn cho khô.

Hàng chữ Hán và hai hình vẽ bên càng nổi rõ ở trên ngọn lửa tạt đi tạt lại. Bỗng nhiên ông Châu kêu lên một tiếng, rồi giáp cả hai ngọn đèn lại mà hơ tờ giấy lên. Ở giữa mảnh giấy hồng hồng, ông thấy một khoảng tối hơn. Một tia sáng vừa soi qua trí ông, ông nghĩ ngay đến một câu chuyện cũ.

- Phải, phải! (ông lẩm bẩm nói). Cũng giống như truyện tờ di chúc trong bức tranh (3)... Phải rồi!... Cầm giấy giơ trước mặt mà đọc... mà bó đuốc lửa cháy ở sau tờ giấy... nó bảo mình đốt lửa mà soi... mà mình cũng như anh huyện quan kia... Mình ngốc thật!

Thế rồi ông không hỏi gì đến cô thiếp nữa. Cô ta chẳng hiểu gì cả, đứng giương mắt thực to mà nhìn.

Ông Châu ngồi xổm trên giường, hai tay vừa run vừa dấp nước trên bàn vào mảnh giấy, rồi cẩn thận bóc chẻ nó ra làm đôi.

Một miếng giấy vuông sắc trắng hơn, dán áp vào nửa giấy thứ hai và bong ra gần hết. Ông Châu cầm soi lên ngọn lửa thì thấy chi chít những nét chữ nhỏ nằm hỗn độn. Ông xem kỹ thì biết mảnh đó là một tờ giấy rộng gấp làm tư. Ông phải hết sức cẩn thận mới lấy móng tay bóc mở ra được, vì tuy nó cũng dai, nhưng theo với hai mảnh ngoài bị nhầu và thủng rách lỗ chỗ.

Trong tờ giấy mới này viết chữ dầy gần hết. Nét chữ cũng tốt và rõ như ở tờ áp ngoài.Ông Châu đọc thấy những lời này:

Hang Văn dú trông như cái mồm có hai răng. Ba thước nói là chân, bốn thước nói là tay. Mày đo từ cửa hang vào trăm chân, rồi mày đo trở lên ba tay, thì sẽ thấy chữ tên của mày là Thạch. Đào từ chữ thạch xuống sẽ thấy một cái hang nữa mang những hòn đá hình nhẵn như trứng. Đá này giữ kho của đó. Nhưng không được lấy sức mà mang vì mày tìm thấy vàng nhưng mày chết.

Bên cạnh những dòng chữ này, còn một đoạn chữ nhỏ hơn và viết đá thảo:

Phải dán giấy này như cũ, mang theo trong mình cho đến khi vận hết của trong Văn Dú. Nếu trong hang không có dấu vết tìm đào thì về sau tìm đến nhà con cháu họ Hoàng mà thưởng cho họ năm nghìn vàng. Nếu thấy có người chết vào chỗ đá lở thì phải cẩn thận mà hết sức tránh sự báo thù của họ Hoàng.

 

IV
Sáng hôm sau ông Châu Nga Lộc xuống nhà sớm, người thổ Kao Lâm còn ngủ li bì trên một chiếc cói.

Mấy đầy tớ thức dậy thưa rằng hắn cứ mê man nói đến những hang, những núi, những người chết, với những người thắt cổ suốt đêm, nên không ai ngủ được yên vì ai cũng sợ.

Ông quan thổ gật đầu bảo cứ để cho hắn nằm đó, rồi quay lại dặn bốn năm người đàn ông ở ngoài sân đi vào:

- Chúng mày ăn cơm thực nhanh rồi sắp sửa đi theo tao có việc cần. Cầm đuốc, cầm dao, cầm dây, mang xẻng cuốc, với đóng sáu con ngựa.

Mọi người biết là có việc quan hệ lắm, vì không mấy khi quan Châu dậy sớm như thế, mà lại ăn mặc gọn ghẽ hẳn hoi. Mình ông vận áo bông chàm thắt ở ngang lưng, chân đi giầy, đôi bít tất xanh kéo lên bó lấy ống quần, ngoài cùng lại quấn thêm một lần nịt vải.

Bấy giờ ông đang chít lại cái khăn nhiễu lớn và đứng đợi xem người ta đóng ngựa.

Ngoài sân, mới lù mù sáng.

Mấy con vật thấy người vào chuồng thì đập chân xuống đất và phì thở rất mạnh.

Ông Châu bảo họ hẵng lấy cỏ cho ngựa ăn.

Dưới bếp lửa cháy to, chiếu lên mặt sân một dải ánh sáng mập mờ và lay động. Ông Châu giục người dưới bếp thổi cơm mau lên, những người còn xùm xụp đắp chiếu ngủ trong xó hiên nghe tiếng ông nói to lục đục trỗi dậy. Rồi người thì đi mở cổng, người thì vào bếp, người thì ra đằng sau. Làm náo động cả cái cảnh lạnh lùng buổi sáng.

Lúc ông quan thổ cơm nước đoạn, từ nhà trên lại đi xuống thì thấy người bộ hạ cũng đã ăn uống xong và đứng nai nít ở bên sáu con ngựa yên cương cẩn thận.

Trong này kín gió mà còn thấy giá lạnh, thì ở bên ngoài tất rét hơn nhiều. Ông Châu lấy một cái khăn vải chàm to bịt kín lấy hai tai và thắt xuống cằm. Ông đeo một thanh gươm lớn mà ông vẫn mang theo trong lúc đi xa và đội một cái nón đan to vành đã cũ. Ông đứng trước khung cửa, giữa khoảng ánh sáng đo đỏ của ngọn đèn yếu đuối bên trong, và dặn người nhà phải giữ người thổ Kao Lâm lại cho đến lúc ông trở về.

Rồi ông bước ra, lên yên ngựa từ trong sân để cho mấy người hầu dắt ngựa ra khỏi cổng.

Trời mới tang tảng sáng. Sương xuống dầy quá đến nỗi không thấy được nhà cửa ở dưới chân đồi. Người ta bị cái thứ không khí ẩm thấp, lạnh lùng bọc lấy, và thấy mình cách biệt với người đi bên cạnh. Ông Châu quay lại bảo hai tên bộ hạ đi lên trước, còn ba tên kia đi sau. Sáu người cưỡi ngựa đi hàng một như ngồi trên mây, cứ thuộc lòng lần qua con đường nhỏ hẹp mà ra khỏi Châu Nga Lộc.

Người đi đầu không biết nên rẽ lối nào, dừng lại hỏi.

Ông Châu bèn truyền ra một cách dõng dạc:

- Cứ thẳng mạn Văn Dú mà tiến lên!

quan-chau-nga-loc

Quan Châu Nga Lộc thẳng tiến núi Văn Dú - Tranh minh họa của Trần Bình Lộc trong bản của ANNAM XUẤT BẢN CỤC in năm 1934

Ông có ý định xem họ cử động ra sao. Nhưng mọi người đều im lặng, lại không ra dáng lấy làm kinh lạ. Cái lệnh ông Châu mới truyền xuống, nhưng họ đã đợi nghe từ lúc mới bước chân ra. Vả lại họ là những người can đảm và rất trung thành. Tuy họ cũng tin và sợ những cái ghê gớm của hang thần, nhưng họ lại tin và sợ cái oai của quan Châu chẳng kém. Giá thử bị sai phái đi vào những nơi nguy hiểm như thế thì họ còn sẵn lòng ngần ngại, nhưng bây giờ lại có cả quan Châu cùng đi.

Không ai nói một câu nào. Sáu cái đầu cùng chăm chú cúi trông xuống khoảng đất phía trước vó ngựa. Chung quanh đều mờ mịt không trông rõ vật gì.

Đi khỏi những tầng ruộng rạ cụt gần xóm làng thì những đồi đất chen nhau ở trong đám sương mù lần lượt hiện ra rồi lại lần lượt biến mất. Sáu người càng tiến thì trời càng thêm sáng. Sương đặc cũng dần dần loãng thêm. Đường lối trông đã rõ. Người thứ nhất ngoảnh lại đã thấy mặt người sau cùng. Họ bèn bảo nhau thúc ngựa chạy nhanh, cho chóng tới nơi và cho quên rét

Được già nửa đường thì núi Văn Dú mới thấy hơi lờ mờ ở sau cái màn hơi trắng đục. Đường lối đi rất khó vì họ chọn toàn nẻo tắt, phải đi qua hai ba rặng rừng cây thấp xơ xác, và lên xuống năm sáu dãy đồi đất liền nhau.

Bọn đầy tớ quan Châu chưa một lần nào dám hỏi ông ta xem đến Văn Dú làm gì. Nhưng ông ta cũng cắt nghĩa cho họ biết rằng đến Văn Dú trước hết để khám phá những chuyện bí mật, sau để tra xét án mạng xảy ra ở đấy. Nhưng cái cớ chính, mà ông không nói đến là đi tìm vàng.

Lúc bọn ông Châu đến chân núi Văn Dú thì đã vào khoảng giờ thìn (tám giờ sáng), đỉnh núi vẫn như bị sương ăn, mà thân núi cả ngang, trông lù lù đen có vẻ hầm hầm tức giận.

Quan Châu ngửng lên trông, rồi đưa mắt từ bên phải qua bên trái, chú ý nhìn từng cái kẽ núi lá cây chen chúc, cho đến những gân trắng rất lớn vạch theo chiều thớ núi, nổi lên trên mặt đá màu xám xanh.

Ông quan thổ xuống yên cùng năm người bộ hạ dắt ngựa đi từ sau lưng ra trước mặt núi, rồi buộc dây cương vào bốn gốc cây mọc gần nhau. Đoạn ông tuốt gươm ra, cẩn thận từng bước đi lên, và bảo trước cho mấy người kia biết có người Khách chết treo, để họ khỏi sửng sốt.

Ông Châu trông thấy người thắt cổ trước nhất. Nó ẩn hiện trong cành lá nhỏ và thẫm ăn màu với bộ quần áo chàm. Đến gần xem thì mặt và bàn chân, bàn tay của người Khách đã xám xì lại nhợt nhạt, vì bị mưa dầm sương đượm đã lâu. Đằng sau đám cây miếu với bức tường vỡ là cái hang Thần mà ta đã biết.

Ông Châu nhìn người thổ già nằm ở một phía nhưng không chú ý bằng nhìn hai hòn đá cao mọc trước cửa hang, ông nhớ đến câu: "Cửa hang Văn Dú trông như cái mồm có hai răng" và nghĩ trước đến cách vào hang xem xét.

Nhưng ông quay lại để khám người Khách đã.

Ông lấy gươm bảo mấy người đứng đằng sau ông tiến lên rẽ đám cây lá dưới đất. Rồi ông bước đến bên cây bàng trụi lá. Ông đã tưởng cái thây sẽ xông nặc lên những mùi ghê tởm, nhưng lúc ấy ông chỉ ngửi thấy mùi ẩm mục của muôn nghìn cây lá cao ngất và xanh um.

Nhìn kỹ thì phía mặt bên kia của người Khách cùng với phía sau gáy và vai bị rỉa be bét, màu thịt đỏ nhợt như ruột củ nâu non. Ông Châu đưa gươm lên cắt cái dây thừng, thì một vài con quạ vùng lên bay mất. Lưỡi gươm sắc vừa mới cứa, cái thây nặng nề liền rơi trên mặt cỏ, hai gối gấp lại trước nhất rồi gục đầu xuống cạnh chân bức tường. ông Châu sai người lật ngửa cái thây ra; đất, cỏ úa và lá ướt dính vào má, vào mồm và đuôi một con mắt đã trắng dã.

Người chết trông mặt dầy, vào khoảng ba mươi lăm, bốn mươi tuổi. Cặp môi trên râu lún phún, miệng hé mở, hai hàm răng trắng cắn chặt lấy nhau.

Ông Châu xem ra thì biết người ấy bị giết chứ không phải quyên sinh: cái dây thừng ở cổ chặt thít vào như có ai bám lấy chân người khách mà lôi xuống. Ở phía dưới cổ, gần xương đòn gánh, lại có vết đâm, rộng và sâu. Ông Châu toan bảo cởi hàng cúc áo của người Khách ra, nhưng sau lấy mũi gươm rạch xuôi xuống. Ba bốn lượt áo đã phanh mở mà trông như vẫn còn áo trong: vì bụng người ngực người Khách đã đen xám như chàm. ở hai bên sườn người này, bọn ông Châu lại tìm ra được vết bốn nhát dao đâm nữa. Những vết đâm ấy cũng như vết trên cổ, sâu và rộng bằng ba đốt tay: hình như người Khách bị giết bằng một thứ đoản kiếm.

Hơn một phút đồng hồ, ông Châu đứng lặng, cúi đầu trên cái thây ma ngẫm nghĩ, trước năm bộ mặt sợ hãi của người theo hầu.

Cái cảnh tượng kỳ quái đến nỗi khiến họ không nói được lời nào; và có lẽ trong bụng họ không kịp nghĩ và không kịp hiểu chi hết. Mấy người tự nhiên đứng sát vào nhau như cùng thấy cần phải đồng tâm hiệp lực. Họ nhìn ông quan thổ như có ý hỏi, nhưng ông ta lặng thinh.

Gió thổi rung cành cây làm rụng lác đác những giọt sương trên lá.

Bỗng chốc lại thấy giọng thê thảm của mấy con quạ núi quen thuộc nơi hoang vắng bay ngang trời vừa kêu.

- Thôi! Để nó ở đây, bây giờ đến hang núi!

Tiếng ông Châu nói hơi run run và hơi khà. Ông hắng giọng một cái, rồi nói to hơn:

- Thôi! đi ra!

Tiếng vang ở quả núi đáp lại một cách rất dị thường và khiến cho cả người nói lẫn người nghe cùng có những cảm giác lạ. Ông Châu vừa bước ra vừa truyền:

- Thằng Noòng, thằng Lường theo tao đến Nùng Khai. Còn ba đứa kia sắp sửa cuốc, dao, dây để vào Văn Dú.

Bọn năm người thấy quan Châu lúc bấy giờ oai nghiêm như cái gươm ông cầm trên tay. Một tiếng ông nói ra ở chốn này họ đều coi như lời thần thánh. Trong lúc ba người chia nhau mấy bó đuốc và mấy cuộn dây dài thì ông Châu với hai người kia đi lại bên cái xác khô của ông già thổ.

Xác Nùng Khai nằm hơi nghiêng, đầu trở vào phía hang, cánh tay trái đè dưới mình, cánh tay phải khuỳnh vào đưa lên trên không, cứng như que củi gẫy; ngón tay và chân đều rút quặp lại; chân trên duỗi thẳng; chân dưới hơi co lên. Bộ mặt xám nhăn nhó trông rất xấu; mi mắt nhắm không liền, miệng há cứng ra, lưỡi thụt vào trong họng.

Ông quan thổ xem kỹ hai tay hắn thì quả như lời người thổ Kao Lâm thuật, khắp bàn tay rớm những vết máu rất nhỏ, bấy giờ đã hoá thâm. Ông sai người cởi áo người chết xem còn thương tích gì khác nữa không. Nhưng ngoài những vết sẹo to ở cánh tay và gần vú – sẹo của những vết thương khỏi đã lâu lắm – thì không còn thấy gì.

Ông lần trong túi áo trong của Nùng Khai thì lấy ra được mảnh giấy cũ và nhàu, trên giấy vẽ đường lối đi đến Văn Dú và biên những câu giống in như mấy câu ở mảnh giấy hôm trước. Hai cái hình vẽ phóng ở hai bên trông vụng dại hơn hình mẫu. Ông cầm lấy soi lên ánh sáng thì không thấy gì lạ. Ông lẩm bẩm một mình:

- Thì ra chúng nó không ngờ gì... nên chúng nó tưởng rằng cứ chép lại những chữ trên mặt giấy kia là đủ... Chúng nó chết là phải lắm. Đến ta, là người trí thức, mà nếu không vì sự ngẫu nhiên thì đời nào hiểu cái mưu ghê gớm của người Tàu... Huống hồ, chúng nó lại chỉ học thuộc lòng những chữ vô lý ấy mà dám xông pha vào đây...

Ông còn đang gật gù như nhận ra một lẽ gì mới nghĩ, thì ba người bộ hạ đưa ông xem một bọc quần áo mà họ đoán là của người Khách chết treo, cùng với bức địa đồ đã gần nát. Ông cầm lấy xem, rũ những áo ướt trong bọc, rồi đứng lẳng lặng. Bọn người theo hầu trông thấy cái suy nghĩ sâu xa ở cả trên những răn trán, trong hai con mắt dưới lông mày, và cái miệng măm mắm của ông Châu. Rồi ông lại gật gù:

- Phải rồi! Ta đoán không sai. Người này quyết là con cháu của viên quan tầu. Nhưng sao bây giờ mới sang đây? Ta có thể ngờ là mảnh giấy "di chúc" kia khi đem sang Tàu thì đã phải thất lạc nhiều lần, hoặc bị tay kẻ khác chiếm đoạt đến nay mới lại tìm thấy...

"Nhưng cái đó cũng không căn cứ vào đâu. Chỉ phải xét xem ai đến đây mà giết người kia? Mà kẻ giết người ấy sao lại giết hắn một cách lạ lùng như thế? Cái chết của người Khách với của Nùng Khai này cùng bí mật như nhau, nhưng mỗi người chết một cách ghê gớm khác. Ta đọc tờ giấy hôm qua thì có thể đồ rằng Nùng Khai chết vì những hòn đá giết người. Những hòn đá này vì đâu mà giết được người, ta cần dò xét cẩn thận mới biết được.

Rồi ông móc túi lấy ra tờ giấy mỏng ông tìm được ở trong mảnh giấy vuông của người thổ Kao lâm. Ông không đọc một chữ nào vì ông đã thuộc hết. Ông chỉ tự hỏi:

- Người Khách chết ở kia, vậy ai đem mảnh giấy vuông vào trong hang? Trong hang có những ai? Mà Nùng Khai làm thế nào lại lấy được ra rồi chết?

Ông quan thổ nói câu sau cùng to lên và mắt ông vô tình nhìn vào mắt một người trong bộ hạ. Họ không biết nói gì, chỉ giương mắt to nhìn nhau.

Ông Châu bèn đứng sững người lại, vứt cái áo của Nùng Khai lên cái xác nằm trơ đó. Rồi ông bảo đốt đuốc, và sắp dây, sắp xẻng cuốc để vào hang thần.

Trước khi bước chân lên, ông đứng sững lại một lát cố thả tầm mắt soi vào khoảng đen tối trong hang, mặt ông hơi có dáng lo ngại và nghi ngờ. Ông biết rằng ông sắp dấn thân vào trong những sự quái lạ phi thường. Nhưng ông cũng trấn tĩnh lại ngay được.

Sau bó đuốc đã cháy lên bùng bùng, ông cầm lấy một bó nhìn năm người bộ hạ, rồi truyền:

- Bây giờ đi vào hang!

Năm người này thực là những người có can đảm bằng thép, rèn bởi cái oai quyền và cái trí cương quyết của quan Châu.

Họ cầm đuốc giơ cao lên, hai người đi trước, ba người đi sau, bình tĩnh cùng với ông Châu bước vào hang Văn Dú.

Bóng lửa khuất vào trong đám tối đen không cùng.

Ngoài cửa hang, cây cối lại vẫn giữ cái vẻ hoạt động vô tình và lạnh lẽo như hôm trước, như lúc hai người thổ Kao Lâm mới bước tới, duy có khác một điều là thây người Khách đã thôi lủng lẳng ở dưới cây bàng, và trước hang thần, thêm một người nằm chết.

 

V
Ánh lửa đuốc chiếu sáng được một khoảng dài khiến cho ông Châu trông thấy trước những chỗ rẽ sắp bước tới và làm cho bớt cái hơi lạnh trong hang.

Hang rộng chừng mười bộ, càng vào càng thấy cao thêm. Dưới chân, đường đá rắn và trơn, nhiều quãng phẳng dễ đi như đã sửa sang từ trước.

Lối hang khúc khuỷu, đi chưa được mấy, ngoảnh lại đã không thấy cửa hang đâu. Ông quan thổ kỹ lưỡng xem xét hai bên, thấy cái mỏm đá, hốc đá nào cũng chú ý đến. Trên mặt vách đá màu rêu mốc đủ các sắc, ông Châu mỗi chốc lại tưởng như sắp thấy những dấu hiệu dị thường. Nhưng không, chẳng có gì là ghê gớm, ly kỳ; cũng không thấy có vẻ gì là giết người hết. Từ cửa hang trở vào, thỉnh thoảng lại có một vũng nước hoặc ở giữa, hoặc ở cạnh lối đi hợp với hai cái lạch chỗ nhỏ, chỗ to theo chân vách đá. Nước ở lạch trong hơn nước suối, ánh lửa đỏ soi xuống tận đáy thấy một lớp sỏi nhỏ và trắng tinh. Nhiều lúc cả bọn cùng dừng chân, không ai nói một lời nào, thì thấy trong hang yên lặng, chỉ nghe có tiếng giọt nước trên cao rỏ xuống, với những tiếng dơi bám vào trong khe tối bị mất giấc ngủ vì có ánh lửa và có người vào.

Năm bộ hạ càng vững lòng, thì ông Châu càng lo ngại. Cái yên lặng và dáng tầm thường của hang đá này như có vẻ lừa dối nham hiểm. Ông nghĩ đến những câu trong tờ di chúc bí mật: những lời trong giấy này biết đâu chẳng là những câu gạt mình để làm hại mình ở đây? Ông có ý hối hận vì không thử y lời dặn trong giấy là đo từ cửa hang vào cho biết chừng đã sắp đến nơi chưa. Nhưng theo như ông ước đoán thì đến chỗ đó chưa được nửa đường, vả ông còn muốn xem xét một lượt đã.

Ông không để cho bọn theo hầu trông thấy cái lo ngại của mình. Mà họ cũng không đủ sáng suốt để trông thấy được. Họ chỉ biết tôn trọng cái vẻ trầm ngâm của chủ họ trong lúc ấy và hết sức vâng theo lời ông.

Giữa nơi kín đáo như thế, trong ruột một quả núi chứa chất những điều bí hiểm, ông Châu thấy như cách biệt hẳn với thế giới. Ông lấy làm lạ rằng lòng can đảm của mình bị lay động quá đến thế. Ông tĩnh tâm lại để xem mình nghĩ gì. Ông ngờ rằng trong hang núi có một sức mạnh làm tâm trí ông mê mẩn. Ông nhìn thứ ánh sáng đỏ bập bùng của mấy bó đuốc chiếu vào bốn phía đá, rồi ông lại nhìn bọn đầy tớ, họ nhìn lại ông.

- Vô lý thực, mình lại nạt mình chứ có ai đâu.

Ông nghĩ bụng thế, rồi ông truyền cho họ tiến lên.

- Tắt bớt đuốc đi, khói xông lên nhiều quá; để bốn bó cũng đủ rồi.

Họ nghe theo lời ông và đi mươi bước nữa thì đến một vũng nước lớn lan khắp bề ngang đường hang núi. Giơ đuốc lên soi thì thấy đến chỗ rẽ mà vẫn chưa hết. Đá chỗ ấy trơn lắm. Nước trên những thạch nhũ sèo sẹt rỏ xuống mấy ngọn lửa và mau như giọt tranh sau trận mưa rào.

Ông Châu sai hai người cầm đuốc tiến lên:

- Hai thằng hãy đi xem chỗ nước này đến đâu thì hết.

Hai người tức khắc vâng lệnh rồi nhanh chân giẫm lên lớp đã cuội trắng ở dưới đáy mà đi vào. Hai ngọn đuốc lảo đảo soi dần vào quãng đường tối đen rồi khuất hẳn.

Được một lát, tiếng chân khoa nước thấy dứt. Rồi hai người thổ nói vang lên, giọng vui mừng như lấy làm lạ:

- Quan Châu à! Chỗ này hết nước rồi! Mà đàng kia lại sáng lắm. có lẽ chỗ này ăn ra một cửa hang khác cũng không biết chừng!

Ông Châu liền tiến lên cùng ba người bộ hạ. Ông để cả giầy lội xuống nước nhưng vội lùi lại ngay; nước lạnh buốt như làm rụng mất chân. Ông chịu rét không quen nên bảo hai người cầm đuốc cho ông và cho một người bộ hạ thứ ba, để hắn cõng ông qua cái vũng nước ấy.

Tiếng hai người đi trước vẫn nói lớn, họ bàn nhau tắt đuốc để dành đến lúc ra.

Bọn sau đi được già nửa đường, sắp tối chỗ rẽ. Bỗng nhiên hai tiếng kinh ngạc cùng kêu lên một lúc.

Ông châu lớn tiếng hỏi. Hai người không đáp chỉ gọi:

- Quan Châu à! Còn trong hang chứ?

Giọng họ run run và réo vội lên như người sợ quá ngắn hơi thở.

- Quan Châu à! Lạ lắm! Đi mau lên! Đi mau lên!

Ông Châu giục người cõng bước thực mau. Những lời nói vừa rồi vang ầm lên cùng với tiếng nước reo dưới những bước chân khua động.

Khỏi chỗ vũng nước thì thấy ánh sáng mà hai người kia báo trước. Ông Châu ở trên lưng người cõng nhảy xuống, vội chạy đến sau hai người kia xem. Ông cũng sửng sốt như họ, đứng lặng không nói được gì. Ba người sau tới nơi cũng đứng đực người ra như thế.

Trước mặt họ, cách độ hai chục bước, trong một khoảng rộng và cao như một cái động nhỏ, hiện ra một cảnh tượng quái gở kinh hoàng:

Một bọn năm, sáu người đàn ông nằm ngồi hỗn độn bên những tảng đá cuội cực to, gần sát chân vách đá. Một thứ ánh sáng trắng và yên lặng như vun ở ban ngày lạnh lẽo bên ngoài mà dội xuống bởi một cái lỗ ăn thông lên đỉnh núi; nhưng đứng chỗ ấy, ông Châu chưa trông thấy trời.

Ông bảo bọn theo hầu tắt hết đuốc đi, chỉ để lại một bó nhỏ. Rồi một mình ông tiến lên trước, thanh gươm sáng lăm lăm trong tay. Ông quay lại truyền:

- Năm đứa bước theo tao! Nhưng nếu tao không bảo thì không được làm gì đấy. (Ông lại chỉ những hòn đá cuội lớn). Mà phải cẩn thận, không đứa nào được chạm đến những tảng đá ấy. Nó nguy hiểm lắm đó: nó làm chết Nùng Khai và những thằng này.

Bọn theo hầu còn đang kinh khiếp sẽ thì thào nói như chính mình lại sợ tiếng mình, thì ông châu bỗng chú ý ngay đến một khoảng tối đen ở trên một phía vách đá, cách mặt đất độ năm sáu thước, và to gần bằng một cái nong. Nhìn kỹ thì đó là cửa một cái hang con bị lấp đầy những hòn đá cuội to cùng màu và hình như cùng hạng với những tảng đá lăn lóc dưới đất.

Ông Châu bước lại gần, ngẩng lên nhìn một hồi lâu rồi nghĩ thầm:

- Thì ra chúng nó cũng biết đây là lối vào nơi để của và cũng đoán được cái câu: "Mày vào trăm chân, mày lên ba tay" ở trong bài di chúc vắn tắt. Mà có lẽ bọn con cháu họ Hoàng đã tìm thấy nghĩa câu ấy từ trước và bắt đầu phá cái hang nhỏ này rồi. Nhưng chúng đoán ra, đào ra để tìm thấy cái chết chứ không tìm thấy của.

Rồi ông lẩm bẩm trong mồm, nửa như nói một mình, như bảo lũ bộ hạ:

- Hừ khôn khéo, khôn khéo mà ghê gớm lắm!

Mấy trăm năm trời nay, những hòn đá kia giết đã bao nhiêu nhân mạng? Viên quan Tầu kia giữ của bằng cách gieo những cái khủng khiếp, chắc tưởng rằng phi con cháu nó thì chả có ai là người lấy được của trong này ra; chớ có ngờ đâu đến lượt ta... ta quyết phá cho tuyệt cái kế thâm độc ấy!

Nói đoạn ông quay lại dặn bọn người nhà lần nữa:

- Không được đứa nào động đến những hòn đá này đó. Hãy lôi xác những thằng này để ra một nơi cho tao xét xem.

Năm người kia vẫn đứng yên, chưa hiểu ra sao, ông châu lại quát:

- Mau lên chứ! Lôi chúng nó ra cả một bên!

Bọn chúng có sáu người, gần hết trông to béo lực lưỡng, họ ăn mặc đều một loại áo vải dầy màu chàm. Da mặt và tay họ đều xám đen như da Nùng Khai. Họ cùng đi một thứ giầy vải, ngoài quấn những dây nịt khiến cho lá cỏ cành lau giắt đầy chung quanh chân. Coi mặt mũi và y phục thì biết họ là người Tầu, nhưng không thể đoán được là người ở bậc nào vì tất nhiên họ phải thay đổi hình dạng.

Người thứ nhất - bấy giờ đã lôi ra để một chỗ - là người còn trẻ, mặt mũi nhăn nhó như người đau đớn gớm ghê. Người thứ hai và người thứ ba ngồi dựa lưng vào vách đá, một người ngửa cổ lên, còn một người ngả đầu xuống vai người nọ; lúc mấy tên bộ hạ thổ xốc nách kéo hai cái xác đi lùi lại, thì đầu hai người chết vẫn ngửa; miệng thì xếch lên như cười một cách đần độn. Người thứ tư là một ông già, mặt xương xương, mép và quai hàm lởm chởm những râu, mắt to, mở trừng trừng, đang nằm nghiêng ôm lấy một hòn đá cuội. Bọn người thổ phải khó nhọc mới kéo được ông già ấy khỏi chỗ cũ, vì chân ông ta bị đè dưới bụng một người to béo – người này đâm chúi đầu xuống, miệng hôn đất, tay quắp lại, mười ngón quào sâu vào đùi ông già. Còn người sau cùng mở mắt nhưng lòng đen chạy lên mí trên, mồm cứng và hé mở, môi dưới trề ra; hắn ngồi gò ruột ở một bên, vai so lên, cằm sát ngực.

Bằng ấy cái xác cứng đờ như tượng gỗ, họ đều kéo lại cho nằm kềnh càng ở một chỗ sáng nhất, trên mặt đất hang rắn và ẩm, mình đè lên những cái côn sắt lớn và nhọn, những thanh gươm ngắn và trần, những bọc vải xanh đựng cơm và bánh khô với những bó đuốc đã tắt lửa.

Tuy có đông người trong hang và tuy đã hơi dạn với cái bí hiểm, ông quan thổ cũng phải gắng sức mới bình tĩnh được tâm thần. Trước cái cảnh tượng quái gở mà ông thấy đó, ông sẽ lắc đầu mà tưởng đến cái ghê sợ của một người vào đây một mình. Ông tự nghĩ:

- Thế mà ta chực không cho đứa nào theo đấy!

Cũng may mà ta nghĩ lại... Nếu không thì những lúc này liệu còn can đảm không?

Rồi ông nghĩ đến Nùng Khai và đến lúc hắn trông thấy bọn người chết. Ông chắc rằng khi Nùng Khai vào Văn Dú thì đã thấy bọn Khách ở đây mà lúc ấy họ cũng đã chết rồi.

Nùng Khai có lẽ chết vì khiếp sợ quá? (Ông nghĩ thế, nhưng lại lắc đầu). Khiếp sợ mà đã chết ghê gớm như thế này được ư? Mà Nùng Khai có khiếp sợ không? Không chắc, mắt tên cướp kia đã quen thấy máu đổ, quen thấy những cảnh tàn sát nhiều lần rồi; mà cái lòng hung bạo ấy lại nhờ có sự ham chiếm được của làm cho táo tợn thêm... Vả nếu nó biết sợ đã không dám vào đây ngay từ lúc thấy xác người Khách thắt cổ.

Lúc ấy ông Châu từ từ đưa mắt nhìn khắp động từ trên xuống dưới, từ trái sang phải; nhưng không chú ý đến vật gì. Ông còn đang đoán tưởng lại những cử chỉ của tên thổ già từ lúc vào đây đến lúc chạy ra cửa hang mà chết, thì bỗng trông thấy một con dao rừng với một bó đuốc bằng sam mộc nằm ở bên một tảng đá cuội. Con dao ấy tất nhiên không phải của bọn Khách, vì đó là thứ dao rừng chỉ riêng người thổ quen mang. Mà bó đuốc kia chắc cũng là của Nùng Khai, theo như người trai thổ Kao Lâm thuật lại.

- À thế thì chắc Nùng Khai tìm thấy tờ di chúc kia ở chính chỗ này đây. Rồi tất nó phải chạm đến những tảng đá này mới chết được... Có lẽ nó tưởng trong đá cuội có vàng ngọc nên mới lấy tay vần xem...

Nhưng nó ngu ngốc đến đâu cũng phải nghi ngờ chứ... Bọn Khách kia chết cứng đờ ra đó, mà những hòn đá này thì lăn lóc ở bên...

Ông quan thổ cau đôi mày lại, nhìn trừng trừng xuống đất, một ngón tay chậm chạp gãi sau mang tai. Rồi ông ta se sẽ một tiếng thở dài.

- Hay là tờ giấy kia bị một hòn đá đè lên? Nùng Khai muốn cầm giấy xem nên mới mang bỏ hòn đá sang bên cạnh? Ừ có lẽ thực thế, vì tờ giấy ta thấy thủng rách lỗ chỗ mà ở hai mặt giấy ta còn thấy màu đất bám và phảng phất màu rêu xanh. Nhưng dẫu sao, ta hẵng cứ biết rằng Nùng Khai cũng như bọn Khách kia, bị chết vì đã phạm tới những hòn đá cuội ấy.

Những tảng đá này trông nhẵn và cũng khá tròn, tự cái lỗ đang đào dở lăn ra, và nhiều tảng lăn tản mát tận đằng xa và khuất trong đám tối.

Ông châu đến bên một tảng, cúi xuống xem xét một hồi rất lâu, nét mặt khó khăn, chăm chú và tỏ ra chiều rất cẩn trọng.

Ông lẩm bẩm nói:

- Cái thần giữ của của nó mới hiểm ác chứ! Có ai ngờ đâu những vật ghê gớm này lại là những tảng đá tầm thường.

Rồi ông đứng sững lên, lại gần mấy cái tử thi người Tầu, khạc một cái nhổ xuống đất và gọi bảo lũ bộ hạ:

- Trên mặt bàn tay lũ này cũng như trên mặt bàn tay của Nùng Khai, có những vết máu lấm tấm đen, dấu vết của những hòn đá giết người đó. Đứa nào phạm đến những vật ấy thì cũng phải chết như những tên vô phúc kia. Chúng mày phải coi chừng đấy.

Lúc ấy, ông đang lom khom cúi xuống xem cái xác người Khách già nhất. Người này trông vẻ hung ác, hai mắt nhìn thẳng vào chân ông Châu.

Bên cạnh cái bao gươm to bản và ngắn đeo vào cái đai vải thắt ngang lưng hắn, ông còn thấy giắt một cái hộp thiếc mà ông không thấy ở thắt lưng bọn kia. Hộp này dài hơn hơn một gang, ngang bằng ba đốt tay và dầy hai đốt. Ông châu liền cầm ngay lên, rút nắp lấy ra được hai tờ giấy cuộn tròn lại. Tờ thứ nhất là một cái giấy thông hành của quan tổng đốc Quảng Đông cấp. Tên người mang giấy đó là Thạch Dụng, ba mươi tư tuổi, làm thầy địa lý, quán ở Bình Giang. Cứ tuổi trong tờ giấy này thì ông già kia không phải là Thạch Dụng, mà người mang nó có lẽ là người Khách bị giết ở gần cửa hang.

Ông Châu xem đến tờ thứ hai.

Tờ giấy này dầy như bìa, mầu vàng bẩn. Ông quan thổ vừa thoạt giở ra đã thấy kinh lạ: chữ trong giấy viết bằng máu, nét gãy cứng như vạch bằng que.

Lời trong giấy như sau:

"Bọn dũng sĩ chúng ta là Đô Bá Kỳ, Tần Du, Điền Nhị Giang, Lý Thất và Lý Nhạc, năm mãnh hổ ở vùng Mê Sơn, xông pha hiểm trở, theo vết chân Thạch Dụng đến đây để chiếm lấy kho vàng của y.

Năm chúng ta cùng tra khảo y, cùng lấy được mảnh giấy chỉ cách đào lấy của, rồi cùng giết chết y.

Vậy chúng ta thề nguyền với nhau rằng, của cùng tìm được chia đều, và phải giữ việc này cho kín. Nếu trong bọn ta, có kẻ nào manh tâm muốn chiếm lấy phần lớn, hoặc tìm cách giữ cả cho riêng mình, thì kẻ ấy sẽ bị chết treo trên cây vì tay chúng ta, bị năm nhát dao trên mình, y như số mạng của Thạch Dụng.

Chúng ta lấy máu của y để viết tờ giấy này, lại cùng chích máu mình biên tên và in dấu ngón tay vào đây ký kết".

Năm ngón tay cái in thành một hàng máu đỏ nhoè nhoẹt ở sau những câu ghê gớm ấy.

Ông Châu lặng yên, không nói gì. Một lát ông quay lại nhìn bọn người tầu, thấy mặt mũi họ càng thêm vẻ độc ác. Nhưng bọn giết Thạch Dụng chỉ có năm đứa, vậy đứa thứ sáu là ai? Có lẽ là đứa trẻ nhất, và có lẽ là người đi theo Thạch Dụng đến đây làm chân trong cho chúng.

Một lát ông Châu lại nghĩ:

- Thì ra quả nhiên tên Khách chết treo là con cháu người quan tầu thực. Nhưng tại sao mãi bây giờ mới sang đây? Mà bọn cường bạo kia dò xét làm sao lại biết được y sang tìm của. Cái đó toàn là một thiên bí mật khó lòng mà khám phá được ra.

Ta chỉ phục viên quan tầu thực là người sâu sắc! Câu dặn con cháu phải gắn lại tờ di chúc, ta tưởng là vô lý, nhưng đến nay mới rõ cái ý khôn ngoan. Viên quan tầu có lẽ muốn phòng hai điều, một là bảo con cháu giữ lại đừng huỷ tờ giấy đi, để sau có khi phải đem ra chứng nhận cái quyền được hưởng của trong hang Văn Dú; hai là hoặc trong khi đi tìm của, có kẻ theo mà tra khảo thì tờ giấy kia với những câu kỳ dị viết trên đó sẽ lừa gạt kẻ chiếm được nó và báo thù cho con cháu mình. Viên quan tầu muốn cho của trong hang Văn Dú nếu không về tay dòng dõi nhà y, thì không về tay ai hết. Mà của cải với nơi chứa nó sẽ là tai hoạ nghìn năm cho những kẻ muốn tìm tòi... Ta cũng là kẻ tìm tòi đây... Nhưng cái mưu kế lập ra từ mấy trăm năm kia đối với ta không có giá trị gì nữa!

 

VI
Ông quan thổ gấp cả hai tờ giấy tra vào cái hộp thiếc như cũ và giắt vào thắt lưng mình, rồi ông sai bọn theo hầu đem cuốc xẻng và dao trường đến phá nốt cái lỗ hang ở trong phía tối. Họ vâng lời, tức khắc lấy xẻng và dao nậy những hòn đá từ dưới trở lên. Cứ mỗi hòn đá rơn ra họ phải nhẩy lùi lại. Cái khó trong việc đào phá chỉ là phải tránh những hòn đá cuội đó. Ông Châu đứng một bên, trên một tảng đá xanh, cao và khá phẳng. Ông vừa bảo ban vừa thôi thúc họ; trong động vang lên những tiếng cuốc xẻng, những tiếng ông Châu quát, với những tiếng đá cuội lăn ra. Lỗ hang, sau đó một hồi lâu đã thấy mở ra được non nửa về phía dưới. Lúc ông Châu toan bảo một người đốt đuốc lên, thì ông chợt thất kinh kêu lên một câu dữ dội:

- Này chết! Lùi ra mau!

Vừa lúc bọn đầy tớ hốt hoảng nhẩy lại đằng sau, thì rầm một cái như sét nổ trời, cả phần trên lớp đá cửa hang cùng lở xuống.Bọn thổ chạy tán loạn nhảy như lũ vượn, để tránh những hòn đá tròn đuổi theo. Đá cuội cứ lăn ra tứ tung và chiếm gần nửa chỗ trong động. Cũng may không ai việc gì. Nhưng họ mất sắc đi vì khiếp sợ.

Lúc họ đã dám quay lại nhìn thì cái cửa hang nhỏ đã rộng mở. Hang này cách đất độ bốn, năm thước, cửa hang to bằng một cái nong. Không thể biết hang nông hay sâu: trông vào thì chỉ thấy mù mịt đen và phảng phất như có khói. Ông Châu bảo họ lấy dây thừng và dây mây làm thành những thứ quang sơ sài để tải những hòn đá kia ra một chỗ. Ông đến xem mấy hòn đá gần nhất thì thấy cũng là một thứ đá cuội như những hòn lăn ra trước, nhưng nhỏ và nhẵn nhụi hơn. Ông lại nhìn kỹ những hòn phía gần cửa hang, là những hòn đá rơi xuống trước tiên thì lại thấy chung quanh đá bong ra những mảnh cát to hạt và sắc cạnh mà ông không dám động tới. Ông gật đầu mấy cái rồi nói:

- Chỉ có lượt đá ngoài cùng là nguy hiểm thôi.

Tuy thế song cũng bảo bọn kia phải cẩn thận mà khiêng từng hòn một. Họ lẳng lặng theo lời ông như một bọn người máy.

Khi đá cuội ở bên những cái xác chết đã xếp thành một đống to và khi đã có lối đi tới cửa hang ông Châu mới bảo đầy tớ đem cái bó đuốc gần tàn lại để nối. Ông thì cầm bó đuốc sam mộc của tên Nùng Khai. Thấy một tên bộ hạ không đi hài xảo, ông liền bắt hắn cởi giầy của một người chết để xỏ chân vào. Rồi ông nói:

- Bây giờ chúng mày đem những tảng đá kia chồng thành bậc để lên. Những đá rơi ra sau thì không đáng sợ lắm.

Mấy hòn đá xếp thành một thứ bậc thang cũng khá tiện. Ông châu đem đuốc lại nhóm, chỉ để lại hài bó dành đến lúc ra.

Rồi ông nhìn lại một lượt chung quanh mình, cảnh tượng trong này thực kỳ dị. Đám người chết co quắp nằm nghẹo đầu giơ chân ở chỗ ánh sáng ban ngày soi xuống, cùng với những hòn đá cuội chất đống, màu đất ẩm khác với màu xanh xám của vách hang. Cách đó không xa, bọn người thổ xúm lại với nhau đứng trong bóng tối. Họ sửa giầy rơm, đai lưng, hay đốt thêm thuốc. Ánh lửa đỏ bập bùng chiếu một bên mặt tai tái của họ và chiếu lên mặt hang đá làm rõ rệt thêm cái lạnh lẽo của thứ ánh sáng ngoài trời soi xuống.

Bó đuốc của ông châu và ba bó đuốc của bọn đầy tớ đã cháy to, nổ lách tách. Hai người giụi tàn lửa lên đá rồi theo lời ông châu, chui vào cửa hang. Ông cùng lên với người thứ ba để cho hai người sau cầm đuốc đi tập hậu. Cái cửa hang nhỏ lúc ấy trông như miệng một cái hoả lò đang cháy, mỗi lúc một tối dần.

Không bao lâu, cả lửa đuốc lẫn người cũng bị cái miệng đá ấy nuốt chửng.

° ° °

Thoạt mới vào, đường đi rất khó. Họ phải lom khom cúi; trên đầu họ, trần đá thấp như muốn đè mãi họ xuống, mà dưới chân có nhiều chỗ hõm hốc, lại thêm đá cuội bên ngoài lăn vào làm cho họ phải hết sức dè giữ mới dám bước lên. Họ không giơ được ngọn đuốc lên cao. Ánh lửa trước mặt làm cho chói quá, phải đưa cánh tay lên che ngang mắt mới trông được rõ lối đi.

Nhưng hang càng vào sâu càng rộng, và dễ đi hơn. Vào chừng hơn mười bộ thì đuốc đã giơ lên được quá trán; trần đá cũng cao dần và đỡ thấy nặng nề. Họ càng vào sâu thì khí lạnh càng thấm thía. Một thứ gió lan đi rất chậm, từ chỗ đen tối cùng cực đưa ra. Họ phảng phất ngửi thấy những mùi hôi tanh và ẩm mốc. Đứng lại độ nửa phút, ông châu lẳng lặng nhổ bọt, rồi lại tiến lên. Lối đá rêu cũng khá rộng. Ông châu cho hai người đi quá ông một bước, còn ông đi giữa họ, hơi lùi về đằng sau. Bỗng nhiên ông châu dừng chân, nói một cách kỳ lạ:

- Ồ! Đứng lại, đứng lại xem đã! ồ!... Kìa!

Họ trừng mắt trông lên.

Trong khoảng giữa tối om, thấy phảng phất hình một người trăng trắng. Ánh lửa cử động khi mờ khi chói, nên cái hình ảnh vừa rồi lúc biến lúc hiện rất mơ hồ.

- Cứ đi lên xem, chỗ ấy cách đây xa quá nên không rõ.

Họ tiến lên mới được mươi bước nữa thì cái hình lúc này thành ra một bộ xương người. Bộ xương này ngồi ngoảnh mặt ra, ở trên một cái bệ gạch rất lớn.

Cái đầu lâu, hai mắt rỗng đen thao láo, ngả về phía trán ở giữa hai cánh tay giao nhau. Hai tay này để trên một cái cột, cao lên tới ngực. Hai ống cẳng đã rời, dựa vào cái bệ như hai thanh củi: phía trên bàn chân có những xích sắt con han gỉ, chằng buộc hai ba vòng. Màu xương thì xanh đen, mốc rêu, cũng như màu cái cột đá. Hàng xương sống vẫn thấy liền khớp, vẫn thấy chống giữ bộ xương ngực. Trên bả vai, lúc soi đuốc lại gần, thấy một thứ mùn nát thành bụi lẫn lộn với một vòng tóc xam xám và dài.

Ông Châu nghĩ ngay đến lối yểm vàng của bọn người tàu. Ông nghĩ đến cái nỗi tuyệt vọng của người mà họ dùng làm thần giữ của; nghĩ đến cái lòng thâm độc của kẻ tin những điều vô lý mà hại người. Sau khi tìm được những hòn đá cuội, ông không nhận là có thần thánh gì nữa.

Nhưng ông lại nghĩ:

- Viên quan tầu kia đã có những tảng đá để lấp cửa hang trong, hắn đã có phép giấu vàng kỳ bí hiểm rồi; hà tất phải nhờ đến thần thánh nào khác để giữ của cho hắn. Ta cần phải biết rõ điều ấy. Vì biết đâu rằng, sau bộ xương vô giác kia, không còn ẩn những mưu kế gì lừa gạt mình nữa...

Ông đứng yên một lát, trí suy nghĩ, tay vân vê xoắn suýt bộ râu cằm. Sau, ông cứ gật gù hoài, miệng mím vào như muốn cười, mặt lộ ra vẻ khoan khoái:

- Phải, phải, chỉ có hai lẽ ấy; chứ viên quan tầu kia giết người vô ích làm gì? Một là người tầu nghĩ đến cách yểm vàng từ trước, từ khi mới để của ở đây... rồi dần dần mới tính ra, mới dùng cách xây dựng cửa hang bằng thứ đá cuội nguy hiểm. Hai là bộ xương kia chẳng qua chỉ là xương của một kẻ bộ hạ theo vào giúp việc trong này. Mà người giúp việc ấy cũng như những kẻ tải gạch đá vào xây nên cái bệ này đã trông thấy của cải trong này, nên phải giết đi, để triệt những tấm lòng tham và làm câm những cái miệng không kín đáo. Thế rồi một ý kiến nảy ra, viên quan tầu đem người bị giết đặt lên bệ sau cái cột đá ấy để làm một thứ bù nhìn. Kẻ nào không phải là người có quyền lấy của, chẳng hạn như ta đây, mà lòng mê tín vẫn còn thì sẽ bị cái bù nhìn kia làm cho kinh hoàng, có khi còn ám ảnh suốt đời nữa.

Cái bệ mà có bộ xương người ngồi ở một bề thoại trông, ông Châu đã biết ngay là chỗ đựng của. Bệ này hình chữ nhật, rộng gần bằng dài, và xây bằng gạch, trông chắc chắn nhưng rất vụng về. Ông quan thổ lây mắt ước lượng thì mỗi bề ngang dọc vào khoảng bốn và năm thước và về cao thì vừa bằng cái ống cẳng bộ xương. Mặt bệ cũng khá phẳng, gạch xây toàn là những phiến rất lớn và xem ra rất dầy. Mầu gạch một vài chỗ nâu sẫm như da sành, nhiều khoảng rêu cáu vừa xanh vừa đen, nhiều chỗ long lở như đất khô hay mốc bám.

Ở hai bên còn chừa ra hai lối nhỏ đi ra phía sau bệ, đến chỗ cùng hang. Ông Châu cầm đuốc bước vào. Trần đá càng ở xa càng thấp.

Ông đứng sau bệ ngoảnh vào, thả tầm mắt nhìn cái khoảng tối đen mà lửa đuốc không soi tới. Ông đi vào mấy bước thì phải cúi thấp mãi xuống. Ông thấy cái cảm giác như bị đè nén mãi ở dưới cái trần đá nặng và dày. Ông thử nghĩ xem chỗ ông đang đứng ở phía nào trong hòn núi đá. Nhưng không đoán ra.

Khi mắt đã quen tối, ông chợt thấy hình ba bốn bộ xương người nữa. Ông gọi đầy tớ lại và bảo cho chúng biết là họ bị hại bởi tay người tàu... Nhưng xét kỹ thì hình như họ bị thuốc độc chứ không phải bị chém bất thình lình như ông thoạt tưởng: bộ xương nào cũng còn nguyên, mà cổ vẫn liền với đầu.

- Vả lại, ông Châu nói tiếp – viên quan tầu ngoài cách đầu độc họ thì không dám giở ngón gì ra. Vì tất nhiên y vào đây có một mình, với bọn kia... nếu họ hơi thấy viên quan có ý phản trắc tất họ không để cho y sống.

Nói đoạn ông quay trở lại, đưa bó đuốc cho một người đứng bên. Ông đứng sau cái bệ lớn, yên lặng một hồi lâu, tay cầm gươm, vô tình vạch lên mặt bệ những nét nhằng nhịt.

Lần này là lần thứ năm, thứ sáu, ông ngẫm lại những cảm giác và những điều ông suy tính trong lòng.

Lúc ấy ông thấy lòng xôn xao. Ông dịu lời bảo đầy tớ nổi thêm đuốc lên, thì thấy giọng nói của mình hơi khác. Quả tim ông đập nhanh và mạnh lắm. Có lẽ đó là vì mừng. Vì ông biết rằng trong cái bệ lớn kia, có một kho của lớn mà chính ông, ông sắp được hưởng... Viên quan Châu nhỏ mọn, danh phận mờ tối ở trong bóng những rừng hoang, nay chỉ còn phải lật có một lần tường mỏng nữa là được trông thấy cái phú quý to nhất trong nước... Ông sẽ làm nên tiếng tăm, ông sẽ tìm cách cùng một đồng liêu người Kinh, làm quan trong bộ. Ông sẽ mở một con đường mới cho người cùng giống. Người ta có của là người ta có quyền.

Ông hắng giọng cho lời nói mạnh lên. Bọn theo hầu đã đốt thêm đuốc.

Ông sai giắt hai bó lên kẽ đá, bảo ba người khác cầm năm bó, còn ông và hai người mạnh khoẻ nhất thì lấy xẻng, cuốc để bổ vỡ cái mặt bệ ra. Cuốc vừa mới giáng được một nhát, bộ xương người bỗng đổ rơi xuống, xếp lại thành một đống hỗn độn trên mặt bệ, cái đầu lăn ra một bên. Ông châu bắt họ không được ngừng tay. Họ đang ra sức bổ nữa thì ông Châu ngăn họ lại.

Rồi một tay cầm lấy một con dao còn tay kia ông rờ vào chỗ kẽ vừa mới nứt ra ở một góc bệ. Ông lấy mũi dao cắm mạnh vào đó, bảo một người nữa cùng làm thế, rồi hai người lấy hết sức bẩy lên. Một phiên gạch dầy ước nửa gang tay, to bằng nửa cái án thư bật lên, để lộ ra một lớp gạch nữa mới hơn ở dưới một lần vữa mỏng.

Lớp gạch phủ trên đá phá hết. Lớp gạch dưới mới nậy được ba viên.

Ông châu vội bảo họ ngừng tay: ông đã trông thấy những hình nén, hình thoi in nhấp nhô ở dưới một lần vải phủ trên. Mảnh vải ấy cách lần gạch độ ba đốt: ông quan thổ cầm lấy mép vải rồi nhanh tay lôi lên, mảnh vải mủn rách bung ra; ông châu mở mắt cực lớn.

Những thoi vàng dài, màu xanh xanh, nằm hỗn độn bên những xâu vòng trắng muốt, đó là những vật ông trông thấy trước nhất, bọc trong những mảnh lụa hay giấy mỏng lòi ra. Còn ở dưới thì toàn những bọc còn nguyên, có lẽ cũng là bọc vàng, ánh lửa soi vào làm hơi lấp lánh ở những chỗ rách.

Ông quan thổ, mười ngón tay run lẩy bẩy, đưa cả chực bốc; ngập ngừng một lát, rồi với lấy mấy cái bọc đưa lên tận mắt để xem.

- Chính phải rồi. Chính vàng! Vàng! Vàng với những vòng ngọc. Vàng ngọc cao gần ngập bệ, lại còn khuất ở dưới những phiến gạch kia!

Bỗng nhiên ông nín lặng. Ông liếc mắt nhìn bọn tôi tớ. Chúng nó đứng mê đi như những pho tượng cầm đuốc, chống xẻng. Ông thấy cái ghê rợn chạy khắp người.

- Nhưng mà không! (Ông nghĩ thầm) không hề gì! chúng nó là người trung thành lắm. Ta phải bình tĩnh mới được... ừ không sợ gì!

Tuy thế ông vẫn để ý đến cử chỉ của họ và nhìn lại cái gươm sáng của ông dựng ở một bên đùi. Ông kéo hai, ba gói nữa lên thì thấy toàn là những chuỗi ngọc kim cương và bạch ngọc. Lúc ông để cả xuống thì chú ý đến một tập giấy nhô ra ở trong bóng tối của phiến gạch dày. Ông cầm giở ra xem thì đó là một quyển sổ mỏng.

Giở tờ thứ nhất, thấy mấy dòng viết rất tốt;

"Thạch điền quang – Minh triều đại thần, xung Nam bang đô đốc chi bảo"

Trang thứ hai kê những đồ đĩa ngọc, chén ngọc bình vàng và bạc rồi đến trang kê các thứ ngọc: ngọc thạch, ngọc trai, kim cương... Trang thứ tư và thứ năm, các đồ bằng ngà voi, bằng san hô; ngà voi nguyên, sừng tê... Trang cuối cùng kê toàn là vàng, vàng thoi, vàng nén, vàng diệp các hạng.

 

Đoạn kết
Trừ những người bộ hạ của quan Châu nga Lộc thì không ai biết đến chuyện ông tìm thấy của. Cả ông châu kao Lâm cũng vậy: ông quan này tưởng cả hai tên bộ hạ ông sai đi đều bỏ xác ở hang Thần.

Người thổ Kao Lâm từ khi gặp những điều kinh khủng trước cửa hang đá thì ở lại châu Nga Lộc, mấy tháng ròng rã không dám bước chân ra ngoài.

Rồi một ngày kia, người thổ ấy tự nhiên đi đâu mãi không về nữa. Người ta đổ đi tìm các ngả cũng không thấy. Sau cùng, một người lách vào một bụi rậm gần đấy thì thấy hắn chết treo ở dưới cây ổi lớn bên nhà ông Châu. Bọn bộ hạ theo ông Châu hồi xưa lấy làm kinh ngạc vô cùng. Họ ngờ là ông ta lập mưu giết nó. Nhưng phần nhiều là đoán nó tự tử, vì họ thấy nó bị cái hối hận và khiếp sợ cắt rứt ám ảnh không thôi. Và bọn người theo ông châu sau này vẫn được sung sướng, giàu sang một cách bình tĩnh. Còn ông Châu thì bận bịu về của cải nhiều lắm. Ông cưới thêm hai người thiếp nữa, và thôi tưởng đến sự làm quan trong Kinh.

Những tảng đá giết người trong hang thần thì ngay sau khi vận hết của về nhà, ông châu đã sai đem bỏ vào một cái hang thứ hai là hang giấu của và sai xây thêm một lần đá bên ngoài lấp kín miệng hang ấy đi. Tuy vậy, ông vẫn giữ lại một tảng nhỏ nhất làm kỷ niệm. Ông vẫn có ý giữ kín không nói ra vì sao mà những tảng đá kia lại hại người một cách ghê gớm như thế. Nhưng một hôm, nhân chuyện với mấy tên người nhà tâm phúc, ông tưởng cũng không cần phải giấu mãi sự thực làm gì; ông bèn cẩn trọng đem tảng đá ra, lấy dao cạo mạnh lên, thì thấy lở xuống, nhỏ và mỏng, những mảng cát to hạt. Đó là một thứ cát sắc cạnh màu vàng trong lẫn màu nâu cháy, dính lại với nhau như luyện keo. Ông nói:

- Đây là cái oai quyền của "thần giữ của" đây, cái linh thiêng của Văn Dú cũng cả đây, thực là ghê gớm mà khôn khéo. Bao nhiêu tai họa, bao nhiêu nhân mạng, bao nhiêu điều khiếp sợ của người ta trong mấy trăm năm trời đều do những vật vô tri vô giác này gây nên. Nhưng chẳng qua chỉ là cái kỳ mưu của viên quan tầu nhà Minh, chứ không có thần thánh gì hết. Chung quanh tảng đá này, có một sức mạnh giết người mau chóng hơn cả thần thánh nữa; đó là nhựa của một thứ cây độc tên là May Nôm, thứ cây mà bọn Mán đi săn với quân giặc ở những núi hiểm gọi là Công địa đàng.

Nhựa cây này, ngâm tên thì tên hoa độc: bắn, không cứ phải chỗ hiểm, chỉ cần làm trầy da rướm máu cũng đủ làm cho kẻ bị thương chết không thể cứu được. Nhưng nếu chế luyện theo phép của một vài giống rợ bên Trung Quốc thì giống bôi thuốc độc vào móng tay để cào cấu kẻ thù thì nhựa cây đó trở nên rất mạnh và giết người một cách ghê gớm mau chóng hơn, Viên quan tầu kia hẳn biết cách chế luyện nó.

Rồi ông Châu gắp đưa cho mấy người bộ hạ xem những mảng cát bám trên tảng đá cuội. Ông bảo rằng đó là một thứ cát làm bằng những mảnh sứ hoặc thuỷ tinh băm nhỏ, luyện keo lại với thứ thuốc độc mà ông nói. Thứ keo riêng ấy, đem trát lên các hòn đá xây lấp cửa hang, là thành một thứ quân canh gác chắn chắn không gì bằng. Cho nên những kẻ đi tìm vàng trước ông Châu, như bọn con cháu họ Hoàng, bọn Cướp Khách với tên Nùng khai, đều vì phạm đến vật nguy hiểm kia, bị thứ cát sắc cạnh phủ trên đá đâm vào da mà bỏ mạng.

Ông Châu tuy đem cái bí mật của hang thần mà giải nghĩa cho những người bộ hạ trung hậu đã theo ông đi lấy của khi xưa được biết, nhưng ông vẫn để cho dân trong Châu tin là ông có oai át được cả thần quyền. Văn Dú mất thiêng là vì ông. Dân ông rất lấy làm cảm cái ơn trừ tai phá hoạ ấy.

Từ đó, dần dần họ đã dám khai khẩn và cày cấy ở gần quả núi đá. Lại có lần người ta rủ nhau vào tận hang xem.

Núi Văn dú trông vẫn ngất ngưởng cao lớn nhưng người ta chỉ coi là một ngọn núi cao lớn thường. Đến nỗi cái tên đã làm khiếp đảm mấy châu huyện ngót ba trăm năm trời, họ cũng quên dần đi.

Bây giờ thì không mấy ai biết đến nữa.

---------

  1. Thứ dép bện bằng rơm của người Thổ dùng đi đường xa.
  2. Tiếng chửi rủa.
  3. Truyện ở sách Kim Cổ kỳ quan.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.