chan_dung-ke_si

ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN KINH DỊ CỦA THẾ LỮ VÀ EDGAR POE TRƯỜNG HỢP “VÀNG VÀ MÁU”

12-08-2023

Lượt xem 1303

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN KINH DỊ CỦA THẾ LỮ VÀ EDGAR POE TRƯỜNG HỢP “VÀNG VÀ MÁU”

Thế Lữ đã tiếp nhận tổng hợp các thể loại sáng tác của Poe qua tác phẩm đặc sắc nhất của ông: Vàng và máu. Nhưng Thế Lữ đã “bản địa hóa” kiểu truyện kinh dị-trinh thám hiện đại dưới ảnh hưởng văn chương duy lý phương Tây và phong cách Edgar Poe bằng cách kết hợp với Bồ Tùng Linh cũng như tín ngưỡng dân gian người Việt...

  1. 1.         Những dấu hiệu

1.1.                 Thế Lữ là người “khởi điểm của những khởi điểm” (Đỗ Lai Thúy, 2000, 31). Tên tuổi của ông gắn liền với tiến trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Nhận xét về sáng tác của Thế Lữ, nhất là truyện trinh thám và kinh dị, nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu đều nhắc đến ảnh hưởng phương Tây, đặc biệt là Edgar Poe trong sáng tác của ông. Phát hiện sớm nhất là Khái Hưng, năm 1934 trong lời tựa Vàng và máu đã nhận xét: “Tác giả những truyện Vàng và máu và Một đêm trăng đã tỏ ra có óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh..”(Phạm Đình Ân, 2006, 416). Sau đó, các nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan (năm 1942), Phạm Thế Ngũ (năm 1965), Nguyễn Văn Dân (năm 1997), và gần đây nhất là Phạm Đình Ân (năm 2006) cũng đều có những nhận định khá thống nhất với Khái Hưng về ảnh hưởng của Poe trong truyện ngắn của Thế Lữ. Hoài Anh còn khẳng định: “Thế Lữ cả thơ và truyện đều có hơi hướng Poe, nặng về duy mỹ mà không đau khổ đến mức bệnh hoạn, tuyệt vọng như Baudelaire.” (Phạm Đình Ân, 2006, 513).

 

1.2.      Nhà thơ Mỹ Edgar Allan Poe (1809-1849) là người đặt nền móng cho thơ tượng trưng, ông tổ của truyện trinh thám, kinh dị huyễn tưởng của văn học Mỹ và thế giới, đồng thời cũng là một nhà báo, nhà phê bình văn học nổi tiếng. Ở Việt Nam, ông là tác giả Mỹ đầu tiên được học trong nhà trường Pháp Việt từ rất sớm, và theo nghiên cứu của chúng tôi, Poe cũng là tác giả Mỹ đầu tiên có tác phẩm được dịch ra tiếng Việt ở Việt Nam. Qua chiếc cầu nối là văn học Pháp trong nhà trường Pháp Việt, và những “nhịp cầu” Charles Baudelaire, Stéphane Mallarmé, Paul Valéry… thơ, truyện của Edgar Poe đã được giới thiệu và để lại những dấu ấn khá đậm nét trong lòng thế hệ trí thức Tây học lớp đầu ấy. Việc một nhà văn của nước Mỹ xa xôi vạn dặm như Edgar Poe được yêu mến, giới thiệu, và dịch ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ XX khi nước ta hoàn toàn chưa có mối bang giao chính thức nào với nước Mỹ và văn học Mỹ quả là một hiện tượng khá đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam.

  1. 2.              Tiếp nhận và tiếp biến truyện kinh dị Edgar Allan Poe trong sáng tác của Thế Lữ

2.1. Hiệu quả của sự rùng rợn và khiếp sợ

2.1.1. Về thể loại, hầu hết truyện của Poe và Thế Lữ đều là thể loại truyện ngắn. Poe từng đề ra lý thuyết về truyện ngắn trong nhiều bài báo, phê bình tiểu luận của mình. Trong Review of Hawthorne Twice Told Tales (Phê bình Truyện kể hai lần của Hawthorne), Poe cho rằng “trong mọi thể loại sáng tác, sự thống nhất của hiệu quả hay ấn tượng là điểm quan trọng bậc nhất”[1]. Muốn đạt hiệu quả ấy, nhà văn phải cân nhắc, tính toán trước những hiệu ứng nào sẽ gây ra nơi người đọc rồi mới chọn lựa, kết hợp các biến cố, các tình tiết để xây dựng thành tác phẩm, phải tạo ra những phương tiện biểu hiện làm tăng hiệu quả của sự rùng rợn và khiếp sợ. Độ dài của truyện cũng chỉ nên vừa đủ để đọc trong khoảng một đến hai giờ, bởi “hiệu ứng thống nhất này không thể duy trì lâu hơn trong những tác phẩm mà người đọc không thể đọc hết liền một mạch.”[2] Trong truyện ngắn, tác giả có thể thực hiện đầy đủ mọi ý định của mình, vì “trong suốt thời gian theo dõi câu chuyện, tâm trí người đọc hoàn toàn bị tác giả điều khiển. Không có những ảnh hưởng, tác động nào bên ngoài có thể làm cho họ mất tập trung hay gián đoạn.”[3]

         Nguyên tắc viết truyện ngắn này đã được Poe thử nghiệm trong chính tác phẩm của mình. Để tạo một hiệu quả quan trọng nhất là sự rùng rợn và khiếp sợ, Poe thường kết hợp nhiều tiểu loại trong một tác phẩm, do vậy đường biên không rõ ràng lắm giữa các tiểu loại. Trong truyện kinh dị có khi lại được xây dựng bởi nhiều bối cảnh mang màu sắc phiêu lưu mạo hiểm của truyện trinh thám và cả khoa học viễn tưởng. Truyện trinh thám lại mượn những yếu tố rùng rợn của cái chết để mở đầu tình huống cho nhà thám tử phán đoán. Hoặc truyện khoa học viễn tưởng cũng chứa trong nó nhiều yếu tố huyền bí, lạ kỳ. Một số truyện kinh dị của Poe cũng hay viết theo một phong cách hài hước châm biếm. Không chỉ những hình ảnh khủng khiếp đến ghê rợn như sự tưởng tượng của công chúng Mỹ mà ông còn đưa vào hình ảnh những tên hề quái quỷ khiến người ta vừa sợ hãi vừa buồn cười như trong Hụt hơi (Loss of Breath), hoặc trong Đừng bao giờ đánh cược cái đầu của bạn với ma quỷ (Never Bet the Devil Your Head).

          2.1.2. Điều này cũng có thể thấy trong tác phẩm của Thế Lữ. Hầu hết truyện kinh dị của Thế Lữ rất thành công vì đã gợi lên được hiệu quả khủng khiếp và sợ hãi. Điển hình như Bên đường thiên lôi, truyện có nhiều chi tiết gần gũi Edgar Poe nhất. Vàng và máu vừa là truyện kinh dị, ly kỳ, huyền bí vừa có yếu tố truyện trinh thám lồng trong đó câu chuyện giải mã câu thần chú bí hiểm bằng suy luận logic, hay việc tìm hiểu vì sao những tảng đá trong hang Thần của núi Văn Dú có thể gây ra những cái chết bí mật lại hoàn toàn bằng một đầu óc phân tích khoa học, tỉnh táo của truyện trinh thám. Cái đầu lâu của Thế Lữ, chỉ tựa đề đã gợi lên sự kinh dị đến ghê rợn: “một cái đầu lâu của một tử tù mới hành quyết, đêm đêm phát ra “những tiếng ken két như hai hàm răng nghiến vào nhau”, rồi “lịch kịch như đang cử động” (Thế Lữ, 2001, 185) khiến cho bốn chàng sinh viên mỹ thuật một phen khiếp sợ sởn tóc gáy. Nhưng với óc quan sát tinh tế và suy luận tỉnh táo của Ngô Đàm, cuối cùng trở thành một câu chuyện hài hước cười mấy chàng nhát gan, bởi chẳng có con ma nào trong cái đầu lâu mà câu chuyện kì quái chỉ gây nên bởi một con mèo đói kiếm ăn…

        2.2. Bối cảnh không gian – thời gian

          2.2.1. Truyện kinh dị của Poe thường xây dựng trên bối cảnh không gian u ám, lạnh lẽo hoang vu. Thường là những bức tường xám xịt của tu viện hoang vu nhất nước Anh (Ligeia), tu viện gồm 7 phòng, mang 7 màu sắc bí hiểm của lãnh chúa Prosperso, của lâu đài cổ tàn tạ cũ kĩ mà từng viên đá trên tường đều mang dấu vết tàn lụi của thời gian (Sự suy tàn của ngôi nhà dòng họ Usher) hay những căn phòng đóng kín cổ quái không chút sức sống, những hầm mộ tối tăm ẩm ướt trong Cái thùng rượu Amontillado đầy những bộ xương người. Và cả những không gian khủng khiếp: quan tài, nghĩa địa… Tất cả đều được miêu tả đến từng chi tiết, góp phần làm tăng không khí ghê rợn, huyền bí, chết chóc và cảm giác sợ hãi của con người khi đối diện với nó.

          Không gian trong sáng tác của Thế Lữ tuy cũng gợi lên cảm giác âm u ghê rợn nhưng không chỉ là cái u ám kinh dị của không gian thực mang tính ám gợi như Poe mà còn đặt câu chuyện trong một không gian huyền thoại linh thiêng của những câu truyện truyền kì truyền thống quen thuộc của Việt Nam và Trung Quốc. Không gian núi rừng hoang vu âm u lạnh lẽo chất chứa bao huyền thoại kỳ bí, linh thiêng tự nó đã gây cảm giác sợ hãi cho người đọc như núi Văn Dú, hang thần trong Vàng và máu, vùng sơn cước xa xôi hẻo lánh suối sâu đèo dốc trong Đêm trăng, hay không gian hoang dã dữ dội trong Tiếng hú ban đêm. Không gian thứ hai trong truyện của Poe là những tu viện, những căn phòng đóng kín thì của Thế Lữ là đồng bằng, phố thị với những ngôi nhà cổ kính, đồng quạnh xa xôi hẻo lánh cách xa thành phố (Bên đường thiên lôi), hoặc lớp nhà lụp xụp ở ngoại ô (Dòng máu đứt quãng). Cũng có khi là nhà xác của một “nhà tràng” (tu viện) (Cái xác đuổi người). Riêng truyện Hai lần chết thì lạ lùng hơn với nhân vật Tâm sống lại từ chiếc quan tài nhưng thật ra, khi vén chiếc màn rùng rợn thì chỉ là một âm mưu giết bạn đoạt của.

2.2.2. Thời gian trong truyện kinh dị của Edgar Poe cũng như Thế Lữ thường là ban đêm. Khoảnh khắc thời gian đêm tối này cũng là biểu tượng của cõi âm, là thời gian của những hồn ma bóng quế, ma quỷ hiện hình. Tự nó đã gợi lên những tưởng tượng ghê gớm trong đầu người đọc. Đối lập với ban ngày là dương thế, là ánh sáng, là thời gian của người trần, của sự sống. Nhân vật trong các truyện của Poe thường thích sống cùng bóng tối. “Bạn tôi có cái tính kì khôi là say mê bóng tối” hoặc “chỉ có thể làm việc ban ngày sau khi đóng kín hết các cửa trong phòng và thắp mấy ngọn nến thơm” (Vụ án mạng phố Morgue). Các sự kiện mấu chốt trong truyện cũng thường diễn ra hoặc kết thúc trong đêm tối. Trong truyện Con mèo đen (The Black cat), nhân vật tha hóa tâm hồn cuả Poe đều bị ám ảnh bởi bóng đêm: chọc mù mắt con mèo Pluto trong một đêm say lúy túy, gặp con mèo thứ hai cũng trong một đêm đang ngồi ngơ ngác trong một quán rượu tồi tàn và cũng bị ám ảm hằng đêm “vừa chợt tỉnh những giấc mộng kinh hoàng, tôi đã cảm thấy hơi thở ấm áp của con vật đê tiện bên má tôi và cả một khối nặng đè trĩu trên tim tôi” (Con mèo đen, tr.51). Bóng đêm góp phần đồng lõa để người bạn độc ác giết chết Fortunato trong hầm rượu Amontillado. Kết thúc của Mặt nạ tử thần đỏ (The Masque Red Death) còn là cái hư vô khủng khiếp của bóng đêm: “Người dự hội cuối cùng chết, thì chiếc đồng hồ gỗ mun cũng ngừng chạy, lửa ở các lò than cũng tắt ngóm. Và tất cả đều chìm trong bóng tối, trong hoang tàn, trong bàn tay ác liệt của Xích tử thần” (Con bọ hung vàng, 1957, tr.59). Khủng khiếp hơn là sự trở về của Ligeia, những chi tiết ghê rợn nhất đều xảy ra “vào một đêm cuối tháng chín” (Ligeia). Trong Sự sụp đổ của ngôi nhà dòng họ Usher, những cao trào để gây nên hiệu ứng khiếp sợ ở người đọc cũng rơi vào thời gian, nửa đêm, một đêm… hay sự trở về của tiểu thư Madelinecũng diễn ra vào đêm thứ bảy hoặc thứ tám sau khi nàng chết.

Thời gian nghệ thuật trong các tác phẩm của Thế Lữ cũng thường là đêm tối: bóng đêm rùng rợn trong Tiếng hú ban đêm, Cái đầu lâu, hay những cái chết trong đêm. Cái chết bí ẩn của ông Cai Bốn trong Dòng máu đứt quãng; của Tâm, của Mão trong Hai lần chết, hay cái chết lặng lẽ có chút dị thường của ông Phán nghiện với con rắn cạp nong rúc mãi vào mũi chủ tìm hơi thuốc trong câu chuyện cùng tên. Nhưng đêm trong tác phẩm của Thế Lữ không chỉ là bóng tối mà còn có ánh trăng huyền ảo như trong Đêm trăng, cộng thêm những âm thanh đặc trưng quen thuộc của làng quê Việt Nam: “Trăng lên cao càng thêm sáng. Cái tối tăm chỗ hai người ngồi trong nhà xác thực lạnh lẽo, âm thầm. Tiếng giun dế rủ rỉ dưới chân cỏ…Tiếng gió thổi làm động những tàu chuối…Bỗng chốc một tiếng chim đêm, kêu dài và thảm…” (Cái xác đuổi người).

Cũng như Poe, thời gian trong truyện của Thế Lữ cũng thường là thời gian hồi tưởng, hoặc xen lẫn giữa hiện tại và quá khứ. Mở đầu truyện, nhân vật hay nhớ lại, kể lại sự việc của Năm ấy, Tối hôm đó…. Edgar Poe cũng thường chọn những cách mở đầu bằng thời gian hồi tưởng và cách dùng ngôn ngữ xen lẫn giữa các thì hiện tại – quá khứ như vậy, nhưng hầu hết truyện của Poe thiên về miêu tả nội tâm của nhân vật, đi sâu vào những dằn vặt trong tâm hồn của kẻ phạm tội và ăn năn dày vò bởi những mặc cảm không sao thoát được. Thế Lữ lại sử dụng bóng đêm để góp phần tạo hiệu ứng sợ hãi, làm nền cho trí tưởng tượng của người đọc đi vào thế giới ma quỷ linh thiêng thần bí hơn là nghiêng về mổ xẻ tâm trạng của nhân vật và cũng không nặng chất triết lý về cái chết như Poe. Điều này có lẽ là sự chọn lựa của Thế Lữ theo “tầm đón đợi” của người đọc Việt Nam?

2.3. Đề tài cái chết và ý nghĩa của cái chết

2.3.1. Về đề tài, chủ đề, truyện kinh dị của Poe thường viết về ba đề tài quen thuộc: Phổ biến nhất là cái chết của người con gái đẹp, thường là người vợ trẻ, nhợt nhạt ốm yếu xanh xao vì bệnh, một căn bệnh quái gở, nhất là hay bất tỉnh một lúc lâu và cứ thế đi dần đến cái chết đã được báo trước như Ligeia, Morella, Berenice, Sự sụp đổ ngôi nhà dòng họ UsherBức chân dung hình ô-val… Đề tài thứ hai là sự báo thù khủng khiếp nhưng lý do giết người đôi khi rất vu vơ trong Cái thùng rượu Amontillado, Con mèo đen, Trái tim thú tội…để phản ánh tâm lý độc ác của con người hay rộng hơn là thế giới bí ẩn trong tâm hồn con người. Đề tài thứ ba là sự pha trộn vừa kinh dị vừa mang yếu tố khoa học huyễn tưởng lạ lùng trong Sự thật về trường hợp ông Valdermar, Cuộc đối thoại ngắn ngủi với một xác ướp, Rơi xuống xoáy nước Maelstrom. Còn Nhật kí tìm thấy trong chai mang tính chất một truyện phiêu lưu viễn tưởng nhiều hơn dù vẫn có bóng dáng kinh dị của con tàu ma với những thủy thủ như những vong hồn từ muôn kiếp trước.

Thế Lữ khác Poe ở các đề tài truyện kinh dị. Ông cũng đi vào cái chết nhưng có sự kết hợp các mô-típ truyện quen thuộc của truyện truyền kì Việt Nam và Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh nhiều hơn. Tổng hợp những truyện kinh dị, kì ảo, rùng rợn của Thế Lữ có thể thấy ông thường đi vào các đề tài và kết cấu diễn biến câu chuyện theo hai kiểu: Kiểu thứ 1 đi theo chuỗi sự kiện: Lời đồn đại về kho báu bí mật – Mật mã- giải mật mã- tranh chấp kho báu - Luật nhân quả: Người tốt được kho báu. Kiểu thứ 2: Mối thù đời trước- báo oán- giải oán (báo thù/lánh đời)- luật nhân quả.

            Đến truyện Trại Bồ Tùng Linh (1941) thì dấu vết Edgar Poe đã mờ nhạt và nghiêng về bút pháp truyền kì của Liêu Trai chí dị với kiểu đề tài: Tài tử - giai nhân khá quen thuộc: Cuộc gặp gỡ kì lạ- người đẹp bí ẩn - tình yêu say đắm- sự thật đời thường

Nhưng so với truyện của Bồ Tùng Linh, nhân vật Hoàng Lan Hương- chúa các hương hoa - của Thế Lữ tuy cũng xuất hiện cùng khói sương huyền ảo, nhưng là người trần không phải thế giới nhân vật ma quỷ, hồ cô, chồn đầu thai làm người, hồn ma chết đã 30 năm như Ngũ Thu Nguyệt, hay Xảo Nương…trong truyện Bồ Tùng Linh. Kết thúc mang tính hiện thực khi sự huyền bí được lý giải: cô gái liêu trai thoắt ẩn thoắt hiện có lẽ chỉ là một người bị bệnh thần kinh ở một ngôi chùa gần đó.

Kiểu đề tài thứ nhất có nhiều chi tiết gần gũi Edgar Poe, còn kiểu đề tài thứ 2 lại mang màu sắc “bản địa’ đậm nét vì gần với tiểu thuyết Tàu hơn.

2.3.2. Kết thúc trong các truyện kinh dị của Poe thường gợi lên suy ngẫm về cái chết, triết lý về sự tồn tại của con người và sự đối mặt của con người trước một thế giới điên loạn. Mục đích của Thế Lữ hoàn toàn khác. Tuy bắt đầu với những yếu tố quái đản, rùng rợn nhưng không đi vào chỗ mê tín, hoang đường mà mở nút bằng những lý giải mang tính khoa học, đề cao óc thông minh, khả năng quan sát tinh tế của con người. Đây cũng là mục đích sáng tác của Tự Lực văn đoàn. Đồng thời có thể thấy, Thế Lữ vẫn chưa thoát hẳn khỏi quan niệm “văn dĩ tải đạo” truyền thống khi kết thúc tác phẩm của ông vẫn chứa đựng ý nghĩa giáo huấn qua những bài học mang tính nhân văn sâu sắc về luật nhân quả, thiện ác trên đời. Có lẽ nhờ vậy mà người đọc Việt Nam không thấy quá xa lạ.

3. Trường hợp truyện “Vàng và Máu”

Thế Lữ còn tiếp nhận tổng hợp các thể loại sáng tác của Poe qua tác phẩm đặc sắc nhất của ông: Vàng và máu. Kiểu truyện kho báu bí mật- giải mật mã của Thế Lữ có sự giao thoa kiểu truyện vừa kinh dị vừa trinh thám phiêu lưu và rất nhiều chi tiết khá trùng khít với kiệt tác Con cánh cam vàng của Edgar Poe. Nhưng Thế Lữ đã “bản địa hóa” kiểu truyện kinh dị-trinh thám hiện đại dưới ảnh hưởng văn chương duy lý phương Tây và phong cách Edgar Poe bằng cách kết hợp với Bồ Tùng Linh cũng như tín ngưỡng dân gian người Việt một cách độc đáo tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Cách sắp xếp chi tiết, hình ảnh, cốt truyện, diễn biến cho thấy “Thế Lữ đã sớm nhìn ra cái kinh dị, bí hiểm, kì lạ bằng nhãn quan khoa học và đưa cách hiểu ấy đến bạn đọc.” (Phạm Đình Ân, tr.38). Dấu ấn Edgar Poe cũng hiện lên khá đậm nét trong tác phẩm đầu tay này của Thế Lữ. (Xem bảng so sánh đối chiếu)

So sánh đối chiếu một số chi tiết của hai tác phẩm cùng mô típ đề tài kho báu-mật mã được coi là nổi tiếng nhất của Poe và Thế Lữ, chúng tôi thấy Thế Lữ và Poe cùng chọn bối cảnh là không gian thiên nhiên bí ẩn tuy có sự khác biệt về mặt địa lý: biển-rừng. Nhưng Vàng và máu ngoài không gian thực còn đi vào khai thác yêu tố huyền bí tượng trưng trong hình ảnh núi rừng linh thiêng tạo thêm màu sắc hư ảo cho câu chuyện phù hợp với mục đích sáng tác: phá bỏ óc mê tín bằng cách lý giải khoa học. Nhân vật, đề tài, diễn biến khá trùng khít, nhất là cách giải mật mã của hai tác phẩm. Ở điểm này, Thế Lữ chỉ vay mượn kiểu mật mã - giải mã, còn nội dung đã Việt hóa theo kiểu những câu thần chú của các thầy địa lý Tàu: Miệng có hai răng; ba chân bốn tay; Mày vào trăm chân; Mày lên ba tay…làm tăng sự huyền bí nhưng gần gũi với tầm đón nhận của người đọc Việt Nam vốn quen với những truyện truyền kì Trung quốc nhất là mô típ “Tàu để của”Nhờ mô típ quen thuộc này và kiểu kết thúc có hậu của truyện cổ tích dân gian, tác phẩm của Thế Lữ gần gũi với người đọc Việt Nam hơn và tăng giá trị hiện thực và lịch sử.

Bảng so sánh đối chiếu hai tác phẩm tiêu biểu của Thế Lữ và Edgar Poe

CHI TIẾT

VÀNG VÀ MÁU

CON CÁNH CAM VÀNG

1.Không gian thực

- Núi Văn Dú  thuộc Châu Kao Lâm (miền thượng du)

- phong cảnh hoang vu, rừng xanh chi chít um tùm.

- Một hòn đảo nhỏ xíu, rất lạ ở miền nam xứ Ca-rô-lin

- lau sậy um tùm, khắp mặt đảo mọc một thứ gai rậm rạp.

2.Không gian huyền thoại

- Nơi quan Tầu giấu của

- Văn Dú là một sự gở lạ, nguồn những sự khủng khiếp và những chuyện kinh hoàng, đầy tai họa

- Lời đồn về những kho tàng tướng cướp Kít và đồng bọn chôn rải trên bờ biển Đại Tây Dương

3. Nhân vật

- Quan Châu Nga Lộc, một người có học thức, đọc được chữ Hán

- Mấy người Thổ thân tín, tuyệt đối trung thành

- Uy- Liêm: có sức học rộng, nhiều sách vở

- Du-Bi-Te: người da đen, lão bộc trung thành

4. Đề tài

- Kho báu- Mật mã

- Kho báu- Mật mã

5. Kết cấu

- Kho báu- Mật mã - Giải mật mã

-Những âm mưu chiếm đoạt kho báu không thành-cái chết bi thảm

- Lấy được kho báu.

- Kho báu- Mật mã - Giải mật mã

 

 

- Lấy được kho báu.

6.Cách khám phá mật mã

-Tình cờ phát hiện câu thần chú từ tay một người Thổ châu Kao Lâm

- Vô tình làm ướt miếng giấy và hơ lên lửa cho khô ’ đọc được lời giải câu thần chú bí ẩn.

 

- Tình cờ phát hiện bản đồ kho báu vì bắt được con cánh cam vàng kì lạ

- Vô tình vẽ vào miếng da nhặt dưới cát, ngọn lửa lò sưởi làm hiện lên hình sọ người ’ lấy nước nóng lau sạch miếng da và hơ trên bếp than nóng ’ những dòng chữ bí mật.

- Dựa vào trí tuệ và suy luận để giải mã.

7Âm mưu cướp kho báu và báo thù

- Lồng vào truyện chuyện quan Tàu giấu của và kẻ ác tàn sát lẫn nhau để cướp kho tàng hoặc bị chết vì các tảng đá có chất độc.

- Có những bộ hài cốt đào thấy cùng với hòm vàng, bọn cướp biển giết bộ hạ để bảo vệ bí mật kho báu

8. Kết cuộc

- Nhân vật chính được hưởng kho báu và kể lại cách mình tìm ra bí mật nhờ óc suy đoán và lập luận logic

- Phá bỏ nỗi sợ hãi huyền thoại bao đời

- Phê phán những kẻ tàn nhẫn, độc ác giết bộ hạ để giữ bí mật kho báu

 

   Nguồn: Vàng và máu của Thế Lữ (1943), Con bọ hung vàng, bản dịch năm 1957 của Hoàng Lan



[1] “in almost all classes of composition, the unity of effect or impression is a point of the greatest importance. Review of Hawthorne Twice Told Tales

[2] this unity cannot be thoroughly preserved in productions whose perusal cannot be completed at one sitting.

[3] In the brief tale, however, the author is enabled to carry out the fulness of his intention, be it what it may. During the hour of perusal the soul of the reader is at the writer's control. There are no external or extrinsic influences — resulting from weariness or interruption.

TS. HOÀNG KIM OANH

Bài liên quan