chan_dung-ke_si

TRẬN PHỐ RÀNG – Bút ký Trần Đăng

23-03-2024

Lượt xem 1776

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Trần Đăng

TRẬN PHỐ RÀNG – Bút ký Trần Đăng

Nhà văn Trần Đăng (1921-1949)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Sau Một lần tới Thủ đô, viết tháng Một năm 1946 và các bút ký sau đó, nhà văn Trần Đăng được nhiều người biết tới và được xếp vào hàng năm cây bút tiền bối của Báo Vệ Quốc Quân, bao gồm: Thôi Hữu, Thâm Tâm, Trần Đăng, Hoàng LộcVũ Cao...

Tháng Sáu năm 1949, ông viết thiên phóng sự Trận Phố Ràng, bài bút ký đã trở thành huyền thoại của nhà văn chỉ có hai mươi tám năm cuộc đời ngắn ngủi, khi ông hy sinh vài tháng sau đó (26-12-1949) tại Mặt trận Lạng Sơn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 2007, nhà văn Trần Đăng được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuât cho các bút ký; Một lần tới thủ đô, Trận Phố Ràng, Một cuộc chuẩn bị.

 

     Xung kích, X... người vừa cán bộ, đội viên, công binh phối hợp, cây cối ngụy trang đầy người, súng, mác, dao tông, ngồi hai hàng dọc hai bên lối đi dốc thoai thoải trong rừng nứa, đợi đến phút cuối cùng mới ra đường..

     Đại đội trưởng xung kích P.N. luôn luôn nhìn đồng hồ trên cổ tay. Còn 55 phút. Trung đội trưởng Hoa dắt thêm cả một cây nứa vào thắt lưng. Trung đội phó Khải mân mê cái bao mo cau còn bọc kín lưỡi mác. Đồng chí Sắc xỏ chân vào đôi giày đinh, chỉ dùng những khi vượt chông, còn cả đời vác; tiểu đội phó Chiến trẻ nhất đại đội ngắm mãi một cái lá tre cầm trong tay như chưa được trông thấy bao giờ. Không ai cười nói to; mỗi cử động đều thận trọng, tuy ở đây chưa phải tuyệt đối bí mật. Vừa có tiếng súng nổ phía Ngòi Mác và người ở ngoài ấy về nói có lẽ nó thấy trinh sát chạy qua đường..

     Còn 53 phút. Vẫn không một người xung kích nào để lộ ra mặt một nét lo lắng, băn khoăn gì cả. Cũng không có một cái mặt nào sắt lạnh, đầy sát khí. Tất cả thản nhiên, lầm lì như không. Vài anh không biết thú cái gì nhìn nhau, bịt mồm cười. Nhiều anh nghiêng đầu lắng tai nghe tiếng con quạ kêu buồn, rời rạc mé đồn địch còn lấp sau quả núi, và mấy rừng cây yên tĩnh. Cái giờ sống chết càng tới gần, những nét đăm chiêu, cau có và vui nhộn nữa của những ngày chuẩn bị càng biến đi hết..

     Còn 52 phút.

     Bắt đầu tiến! - Đại đội trưởng P.N. chụp cái mũ sắt Đức lên đầu, thắt lại thanh kiếm lệnh khẽ hô rất nhanh giữa hai hàng đội viên đã đứng cả dậy..

     Hàng một, xung kích lẳng lặng đi từng bước ra khỏi rừng. Cửa rừng trông ra một bãi ruộng cỏ hoang, đằng sau ngọn núi của tiểu đoàn bộ, ban chỉ huy cũng ngồi hai hàng, điểm một lần cuối, từng người xung kích đi qua. Anh tiểu đoàn trưởng điềm đạm, nhìn từng mặt, hơi mỉm cười, chiếc roi ngựa uốn cong trong tay. Những mặt nào đây, một lát nữa sẽ được vinh dự ở trong cái tỷ số những người sẽ hy sinh, anh đã dự tính?.

     Còn 45 phút. Xung kích đã đi khỏi. Chưa một bộ phận nào bị lộ. Bao nhiêu con mắt, dưới bóng cây trùm sáng lên nhìn nhau khoái trá, hồi hộp. Cố một tí nữa cho tới đúng giờ khai hỏa là trận đánh đã thắng một nửa..

     Còn 44 phút rưỡi.

     Anh tiểu đoàn trưởng đang nói một câu gì với liên lạc bỗng dừng hẳn lại. Moóc-chi-ê địch bắn ra. Tiếng nổ thứ hai vừa dứt, chưa biết sự thể ra làm sao mà đại bác lại bắn sớm thế, nhưng không ai bảo ai, cả ông chỉ huy phó mặt trận, cả anh tiểu đoàn trưởng, chính trị viên đều vùng dậy chạy lên núi rào rào, theo sau đến một trung đội các sĩ quan tham mưu, bí thư, điện thoại, liên lạc viên, nhiếp ảnh, nhà báo. Súng đã ầm ầm loạn xạ trên khắp mặt trận; chưa nghe ra súng gì của ta hay của địch, bắn như thế nào. Một khẩu Bờ-ren nào ở đồi bên cạnh, vừa cựa mình, xổ ra một băng dài. Đỉnh đồi chỉ huy, mọi người vừa thở đứt ruột vừa tản ra các gốc cây, ngồi lên các miệng hố công sự, tìm chỗ nhìn xuống. Một người lên tiếng hùng hổ đắc thắng: "Cháy hết cả rồi, chết hết cả rồi nhớ!". Một người khác bình tĩnh tuyên bố. "Thế là xong, tất cả 15 phút!". Những dịp cười, những tiếng rú!.

     Anh tiểu đoàn trưởng chưa nói, chưa tỏ một thái độ gì cả, trèo thoắt lên một ngọn cây cao. Quan sát chưa kịp đặt mà cây mọc từ chân núi lên, che gần kín vị trí chỉ huy..

     Đồn địch dưới thấp còn cách xa gần 400 thước đang nổ cháy thật, tre nứa nổ lốp bốp như cả cái thung lũng đang nổ cháy. Khối lửa dày đặc không động đậy bên dưới, mà bốc ngọn mỗi lúc một cao, ngùn ngụt gió tạt về phía đồi chỉ huy vàng rực, chói lòe trong nắng mới nóng bốc lên tận những đỉnh núi bố trí. Đại bác vẫn ùng... oàng dõng dạc, không thương tiếc..

     Xung kích, chưa trông rõ đồn địch, cứ phía đại bác nổ, từng người, từng tổ nhảy ào xuống đường chạy thật lực. Con đường cái Lục-an-châu - Phố Ràng qua Khe Pìa, Ngòi Mác dọc theo bờ sông Chảy, chiều hôm nay khô ráo, quang đãng và ánh nắng dịu trong trẻo lạ thường. Phởn quá, ba bốn anh vừa chạy, vừa reo hò động viên nhau ầm ỹ..

- Tiến lên! Chúng nó chết hết rồi!

- Ô hay! Sao lại vứt thang lại thế này!

- Kìa, tổ trên nó bỏ! Lính năm nào thế?

     Một chiếc cầu mục nằm nghiêng rất khả nghi trên một con suối nước đục lờ lờ, chảy ra sông.

- Mìn đấy, khéo có mìn!

- Đi xuống suối, xuống suối!.

     Suối ngập đến bụng. Bờ suối cao quá đầu, đẩy đít nhau mà lên. Rồi cứ người nọ theo người kia, giẫm bừa lên những cỏ lau rậm rạp cao đến ngực và gai góc, dây dợ, giằng quần áo, da thịt ra mà chạy. Thế là thành một lối cỏ dập xuống, sâm sấp nước bùn.

- Cúi xuống! Đồn đấy!.

     Nhưng đồn còn cách chừng 200 thước mới hiện ra một khoảng; khoảng dãy nhà ngựa dốc xuống mặt sông, lửa làm sao đã tắt hết rồi, một hàng cọc đen thui : như một dãy lều chợ tầm thường vẫn hay bị Tây đốt..

     Đại bác tưởng đã ngừng lại nổ một phát dữ đội rung động cả đất dưới chân. Một mảnh ô-buy rú trên đầu bay đi xa tít. Xung kích đã nằm rạp xuống đất vừa ngóc đầu lên thì khẩu 75 ly bồi luôn một phát. Đồn địch sụp đổ rầm rầm như núi lở. Chắc một thằng nào đã chót bóp cò trước khi ngã nên một phát súng trường nổ xuống sông, tung tóe nước. Nhưng đại bác chưa kịp bắn nữa, thì đồn địch ộc ra một tràng đui xết bình bịch trên mặt đường. Lá cây gió rào rào, gió phần phật trên đầu xung kích..

     - Cúi thấp xuống! - Khải vừa hô vừa dẫn xung kích tạt vào bên trái đường, lại đè nát tất cả những cỏ lau, bụi rậm mà tiến, tránh con đường ở thẳng ngay dưới tầm súng địch. Xung kích dàn hàng ngang, trong một rãnh nước cạn, sau mấy cây gỗ mục cách đồn 100 thước. Bước tiến ào ạt, địch đã tỉnh lại. Những tia lửa loe lóe dưới nóc lô cốt số 1. Từng luồng khói theo nhau phụt xuống chân hàng rào. Lửa chỉ còn âm ỉ trên đồn địch. Ống bơ một dãy dài tắp, lấp lánh trắng, trên mũi ngọn tre hàng rào tua tủa. Những mái nhà còn chen chúc, nhô trên dãy tường trình, có một hàng lỗ châu mai đen ngòm cách từng khoảng đều đặn. Những đống gạch, tre gỗ nhấp nhô như mấy cái lò gạch hoang đều nhau..

     Ban chỉ huy đã chuyển vị trí lên sau một gốc gạo lớn, cách hàng xung kích mười thước..

     Chuế, liên lạc trung đội, lách bụi xuống. Cách đây 15 phút, quần áo anh còn nguyên lành. Lúc này, một cái vai anh đã hở ra, hai ống quần sắp đi đứt cả. Cứ đà này, một chốc nữa, anh sẽ không còn quần mặc..

     Trung đội báo cáo : "Địch bắn rát từ lô cốt số 1 và đống đá. Bãi phẳng quá, không có địa hình, địa vật. Ba-dô-ca năm viên thối bốn. Xác đồng chí Xá còn để trên ấy!"..

     Kèn sừng trâu trên núi rúc xung phong một lần nữa : te-te-te-te..

     Đại đội trưởng P.N. gạt mấy giọt mồ hôi trên trán, tuy trời không nóng, quay lại anh chính trị viên :

- Trung 1 đang đi xuống sông tìm đường. Đấy, nó bắn! Cứ nhô lên là nó bắn! Này, chết cậu Xá rồi!.

     Liên lạc vẫn chạy như cờ lông công, mang lệnh dồn dập của tiểu đoàn : báo cáo địch tình, tìm đường tiến, quyết tâm, đại bác sắp bắn thêm..

     Một phút chờ đại bác bắn, anh chính trị viên cẩn thận hỏi lại anh đại đội trưởng.

- Xá hay Xắc?

- Xá..

     Anh chính trị viên ngừng một tí rồi như nói một mình : "Ừ, cậu Xá hay ngâm bài Khúc lưu ly".

Rồi cả hai im lặng, vô tình đều cúi đầu. Cái chết đầu tiên của trận đánh nghiêm trọng và cảm động.

Nhưng cả hai đã bật đứng dậy như hai cái lò xo. Đại bác vừa nổ ùng một tiếng rồi bẵng hẳn đi mấy tích tắc. Rồi khói đen đặc, đất bụi bốc tung lên ở một góc đồn địch cùng với một tiếng nổ oàng. Moóc-chi-ê pình... pình gióng đôi. Phóng bom dựng từng cột khói đen sì, cao ngất lên giữa đồn. La- mi tạt... tạt tai lác như tát lấy tát để vào mặt Tây. Các thứ súng phối hợp, các tiếng nổ lẫn lộn, vang dội lan xa như sấm rền, bạt ngàn xẻ núi....

     Vẫn chưa nghe tiếng xung phong! Trời nhá nhem tối lúc nào không biết. Đại bác bắn thưa thớt dần, rồi thôi. Một mình khẩu đui xết tiếc rẻ cục... cục thêm mấy phát, không một chút hào hứng.

- Yêu cầu đại bác bắn trúng hòn đá và lô cốt số 1.

- Yêu cầu đại bác....

     Trời sập tối mất rồi. Tiếng gào truyền khẩu đến đứt hơi qua từng chặng liên lạc 50 thước lên tiểu đoàn.

Nhưng trời đã tối hẳn. Một đêm không trăng, không sao bắt đầu bưng lấy mắt, những lối đi lại, liên lạc trong cỏ lau, bụi rậm bực dọc vô cùng..

     Một cuộc hội ý cấp tốc giữa đại đội trưởng và các trung đội trưởng xung kích, dưới gốc gạo chung quanh một bó những ống nứa đựng ét xăng vừa đem lên thơm sực có đuôi mắc vào hàng rào, mái nhà, như những quả pháo chạy chuột. Anh đại đội trưởng vừa nói lại im, mọi người lắng nghe những tiếng đào huỳnh huỵch trên đồn mỗi lúc càng nặng càng vội, tưởng như tiếng tim đập của chính mình. Chúng nó tranh thủ thời gian, chúng nó cố thủ. Lệnh của tiểu đoàn là tìm hết cách nổ mìn, đốt rào đột nhập ban đêm.

     Đại đội trưởng lên với xung kích..

     Trung 4 bên trái, trung 1 bên phải tiến sát chân rào, nấp dưới những tảng đá, mấp mô mấy từng cao. Tối quá không thấy trung đội bạn, Khải, trung đội phó trung 4, hét sang bên phải : "Tinh thần xung phong của trung đội 1 đâu!". Địch, một đội viên trung 1, nghe rõ, nắm lấy tay anh trung đội phó của mình, từ biệt : "Tôi đi đây, tôi đi xung phong đây", rồi chạy vụt lên.

Rồi bất thần, đùng đùng một chuỗi mìn nổ. Một tia lửa ba-dô-ca xanh lè lè, chạy nhằng nhằng vào hàng rào. Một tiếng hô, những tiếng thét, kêu thất thanh, xé trời, hỗn loạn trong đêm, không nghe ra câu gì, không nghe ra tiếng người nữa. Những bóng đen tới tấp, xô nhau nhảy vọt lên, chụm vào rồi giãn ra. Một, hai, ba, bốn băng liên thanh nổ dài đến kiệt cùng. Một câu thì thầm của anh đại đội trưởng tan loãng trong gió :

- Súng máy đặt đây! Đặt đây!.

     Những quả moóc-chi-ê nổ rầm; rồi im bặt tất cả. Tối ngòm trở lại, mơ hồ như còn văng vẳng trên trời tiếng thét. Nhưng chiến trường thực đã lặng hẳn đi rồi. Mười phút tơi bời đã qua như một cái chớp lửa. Chỉ còn một mình đồng chí Địch, trung 1, nằm chết bên trong rào. Anh quay ra gọi người vượt thang sau anh : "Phố! Phố!". Không thấy trả lời. Một tiếng thân người bị kéo sền sệt trên mặt đất xa dần. Lộp cộp lách cách ba con ngựa lù lù mon men lại gần, cúi xuống hít ngửi anh đội viên. Ba bóng giặc mập mờ nhô ra khỏi một bức tường. "Ệch!" quả lựu đạn ở trong tay Địch vung ra không nổ. Giặc biến mất. Địch nằm chết năm phút, mười phút nữa, rồi vội vã trèo trở ra. Một cái thang vẫn còn mắc lên rào..

     Gió thổi lộng, lành lạnh. Cây lá xào xào. Mưa lộp bộp những hạt nặng.

     Gốc cây gạo, anh đại đội trưởng đã trở về ngồi, thở dốc. Cả chính trị viên, đại đội phó. Không ai nỡ nói lên một câu gì cả, cùng nghe mưa rơi. Những giọt mưa dập nốt những ngọn lửa còn cháy leo lét trên hàng rào đồn địch. Cái đồn vẫn cao lù xù, đen sì giữa trời..

     Bộ đội đã nằm lăn lóc, sau cái gốc cây, rúc vào các bụi rậm. Những tiếng ngáy đều đều. Một trung đội tập hợp, nhẫn nại, bước đi tẻ ngắt theo lệnh tiểu đoàn vòng lên núi, để qua sân tàu bay, đi tìm một hướng khác tấn công. Nhưng ánh trăng gần sáng đã lờ mờ. Một tiếng gà rừng gáy bên kia sông..

     Anh tiểu đoàn trưởng đã thức suốt một đêm, bên một chiếc máy điện thoại, dưới chân núi chỉ huy, từ từ đi trở lên vị trí. Bước chân của anh đã mỏi, chậm chạp lên dốc. Miệng anh mím chặt. Mắt mở không chớp, không nhìn ai, không nhìn một cái gì. Hai má lõm. Da mặt đen sạm càng sắt lại. Trên đôi mắt lạnh như còn vương những hình ảnh lửa cháy, người chạy liên lạc như máy, đứng dừng lại thẳng người báo cáo Duỗi chân trong hố công sự, anh khẽ nhắm mắt. Liên lạc, trinh sát... Chung quanh ngồi im thin thít cả.

Năm giờ sáng. Quan sát trên một ngọn cây nheo nhéo :

- Báo cáo, sương đang tan dần.

- Báo cáo, nhìn rõ được đồn rồi!.

     Anh tiểu đoàn trưởng đã quỳ xuống trong hố công sự. Từng thớ thịt của anh rung lên dưới lần áo. Nhưng giọng vẫn dịu :

- Điện thoại! Pháo binh xong chưa? Kèn đâu?

Tiếng kèn tắc tị trong cổ họng anh thông hiệu. Anh tiểu đoàn trưởng giằng lấy kèn, lấy hết hơi thổi rúc :

- Te... te... te... te..

     Tiếng reo trên khắp các ngọn núi. Lô cốt số 1 vừa phi ra một đám khói trắng. Cái mái lật ngửa bụng.

- Thấy xung kích chưa? Tiểu đoàn trưởng thét. Vẫn chỉ có sương tan trắng xóa xuống quanh đồn.

- Đây rồi, lố nhố kia rồi!.

     Một anh run rẩy : "Này, rụng này... rụng!".

     Nhưng không. Một người thứ hai, thứ ba vượt thang, vụt qua như mọc cánh. Cổng đồn tung ra. Trung 4 ùa vào. Một cái lưng cởi trần trắng hếu, như từ dưới mặt đất hiện lên sau một mỏm đá, vùng chạy. Hậu lăn xả vào chân khẩu moóc-chi-ê giữa sân. Khải xông vào lô cốt số 1. Một thằng cởi trần nữa chết ngồi, dựa lưng vào tường như ngồi ghế bành, nhe răng cười, một chân xích liền vào khẩu đui xết. Nhà số 9, vải bạt, quần áo cháy dở còn treo dưới mái, rủ xuống đầu một tổ cúi lom khom chui vào. Tắc... bọp, viên đạn sướt qua mang tai hai người, nóng gáy. Loáng một cái, địch đã rút ra sau nhà số 5, cái nhà to nhất ở chỗ cao nhất giữa đồn, đã cháy hết chỉ còn cái nền và bốn bức tường gạch. Một dãy các bì muối xếp bên ngoài tường như một cái chướng ngại vật. Hai bên nách nhà số 5, những cái núi đồ hộp, những đống gạch, tre gỗ, gióng sắt... nhấp nhô phức tạp thành mấy từng chiến lũy, ngăn giữa ta và địch. Một tổ bò lên nền nhà số 5. Vừa vặn một cái mặt Tây đen và một cái mặt khố đỏ răng vàng nhô lên sau bức tường. Cùng trong tiếng nổ lựu đạn, tiếng hai thằng đổ rầm sau tường..

     - Nhìn lên mà tránh! Trung đội phó Khải hô liền sau một tiếng "oách" và một băng si-ten tắc tắc trên đầu. Mấy chục con người nằm rạp xuống, đè lên tất cả các đống than củi còn nóng, các vũng máu, các đống giẻ rách, ống bơ, mảnh đạn, mảnh bom, phân ngựa... và ngóc đầu lên nhìn. Mờ mờ một luồng khói nhạt quay tít, bốc vọt lên trời, rồi bổ nhào xuống, càng xuống càng bị hút nhanh xuống đất như gió, tiếng rít như xé lụa. Bụi đất đỏ bốc mùi phủ kín mọi người. Tiếng rên hừ hừ nổi lên dưới đất. Đồng chí Lư xông ra khỏi đám khói bụi, khẩu đui xết trên vai, chạy như bay xuống đường. Khải thét : “Tiến sát cả vào!”, và nhặt khẩu súng dưới đất lắp một quả A.T. tì súng vào vai đứng bắn. Một tiếng "pách" mé bên kia đồn trả lời. Khải vứt súng xuống đất bên cạnh đống A.T. lùi xuống một hốc đá. Các đội viên tán loạn. Những anh nhanh nhất trườn lên như rắn, đè cả lên bốn năm cái xác bạn còn nóng. Ba bốn người vần quanh một tảng đá, mệt lả. Một đội viên đứng lên bờ tường hô : “Yêu cầu cho tiếp... vi...ệ... n...!” . Một quả moóc-chi-ê rơi ngay xuống đầu, Khải lồng lên vơ lấy súng, lấy A.T. Người anh thành một cái máy không biết mệt, không biết sợ, đứng lên, nằm xuống theo cái nhịp dồn dập của moóc-chi-ê địch, bắn 87 độ như vậy, cứ nửa phút một quả. Khói bụi, đất đỏ chưa tan hết đám này, lại bốc lên một đám khác, mù mịt, tối tăm mặt mũi. Ba bốn anh trên nền nhà số 5, bên trong tầm nã của moóc-chi-ê, không sợ nguy hiểm nữa, nằm ỳ. Một tiếng đồng hồ, rồi hai tiếng đồng hồ, moóc-chi-ê địch không một phút nào ngừng. Xung kích không ai còn nghe thấy tiếng nó nổ nữa, mà vẫn biết nó bắn. Dịch sang trái, né sang phải, quẩn quanh những tảng đá. Tránh, nấp, tiến, lùi đã ăn khớp, bình tĩnh, không tốn sức quá nữa, không bị hy sinh thêm một người nào. Trung đội phó Khải, một mình vừa bắn xong phát A.T. thứ năm mươi bảy. Một trung đội tiếp viện vừa vào đồn; ba người không biết hướng nào mà tránh kịp..

     Trung đội trưởng Hoa rút ra khỏi đồn, xuống báo cáo, theo sau năm, bảy đội viên, người bị thương, người mệt lả, ngồi phệt xuống quanh anh đại đội trưởng. Trung đội trưởng Hoa đứng nghiêm báo cáo. Nhưng giọng anh run và mỗi lời anh nói lại làm anh xúc động thêm. Chỉ một phút nữa là anh đứng nghiêm mà khóc trước mặt đại đội trưởng..

     Rồi đến lượt trung đội phó Khải cũng xuống nốt. Lưỡi anh, và hai vai áo anh vàng khè thuốc súng. Theo sau Khải lại một số đội viên nữa tới ngồi đông thêm bên anh đại đội trưởng, súng đạn vứt một bên, thắt lưng lựu đạn cởi cả ra mà thở. Một vài cái băng trắng vừa buộc lên mấy cái đầu nhỏ máu ròng ròng xuống cổ..

     Dân quân tải thương, áo chàm khăn Tày vố lũ lượt khiêng cáng chạy lên hớt hải, ào ào, gãy cây gãy cối như cuộc săn lợn rừng..

     Rồi những chiếc cáng đỏ lòm chở về. Những tiếng rên khẽ, những nét mặt ngửa lên trời nhăn nhó của người thương binh không muốn kêu. Đồng chí Thạo, không súng, không đạn, nằm im trên cáng, một ống chân gãy rời ra để bên cạnh..

     Địch không bị dồn nữa, bắn cầm chừng ra cổng đồn.

     Ba giờ trận nội chiến đã qua.

     Tiếng tàu bay xa xa trong mây mù. Địch bắn vội lên trời mấy loạt súng. Máy bay không nghe, lảng xa..

     Trên núi, trợ chiến vẫn đang ngồi không yên với khẩu moóc-chi-ê. Hàng trăm con mắt vẫn thôi miên xuống những đống gạch, đá, tre, gỗ nhấp nhô, hàng rào ống bơ lấp lánh, không một bóng giặc, một tăm hơi súng ống gì cả, im phăng phắc..

- Đấy đấy, nó ở cái đống bụi chuối đấy thì phải? Cục cục... cục Tằng... tằng...

- Khói kia như khói nó thổi cơm ấy anh ạ?

- Bố nó cũng không thổi cơm được bây giờ?.

     Khẩu la-mi ở đồi pháo binh bên kia sông vẫn rình một cái chấm đen đụng đậy, một cái đầu giặc mấy lần định thò ra, mò một cái đồ hộp, bên phải nhà số 5. Tạt... tạt... tạt... Cái chấm đen thụt vào.

- A ha! Chúng mày đừng có hòng ra mà mò ăn, mò uống gì cả!.

     Để cho chúng nó tuyệt vọng hơn, từng tổ bám sát trận địa đã chiếm không cho nó tỏa ra, lại đã đốt tất cả những cái gì nó có thể đốt được chung quanh địch. Lửa lại đỏ rực bừng bừng..

     Trong khi đó, từ gốc cây gạo của đại đội trưởng P.N tới chân ngọn núi của Ban chỉ huy chiến trường đã biến thành ra một cái thứ sân trường học lúc giờ chơi. Cách đồn trăm thước, quây quần chung quanh đại đội trưởng, xung kích ngồi nằm la liệt trên cỏ, trên những đống bao tải, vải bạt rách, hòm gỗ vỡ, giấy má thư từ của ngụy binh, ống bơ, đồ hộp cháy chưa thu dọn, bên cạnh súng ống, dây lưng ngổn ngang, chuyện rào rào như một cái chợ con. Chuyện trước còn sôi nổi đánh nhau, đêm qua, sáng nay, Tây, khố đỏ, rồi chuyện chuyển sang bộ răng đen của đồng chí Hội, cái bụng hắc lào của đồng chí Ninh. Một bọn bàn cãi gay go về cái vấn đề chưa được giải quyết trong đại đội : châu chấu cào cào thì con nào bằng đầu con nào nhọn đầu..

     Cứ độ nửa giờ, quan sát viên cũng đứng ngay cạnh đấy lại hô : "Moóc-chi-ê!" Nhưng nó cũng lại vẫn bắn ra cổng đồn thôi. Chắc lại có anh đá phải ống bơ, đồ hộp gì ở trên ấy. Mọi người vẫn nằm, ngồi quay lưng vào đồn địch, dựa trên các mô đất. Một anh vùng đứng dậy, chỉ cái đám bụi khói đỏ lơ lửng, đang tan dần trên đồn dọa.

- Bắt được thằng bắn moóc-chi-ê thì phải đem ra tùng xẻo !... Rồi lại ngồi xuống. Nhưng trong bụi bên cạnh, hai ba anh vẫn châu đầu với nhau, chia sẻ miếng súc cù là..

     Chưa ai đến lúc có công việc gì cả. Những câu chuyện ồn ào, theo với sự mỏi mệt, hạ thấp giọng, rì rầm tâm sự, tay đôi, tay ba, mấy anh trung đội trưởng, hai ba y tá, từng tốp nhỏ đội viên liên lạc.

- Nay, mình ấy à, cái hồi mình ở P.T...

- Đánh cái trận này thế mà cũng gay đấy nhỉ...

- Bây giờ tôi bảo cứ đứng cả lên, cả trên núi nữa vỗ tay đều một lượt, địch cũng hốt lắm đấy nhớ.

Đồng chí Hội bỗng vươn vai đứng dậy ngáp và gọi một đồng chí ở trung đội 1:

- Này, ra tớ bảo!.

     Hai người kéo nhau ra chỗ đường cái vắng thì thầm. Đồng chí ở trung đội 1 gật gật rồi nói to : "Ờ, để tớ lấy quả lựu đạn đã nhớ, lựu Mỹ vừa tước được.". Một phút sau, hai người hàng dọc tiến lên đồn, men hàng rào, rồi biến mất vào trong. Rồi một lúc, sắt tây ống bơ loảng xoảng và một quả moóc-chi-ê nổ xuống giữa đồn. Khói chưa tan, đã thấy đồng chí Hội, đồng chí trung 1 theo nhau chạy thốc xuống đường, mỗi người kéo sền sệt dưới đất một con dê kêu be... bê... rầm làng nước...

Gần 4 giờ chiều, đại đội phó N. thảo luận xong ở trên tiểu đoàn, trở xuống đường. Mọi người đều thấy trên nét mặt anh những điều quan trọng sắp tới.

     Nhiều câu chuyện đã dừng lại..

     Đại đội phó N. thay đại đội trưởng P.N. ngồi dưới đất trình bày kế hoạch trên một mảnh giấy với trung đội trưởng Bính, người sẽ trực tiếp chỉ huy đợt xung kích cuối cùng. Các đội viên lục tục đi lên, tập trung bên cạnh. Trung đội trưởng Bính đứng dậy quay ra hô :

- Đứng cả dậy! Tập hợp hai hàng ngang!.

     Giọng hô bất ngờ, gắt lên, làm mọi người im lặng. Các đội viên được nghỉ cũng đều ngồi ngay ngắn cả lại Kỷ luật đã trở lại. Không khí nghiêm trọng trở lại. Trung đội trưởng Bính, nét mặt nghiêm khắc, đi đến từng người kiểm soát súng đạn. Những anh đội viên đã tỉnh hẳn ngủ, đứng thẳng, ưỡn ngực, hồi hộp chờ đợi, mắt nhìn thẳng trước người cán bộ..

     Vẫn cách đồn 100 bước và nhìn thẳng lên đồn, dưới ánh nắng chiều xế dịu, trung đội xung kích tập hợp hai hàng ngang đứng nghiêm nghe anh đại đội phó N. nói :

- Các đồng chí phải quyết tâm. Các đồng chí có vinh dự quyết định cuối cùng trận đánh gay go, oanh liệt này. Ta đã chiếm 9 phần 10 đồn địch. Chỉ còn 1 phần, chỉ còn một khẩu moóc-chi-ê nữa, các đồng chí còn làm được không?

- Có! - Mọi người đồng thanh trả lời, vẫn đều và mạnh như mọi ngày, công khai, bên cạnh địch.

Nhưng giờ còn sớm. Anh em ào ào đua nhau xuống sông lấy nước uống, tranh nhau ống tre, hút chung thuốc lá, phởn, tếu, như đời đang tươi lắm..

     Trung đội trưởng Bính chống kiếm yên lặng nhìn lên đồn. Anh có một tâm sự : năm ngoái chưa lập công. Trận P.T. vì một sự không may, còn mang tiếng là dát. Trận này lúc đầu chỉ còn một nhiệm vụ phụ. Không ngờ đợt xung kích cuối cùng với người của hai đại đội phối hợp lại đến anh trực tiếp chỉ huy. Trung đội trưởng Bính trẻ, khuôn mặt đều đặn, da hơi tái, một nét nhỏ thanh trên mép, kiếm dài, giày đinh, phong thái như một võ quan Nhật. Một quân nhân chính quy, lời nói, cử chỉ hiên ngang đúng mực.

Không một chút cảm động trên nét mặt. xẩm tối trung đội tiến, từng tổ lẳng lặng. Mọi người vứt lại điếu thuốc lá cháy dở. Những bóng chạy vụt nấp sau những tảng đá..

     Một hồi kèn rúc.

     Từ các ngọn núi của trợ chiến, tiếng súng chờ đợi gần một ngày giời bắt đầu nổ. Một trận đấu hỏa lực, một trận đấu moóc-chi-ê bắt đầu, bằng... toàn các thứ đạn của địch chiếm được buổi sáng..

     Lửa sáng trợ chiến sáng lại tắt, từng chớp lớn, soi rõ từng nét hàng rào đồn địch.

     Xung kích vào khỏi cổng đồn, năm người bị thương ngay vì moóc-chi-ê, lập tức dàn hàng ngang, chia làm ba tổ. Một tia lửa súng máy phụt ra sau nhà số 5, vừa loe lóe vừa tiến hẳn ra ngoài. Một loạt lựu đạn nổ, rồi tới tấp lựu đạn nổ, không vang dội và âm, nhọn như đều ném vào trong cái hầm kín. Mùi thuốc súng khét lẹt. Khẩu súng địch sau nhà số 5 không thấy lóe lửa nữa. Bóng một thằng to lớn nhảy lên tường, đoàng... đoàng, hai phát tôm-xông nổ; một tổ đang bò vào nách bên trái nhà số 5 ngừng lại, nằm chết dí. Lại một loạt lựu đạn ùm... ùm. Moóc-chi-ê địch nổ một phát vào tới tận nền nhà số 5. Trợ chiến trên núi dốc hết đạn xuống. Những chớp lớn sáng rực từng phút lâu, hãi hùng, tưởng như mặt trời đang mọc lên trong những tiếng nổ..

     Một tổ bám chặt nền nhà số 5, mác, dao tông, lưỡi lê cầm chắc chĩa về đằng trước. Trong khi hai bên sườn, các tổ thay nhau ném lựu đạn. Một khẩu súng máy tắc một chỗ, lại dịch sang một bên, nổ. Những tia lửa lóe ra, tắt chỗ này hiện sang chỗ khác..

     Hai bên nghe rõ tiếng xì xồ, tiếng nói của nhau sau hai bức tường nhà số 5. Hình như chúng nó ở ngay dưới chân rồi, dưới mặt đất. Trung đội trưởng Bính giậm cho một hồi giày đinh..

     Gần nửa đêm. Một lúc, các thứ súng, lựu đạn ngừng nổ. Một đội viên ngủ lăn trên nền nhà số 5. Người bên cạnh lay dậy : "Ngủ thì chết bây giờ!". Anh đội viên bừng tỉnh, ném ào một quả lựu đạn..

     Xung kích vẫn bám chắc lấy địch, không một tiếng hét lớn, im lặng chiến đấu. Sự thắng bại quyết định ở một bước tiến hay lùi. Nhưng hai súng máy địch mấy lần đều chết đi sống lại..

     Quá nửa đêm. Đại đội phó N. vẫn đứng nguyên một chỗ dưới chân đồn từ chập tối, hô cho toàn trung đội bám chắc trận địa đến kỳ cùng..

     Trung đội trưởng Bính không rời nền nhà số 5 luôn mấy tiếng đồng hồ.

     Ba giờ sáng, lệnh tiểu đoàn cho xung kích cứ bám sát địch mà nghỉ ngơi. Trung đội trưởng Bính phân công lại các tổ và khẽ nói cho từng tổ biết một lúc nữa xung phong quyết liệt..

     Nước sông múc vào ống tre mang lên đồn. Những anh đội viên vồ lấy, uống từng hơi đài, cổ ngửa ra đằng sau lưng không biết mỏi..

     Đại đội phó N. vừa hô trung đội chuẩn bị xung phong thì... rầm... một quả moóc-chi-ê rơi. Lặng đi mấy giây, rồi tiếng trên đồn hô xuống, ngân dài :

- Báo cá...o...o! Trung đội trưởng xung kích... chết! Trung đội phó... bị thương!

- . . Trung đội trưởng xung kích chết, trung đội phó bị thương! Tiếng hô ngân dài qua những chặng liên lạc dây chuyền, lên tới tiểu đoàn, vẳng xa trong đêm, vang lên tận các ngọn núi của pháo binh, trợ chiến.

Địch bắn rào rào từng loạt súng ra tứ phía. Trung đội trưởng Cảnh đã chạy tốc lên đồn N. còn bắc tay lên miệng, lấy hết hơi hô lại :

-   Đồng chí Cảnh thay đồng chí Bính chỉ huy... Toàn trung đội... xung phong..

     Tổ của đồng chí Nhàn đã vượt khỏi nhà số 5, khẩu la-mi của địch rút xuống bờ rào.

     Tổ đuổi theo. Địch vọt ra ngoài.

     Đồng chí Cảnh chặn cửa hầm, sau nhà số 5, một cái hầm nổi to rộng. Chúng nó còn rất đông bên trong. Hai ba người trên mặt hầm hì hục đào. Một người rút cái kíp lựu đạn. Cả bọn lùi xa. Cửa hầm bật mạnh...

     Cảnh hô: "Không giết nữa, trói lại!"..

     Nhưng trước cửa cái hầm đầy ăm ắp đạn, xác giặc trắng hếu, đen sì, tái xanh đè lên nhau, gục lên nhau mà chết. Một thằng dõng úp mặt xuống đất thoi thóp. Một thằng Tây trắng, mồ hôi nhơm nhớp trên mình béo trục, lưỡi lè ra đầy mồm, mặc một cái quần chật quá....

     Dưới đường Bảo Hà những tiếng hô nhắc lại : "Bắt lấy thằng quan ba, đừng giết!"...

     Bộ đội đã lên cả đồn.

     Một đội viên sấp ngửa vừa qua cổng, sấn ngay đến một người nằm dưới đất, mặt mũi, quần áo nhọ nhem quát : "Sao mày không hàng ngay hở?" Người nằm dưới đất ngồi dậy : "Tao ở 120, mày ở 122 còn hàng, hàng cái gì?” và đổi giọng rên rỉ : "Tải thương đâu?"..

     Tải thương chưa lên kịp. Xác trung đội trưởng Bính cũng còn trên nhà số 5, nằm nghiêng, một tay vẫn nắm chặt chuôi kiếm. Thân thể anh đã cứng, lạnh ngắt hơi sương, mắt nhắm như ngủ say..

     Khi tải thương đặt anh lên cáng, giữa cái tới tấp thu dọn chiến trường những tiếng cười rú, một trăm thứ chuyện kể vội lấy được... thì một đội viên chạy lại nhìn hỏi trống không một câu ngớ ngẩn :

- Anh Bính biết là lấy được đồn rồi chứ nhỉ?

 

Trần Đăng

(24,/25-6- 1949)

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.