Nhà văn Thâm Tâm (1917-1950)
Chân Dung Kẻ Sĩ: Chỉ một Tống Biệt Hành Thâm Tâm đã trở thành một tên tuổi lẫy lừng trong văn học sử Việt Nam. Ai cũng tưởng, ông chỉ có thế, mỗi một bài Tống Biệt Hành.
Nhưng không, Thâm Tâm còn viết văn và viết rất nhiều, in khắp các tờ báo lớn thời trước 1945 như; Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm, Truyền bá quốc ngữ...
Cuộc đời ngắn ngủi, cuộc văn chương của Thâm Tâm thậm chí còn ngắn hơn, nhưng chỉ trong khoảng từ năm 1941 đến 1944, ông đã kịp để lại một gia tài văn chương khá đồ sộ. Từ khoảng 38 truyện ngắn tìm được trong nhiều năm, nhà nghiên cứu Văn Giá và Nguyễn Thanh Hương đã lần đầu tiên cùng Nhà xuất bản Văn hóa tiến hành xuất bản tuyển tập Thâm Tâm Truyện Ngắn, và từ đây, độc giả biết rằng có một Thâm Tâm nhà văn từng viết tưng bừng trên văn đàn trước năm 1945.
Đến nay, các nhà nghiên cứu đã tìm thêm được rất nhiều các tác phẩm của Thâm Tâm, từ đó đã có thêm nhiều tác phẩm của ông được xuất bản; "Truyện ngắn Thâm Tâm", 4 truyện cổ tích và Tập truyện ngắn chọn lọc "Tháng ba sấm đọng" (NXB Văn học); "Thâm Tâm truyện vừa" (NXB Quân đội Nhân dân); Tuyển truyện ngắn "Gió thu hoa cúc gầy rồi", 2 tiểu thuyết "Thuốc mê" và "Nỗi ân hận dài" (NXB Lao động); Bộ truyện thiếu nhi: "Hai cây hoa nhài" (tập truyện cổ tích), "Thuồng luồng ở nước" (tập truyện dã sử) và "Con rùa đội vẹt" (tập truyện đồng thoại) (NXB Kim Đồng).
Tiểu thuyết Thứ bảy số 409. Tháng Tư 1942
Bấy giờ tôi đương làm một ly gia khách, chiều chiều ngắm cái náo nhiệt lạ mắt của đảo Hương Cảng, không khỏi có lòng nhớ quê.
Những cơn sầu êm nhẹ đó, khó chia cùng ai, bởi cái cớ lạ người, khác tiếng. Tôi đành gửi vào đàn. Ấy là cây độc huyền mà tôi đã mang qua bao trùng sóng biển, làm người bạn đồng hành. Tôi có ý mang nó đi theo, là vì cuộc du lữ nhất định không kể ngày kể tháng, mà là kể từng mùa đổi thay....
Đã lắm hoàng hôn xuống thấp, tiếng độc huyền dìu dịu len vào hồn tôi. Cát bụi phố xá chìm xuống, tình quê cao lên... Bao nhiêu hình bóng thân mật của một thời đã cũ, của một xứ đã xa, lần lượt vương qua không gian và thời gian hàng chiều.
Gảy cây đàn ấy, tôi gợi gì một tri âm đến với lòng tôi? Không có ai hết cả! Ở trên đất ấy, ai hiểu gì và biết gì về cây độc huyền đặc biệt của cái xứ đã dùng quả bầu khô để sinh hơi đàn! Thật không có ai hết cả! Ngoài một vài cặp mắt tò mò, chắc cũng vì tiếng đàn gợi ý ly sầu, mới khẽ liếc qua....
Tôi ở một căn buồng thuê trên tầng thứ ba, lọt thỏm và lẻ loi như một cánh hồng bị gió thổi rơi vào một đám cỏ xôn xao nhưng, thật rất không quen thuộc. Vì chưa biết được mấy tiếng Tâu, nên tôi không giao thiệp rộng với những người gọi là “hàng xóm". Buổi chiều nào và những đêm buồn tênh nào mà tôi không đi chơi, là y như tôi đánh bạn với cây đàn bầu, có nghĩa hơn một tên bạn thâm giao, có tình hơn một đàn bà trọn đời chân thật nhất.
Thế rồi một buổi chiều kia, chắc là mây trời đẹp lắm…
"Trên trời có đám mây vàng, khách du bao giờ mới trở lại?”
Ý một câu thơ cổ, khiến tôi nhớ một cái gì ghê gớm lắm. Làn khói ở chỗ phụ đầu tan ra, nhưng cái hơi chắc còn vẩn vơ bay, biết đâu không qua bể chiều nay, rồi thành một giọt sương rơi xuống trên ngấn mắt một người đang gảy độc huyền, một người đang hát khúc Nam ai...
Tự dưng, tôi nhớ đến những cặp mắt ở cái xứ có những người chít khăn đen vòng mái tóc. Đất của xứ ấy đã chôn rau tôi. Tôi cất giọng hát bài Nam ai, càng hát càng muôn cao tiếng lên, dù tôi chỉ có một giọng thổ vừa nặng vừa đục, có phần rã rời như nắm cát khô. Tôi thôi hát, thì điện đã sáng trưng khắp các bóng đèn. Ánh lửa nhiều lúc có ảnh hưởng đến nội giới. Tôi chợt thấy lòng tôi tan hẳn đi cái u ám của mây chiều, thứ mây Hàng mà cổ nhân thường gửi lòng về nơi cây tang, cây tử. Tức thì, nổi lên một giọng hát đâu từ tầng dưới đưa lên. Bây giờ sự náo động của lúc lên đèn làm cho tiếng ca không nghe được rõ. Nhưng tôi thoáng lắng thấy một câu, một câu khiến cho tôi giật mình, ngơ ngác và đâm ngờ cả thính giác của mình. Bởi vì là một câu ca dao của một người Việt Nam, mà có lẽ do một đồng bào của tôi vừa hát. Tôi chỉ mới nghe có thấy “Ai về tôi gửi đôi giầy", thì tiếng hát bị lấp hẳn trong cái ồn ào xô động. Tôi không còn nghe được gì cả. Tôi phân vân, rồi lại nghĩ rằng hay câu đó chỉ là những tình cờ tôi nghe trại âm ra thế chăng.
Tôi vì công việc, nên ban ngày không có mặt ở nhà, chỉ trở về căn phòng của mình vào buổi chiều; vì thế, tôi cũng không được biết, và không cần biết, những người ở quanh đấy có những ai và có những hạng nào. Tôi chẳng nghe thấy một sự gì khác lạ ngoài câu hát cụt lủn kia nữa, nên vài hôm sau, tôi đã quên khuấy đi mất cái giọng vang lên như giọng quê nhà. Hay tại vì mấy buổi chiều sau, vì bận rộn, tôi đã để cây độc huyền câm lặng?
Cuộc đời thường gợn sóng ở trong sự tình cờ. Ai hay đâu một câu hát bé nhỏ kia là để mở đầu cho một thiên tâm sự? Vậy chỉ có sự tình cờ mới dẫn tôi vào con đường khuất nẻo ấy, để cho tôi được gặp một người làm cho lòng tôi gợn sóng.
Sự may mắn, tôi muốn gọi thế, đến trong buổi chiều thứ bẩy tuần đó. Tôi được mới dự một bữa tiệc lớn tại Sơn Hải Hương, có những tân khách phong lưu, cùng với những nàng ca kỹ một đuôi con mặt, một khía miệng cười...
Đây là nơi, sau bao nhiêu ly thù tạc của rượu hồng, người ta có quyền để hả đến tận độ những gì mà cõi lòng hay giấu giếm.
Men say chuếnh choáng, tôi nhìn cái trong suốt của chùm bóng đèn trăm nến, bỗng thấy như soi qua đấy một lũy tre xanh, một cái cổng làng có những con lợn ỉn, rồi một mảnh áo nhuộm bằng chất nhựa củ nâu... Thế là tôi nhớ nhà! Tôi nhìn người bạn đồng hương ngồi gần đây, mà cười, nhưng giọng tôi hẳn chẳng vui gì, tôi hát:
Ai về tôi gởi đôi giầy,
Phòng khi mưa nắng để thầy mẹ đi.
Cả bàn tiệc không ai ngạc nhiên, mỗi người bạn theo đuổi một hứng thú riêng. Chỉ có anh bạn biết hút thuốc lào của tôi kia là cười trả lại tôi một cái cười ý vị. Rồi anh hát, chắc hát cho tâm sự anh:
Nhớ ai như nhớ thuốc lào.
Hồ chôn điếu xuống lại đào điếu lên.
Câu chuyện bằng ca dao của chúng tôi làm cho một gái son phấn im hẳn một tiếng cười nửa chừng, mà hơi cúi xuống, lắng nghe...
Tôi nhìn cô ả, nghĩ thầm:
- Biết gì mà lắng!
Nhưng một sự ngạc nhiên làm cho tôi sáng hằn mắt lên. “Nàng” đã tiến đến gần tôi, khẽ nói một tràng tiếng Tầu, mà tôi không hiểu nổi.
Người bạn đồng quận của tôi vội thông ngôn:
Ả bảo rằng ả cũng biết ở bên nước chúng mình, quả của những cây cau ăn được.
Tôi cố bập bẹ dùng mấy tiếng Tầu học lỏi:
- Tôi thì tôi biết rằng giai nhân Hương Cảng rất đáng yêu.
Người bạn tôi lại tiếp:
- Quả cau bên nước tôi ăn ngon lắm, bất cứ một tiệc lớn nào cũng dùng nó làm thức tráng miệng, quả bé nhất cũng bằng một nắm tay.
Tức thì người kỹ nữ cất tiếng cười giòn giã, vẫn nói bằng tiếng Tầu:
- Tôi tưởng rằng nó chỉ bằng quả vải.
Người bạn tôi kể lại câu chuyện thú vị trên, và nói bằng tiếng mẹ đẻ với tôi rằng:
- Nàng ranh mãnh lắm, chắc đã có lần sang bên mình làm gái nhẩy hay sóc cái ở những sòng bạc chứ gì!
Rồi bạn tôi quay hỏi ả:
- Có lẽ tôi đã gặp nàng ở đâu rồi, nên trông ra quen lắm.
Ả lắc đầu hé miệng cười, hàm răng không trắng lắm, có sắc như thứ răng đã nhuộm đen rồi mới cạo đi.
Tôi toan gạn hỏi lai lịch, thì bạn tôi đã nói:
- Xứ chúng tôi có nhiều cái lạ lắm, lạ hơn cây cau mà nàng đã biết.
Kỹ nữ đáp lời:
- Em rất hân hạnh có dịp được nghe.
Tôi cũng cố nói cho nàng đủ hiểu:
- Còn tôi, tôi sẽ nói về con gái đẹp của xứ tôi.
Nàng cười khanh khách, đôi con mắt đen khép hẹp lại, dài ra như ngọn lá răm; rồi mở ví tay lấy ra một tấm danh thiếp, nàng trao cho tôi. Tên nàng là Lý Thái Vân, còn địa chỉ thì... thật là một sự bất ngờ may mắn, nàng lại ở ngay một căn buồng của tầng thứ hai tòa nhà tôi trú ngụ.
Nhưng tôi chưa nói gì rõ về lai lịch tôi.
Vài ngày chóng vánh đã quá đi.
Thế rồi lại đến một buổi chiều, chắc là mây giời cũng đẹp lắm. Một mình tôi hớn hở với cơn vui vô cớ ở lòng, bước thênh thang từng bậc một lên gác thứ ba, và về căn buồng mình ở.
Giữa lối, tôi gặp người kỹ nữ họ Lý, áo mầu xanh dài tha thướt, bước xuống, hình như sắp đi dự một cuộc truy hoan nào, vì nàng bấy giờ điểm trang lộng lẫy lắm.
Tôi toan gật đầu chào, thì họ Lý đã cất tiếng khe khẽ, không ra nói mà cũng không ra hát:
“Ai về tôi gởi đôi giầy,
Phòng khi mưa nắng để thầy mẹ đi".
Tiếng “nắng” ả lại ngọng thành ra là “lắng”, khiến tôi bật cười. không còn kịp ngạc nhiên rằng sao ả lại biết nói tiếng - cái thứ tiếng mà các “thím” vẫn gọi là "A-lam"!
Thái Vân hỏi tôi bằng tiếng Tầu, mà tôi hiểu đại khái rằng: - Tiên sinh bây giờ mới về, chắc sẽ có tiếng đàn vang lên đây nhỉ?
Tôi lúng túng, vì không đủ chữ biết để trả lời họ Lý một câu cần văn hoa.
Hình như Thái Vân hiểu ý, nên bỗng nói bằng tiếng Việt Nam:
- Em thích nghe đàn ấy lắm.
Tôi nhìn kỹ họ Lý, tò mò hỏi:
- Hình như cô là người...
Thái Vân cười, ngắt lời:
Ông có thể dư thời giờ?
Tôi vội săn đón:
- Chiều nay tôi rỗi lắm. Mời cô lên nghe đàn. Nàng nhận lời ngay.
Về phòng, tôi mời Lý ngồi, và trỏ cây đàn treo trên tường, mà bảo:
- Đây là cây đàn độc huyền tôi vẫn gẩy, nó chỉ có một dây mà thanh âm thì thật là biến chuyển.
Thái Vân vẫn cười ra dáng thơ ngây với âm nhạc lắm. Nàng hơi lắc đầu cho mái tóc cắt ngắn ngang gáy rung lên và hơi tả tơi ra. Đoạn, nàng nói:
- Tôi chỉ biết nó là cây đàn bầu.
Tôi gật:
- Bầu là tên nôm, mà độc huyền là tên chữ.
Lý cười, vẫn hai hàng răng còn mờ một thời nhuộm đen:
- Em chỉ biết gọi là đàn bầu, vì em là nhà quê.
Rồi nàng kể luôn một thôi:
Mà em sang bên này từ nhỏ, hồi mới chín, mười tuổi. Bây giờ đã hai mươi mốt tuổi. Nghe ông gẩy đàn em nhớ nhà quá, vì thày em ngày trước cũng hay gẩy đàn bầu. Đêm nọ, em giả vờ không biết đấy thôi chứ thật ra em vẫn nhớ như in cái làng có những cây cau và những bà già nhuộm nâu từng tấm vải to sợi một.
Càng nghe, càng ngắm, tôi càng thấy Lý Thái Vân một trăm phần trăm Việt Nam, trừ bộ quần áo theo "mốt Thượng Hải". Nàng không thể là một vũ nữ, hay là một cắm cẩu múi ngồi xóc cái, như người bạn của tôi đêm trước đã nghĩ lầm.
Tôi bèn hỏi:
-Vậy sao cô lạc loài sang tận bên này, và học được cây Tỳ, khiến được cười cho Hương Cảng?
Thái Vân khoan thai kể bằng tiếng mẹ đẻ cái đời trôi giạt của nàng từ năm lên mười. Tuy nàng xa cách quê hương hơn mười xuân thu, nhưng tiếng cười nói chưa quên mất mấy: có lẽ cái tiếng của nơi chôn rau cắt rốn ấy, dù Lý không còn trao đổi với ai nữa. nhưng nó đã ăn sâu vào trong linh hồn thể khiêu của nàng như khóm rễ cái ăn sâu xuống ở dưới một gốc cây cổ đại. Lý không biết văn hoa gì hết, nhưng cái giọng thành thực của nàng làm cho tôi cảm động bao nhiêu! Thỉnh thoảng, lỡ pha vào một vài tiếng Tầu, thì nàng lại vội chữa lại ngay, chêm theo một cái thở dài, nửa như giận mình, nửa như chán đời vậy. Có lẽ chính giọng nàng bây giờ mới thật là một cung đàn ly hương có ý nghĩa nhất, chứ một dây đàn bầu khờ khạo của tôi đã rung động sao được hết cái tâm sự khó nói như là tâm sự Thái Vân kia!
Theo họ Lý, thì hồi ấy nàng theo mẹ ra thăm một người bà con ở bên Cẩm Phả, giữa đường, không biết làm sao. riêng nàng bị bọn khách buôn người mang xuống thuyền. Tỉnh cơn mê, cô bé mười tuổi đã thấy mình nằm ở sàn thuyền, có người canh giữ, dù khóc lóc kêu van cho mấy, tiếng nàng cũng chỉ tan hết vào một giời, một nước mênh mông... Thuyền của bọn Khách lênh đênh năm đêm ngày trên mặt bể, rồi ghé vào cái bến mà về sau họ Lý biết ra là bến Wo Song Tùng. Ở đấy, nàng bị tụi buôn người bán cho một tên Khách già ở về một miền quê mùa, và nàng bị hành hạ khổ sở lắm. Sau tên Khách già chết đi, họ Lý được theo người vợ trẻ của hắn lên Quảng Đông; bấy giờ nàng đã mười ba tuổi, và bắt đầu học đàn, học hát, vì nàng cũng có nhan sắc khả dĩ làm đẹp được lòng khách chơi. Hai hàm răng thì cạo ngay hồi mới bước chân lên đất Tầu, mái tóc cũng cắt ngắn. Người ta nhất định làm cho mất hết những cái gì là phương Nam ở người cô bé bị mang đi bán kia, tuy nhiên, có tiếng nói thì không thể nào mất được. Họ Lý không thể quên, dù không còn dịp nào dùng đến thứ tiếng ấy nữa. Nàng không nói, chỉ là tạm câm trong lòng mà thôi. Cuộc đời ca kỹ của nàng mang một cái tên đẹp đẽ là Thái Vân, cuộc đời ấy mỗi ngày một rạng rỡ và đưa nàng lân la tới Hương Cảng, một bến nước phồn hoa không thiếu gì những du khách bốn trời...
Câu chuyện kể xong. Thái Vân kết luận:
- Có lẽ em là người may mắn bậc nhất trong những người con gái đã bị tụi buôn người đem bán sang đây, dù rằng cuộc đời chẳng còn trong sạch nữa. Em bây giờ chỉ có một mình, vì bà dì nuôi cho em đàn hay, hát ngọt, cũng đã mất rồi. Em đang sống quen với những đêm son phấn. thì ông đem tiếng đàn tới cho em nhớ quê nhà...
Một giọt châu đọng trên con mắt đen như cánh nhạn. Khía môi Lý ngậm lại, thoáng một nét buồn ngàn trùng...
Tôi gẩy cho nàng nghe một bài Lưu thủy. Và tôi hát, dù giọng tôi là giọng thổ. Thái Vân theo tôi mà hát cái điệu hát nước mình. Giọng nàng phảng phất một thứ u hoài, không cứ thuộc về tâm sự một cô gái lìa nhà, lại có thuộc về tâm sự một kẻ sĩ, quê người, thấy gốc tóc đã sâu.
Thái Vân còn học mãi. Cho đến khi nàng ca hoàn toàn được một khúc Nam ai thật là réo rắt, thì cái tình giữa hai kiếp hoa bay, bóng đứt đã khăng khít lại.
Nhưng kẻ lưu đăng đã hết cái thời hạn ở lại bên màn son phấn má mềm ủ mình hoa. Một buổi sớm kia, tôi phải dự định cái giờ cùng Thái Vân chia rẽ.
Tôi dò hỏi ý định của nàng xem có thể theo tôi tìm về cố lý.
Nhưng Thái Vân khóc mà bảo:
- Em là thân một gái đã điểm rồi, còn mặt nào về nhìn thấy cha già, một người cha em vẫn nhớ rất nghiêm và rất thẳng. Anh cũng đừng bắt em phải kể làng xóm ở đâu. Anh chả nên biết. Em cũng không lòng nào nhắc đến nữa. Chỉ xin anh nói với mọi người rằng có một đứa con gái trôi giạt kia bao giờ cũng ngoảnh về hướng Nam để tạ tội với quê hương và cha mẹ, dù cái tội ấy chính tự nó không làm ra.
Thái Vân chỉ nói có thế, còn cái cớ nhất định mà nàng không về được, thì không ngỏ ra bao giờ. Trước hôm đưa chân tôi một ngày. Thái Vân hiến tôi một khúc Tỳ bà sở trường, tôi nghĩ rằng ngày xưa Chiêu Quân sang đất Hồ thì ngón tay đau đớn ở trên cung bậc chỉ đến thế là cùng. Ngoài mười năm, tiếng Hồ đàn Rợ đã quen tai...
Tôi vốn không chịu cái thuyết bí quan: “Kẻ đã điểm lòng rồi, khó thể cứu vớt được một phần nào lại.” Tôi băn khoăn về sự tha thiết đem Thái Vân hoàn hương, và để cha mẹ nàng được gặp đứa con đã tuyệt hy vọng từ lâu rồi Nhưng, muốn nói thế nào thì nói, muốn làm thế nào thì làm, nàng chỉ lắc đầu...
Con tầu đã nhổ neo, rời bến.
Thái Vân họ Lý đứng trên bờ, giơ cái khăn hồng lên vẫy. Tà áo của nàng bay phất phới, mái tóc ngắn tả tơi. Tôi không còn nhìn thấy nàng là người con gái đồng bào nữa.
Nàng tên là Thái Vân họ Lý, xuất thân ca kỹ ở tỉnh thành Quảng Đông. Kìa, nàng cười, lại cái cười lả lướt của những đêm rượu và phấn son!
Tôi bảo người bạn cùng về một chuyến tầu:
- Anh có đọc truyện Chiêu Quân không? Người mười năm tiếng Hồ đàn Rợ đã quen tai, nàng còn gẩy sao hay được khúc Tỳ bà nữa?
Từ chuyến tầu vĩnh biệt ấy, tới nay đã ba năm, không biết cây đàn độc huyền tôi lưu tặng họ Lý có còn hay đã mất, hay đã theo cuộc đời trôi giạt của người kỹ nữ ấy mà lạc đến một chốn phồn hoa khác nào chứa nổi cơn gió bụi của đất giời?
THÂM TÂM
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com