chan_dung-ke_si

TÌNH QUẠ - Truyện ngắn Phạm Trung Khâu

24-10-2023

Lượt xem 1751

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Phạm Trung Khâu

TÌNH QUẠ - Truyện ngắn Phạm Trung Khâu

Nhà văn Phạm Trung Khâu

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn người Vĩnh Long Phạm Trung Khâu là tác giả của truyện ngắn đầy ám ảnh Tiếng Vạc Sành, đạt Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn 1992-1994 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông còn đạt giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam với tiểu thuyết Chìa vôi lại hót...

Chân Dung Kẻ Sĩ giới thiệu truyện ngắn thứ hai của ông Tình Quạ.

"Trong lúc tôi đang khổ sở vì màu vàng thì từ cây xoài thanh ca cũ, con quạ nhẹ nhàng sà xuống đậu trên vai tôi. Tôi ngoái lại mừng rỡ nhìn người bạn cố tri. Bất thình lình, nó dúi mỏ vào miệng tôi cái gì mềm mềm nhơn nhớt. Tôi lấy tay kéo ra. Một con trùn hổ! Xương sống tôi ớn lạnh vì mùi tanh ở đầu lưỡi. Tôi nắm hai chân ném nó xuống đất, nó không té mà còn bay lên đậu trên cành so đũa há mỏ cúi xuống dáo dác nhìn tôi."

Hồi đó, vợ tôi về quê chờ ngày li dị. Còn tôi và đứa con lên ba ở lại chỗ cũ. Lúc này thật sự là giai đoạn tôi vượt biển cạn. Ngôi nhà mới xinh xắn như lồng chim câu, luôn ngăn nắp sạch sẽ , giờ quá một tổ quạ. Hai, ba quyển sách bị xé hết bìa, nằm rèn rẹt với gió ở cuối bếp. Mấy cái áo dơ đang luồn lách dưới gầm giường. Nồi xoong lọ nghẹ leo đến nắp đậy. Sáu nhánh cúc đồng tiền khô khốc rũ trên thành bình. Còn đứa con gái, tôi hết lòng chăm sóc, để bù lại nỗi buồn vắng mẹ. Ngày tôi tắm cho nó hai lần. Nhưng chỉ trong chốc lát, mặt nó đã dính đầy vết bẩn. Lọ có, mực có, nó còn lấy cái quần cụt của tôi đội lên đầu làm nón. Cây cải về trời, còn tôi với nó là phận rau răm. Trách ai?

Chị Hai tôi qua thăm, thấy tình cảm quá khó khăn, rầy tôi một hồi rồi ra tay dọn dẹp. Xong chị hỏi, ẵm đứa con gái tôi về nội chơi vài tháng. Tôi biết chị muốn nuôi nó trong thời gian này.

Từ ngày con gái tôi về bển, tưởng đâu đỡ vất vả, nào ngờ thời gian đối với tôi lúc đó thật khủng khiếp. Ngày và đêm dài lê thê. Để tránh cái "trống lổng"- từ của thằng bạn để ám chỉ cái cút côi của các cặp uyên ương gãy cánh- tôi lao vào công việc. Chùi nồi, sắp lại tủ sách, cuốc đất trồng rau cải...Nhưng buông tay ra, cái trống lổng khủng khiếp đó không mời mọc lại xộc tới.

Tôi nhớ lúc ấy trời sắp sang xuân. Cơn lũ mùa thu đi qua lâu rồi. Mặt đất ráo nước và bắt đầu khô, nên điểm đầy vết rạn. Cái vết rạn thường thấy ở khoé mắt những người đàn bà đứng tuổi.

Cuốc đất lúc này thật thích hợp. Vừa nhẹ, lẹ , lại ít tốn công. Đất còn mềm và đầy mùi phù sa mới.. Hai bàn tay tôi rộp phồng, mọng nước, dập ra, rồi chai cứng vì tôi mải mê cuốc để trốn cái khoảng trống.

Nhớ buổi hôm đó, tôi ra vườn từ lúc sáng sớm, làm lụng đến xế trưa mới nghỉ. Đang ngồi quấn thuốc lá thì từ cây xoài thanh ca của khu vườn tập thể kế bên, một vệt đen rơi xuống trước mặt. Một con quạ , nó té cách đó khoảng vài bước. Gặp tôi nó cố chạy thêm một đoạn nữa rồi nằm mọp xuống. Nó bị thương vì có nhiều giọt máu rớt dọc theo.

Tôi đến kế bên. Chú ta cố quạt quạt đôi cánh xuống đất,nhưng không lết thêm được, bèn quay đầu lại há mỏ thủ thế. Đôi mắt chú mở tròn ngơ ngác. Tôi biết chú làm dữ chớ lúc này lòng chú đương sợ hãi.

Ở cánh trái chú, một khoảng lông ướt máu, đang bị sáu bảy con kiến vàng bu vào.

Tôi đưa tay gỡ giùm. Chưa chạm vào cánh thì đã bị chú mổ một cái đau nhói. Tôi rụt tay lại, tức giận nhìn. Chú lại há mỏ mổ mổ vào trên không như định nói với tôi: " Chớ chạm vào , tao mổ cho biết thân". Tôi thấy ghét nên bỏ vào nhà.

Ăn xong ba hột cơm nguội với cá kho quẹt lúc sáng, tôi ra thềm ngồi vấn thuốc.

Trưa ấy đầy gió chướng. Gió chui qua các khe trống, đến phe phẩy lưng tôi man mát. Gió đưa bụi chuối sau hè, lá lắt lay quẹt rột rạt trên mái nhà. Tôi ngừng đốt thuốc lắng nghe tiếng lá. Mỗi cái rột rạt là mỗi lần bóng vợ con tôi thấp thoáng vào ra trong nhà. Rột rạt. Tôi bỏ đi ra sau vườn cuốc tiếp. Chợt nhớ đến con quạ, tôi đến chỗ nó té. Chú ta biến mất, nhưng tôi biết chú chẳng bay xa được vì cánh bị thương. Tôi không lầm, chú đang nằm dưới đám xương rồng hàng rào vườn bên. Có lẽ quá khát nước nên chú bớt hung hăng, cái mỏ- vũ khí chiến đấu sắc bén của chú- đang há to, đầu gục gặc liên hồi để thở. Lần này cũng để khỏi bị mổ, tôi dùng cả hai tay. Một nắm đầu một chụp ngang mình, nắm luôn cả đôi chân đem chú vào nhà. Chú không còn sức giãy giụa.

Con qụa con, đôi cánh nó còn rất nhiều lông vũ mập tí và ngắn cũn cỡn. Tôi lấy kéo cắt những cọng dài để chú khỏi bay, vì tôi có ý nuôi để bầu bạn.

Một viên đạn chì loại súng săn cực mạnh xuyên qua đùi trái trổ lên làm gãy xương cánh con quạ. Tôi đổ cho chú vài giọt nước, và chẳng biết làm gì, tôi lại lấy kéo cắt những cọng lông quanh vết thương, lấy thuốc bôi vào. Đoạn thảy chú trong cái nơm cá, dằn viên gạch tiểu lên.

Cái giống này có sức khoẻ kỳ lạ. Sáng còn nằm trong mùng tôi đã nghe chú quạt rèn rẹt bên kia nơm, đầu ngoái lại trông chừng tôi. ý chú nói: " Coi chừng nghen, không dễ mà mó vào mình tao lần nữa. Tao mổ chết mẹ!"

Tôi đi đào được nửa lon trùn hổ. Khi con mồi đầu tiên được đưa qua khe nơm, chú chẳng ăn mà còn lui về phía kia, há mỏ thủ thế, mắt nhìn tôi lom lom không thèm chú ý đến con trùn béo ngậy. Tôi thấy ghét quá nên đổ cả lon trùn ngay lên đầu chú, đá một cái vào nơm rồi bỏ ra vườn. Chút sau tôi vào, lon trùn đã nhẫn thín. Đồ mặt dạn mày dầy chẳng còn chút liêm sỉ. Chú ngang nhiên quẹt mỏ vào đôi chân, chẳng đếm xỉa đến lời tôi vừa chửi.

Qua vài bữa, tình hình đã bình thường. Đôi cánh chú quạt vù vù. Mỗi ngày chú đòi ăn cả chục lần, không thể nào chịu đựng nổi. Nếu đói, chú nhảy nhót đạp cánh liên hồi, lúc no thì cao hứng chú "quà quạ" đổi tiếng cái giọng phong tình nam đáo nữ phòng, cái giọng khàn khàn của bọn trai vỡ tiếng đòi vợ. Khi có chú, tôi lại cực hơn, chú cứ vãi phân ra lổn nhổn khắp cả các bao nilông lót cho chú ngủ. Tanh ghê gớm, phải rửa một ngày ít nhất ba lần.

Tôi xới đất. Tự an ủi, xới đất nhuyễn hơn cuốc. Trồng cây gì cũng tốt, nhưng chủ yếu là kiếm trùn cho nó.

Một đại hoạ! Lúc đầu trùn dễ kiếm, lần hồi các loài xéo mãi cũng oằn này không sinh sản kịp để cung ứng cho cái bao tử chẳng biết no của chú. Tôi xới khắp vườn nhà rồi xới qua các vườn lân cận.

Cực nhưng tôi cố làm, không phải cho chú mà cho cả tôi. Vì lúc đó tôi muốn làm lụng cật lực để không nghe cái tiếng rột rạt của gió đưa lá chuối cạ mái lá sau vườn.

Các vườn lân cận được xới hết. Bây giờ phải đổi "mơ nuy" (menu) cho chú. Tôi quảy giỏ đi bắt ốc bươu, ốc lát, cua về đập dập thảy vào. Chú cũng chả chê, ăn một lúc sáu con mà vẻ còn muốn ăn tiếp. Cái giống ngu muội nuôi cả con loài tu hú này cố ăn ghê quá.

Đến lúc mồi trở nên quá hiếm. Tôi quyết định xén cụt cánh lần nữa để chú khỏi bay rồi thả cho chú tự tìm mồi.

Khi giở cái nơm ra, chắc không thể tưởng tượng được tự do sớm như thế nên chú đừng ngơ ngác hồi lâu. Rồi như giật mình, chú vụt chạy vào gầm giường và chui qua khe vách biến mất. Tôi kiếm cả buổi không gặp.

"Cái giống không có lấy một điểm trắng trên mình rõ là đồ bội bạc!"- tôi chửi nó rồi tự chửi mình quá ngu, nuôi chi cho cực khổ.

Trưa hôm đó, tôi nằm trên cái võng bên chái nhà mơ trong giấc ngủ chập chờn thì bàn chân bị vật gì chọc vào đau nhói. Tôi mở mắt, con quạ đang đứng dưới võng, xòe đôi cánh cụt trông như cái bắp chuối mới nở.

Nó không bỏ đi. Có lẽ vì đói, miếng cơm manh áo mà! Tôi lại xách giỏ đi tìm mồi cho cái giống như cú cáo báo điềm dữ cho con người.

Từ hôm ấy, nó lúc thì quanh quẩn trong nhà, lúc ra vườn. Nhưng mỗi ngày đòi tôi phải cho nó ăn thêm ít nhất hai lần.

Lại nhớ năm đó gần Tết, nước trong nhìn rợn da, nước dâng đầy sông. Sông đầy những chiếc ghe màu xanh. Màu xanh chất đầy lên những liếp tre. Liếp tre chất đầy những cây cải cây bí cây bầu con nhuốt nhuốt. Lác đác vài ghe chất đầy màu sắc khác. Vàng, đỏ, tím, xanh của hoa vạn thọ, hoa cúc đại đoá và những cây ớt kiểng. Thỉnh thoảng, vài chiếc ghe tải khẳm đừ vạch sóng, trên chứa những trái dưa hấu đầu mình ngăn ngắt vỏ còn trông rõ cả lớp phấn trắng.

Chị Hai tôi đưa đứa con gái về thăm tôi trước tết. Chị nói: "Tết nhứt sắp đến, tao cho nó về thăm mày cho đỡ nhớ rồi nó về ăn tết bên tao với sắp nhỏ ở bển cho vui. Còn bên này, mày chỉ còn một mình thì tết nhất nỗi gì". Tôi cũng đồng ý.

Con gái tôi bụ xộn. Nó mặc bộ đồ đầm đỏ, giày đỏ trông ngộ nghĩnh. Tôi ôm nó vào ngực. Hai bàn tay nhỏ xíu của nó xoa hàm râu tua tủa của tôi. Câu đầu tiên nó hỏi: " Mẹ ở đâu?" Tôi cũng hỏi: "ừ, mẹ ở đâu?"

Trong giây phút thắm đượm tình cha con, con gái tôi bỗng khóc thét lên và phủi lia vào bắp chân. Con quạ sau khi mổ xong, bước từng bước về phía tủ thờ. Cái đầu nghiêng nghiêng nhìn con tôi với vẻ khinh khỉnh.

Nghĩ chắc nó ghét màu áo con tôi, nhưng tôi lầm vì lúc nào tôi ẵm con tôi nó cũng tìm cách để mổ vào đứa bé.

Con gái tôi đi chơi. Nó lững thững theo sau cách chừng vài bước, dáng vẻ hiền từ. Chỉ đến khi tôi cho con ăn cơm, hắn mới hiện hình là một tên cướp hung tợn.

Hắn đứng xa xa, ở đầu tủ, trên xà nhà, trên chóp ghế, há mỏ nhìn hau háu con bé. Có con cá chiên, khúc cá kho bỏ vào chén cơm, nhanh như cắt nó nhào xuống quắp mất. Con bé chỉ biết đưa hai tay lên khóc thét.

Hắn tranh ăn với con tôi, đến nỗi tôi thấy ghét. Có lúc giận, tôi đá hắn nhiều cái thật nên thân. Đến lúc, tôi phải tự tay đút cơm cho con bé, nhưng nếu lơ đễnh hắn vẫn cướp mất như thường. Cướp ngày!

Nuôi con đã cực, giờ hắn còn quấy rầy quá. Tôi có ý thả hắn nên không xén cánh nữa.

Khi lông vũ mọc đều, nó vẫn không đi. Có lẽ vì ăn uống sung sướng, nên nó mất khả năng bay của giống nòi. Tôi đuổi, tôi bắt nó thảy lên cho lần thứ mười mấy gì đó, nó mới bay mất dạng. Thật là thoát nợ.

Vài ngày sau, chị Hai tôi ẵm con tôi về nội. Còn lại một mình, tôi lại bị buộc phải lắng nghe tiếng tàu chuối. Giờ tiếng rột rạt còn lớn hơn, tàn bạo hơn khi thiên hạ lao xao đón tết. Và cái trống lổng khủng khiếp cũ lại đến, chụp lấy tôi, trói gô tôi, siết chặt lấy tôi trong màu đen thăm thẳm.

Vườn lên liếp hết. Rau cải xanh rì. Con quạ bay mất. Tôi chỉ còn cách duy nhất là ra vào cái nhà mình như bị ma hút hồn. Ngẫu nhiên sao tôi làm được bốn câu thơ:

Bóng em khuất sau núi

Ta lỏng khỏng giữa trời

Rừng xưa khủng long chạy

Lòng ta vượn hú tơi bời

Tôi hì hục sửa chữa cả đêm mới xong và thật vừa ý với nó, dù tôi ở đồng bằng và chưa một lần thấy núi, chưa một lần thấy con khủng long dù là hình nó in trên giấy báo. Tôi viết kỹ, để ở bàn viết mới đi ngủ. Đến xế trưa thức dậy vội xem lại tác phẩm của mình. Trên tờ giấy trắng, bài thơ của tôi không còn hình thù, chữ nghĩa tượng trưng cho văn học nghệ thuật mà đầy vết đất và cứt chim. Dấu chân của loài quạ. Nó lại về. Con quạ chỉ để lại trên ngạch cửa một cái lông vũ đen ngòm.

Buổi chiều hôm đó tôi ra thăm mấy cái liếp cải. Có một mình làm biếng, cắt ăn, cắt bán. Cải đã lên ngồng, cao nghệu đầy hoa vàng. Trên đó hằng hà sa số con bướm vàng nhỏ cất cánh ngủ. Màu vàng dài dằng dặc hút lấy mắt tôi, đưa hồn tôi hun hút về cuối chân trời, nơi đang chứa màu vàng của chiều hấp hối.

Trong lúc tôi đang khổ sở vì màu vàng thì từ cây xoài thanh ca cũ, con quạ nhẹ nhàng sà xuống đậu trên vai tôi. Tôi ngoái lại mừng rỡ nhìn người bạn cố tri. Bất thình lình, nó dúi mỏ vào miệng tôi cái gì mềm mềm nhơn nhớt. Tôi lấy tay kéo ra. Một con trùn hổ! Xương sống tôi ớn lạnh vì mùi tanh ở đầu lưỡi. Tôi nắm hai chân ném nó xuống đất, nó không té mà còn bay lên đậu trên cành so đũa há mỏ cúi xuống dáo dác nhìn tôi.

tinh-qua

Sáng hôm sau, hắn bay về mỏ quắp một con vật to hơn. Tôi biết trước, đưa tay che miệng và gạt ra khiến hắn không đưa được miếng đó vào miệng tôi. Hắn dúi nó vào cổ và mổ mạnh vào đầu tôi một cái. Cái mổ rất đau như cái cú của chị Hai tôi lúc nhỏ mỗi khi tôi làm chị giận. Con vật hắn bỏ lại xông mùi thối nhức mũi. Một con chuột chết. Tôi vứt con chuột và lượm cục đất gần bên lên doạ chọi hắn. Trên cây, hắn thản nhiên nhìn trời. Rõ ràng thứ đồ thật đểu.

Rồi từ hôm đó, ngày hai ba lần nó mang về những vật ghê gớm đút tôi. Bực quá nhưng tôi chẳng làm gì được. Đụng tới nó bay vù vù.

Có lần nữa tôi đang ngủ trưa trên cái võng ở chái hè thì có vật gì nong nóng rớt xuống mặt tôi. Tôi đưa tay quệt, một mùi tanh quen thuộc xông lên mũi. Mùi cứt loài quạ. Tôi mở mắt đã thấy nó đứng ở cây kèo ngang nhà. Tôi định ngồi lên đập nó. Nào ngờ tay tôi lại đụng vậy gì lạnh ngắt. Một con rắn nằm vắt ngang ngực! Tôi không dám nhúc nhích. Khi nhìn kỹ lại nó là con rắn hổ lửa, đầu bị mổ nát bét. Tôi không dám ngủ trưa nữa.

Lại nhớ mồng một tết năm đó thiên hạ đốt pháo quá nhiều. Pháo đầu năm nổ ran, âm thanh rộn rực của nó làm chín vàng những tàu dừa, tàu chuối, những tàu đu đủ, những hoa rong trên mặt nước, vàng đến cả những luỹ tre li ti. Tôi xuống bến sông gội đầu, tắm rửa sạch sẽ rồi lội ra giữa dòng múc một ấm nước.

Tôi thay quần áo mới, chờ nước sôi pha trà cúng bàn thờ ông bà rồi về bên chị Hai tôi ăn Tết. Ở đây có một mình , tết nhất gì.

Hôm đó gió chướng mạnh. Nó quất ràn rạt vào bờ chuối. Tôi bó gối nhìn người ta vui tết, chờ châm trà.

Trời hơi mưa. Bóng nắng đổ đầy sân nhà. Nắng màu bánh tráng trắng hanh. Nắng làm các vết rạn chân chim tháng trước vô rảnh thành những vẩy đất điểm đầy ở sân nhà rồi rủ nhau chạy thành hàng tỏa dài ra ngõ. Chợt trước ngõ nhà tôi, có bóng người đàn bà bước vào. Dáng quen thuộc. Đầu trùm kín một khăn màu tím. Không thể nào lầm được. Dáng đó là vợ tôi. Nhưng vợ tôi thì không bao giờ đội khăn. Tôi chăm chú nhìn kỹ, chợt thấy đau nhói sau thắt lưng. Tôi đứng dậy. Định bước vào trong, tránh người đàn bà ấy, nhưng hai chân hình như không còn nghe theo lời tôi, nó tê cong cóng. Vợ tôi bước vô ngạch cửa vội lột khăn ra, đổ vào vai tôi. Tôi chẳng nói được, lưỡi líu lại. Buồn, thương, giận, nhớ, tủi, sầu quến thành một cục đặc sệt trong óc tôi và tôi chỉ còn cảm giác lờ mờ là vai tôi nong nóng vì nước mắt.

Một con nhện trắng từ trên mái nhà bất ngờ sa xuống ngạch cửa. Nó chậm rãi bò lên cái lưỡi mác sáng ngời đanh thép mà tôi dựng dựa vách. Đúng lúc đó bỗng vợ tôi la lên, rồi đưa tay lên đầu nắm lấy vật gì đó quật mạnh vào cây cột nhà.

Tôi xô nhẹ vợ tôi ra. Cái vật mà vợ tôi vừa quật là con quạ. Chắc là xương sọ nó va vào cột, hai chân cứ chòi lia lịa. Tôi cúi xuống nâng nó lên trong lòng hai bàn tay. Nó khẽ ngóc đầu lên một lần rồi rũ xuống. Cái mỏ há một chút và đôi chân rướn thẳng. Chốc lát sau, mắt nó từ từ khép lại, từ trong đó chảy ra một chất nước đùng đục.

Vợ tôi há hốc miệng nhìn kinh ngạc.

Cái túi ba gang đầy vàng ròng treo trong lồng ngực tôi ai khiến ai nỡ rứt lấy ném vào lòng biển. Tôi ngồi xuống lặng nhìn con quạ. Cái con vật từng đút cho tôi những món ăn ngon nhất mà nó kiếm được, và biết ghen với những người thân yêu của tôi. Nó đã ứa nước mắt lìa đời trên tay tôi.

Cùng tác giả:

Tiếng Vạc Sành

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.