chan_dung-ke_si

TIẾNG VẠC SÀNH - Truyện ngắn Phạm Trung Khâu

28-05-2023

Lượt xem 1122

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Phạm Trung Khâu

TIẾNG VẠC SÀNH - Truyện ngắn Phạm Trung Khâu

Nhà văn Phạm Trung Khâu

... Như đờn đứt dây

   Quát bạn của Khản kể: ở đây có một loại động vật kêu ròng rã suốt đêm. Tiếng kêu của nó là bản hợp tấu sự đau đớn, cô đơn, một nỗi buồn da diết, là tiếng kêu thất thanh của nỗi đau mất hạnh phúc mà không do mình gây ra.

   Truyền thuyết về nó cũng không xưa lắm. Ðồn rằng, xưa có một cặp vợ chồng trẻ. Người chồng như thiên thần. Vợ cực kỳ xinh đẹp. Họ sống trong một ngôi nhà nhỏ, không rời nhau một bước. Ðôi vợ chồng làm lụng cật lực kiếm miếng ăn, manh quần, tấm áo. Ngày lại ngày, niềm say mê nhau càng lớn rộ khi họ có thêm một đứa con. Họ hạnh phúc thật.

   Chiến tranh.

   Người chồng phải xa gia đình, xa ngôi nhà đang cuốn tròn họ trong yêu thương. Hai năm sau được tin chồng chết trận. Người vợ điên loạn suốt một thời gian. Nhưng tuổi trẻ, sức sống mãnh liệt. Cơn buồn rồi cũng nguôi ngoai. Vài năm sau, người vợ tái giá với một người cùng làng. Người chồng sau một mực gắn bó với vợ, với con người chồng trước.

   Lúc này ở vùng đó, dân làng đồn có một con rắn lạ về ở. Vết nó bò in xuống mặt ruộng người ta ước lượng nó lớn hơn cây cột đình. Có người khẳng định thấy nó đầu cuốn gốc cây bên này, đuôi cuốn gốc cây bên kia, mình ép dẹp lép làm cái gàu "sành sạch" tát một cái ao lớn để bắt cá. Người khác kể đã thấy đuôi nó cuốn tròn làm gốc, mình dựng đứng làm thân cây cổ thụ, lừa thú vật và người đi ngang qua bắt ăn thịt.

   Cách đó mấy hôm người vợ đêm nào cũng nghe tiếng: "tọc, tọc, tọc" ở lùm cây hoang sau nhà. Chồng về, vợ kể lại và nghi chắc là tiếng huýt sáo của con rắn độc, anh quyết rình bắn.

   Y như lời nói, khoảng chín giờ tối tiếng "tọc, tọc" lại vang lên. Lúc to, lúc nhỏ, lúc như van lơn cầu khẩn khiến người lính mủi lòng. Nhưng muốn trừ rắn độc anh vẫn ghìm súng chờ bên cửa sổ.

   Chẳng chờ lâu, chừng hơn tiếng đồng hồ sau. Dưới ánh trăng mờ, con rắn thò đầu ra toan bò qua bụi chuối phía sau nhà.

   Người lính ngắm kỹ, miết cò súng. Ba tiếng nổ vang lên. Con vật oằn oại trong ánh trăng. Nghe tiếng nổ người làng đốt đuốc chạy đến. Nhưng khi tới nơi mọi người sững sờ rồi run lẩy bẩy. Ðó không phải là con rắn mà là con người. Một con người giống khuôn mặt quỷ. Ba viên đạn đều trúng vào ngực, hắn đang thoi thóp trên vũng máu. Khi gặp người vợ lính, hắn lấy tay che mặt mình lại còn tay kia chỉ vào túi áo rồi tắt thở.

   Người ta khiêng anh vào nhà. Móc trong túi thì là những bức thư của vợ gởi lúc trước và cả bức thư anh mới viết cho chị. Người vợ cũng nhận ra chồng trước của mình qua cặp mắt và cái sống mũi thanh có vết sẹo từ bên trái.

   Hóa ra, người chồng trước của chị bị thương rất nặng nên tất cả đồng đội tưởng anh chết. Anh sống. Lần đầu soi gương, trong kiếng hiện ra không phải gương mặt của anh mà là gương mặt dị dạng. Phía dưới cặp mắt sáng và cái mũi thanh là một phần trống hoác. Xương hàm dưới bị cắt một nửa. Răng trên gẫy gần hết. Cái lưỡi rụt vào trong làm lộ cái miệng như một cái hang sâu hoắm, đỏ lòm trông rõ cả cuống họng. Khi nói chuyện, lời nói chỉ phát ra những tiếng "tọc, tọc" liên hồi cùng với đờm dãi rớt ra.

   Ba năm.

   Anh không muốn trở về quê hương với hình dáng gớm ghiếc. Nhưng nhớ gia đình. Anh quyết định về ban đêm. Ðứng ngoài cửa sổ gọi, để gia đình không trông thấy mặt mình, còn anh trông rõ vợ con một lần, rồi gửi lại bức thư và ra đi vĩnh viễn. Ðến quê anh biết vợ mình đang sống với người khác. Mấy đêm rồi, anh núp phía sau nhà gọi vợ ra cửa sổ. Tiếng gọi tên người vợ hiền qua lưỡi trở thành tiếng "tọc, tọc".

   Người vợ khi biết người chết là chồng trước của mình nên điên loạn trở lại, ít tháng sau té sông chết đuối. Người chồng sau bị bắt. Còn đứa con không cha, không mẹ trước tuổi thơ.

   Riêng anh, dân làng đồn là hồn anh hóa thành con chim vạc sành, khoác đôi cánh màu xanh của người lính. Hằng đêm, với gương mặt xấu xí anh ẩn mình trong các lùm cây "tọc, tọc" ròng rã từ lúc chạng vạng tới sáng, lên tiếng kêu đau thương để gọi vợ con. Tiếng kêu xé lòng của hạnh phúc bị số phận cay đắng tước đoạt.

   Nghe bạn kể xong. Khản buồn buồn nói:

   - Tao trốn công việc, trốn cái ầm ĩ của thành thị về nông thôn để tìm sự thanh thản vài bữa. Mầy kể tao nghe chi chuyện đó buồn thảm quá!

   Quát vỗ vai Khản:

   - Buồn vui cuộc sống chỗ nào, nơi nào cũng có - Quát cười khì rồi tiếp - Tao giao cái nhà này cho mày, một tháng, mặc sức nghiên cứu buồn vui. Gạo, nước, mắm, bột ngọt, hột vịt, lạp xường, vợ tao để sẵn trong tủ. Muốn ăn đồ tươi phải đi chợ xã. Cần cứ mần mấy con gà. Muốn giải trí thì ra ruộng bẫy chim cu. Có thể chụp được vài con, nướng nhậu cũng đã lắm. Còn lưới chụp mầy phải tập cho thành thạo. Loại này khôn lắm. Sảy một lần khó bắt lại được.

   Và đây là ngày thứ hai Khản làm chủ nhà thằng bạn. Ðọc sách mãi đâm buồn. Sáng nay thấy mặt trời mọc đẹp quá. Khản chợt muốn ra đồng chụp lưới bắt chim cu.

   Chưa tới sáu giờ mà ông trời đã vạch đường xanh đậm ở tít xa để chui lên. Hôm nay, ông không khoác cho mình những tia sáng chói lọi như những nan quạt hình ngọc lựu mà một nhà văn nào đó đã tả. Nhưng đẹp nhất có lẽ là những đám mây phía trên. Những đám mây phiêu diêu trong cổ tích với đủ hình dạng. Màu trắng lốp, được vừng sáng đỏ viền quanh, cộng với cái xốp ướt của nước của mây làm cho nó lóng lánh khác thường. Khản nhìn nó với lòng cực kỳ thán phục và biết rằng một chút nữa cái trứng khổng lồ đó sẽ nhỏ hơn, ánh sáng đỏ bớt chói chang. Và sẽ mất đi một buổi sớm mai. Cho nên Khản bắt tay vào công việc một cách sốt sắng.

   "ở đời có bốn cái ngu. Làm mai, giải nợ, gát cu, cầm chầu". Lại nhớ lời thằng bạn nói. Gát cu có vẻ tiêu cực và công phu. Nào phải có những cái lục, một dụng cụ gát cu, lục phải chạm trổ tinh vi, phải ngụy trang sao cho cu bổ đừng ngờ. Nhưng khó khăn nhất vẫn là chuyện cu mồi. Một con mồi gát được ít nhất cũng phải huấn luyện từ ba đến mười năm. Cũng có thể cu mồi là những con gát bắt được. Ðó là những con có mã tốt, giọng gáy say. Qua thời kỳ huấn luyện, phải biết nhận ra hơi chủ. Biết gióng lểu đôi, lểu ba. Biết chiêu, bo, gù rút khi người chủ ra hiệu lệnh.

    Con mồi giỏi nhất là khi thấy con bói đến gần lục, phải "rút" cho kỳ được đồng loại nhảy vào bẫy.

    Thuyết xong về cách gát cu, bạn Khản nói tiếp:

    - Cách gát này tao nghĩ thụ động quá. Lựa một cành cây, gát cái lục có con mồi lên, ngồi chờ. Cả ngày được một vài con là nhiều, thậm chí không có con nào nữa. Bởi vậy người đời mới xếp vào loại ngu thứ ba.

    Nghe Khản nói, Quát ngồi hẳn xuống chiếc ghế dựa. Bật lửa, đốt thuốc. Quát nhả những vòm khói tròn bay lên trần nhà, mơ màng nhìn nó.

    - Không đâu mày. Trò chơi nào cũng có cái đam mê của nó. Ðời sống không có ý vị gì, khi mình không có một đam mê. Biết rằng sẽ mất nhân cách khi uống rượu. Cha tao hồi trước làm nghề hạ bạc, giàu lắm. Sau bỏ nghề về đây mua hàng mấy trăm công ruộng. Lên bờ ông lại sanh ra đam mê nghề gát cu. Ông đổi hai mẫu ruộng lấy con cu mồi. Một mẫu lấy một cái lục. Và hàng trăm công ruộng khác bay theo nghề gát cu của ông. Gia đình sa sút. Bệnh tật kéo đến đeo đẳng như rẫy bìm bịp. Ðến lúc hấp hối ông vẫn ra dấu cho mồi rúc lên từng hồi gióng giả mới chết.

    Nói xong thằng bạn Khản lại mơ màng nhìn theo khói thuốc. ánh mắt đăm đăm về xa xăm. Khản biết nó cũng đang đeo đuổi theo một đam mê nào đó. Khản cắt ngang dòng suy nghĩ của nó.

    - Sao  mầy không theo nghiệp ổng?

    - Cùng là loài cu thôi. - Quát trả lời - Nhưng có chút ít bổng lộc, chút gạo trắng nước trong, chút lồng son gác tía, thì lại dùng đúng ngôn ngữ loài mình sát hại đồng loại mình. Những thứ đó tao khác ba tao, một cắc cũng không mua.

    - Vậy chứ chụp cu khác với gát như thế nào?

    - Tao thực dụng hơn. - Quát nói - Chụp kiếm mồi nhậu. Con mồi không có tội khi đồng loại sa lưới. - Nói xong Quát lại nhìn khói thuốc.

    Lưới chụp sẵn. Soạn thêm đồ nghề, cu mồi, cơm nước cho cả ngày. Khản vác, xách các thứ đó ra đồng.

    Ði một hồi tới khu vườn hoang. Nghe tiếng chân người, bầy trao trảo trên cây ớt hiểm bay loạn xạ. Một con rắn hổ ngựa giật mình, chạy phăng phăng trên mặt nước của một ao to.

    Chui qua đám nhãn lồng. Ruộng hiện ra. Những vạt lúa vừa cắt xong còn trơ rạ vàng tươi, mập mạp.

    Khản chọn chỗ như lời bạn dặn, cắm cột, chăng lưới, giựt thử. Hai mảnh lưới chụp vào nhau nhanh như chớp. Các thanh tre nằm song song rất đều, hứa hẹn không sảy con bổi nào.

    Làm xong cái tum bằng lá dừa, thả cu mồi, buộc dây nhà. Khản chui vào tum ngồi chờ.

    Nghe theo lời Quát, Khản chừa bốn năm khe hở để quan sát.

    Sáu con bồi từ hướng Bắc bay tới. Khản giựt dây nhá. Bầy cu trên không đang ngon trớn, bỗng thấy con mồi chớp cánh, nên đảo vòng. Khản chụp dây nhá giựt lia lịa, ý thúc bọn chúng đáp nhanh xuống. Bầy bồi định đáp xuống lưới, chợt thấy con mồi chớp cánh liên hồi. Con đầu đàn cất cánh bay lên, kéo theo năm con sau bay thẳng.

    Khản tiếc rẻ. Ngồi chờ hồi nữa. Hơi nản, nên lục tìm túi hộp quẹt đốt thuốc hút. Khi quay lại, hai con cu đất không biết từ hồi nào, đã đứng gọn trong lưới.

    - "Ðố trời cho mày thoát" - Khản nghĩ và chụp dây giựt thật mạnh. Vút. Hai cánh lưới úp nhanh vô cùng. Quá đà Khản té ra sau. Khi ngồi dậy được, anh thấy hai con cu đất đang thảnh thơi bay về phương Nam. Nó lẹ hơn lưới chụp.

Không hiểu tại sao nó thoát được. Sửa lại lưới, Khản ngồi chờ một hồi lâu nữa. Ngồi một lúc không thấy con nào. Anh định cuốn lưới. Trong lúc đang tính, anh chợt nghe bên tai mình có làn hơi thở mạnh và mùi mồ hôi pha mùi đất khen khét.

    Quay lại, sát Khản, một gương mặt xương xương đen ngòm hiện ra. Nhưng ghê nhất là hai hàm răng. Nó nhỏ, đều, nhưng nhọn một cách kỳ lạ và đóng bợn vàng khè khiến Khản liên tưởng đến ma cà rồng.

    Hắn cười tự tin và nói nho nhỏ nhưng chắc chắn, như ra lệnh với Khản.

    - Xê ra chút coi, để tui chụp cho vài con. Chớ giờ tới chiều chú không bắt được con nào đâu. Tôi thắc mắc tức chết mẹ!

    Tự động Khản xê ra, nhường chỗ cho thằng nhỏ. Và không biết sao mình lại nghe lời nó.

    Thằng nhỏ lại ra lệnh:

   - Xê ra chút nữa, ngồi sát vào vách tum.

   Khản lật đật làm theo.

    Bây giờ, nó mới chễm chệ ngồi vào chỗ Khản. Nó vạch rộng hai lỗ quan sát, giựt thử dây nhá, rồi tỉnh bơ nó rút một điếu trong gói thuốc thơm của Khản, quẹt lửa, thản nhiên thả khói.

   Nó rít từng đợt thật sảng khoái. Khản nghe như cả tiếng khói đảo giòn giã trong hai lá phổi của nó.

    Chậm rãi rít thuốc, độ nửa điếu, Khản nghe nó nói nhỏ:

    - Cu đất ba con, phía Bắc.

    Chú ý giữ lắm mới thấy ba chấm đen lao tới, Khản quay lại nhìn thằng nhỏ.

    Nó vẫn phì phả khói, đoạn đặt điếu thuốc xuống ruộng, hơi xê mình ra sau một chút.

   Ba con cu trên cao, đang đà bay hướng khác.

   Khản nóng lòng định giựt dây nhá. Nhưng thằng nhỏ quyết định nắm tay Khản lại:

   - Ðừng!

   Nó nói và đợi ba con mồi gần đến, thò tay kéo một cái, con mồi ở giữa chớp nhẹ đôi cánh, chỉ có một lần. Nó buông dây nhá, nắm sợi dây giựt.

   Ba con mồi trên đà bay, thấy con mồi chớp cánh. Chúng đảo lại sà bay xuống lưới chụp. Ðợi chúng còn cách lưới bốn năm tấc, thằng nhỏ nắm sợi dây giựt một cái. Hai mảnh lưới ụp vào nhau cũng không nhanh lắm nhưng ba con cu đất đã nằm gọn trong lưới, chúng nhảy lung tung tìm đường bay lên.

   Không kiềm được sự vui mừng, Khản khoái trí vỗ tay đèn đẹt.

   Thằng nhỏ mỉm cười và ra lệnh:

   - Chú lại gỡ đi. - Nói vậy, nhưng nó vẫn cùng đi.

   Khản định thò tay kéo lên.

   - Chú đừng kéo vậy rách lưới.

    Một tay lồng phía dưới nắm gọn con cu đất mập ú, tay trên cầm cái mỏ ấn xuống và ngón út đưa xuống mắt lưới kéo lên. Con cu đất sút khỏi lưới. Nhẹ nhàng nó kéo ra đưa cho Khản và dặn:

   - Coi chừng sẩy.

   Bỏ xong mấy con cu vào lồng, giờ Khản mới quan sát thằng nhỏ với vẻ thích mến thực sự.

   Nó độ mười ba, mười bốn tuổi. Người khô đét. Móng tay, móng chân đầy ngấn bùn đen. Bộ đồ nó mặc, chẳng có hình dáng gì gọi là quần áo. Giẻ lau nhà Khản sạch hơn gấp trăm lần.

   Khản ái ngại nhìn nó.

   Riêng thằng nhỏ, biết Khản đang đánh giá mình. Mặt chẳng để lộ cảm xúc nào, nó nhìn Khản nói:

   - Tui lạ lắm không?

   Khản chợt giật mình khi nghe câu hỏi đó và hơi thẹn.

   Nó móc bịch thuốc rê, quấn hút. Khản đưa cho nó điếu thuốc thơm.

   - Thuốc đó thơm nhưng của chú. Giúp chú khi nãy lấy một điếu là huề. Còn tôi quen thứ rê chảng này rồi.

   Nó đứng dậy nói tiếp:

   - Cu đàn mỗi ngày ăn ba lần. Hừng đông, trưa và sẩm chiều. Trừ ngày nào có mưa lớn, sau mưa chúng mới đi ăn trộm, nhưng ít khi gặp lắm. Chú có thể ăn cơm hoặc ngủ đợi trưa chụp nữa. Nhưng chắc chú không chụp được đâu. Nó khôn hơn quỷ. Tui mắc vào nhà anh Bầu chịu mối mai đào mương. Chớ không tui lại chỉ cho chú. Chú ở xa đến phải không? - Nói xong chẳng chờ Khản trả lời, nó đứng dậy phủi đít rồi đi về phía cái nhà lá bên kia ruộng.

   Khản muốn rủ thằng nhỏ ăn cơm, nhưng nhìn bộ răng nó, Khản không giữ lại.

   Ðồng trống, gió từng cơn phẩy vào người. Hương rạ ngát. Một khoảng trống mênh mông yên ắng. Bữa cơm đạm bạc nhưng ngon.

   Ăn xong. Khản lấy miếng vải bạt trải ra. Nằm nghỉ đợi trưa chụp tiếp. Anh quyết phải bắt được vài con chớ không bao giờ chịu thua loài hải cánh tầm thường này.

   Nằm thoải mái trên rơm, Khản mới tức cười. Lâu nay, không nói ra nhưng Khản vẫn tự hào với học vị tiến sĩ của mình và đã từng lệnh cho người ta. Nhưng hôm nay nơi thôn dã, Khản lại răm rắp nghe theo lệnh một chú nhóc lên mười. Và, phải học khôn nhiều hơn mới có thể bẫy được loài động vật có cánh chỉ sinh tồn bằng bản năng tự vệ. Khản lại mỉm cười và nằm yên lặng.

   Xa, lũy tre xanh cuối làng, có tiếng gà eo óc. Một con gáy, hai con gáy. Tiếng gà lưa thưa đếm bước chân thời gian đưa hồn Khản bay về giấc kê vàng xa xôi trầm lắng.

   Ðến gần hai giờ chiều mới thức giấc. Khản cố nằm nán lại và hé mắt nhìn. Năm sáu con se sẽ. Bốn con dòng dọc đầu vàng nghệ đang xúm xít chung quanh chân mổ những hột lúa của bọn cu mồi làm rơi. Chúng xem Khản như khúc gỗ vô tri chứ không phải một con người mà mỗi chữ ký quyết định hàng trăm số phận người khác. Khản vui vẻ ngồi dậy "hù" một tiếng. Cả bọn bay toán loạn.

   Anh chui ra khỏi tum, vươn vai, khoan khoái hít lấy những luồng không khí trong lành.

   Xa xa, bụi chuối xiêm ra hoa đỏ khiến anh chú ý. Dưới gốc có một người đang nằm. Hình dáng ấy, không ai khác, chính thằng nhỏ hồi sáng.

   Khản đi đến đó.

   Nó xê ra những cái thân cây chuối cho Khản ngồi.

   - Hồi nãy, tui có lại thấy chú ngủ mê quá. Có hai bầy khá đông, nếu chú thức sẽ chụp giùm được. - Nó nói.

   Chụp nhiều hay ít Khản không quan tâm. Cái háo hức chính của Khản là muốn biết tại sao mình làm như nó, mà không chụp được dù là hai con cu đã đứng gọn trong lưới.

   Khản hỏi:

   - Cháu tên gì?

   - Tui tên Nhọn.

   - Nhà gần đây không?

   - Nhà cháu cách nhà thầy Quát bảy cây cầu.

   - Cháu biết chú ở đó?

   - Tui còn biết chú ở đây chơi cả tháng nữa. Anh Bầu nói lại.

   Khản sang chuyện khác:

   - Tại sao chú cũng làm như cháu mà không chụp được con nào hết?

     Nhọn cười. Khản tránh không dám nhìn hàm răng nó.

   - Tui đã ngồi xem chú chụp từ khi vác lưới ra kia. Nghề chụp cu dở ẹt.

   - Tại sao chú cũng nhả mồi mà nó không đáp xuống lưới?

- Cái ngoắc tay gọi bạn với các ngoắc tay cầu cứu nó khác xa lắm. Con cu mắt nó tinh, trên cao nó thấy con khác xa hàng cây số. Ðợi nó lại gần chú giựt dây nhá cho con mồi chớp cánh một cái nhẹ. Ðó là cái chớp gọi bạn. Còn chú giựt liên tục, bắt buộc con mồi chớp cánh liên tục vì sợ hãi. Ðó là cái chớp cánh báo hiệu sự nguy hiểm. Dù giống vật nhưng nó có thèm sà xuống chỗ chết đâu!

    Khản thấy tim mình thắt lại vì sự thiển học ở cuộc sống nông thôn của mình và bắt đầu thán phục sự am hiểu của Nhọn.

    Khản móc thuốc mời Nhọn với vẻ trân trọng đặc biệt. Lần này nó cầm.

    - Cháu năm nay bao nhiêu tuổi?

    - Tui mười hai, mười ba gì cũng quên mất.

    - Còn mẹ cha cháu?

    Nhọn vờ mượn cái hộp quẹt thuốc và khen nó đẹp. Khản biết nó không muốn nói về chuyện gia đình. Nên đặt vấn đề khác.

    - Có con đã đứng sẵn trong lưới rồi, sao chú giựt nó vẫn thoát được?

    Nhọn rít hơi thuốc, thong thả:

    - Ðã nói với chú nó khôn hơn quỷ. Chú để ý xem khi nó đậu xuống đất không bao giờ mổ lúa ăn liền. Nó đứng liếc mắt quan sát xem có nguy hiểm không mới mổ ăn. Cho nên khi nó đậu xuống lưới, khó mà chụp được nó vì lưới nhanh, nhưng không bằng đôi chân, đôi cánh của nó. Chỉ động một chút là nó bay mất. Muốn bắt được, phải canh lúc nó xuống cách độ vài tấc, chú giựt đố con nào thoát. Cái trớn nó đang sà xuống muốn đảo lên thì không được, vì sát đất nếu đảo lên bất ngờ, nó cũng phải té xuống. Cuối cùng nói phải nằm gọn trong lưới chú.

   - Vậy mà chú tưởng dễ xơi nó lắm. Hèn chi...

    ở đây tụi tui không có tiền. Nên bắt buộc phải theo dõi bọn nó để kiếm cái ăn hàng ngày. Chú phải biết cách sinh sống mới bắt được nó. Tui đố chú tháng ba tìm được ếch ngoài đồng hay dưới mương rạch. Còn người sành ăn ếch chỉ ăn có lúc này vì thịt nó ngon và thơm hơn thịt gà. Nhưng muốn bắt, chỉ có tụi tui thôi.

    Và để chấm dứt câu chuyện Nhọn nói:

    - Giờ chúng sắp sửa đi ăn buổi chiều, chú rình chụp được rồi.

   Khản lắc đầu, vỗ vai Nhọn:

    - Chú chụp chơi chứ không muốn bắt nhiều. Cháu lại đây.

    Nhọn theo, Khản bắt ba con cu chụp được lúc sáng đưa cho Nhọn. Nhọn lắc đầu:

   - Không! Chú đem về nướng đi. Tụi cháu ăn hoài.

    Khản nhìn Nhọn, tiếp:

    - Cháu xách về làm sạch treo đó. Chiều chú lại chơi. Chú cháu mình nướng nó và tâm sự thêm về chuyện chim   cò. - Khản cười.

    Nhọn e dè cầm lấy, rồi hỏi:

    - Chừng nào chú lại?

    - Chiều chiều.

    - Làm món gì để tui lo. Chú uống rượu không?

     Khản lưỡng lự một chút rồi nói:

    - Có chút rượu cũng được. Tiền đây. Còn cu thì nướng.

    Khản nghĩ chắc gia đình Nhọn có trục trặc gì đây, nên có ý muốn tối nay đến chơi. Vả lại ở nhà Quát một mình cũng buồn. Và Nhọn đang thực sự thu hút Khản.

    Khản lui cui cuốn lưới, nhổ cọc rồi đưa mắt tìm Nhọn.

    Cái dáng nhỏ thó của nó đã khuất sau đám bắp xanh rờn.

*    *    *

    Sự sạch sẽ, giàu sang lịch sự của người khách lớn tuổi làm Nhọn chăm lo chút đỉnh cho bản thân mình.

    Cái áo rách lúc sáng được thay bằng cái áo mầu đỏ, đỏ trông đến kỳ cục, và cũng đã có vài chỗ vá. Cái quần dài sờn hai đầu gối, ở mông có một miếng vá. Còn hàm răng được nó đánh kỹ.

    Ba con cu được làm sạch sẽ treo ở chái bếp. Còn nhà  chẳng ra nhà. Vì nó có mái không có cửa,  có vách không có ván lợp. Một bàn thờ, một giường nằm. Trên cái bàn ăn nhỏ bằng tre, dọn sẵn chén đũa ra, nước mắm. Một ly uống rượu. Toàn bộ chỉ có bấy nhiều. Riêng đĩa rau mới nhìn đã thấy rất ngon lành.

    Khản đến. Nhọn cười vẻ thèn thẹn vì sự nghèo nàn của mình.

     - Chú ngồi chơi nghen. Tui nướng nó, chim nướng một lửa mới ngon.

     - Sao cháu không ướp cho thơm?

         - Nó ướp gia vị, mất mùi chim. Ðể tui làm lát chú ăn sẽ biết.

     Nhọn gạt lửa bắt đầu nướng.

    Ngồi không, Khản đi vòng quanh nhà người bạn nhỏ.

    Dưới bàn thờ, có một hộp thiếc cũ khá to. Trong đựng đồ chơi Nhọn nặn bằng đất. Khản ngồi xuống lấy từng vật trong đó ra quan sát.

   Một con trâu cỡ cườm tay nằm thảnh thơi ngơi nghỉ. Nó đưa cặp mắt bằng hai hột đậu đen nhìn xa vẳng nhớ lại thời làm lụng cực nhọc đã qua. Miệng nó ngoạm ngang một bông lúa nhỏ. Bông lúa hơi khô chứng tỏ con trâu này được nặn cách  đây không lâu.

   Thầy trò Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh. Ðường thiên lý xa xôi muôn dặm mà thân hình Ðường Tăng lớn hơn ngón chân cái. Gương mặt thầy hiền hòa đầu đội mũ tỳ lư làm bằng những hột lứa dựng ngược thật đều và khéo. Thầy đang cưỡi con ngựa trắng, tay cầm gậy thiên trượng bằng nhánh trúc nhỏ, trên cắm ruột trái mù khô. Cạnh là chú Sa Tăng đeo một sâu sọ đầu bằng hột thầu dầu trông rất dữ tợn. Còn anh Trư Bát Giới ham dâm với hai còn mắt ti hí, hai lỗ tai heo bằng lá nhãn khô dựng đứng, hai tay ôm cái bụng phệ nung núc mỡ, có cái lỗ rún sâu hoắm. Trư đang lười biếng nằm cạnh gốc cây khò khò ngủ. Riêng bác Tề Thiên có lẽ tác giả tốn công với bác nhiều nhất. Bác vận quần da hổ, áo thầy Tam Tạng may cho, y như trong phim. Hai tay bác cầm ngang cây thiết bảng bằng một cành tre nhỏ. Cây thiết bảng được nối với một thanh nứa dài và uốn cong theo lưng bác bằng một sợi dây nhợ.

   Thấy ngộ, Khản cầm ngang lưng bác đưa lên cao. Bất ngờ thanh nứa động đậy giựt sợi dây lia lịa. Thế là, hai chân bác Tề Thiên đong đưa. Tay bác nâng cây thiết bảng lên, lúc thì gạt bên này, lúc thì gạt bên kia. Lúc giơ lên cao, lúc thẳng tay đập xuống. Bác đang đi một bài hầu quyền tuyệt diệu. Nếu lúc này nam tài tử Lục Tiểu Linh Ðồng thấy cũng chắc phải khen tài đối với bác.

   Khản say mê nhìn. Quên luôn Nhọn, quên luôn mùi cu nướng thơm lừng.

   So với xe hơi, chiếc máy bay điều khiển bằng điện tử từ xa Khản mua cho những đứa con, nếu mang vật này về thì chắc chắn   chúng sẽ bỏ hết để chọn bác Tề Thiên.

   Khản quỳ một chân bên con trâu, tay nâng nó như một báu vật. Con trâu đất bỗng hỉn mũi như nhận được hơi người chủ cũ, nó phình to lên như con trâu thật ngoác miệng nhìn Khản cười. Nụ cười kéo tận mang tai, nửa thương, nửa khinh. Nó nói:

   - Có phải ông tiếc những ngày xưa phải không? Khi ông cười tôi, nhàn nhã rong chơi khắp đồng không mông quạnh. Lúc đó lòng ông trong sạch như bông sen trắng. Còn bây giờ... ha ha... ha ha...

   Nói đến đây, đầu nó ngước cao và cười thành tiếng "ha ha" "ha ha". Nó cười đến hàm răng trên ta tả rụng xuống hết nó mới thôi cười và ngâm nga:

   Con trâu có một hàm răng
   ăn cỏ đất bằng, uống nước bờ ao.

   Ngậm xong miệng lại cắn ngay bông lúa và từ từ biến nhỏ lại thành đất nằm gọn trong lòng bàn tay Khản.

   Ôi! Cái thời xa xưa của Khản, cái thời quá vãng ào qua lạnh buốt. Khản thấy rưng rưng và day dứt trong lòng.

   Tiệc bày xong.

   Nói là tiệc nhưng chỉ có hai người.

   Hai chú cháu ngồi ngang nhau. Không ngần ngại Khản làm một ly rượu nếp rặc vừa nồng vừa thơm, khà một tiếng nhỏ. Ðoạn, Khản xé một đùi chim béo múp, nóng hổi chấm nước mắm, bỏ vào miệng. Ngắt thêm vài đọt rau thơm, cắn nửa trái ớt hiểm, Khản bắt đầu nhai. Mỡ chim tươm ra đầy môi. Cái béo, cái ngọt, cái nồng, cái cay cộng với mùi chim nướng nó quyện tê đầu lưỡi.

   Khản uống luôn hai ly với hai đùi chim. Anh bạn nhỏ, ngồi nhìn Khản ăn, mỉm cười nói:

   - Tui nói đâu có trật, chú ướp rồi nướng ăn không ngon hơn đâu.

   Vị  ngon của rượu nếp rặc vẫn chưa tan, Khản gật gù:

   - Không bữa tiệc nào ngon hơn.

   Nhọn sung sướng nói:

   - Nhằm nhò gì chú. Chim này thịt long nước ăn không ngọt hung. Bữa nào ra giữa đồng đem rau rượu, nước mắm theo. Cháu làm cho chú món chim ướp sình nướng rơm. Món đó còn ngon hơn nữa.

   Ðợi cơn khoái cảm qua, Khản mới trở lại ý chính là mình muốn tìm hiểu hoàn cảnh người bạn nhỏ ở đợ này, vì càng lúc càng thấy mến nó hơn.

   Nhưng hỏi thẳng thì nhớ lại cái lẩn tránh của nó lúc ban trưa, Khản suy nghĩ tìm cách khác. Anh vào đề:

   - Rượu ở đây ngon quá!

   -Cái nầy là của thằng bạn, nó gởi cho tui và chú. Rượu nếp rặc. Nó còn gởi thêm một mớ phèo heo đang luộc nữa kia. Ðợi hết chim tui chú sẽ làm tới món đó.

   - Nãy giờ cháu chưa uống ly nào. - Khản muốn Nhọn uống vài ly. - Vậy mà cháu nói, cháu với mấy thằng bạn uống hoài.

   Con chim nướng trong chén rượu Nhọn còn nguyên. Nó rót rượu thật gọn. Bọt rượu sôi tràn thành ly và nổ tanh tách nhưng không rớt ra ngoài một giọt. Nó xé một đùi chim đút vào mõm con chó cò, rồi mới xé đùi kia bỏ vào miệng, đánh ực một ly rất thạo.

   Giờ Khản mới chú ý đến con chó.

   Con chó háo hức nhai miếng thịt chim, đuôi ngoáy lia lịa. Toàn bộ cơ thể nó thật thiểu não, có thể nói chỉ còn một bộ khung xương với dúm da bọc. Chỉ có cặp mắt nó sáng quắc. Khản biết nó đói và chợt nhớ tới người bạn đã nhận xét là khi đói mắt người ta sáng dạ lạ thường và trở nên hung dữ hơn. Ăn xong nó thè lưỡi liếm mép rồi liếm bàn tay Nhọn.

   - Bạn tui đó chú. Thầy trò tui không lúc nào rời nhau. Nó giỏi lắm, nhưng lúc này thiếu cơm nên ốm nhom, ốm nhách, tội nghiệp. Nó bắt "ông đen" số một. Chú biết không, bữa hôm nó bắt một con lớn hơn cườm tay chú nữa, dài gần hai thước. Con rắn hổ đen phùng bàn nạo với nó, cháu thấy cháu còn sợ. Hai con thủ thế. Con rắn trườn tới, nó thối lui; con rắn thối lui nó nhào tới. Một hồi, nó đưa chân trái tới miệng con rắn, dứ một cái con rắn mắc lừa mổ liền xuống đất. Lợi dụng phút đó, nhanh như chớp nó nhào tới cắn ngang cổ cúp con rắn, quay qua, quay lại lia lịa. Nó nhả ra, con rắn nằm im không nhúc nhích được. Tôi chỉ cần lấy cái mác vớt khứa cổ đem về. Thầy trò nấu nồi cháo đậu xanh rồi cùng với mấy thằng bạn làm một bữa bí tỷ.

   - Tiền đâu mấy cháu mua rượu?

   - Ðứa nào dư thì mua, không có thì thôi. Tụi cháu làm mướn. Ngày nào không ai mướn thì săn chuột, thối quốc, hay nặn đồ chơi chơi.

   - Cháu làm gì?

   Thằng Nhọn đưa bàn tay to bè, chai sần. Những đốt tay phù to như những đốt tre, cười hồn nhiên:

   - Ðủ nghề hết, mần cỏ, đào mương, cuốc đất.

   Nói xong, để chứng minh, nó vào buồng ôm ra lỉnh kỉnh vá, cuốc, dao, cái nào cái nấy sáng giới vì cọ sát với đất. Chứng tỏ lao động cật lực. Nhọn tiếp.

   - Bây giờ ít ai mướn làm quá. Người lớn như anh Bầu làm một ngày, ăn cơm chủ, chủ trả mười ngàn. Tui làm giỏi như ảnh nhưng chủ chỉ trả sáu ngàn mà anh Bầu phải lãnh dùm người ta mới mướn. - Nói xong, nó ôm con chó lên. Con chó thè lưỡi liếm gò má nó. - Nhọn tiếp - Tội nghiệp con này nó theo cháu hàng ngày. Nhưng mình ăn cơm chủ, cho nó ăn nữa thì chủ không chịu, thỉnh thoảng cháu lén đổ vài muỗng, nên nó ốm nhom - Nhọn lại cười.

   - Còn ba má cháu đâu?

    Nhọn nhìn xuống đất hồi lâu nói:

   - Ba má cháu thôi nhau bảy năm rồi. Cháu ở với ba, nhưng ba buồn đi rượu chè đôi ba tháng mới về. Còn mẹ thì đi luôn. - Nói xong, nó vẫn nhìn xuống đất.

   - Cháu sống như vậy thì sao sống nổi?

   - Biết làm sao giờ chú! Cháu van vái ba má cháu về. Rồi, cháu sẽ làm cật lực để có tiền mua bộ đồ hớt tóc. Nghề đó học nhanh và dễ làm ra tiền lắm. Với lại nó ít cực hơn nghề làm mướn của cháu. Chớ chú nghĩ, cháu có học hành gì đâu mà làm nghề khác được?

   Khản nhìn mãi ngọn lửa bập bùng trong bếp, thằng Nhọn đứng dậy nói tiếp: - Cháu xắt lòng heo, chú cháu mình làm tiếp.

   Khản đưa tay ngăn:

   - Không! Chú không uống nữa. Cháu dẹp đi. Ðêm nay chú ở đây chơi với cháu:

   - Phèo non ngon lắm.

   - Không - Khản trả lời dứt khoát.

   Nhọn nghe lời:

   - Nếu chú ở thì chú ngủ giường cháu. Cháu ngủ ngay bàn này.

   - Cháu ngủ chung với chú. - Khản nói.

   - Không, cháu nằm chỗ nào cũng được, với lại cháu ngủ đâu con chó cò này theo ngủ đó.

   Dọn dẹp xong, nó trải chiếu cho Khản nằm, rồi ra sàn ôm mấy khúc củi bự vào.

   Khản hỏi:

   - Cháu làm gì vậy?

   - Hun muỗi. ở đây muỗi nhiều lắm chú.

   Khản nằm im trên giường. Men rượu nồng lâng lâng mạch máu. Những ngày trước uống cỡ này dễ ngủ say lắm. Ðêm nay lạ chỗ Khản trằn trọc mãi.

   Ðêm sâu, ánh trăng lại rớt ở hiên nhà. Những lùm cây xung quanh không còn trông rõ hình dáng, bếp củi Nhọn nhóm gần tàn, thỉnh thoảng cơn gió thoáng qua, nó bùng lên uốn éo một điệu múa lạ rồi tắt ngay. Qua ánh lửa, Khản thấy Nhọn nằm co ro trên chiếc ghế ăn cơm, con chó cò nghếch cổ nằm ngủ trên kheo chân Nhọn.

   Khản chắc mấy ly rượu đã làm nó ngủ say. Anh định đi về thành phố, anh sẽ mua tặng liền cho nó một bộ đồ hớt tóc hiệu Pháp, loại tốt nhất. Chợt có tiếng Nhọn ho. Khản hỏi:

   - Cháu chưa ngủ à?

   - Ðêm nào cũng vậy chú - Nhọn trả lời - Buồn quá. Nhất là tiếng con vạc sành nó kêu "tọc, tọc" suốt đêm. Cứ nghe hoài cháu không ngủ được. Ðó, chú có nghe không?

   Từ lúc chiều đến giờ Khản không chú ý, giờ nó nói, Khản yên lặng nghe "tọc, tọc, tọc". Tiếng kêu đều đều phát ra từ những lùm cây quanh nhà.

   Nằm nghe nó kêu Khản thao thức mãi, chợt đầu anh chạm vào một gói gì nho nhỏ dưới gối. Ðó là một tấm ảnh cũ của ba Nhọn và Nhọn. Người đàn ông trong ảnh đang cười, để lộ những chiếc răng nhỏ đều, nhọn một cách kỳ lạ y như hàm răng của Nhọn.

   Khản rùng mình choàng dậy.

   "Tọc, tọc, tọc". Khản biết giải quyết vấn đề Nhọn bây giờ không phải đơn giản là mua một bộ đồ hớt tóc loại tốt, mà chính là tiếng vạc sành của truyền thuyết ngày xưa.

   Khản len lén đứng lên lấy cái mền đắp cái hình hài tiều tụy của nó. Rồi anh bước hẳn ra ngoài trời trở về nhà bạn mình.

   ánh trăng khuya làm ướt cả đường đi.

   "Tọc, tọc, tọc" đâu đâu cũng có bản hợp tấu đau đớn, da diết, bi thương đó. Tiếng kêu thất thanh của nỗi đau nhất đời người, nhưng không do mình gây ra.

   "Tọc, tọc, tọc". "Tọc, tọc, tọc" Khản chợt nhìn thấy chùm tóc lòa xòa trước trán mình bỗng bạc trắng và nghe ngàn tiếng vạc sành như những tiếng răng nhọn hoắt cắn xé trong tim mình.

   "Tọc, tọc, tọc". "Tọc, tọc, tọc". Anh đi như chạy dưới ánh trăng tai tái.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.