Bài thơ “Mẹ gánh ước mơ” trong tập “Chất vấn thói quen” của nhà thơ Phan Hoàng đã được chuyển ngữ nhiều thứ tiếng và đăng tải trên các tạp chí văn học nước ngoài. Mới đây, Tạp chí Nhân Văn của Brazil số ra ngày 25.2.2023 cũng giới thiệu bài thơ này cùng tiểu sử nhà thơ Phan Hoàng bằng ngôn ngữ Bồ Đào Nha. Từ Quy Nhơn, Bình Định nhà giáo, nhà phê bình Tuệ Mỹ cũng đồng cảm bình bài thơ “Mẹ gánh ước mơ” và in vào sách đã xuất bản, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
MẸ GÁNH ƯỚC MƠ
Mẹ quảy mẹ chạy
cắc bụp cắc đùng
người ngã sau lưng
người chúi trước mặt
Tuổi thơ tôi trên thúng gióng tản cư
mẹ gánh ước mơ chạy qua mùa loạn lạc
tiếng khóc con thơ
mạnh hơn
tiếng gầm đại bác
Những con đường loang lổ hố đen đao phủ
sông suối lềnh bềnh ngầu đỏ máu tươi
biển thét gào lớp lớp sóng trào chia lìa tình mẫu tử
Bước mẹ đè gió nam cồ
lướt mềm sỏi đá nhấp nhô triền núi
giải độc vạt rừng giãy giụa da cam
an ủi ruộng nương um tùm cỏ dại
Bàn chân trần rễ tre toé máu
thúng gióng gió đánh hụt hơi
mẹ đặt con ngồi dưới hố bom khét bầm thân đất
ngoái cổ ngóng về đồng làng tan hoang mồ mả ông bà
Gỡ nón quạt mùi bom
bóng mẹ che tầm đạn
âu yếm con mẹ khóc
bập bẹ mẹ con cười
nụ cười con thơ
mạnh hơn
tiếng gầm đại bác
nụ cười gieo vào lòng mẹ hạt giống hy vọng
đồng làng bình yên gặt những mùa sau…
Phan Hoàng
(Rút từ tập thơ “Chất vấn thói quen”, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Lời bình:
Mới đọc cái tiêu đề bài thơ “Mẹ gánh ước mơ”, người đọc cứ tưởng sẽ được Phan Hoàng dắt vào thế giới của giấc mơ, của mộng mị, nhưng không, nhà thơ lại dẫn người đọc đến với một thực tế khốc liệt của chiến trường xưa qua ký ức tuổi thơ của chính tác giả để chiêm ngưỡng chân dung người mẹ vĩ đại đã gánh con chạy qua mùa loạn lạc.
Chủ thể trữ tình trực tiếp hiện diện kể về ký ức “Tuổi thơ tôi trên thúng gióng tản cư”. Ký ức tựa cuốn phim quay chậm, đối tượng trữ tình cứ dần lộ diện theo tuyến tính bài thơ. Phim quay chậm nhưng cảm xúc của người thơ thì mãnh liệt dạt dào. Men theo dòng cảm xúc này, người đọc bắt gặp trên từng con chữ lấp lánh một thứ ánh sáng -Ánh sáng của lòng kính yêu, biết ơn và tự hào của người con dành cho mẹ.
Cánh cửa bài thơ vừa mở, cảnh tượng người mẹ gánh con chạy dưới tầm đạn lửa bủa vây ùa ập hiện ra:
Mẹ quảy mẹ chạy
cắc bụp cắc đùng
người ngã sau lưng
người chúi trước mặt
Nhiều câu thơ ngắn, với tiết tấu nhanh tái hiện sinh động hình ảnh mẹ vừa “quảy” vừa “chạy” trối chết bởi tiếng súng đạn “cắc bụp cắc đùng” rượt đuổi, bủa vây. Mẹ, hết “ngã sau lưng” lại “chúi trước mặt”. Nhưng dù có “ngã”, có “chúi”, mẹ cũng bất chấp đớn đau, bất chấp hiểm nghèo cố giữ cho cái “gánh con” an toàn. Sức mạnh nào đã khiến cho mẹ gan góc đến vậy? Đây là câu trả lời: “Tiếng khóc con thơ/ mạnh hơn/ tiếng gầm đại bác”. Một so sánh hết sức phi lý nhưng lại rất có lý với trái tim người mẹ. Câu thơ là một lời khẳng định: Tình thương con mạnh hơn cái chết. Điều đó chỉ có thể lý giải bằng quy luật của lòng mẹ “Tình yêu của mẹ dành cho con không giống bất kỳ điều gì khác trên thế giới. Tình yêu đó không có luật lệ và không có hối tiếc. Nó thách thức tất cả và không khoan nhượng, tiêu diệt tất cả những gì cản đường nó” (Danh ngôn). Các nhà văn nghệ sĩ thật có lý khi lấy cái kích cỡ, tầm vóc của vũ trụ để đo lòng mẹ “Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang” (Ca dao), “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào” (Y Vân)… Tình mẹ quả là lớn lao, cao cả, thiêng liêng. Nhưng sẽ cao cả thiêng liêng hơn khi đặt nó vào tình huống tử-sinh. Gánh con chạy dưới làn mưa bom bão đạn, trên “Những con đường loang lổ hố đen đao phủ” chẳng phải mẹ đang chạy bên bờ của cái chết? Nhưng nếu không “liều” thì liệu mẹ có đưa con mình đến nơi an toàn? So với đời người dài rộng thì lúc mẹ gánh con chạy trong đạn lửa có thể nói chỉ là khoảnh khắc. Nhưng đó là khoảnh khắc làm chói sáng nhất ngọn lửa thiêng trong trái tim người mẹ. Chọn khoảnh khắc sáng chói đó để tạc chân dung mẹ, ngòi bút Phan Hoàng thật tinh tường.
Tiềm thức luôn lưu giữ khoảnh khắc thiêng liêng ấy còn ý thức thì luôn bảo rằng mẹ là người vĩ đại, mẹ có một sức mạnh phi thường. Phải, rất phi thường! Ngẫm mà xem mẹ, một người phụ nữ gầy guộc với cái gánh con nặng trĩu trên vai, với “Bàn chân trần rễ tre tóe máu” chạy trên “Những con đường loang lổ hố đen đao phủ”, qua những vùng đầy tử khí, thần chết như sẵn sàng chìa tay ra “chia lìa tình mẫu tử”, vậy mà kỳ diệu thay “Bước mẹ đè gió nam cồ/ lướt mềm sỏi đá nhấp nhô triền núi/ giải độc vạt rừng giãy giụa da cam/ an ủi ruộng nương um tùm cỏ dại” để đưa con đến bến bình an. Phải chăng cái bản năng người mẹ đã làm nên cái điều kỳ diệu ấy? Khác với những chi tiết tả thực ở trên, khi nói về sức mạnh của mẹ, nhà thơ sử dụng thủ pháp ngoa dụ (cường điệu, phóng đại). Có phải “tôi” đã “thần thánh hóa” mẹ mình? Không đâu, chỉ vì tình yêu “tôi” dành cho mẹ là thứ tình cảm tôn thờ.
Cuối cùng mẹ cũng đưa con về đích an toàn. Đặt gánh con xuống, thở phào nhẹ nhõm, mẹ đưa tay “Gỡ nón quạt mùi bom”. Cử chỉ “gỡ nón quạt” khá quen thuộc bởi mẹ đã từng quạt xua đi mệt nhọc khi đặt xuống gánh gạo, gánh rau…chợ sớm chợ chiều. Nhưng lần này, thứ mẹ quạt xua lại là “mùi bom”, mùi chết chóc. Xua cái thứ hắc ám đó, mẹ suýt phải đánh đổi bằng tính mệnh. Nên, “gỡ nón quạt mùi bom” có vẻ nhẹ nhàng nhưng lại chứa đựng sức nặng của lòng dũng cảm. Lòng dũng cảm đó xuất phát từ nguyên nhân: “bóng mẹ che tầm đạn”. Sao không phải “thân mẹ” che mà là “bóng mẹ”? Nói đến “bóng” là nói đến cái vô hình. Có phải nhà thơ đề cập đến một thứ sức mạnh vô hình: tình-thương-con? Phải, chỉ có thương con không bờ bến, không điều kiện thì mẹ mới bất chấp hiểm nguy để che chở cho con. Quan hệ nhân-quả giữa tình yêu và sự hy sinh được chủ thể sáng tạo để cho hai câu thơ đứng liền kề: “Gỡ nón quạt mùi bom/ Bóng mẹ che tầm đạn” nói hộ.
Và, giây phút xúc động nhất “Âu yếm con mẹ khóc”. Đây là giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ khi nhìn thấy con mình vẫn bình yên sau những giờ phút kinh hoàng. Giọt nước mắt lấp lánh ánh sáng tỏa ra từ trái tim người mẹ. Đáp lại tiếng khóc của mẹ, con “bập bẹ miệng con cười”. Mẹ khóc- Con cười, vẻ ngoài tuy đối lập nhưng cùng một nội hàm: cả mẹ và con cùng hòa trong niềm vui, niềm hạnh phúc khi đã trải qua tử -sinh. Tiếng khóc mẹ lan xa còn nụ cười con thì đọng lại:
“Nụ cười con thơ/ mạnh hơn/ tiếng gầm đại bác”.
Một lần nữa nhà thơ lại khẳng định tình yêu con mạnh hơn cái chết. Nhưng lần này cái mạnh hơn tiếng gầm đại bác không phải “tiếng khóc con thơ” mà là “nụ cười con thơ”. Thì ra, cả “Tiếng khóc” và “Nụ cười” của con mẹ đều đặt trọn trong đôi thúng gióng trên vai mẹ. Nếu “tiếng khóc con” thôi thúc mẹ vì con mà hành động liều mình thì “nụ cười con” là cái đích đến của sự hy sinh. Và trong cuộc chạy đua với thần chết, chân mẹ đã chạm tới đích: Nụ-cười-con. Hành trình từ “Tiếng khóc” đến “Nụ cười” có thể tính bằng thời gian và độ dài vật lý nhưng ai có thể đếm được hiểm nguy, gian khó ở mỗi bước chân mẹ gánh con chạy qua mùa loạn lạc, ai có thể cân đo được lòng mẹ yêu con? .
“Nụ cười con” khép lại hành trình chạy loạn nhưng lại tiếp tục “gieo vào lòng mẹ hạt giống hy vọng”. Hạt giống hy vọng đó đã nẩy mầm trên cánh đồng ước mơ của mẹ. Mẹ ước mơ nhiều lắm. Nhưng giữa lằn ranh sinh-tử, mơ ước duy nhất của mẹ là bảo vệ được con mình. Và, cuộc đời của con trong thực tại hôm nay là hiện thân của ước mơ mẹ đã gieo trồng và đã “gánh” nó chạy qua mùa loạn lạc. Vậy là, cái “gánh con” trên vai mẹ đã được nâng tầm thành “gánh ước mơ”. Phan Hoàng đã góp vào cõi thơ viết về mẹ một “cái gánh” thật đặc biệt.
Từ “Nụ cười con”, không gian lòng mẹ được mở rộng thêm. “Hạt giống hy vọng” trong lòng mẹ còn được gieo trên cánh đồng quê hương. Chiến tranh đã làm cho “đồng làng tan hoang mồ mả ông bà” thì bảo sao mẹ không hy vọng “đồng làng bình yên gặt những mùa sau…”? Thế đó, tình yêu con còn lồng trong tình yêu quê hương đất nước. Có phải nhà thơ cho rằng mọi tình yêu đều bắt nguồn từ cội rễ là quê hương?
Thơ viết về mẹ thường mượt mềm nhưng giọng thơ của “Mẹ gánh ước mơ” thì lại gập ghềnh, khúc khuỷu. Ngôn ngữ thơ có phần thô ráp và gai góc. Đây là “tạng” bút pháp riêng biệt của Phan Hoàng. Có thể nói chủ thể sáng tạo thật có lý khi dùng giọng điệu này, ngôn ngữ này để thể hiện đối tượng trữ tình trong tình huống dữ dội, khốc liệt. Cách kiến tạo không gian thơ đã góp phần không nhỏ làm bật nổi tứ thơ. Tạo ra một không gian dữ dội, khốc liệt của ngày đạn bom loạn lạc là để dẫn người đọc đến một không gian khác rất ấm áp, an bình. Đó là không gian của lòng mẹ, của tình mẫu tử thiêng liêng. Một không gian chỉ có tình yêu, sự chở che và đức hy sinh của mẹ. Chính ánh hào quang từ trái tim người mẹ tỏa rạng đã chắp cánh cho hồn thơ thi sĩ thăng hoa để cho“Mẹ gánh ước mơ” có sức lan tỏa.
TUỆ MỸ
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com