GDVN- Số lượng giáo sư, phó giáo sư những năm gần đây đối với các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn ngày càng giảm.
Vừa qua Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã chính thức công nhận 630 ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Đây là năm có số lượng ứng viên được thông qua nhiều nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, lại có sự chênh lệch lớn về số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận giữa các ngành/lĩnh vực.
Đáng chú ý, năm 2023 có 6 ngành/ liên ngành "trắng" giáo sư bao gồm: Dược học, Giáo dục học, Ngôn ngữ học, Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học, Triết học - Xã hội học - Chính trị học và Văn học.
Không chỉ vậy, theo thống kê, số lượng giáo sư, phó giáo sư những năm gần đây đối với các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn ngày càng giảm. Thực trạng này đặt ra lo ngại vấn đề mất cân đối số lượng giáo sư, phó giáo sư giữa các ngành/ lĩnh vực cũng như ảnh hưởng lớn tới đào tạo các thế hệ kế cận, nhất là trình độ sau đại học.
Quy định đăng bài báo quốc tế là bất hợp lý?
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học chia sẻ: Trong vòng 5-6 năm trở lại đây lĩnh vực Khoa học xã hội nhân văn có số lượng giáo sư, phó giáo sư rất ít, đều ở dưới 2 con số. Trong khi những ngành khác có số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận lên tới cả trăm người. Cơ cấu giáo sư, phó giáo sư giữa các ngành/ liên ngành bị chênh lệch quá lớn.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học. (Ảnh: NVCC)
Năm 2023, liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học có 4 ứng viên được Hội đồng Giáo sư liên ngành đề nghị xét công nhận chức danh phó giáo sư, không có ứng viên nào xét công nhận chức danh giáo sư. Sau quá trình xét duyệt, còn 3 ứng viên chính thức được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư. Đây là một con số rất khiêm tốn.
“Số lượng ứng viên xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư ở liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học sẽ rất khó tăng nếu vẫn còn yêu cầu viết bài báo quốc tế đăng ở nước ngoài như điều kiện cứng hiện nay. Tình trạng thiếu giáo sư, phó giáo sư ở ngành Sử học sẽ tiếp tục diễn ra thậm chí là tệ hơn nữa.
Bởi vì đối với ngành Sử học các ứng viên chủ yếu nghiên cứu và viết về lịch sử Việt Nam. Chính vì thế, nơi thẩm định kiến thức tốt nhất là môi trường Việt Nam. Rất nhiều người nước ngoài viết về các nghiên cứu lịch sử Việt Nam, khát khao được đăng ở tạp chí Việt Nam thế nhưng chúng ta hiện nay lại phải tìm mọi cách để gửi bài qua Rumani rồi Ba Lan để đăng. Tôi cũng không biết là có người đọc hay không”, Giáo sư Vũ Minh Giang nhận định.
Cũng theo thầy Giang, việc giới thiệu lịch sử Việt Nam, hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài bằng cách đó cũng không làm tăng uy tín của nước ta. Bên cạnh đó, đối với các ứng viên, việc tìm tạp chí ở nước ngoài để đăng là điều rất khó vì Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, không thể một tạp chí lại đăng quá nhiều bài về Việt Nam được.
Hơn nữa không chỉ có riêng ngành Lịch sử mà còn rất nhiều ngành khác với hàng trăm nhà khoa học không thể có đủ tạp chí quốc tế uy tín để đăng hết được.
“Tôi cho rằng những quy định cứng đối với nhóm ngành Khoa học xã hội và nhân văn phải đăng bài ở tạp chí nước ngoài là không phù hợp. Thậm chí có nhiều nhà khoa học họ cũng đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng khi biết có yêu cầu này họ không còn thiết tha làm nữa”, thầy Giang nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học cũng khẳng định đây là quy định bất hợp lý chứ không phải ở phạm vi dễ hay khó. Theo thầy Giang cần phải điều chỉnh lại quy định nên khuyến khích các ứng viên đăng bài báo quốc tế chứ không bắt buộc họ phải có bài báo quốc tế.
Thống kê tình hình xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư qua các năm của liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học. (Bảng: Nhật Lệ)
Cần nâng tầm các tạp chí của Việt Nam
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, quy định về bài báo quốc tế nếu trở thành “hàng rào” sẽ dễ sinh ra gian lận. Hiện nay có không ít “trung tâm sản xuất bài” mọc ra để làm việc này, thậm chí là bán bài báo quốc tế và rất nhiều tệ nạn khác.
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Văn Sung - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm khẳng định: “Nhiều thầy cô gặp trở ngại khi xét công nhận chức danh giáo sư vì các bài báo quốc tế uy tín là tác giả chính không nhiều, thường công bố chung với học trò, nghiên cứu sinh, học viên cao học… Mà theo quy định thì ứng viên phải là tác giả chính chứ không phải đồng tác giả.
Đồng thời, các ứng viên phải chú ý đến các tạp chí quốc tế có uy tín chất lượng cao, tránh những tạp chí mà người ta gọi nó ở trong danh sách đen thì chất lượng sẽ không được đảm bảo”.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Văn Sung - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm. (Ảnh: NVCC)
Để khắc phục tình trạng này, theo thầy Vũ Minh Giang thay vì chạy theo đăng bài trên báo quốc tế cần nâng tầm các tạp chí của Việt Nam. Điều này cũng được nêu ra trong Văn kiện của Hội nghị trung ương 8. Mặc dù đây là một vấn đề khó nhưng rất thiết thực.
Cũng theo thầy Giang hiện nay đối với ngành Sử học ở Việt Nam chỉ còn trên dưới 10 giáo sư. Số lượng phó giáo sư cũng chỉ gấp khoảng 6-7 lần con số này. Nếu những năm tới số lượng giáo sư, phó giáo sư không cải thiện thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc đào tạo các thế hệ kế cận, nhất là trình độ sau đại học.
“Ví dụ nếu xây dựng các đơn vị đào tạo trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ thì phải xem đội ngũ giảng viên cơ hữu có ai là giáo sư, phó giáo sư hay không. Nếu không có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đủ trình độ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng đào tạo. Và những thế hệ này còn có trách nhiệm phải đào tạo những thế hệ mai sau. Tiêu chuẩn hướng dẫn nghiên cứu sinh sẽ ít đi… Tất cả sẽ ảnh hưởng theo tính dây chuyền nên nếu không thay đổi sẽ có những hệ lụy khôn lường sau này”, thầy Giang nhấn mạnh.
Cũng theo thầy Vũ Minh Giang, thực tế, ngành Sử học có đóng góp rất lớn cho đất nước. Nhưng chỉ vì một số bất cập trong quy định cứng mà số lượng phong giáo sư, phó giáo sư ít đi. Do đó, cần có những điều chỉnh lại để hợp lý hơn, tránh những hệ lụy sau này.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com