chan_dung-ke_si

RỪNG ĐÊM CUỐI NĂM - Truyện ngắn Nguyễn Bản

26-10-2023

Lượt xem 1623

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Bản

RỪNG ĐÊM CUỐI NĂM - Truyện ngắn Nguyễn Bản

Nhà văn Nguyễn Bản (1931-2023)

 

VNQĐ: Nói đến Nguyễn Bản, người ta thường nhắc tới truyện Ánh trăng. Tất nhiên, Ánh trăng là một truyện hay, đã được dịch ra tiếng Pháp trong tập Terre des éphémeres (Xứ sở của những con phù du) và Vietnam News dịch ra tiếng Anh. Nhưng có những bạn đọc còn thích những truyện khác hơn như: Bức tranh màu huyết thạch, Mùi tóc Thảo, Hành hương giữa hai bờ lau cháy... và nhất là Rừng đêm cuối năm, tác phẩm đạt Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Bắc 1996.

Bản thân tác giả cũng thích truyện này hơn. Vì sao ư? Vì nó được in ở nhiều tập truyện ngắn tuyển chọn và có những tình tiết gắn liền với tác giả như: Một phụ nữ người Tày ấn con mèo vào lòng tác giả bảo: “Anh bế nó đi” và chuyện ngủ đêm nhờ ở bìa rừng với những hổ, dơi là có thật. Tuy nhiên chủ nhà là hai vợ chồng người kiểm lâm nghèo, không con cái. Ngoài ra, khi in ở báo Văn nghệ, một nữ biên tập viên đã trách tôi: “Sao anh ác thế, không cho họ vào với nhau?” Tôi cười: “Nếu là em, em có cho không?”. “Em cho ngay!”. Tôi cũng trách tôi lắm chứ. Nhưng biết làm sao! Nhân vật có đời sống riêng của nó, không ai ép được. Giống như đêm Dumas cho Porthos chết, rồi khóc nức nở. Dumas con hỏi: “Sao bố khóc?”. “Porthos chết rồi!”

Nhà văn Nguyễn Bản

 

Anh nghe tiếng chị đổ phịch xuống giường và bật khóc. Bây giờ thì thủ đô, làng Hoàng Mai của chị, đã sắp kỷ niệm giải phóng năm mươi năm. Có lẽ chị đã thôi khóc được gần năm mươi năm. Nước mắt ấy đã lâu lắm rồi. Nhưng nỗi kinh hoàng đã phải trải qua thật là nghiệt ngã.

Năm ấy Toàn xin nghỉ phép về nơi gia đình tản cư ăn tết. Ròng rã bảy ngày đường, cuối mùa đông mà sau lưng mồ hôi vẫn đầm đìa, về đến nơi, gia đình đã hồi cư, cả gia đình người yêu cũng đã hồi cư. Đành phải quay lại Hà Giang ăn tết cơ quan, mà phải đi nhanh, đi cố, gặp đâu ngủ đấy, mới khỏi lỡ tết ở dọc đường.

Sáng ngày thứ năm, cũng là ngày 28 tết, chỉ còn cách Hà Giang non sáu chục cây số. Lúc ấy đã nhá nhem, anh rẽ vào một ngôi nhà cô quạnh ở bìa rừng. Xung quanh nhà rào nứa, cổng khép im lìm không tiếng vật, tiếng người. Anh thấy hơi ngại ngùng, nếu không có mùi khói từ trong nhà tỏa ra, có lẽ anh đã không đẩy cổng vào đánh tiếng. Một người đàn bà từ trong nhà ló đầu ra. Toàn nói đi trả phép lỡ đường xin ngủ nhờ.

Cửa liếp chống lên. Người đàn bà còn trẻ, đôi mắt to sâu, u buồn, giọng trầm. Trong bóng tối nhu nhơ, sự trống trải ngay phút đầu đã gây cho anh một tâm trạng phân vân bối rối. Một ngọn đèn dầu mù mờ trên chiếc giường tre lạnh lẽo với đống chiếu sát vách. Đống củi sưởi lập lòe trên nền đất gian bên, một bộ ấm chén bên cạnh. Ngoài ra không có gì, kể cả bát đĩa nồi niêu. Vật dụng có lẽ đều chứa trong gian buồng bên trái. Căn nhà thật trống trải, đã thế mấy con dơi cứ chao đi chao lại vun vút, âm thanh sắc lạnh như trong hang đá. Lòng nhà hẹp mà mọi thứ cứ như rời rạc, tách biệt hẳn nhau ra. Người đàn bà, đống lửa, chiếc giường tre, ấm chén... Không hiểu sao, Toàn thấy hơi rờn rợn, ngần ngừ chưa muốn tháo ba lô.

- Nhà đi đâu cả chị?

Chủ nhà nhìn anh, chạy lại bên đống lửa, đẩy củi, một lúc miễn cưỡng trả lời:

- Có mỗi mình tôi thôi.

- Vậy tôi nghỉ ở đây...

Toàn lúng túng đưa mắt hỏi.

- Không tiện chứ gì? Nhưng sáu bảy cây số nữa mới có nhà.

- Sáu bảy cây số... độ tiếng rưỡi thôi, tôi đi cũng được. Chào chị.

Toàn vừa nói vừa quay ra.

- Khoan đã.

Đến lượt người đàn bà bối rối.

- Vùng này nhiều hổ lắm. Đêm qua nó vừa phá rào chui vào bắt của tôi con chó.

Nhìn mắt người đàn bà, thấy lộ vẻ băn khoăn lo lắng. Như chợt nhớ ra, chị vội nói tiếp:

- Cách đây hai tháng, một con trâu đực đầu đàn ghì chết một con hổ vào vách núi. Khi gỡ ra, mấy giờ sau con trâu cũng chết.

Toàn đứng lặng đi ở bậc cửa, phân vân. Anh đã từng đi đêm một mình trong rừng và còn lạc nữa. Một lần, xuống công tác xã, từ nơi họp đêm về bản anh ở chỉ non cây số, nhưng đến một con suối nhỏ cắt ngang, phải lội dọc suối một quãng ngắn mới sang đường mòn đi tiếp, đang lội đuốc tắt, anh phải lộn đi lộn lại dưới lòng suối, lần sờ mép bờ, mãi mới tìm ra lối sang. Nhưng lần ấy có non cây số, qua suối một đoạn đã hết rừng. Đêm nay, những sáu bảy cây, rừng miên man, lại nhiều hổ. Đôi mắt, giọng nói người đàn bà quá ư thành thật…

- Thôi, anh bỏ ba lô ra, chẳng qua tản cư, kháng chiến, chúng ta mới phải thế này - Giọng người đàn bà quả quyết, chị chỉ chiếc giường tre - Anh ngủ ở đây, còn tôi ngủ trong buồng cơ mà.

- Vâng, đành vậy. Nghe chị nói, tôi cũng hơi rờn rợn.

Toàn quay vào đặt ba lô xuống giường tre.

Người đàn bà khêu to đèn, dẫn anh ra rửa ráy và chỉ lỗ hàng rào gần giếng:

- Đấy, đêm hôm qua đấy!

Quả thật lỗ nứa xô to bằng miệng thúng.

 

Sau khi đã sập cửa, cài then cẩn thận, người đàn bà hỏi anh đã ăn uống gì chưa, rồi vào buồng lấy sắn bảo nướng ăn cho vui. Toàn bóc sắn và định vùi ngay vào than.

- Ồ, không, anh phải dựng lên một lúc cho khô đã, rồi mới vùi, mới không lấm tro.

Vừa nướng sắn, anh vừa trả lời những câu hỏi của chị, làm gì, cơ quan nào, gia đình ư, đã hồi cư, về phép tết rồi quay lại.

- Còn chị, sao lại ở đây có một mình?

- Nhà tôi mất cách đây hơn nửa năm rồi.

Đôi mắt to bỗng lơ đãng hẳn đi.

- Bị bệnh à?

- Sốt rét ác tính.

- Chị ở đâu tản cư lên?

- Chúng tôi ở Hoàng Mai.

- Hoàng Mai ở chợ Mơ đi xuống à?

- Phải đấy.

- Hồi bé tôi đã đến chữa bệnh ở đấy vài ba tháng. Nhà có cây ngọc lan to bằng người ôm, sáng sáng tôi vẫn ra nhặt hoa rụng.

- Đấy là nhà cụ Lan Hòa rồi, tôi ở gần đấy.

- Sao lại chạy lên tận đây?

- Mới đầu chạy sang Vân Đình, rồi dạt dần lên Phú Thọ, Đoan Hùng, sang Tuyên Quang rồi lên đây.

- Anh ấy làm gì?

- Nhà tôi vào rừng đốt ủ than hoa, còn tôi buôn bán nhì nhằng, nấu rượu. À, anh uống chén rượu cho ấm bụng nhé?

- Cảm ơn chị, tôi không biết uống. Tết này, chị có gói bánh chưng không?

- Có chứ, mai tôi mới gói, mấy cặp thôi, còn để cúng nhà tôi, những như một mình tôi, mà thôi, buồn lắm.

Chị không nói tiếp nữa.

Sắn nướng rất ngon, rất thơm. Lửa cháy rừng rực, bập bùng in trong đôi mắt to và sáng. Lần đầu tiên anh ngồi gần đàn bà, lại trong đêm tối bên đống lửa vắng vẻ hoang vu. Người đàn bà hơn anh vài ba tuổi, tuy không đẹp, gò má hơi cao, miệng hơi rộng, mắt dài và to. Mọi thứ đều như hơi quá cỡ, nhưng lại cứ như đang bốc cháy dần lên cùng với lửa, và từ đó tỏa ra một mùi gây gây pha mùi khói ám, đến là khó chịu.

Toàn hỏi cho có chuyện.

- Chị định ở đây đến lúc kháng chiến thành công à?

- Đành vậy, biết đi đâu. Mỗi lần chạy một lần làm nhà.

- Nhưng ở đây...

- Vâng. Dạo còn nhà tôi cũng chẳng hưu quạnh lắm đâu. Bây giờ lắm lúc buồn phát ốm.

Người đàn bà thở dài. Chẳng hiểu sao, Toàn cũng thở dài theo. Cả hai cùng lặng lẽ cời lửa. Bỗng mắt chị tự dưng vụt sáng, chăm chú lắng nghe rồi hỏi:

- Anh có nghe thấy tiếng gì không?

Đúng là có tiếng lép bép ở đâu đó rất xa.

Bốn năm năm ở rừng, Toàn không lạ gì tiếng đó, nhưng vẫn giả vờ:

- Tiếng nai hoẵng thì phải.

- Anh không biết thật à? Hổ đấy. Bây giờ chắc anh tin tôi rồi chứ?

- Đêm hôm qua lúc nó vào, chị có biết không?

- Có chứ. Con chó tru lên, cuống quýt. Khổ thân nó. Nhưng anh bảo làm sao tôi dám ra mở cửa cho nó vào.

Tiếng đánh lưỡi gần dần. Chị đẩy mấy khúc củi cho cháy to hơn, nói bâng quơ:

- Chắc nó quen mui.

Toàn quay về phía liếp, nhìn khe cửa dưới cái toang tre. Cái toang tre khá to, khá chắc chắn. Nhưng khe cửa thì không có gì chắc chắn cả. Trong nhà không có lấy một cái gậy nào. Anh hơi yên tâm khi nhớ ra thanh củi dài, to hơn bắp chân đang cháy.

Tuy vậy, cảm giác rờn rợn vẫn không rời. Một con dơi bay sạt đầu làm anh giật mình. Cùng lúc ấy, một con mèo mướp nhỏ từ trong buồng chạy ra, cuống quýt rúc vào người chị.

- Nó sợ đấy.

Vừa nói, chị vừa bế nó lên, áp má vào, xoa xuýt: “Ôi, thương lắm, quý lắm, chiều lắm!... Bây giờ chỉ còn hai mẹ con mình thôi!”. Chị ép chặt nó vào ngực, đung đưa như ru trẻ, đầu hơi cúi xuống như quên hẳn anh đang ngồi cạnh, như chỉ còn riêng mình với nó, như đêm đêm vẫn thường vậy chứ chẳng phải chỉ đêm nay. Ngoài rừng, tiếng lép bép vẫn lúc xa lúc gần. Trong nhà, dơi vẫn chao đi, chao lại, vun vút, sắc lạnh. Khủng khiếp quá. Đêm đêm cứ như thế này ư? Và đêm mai, đêm ngày kia, ngày kìa nữa? Trong lòng Toàn bỗng trào lên một niềm thương xót vô bờ. Anh muốn ôm lấy người đàn bà, bế lên áp má vào, xoa xuýt:  “Ôi, thương lắm, tôi thấu hiểu hết rồi!”. Người anh run lên. Chừng như cũng nhận ra điều gì khác thường, người đàn bà ngẩng lên, mở to đôi mắt:

- Anh bế nó đi!

Người đàn bà vẫn nhìn anh không chớp, hai tay đưa con mèo cho anh như thể đưa con. Anh còn đang ngần ngừ lúng túng, chị đã ấn luôn con mèo vào. Cả anh và nó đều bị bất ngờ, anh chưa kịp đỡ lấy hoặc hất tay ra, con mèo đã hoảng hốt quào anh, nhẩy lùi lại, chui tọt vào gậm giường.

Chị bật cười. Lần đầu tiên chị cười. Cái cười thật thoải mái và lúc này trông cũng đẹp. Toàn cũng bật cười theo:

- Chị làm nó sợ thêm rồi đấy!

- Sao anh không bế nó?

Người đàn bà nhìn vào đống lửa, môi mím lại, mắt sầm tối. Toàn bỗng thấy bứt rứt. Tại sao anh không bế nó ư? Nhưng anh đã định bế hay không bế đâu. Nhưng tại sao anh lại phải chần chừ? Nó đang sợ, nó đang cần bế kia mà. Mùi gây gây ám khói vẫn còn đang ngậy lên. Nhưng con hổ đã đi xa rồi. Nó không bép bép đánh lưỡi nữa. 

Một lúc người đàn bà ngáp khẽ:

- Mấy giờ rồi anh?

Toàn xem đồng hồ:

- Gần mười một giờ.

- Thôi anh đi ngủ đi. Có lẽ anh cũng mệt. Anh ngủ chiếc giường kia. Đắp thêm chiếu vào. Chiếu mới cả đấy. Cái chăn trấn thủ của anh không chịu nổi đâu. Đêm ở đây lạnh lắm.

Chị vừa nói vừa cho củi cháy to, bảo cho anh đỡ rét, hổ thấy lửa cũng kiêng.

Mặc dầu hôm ấy đi tới hơn bốn mươi cây số, đi nhiều nhất so với mấy ngày trước đấy, mỏi mệt, Toàn vẫn mãi không ngủ được, phần vì rét, đêm ở đây quả thực lạnh kinh người, phần vì những điều xảy ra không ngừng làm xáo trộn lòng anh. Đắp thêm hai cái chiếu mà vẫn rét. Kéo chăn che kín đầu cho ấm thì tiếng dơi chao nghe bức bối làm sao, và không nhìn thấy gì càng bức bối. Để chăn hở đầu thì rét, thêm nữa ánh lửa bập bùng, mùi khói, mùi gây khét mơ hồ như vẫn lượn lờ, càng thêm khó ngủ. Thỉnh thoảng anh lại nhìn về khe cửa liếp, nghĩ vẩn vơ, sao người ta bảo hổ sợ nứa, cái lỗ hổng nó phá chẳng là nứa đấy ư? Cái khe cửa này có chắc chắn hơn hàng rào mắt cáo kia không? Toàn xoay người nhìn khúc củi to đang cháy. Nó chỉ còn dài hơn nửa sải tay. Miễn là đừng cháy hết... Chị ấy đã ngủ chưa nhỉ? Người chồng mất đã hơn nửa năm nay. Hơn nửa năm là bao nhiêu đêm? Đêm nào cũng ôm ấp con mèo như thế ư? Chị ấy vẫn thỉnh thoảng vật vã trở mình. Chắc cũng không ngủ được.

Toàn hai lần dậy đến đẩy củi cho khỏi tắt, cho đỡ lạnh. Hơn mười hai giờ. Lần sau một giờ. Lần nào cũng ngồi lại bên đống lửa tới mươi phút. Vừa để sưởi ấm, vì càng khuya, càng buốt giá, vừa như chờ đợi một cái gì đấy. Cái gì nhỉ? Thân phận con người? Kháng chiến? Rừng hoang vu và hổ? Tết đến nơi rồi, mùi gây gây khói ám, anh ngửi thử mùi áo trấn thủ của mình.

Không rõ lúc nào thì anh ngủ được, ngủ thiếp đi, mê mệt, đến nỗi có lúc anh vừa ngủ vừa nghe thấy tiếng ngáy của chính mình.

Nhưng chính lúc anh đang thiếp đi như thế, một cái gì đó bỗng vồ lên chân anh. Anh hoảng hốt, đạp một cái thật mạnh, hất luôn chăn chiếu và chồm dậy. Lửa đã tắt. Chỉ còn than hồng vẫn rực đỏ.

- Cái gì thế?

Người đàn bà từ trong buồng đánh tiếng.

- Con mèo, tôi đang ngủ say nó vồ lên người.

- Nó vồ dơi đấy.

Phải, đúng là nó vồ dơi. Và anh đã đạp nó văng vào vách liếp. Rõ ràng như thế, nhưng cảm giác kinh hoàng vẫn ớn rợn trong anh. Anh tưởng như đang ở trong một hang núi xa xưa âm u, nhờ tối... ở đó bất cứ giống gì, mèo, dơi, hổ đều có thể gây nên nỗi kinh hoàng cho anh và cho chị vì trong hang chỉ có hai người.

Chị cũng đang trăn trở. Từ trong buồng, chị lại hỏi gióng ra:

- Anh chưa ngủ đấy chứ?

- Chưa.

- Lửa tắt rồi à?

- Tắt rồi nhưng vẫn còn than.

- Sao anh không nhóm lên?

- Tôi dậy nhóm hai lần rồi.

- Tôi cũng biết cả. Anh nhóm lại nữa đi. Đêm nay lạnh quá.

Nhóm lại ư? Một đống lửa hồng để xua đi bóng tối và buốt giá. Rồi từ đống lửa sẽ bước ra một người đàn bà, mắt to, u buồn, mùi gây khét ám khói, mùi rừng, mùi thú cái. Cái mùi có lúc đã làm anh hơi nôn nao, áo quần anh tưởng như cũng đã lây mùi. Liệu anh sẽ xử trí ra sao, sẽ bỏ chạy, sẽ xua đuổi, hay sẽ cởi quần áo đeo lá vào, cùng nàng nhảy múa quanh đống lửa như cặp người mông muội? Anh biết mình đang nghĩ lung tung. Nhưng những ý nghĩ lung tung ấy vẫn cứ bám riết anh, anh không muốn kéo dài nhưng không thể chấm dứt. Anh như một kẻ rất thèm chơi nhưng lại sợ mình thua cuộc, trắng tay cả với mình.

Người đàn bà vẫn vật vã trở mình.

Nhưng rồi do thức quá khuya, mỏi mệt, anh cũng chợp mắt được, tuy không say lắm, chập chờn nghe thấy tiếng hổ đánh lưỡi, không rõ mơ hay thực. Anh mở mắt. Một bóng đen lù lù gần mép giường. Anh hoảng hốt nhảy vụt về phía cuối giường, thủ thế.

- Anh làm gì thế, tôi đây mà.

- Ôi, chị làm tôi hết hồn.

- Anh không nghe thấy gì ư? Gần lắm.

Quả thật, tiếng bép bép rất gần.

- Chị sợ à?

- Tôi sợ, không hiểu đêm nay làm sao ấy, tôi sợ lắm.

- Tôi ra nhóm lửa lên nhé!

- Vâng, để tôi vào lấy sắn nướng ăn thêm, không ngủ được chóng đói lắm.

Sắn nướng rất ngon, rất thơm. Tiếng người, ánh lửa có lẽ đã làm cho con hổ bỏ đi. Mấy con dơi lúc này cũng đâu mất, không chao đi, chao lại nữa. Chỉ còn thấy ấm cúng, bình yên.

- Anh ăn mấy cái tết xa nhà rồi?

- Ba.

- Tết ở cơ quan có vui không?

- Vài ba người, ngồi đánh cờ, rồi đến bữa kéo tới nhà anh em có gia đình.

- Hay là anh...

- Chị bảo sao?

- À không... tôi định bảo... giá ở gần, các anh kéo đến đây cho vui, nhưng xa quá.

- Vâng, xa quá.

- Thôi anh đi ngủ đi, còn gần sáu chục cây số nữa cơ đấy. Mấy giờ rồi?

- Ba rưỡi.

- Từ giờ tới sáng, chắc nó không quay lại nữa đâu. Thế là thoát, phải không anh?

Chị vừa nói vừa đứng lên, nhưng vẫn nhìn anh, đôi mắt như thầm hỏi tiếp: Thoát cái gì mới được chứ? Sự sợ hãi, nỗi kinh hoàng, sự nhút nhát, hay cái gì, cái gì mới được chứ?

Con mèo mướp từ đâu lại ra quấn vào chân chị. Chị lại bế nó lên, ghì chặt nó vào ngực, loạng choạng đi vào buồng, “Ôi, thương lắm, thương mày lắm, mèo ơi... bao giờ thì kháng chiến thành công?”. Giọng chị nghẹn ngào.

Từ nhà ngoài, anh nghe thấy tiếng chị đổ phịch xuống giường, và chị khóc. Lên giường nằm rất lâu, anh vẫn còn nghe chị khóc, tiếng khóc rất thầm rất khẽ, cố nén để khỏi bật ra. Mấy lần Toàn đã định chồm dậy, đẩy cửa vào lau nước mắt cho chị. Sau này, nhiều lần anh còn gặp lại nước mắt của đàn bà, mỗi người một khác, nhưng chưa bao giờ cô đơn, đau đớn, nghiệt ngã đến thế, nghiệt ngã đến vô cùng.

Sáng hôm sau, anh ngủ dậy rất muộn, nhìn đồng hồ đã gần bảy rưỡi.

Người đàn bà đã dậy từ bao giờ, đôi mắt to quầng trũng, đang chải đầu trước cửa.

Khi anh ra rửa mặt, chị theo ra và chỉ cho anh vết chân hổ mới ngay gần giếng:

- Anh xem!

- Chị phải rào lại cái lỗ hổng kia đi.

- Tôi cũng định hôm nay rào lại.

Mọi nỗi kinh hoàng dù sao cũng đã qua đi, tiếng dơi chao, mùi gây gây khói ám, tiếng bép bép xa và gần...

Hai hôm nữa là tết.

 

Cùng tác giả:

TẦM TÃ MƯA ƠI - Truyện ngắn Nguyễn Bản

ÁNH TRĂNG - Truyện ngắn Nguyễn Bản

NỢ TRẦN GIAN - Truyện ngắn Nguyễn Bản

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.