05-05-2023
Lượt xem 1646
Đánh giá 1 lượt đánh giá
Nguyễn Bản
Mưa dầm dề, sùi sụt mấy ngày liền. Ngõ xóm lầy lội. Không ai muốn bước chân ra khỏi nhà, kể cả những người chuyên đi xem nhờ nhà hàng xóm. Thế mà tối, chị đội nón, khoác vải mưa lặn lội tới nhà Mận. Con trai Mận học bài xong đã ngủ rồi. Chị lặn lội tới nhà Mận để khóc. Chị leo lên giường Mận, nằm vào trong, thu người lại, nằm cò queo rồi khóc. Chị phải nằm cò queo, vì dưới chân, vướng chiếc hòm quần áo của Mận. Chị nằm cò queo, ngoảnh mặt vào tường, vì chị không muốn nhìn vào đâu cả. Chị muốn nhìn vào lòng mình, nghe tiếng mưa rơi. Chị bảo chị nhớ con, nhớ quá. Chị bảo, mưa thì mưa, mai chị cũng phải đi. Chị đến để chia tay với Mận, và chưa biết đến bao giờ mới gặp lại nhau, chị bảo chưa đi chị đã nhớ Mận, nhớ mọi người, nhớ làng xóm rồi. Nhưng chị còn nhớ con hơn. Mai chị phải đi. Con em dâu đã hẹn, nói chỉ chờ chị ở Ðồng Ðăng nhiều nhất là hai ngày, nếu không nó sẽ đi trước. Nó đi trước, chị sẽ không biết đằng nào mà lần. Tiếng chị chưa biết nhiều, vả lại tiếng mỗi nơi mỗi khác, lại không có nhiều tiền. Mọi người, bố mẹ, anh chị em, mỗi người cho chị một ít, người dăm chục, người vài ba chục, được ngót năm trăm ngàn, tính ra khoảng ba trăm tệ. Năm chục tệ, chị mang về, mới chỉ tiêu chưa hết hai chục tệ, mua mất gói kẹo gọi là có chút quà cho bố mẹ và các cháu, thế thôi. Trung Quốc tràn trề hàng hóa, hoa quả to ngon, bổ dược. Nhưng chị nghèo, nghèo lắm và còn nợ đầm đìa. Lúc về trong nhà chỉ có hơn một trăm tệ, chưa tới hai trăm nghìn tiền mình. Chồng chị bảo:
- Mày cầm về cả, ba bố con ở đây sống bằng gì?
Vì vậy, chị chỉ mang theo năm chục tệ. Con em dâu ứng tiền xe, tiền ăn đường cho chị. Nó quê ở Thái Nguyên. Nó đã bốn lần lấy chồng Tàu, hai lần ở Quảng Ðông, một lần ở Quảng Tây, và bây giờ là em dâu chị. Nó về cùng chị. Nó có tiền. Nó về là để kéo người đi. Nói xui chị về kéo Mận đi - Chị kể chuyện về Mận với nó. Chị bảo Mận trắng trẻo, đẹp gái, cao hơn, đẫy đà hơn và ít tuổi hơn chị. Nó bảo nếu vậy, gặp chỗ khá, có thể được mấy vạn tệ, bét nhất cũng một vạn. Nó sẽ tìm được người mua ngay. Chị sẽ có tiền trả nợ. Vợ chồng chị hiện còn nợ hơn năm nghìn. Ba nghìn chồng chị vay để mua chị. Hai nghìn vay để góp tiền làm ma mẹ chồng. Con Tị bán chị được ba nghìn, cho bà mối hai trăm trừ năm trăm nghìn tiền Việt đưa cho chị để biếu bố mẹ lúc ra đi, trừ tiền tàu xe đem chị sang Tàu, tiền nuôi ăn nửa tháng, tiền mời y sĩ tới chữa hen cho chị, tất cả khoảng bốn trăm, còn lại khoảng hai nghìn nó hưởng. Chị không biết ngay khi chị ra đi, Mận đã đón được con về, đến nay đã gần được năm năm rồi, con Mận đã học lớp tám.
Nghe chị vừa khóc vừa kể lộn xộn, Mận phẫn uất ngắt lời:
- Mẹ nó, thế thì khác nào mình đi vay nợ để mua chính cái bản thân mình cho kẻ khác.
- Lúc đầu, cũng tưởng được dăm trăm nghìn đó, gọi là đền đáp chút công sinh thành của bố mẹ, bây giờ lại ngửa tay nhận lại dăm trăm nghìn mọi người cho, mày bảo có tủi nhục tao không?
Chị khóc nấc lên.
Làng chị như vậy đã có tới năm người sang lấy chồng Tàu. Người nọ kéo người kia đi. Làng đã nghèo, lại toàn những cảnh hẩm hiu, lỡ làng. Lần ấy con Tị cũng gạ Mận. Nó bảo chẳng giàu sang, phú quý lắm, nhưng cũng sướng hơn ở làng nhiều. Nó bảo nó mang về hai chục triệu. Chẳng biết đúng hay không, nhưng nó biếu bố mẹ hai triệu, anh em mỗi người một trăm nghìn, các cháu mỗi đứa năm chục nghìn thật.
Chị bảo như có ý trách Mận:
- Lần ấy, mày không bỏ tao vào Buôn Mê Thuột, tao cũng chẳng theo nó đi đâu.
- Chán chị chưa, em vào là để đón con em về kia mà.
Phải, Mận vào là để đón con về. Khi bố nó đem nó vào, hắn nói dối cho vào chơi ít lâu, đỡ nhớ con. Rồi biệt tăm. Hai năm sau hắn ra đòi ly hôn. Mận khóc. Hắn bảo, đằng nào cũng chót có con với người khác rồi. Hắn bảo, hắn biết tính Mận, không đời nào chịu cảnh chồng chung, không đời nào Mận chịu bỏ làng vào sống chung trong ấy. Hắn bảo để hắn nuôi con. Hắn có điều kiện hơn. Hơn nữa, Mận đỡ vướng, dễ lấy chồng. Nhưng chỉ một năm sau đó, hắn xác xơ khánh kiệt. Hắn thuận để Mận đón con về.
Chị thở dài:
- Cũng là cái số cả. Tao cứ tưởng mày vào, nó dỗ ngon, dỗ ngọt sẽ ở luôn trong ấy, thiên hạ bây giờ thiếu gì cảnh chồng chung. Như tao ấy, chỉ mong làm lẽ cũng không xong. Vì thế mày đi rồi, tao mới theo con Tị.
Tên chị là Bùi, đặt vần theo tên chị gái là Ngọt. Nhưng chưa bao giờ chị được nếm vị ngọt bùi. Số phận quá nghiệt ngã với chị. Chị đã đen, lại xấu, mắt một bên lại hơi bị nhài quạt, lại mắc bệnh hen. Nhưng chị hiền, sởi lởi và tốt bụng. Mận chơi thân với chị từ lúc mười bốn, mười lăm tuổi, từng đi dân công hỏa tuyến với nhau, cùng nhau đi nhổ rau má bờ đê, đi tuốt kê cỏ về chống đói, những năm Mận làm được tới gần bốn trăm công mà chẳng được cân thóc nào, lại còn bị âm gần bốn chục cân thóc, những năm đa số dân làng sống bằng thóc rơm, rau má và kê cỏ. Hai mươi tuổi, Mận lấy chồng, tình bạn nhạt nhòa đi đôi chút. Rồi bẩy năm sau xảy ra chuyện Buôn Mê Thuột, tối tối, Mận lại ra nhà chị, ôm nhau và khóc với nhau. Ngôi nhà hai gian lợp ngói móc, bố chị làm cho ở một góc vườn. Ngói loại hai, loại ba vênh váo, mưa hắt dột khắp giường, hai người nằm cạnh nhau, nghe tiếng giun dế và than thân trách phận.
Chị tâm sự, thật ra chị chỉ cần một đứa con. Nghèo cũng được, khổ cũng được, nhưng là đàn bà mà không được làm mẹ thì không chịu nổi. Chị bảo, chị chỉ mong làm lẽ thôi cũng được. Nhưng bọn đàn ông đều muốn vợ lẽ phải trẻ hơn, đẹp hơn vợ cả. Mà chị thì xấu quá. Muốn đi kiếm bừa của một thằng đàn ông nào đó, một lão già cũng được, nhưng cũng không nổi. Bọn đàn ông kháo nhau, dưới Vạn Linh, gái ế mà lại xấu, muốn kiếm con phải mất một chỉ vàng, nhưng cũng chỉ được của thằng đánh rậm. Thật ra đã có một kẻ hỏi chị làm vợ lẽ. Trông cũng khỏe mạnh, tươm tất. Nhưng nó lại là thằng tù về. Nó trộm gà, trộm chó nhiều lần, lần cuối cùng bị bắt quả tang - Tù thì tù, chị cũng bằng lòng, nếu không, mã người như thế nó đã chả thèm đến chị. Mẹ chị cũng bằng lòng. Anh em chị đều bằng lòng. Nhưng bố chị không chịu. Bố chị quát:
- Bà thích con rể biếu thịt gà, thịt chó lắm phải không? Bố chị vốn chỉ là một anh đồng nát bán hàn nồi, tới một làng khác, hàn nồi cho mẹ chị, lúc đó đang là một gái góa. Ông ta làm tới gần tối mới xong, đành phải nhờ nấu cơm ăn, rồi lại nhờ đi mua rượu.
- Sao ông đưa nhiều tiền thế này.
Ông ta cầm tay cô gái góa đẩy đi:
- Cứ cầm lấy, mua cho tôi loại thật ngon vào.
Ông ta uống hơi nhiều, rồi say, đi không nổi, lảo đảo ngã vào giường. Phải mất đến ba lần nhờ mua rượu, lần thứ tư, ông mới đón cô gái góa, cùng đứa con gái riêng, chính là thị Ngọt về nhà mình. Về đến nơi, mới biết hóa ra làm vợ lẽ. Nhưng trong bụng đã chót có chị rồi, và thời buổi ấy đâu có chuyện nạo hút thai dễ như bây giờ.
Mẹ chị cãi:
- Cứ làm như nhà mình danh giá lắm ấy. Chẳng qua cũng đồng nát chứ ngọc ngà châu báu gì.
Bố chị đập bàn:
- Ðồng nát có danh giá của đồng nát. Ðồng nát đem đúc lại cũng thành tượng đồng, chuông khánh để thờ.
- Thì tù tội tu tỉnh lại cũng thành người chứ sao, chả khối người tù tội cũng ông nọ, bà kia.
- Hừm, bà đang dạy con cái thói nóng đít rồi đó.
- Phải, mẹ con tôi nóng đít, nóng đít nên mới bồng bế nhau theo ông về ăn đồng nát nhà ông.
Bà khóc. Bà bù lu, bù loa đay nghiến thân phận bà. Gã đàn ông nghe chuyện chuồn thẳng. Mận thật thà hỏi chị:
- Chị bảo chị cần kiếm đứa con, sao không bảo thẳng nó, sợ chó gì.
- Nhưng nó lại là đứa đứng đắn. Nó bảo dù lẽ, cả gì cũng phải phép tắc cưới xin, cẩn thận. Mấy tối ngồi bàn chuyện ở bờ đê, nó ngồi cách ra, ngay ngắn, không ngả ngốn, bờm xơm, nên tao sợ nó khinh cho.
Chị kể, ít lâu sau đó, một tay y sĩ về hưu, từ tỉnh bên cạnh đến lang thang chữa bệnh ở làng. Hắn đến chữa hen cho chị, vạch mông chị ra tiêm. Tuy chị đen, nhưng mông cũng trắng. Tiêm xong, hắn day mãi, bảo cho tan thuốc, nếu không dễ bị áp xe. Tối, hắn ăn cơm và nghỉ lại. Tờ mờ sớm, chị dậy nấu cám lợn dưới bếp. Hắn mò vào bảo ngồi sưởi ấm, đêm lạnh quá không ngủ được, rồi vật chị ra. Chị cho ngay, không phản ứng gì. Chị đang muốn thế. Nhưng không kết quả. Mà hắn lại về quê hắn mất rồi. Hắn nhắn, nếu muốn chữa bệnh hen cho khỏi hẳn, thì xuống nhà hắn. Chị nghĩ nhiều lắm. Người ta còn phải mất một chỉ kia mà. Mà lại chỉ của thằng đánh rậm. Ðằng này y sĩ hẳn hoi. Chị mò xuống quê hắn hỏi thăm nhà. Y sĩ nào, làng này làm gì có ai là y sĩ. à, tay y tá bị đuổi việc ấy à, lối cuối xóm kia kìa. Chị chép miệng, mặc kệ, còn hơn thằng tù, đã chót đi mấy chục cây số, chẳng lẽ lại về không. Nhưng con vợ hắn đáo để quá. Ðêm, hắn dậy đi giải, vợ hắn cũng đi giải, hắn dậy vờ hút thuốc, vợ hắn cũng dậy vờ khát nước... Hơn một tuần, chẳng nước non gì, chị đành khăn gói ra về.
Chị bảo Mận:
- Tao xấu quá, nếu được như mày, có khối đứa thèm. Khối đứa thèm Mận thật. Ðứa thì vợ đẻ toàn con gái. Ðứa con gái, con trai đủ cả, nhưng vợ lại mắt trắng môi thâm. Nhiều đứa ở xa cũng mò tới. Thằng chủ cá, đứa xe ôm, thằng thợ may, đứa thợ gò hàn. Mận cười bảo:
- Về bỏ vợ đi rồi hãy đến.
- Nhưng anh để em ở riêng cơ mà. Nếu cần em vẫn cứ ở nhà em, làng em.
Mận bĩu môi:
- Thôi đi, anh hãy để của quý của anh mà dùng, nhà tôi không có mả chồng chung.
Mận đuổi đi có tới cả một tá. Nhưng trong lòng, không phải Mận không ước ao, thèm khát. Ðến nhà ai, thấy vợ chồng người ta âu yếm nhau, Mận thèm lắm. Mận mong gặp được ai đó. Nhưng người ấy như thế nào nhỉ. Mận đã ba mươi, đã gái xề. Mận lại nghèo, chẳng hơn gì chị. Vậy người như thế nào sẽ chịu lấy Mận. Mận không thể hình dung ra nổi người ấy. Nhiều lúc Mận cũng muốn dấn thân, mặc cho số phận, đến đâu thì đến. Lắm lúc Mận như con dở: Hai người đang nằm khóc, Mận ngồi bật dậy diễn "Súy Vân giả dại" cho chị nghe. Rồi Mận bắt chước kẻ khóc chồng. "ới anh ơi, sao anh nỡ bỏ mẹ con em ở lại, anh đi thế này, bây giờ hồn anh lang thang vật vờ ở đâu..." Rồi Mận khóc thật, khóc như mưa. Rồi hai người lại cùng khóc. Mận nhớ con điên dại. Rồi Mận biên thư cho hắn. Rồi hắn thuận để Mận đón con về. Rồi Mận đi Buôn Mê Thuột. Và chị theo con Tị sang Tàu.
Bây giờ Mận sống vững vàng cạnh con. Con Mận đã học lớp tám. Nó đang ngủ say tít chẳng biết hai người nói chuyện gì. Chị hỏi:
- Nghe nói bây giờ học hành tốn kém, phải đóng góp nhiều khoản tiền lắm phải không.
- Tốn kém lắm, em đến phát sợ.
- Vậy mày xoay sở cách nào. Trông vào mấy sào lúa sao đủ được.
- Ðủ nghề chị ạ. Ðông xuân đi chợ cá, hè đi bán giát giường, mùa thu đi bán chè. Nhưng kiếm được dăm ba nghìn, cũng có khi một vài chục nghìn, cũng khốn nạn lắm.
Mận kể chuyện đi bán chè. Mua xong, thằng thì vuốt má: "Em xinh quá!", thằng thì cầm tay "tháng sau, nhớ đến nhé". Có thằng trắng trợn thộp luôn vào ngực. Có thằng pha thử một ấm to rồi chê không mua. Mận nói luôn: một lạng chỉ được năm sáu ấm, mất năm trăm của em rồi đấy. Nó sĩ diện quăng năm trăm ra trả.
- Em đút túi liền, mẹ nó chứ, nửa quyển vở của con mình đấy.
- Ði giát giường tươm hơn phải không?
- Tươm hơn, nhưng cũng khốn nạn hơn, lắm lúc nghĩ như mình đang ăn thịt chính mình.
Mận kể, có lần Mận đạp xe đi gần bảy mươi cây số đến tận mỏ Ðông Triều. Ðến nơi chỉ bán được mỗi một cái. May mà ngủ, ăn cơm nhà bà Thỉnh người làng, không thì tiền lãi không đủ ăn cơm hàng ngủ trọ. Hôm sau về sớm đến nông trường Sao Ðỏ, Chí Linh, đành bán hòa ba chiếc, chả lẽ lại đèo về. Một lần rẽ vào một ngõ núi, một thằng mặt non choẹt hỏi mua. Mận nói năm mươi nghìn. Nó bảo: "Thôi, anh cứ trả ba nhăm nghìn, nếu bằng lòng mang vào lắp thử, rồi anh em mình cùng nằm thử với nhau". Mận đã định nói chua: "Tao có nằm thử thì thử với bố mày, chứ đâu với mày". Nhưng vắng vẻ sợ nó đánh, đành chửi thầm quay ra. Một lần khác, vào một làng, một thằng đòi bớt một chục sẽ mua cả hai chiếc. Nó đưa về nhà, chặt bớt cho vừa giường, lắp xong đâu đấy, nó bảo chịu tiền, tháng sau nó trả. Mận đành tháo ra định quấn lại, nhưng nó giằng co, bảo nó sẽ trả lãi tháng năm phần trăm. May lúc ấy có một bà gọi cổng, hóa ra nó đóng cổng từ lúc nào rồi. Lúc Mận ra, cùng đi, bà ấy bảo: may cho cô nhé, không thì mất cả chì lẫn chài, cái thằng chó má nhất làng đấy.
- Hóa ra mày cũng khổ lắm nhỉ.
- Cũng chỉ vì con cả thôi chị ạ.
Chị cũng chỉ vì con. Bây giờ chị đã có hai con, hai con trai cả. Chị đã đạt được ước nguyện làm mẹ. Nhưng chị còn khổ hơn Mận nhiều.
Chị vừa khóc vừa kể. Ði ô-tô, hai ngày một đêm mới đến nhà con Tị. Ðường hai bên toàn núi với rừng, chỗ núi đất, chỗ núi đá. Ðường đi chênh vênh, vòng vèo, lúc lên cao xuống thấp, có lúc nhìn sâu hoắm phía dưới chính là quãng đường mình vừa đi qua. Ðến nơi, chị lăn ra ốm, rồi lại lên cơn hen. Con Tị mời y sĩ đến. Y sĩ bảo:
- Bệnh này lâu rồi, mãn tính, có chữa, chỉ khỏi tạm thời.
Con Tị quát chị:
- Ðáng lẽ bà phải bảo trước tôi chứ.
Chị nhìn nó như van:
- Hay mày đưa tao về vậy. Tiền mày đưa, chi phí bao nhiêu, tao hoàn lại tất.
Nó nguýt chị:
- Về bán nhà, bán vườn để trả hả. Tôi ở lại mấy tháng hay mấy năm để chờ chị bán. Thôi đã chót rồi, cứ để người ta chữa cho chị. Rồi tôi đi kiếm mối. Nồi méo úp vung méo vậy.
Nó đi kiếm mối. Nhưng mối nào tới xem cũng lắc đầu chê xấu quá. Cuối cùng cũng có người mua. Ðó là chồng chị. Chồng chị lúc đó năm tư tuổi, hơn chị hai chục tuổi. Ðàn ông Trung Quốc ngoài bốn nhăm tuổi là không lấy nổi vợ rồi, hơn nữa lại nghèo, lại ở nơi heo hút, cách nhà con Tị một ngày đường, lấy được vợ cũng là may rồi, giá chị có tập tễnh thọt chân cũng lấy. Ðấy là về sau, khi đã có con, chồng chị mới nói ra như vậy. Chồng chị có bốn anh em trai, chồng chị là anh thứ hai, con em dâu quê Thái Nguyên là vợ người thứ ba. Hai người còn lại đều lấy vợ Trung Quốc. Bốn anh em ở chung một nhà do bố mẹ để lại, ngăn vách ra làm bốn, chung cửa ra vào.
- Hôm đến có cỗ bàn gì không? - Mận hỏi.
- Cũng thịt một con ngỗng, thổi xôi, cúng bái. Mấy anh em ăn ăn uống uống, vui mừng lắm, nhưng líu la líu lường, chả biết nói những gì, chắc là trêu nhau.
Ðể chị bớt buồn, Mận hỏi tếu:
- Rồi tối?
- Thì nằm ườn ra đấy, mặc xác nó vần vò thế nào thì vần vò.
- Bao lâu thì có con?
- Ðược năm tháng thì có chửa. Thằng lớn bây giờ ba tuổi rưỡi rồi. Thằng bé mới hơn một năm.
- Thôi chứ?
- Triệt chứ?
- Triệt sản rồi.
- Nó có nói được tí tiếng nước mình nào không?
- Tao cũng dạy nó, nhưng nó chỉ nhớ được tiếng gọi "mẹ ơi". Nếu gọi mẹ bằng tiếng Tàu, tao không trả lời. Thế mới nhớ đấy. Lúc buồn, tao dạy nó hát "Bèo dạt mây trôi... chốn xa xôi...". Nó hát: "Pèo dẹ me chuôi..." Rồi lăn ra cười: "Tiếng Việt khó lắm, không học được!" Tao điên tiết phát cho mấy cái bảo: "Nhưng mẹ mày là người Việt, mày phải nói được tiếng Việt, hát được tiếng Việt, rồi có ngày còn về Việt Nam thăm ông bà, nếu không đừng có mẹ nữa". Nhưng khó lắm, đi làm suốt ngày, thời giờ đâu dạy nó.
- Thế thì tiếng chị cũng khá rồi đấy chứ.
- Cũng phải học chứ biết làm thế nào.
- Có học chữ của nó không.
- Chữ như que, gậy, có cái trông như cái cào răng, lại móc lên như lưỡi câu ấy, học thế nào được, mà học để làm gì.
- Nhà có ti-vi chưa?
- Lấy tiền đâu ra mua ti-vi, ngày hai bữa cháo ngô, một bữa cơm còn vất.
- Sao bảo ti-vi đen trắng bên ấy rẻ lắm.
- Rẻ, tính ra tiền mình chỉ hơn trăm nghìn, nhưng nợ như thế, bao giờ mua được ti-vi.
- Thế mà làng mình bây giờ năm bẩy nhà một chiếc, mà hầu hết là mầu, tất nhiên hầu hết là mầu nội địa.
- Chuyện, làng mình còn có ruộng, có nghề, ở đấy toàn núi, trồng sắn, trồng ngô thôi. Như nhà tao là chỉ có hai thước ruộng.
Mận ngơ ngác hỏi, tưởng như nghe nhầm:
- Hai thước ư, có khác thước mình không?
- Như thước mình, hai bốn mét vuông.
- Vậy làm ăn, sinh sống thế nào.
Chị thở dài:
- Phát nương, làm rẫy, làm thuê, chứ thế nào nữa.
Ngừng một lát chị tiếp:
- Mày biết không, ban ngày khí núi bốc ra nóng hầm hập, mùa đông, ngày cũng nóng muốn cởi trần, đêm thì mùa hè cũng lạnh, tối tắm vẫn phải đun nước nóng. Mỗi khi chiều xuống, bất kể mùa đông, mùa hè, trời và đất cứ tím sẫm lại, nhớ nhà ghê lắm.
- Thế thì khác gì người Dao, người Mèo của mình.
- Thì Mèo Dao thật chứ còn gì, người Choang cũng bao nhiêu giống khác nhau ấy chứ.
- Thế thì sang làm chó gì nữa. Thôi, ở nhà.
Mẹ chị, anh chị em chị cũng bảo thế. Con Tàu, chứ đâu phải con mình. ở nhà, xin đâu chẳng được đứa con đem về nuôi. Bây giờ chửa hoang, con hoang, vứt con lại bệnh viện vô khối. Ti-vi cũng nói thế cơ mà. Nhưng bố chị mắng: "Bỏ là bỏ thế nào" - Ông hàn nồi nói chữ "mẫu tử tình thâm, xui con cái chuyện thất đức".
Phải, chị bỏ làm sao được. Nó là máu thịt của chị. Nó cười, nó khóc, nó hờn dỗi chị. Nó xú xí, hôn chị, ngả ngốn trong lòng chị. Nó lẫm chẫm tập đi, bập bẹ tập nói. Nó làm chị lo âu, vui mừng, sung sướng. Nó là thế giới sinh động của chị trong cái bầu trời và đất triền miên tím sẫm kia. Sao chị có thể bỏ được.
Hôm chị về, chồng chị bảo:
- Về xem thế nào, bán đất vườn đi lấy tiền trả nợ và nuôi con.
Chị cáu tiết:
- Nợ là anh vay để mua tôi, anh làm ra mà trả. Ðất vườn của tôi, tôi cứ để đấy. Nếu sống ở đây khổ quá, tôi sẽ mang chúng nó về quê tôi, về Việt Nam tôi nuôi, tôi sẽ cho nó ăn học, nó sẽ thành kỹ sư, bác sĩ, anh hiểu không.
Tới đây chị hơi vui bảo Mận:
- Tuy vậy vẫn không giận tao đâu. Lúc bế con ra tiễn, vẫn tình cảm ra phết: "Về nhà, tối tắm, nhớ đun nước nóng, kẻo ốm" à, con mày có còn cuốn tập đọc lớp một không. Tao đã xin được cuốn vần vỡ lòng rồi. Tao sẽ mang sang dạy chúng, chúng phải nói được tiếng Việt, viết được chữ. Lần sau, tao về, có thể là dăm ba năm nữa, nhưng nó phải nói được chào ông, chào bà, xưng cháu, đọc được tên làng, tên xóm của mẹ nó, tao mới mang theo về.
Mận biết, không ai có thể ngăn nổi chị đi, nhưng chia tay nhau buồn quá, nên gặng chị:
- Hay ở nhà vài hôm nữa, hội chùa xong rồi hãy đi.
- Thôi, tao nhớ con lắm, mà ở đấy cũng đầy lễ hội, nơi càng nghèo càng lắm hội hè.
- Nhưng chị phải cẩn thận, kẻo con em dâu nó lại lừa bán chị đi nơi khác, lại mất cả con lẫn chồng, Trung Quốc bao la như thế biết đâu mà tìm.
- Không lo đâu. Tao già rồi, lại xấu thế này, không bán nổi nữa đâu.
Chị nói như mếu.
Sáng hôm sau chị đi sớm. Chị nói dăm ba năm nữa chị lại về thăm nhà. Bao giờ chị mới trả xong nợ mà về.
Mà đâu chỉ nợ tiền, những nợ khác còn nặng hơn nhiều lắm. Ðến lượt Mận khóc.
Tháng 10-1998
N.B
(Văn nghệ - số 44)
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com