chan_dung-ke_si

ỐM - Truyện ngắn Bùi Hiển

24-10-2023

Lượt xem 986

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Bùi Hiển

ỐM - Truyện ngắn Bùi Hiển

Thức dậy từ nửa giờ, Bình vẫn nằm thẳng trên giường, hai tay vòng trên ngực, mắt lặng lẽ dán lên trần. Tiếng xao xác của ngoại ô dậy sớm, len qua khe vách buồng, chỉ còn là một tiếng rên rời rạc. Đầu trống rỗng ý nghĩ, Bình đằm trong một lười biếng uể oải.

Tấm vách cạnh giường từ màu xám ngả sang màu trắng, rồi một vệt nắng dài vàng nhạt in dọc trên đó. Anh ngồi dậy, gượng nhẹ để khỏi kinh động giấc ngủ của vợ nằm cạnh. Khi mắt nhìn xuống chỗ tấm chăn mỏng nhô tròn trên bụng vợ mang thai, anh có một nụ cười bằng lòng lặng lẽ.

Bình xuống giường, vặn mình bên này, bên kia, ngúc ngắc cổ, đoạn bước ra. Bà mẹ anh đang khom mình quét nhà sền sệt. Thằng Nuôi, em nuôi Bình, cũng vừa dậy đi xuống bếp, mắt hấp háy. Anh bảo câu thường lệ:

- Xuống nhóm lửa thổi cơm; nhớ ghé siêu nước cạnh bếp pha chè mẹ uống.

Bình ra mở cửa, rồi nhấc từng tấm cửa tới dựng cạnh tường. Đoạn anh dọn hàng. Anh lần lượt bày trên tấm phản mỏng đã mọt các ô tạp hóa. Ô gương lược, để phía trái; ô kim chỉ và sáp bôi nẻ, để bên cạnh; ô khuy áo chỗ này; ô bút chì, bút mực, chỗ kia. Cạch... cạch... cạch... cạch... những ô hàng đặt xuống cạnh nhau trong một thứ tự quen thuộc đến chán nản, khẽ kêu lên những tiếng khô khan và đều đặn.

Bà cụ ghếch chổi, ngồi xuống ghế và bảo:

- Độ này đã chớm rét rồi nhỉ.

Bình vừa mắc mấy chiếc áo trẻ con lên dây thép, vừa đáp:

- Vâng trời sắp sang rét.

Anh chợt có cảm tưởng đã nói câu ấy một lần rồi. Hôm qua hay là hôm kia, hay đã lâu rồi? Dĩ vãng trôi đi, theo dòng lặng lẽ, và những ngày qua gần đây nhất cũng đã lỉm chìm trong dòng thời gian ấy. Bình thấy lòng vẩn lên một nỗi buồn nao nao không rõ rệt, trong khi tay chậm chạp mắc trên dây những chùm khăn mặt xanh đỏ, những áo vệ sinh đã bợt màu sau những năm trường âm ỉ trong cái ẩm thấp của căn nhà hẹp bé mà tường lúc nào cũng như toát mồ hôi dưới làn rêu xám.

Thằng nuôi bưng nước lên pha chè. Bà cụ hỏi:

- Chị mày đâu, chưa dậy à? Độ này đổ đốn ra thế!

Bình sợ mẹ giận vợ rồi mắng lây sang cả mình như đã thường xảy, vội nói:

- Thưa mẹ, hồi đêm nó kêu chóng mặt, mãi khuya mới ngủ được. Để con vào đánh thức.

Anh vào buồng se sẽ gọi:

- Mợ! Mợ! Dậy không mẹ chửi chết.

Hường vươn vai ngồi dậy, mặt ngái ngủ phị ra.

Bình lấy Hường là do ý mẹ. Độ còn học năm thứ hai ban Thành chung, để đi theo phong trào, Bình có một tình yêu. Anh bắt tình một cách nhanh chóng với một cô khâu đầm hơn tuổi ở cùng phố mà anh lầm tưởng ngây thơ như mình. Anh mãn nguyện trong mối tình dễ dãi ấy, cũng có những buổi gặp gỡ trong đêm, những buổi trốn nhà đi chơi núi, tay cầm tay. Tiếng đồn đến tai bà mẹ, bà vội buộc anh vào cuộc hôn nhân mà bà dự định từ lâu. Bà ép anh lấy Hường, con một bà khách hàng quen. Bình cũng có những cơn thất vọng, những buổi nhịn cơm, cũng khóc lóc, cũng dọa tự tử nếu không lấy được người yêu. Nhưng rồi anh cũng cưới Hường, và, chung đụng gây dần niềm thân ái, anh quên rất mau người tình cũ. Bấy giờ anh mới nhận thấy trước đây mình chỉ giả dối với mình, đã thêu dệt vào nỗi đau đớn của mình để bắt chước những mối tình lãng mạn trong tiểu thuyết.

Sau cuộc hôn nhân, Bình thôi học. Anh không quyến luyến nhà trường mà anh không giữ một kỷ niệm gì dù tốt đẹp hay chua xót. Anh không có bạn học thân, không có thầy quý mến. Bài học nào anh cũng khá thuộc, bài làm đầy đủ nhưng tầm thường. Một vài ông giáo không nhớ tên Bình, chỉ tay và gọi: "Ê, trò kia, ở bàn cuối!".

... Hường đưa tay quào gỡ mái tóc rối búi thành cục lớn lỏng lẻo sau đầu. Nàng không còn cái vẻ diêm dúa của thời mới cưới nữa. Nàng tưởng sự thân thuộc cho phép chểnh mảng, nhất là khi ông chồng cũng đã nhiễm thói để tóc rối bù và thôi đánh răng.

Nàng bước xuống giường, quần áo xô lệch, dăn dúm. Bình sửa lại gối. Hường xếp chăn. Liếc nhìn bụng vợ, Bình bỗng có một cử chỉ âu yếm; anh xáp đến sau lưng Hường, nắm lấy hai cánh tay vợ và định ghé hôn má nàng. Nhưng Hường hất tay chồng và hơi gắt: "Làm trò gì thế? Yên xem nào!".

Bình ngượng bỏ ra, vơ vẩn huýt sáo. Trong đời sống nhỏ nhoi rời rạc, những tình cảm cũng lỏng lẻo đi.

Một hồi sau, cơm dọn lên. Vẫn những món ăn hàng ngày: dưa chua, cà, một đĩa trứng muối, một bát canh cá. Mọi người ngồi vào mâm. Một đứa bé tới trước hàng:

- Bán cho tôi ba xu miến.

Bình hơi mê tín cảu rảu:

- Sáng ngày bán mở hàng đã may mắn chưa!

Anh đứng dậy gói miến cho đứa bé. Nó kêu:

- Sao ít thế này?

Anh thêm vào hai cây miến ngắn và mỉa mai:

- Được rồi đấy. Có ba xu miến lại muốn làm đủ mâm cỗ kia à?

Giữa bữa ăn, bỗng bà cụ bảo:

- à, hôm qua bà Hàn Thái có nói chuyện, trên phủ Bái cần một ông giáo dậy trường tổng.

Bình ngừng nhai, ngước nhìn lo ngại.

- Bà ấy bảo anh có thuận dạy, thì bà ấy nói hộ với quan Phủ.

Bình cười "hì" một tiếng nhỏ trong họng, óc chưa có một ý định gì rõ rệt. Anh hỏi một câu vô ích:

- Dạy trường tổng à?

- Trường tổng Quan Hóa, cũng gần, chủ nhật có thể về chơi nhà. Bà Hàn bảo người ta chỉ cần Rime thôi; nhưng mình đã học tới đệ nhị niên, hẳn người ta phải giả thêm lương.

Lòng Bình bỗng xốn xang lên, như khi phải tìm một quyết định quan hệ. Anh đưa mắt sang vợ, hỏi ý kiến. Hường, ý muốn gây đời sống độc lập - bởi không nàng dâu nào ưa sống cạnh mẹ chồng - bàn:

- Cậu cứ dạy một chuyến thử xem.

Bình vẫn hy vọng vợ giữ mình lại, hơi nổi gắt:

- Dạy gì lại có dạy thử! Dạy là dạy, không là không.

Bà cụ hỏi:

- Hàng nhà mình ngày càng ế; mấy hiệu tạp hóa mới mở họ cướp hết khách. Trước thì cơm cháo thế nào xong thôi; nhưng mợ Cả sắp ở cữ, anh nên đi làm kiếm ít đồng, phòng khi vợ con đau yếu.

Bình vội vin lấy cớ mà lời mẹ đã gợi cho anh:

- Nhà con ở cữ con so, mà người không được khỏe sẵn, sợ có điều khó khăn chăng. Đi xa con thực không đành.

- Việc gì đã có tôi. Anh ở nhà thì cũng chẳng lợi gì. Đàn ông chỉ thêm vướng chân.

Bình im lặng. Anh ăn không thấy ngon nữa, cố gắng nhai miếng cơm nhạt nhẽo.

*  * *

Chiều hôm đó, bà cụ lại nhắc đến chuyện:

- Anh nghĩ thế nào? Người ta chỉ chờ người thay để mời thầy cũ đi. Mình chậm chân thì hỏng.

- Con phân vân lắm. Vẫn biết là một dịp tốt kiếm ăn, nhưng mẹ đã già yếu, thằng Nuôi thì chả biết gì, nhà con lại sắp ở cữ, con đi xa, ai chăm sóc mẹ.

Đó là cái lý anh đã nghĩ được từ sau bữa cơm sáng. Bà cụ đáp:

- Tôi vẫn còn mạnh. Anh không phải bận bịu về điều ấy. Vả tôi đã bảo tổng Quan Hóa cũng gần, anh có thể về thăm nhà luôn luôn, một ngày nghỉ là đủ đi về.

Lý bị đổ, Bình lặng im; một hồi sau, làm kế hoãn binh, anh chậm rãi nói:

- Vâng, mẹ để con nghĩ.

- Anh còn nghĩ gì nữa. Đã sắp có con có cái, anh phải lo lấy một đường sinh sống chứ. Chẳng lẽ bắt tôi nuôi mãi vợ chồng anh, lại cả con anh.

Điều đó không phải Bình chưa nghĩ đến. Nhưng ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua, bởi hay sợ nghĩ ngợi, anh chỉ tự bảo: "Chậc! Đến đâu hay đó". Vốn mang một tính vô tư lự gần như ngu dại, Bình không dám nhìn thẳng sự khó khăn, ngơ mặt đi với cái hy vọng sự khó khăn sẽ mất, nhờ một cớ này hay cớ khác, hão huyền hay thần bí. Nghe mẹ nói, anh nghĩ thầm: "Không lẽ thêm một đứa con nít thì cả nhà chết đói à?".

Bà cụ lại tiếp:

- Anh xem bây giờ trong nhà túng bấn thế này. Đầy tớ không đủ tiền nuôi. Tôi không thể nào đương nổi nữa; chả lẽ bắt tôi cứ khó nhọc mãi.

Lời nói dai dẳng khiến Bình khó chịu. Tuy không dám nói ra, trong thâm tâm, anh cho mẹ mình ích kỷ. Những lời trách móc ép buộc khiến anh có cảm tưởng bị hiếp đáp; anh gần như tủi thân và thấy nước mắt rưng rưng. Anh nghĩ dỗi: "Thế ra xưa nay mình vẫn ăn không ngồi rồi đấy! Không có mình thì lấy ai giúp đỡ việc nhà, việc buôn bán?".

Tối hôm ấy, Bình không sao ngủ được. Lời bàn của mẹ, ngay từ đầu anh đã có ác cảm, bởi anh biết sẽ bị làm phiền rầy. Nhưng xem chừng khó kiếm cớ ở lại nhà, anh thử làm quen với ý nghĩ sống xa gia đình. Nhưng nỗi sợ xa lạ, sợ bất ngờ, trước chỉ mơ hồ, bây giờ có thêm rõ rệt trong ý nghĩ. Anh tưởng tượng một sáng kia, anh xách va li tới một chốn đồng ruộng chưa hề đặt chân, bỡ ngỡ hỏi thăm nhà; rồi anh sẽ chung đụng với một ông Lý Toét hay vén quần gãi sồn sột, nốc rượu với thịt chó, và cười nói oang oang đến làm cho khiếp đảm; rồi ngày ngày anh tới lớp để cho bọn học trò mũi thò lò sụt sịt, quần áo bẩn thỉu ăn hiếp, làm ầm ĩ át cả tiếng nhỏ bé của anh. Tất cả lòng hiếu tĩnh của Bình náo động lên, trong niềm lo âu, công phẫn.

Bình nằm nghiêng, má áp trên vai nóng hổi của vợ, và cảm giác êm ả ấy càng làm tăng nỗi rợn sợ cảnh cô độc mà anh có lẽ sắp phải sống. Anh chợt ghì tay vợ, như để cầu cứu, và khẽ kêu lên: "Không, làm sao mà đi cho được!".

Hường thức giấc mơ màng hỏi:

- Gì vậy, cậu?

Bình im lặng, nhưng Hường tiếp:

- Cậu chưa ngủ à? Này cậu ạ, sao tôi cứ quặn đau trong bụng.

Bình chồm hẳn dậy, nhìn vợ:

- Thế à mình? Nó đạp đấy.

Ngay sớm hôm sau, Bình báo điều ấy với mẹ. Cố lấy vẻ quan trọng và lo ngại, anh tiếp:

- Con chắc chỉ vài hôm nữa nó sinh.

Bà cụ quấn quýt về ý nghĩ đứa cháu sắp lọt lòng bận sắm tã, sắm áo, không nhắc đến chuyện dạy học nữa.

Mười hôm sau, Hường đẻ. Bình chạy lăng xăng lái xái, tuy chẳng được việc gì, lòng hơi sợ hãi trước cái bí mật của sinh nở. Bà Hàn Thái tới thăm, và nhân dịp nhắc:

- Thế nào, cậu Cả có đi không? Trên ấy người ta nhắn cần thầy gấp, chả lẽ để người ta chờ mãi.

Bình nhăn mặt; có ý phân trần với mẹ luôn, anh giả làm vẻ lo phiền đáp:

- Thưa bà, như lúc này bà bảo cháu làm sao yên lòng mà đi được. Con bé yếu lắm, bà đỡ bảo nó không đủ cân; mà từ khi sinh đến giờ chưa tiểu tiện lần nào.

Mấy hôm sau, mẹ Bình lại nhắc:

- Bà Hàn bảo nếu hết tháng này mà không lên, thì trên tổng họ mời thầy khác. Người ta có lòng tốt kiếm việc cho, mình lại cứ trì hoãn mãi. Con bé để tôi trông nom là đủ, anh cứ yên lòng mà đi.

Bình không biết kiếm cớ gì để trì hoãn nữa, "vâng" một tiếng buồn thiu. Anh qua một đêm lo lắng không ngủ được, anh tưởng mình lên cơn, và nhờ thế, nghĩ ngay ra kế thác bệnh. Hôm sau, trời đã sáng bạch, anh vẫn nằm đắp chăn tùm hụp trên giường. Thằng Nuôi vào gọi, anh lấy giọng rời rạc đáp:

- Tao mệt, đầu nó đau váng lên.

Thế rồi anh nằm liệt giường từ đó, không ăn cơm được, mỗi bữa cố gắng lắm mới ăn hết ba bát cháo hoa. Anh khoan khoái nằm duỗi thẳng, chăn đắp lút đầu, trí não lười biếng quẫy trong những ý nghĩ bâng quơ. Bà cụ vào thăm, len tay dưới chăn sờ trán con, thấy nóng hừng thực. Bà bảo để cắt thuốc, nhưng Bình vội kêu: "Con chả uống đâu, mệt xoàng thôi, xoa dầu sẽ khỏi".

Thỉnh thoảng, nằm buồn, Bình gọi, giọng yếu ớt:

- Mẹ ơi, bế con vào đây chơi một lúc.

Hoặc anh tẩn mẩn tính xem mấy hôm nữa thì hết tháng.

Một hôm bà mẹ vào buồng báo sau một tiếng thở dài nhẫn nhục:

- Thế là hết: họ chờ mình mãi không được, đã mời một ông giáo khác rồi.

Bình ngồi nhổm dậy:

- Thực à, mẹ?

Nhưng sực nhớ, anh vội để ngã vật mình xuống giường, than thở:

- Hễ cố ngồi dậy là đầu nó cứ choáng váng quay cuồng lên. Thân ốm là cái thân tội!

Rút từ tập truyện ngắn Nằm vạ

Cùng tác giả:

CHIẾC ĐỒNG HỒ - Truyện ngắn của nhà văn Bùi Hiển

NẰM VẠ -Truyện ngắn Bùi Hiển

CHUYẾN XE THỜI GIAN - Truyện ngắn Bùi Hiển

CHIỀU SƯƠNG - Truyện ngắn Bùi Hiển

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.