chan_dung-ke_si

Nhà văn Vũ Tú Nam: Học văn là một cách học làm người

29-11-2023

Lượt xem 1794

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Vũ Tú Nam

Nhà văn Vũ Tú Nam: Học văn là một cách học làm người

Nhà văn Vũ Tú Nam (1929-2020)

Nhà văn Vũ Tú Nam, hay còn được độc giả gọi là ông Văn Ngan tướng công, theo tên một tác phẩm dành cho thiếu nhi của ông, là em trai út trong một gia đình mà cả ba anh em trai đều là tác giả sáng tác nổi tiếng, gồm: anh cả nhà thơ Vũ Cao, tác giả của Núi Đôi, anh thứ Vũ Ngọc Bình, nhà văn, dịch giả ghi dấu ấn với các độc giả nhỏ tuổi nhiều thế hệ với các nhân vật đã đi vào đời sống như Biết Tuốt và Mít Đặc. Nhà văn Vũ Tú Nam còn có một cô cháu nội, tuy không sáng tác nhưng cũng rất nổi tiếng là siêu mẫu Hà Anh.

Nhà văn Vũ Tú Nam có nhiều đóng góp cho Hội nhà văn Việt Nam, là ủy viên của Hội từ khóa I đến khóa IV, tổng thư ký Hội từ năm 1989 đến năm 1994. Trong thời gian giữ chức Tổng thư ký Hội, ông được nhiều người trong giới văn chương gọi là “ông từ” gìn giữ ngôi đền văn chương Việt. Các tác phẩm nổi bật của ông như Quê hương (tập truyện, 1960), Sống với thời gian hai chiều (tập truyện, 1983), đặc biệt là Mùa xuân, tiếng chim (tập truyện 1985), Chân Dung Kẻ Sĩ đã giới thiệu.

Năm 2001, nhà văn Vũ Tú Nam được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Thuở nhỏ tôi đã học văn như thế nào? Bây giờ nhìn lại, tôi thấy sự gợi mở cho mình về năng khiếu văn bắt đầu từ mấy nguồn sau đây:

1) Những bài văn hay trong sách giáo khoa và cách giảng dạy của các thầy cô quả thật là những viên gạch xây nền. Cho đến nay, mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn thuộc lòng một số bài, một số đoạn thơ, văn học từ ngày bé. Sự truyền cảm về nội dung, cấu trúc, nhạc điệu của các bài đó vẫn như tươi rói trong tôi. Ngoài ra, tôi đã được một số các thầy rèn dạy rất nghiêm khắc, chặt chẽ về ngữ pháp. Phải tập viết sao cho chính xác, ngắn gọn, súc tích, trong sáng – điều mà đến nay tôi vẫn noi theo.

2) Tôi say mê đọc sách báo văn học, ngoài chương trình của nhà trường (thậm chí đọc cả dưới ánh trăng, khiến mắt tôi bị cận thị!). Nhiều cuốn sách, nhiều tác giả đã làm giàu sự hiểu biết, tình cảm và sự suy nghĩ của tôi. Sau này, tôi có thói quen ghi thu hoạch trong sổ tay về từng cuốn sách đã đọc, có khen, có chê.

3) Cha tôi, chú tôi, mẹ tôi và bà vú nuôi tôi hồi bé có thể gọi là những “thầy phụ đạo” của tôi. Cha tôi, chú tôi thường ngâm thơ, giảng thơ cho tôi nghe và dắt tôi đi xem những vở chèo truyền thống nổi tiếng. Mẹ tôi và vú nuôi không biết đọc biết viết, nhưng các bà đã truyền lại cho tôi những lời ru, những câu chuyện cổ tích, những cách nói dân gian. Về sau, tôi thường ghi những lời nói hay của bà con nông dân để học, làm giàu thêm cho mình vốn từ và cách diễn đạt.

4) Thiên nhiên cũng là một trường học lớn. Thuở bé, tôi nuôi chó, nuôi mèo. Tôi chơi cá vàng, chơi dế chọi, câu cá, bắn chim và nuôi chim (tôi có hẳn một cuốn “sổ chim” ghi về từng con chim khuyên, chim sẻ… Tôi rất yêu loài vật, thích thú quan sát chúng và thuộc tính nết của chúng, từ con bọ ngựa đến con bọ dừa, cánh cam, con ve sầu, con nhái, con cóc, con sâu đo v.v…). Tôi trồng cây ớt, cây đậu trong chậu để theo dõi sự phát triển. Thế giới sinh vật đã dạy tôi không ít.

Điều may mắn là từ 5 tuổi đến 12 tuổi, tôi được sống ở thị xã Hòa Bình, có sông có suối, có rừng có núi, những vẻ đẹp êm ả và dữ dội của thiên nhiên đã để lại nhiều dấu ấn trong tôi.

Như vậy là tôi đã học trong nhà trường, qua sách vở, học ngoài đời và học ở thế giới tự nhiên. Hóa ra văn học không chỉ bó gọn trong lời văn, câu chữ. “Văn học là nhân học”, như ai thường nói. Và học văn chính là một cách học làm người.

Chúng ta cần giỏi văn để biết nhận thức cuộc sống, cảm thụ nó, phân biệt được cái thực, cái giả, cái tốt, cái xấu, cái đẹp, cái không đẹp, và để ta có khả năng truyền đạt tới người khác một cách chính xác, sinh động những điều ta thu lượm được qua sự chiêm nghiệm bản thân. Học văn cần thiết và có ích cho mọi nghề nghiệp xã hội là như thế.

Học văn không phải để lấy tiếng, để khoe chữ hoặc để tạo nên một số ít “gà nòi”. Văn học chân chính tối kị sự giả dối, thói phô trương hình thức, sự sáo mòn và lạnh nhạt thờ ơ.

Việc học văn, dạy văn trong nhà trường chúng ta – nếu làm thật tốt – sẽ đem lại cho mỗi học sinh một hành trang tinh thần quý giá, để tiếp bước trên con đường lớn mà các bậc cha anh đã khai phá trong bốn chục năm qua.

Tháng 5. 1995
VŨ TÚ NAM

Bài liên quan