chan_dung-ke_si

Nhà văn Nguyễn Minh Châu: các em đang cất giữ ngay trong tâm hồn mình một kho báu vô tận mà các nhà văn đang cứ nơm nớp sợ đánh mất

15-10-2023

Lượt xem 918

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Minh Châu

Nhà văn Nguyễn Minh Châu: các em đang cất giữ ngay trong tâm hồn mình một kho báu vô tận mà các nhà văn đang cứ nơm nớp sợ đánh mất
Vợ chồng nhà văn Nguyễn Minh Châu năm 1961 

Giải thưởng hội Nhà văn (1988-1989), với tập truyện ngắn Cỏ lau, giải thưởng đặc biệt của Bộ quốc phòng (1989)

Tác phẩm đã in: Cửa sông (tiểu thuyết, 1966), Những vùng trời khác nhau (truyện ngắn, 1970), Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972), Miền cháy (1977), Lửa từ những ngôi nhà (tiểu thuyết, 1977), Những người đi từ trong rừng ra (tiểu thuyết, 1982), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn, 1984), Mảnh đất tình yêu (tiểu thuyết, 1987), Chiếc thuyền ngoài xa (1988), Bến quê (truyện ngắn, 1983), Cỏ lau (truyện ngắn, 1988), Từ giã tuổi thơ (truyện, 3 tập), Tuyển tập Nguyễn Minh Châu (1984),…

THƯ GỬI THẾ GIỚI CẢM XÚC HỒN NHIÊN

Trích từ sách Kí ức một thời học văn Nhà xuất bản giáo dục 1995

Ngày xưa đi học, vào lớp 6, lớp 7 bây giờ, những bài luận của tôi ở nhà trường thường được thầy phê bài “nhiều ý tưởng nhưng rất lỗi văn phạm và chẳng bao giờ dùng từ chính xác cả!”. Là bởi vì vốn tiếng Pháp của tôi mới được một dúm mà nghĩ gì là tôi viết ra.

Hình như bây giờ ở nhà trường các em ít phải học thuộc lòng hơn chúng tôi ngày xưa. Với tôi ngày nhỏ, môn học thuộc lòng là cả một cái tội nợ, nhưng bây giờ nghĩ lại, nó cũng để lại lâu dài trong người mình một cái gì. Có thể một câu văn hay, tả cảnh hoặc nói về một cảnh ngộ đời người đã in sâu vào óc, muốn quên đi cũng không quên được; cũng có thể nó chẳng để lại về lâu dài một điều gì cả nhưng ngay lúc bấy giờ, khi vừa đọc xong nó gợi tôi nhớ đến mẹ, hoặc chợt nghĩ đến một cái giếng nhà ai đó, hoặc một cảm giác thương người đầy mơ hồ.

Có một lần, thật quái quỷ, không phải một bài học thuộc lòng mà đọc xong một cuốn sách, tự nhiên tôi nảy ra cái quyết tâm… trở thành nhà văn… Các em cứ tin đi, tôi không bịa đâu. Hình như lần ấy tôi đang học lớp ba (ngày bấy giờ gọi là lớp nhì, năm thứ hai) tôi đọc xong một cái truyện người ta viết cho trẻ con của nhà xuất bản phổ thông bán nguyệt san, tôi thấy thú quá: “A, tưởng gì, loại truyện như thế này mình có thể viết hàng pho!” Tôi ngồi viết liền một mạch 50 trang vở học trò, đặt cho nó một cái tên rồi cuộn tròn lại, để hở hai đầu, đề địa chỉ nhà xuất bản phổ thông bán nguyệt san ở Hà Nội. Tôi đi bộ 7 cây số từ nhà lên nhà dây thép của phố huyện. Khe cái hộp thư bằng sắt hẹp quá. Cố gắng mãi tôi không sao dúi cuộn giấy vào lọt. Ông lão nhân viên nhà dây thép tưởng “thằng nhóc” đang giở trò nghịch chạy ra. Giá chui xuống đất được thì tôi cũng lủi quách nhưng rồi cũng xong. Tôi cũng gửi cái “tác phẩm văn học đầu tay” của mình đi được nhưng phải mua thêm tem dán vào. Thằng bé ôm cái bụng rỗng lại đi bộ 7 cây số về nhà ngồi đợi một tuần, một tháng, rồi một năm chẳng thấy gì hết, chắc hẳn ông lão nhà dây thép phố huyện – người duy nhất biết cái chuyện điên rồ của tôi hồi nhỏ - đã chết từ lâu.

Ấy vậy mà sau cái chuyến ấy tôi vẫn không… “chừa’ cái quyết tâm trở thành nhà văn. Nói như vậy với các em cho vui thôi, chứ thuở bé tôi cũng không phải hạng có chí lớn gì đâu; thật tình tôi chỉ muốn diễn ta những cái gì ở chung quanh mình – mà tôi mang đầy ắp trong lòng những cảm xúc về chúng. Trước khi kể sang “tác phẩm” thứ hai (vẫn như số phận cái trước) tôi muốn nói với các em điều này: trong mỗi con người các em đang lưu trữ một kho báu mà chính các nhà văn lớn của nền văn học hiện đại trên thế giới đang đi tìm. Đó là cái khả năng cảm xúc hồn nhiên, nguyên sơ của tâm hồn loài người. Và bất cứ một người nào trong các nhà văn lớn tuổi chúng tôi nếu đánh mất hết cái khả năng ấy thì những trang viết cũng trở nên cằn bỗi, cứ trơ ra như một tấm chăn dạ hết tuyết, chỉ còn cách bỏ bút, bỏ nghề.

Ngày nhỏ, tôi là một đứa trẻ dút dát. Trong gia đình tôi là con út, cho nên cũng được gia đình thương nhất. Nhất là mẹ tôi. Mỗi buổi sáng tôi đi học, mẹ tôi dậy từ tờ mờ đất, thổi cơm cho tôi ăn, gói vào một cái mo cau một gói cơm nắm để tôi ăn trưa ở trường. Rồi để tránh lũ trẻ chăn bò lớn tuổi hơn tôi dọc đường ăn hiếp, mẹ tôi đưa tôi đi một quãng. Lên lớp nhất, cuối năm phải thi tốt nghiệp tiểu học, mẹ tôi tìm một nhà ở gần trường gửi gạo cho tôi ăn trọ. Từ nhà tôi tới trường tiểu học huyện 5 cây số. Từ đó tôi ở trọ, mỗi chiều thứ bảy mới về nhà.

Lần đó tôi nghe tin mẹ tôi ở nhà ốm, do người đi chợ huyện bán cá biển báo cho tôi biết. Lập tức tan buổi học chiều xong, chả kịp về nhà trọ ăn uống gì cả, tôi chạy thẳng một mạch 5 cây số về nhà. Vừa thoạt về đến cổng ngõ suýt nữa tôi khóc òa lên – vì tự nhiên tôi nghĩ mẹ tôi chết. Tự nhiên tôi nghĩ thế thôi, chả hiểu vì duyên cớ sao – và tôi tin là mẹ tôi chết thật rồi! Lòng chợt nặng trĩu bởi một nỗi thống khổ ghê gớm, tôi chạy qua cổng ngõ, lao vào sân tự nhiên thấy trời đất chung quanh mình sao mà cứ trống hoắc mãi ra. Có lẽ tôi cũng chẳng thể sống nổi, nếu không còn mẹ!

Nhưng mẹ tôi cũng chẳng việc gì cả. Mẹ tôi chỉ ốm xoàng, nắm mất mấy ngày, bây giờ đã dậy làm lụng được. Mẹ tôi đang đứng choãi chân dong hai tay rút rơm ở bên cây rơm sau nhà bếp… Mẹ tôi ngoảnh lại, thấy tôi tự nhiên trở về nhà giữa tuần, mắt lại đỏ hoe, lấy làm lo lắng, sợ hãi vô cùng: “Sao lại về hả con? Có việc gì vậy? Sao lại khóc? Chúng nó đánh con ở đâu. Có chỗ nào sưng tím không?”


Mẹ tôi vội vã chạy đi kiếm cái bát để giã gừng bóp vết thương cho tôi. Tôi bảo không ai đánh tôi cả. Cuối cùng tôi phải gắt lên. Đến khổ, mẹ tôi vẫn bắt tôi cởi áo ra.

Ăn cơm xong, trời đã tối. may quá, thế là mẹ tôi vẫn còn sống, không có việc gì xảy ra cả, nhưng mà sao tôi thấy chunh quanh mình trời đất vẫn cứ trống huyếch trống hoác thế nào ấy. Tôi vẫn cứ thấy áy náy như vừa đánh mất một vật gì mà chưa tìm thấy trên vòm trời đen mượt, sau mái nhà bếp mà tôi đã nhìn thấy từ khi còn ẵm ngửa, những ngôi sao cũng như đang ngơ ngác. Thế rồi bất ngờ tôi vùng chạy ra sau bếp: đến lúc bấy giờ tôi mới biết cái cây sung cổ thụ mọc bên đất nhà hàng xóm nhưng nằm ngay bên chân cây rơm nhà tôi, người ta đã hạ xuống để xẻ ván.

Thì ra vậy, vòm trời sau mái bếp nhà tôi chợt trở nên trống trái vì không còn cái khoảng cành lá xanh um tùm của cây sung bên nhà hàng xóm che phủ. Sáng hôm sau, mẹ tôi lại dậy từ mờ đất để thổi cơm bằng một thứ lửa rơm cháy bùng bùng trong gian bếp. Cái hình dáng mẹ tôi ngồi hiện ra như một cái hình cắt giữa đám cháy. Những ngày sau, ở nhà trọ, tôi cứ nghĩ mông lung về mẹ tôi, về trận ốm của Người, về cây sung sau nhà mà tôi thường trèo hái quả và cái khoảng trống mà nó đã để lại sau cái bếp của nhà tôi. Đấy là tất cả đầu đuôi thiên truyện thứ hai tôi viết ở nhà ông chủ trọ, lúc tôi 12 tuổi. Thật ra tôi cũng không thể nhớ tôi đã viết những điều tôi vừa kể với các em ra sao? Tôi cứ ước ao giá bây giờ tôi được đọc lại? Cái truyện viết xong, tôi không gửi đi, mà đánh mất.

Nhưng các em ạ, cũng như thế giới vật chất chỉ biến hóa mà chẳng có cái gì mất đi cả. Trong một truyện ngắn hay một cuốn tiểu thuyết nào đó của tôi – in ra được nhiều năm rồi tự nhiên tôi mới chợt nhận thấy dấu tích của câu truyện trên. Nó “đầu thai” cho những trang viết trong đời viết văn của tôi bây giờ theo một lối ngõ nào đó mà hai cánh cửa luôn luôn kêu kẽo kẹt, hết đóng lại mở cửa tiềm thức. Và trong đời viết văn xuôi của tôi, chắc hẳn có không ít truyện chỉ là sự thức dậy của thế giới cảm xúc thời thơ ấu.

Tôi viết mấy trang này cho các em như viết một bức thư cho thế giới cảm xúc hồn nhiên, cho cái miếng đất sét vẫn còn dính ướt mà chỉ cần một ngón tay đặt hờ lên đã hằn xuống từng đường vân tay rõ rệt. Trước khi bắt tay thân thiết từng em, tôi xin nhắc lại: các em đang cất giữ ngay trong tâm hồn mình một kho báu vô tận mà các nhà văn đang cứ nơm nớp sợ đánh mất.


1.8.1985
NGUYỄN MINH CHÂU
 
Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Minh Châu trên Chân Dung Kẻ Sĩ:

Bài liên quan
  • Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khi đó đã đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa khẩn cấp khu vực để bảo vệ nguyên trạng, họp bàn tìm cách khai quật tối ưu.
  • VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    Sao lại nói là không có cốt truyện? Không đúng. Cốt truyện có ở mọi nơi mọi chỗ. Anh hãy nhìn vào bức tường này. Ai cũng biết ở đấy chẳng có gì cả. Nhưng anh hãy nhìn kỹ vào đó, hãy tìm trong đó một cái gì của mình, một cái gì không ai thấy được. Và anh hãy viết ra. Xin cứ tin điều tôi nói, bấy giờ thế nào cũng có một truyện ngắn. Cũng như anh có thể viết rất hay về một chủ đề đã cũ mèm như viết về ánh trăng, miễn là biết nhìn ra trong ánh trăng một cái gì của mình mà không phải một cái gì khác đã quá nhàm.
  • Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Theo thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Minh Chuyên vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi những đóng góp đặc biệt cho văn học viết về chiến tranh thời hậu chiến.
  • Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lúc đầu thấy Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương không được, Nguyễn Thùy có lần đã đề nghị với Kim Cương một cách nghiêm túc hay là Kim Cương lấy Bùi Giáng làm chồng, biết đâu sẽ giúp anh ấy bớt khùng và viết lách đường hoàng, đĩnh đạc, dễ hiểu hơn?
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nguyễn Thùy có cô người yêu là sinh viên Đại học Sư phạm ban Anh văn rất quý trọng Bùi Giáng, cô này thường đi theo Bùi Giáng uống cà phê, quàng vai ông rất thân thiết khiến Bùi Giáng rất vui.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Sau khi không may gặp hỏa hoạn, không chỉ nhà bị cháy mà tất cả tác phẩm và sách vở tài liệu bị cháy sạch, Bùi Giáng lại thêm một cú sốc lớn khiến tâm hồn nhạy cảm của ông càng bị chấn động. Bùi Giáng càng điên hơn, ban ngày ông lang thang ngoài đường trong trang phục “cái bang” với mấy con chó nhỏ trong túi vải đeo lủng lẳng quanh mình. Cứ thế ông rong chơi khắp phố phường và trêu chọc thiên hạ, nhất là các cô gái đẹp.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Để có cả một kho tàng tác phẩm như thế Bùi Giáng đã viết lúc nào trong khi ông thường dành hết thời giang trong ngày để rong chơi cho những cuộc điên tưởng chừng bất tận? Đây là một điểm rất bí ẩn mà cho đến nay chưa có lời giải, kể cả những người gần gũi nhất với ông.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Bùi Giáng không tốt nghiệp đại học nhưng lại làm “giáo sư” dạy học một thời gian, là nhà nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật và nhất là làm thơ. Ông dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trên thế giới, viết khảo luận đông tây kim cổ và đặc biệt là làm thơ nhanh như chớp bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào.
  • Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Hà Nội từng có 21 cửa ô nhưng đến năm 1866, trên bản đồ chỉ còn 15 cái tên.
  • Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Một câu hỏi được đưa ra từ lâu trong giới nghiên cứu nhưng không dễ trả lời: sự thay đổi chữ viết tạo ra sự đứt gãy về văn hóa, truyền thống trong dân tộc ta?