Chân Dung Kẻ Sĩ: MẸ CON CHỊ HẰNG là truyện ngắn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Đây là truyện ngắn trong thời kỳ sáng tác thứ hai của ông, sau thời kỳ đầu của những tác phẩm mang tính sử thi. Một cô con gái vô tâm của ai đó trong chúng ta, tới một ngày, sự vô tâm đủ lớn, người sở hữu nó sẽ trở ra con người bạc bẽo.
Chị Hằng che bớt ngọn đèn khỏi hắt ánh sáng vào giường, rồi ghé lại bên bức vách:
- Chị Thanh ơi!
- Hằng đi đấy hả?
- Được rồi, cứ để đấy. Anh Ca đi mạnh khoẻ nhé!
Tiếng trả lời từ ngoài sân:
- Vâng. Chị ở lại mạnh khoẻ ạ!
Hằng ôm cái ba lô cóc ra ngoài sân, thì Ca đã men theo cánh cửa phía sau lưng vợ, trở vào nhà. Ngọn đèn mới được chia tấm bìa lịch nên ánh sáng trên giường trở nên lờ mờ. Ca nhìn thằng Hùng lần cuối cùng. Thằng bé vẫn ngủ say. Dưới làn chăn bông hoa rất dầy, chỉ thấy một cái đầu tóc bờm xờm và nửa cái trán bướng bỉnh thò ra ngoài mép chăn.
Ngoài sân gió rét căn cắt nhưng Hằng cứ tưởng không phải là mình đang đứng giữa gió rét mà chính là anh Ca. Cho nên chị lại càng trân trọng cái phút này, chị hình dung thấy trong kia anh Ca đang đứng nhìn thằng Hùng đăm đăm, và tất cả mọi cái gì xảy ra ở đây lúc này sẽ mãi mãi được ghi trong trí nhớ của chồng.
- Chị Thanh ạ, tiếng anh Ca rụt rè, sắp tới khi nào Hằng nó trở dạ, nhờ chị giúp đỡ.
- Anh cứ yên tâm.
- Dạ, với lại khi nào bà cụ nhà tôi trong Thanh ra, chị nhớ giúp đỡ ý kiến với nhà tôi. Tính Hằng nó không biết chiều bà…
- Anh đừng lo. Kỳ này bà ra, thế nào bà cũng ở lâu…
Ra khỏi cổng cái bệnh viện, con đường đá sụt lở và ghồ ghề đến nỗi trong đêm, Hằng chỉ dám đi rón rén chỉ sợ ảnh hưởng đến cái thai. Ca dắt xe đạp cũng đi thật chậm để cho Hằng tạm đặt chiếc balô con cóc trên boóc-ba-ga và chị có thể vừa đi bên cạnh đỡ lấy. Nhưng khi ra đến đường nhựa thì hai vợ chồng đã có thể đèo nhau được rồi.
Hằng ôm chiếc ba lô con cóc trước cái bụng chửa ngồi trên boóc-ba-ga đang xoay xoả để lựa một tư thế thoải mái thì Ca đã lên tiếng, vẫn những điều cũ kỹ không biết anh đã dặn đi dặn lại bao nhiêu lần:
- Khi nào bận bịu công việc em đừng cáu gắt với thằng Hùng, nhất là đừng bao giờ đánh nó. Em nghe đấy chứ?
- Em nhớ rồi.
- Cuối tháng sau, bà sẽ ra. Trên đường đi, anh sẽ dừng đánh thêm một bức điện nữa. Lần này bà ở với mẹ con được ba bốn tháng, ra đến ngoài giêng thì hay lắm.
- Bà ở được vài tháng đã khó lắm.
- Em khéo chiều thì bà ở được lâu hơn, chứ như lần trước em sinh thằng Hùng…
- Hồi ấy em cũng rất chiều bà.
- Nhưng em nhớ đừng có bao giờ cáu gắt với bà.
- Anh cứ yên tâm. Lần này em sẽ không cáu gắt…
Chị Hằng tiễn chân anh Ca tới trạm xe giao liên đầu tiên ở tận một vùng ngoại ô phía Nam. Chia tay chồng vội vã, chị đạp xe về đến nhà lúc trời vẫn chưa sáng. Gian phòng vẫn y nguyên: một tấm màn trắng buông rủ thẳng thắn. Chiếc ri-đô hoa. Chiếc chạn bát do chính tay anh Ca đóng… Chị vạch lá màn. Thằng Hùng đã đạp hết chăn nằm phơi nửa người ra ngoài. Chị đắp lại cho con rồi chui vào chăn nằm với con. Tội nghiệp bố mày, chắc bây giờ vẫn đang ngồi đợi xe giữa trời rét. Chị lẩm bẩm rồi lắng nghe những tiếng gió lùa hun hút qua kẽ vách nứa. Rồi chị bỗng thấy trong bụng đau quặn lên. Cái thai lại đạp. Cũng chỉ còn hơn một tháng nữa chị đã sinh. Chẳng biết lần này con trai hay con gái. Chị ao ước một đứa con gái. Chị chợt nghĩ đến bà mẹ ở trong Thanh sắp ra ở với mình, bà mẹ hiền lành và cũ kỹ của chị. Chao ôi, đến bây giờ chị Hằng mới sực nhớ ra mình vẫn có một bà mẹ. Hình như trong những lúc quạnh vắng lại sắp sinh nở như thế này mới sực nghĩ đến mẹ, bà mẹ của chị đang ở trong nhà quê…
Thế là bà cụ Huân đã ra ở với chị Hằng được mươi hôm. Chị vẫn đi làm. Trong thời gian chờ con gái sinh nở, bà cụ ở nhà với thằng Hùng, trông nom cháu. Thằng bé lên ba tuổi rưỡi. Cả bố lẫn mẹ đều đẹp vậy mà thằng bé lại xấu, Nhưng điều đó không quan trọng bằng cái việc nó đã bị cả dãy nhà lá của khu tập thể này liệt vào loại đứa trẻ không ngoan. Tuy không nói ra nhưng mọi người đều nghĩ rằng thằng bé ít ngoan cũng phải, nhất là bố nó, anh Ca, nâng niu chiều chuộng nó quá mức. Thật thế, cả bố lẫn mẹ nó đều là những người thầy thuốc vậy mà hai hàm răng thằng bé đều cáu đen lại, bị sâu hết chiếc răng này đến chiếc răng khác. Có gì đâu, suốt ngày nó vòi kẹo, lúc vòi bố, lúc vòi mẹ. Bố thương hơn, bố cho ngay. Còn mẹ, cũng có lúc không cho thì nó nói ngay: "Con đĩ mẹ"!. Mẹ không mắng. Bố cũng bỏ qua. Vợ chồng chị Hằng được cái nết tốt là chẳng bao giờ mắng con, trong lúc những nhà chung quanh, có khi mắng chửi con còn chẳng thiếu điều gì nữa, lại còn đánh con như đòn kẻ cướp. Thằng bé Hùng càng trở nên hư từ khi anh Ca được nghỉ phép ở nhà một tháng trước khi đi B. Những năm ở chiến trường anh Ca mới chịu học nấu nướng chứ trước kia vợ anh nấu cho gì ăn nấy. Trong một tháng nghỉ phép ở nhà, anh đã đem ra thi thố cái tài vặt ấy của người đàn ông. Những lúc nghỉ giữa giờ làm việc, chị Hằng vẫn mặc chiếc áo trắng tạt về nhà, không thấy anh Ca đi chợ thì lại thấy anh hí húi nấu nướng và chị lấy làm cảm kích đã gọi đùa anh là "bác bếp". Kết quả là, chị Hằng béo đẫy ra. Còn thằng Hùng thì thật là quá thể - Con ăn gì Hùng - Con ăn xôi! Người bố chạy đi vo nếp nấu xôi đơm ra đĩa nhưng ông con bấy giờ lại tuyên bố: - Con không ăn xôi, con ăn phở cơ! Thế là ông bố sắp đi xa nghĩ rằng mình chẳng còn có bao thời gian được ở với con nữa, liền dắt xe đạp ra phố mua phở. Nhưng phở mua về thì nó cũng không ăn. Vậy thì con ăn gì Hùng? - Con ăn kẹo cơ.
Từ hôm có bà ra, thì thằng Hùng lại hành hạ bà nó. Mới ra ở được mươi hôm, con gái ra đẻ, mà bà cụ tưởng đã chết mệt đi vì thằng Hùng. Nó bắt bà cõng. Nó bắt bà rượt bắt cho kỳ được con mèo, con chuột. Chiếc kèn bố nó mua cho hồi Tết Trung thu - chiếc kèn đã làm khổ tai bao nhà hàng xóm - lâu nay vất trong xó gậm giường. Nó bắt bà nó chui vào lấy ra. Rồi nó bắt bà thổi kèn cho nó nghe. Bà nó thổi nhiều quá đã phát mệt không thổi được nữa thì nó nói luôn: "Con đĩ bà".
- Chao trời, Hằng, tề!
Chị Hằng cũng thấy xấu hổ với mẹ. Chị nổi giận đi kiếm cái que định vác đứa con ra nện cho một trận nhưng lại nghĩ từ hôm ra đi, anh Ca đã gửi về hai lá thư, thư nào cũng khẩn khoản dặn chị hãy thay anh mà yêu gấp đôi, bất cứ lúc nào cũng không nên mắng mỏ, đánh đập nó, tội nghiệp.
- Chao trời, Hùng, mày ăn nói với bà thế à?
Chị Hằng chỉ kêu lên một tiếng như vậy, rồi buông que, nghĩ ngay tới công việc khác.
Đêm nào bà cụ Huân với chị Hằng, hai mẹ con cũng nằm rủ rỉ tâm sự với nhau đủ mọi chuyện, hết kể chuyện gần lại chuyện xa, hết chuyện làng xóm, họ mạc trong quê lại đến chuyện nhà cửa. Có một lần hai mẹ con đang trò chuyện vui vẻ thì chị Hằng bỗng nổi giận:
- Hai chiếc áo len của con để ở nhà làm sao chúng nó lại dám lấy đem đi là thế nào nhỉ? Mà tại sao mẹ lại để chúng nó lấy đem đi?
- Thì tau có biết chi! Bữa đó Quyền về lấy đi một chiếc. Chỉ còn một chiếc. Tau đem phơi đã đã cất kín trong giương. Con Gio về lục giương lấy đi nốt.
- Cái gì con gửi mẹ thì mẹ phải biết giữ cho con chứ?
- Thì tau có biết chi mô.
- Mẹ không biết chứ, hai chiếc áo len ấy anh Ca sắm cho con từ hơn chục năm nay. Con Quyền đi lấy chồng mẹ cho nó đủ thứ, con Gio cũng vậy. Còn con, mẹ đã cho con gì đâu? Bản thân anh Ca, hết sắm sanh cho con lại cho thằng Hùng, chứ có bao giờ anh ấy sắm sanh cái gì vào người mình đâu? Người đâu mà có người lẩm cẩm thế cơ chứ! Cho đến lần đi B vừa rồi mới mua được một cái áo len theo giá của quân nhu. Lại còn định để ở nhà. Con phải nổi cáu, bắt mặc vào người, thì mới chịu mặc. Con Quyền, con Gio chúng nó cứ tưởng vợ chồng chị Hằng ở Hà Nội giàu sang phú quý lắm cơ đấy, cho nên chúng nó mới dám tự tiện thế? Cả mẹ nữa, mẹ cũng tưởng gia đình vợ chồng con cái thừa thãi, cho nên mới để cho chúng nó lấy của con mang đi?
- Thì tau có biết chi.
- Thế thì con cho chúng nó biết. Hai đứa nó không sớm mang về đây giả, thì con bửa xác chúng nó ra.
Nữ bác sĩ Thanh đi làm về, áo công tác chưa kịp cởi đã vội vàng chạy sang:
- Nào, cho cô xem mặt cháu gái yêu nào?
Chị Hằng đang nằm bên một cái bọc vỏ chăn hoa cũng vội nhổm dậy:
- Đó chị Thanh, cháu giống ai?
- Khuôn mặt sữa của trẻ con thay đổi luôn ấy mà! Nhưng mà trông nó giống Hằng lắm.
- Không nó giống anh Ca đấy chị ạ, xấu, con gái lại đi giống bố.
- Nó giống Hằng hơn.
- Không, nó giống anh Ca đấy chị ạ, cả mấy ngón tay cũng giống tay anh Ca.
- Chị nhìn kỹ xem đây này, con mắt, cái trán, cái sống mũi, có phải y như thằng Hùng không nào? Mà thằng Hùng lại giống bố nó y như tạc ấy chứ? Chị thử quay lại ngắm thằng Hùng xem?
- Sao Hằng về sớm thế, mới ba hôm đã về?
- Sốt ruột quá, sốt ruột với cái thằng Hùng ở nhà. Cứ thương nó ở nhà một mình.
- Đã có bà, sợ gì?
- Vẫn biết thế, nhưng đêm nào nó cũng ngủ với em, nó đã quen. Bây giờ, hai ba đêm liền, không có mẹ ở nhà… Em cứ lo, mà nhớ nó phát khiếp lên được!
Mọi người trong khu tập thể đến thăm, ai cũng khen vợ chồng chị Hằng khéo "đúc". Một trai, một gái. Có thể "kế hoạch" được rồi.
Chị Hằng cũng lấy làm thoả mãn lắm. Mấy hôm nay chị đã nhờ cậu phụ trách máy điện thoại cơ quan gọi qua đường dây "tải ba" vào tận trong B báo tin mừng cho anh Ca biết. Rồi một hôm, con Lan - đứa bé mới sinh - đang ngủ và chị Hằng nằm nghiêng bên cạnh lần lượt sờ mó từng cái ngón tay bé xíu của nó thì cậu phụ trách máy điện thoại xô cửa bước vào.
- Chị Hằng sang nói chuyện với anh Ca ngay bây giờ.
- Gọi được rồi hả em?
- Ai?
- Anh Ca.
- Bây giờ anh ấy đang ở đâu?
- Đang chờ chị ở máy điện thoại.
Chị Hằng gần như rên rỉ:
- Bà ơi, bà trông cháu hộ con.
Bà cụ Huân kêu thét lên khi thấy con gái đầu không kịp trùm khăn, bước đánh thịch xuống giường xô cửa chạy ra khỏi nhà.
- Mới sinh mấy hôm mà mi dám cử động mạnh rứa hử Hằng?
Hằng đặt một tay lên ngực để nín thở, bàn tay kia vồ lấy cái ống nghe.
- Anh Ca đâu?
- Anh đây - Đầu dây bên kia, tận nơi tít mù xa, tiếng anh Ca cất lên.
- Anh đã nhiễm sốt rét rồi hả?
- Không việc gì.
- Chắc ban đêm anh phải làm việc nhiều?
- Nhiều. Tình hình chiến trường khẩn trương lắm.
Sau khi người ta cắt để lấy đường dây làm việc, chị Hằng không nhớ mình đã nói với chồng được những gì, chỉ biết rằng thời giờ được nói chuyện quá ít ỏi.
Chị trở về gần đến nhà chợt nghe tiếng con Lan khóc ngăn ngắt. Sao nó lại khóc thế nhỉ?
Chị bước vào thấy mẹ đang bế cháu ngồi khóc.
- Sao thế hả mẹ?
- Thì tau có biết chi mô, hắn chạy vô hắn gọi em, rứa là bất ngờ hắn thụi cho con bé một cái.
Chị Hằng giận dữ giằng lấy con từ trên tay mẹ: - Lúc nào mẹ cũng "tau có biết chi mô?" - Miệng nói, tay chị vạch tay chân mình mẩy đứa trẻ sơ sinh xem có gãy xương hay chảy máu ở đâu không.
Bà cụ sau đó lại thấy con gái quay ngoắt lưng lại phía mình thì vội vã len lén bước xuống bếp, miệng lẩm bẩm: "Bất thình lình hắn chạy vô em… thì tau có biết chi mô?". Chị Hằng quát lớn:
- Hùng mày vào đây để mẹ hỏi tội!
Thằng bé không những không vào mà còn đứng dạng chân ra, giơ cái nắm đấm dư dứ về phía con bé em. Rồi lại còn nhe răng, trợn mắt, để nhát mẹ nó. Chị Hằng bật cười, lại càng thương thằng Hùng hơn. Từ hôm chị bế con bé Lan về, nó ít được chị vuốt ve, chăm sóc. Cho nên nó hay ghen với em. Cũng may, con bé chỉ đau, chứ không gãy xương hay chảy máu.
Trông thấy thằng con trai quý dở khôn dở dại vẫn đứng nhát mình ngoài cửa, chị Hằng nói:
- Răng của mày hồi này có vẻ lại càng đen đấy, lại đây mẹ xem thử nào?
Thằng bé đi đến. Chị bế nó lên. Một tay bế con Lan. Một tay bế thằng Hùng.
- Từ nay con phải biết thương em, không được thụi em.
- Cứ thụi.
- Vậy thì con không ngoan rồi. Con có thương mẹ không?
- Không.
- Thằng đầu bò. Con há miệng để mẹ nhìn kỹ xem răng nào?
Thằng bé lấy hai ngón tay vạch hai khoé miệng và đuôi mắt ra.
Chị Hằng âu yếm lấy tay xoa đầu nó và lại cười:
- Trông mày phát khiếp, y như sắp ăn thịt mẹ ấy.
- Mẹ gãi đầu cho con mau lên.
- Ở đâu?
- Ở đây này. Đây cơ. Không đây mà!
- Trong lúc cong những ngón tay gãi lưng cho con trai. Chị Hằng chợt hối hận rằng ban nãy thì thương con Lan quá đã trót cáu gắt với mẹ. Trước khi ra đi, anh Ca đã chẳng dặn lại không được cáu gắt mà phải chiều bà đó ư. Sự hối hận như cái bong bóng trời mưa, lập tức vỡ tan đi ngay, khi chị Hằng cúi xuống ngắm gương mặt đứa con gái. Con bé mới kháu khỉnh làm sao chứ! Nó đang nằm trên cánh tay chị, cả thân người đứa bé cùng làn tã lót bọc ngoài cũng chỉ vừa đủ một nửa cánh tay ôm, cả khuôn mặt sữa lấp sau cái bầu vú của chị, trên nhìn xuống chỉ thấy hai con mắt nhắm như đang ngủ và cái má bé xíu, đỏ hỏn, nở ra hóp vào, và cái bầu vú nặng trịch của chị mỗi lúc một nhẹ đi. Rồi chị Hằng chợt cười một mình, nghĩ đến lúc mình chỉ bé bằng con bé Lan này. Tuy chị Hằng đã một lần nuôi thằng Hùng nhưng mấy bữa nay, mỗi lần bế con bé Lan trên tay, chị vẫn thấy ngại, y như phải sắp bắt đầu đi một chặng đường dài, rất dài. Chao ôi, bao giờ thì nó mới biết lẫy, đến bao giờ thì lững chững từng bước, biết gọi bập bẹ "mẹ, mẹ", đến bao giờ biết múa hát, đùa nghịch, làm nũng. Đến bao giờ nó mới biết nhát mẹ, thụi em và biết nói lếu láo "con đĩ mẹ" như cái thằng Hùng đầu bò đầu bướu kia? Ngày bằng tuổi thằng Hùng bây giờ, chị Hằng nổi tiếng là một đứa bé hay nhõng nhẽo, làm nũng mẹ. Cái tính ấy vừa là nết chung của trẻ con lại là tính riêng của chị, thậm chí đến bây giờ chị Hằng vẫn chưa bỏ được cái tính nhõng nhẽo, thích làm nũng và bắt nạt mẹ.
- Mẹ ơi!
Bà cụ Huân đang lúi húi thổi niêu cơm nếp ở dưới bếp thì nghe con gái gọi vọng bằng cái giọng nũng nịu mà bà đã hết sức quen. Tội nghiệp, bà cụ vẫn cứ tưởng đang bị con gái giận cho nên cứ ngồi dưới bếp, không dám lên nhà trên.
Bà cụ hí hửng, luýnh quýnh chạy lên.
- Mẹ ơi, con Lan nó chẳng sao cả.
- Thì tau đã coi, có mần răng mô.
- Mà tại sao nó bé xíu như con chuột nhắt thế này mẹ nhỉ?
- Cha mi - bà cụ cười móm mém - Vừa lọt lòng ra mới được có mấy ngày.
- Ngại quá đi mất. Không biết nuôi đến bao giờ nó mới nhớn kia chứ.
- Khắc nuôi khắc lớn. Con người rứa đó. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã chạy đi nhởn khắp xóm, kêu rát cổ không chịu về bây giờ.
- Mẹ ơi, cơm nếp chín chưa?
- Mi đói rồi hử?
- Chưa. Mẹ lại gần đây. Mẹ ngồi xuống đây với con một tẹo nào.
Bà cụ ngồi xuống bên đứa con gái. Chị Hằng ủ con bé Lan xuống giường rồi ngả hẳn vào trong lòng bà cụ Huân.
- Mẹ gãi sau lưng cho con. Đấy, chỗ đấy. Không. Xích lên một tí. Mẹ gãi mạnh vào. Được rồi.
Bà cụ định đứng dậy thì chị Hằng đã lại bảo:
- Mẹ lấy cái lược chải hộ tóc cho con. Đầu con dạo này y như cái tổ quạ, mà ngứa vô kể.
- Vừa ở cữ dậy. Kiêng chải đầu đó Hằng à.
- Thì mẹ lấy móng tay cào trong da đầu cho con vậy.
Bà cụ lại chiều đứa con gái từ nhỏ đã được bà chiều chuộng nhất trong mấy đứa con gái, lấy ngón tay cào lên chỗ chân tóc của mái tóc uốn. Mười ngón tay của bà cụ chạm đến đâu, chị Hằng suýt xoa kêu đỡ ngứa đến đó. Chị làm tình làm tội, bắt mẹ hầu hạ, chiều chuộng mãi cho đến lúc chị hô lên một tiếng "được rồi!".
- Chao ôi, cơm nếp! - Chị Hằng lại kêu lên như cháy nhà - Phần sống, phần khê, phần thì nhão. Thật khổ. Đến nấu miếng ăn vào miệng mẹ cũng không biết nấu.
- Tao nỏ biết thổi cơm bằng bếp dầu mô.
- Cái gì mẹ cũng kêu nỏ biết, nỏ biết. Đến những người đàn ông người ta còn biết nấu miếng ăn cho ngon lành cơ mà. Từ nay trở đi, mẹ cứ ngồi bế cháu, con nấu nướng, làm lụng lấy.
Thời gian đầu khi bà cụ mới trong Thanh ra, chị Hằng con nói năng nhẹ nhõm, hoà nhã vui vẻ, nhưng lòng độ lượng của chị cũng chỉ có thể có mức độ, dù rằng đối với một người mẹ. Khốn một nỗi là bà cụ vụng quá cơ. Người đâu mà có người vụng đến thế cơ chứ. Mà còn luộm thuộm nữa. Giặt cái áo cho thằng Hùng vẫn còn đầy ghét. Giặt cái tã cho con Lan cũng vậy. Nấu miếng gì cho mình cũng vậy, không sống sít thì khê nặc, ngửi cũng thấy chứ không nói bỏ vào miệng. Hơn nữa, nhà cửa lúc nào cũng để bừa bộn. Mà lại còn bảo thủ, làm sai bảo lại còn không chịu tiếp thu. Bảo ban cái gì cũng "nỏ biết chi mô" thì làm sao mà bổ khuyết cho lần sau được.
Vậy thì làm sao chị Hằng khỏi khỏi cáu gắt được?
Vậy là, dần dần y như lần trước bà cụ Huân ra để giúp đỡ chị hồi sinh thằng Hùng, lần này chị Hằng lại sinh ra hay to tiếng, hay cau có với bà cụ. Cái vạch ngăn cách giữa tính nhõng nhẽo, làm nũng và hay bắt nạt mẹ của một đứa con gái và thói quen tỏ ra uy quyền của một người đàn bà chủ nhà thật là mơ hồ, rất khó nhận thấy, đến nỗi người ta thường dễ lẫn lộn, thường dễ tự lừa dối và tự lừa phỉnh mình.
Bà cụ Huân ở với chị Hằng chưa đầy một tháng thì chị Quyền, người con gái thứ hai lấy chồng Hồng Quảng đã đánh vào cho bà cụ một bức điện khẩn chỉ vẻn vẹn có ba chữ: "Mẹ ra gấp!".
Lúc đó chị Hằng đang ngồi quấn tã cho con Lan thì nghe tiéng thằng Hùng réo từ ngoài cửa:
- Mẹ ơi, bố đánh điện về!
Ban đầu chị Hằng lại tưởng anh Ca lại gọi điện thoại theo đường dây tải ba như lần trước nên đã gọi mẹ lên trông cháu nhưng thằng bé đã chìa ra trước mặt chị một mảnh giấy màu xám. Chị vồ lấy bóc ra, hai bàn tay cứ run bắn lên.
Rồi chị thở đánh phào một cái, tuy vậy nét mặt mỗi lúc một trở nên lo lắng. Chị kẹp tờ giấy xám giữa hai ngón tay, nói với bà cụ Huân lúc ấy đang luýnh quýnh bế lấy con bé Lan:
- Mẹ ơi, chẳng biết có việc gì mà con Quyền nó đánh điện vào. Nó có việc gì cần gọi mẹ ra gấp với nó.
Bà cụ Huân vừa thoạt nghe đã rụng rời cả chân tay. Tuy là em nhưng con Quyền lấy chồng trước con Hằng. Nó đông con, những năm đứa con, cho nên cũng túng hơn, nhà cửa lại còn chật chội hơn. Bà cụ Huân ngồi ở đấy, lấy làm sốt ruột lắm. Nó ốm? Chồng nó bị tai nạn sập lò? Hay là con cái nó ra sao? Bà cụ hầu như không nghĩ đến điều vô cùng nhiêu khê, khó khăn trên đường đi ra tận ngoài đó. Mà chỉ còn nghĩ đến đứa con, con Quyền, cái núm ruột ở cách xa bà nhất, phải đi qua một cái biển bằng tàu thuỷ mới thấu. Giá mà ở nhà ra đi thì thế nào bà cũng bắt ông dỡ mấy gốc khoai sọ hay đong mấy cân nếp, cân đỗ đỏ mang đi. Bà cụ nhẩm tính số tiền ở nhà mang ra vẫn gói trong bao tượng. Có lẽ chỉ còn ba chục. Nhà con Quyền ngày thường đã thiếu túng, lúc này chắc càng túng. Hay là mình hỏi vay con Hằng mấy chục nữa? Nhưng bà sợ làm phiền con Hằng. Nó vừa sinh, cũng cần tiền để bồi dưỡng tiêu pha.
Nhưng chị Hằng đã đưa thêm cho mẹ ba chục. Chị gửi mua mấy gói bánh, gói kẹo để chị Hằng mang đi làm quà cho mấy đứa cháu ở ngoài đó. Chị cũng đang sốt ruột và lo cho con em ruột mình lắm.
- Chẳng biết đã xảy ra chuyện gì? - Chị vừa sửa soạn cho mẹ đi vừa cằn nhằn - Tại sao không thể đánh thêm mấy chữ? Tiết kiệm không phải lối. Chỉ tốn thêm mấy hào chứ là mấy?
- Hay là cô Quyền lại sinh. Lại cần có cụ ra ở ngoài đó? - Chị Thanh, người hàng xóm hỏi qua bức vách.
- Cũng có thể, chị ạ. Lâu lắm nó không vào. Mà cũng không viết thư cho tôi - Chị Hằng trả lời chị hàng xóm xong lại quay sang nói với mẹ - Nhưng mẹ cũng cần phải biết, tính con Quyền cũng hay cá nhân lắm. Mẹ không nhớ rằng mấy năm trước đây, nó vẫn cứ nằng nặc đòi mẹ ra ở hẳn ngoài đó trông bầy con cho nó đấy ư? Nó muốn chiếm độc quyền mẹ hử? Con, đứa nào cũng là con. Mẹ là mẹ chung chứ! Mẹ không thể yêu đứa nào hơn mà ở hẳn suốt đời với đứa ấy được!
- Thì tau có biết chi mô. Hồi đó hắn về hắn siếc sẩm rằng không sao thuê được người trông con để đi làm. Cả nhà hắn phải trông vào đồng lương anh chồng hắn.
- Ừ, chuyện này thì mẹ không biết thật. Đây là con nói với nó, cái con Quyền. Hồi đó con đã gàn. Cho nên đến bây giờ nó vẫn còn giận con. Nếu hồi đó nó về cắt được hộ khẩu và mang mẹ đi hẳn lọt được, thì bây giờ mẹ chỉ còn cái xác. Cả nửa tá con nhà nó hành hạ mẹ cũng đủ. Trong cái đám mười anh chị em, đứa ở nhà quê, đứa ở tỉnh khác, thì chỉ có hoàn cảnh của con là đáng được mẹ ra ở hẳn với, bởi vì chồng con là bộ đội luôn phải ở trong B này, con lại còn nhỏ dại này, nhưng con có dám phiềm hà mẹ nhiều đâu! Đối với mẹ, con cũng biết điều lắm chứ. Vậy mà anh Ca vẫn trách con.
- Hằng à, mẹ phải ra gấp với con Quyền, là bởi tại vì nó đang…
- Thì con cũng đang nóng ruột vì nó, chẳng đang vội vã thu xếp cho mẹ đi ra với nó đây là gì? Mẹ ra ngoài đó thì bảo nó hay chồng nó đánh ngay về đây cho con một bức điện, nói cho con biết đã xảy ra việc gì? Nếu hoàn cảnh nó bức bách cần tiền thì cũng nói mấy chữ luôn thể. Con sẽ gửi thêm tiền cho nó. Nhưng nếu trường hợp chẳng có việc gì cả, con Quyền chỉ đánh bức điện để lôi mẹ ra bòn rút sức lao động của mẹ, để mẹ giúp nó nấu nướng và trông lũ con cho nó, thì mẹ nhớ phải về ngay trong này với cháu Lan. Và luôn thể mẹ bảo nó trả cái áo len cho con. Mẹ bảo nó, con nói rất cương quyết như thế. Rồi mẹ gói giấy báo cẩn thận, mang về đây hộ cho con.
- Tui ở trong Vinh về nhà mới được có mấy ngày - Bà cụ Huân nói với nữ bác sĩ Thanh - thì đã phải vội vàng ra đây với con Hằng.
- Chuyến trước cụ vào Vinh với vợ chồng cậu út phải không?
- Vâng. Vợ hắn vừa bị sẩy thai. Trong chỗ thằng Lam ở trong Vinh về là tui định trong bụng là sẽ ở nhà hẳn. Thật tội nghiệp ông nhà tui, nấu một bữa ăn hai ba bữa. Năm ni, ông nhà tui ngoài bảy mươi mà phải tự nấu nướng lấy ăn, phải trông nom từ con lợn đến con gà, như đàn bà.
Chị Thanh cười:
- Còn cụ thì làm đại sứ lưu động?
Bà cụ Huân tuy chẳng hiểu "đại sứ lưu động" là gì nhưng cũng gật đầu:
- Vâng. nhưng tui định Tết ni mần răng cũng phải về ở nhà để lo liệu Tết nhất cho ông nhà tui, chứ để ông nhà tui Tết nhất lọm khọm một mình ở nhà, tui không đang tâm chị ạ!.
- Cụ chẳng còn sống được bao lâu nữa đâu! - Nữ bác sĩ Thanh nói, cố giấu trong giọng vẻ bất bình - Cụ cũng phải nghĩ đến việc an hưởng tuổi già nữa chứ? Chẳng lẽ cụ cứ chạy đi chạy lại mãi với con suốt đời hay sao? - Con xem như chị Hằng đây, chỉ biết thương biết quý chồng con thôi!
- Rứa đó chi ạ - Bà cụ Huân nói - Đời người ta vay của cha mẹ rồi trả cho con cái. Cho nên tui cũng không hề phàn nàn con cháu Hằng mô! Như chị ông bà cụ về cả, chị mới biết thương tui! Thôi, tui sang chào chị. Nhờ chị ở liền vách thỉnh thoảng giúp đỡ cháu Hằng mới. Tiếng thế nhưng một mình hắn, hai nách con nhỏ, chồng lại đi vắng, cũng vất vả lắm. Tui phải để mẹ con nhà hắn ở với nhau để đi ra ngoài Hồng Quảng chuyến ni cũng chẳng thật yên tâm./.
Nguyễn Minh Châu
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com