chan_dung-ke_si

Nhà văn Nguyễn Kiên: Học văn và đọc văn (ngoài chương trình giảng dạy) là hai việc gắn liền với nhau

14-10-2023

Lượt xem 866

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Nguyễn Kiên

Nhà văn Nguyễn Kiên: Học văn và đọc văn (ngoài chương trình giảng dạy) là hai việc gắn liền với nhau

Nhà văn Nguyễn Kiên (1935-2014)

 

Nhà văn Nguyễn Kiên tên thật là Nguyễn Quang Hưởng, sinh ngày 2.4.1935 tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông, tỉnh hà Tây. Nhiều năm là công tác biên tập ở các nhà xuất bản Kim Đồng, tạp chí Tác phẩm mới và giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn.

Tác phẩm chính đã in: Trong làng (truyện ngắn, 1960), Lá rụng (truyện ngắn, 1962), Đồng tháng năm (truyện ngắn, 1963), Vụ mùa chưa gặt (truyện, 1965), Vùng quê yên tĩnh (tiểu thuyết, 1975), Nhìn dưới mặt trời (truyện ngắn, 1981), Đáy nước (truyện ngắn, 1986), Một cảnh đời (truyện, 1991), Những ngày lưu động (truyện thiếu nhi, 1956), Chú đất nung (truyện thiếu nhi, 1960), Năm tôi mười ba tuổi (truyện thiếu nhi, 1973), Cuộc phiêu lưu của những hòn sỏi (truyện thiếu nhi, 1985), ...

 

TUỔI THƠ – HỌC VÀ ĐỌC VĂN

Trước Cách mạng tháng Tám tôi học dở dang bậc tiểu học ở trường làng. Thời ấy, sự học hành ở thôn quê vắng vẻ và hiu quạnh, chứ không như bây giờ. Vài chục trò bé lau nhau, lạc vào dăm anh lớn kềnh càng, cùng học lớp Nhì năm thứ hai (tương đương lớp bốn phổ thông cơ sở ngày nay) đã ra dáng lớp trên, oai lắm! Thầy giáo cũng rất oai và thầy ra oai bằng cách, hễ bước chân vào lớp là thầy rút cái thước kẻ lim to tướng ra, đập lên mặt bàn “cạch! cạch!” từng thôi dài, như nổ súng liên thanh. Thầy cũng sẵn sàng dùng cái thước kẻ đáng sợ ấy, nện cháy lòng bàn tay những trò nào lơ đãng, nghịch ngợm hoặc không thuộc bài.

Tuổi thơ tôi có những kỉ niệm buồn. Nhưng ngôi trường làng vẫn là hình ảnh thân thiết suốt đời tôi. Các thầy giáo làng, phần đông sống cuộc đời khốn khó vẫn luôn luôn gần gũi đối với tôi. Nhiều bài văn thầy dạy chúng tôi hồi ấy, tôi đã quên. Nhưng cũng có những bài tôi nhớ, chỉ tiếc là hiện tôi không có trong tay cuốn sách giáo khoa cũ nên không thể dẫn ra đây chính xác tên bài và tên nhân vật. Tôi nhớ bài quả cam, kể chuyện một gia đình hòa thuận, con có quả cam nhường cho cha, cha nhường cho mẹ rồi mẹ lại nhường cho con; bài kể chuyện chú bé nhà nghèo ham học, đêm đêm bắt đom đóm bỏ vào vỏ quả trứng gà thay đèn, soi lên trang sách; bài Biệt li, tả cảnh đưa tiễn người thân, kết thúc bằng câu cảm thán: “Ôi cảnh biệt li sao mà buồn vậy!”. Bài văn, từ những con chữ ngủ trên trang giấy, trở thành một cái gì đó cứ cựa quậy trong đầu óc chúng tôi, trước hết là nhờ công thầy giáo đánh thức những con chữ ấy dậy và khơi lên trong chúng tôi niềm say mê tìm đến chúng. Thuở nhỏ, tôi đã ham thích tưởng tượng. Và thế là đến lượt tôi, tôi bị lôi cuốn vào bài văn, có lúc nào rỗi rãi là tôi lại tưởng tượng như đang sống trong câu chuyện, trong những cảnh, những tình chứa đựng trong bài văn đó. Chúng có vẻ như xảy ra ở đâu đó rất xa mà cũng rất gần, hiển hiện ngay trước mắt. Tôi nhớ là, một hôm tôi xin được ai đó tờ giấy than. (đối với bọn trẻ nhà quê chúng tôi thời xa xưa ấy, tờ giấy than là cái gì kì lạ nhất đời!). Với tờ giấy kì lạ nhất đời ấy, tôi đã loay hoay mất không biết bao nhiêu thì giờ để “can-ke” lại những tranh minh họa in trong sách giáo khoa mà tôi thích. Tôi vẽ rất kém và vì thế, khi có được trong tay bức tranh giống hệt bức tranh in trong sách, lập tức tôi phải khoe ngay với bạn bè; bức tranh đó lại đã trở thành tác phẩm của tôi và đứa bạn nào cũng tỏ ra dè bỉu nó là tôi phớt lờ nó ra mặt dấu bức tranh đi ngay.

Dạo ấy, bên hàng xóm nhà tôi có một anh lớn tuổi, từ vùng quê xa lên ở trọ. Anh theo học trường tỉnh, sắp thi lấy bằng Thành chung (tương đương bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở ngày nay). Một hôm tôi lân la sang chơi, thấy anh ngồi bóp trán làm bài luận quốc văn, đầu đề đại khái là: bình giảng câu “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Cái đề bài bình giảng ấy, đối với tôi cực kì khó hiểu. Bầu và ống thì rõ rồi nhưng tại sao lại ở, mà ở làm sao được? Tôi phải cái tính hay tò mò tìm hiểu và đã không thể nào hiểu được thì đành phải hỏi. Nhà thông thái của tôi (tức người anh lớn tuổi trọ học bên hàng xóm) giảng: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” cũng na ná như “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tôi có hơi vỡ lẽ ra một tí nhưng chắc là lúc đó vẻ mặt tôi vẫn còn ngơ ngác thế nào, nhà thông thái đâm ra cũng bị lúng túng lây. Mãi một lúc sau, như chợt nhớ ra điều gì anh khẽ “a” lên một tiếng: “Thế này nhé, trong sách Quốc văn em học, có bài kể chuyện hai mẹ con nhà kia, người mẹ nghèo nhưng quyết chí nuôi con ăn học. Thoạt tiên họ ở cạnh nhà anh hàng thịt lợn. Đứa con bắt chước cứ suốt ngày chơi trò cầm dao chọc tiết và pha thịt, không chịu học hành. Người mẹ liền chuyển chỗ ở đến gần nhà thầy đồ, đứa con dần dần ham mê đèn sách, học giỏi hẳn lên. Đấy, bầu hay ống đại khái nó là như thế!” Bây giờ nhớ lại, tôi nhận thấy cái bài học chứa đựng trong những câu tục ngữ và truyện ngụ ngôn trên đây, tuy đúng nhưng không đủ: con người bị phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nhưng đấy là chuyện khác…

Qua những kỉ niệm nho nhỏ trên đây tôi chỉ muốn nói rằng, việc học không chỉ gói gọn trong trang sách giáo khoa. Từ trang sách giáo khoa, nó luôn luôn gợi mở và nếu như ta có lòng say mê, nó sẽ dẫn ta vào cuộc thám hiểm đầy bất ngờ thú vị. Học văn và đọc văn (ngoài chương trình giảng dạy) là hai việc gắn liền với nhau, chúng hỗ trợ và kích thích lẫn nhau. Thuở tôi còn là chú học trò nhỏ trường làng, bọn chúng tôi đã truyền tay nhau mê mẩn truyện “Dế mèn phiêu lưu kí” của nhà văn Tô Hoài, in lần đầu, trong loại sách “truyền bá” thời đó. Chả là. Chiều nào chúng tôi cũng kéo nhau ra bờ đê, đi tìm tổ dế, bắt dế, thì chú dế (ở vùng tôi, người ta gọi loại dế này là dế “cờ-roong” – nhại theo tiếng gáy của chúng – chứ không gọi dế mèn. Nhưng điều đó không quan trọng…) cái anh Dế Mèn, vốn quen thuộc thế, nay lại được biết ngóc ngách chuyện đời anh ta lang bạt khắp đó đây, từng vướng mắc sai lầm ngu dại, cũng từng lập chiến công, làm được bao nhiêu việc tốt – cái anh Dế Mèn ấy lập tức hấp dẫn tôi. Tôi yêu mến anh và cứ bất chợt lại mơ màng đến bước phiêu lưu, vượt ra ngoài lũy tre làng, y như anh bạn Dế Mèn của tôi vượt ra khỏi cái tổ dế con con, khuất trong lùm cỏ dại…

Cách mạng tháng Tám thành công. Rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vùng quê tôi gần thủ đô Hà Nội nên mặt trận lan đến rất nhanh. Tôi theo đoàn tuyên truyền xung phong. Thoát li gia đình đi kháng chiến. Năm ấy tôi mười hai tuổi, sự hiểu biết của tôi còn rất ngây thơ, chưa có gì đáng kể. Nhưng tôi đã hăng hái ra đi, một phần khá lớn là do anh Dế Mèn. Những năm sau, trên đường công tác, tôi được đọc bài “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu. Tôi nhận ra hình ảnh “chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh…” ấy có hình ảnh tôi và bao nhiêu bè bạn cùng lứa tuổi tôi đang rong ruổi trên khắp các nẻo đường kháng chiến. Và cứ dần dà như thế, tôi trưởng thành lên cùng các bạn bè.

Theo ý nghĩ của riêng tôi thì tác dụng của môn văn hay nói đúng hơn là của việc học văn và đọc văn cần được hiểu một cách vừa chặt chẽ vừa rộng rãi. Học và đọc văn để biết cảnh biết người, để nắm vững cách điều khiển các câu chữ v.v… Tất nhiên là phải thế. Nhưng bao trùm lên tất cả lại phải làm sao nhuyễn được những cái hay, cái đẹp của văn vào trong tâm hồn, biến nó thành ao ước, thành động lực sống tốt hơn, trở thành người có ích hơn.

Tháng 6.1985
NGUYỄN KIÊN

 

Bài liên quan
  • Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khi đó đã đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa khẩn cấp khu vực để bảo vệ nguyên trạng, họp bàn tìm cách khai quật tối ưu.
  • VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    Sao lại nói là không có cốt truyện? Không đúng. Cốt truyện có ở mọi nơi mọi chỗ. Anh hãy nhìn vào bức tường này. Ai cũng biết ở đấy chẳng có gì cả. Nhưng anh hãy nhìn kỹ vào đó, hãy tìm trong đó một cái gì của mình, một cái gì không ai thấy được. Và anh hãy viết ra. Xin cứ tin điều tôi nói, bấy giờ thế nào cũng có một truyện ngắn. Cũng như anh có thể viết rất hay về một chủ đề đã cũ mèm như viết về ánh trăng, miễn là biết nhìn ra trong ánh trăng một cái gì của mình mà không phải một cái gì khác đã quá nhàm.
  • Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Theo thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Minh Chuyên vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi những đóng góp đặc biệt cho văn học viết về chiến tranh thời hậu chiến.
  • Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lúc đầu thấy Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương không được, Nguyễn Thùy có lần đã đề nghị với Kim Cương một cách nghiêm túc hay là Kim Cương lấy Bùi Giáng làm chồng, biết đâu sẽ giúp anh ấy bớt khùng và viết lách đường hoàng, đĩnh đạc, dễ hiểu hơn?
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nguyễn Thùy có cô người yêu là sinh viên Đại học Sư phạm ban Anh văn rất quý trọng Bùi Giáng, cô này thường đi theo Bùi Giáng uống cà phê, quàng vai ông rất thân thiết khiến Bùi Giáng rất vui.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Sau khi không may gặp hỏa hoạn, không chỉ nhà bị cháy mà tất cả tác phẩm và sách vở tài liệu bị cháy sạch, Bùi Giáng lại thêm một cú sốc lớn khiến tâm hồn nhạy cảm của ông càng bị chấn động. Bùi Giáng càng điên hơn, ban ngày ông lang thang ngoài đường trong trang phục “cái bang” với mấy con chó nhỏ trong túi vải đeo lủng lẳng quanh mình. Cứ thế ông rong chơi khắp phố phường và trêu chọc thiên hạ, nhất là các cô gái đẹp.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Để có cả một kho tàng tác phẩm như thế Bùi Giáng đã viết lúc nào trong khi ông thường dành hết thời giang trong ngày để rong chơi cho những cuộc điên tưởng chừng bất tận? Đây là một điểm rất bí ẩn mà cho đến nay chưa có lời giải, kể cả những người gần gũi nhất với ông.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Bùi Giáng không tốt nghiệp đại học nhưng lại làm “giáo sư” dạy học một thời gian, là nhà nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật và nhất là làm thơ. Ông dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trên thế giới, viết khảo luận đông tây kim cổ và đặc biệt là làm thơ nhanh như chớp bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào.
  • Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Hà Nội từng có 21 cửa ô nhưng đến năm 1866, trên bản đồ chỉ còn 15 cái tên.
  • Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Một câu hỏi được đưa ra từ lâu trong giới nghiên cứu nhưng không dễ trả lời: sự thay đổi chữ viết tạo ra sự đứt gãy về văn hóa, truyền thống trong dân tộc ta?