Nhà thơ Ý Nhi
Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà thơ Ý Nhi, tác giả Người đàn bà ngồi đan là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất thời hậu chiến và trong việc đổi mới, cách tân thơ Việt Nam.
Trong thời kì học phổ thông, tôi đặc biệt yêu thích môn vật lí. Tôi tham gia nhóm điện trong các hoạt động ngoại khóa. Nhóm chúng tôi thành thạo việc bắt và sửa chữa điện trong sinh hoạt. Chúng tôi còn phụ trách ánh sáng khi liên hoan. Tôi kiên nhẫn làm các dụng cụ thí nghiệm và các thí nghiệm cùng với cô giáo và bạn bè. Môn vật lí chiếm nhiều thì giờ của tôi. Tuy vậy, khi ghi nguyện vọng thi đại học, tôi đã chọn đại học Nông nghiệp, theo “lí tưởng xã hội” của tôi. Tôi nghĩ ở nước ta, học đại học Nông nghiệp là cần thiết nhất. Cho đến phút cuối, theo lời khuyên tha thiết của thầy dạy văn, tôi mới ghi tên thi vào khoa ngữ văn đại học Tổng hợp.
Giờ đây, khi đã chọn công việc biên tập văn học và sáng tác văn học làm nghề nghiệp, đôi khi nghĩ lại, tôi không khỏi ngạc nhiên về cái kết cục này. Đó là một sự thu xếp ngoài ý muốn nhưng lại hợp lí. Thầy giáo dạy văn của tôi phải là người hết sức yêu quý văn học và yêu quý học trò của mình mới có thể phát hiện ra những khả năng chính của tôi – cái khả năng mà tôi không ý thức được.
Nhiều năm trôi qua từ ngày ấy, tôi vẫn nhớ giọng nói trầm ấm và đặc biệt giản dị của thầy.
Thầy thường vào lớp với dăm ba cuốn sách trên tay và thường bắt đầu dẫn bài giảng một cách đột ngột.
– Em hãy nói cho thầy biết tại sao Tố Hữu lại mở đầu bài thơ Ta đi tới bằng hai câu “Ta đi giữa ban ngày. Trên đường cái ung dung ta bước”?
– Tại sao Tế Hanh có thể viết là Mặt quê hương. Sự sáng tạo của nhà thơ ở đâu?
– Hãy đọc thuộc lòng đoạn nào trong Truyện Kiều mà em thích nhất?
– Vì lẽ gì người con trai trong câu ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa. Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay” lại phải nói dài dòng đến vậy?
Chắc các bạn cũng có thể hình dung được cái không khí náo nức của lớp học khi phải trả lời cho câu hỏi: “Tại sao” của thầy. Có những câu trả lời chín chắn, có những câu trả lời hời hợt, có những câu rất ngộ nghĩnh, và cả những câu ngô nghê. Tôi còn nhớ khi thầy đặt câu hỏi về câu ca dao trên, người bạn ngồi cạnh tôi buột miệng kêu lên.
– Vì anh ta lúng túng ạ.
Cả lớp cười lăn cười lóc. Thầy cũng cười nhưng rồi thầy nghiêm trang bảo chúng tôi:
– Đúng đấy các em ạ. Anh ta lúng túng nên mới phải nói vòng vo như vậy. Lúng túng vì yêu, lúng túng vì cảnh ngộ éo le nữa.
Sau này tôi còn được biết nhiều cách giải thích câu ca dao ấy song tôi vẫn nhớ và tin vào cách giải thích của thầy.
Thầy của chúng tôi thường trình bày bài giảng một cách chân xác, giản dị, đi đến cái cốt lõi của vấn đề. Sức lôi cuốn của bài giảng hoàn toàn không phải ở tài văn hùng biện của thầy hoặc ở bề ngoài của văn mà là tự bên trong đó. Điều này không những hấp dẫn chúng tôi lúc bấy giờ mà còn có khả năng lưu giữ nơi chúng tôi qua thời gian, qua các biến động, qua bước thăng trầm của mỗi người. Có thể coi bài giảng của thầy về Vích-to Huy-gô của thầy là bài giảng hay nhất mà tôi được biết trong thời kì học phổ thông.
Tôi không còn nhớ bài giảng một cách cụ thể nhưng không bao giờ quên không khí buổi học ấy. Thầy mang đến cho chúng tôi một bức ảnh Vích-to Huy-gô lớn. Tôi hơi hẫng một tí khi nhìn chân dung nhà văn. Tôi vẫn hình dung đó là một người cao, gầy, khắc khổ và có đôi mắt buồn. Trong bức chân dung, ông đẹp một cách hiền hậu với cái nhìn trong sáng. Bấy giờ tôi đã đọc Những người khốn khổ, đã nghe kể Nhà thờ Đức Bà Pari nhưng hoàn toàn không biết rằng ông còn là nhà viết kịch và nhà thơ tuyệt vời. Bài giảng quy định chỉ gói gọn cảnh Gavơrốt trên chiến lũy nhưng thầy đã cố gắng đến mức cao nhất đem cho chúng tôi những kiến thức về V. Huygô mà thầy có, kể cả cuộc đấu tranh khi diễn vở Ecnuni lần đầu.
Sau đó ít lâu nhà trường tổ chức cho chúng tôi xem phim Những người khốn khổ. Tôi cứ nghĩ hình như chính nhờ bài giảng của thầy mà tôi đã hình dung các nhân vật, nhất là Gavơrốt giống như trong phim.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ những sinh hoạt ngoại khóa do các thầy dạy văn khác tổ chức. Đó là những Ngày hội văn học với rất nhiều hình thức. Hoàn toàn có thể gọi đó là Ngày hội vì không khí chuẩn bị náo nức, vì sự chờ đợi của chúng tôi. Một trong những công việc mà tôi thường tham gia là minh họa các bài thơ. Thường các bài thơ được chọn là những bài thơ hay và giàu hình ảnh. Có thể coi bài “Việt Bắc” của Tố Hữu là một trường hợp tiêu biểu. Tùy theo sự tưởng tượng của mỗi người, chúng tôi đem đến cho những người thực hiện các bức tranh sông, núi, rừng, suối, đèo, dốc, cô gái hái măng, Phố Ràng, Phủ Thông… Những người thực hiện có quyền lựa chọn bức ảnh thích hợp nhất cho câu thơ. Có lần chúng tôi cãi nhau rất lâu về bức ảnh minh họa cho Phố Ràng. Rốt cục đó là bức ảnh một con đường dốc, đất đỏ, có một dãy nhà với hàng dậu rào bằng nứa. Ở phòng trưng bày, toàn bộ cuộn tranh được chăng dọc bờ tường. Tại đây, người xem thấy trước mắt mình những hình ảnh của bài thơ như một đoạn phim nhỏ linh động.
Tại một trong những ngày hội này, tôi được nhận cuốn Thi hào Nâzim Hikmet làm phần thưởng. Lần ấy, sau khi nối lại mạch điện, tôi chạy vội đến sân trường, nơi có một cành phi lao lớn với những bóng đèn màu nhỏ xíu. Trên các cành treo la liệt những mảnh giấy gấp gọn. Đó là các câu hỏi kiểm tra kiến thức văn học. Tôi với tay gỡ một mảnh giấy và vôi mở ra: “Em hãy đọc Bài ca chim ưng của Macxim Gorki”. Tôi đã đọc bài văn này ở lớp nhiều lần nên không trở ngại gì. Sau khi tôi đọc, nhiều người khen, có ý kiến chê là giọng của rắn chưa đúng. Đó là một ý kiến xác đáng. Quả thực không dễ mà nói được cái giọng hiểm độc, ti tiện của rắn!
Bấy giờ tôi chưa thể hiểu hết Nâzim Hikmet nhưng tôi đặc biệt yêu thích những bài thơ ông viết trong nhà tù, những bài thơ lưu đày tràn ngập nỗi nhớ thương xứ sở, tràn ngập tình yêu đối với con trai nhỏ Mehmet của ông. Có lẽ tôi yêu thích những bài thơ này vì nó rất gần với cảnh xa quê hương, xa cha mẹ của chúng tôi – những học sinh miền Nam ở miền Bắc. Một người bạn của tôi, hiện nay là phó tiến sĩ ngôn ngữ học, đã làm nhiều bài thơ gởi Nadim, trong đó chị gọi ông là “Bố Nadim” và coi Mehmet như anh em ruột thịt của mình. Tôi cũng rất thích bài Người khổng lồ mắt xanh và Đông kisốt của ông, “Chàng khổng lồ yêu một cách khổng lồ” là câu thơ tôi hay đọc một mình.
Tôi tưởng như thấy nhà thơ mỉm cười và hơi nheo mắt khi viết những câu thơ này – một nụ cười độ lượng, một cách nhìn hơi giễu cợt.
Cố nhiên lòng yêu mến Nadim của chúng tôi được thầy chúng tôi hiểu ngay. Sau đó thầy còn đem cho chúng tôi thơ Tagore, ArAgông, Nêruđa … Ngay từ sớm, với sự giúp đỡ của thầy, chúng tôi đã làm quen với các nhà thơ lớn của thế giới.
Giờ đây, do những lí do mà tôi không biết, thầy của chúng tôi không còn dạy văn ở phổ thông và hình như thầy cũng không còn quan tâm đến văn học như trước. Qua những dòng chữ này, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Thầy – người đã hướng dẫn, giúp đỡ tôi vào con đường văn học.
Hà Nội, tháng 6.1985
Ý NHI
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com