Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu
Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 với các tập thơ: Cây xanh đất lửa, Cánh rừng nhiều đom đóm bay và Trường ca sư đoàn.
Hồi học cấp II, trong các môn học tôi say mê môn văn. Thầy dạy văn là Trần Văn Gia thường xuyên giúp đỡ hướng dẫn tôi trong các bài bình giảng, bình luận. Tôi được điểm cao, thầy kịp thời biểu dương trước lớp. Tôi còn suy nghĩ nông cạn hoặc cách diễn đạt còn lan man lạc đề, thầy chỉ bảo cho tôi rất cụ thể, mạch lạc. Vì say mê học văn, tôi rất kính trọng thầy giáo dạy văn và ham thích đọc sách. Từ những bài báo tường ở lớp được bạn bè khen ngợi, tôi bắt đầu hí hoáy làm thơ. Biết tôi có làm thơ, thầy bảo đưa cho thầy xem thử. Sau, thầy khuyên tôi nên viết ít để dồn vào học tập: “Em có học cho đều các môn, đừng học lệch, còn chuyện thơ phú hứng thì viết, đừng tự trói buộc mình làm gì”. Tôi học giỏi văn, các môn khác thuộc diện trung bình.
Thi chuyển cấp, tôi đủ điểm để đỗ. Tôi đạp xe lên nhà thầy chơi, thầy mừng rỡ bảo tôi: “Dịp tới nghỉ hè, em chuẩn bị một chùm thơ từ 5 đến 10 bài, chép lại cho sạch sẽ, rõ ràng. Tôi sẽ dẫn em đến gặp nhà thơ Nguyễn Bính…” Tôi kêu lên sung sướng: “Có phải nhà thơ Nguyễn Bính viết Lỡ bước sang ngang không ạ?” Thầy bảo: “Phải rồi, hiện thời nhà thơ Nguyễn Bính làm biên tập thơ ở Ti văn hóa Nam Định. Tôi có gặp được mấy lần. Nhà thơ Nguyễn Bính dễ gần lắm, bình dân lắm …”
Đúng như lời hẹn, vào một buổi chiều, tôi và thầy giáo Trần Văn Gia đến thăm nhà thơ Nguyễn Bính. Khác với sự tưởng tượng của tôi, nhà thơ Nguyễn Bính giản dị quá, ân cần quá. Người ông gầy gò, đầu húi cua nét cười thân mật, tự nhiên. Thầy giáo tôi giới thiệu sơ qua: “Đây là em Mậu, học sinh của tôi. Em nó có làm thơ, xin được đến nhờ bác đọc, góp ý cho”. Nhà thơ Nguyễn Bính pha trà mời hai thầy trò tôi và tranh thủ đọc lướt qua bản thảo. Ông đọc ngân nga, giọng ấm. Đọc xong một khổ, ông lại dừng lại nói về cách gieo vần, chuyển ý, về cấu trúc hoặc đoạn kết của mỗi bài thơ. Tôi ngồi nghe và nhận ra rằng thơ mình còn non kém về mọi mặt, rằng những bài thơ tôi viết mới chỉ là những đoạn văn dễ dãi. Ngừng một lúc, nhà thơ Nguyễn Bính khuyên tôi: “Nếu muốn làm thơ cháu phải đọc nhiều, học nhiều và dám chịu những thất bại bước đầu. Thành được nhà thơ khó lắm, cháu ạ…”
Biết được chỗ ở của nhà thơ Nguyễn Bính, những lần sau tôi tự tìm đến thăm và nhờ ông đọc giúp bản thảo. Rồi bài thơ đầu tiên của tôi được in ở tập sách nhỏ Lời ca Sông Vị. Nói sao hết nỗi xúc động của tôi khi được nhìn ngắm dung mạo bài thơ tự mình viết ra được in trên mặt báo. Nó như chất men say lan ngấm vào cơ thể, tạo cho tôi niềm hưng phấn mới. Sau bài thơ đầu được in, tôi lại viết tiếp, gửi tiếp; lại phấp phỏng hi vọng. Phần lớn những bài thơ tôi viết hồi đó còn chệnh choạc, thi thoảng các báo mới chiếu cố dùng xen vào một số tác giả tên tuổi khác. Sau này đọc lại những bài thơ đó, tôi không khỏi buồn cười vì sự ngây thơ của mình. Nhưng xét cho cùng, nếu không có sự ngây thơ hăm hở thuở đó, chắc gì tôi đã được như bây giờ?
Thấm thoát đã hơn ba mươi năm qua đi, kỉ niệm của tôi về thầy giáo Trần Văn Gia, về nhà thơ Nguyễn Bính thật khó quên. Có thể ví nó như đốm sáng đầu tiên hướng tôi bước những bước chập chững trên con đường dài văn nghiệp…
NGUYỄN ĐỨC MẬU