Như Chân Dung Kẻ Sĩ đã đưa tin về “Thì thầm với dòng sông”, sáng 1.7, tại Hội trường Liên hiệp Các hội VHNT TP.HCM, sự kiện tôn vinh nhà thơ lão thành Hoài Vũ đã diễn ra với sự tham dự của hàng trăm nhà văn, nhà thơ, độc giả, khách mời… nhiều lứa tuổi, không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn từ Long An, Cần Thơ, Nha Trang, Hà Nội… tới chia vui cùng tác giả của Vàm Cỏ Đông, Gửi Miền Hạ (phổ nhạc thành bài hát Anh ở đầu sông em cuối sông)…
Pano chương trình tôn vinh nhà thơ Hoài Vũ - Ảnh Đức Bình
Viết ngắn của nhà biên kịch Nguyễn Đức Bình
"Trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, chắc chắn tôi không thể quên được buổi sáng hôm nay”. Nhà thơ Hoài Vũ, ở tuổi 88 đã nghẹn ngào như vậy tại buổi ra mắt sách, nhưng đúng hơn, là một sự kiện tôn vinh ông lần đầu tiên sau sáu mươi năm ông cầm bút chiến đấu, không chỉ vì mình, mà còn chiến đấu vì những người ông thương yêu, cả những người còn sống và cả những người chỉ còn trong ký ức…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tặng quà và hoa nhà thơ Hoài Vũ - Ảnh Đức Bình
Có người nói thi ca Hoài Vũ là lời ru trên dòng sông Vàm Cỏ, nhưng tôi thích hơn khi nói, thi ca Hoài Vũ là sóng ngầm miền sông Vàm Cỏ. Sóng ngầm, như nó phải thế, không ai nhìn rõ, không ai nghe tiếng, không ai chạm được, không ai biết vị phù sa của nó mặn, đắng, hay chua cay. Hoài Vũ, cũng như Sông, khoác lên mình mênh mang “nước sông biêng biếc chẳng đổi thay dòng”. Cả hai cứ hiền hòa, cứ lăn tăn, cứ bồi đắp, như chẳng muốn cho ai biết người và sông là ai, họ đang nghĩ gì và đang hòa vào biển cả nơi đâu.
Sáu mươi năm cầm bút, là sáu mươi năm Hoài Vũ cất những ký ức vào thi ca, là sáu mươi năm những con sóng ngầm cuộn chảy, cứ biêng biếc nhưng thủy chung, cứ tĩnh lặng nhưng dữ dội quyết giữ: “Từng chiếc xuồng, tấm lưới, cây dầm/Từng con người làm nên lịch sử… (Vàm Cỏ Đông) hay: Đất quê ta xanh xanh triền lá/Giặc nhảy vào, lá hoá rừng chông/Nước quê ta dập dềnh tôm cá/Giặc lội vào, nước dựng thành đồng… (Gửi Miền Hạ).
Còn nhà thơ Hoài Vũ tặng lại Hội nhà văn Việt Nam - Bảo tàng Văn Học một kỷ vật bí mật đã theo ông suốt những năm tháng chiến tranh, vừa cầm súng vừa cầm bút - Ảnh Đức Bình
Là thế, sáu mươi năm cầm bút, Hoài Vũ mới có lần ra mắt sách đầu tiên và vẫn không có bất cứ một giải thưởng nào, khiến không chỉ bạn đọc mà ngay cả nhà thơ Lương Minh Cừ cũng bất ngờ và thốt lên “thật không công bằng”.
Thế nên, khi bộ phim tài liệu của đạo diễn Nguyễn Hoàng mở màn sự kiện, lần đầu tiên, công chúng, ít nhất là những khán giả, độc giả, những người làm công tác văn nghệ, những người yêu mến nhà thơ Hoài Vũ… có mặt trong hội trường, đã im lặng theo dõi những khung hình từ giây bắt đầu tới giây cuối cùng. Tôi không biết anh đã chuẩn bị và thực hiện bộ phim này từ bao giờ và trong bao lâu, nhưng Nguyễn Hoàng phần nào, đã lần giở được những ký ức của nhà thơ Hoài Vũ, một cách hiếm hoi.
Sau bài phát biểu khiến nhiều khán giả xúc động tại ngày của nhà thơ Hoài Vũ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kết luận “Tôi yêu ông”. Còn nhà thơ Phan Hoàng, người vốn nặng lòng với sự kiện của nhà thơ Hoài Vũ nhiều tháng qua, cuối cùng cũng đã có thể nở một nụ cười.
Còn tôi thì nghĩ rằng, sẽ không còn nhiều sóng ngầm như thế này nữa trong đời sống văn học, nhưng chắc chắn, những cơn sóng ngầm như của Hoài Vũ, không bạc đầu nhưng sẽ còn mãi với thời gian.
Nhà thơ Phan Hoàng phát biểu tại ngày tôn vinh nhà thơ Hoài Vũ - Ảnh Đức Bình
Nhà biên kịch Nguyễn Đức Bình chụp ảnh chung với nhà thơ Hoài Vũ - Ảnh Nguyễn Hoàng
Đạo diễn/quay phim Nguyễn Hoàng và nhà thơ Hoài Vũ rong ruổi miền sông Vàm Cỏ thực hiện bộ phim tài liệu "Hồn thơ Hoài Vũ"
N.Đ.B
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com