chan_dung-ke_si

NHÀ THƠ BẢO ĐỊNH GIANG: TÔI BẮT ĐẦU YÊU THƠ VĂN VÀ TẬP LÀM THƠ VĂN TỪ ẤY​

11-11-2023

Lượt xem 996

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Bảo Định Giang

NHÀ THƠ BẢO ĐỊNH GIANG: TÔI BẮT ĐẦU YÊU THƠ VĂN VÀ TẬP LÀM THƠ VĂN TỪ ẤY​
BẢO ĐỊNH GIANG​ (1919-2005)

Tên thật là Nguyễn Thanh Danh, sinh ngày 10.11.1919 tại xã Mĩ Thiện, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Từng giữ các chức vụ phó tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam, vụ phó vụ văn nghệ ban tuyên huấn TW, tổng biên tập báo Văn nghệ, chủ tịch Liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, tổng biên tập báo Văn nghệ TP Hồ chí Minh. Ông có câu ca dao nổi tiếng: Tháp mười đẹp nhất bông sen. Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ, ai cũng thuộc.

Tác phẩm chính đã in: Gồm 30 tập sách trong đó đáng chú ý có Thơ Bảo Định Giang, Ca dao Bảo Định Giang, Câu đối Bảo Định Giang và nhiều tập nghiên cứu về thơ văn Nam Bộ, về các nhân vật lịch sử, các văn nghệ sĩ như Đồ Chiểu, Phan Văn Tự, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Thông, Hoàng Việt, Huỳnh Văn Nghệ v.v…​




TÔI BẮT ĐẦU YÊU THƠ VĂN
VÀ TẬP LÀM THƠ VĂN TỪ ẤY​

Năm tôi lên mười bốn tuổi, gia đình quá sa sút không thể tiếp tục học trường Tây. Nghỉ học về nhà ở một xã ven Đồng Tháp Mười, nơi nổi tiếng là chốn ‘khỉ ho cò gáy’, nông dân ở đây chẳng những thiếu đói quanh năm mà còn mắc nạn mù chữ rất trầm trọng.

Từ 14 đến 16 tuổi ở làng, ngoài đi giăng câu, đặt lọp kiếm cá, tôi không biết làm gì hơn. Tuy không nói ra, nhưng cả gia đình ai cũng biết tôi rất buồn. Điều an ủi duy nhất đối với tôi trong những năm ấy là đọc truyện thơ Lục Vân Tiên cho cha mẹ và các nhà ở xung quanh nghe. Đọc đi, đọc lại mãi đến thuộc lòng, vẫn không biết chán. Người nghe gặp người đọc ở điều ấy – dù về đêm muỗi mòng đốt sần cả da thịt. Để bớt muỗi, không còn cách nào khác là phải bện rơm hun khói làm cho đôi mắt cay xè không nhìn thấy chữ nữa.

Do mù mắt, toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đều sáng tác bằng mồm do môn sinh hoặc con cái ghi lại. Lục Vân Tiên là truyện thơ đầu tay của Nguyễn Đình Chiểu sáng tác theo cách ấy. Cốt truyện đề cao nhân nghĩa, thủy chung được diễn tả bằng những lời thơ giản dị, mang tính đại chúng, rất dễ đi vào lòng nông dân và nó có sức sống lâu bền trong các tầng lớp nhân dân – nhất là trong nông dân lao động là vì thế.

Riêng đối với tôi lúc bấy giờ, việc nhân vật Lục Vân Tiên bị mù mắt, thi cử dở dang v.v… sao mà phù hợp với số phận của tôi đến thế. Có thể nói truyện thơ Lục Vân Tiên là tác phẩm chuẩn bị cho tôi vào đời, bài học vỡ lòng của tôi trong cuộc sống và trong công việc sáng tác. Một vài bạn thân của tôi ở Hà Nội, khi đọc thơ của tôi, họ thường có nhận xét: “Cậu viết giản dị như truyện thơ Lục Vân Tiên”.

Tôi cười không trả lời, nhưng trong bụng nghĩ: “Đúng quá, còn gì phải nói”. Ngoài truyện thơ Lục Vân Tiên, những câu hò cấy, những câu hò đối đáp giữa các chàng trai, cô gái nông thôn trên đồng áng, nhất là những câu hát ru con của mẹ tôi cũng đi vào tôi theo từng tháng năm rất sâu sắc.

Đi đâu, làm gì tôi vẫn không quên giọng hát ru em của mẹ ngân nga kéo dài hòa trong tiếng võng kẽo kẹt:


Tưởng giếng sâu em thả sợi dây dài
Ngờ đâu giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây


Hoặc:

Đường dài gió chạy, cát bay
Nghĩa nhân thăm thẳm mỗi ngày một xa


Hay là:

Đôi ta là nghĩa tao khang
Xuống khe bắt ốc, lên ngàn hái rau


v.v… và v.v…

Rất ham học, tôi không thể sống kéo dài như thế mãi. Nghe nói ở ngoại ô tỉnh lị Mĩ Tho (Tiền Giang ngày nay) có một ông đồ xứ Nghệ bị thực dân Pháp đưa đi an trí ở đây. Từ làng của tôi đến nơi ông đồ dạy học khoảng 50 cây số. Tôi rủ một người bạn ở xã lân cận cùng đi tìm thầy. Đúng như lời đồn đại. Ông đồ Nghệ mà người ta nói, chính là cụ Phan Văn Viễn, biệt hiệu Tòng Am, người trong thân tộc của ông Phan Đình Phùng, bạn học với cụ Huỳnh Thúc Kháng, là một bậc thâm nho.

Chúng tôi xin vào học. Bạn tôi nhà có tiền, ở trọ phố hàng ngày đi xe đạp vào học, còn tôi nghèo ngặt quá phải nương ngụ ở một ngôi chùa, ăn chay nhiều năm ròng để đi học. Thiếu thốn quá đến nỗi không có đủ mấy cắc (hào) để về thăm quê và cha mẹ trong mỗi dịp Tết. Ba năm liền như vậy. Năm ấy tuổi mười chín tôi đã bước qua. Mấy câu thơ nôm na sau đây là những câu thơ đầu tiên của tôi, khi bước chân vào đời đầy sóng gió. Ở tỉnh lị Mĩ Tho, có cây cầu sắt bắc ngang sông Bảo Định. Mỗi lần thuyền to đi qua thì người ta quay nhịp giữa cho cầu cất cao lên, nên nhân dân gọi là cầu Quay. Từ nơi tôi ngụ - chùa Vĩnh Tràng – sáng ba mươi Tết, tôi ra tỉnh đứng trên cầu Quay, nhìn nước trôi lững lờ trên sông Tiền mà đem lòng nhớ nơi chôn nhau, cắt rốn, nhớ mẹ, nhớ cha hết sức. Tôi ngầm đọc:

Cầu Quay nước chảy qua cầu
Nhớ cha, nhớ mẹ, lòng sầu không ngăn
Tết này tính đã ba năm
Không tiền nên chẳng về thăm quê nhà
Tết này con ở chốn xa
Thương cha, thương mẹ tuổi già héo hon
Người vui ta những thấy buồn
Mẹ cha thế đó, phận con làm gì!


Ở sát thành thị, nhờ dạy Quốc ngữ cho các em quanh chùa, cuộc sống vật chất của tôi không còn khó khăn như những năm đầu. Tôi tằn tiện dành dụm ít tiền để mua sách. Cuốn sách đầu tiên tôi có là quyển Ca dao Việt Nam của Ôn Như – Nguyễn Văn Ngọc, tiếp đó là cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân và Thơ Đường của Trung Quốc. Tôi đọc những cuốn này không biết chán và giới thiệu cho bầu bạn cùng lứa đọc.

Học chữ Hán suốt 9 năm như vậy, chịu ảnh hưởng truyện thơ Lục Vân Tiên lúc thiếu thời và thích ca dao Việt Nam, nên khi vào Đồng Tháp Mười tham gia bộ đội chống Pháp, cuối năm 1945, thì theo yêu cầu của bộ đội và nông dân những nơi chúng tôi đóng quân, tôi liên tục làm thơ và ca dao để tuyên truyền kháng chiến.

Năm 1946, tại nhà một bà cụ nông dân, trên bờ kinh Dương Văn Dương, sáng thức dậy sớm, tôi ra ngồi trên chiếc võng quấn thuốc hút để phóng tầm mắt nhìn ra cánh đồng sau nhà. Đã bình minh, mặt trời vừa hé mọc, trước mắt tôi hiện lên một đồng sen bát ngát. Hàng nghìn, hàng vạn đóa sen hồng đong đưa trong gió sớm sao mà đẹp khác thường, lòng tôi bỗng dấy lên một sự rạo rực khó tả, trước một cảnh vật bất chợt, tình cờ, tôi ngẫu hứng ngâm se sẽ:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ
Bông sen dành để lễ chùa
Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm


Điều thú vị là trong Nam, ngoài Bắc người ta chỉ lấy hai câu đầu, tước hai câu cuối. Cho đến nay nhiều nơi chỉ biết có hai câu đầu, cho như thế là gọn và đầy đủ ý nghĩa. Ca dao xưa nay bao giờ cũng vậy, nó sống được và tốt thêm nhờ đông tay chăm sóc, sửa chữa, thêm bớt cho đến lúc viên mãn mới thôi.

Trên đây là những nét đại khái về cuộc đời tập tễnh làm thơ văn của tôi. Nó không có gì đáng kể, nhưng dù sao đối với tôi, nó vẫn là những kỉ niệm không thể nào quên.


Hà Nội, 1.5.1993
BẢO ĐỊNH GIANG

Bài liên quan
  • 9 huyền thoại văn chương chưa từng nhận giải Nobel

    9 huyền thoại văn chương chưa từng nhận giải Nobel

    Có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học, một số nhà văn xứng đáng được vinh danh tại giải Nobel nhưng dường như họ lại "vô duyên" với giải thưởng danh giá này.
  • Top 10 tác phẩm âm nhạc nổi bật của TP.HCM có Đất nước trọn niềm vui, Một đời người một rừng cây

    Top 10 tác phẩm âm nhạc nổi bật của TP.HCM có Đất nước trọn niềm vui, Một đời người một rừng cây

    Mùa xuân trên TP.HCM, Đất nước trọn niềm vui, Thành phố trẻ, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ... có tên trong danh sách bình chọn 50 tác phẩm nổi bật thuộc nhiều lĩnh vực của TP.HCM.
  • Thể lệ Giải thưởng Thơ 1-2-3 lần thứ I

    Thể lệ Giải thưởng Thơ 1-2-3 lần thứ I

    Kể từ khi thể thơ 1-2-3 ra đời vào mùa thu năm 2018 đến nay, ngoài hàng trăm tác giả trong và ngoài nước sáng tác thể nghiệm, đã có nhiều tập thơ 1-2-3 được xuất bản, chưa kể những bài thơ 1-2-3 in chung với các thể loại thơ khác trong các tập thơ. Đó là thành quả chung của những người yêu thơ và làm thơ 1-2-3.
  • 'Thơ ngày nay xa rời hiện thực'

    'Thơ ngày nay xa rời hiện thực'

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà thơ Đặng Huy Giang cho rằng hiện nay tìm được bài thơ hay thì hiếm hoi như "sao buổi sớm, lá mùa thu".
  • Nhà văn Mỹ Francis Scott Fitzgerald: Một đời lấy ngắn nuôi dài

    Nhà văn Mỹ Francis Scott Fitzgerald: Một đời lấy ngắn nuôi dài

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Viết truyện ngắn nhảm nhí để sinh nhai những mong Great Gatsby sẽ trở thành tiểu thuyết khiến giới văn chương Mỹ công nhận mình là một nhà văn lớn, thế nhưng cuốn tiểu thuyết, sau này sẽ trở thở thành một tượng đài của văn chương Mỹ, chỉ nhận được những bài điểm sách vặt của các phóng viên thay vì những bài của các nhà phê bình sành sỏi. Dù sao thì, mặc cho Great Gatsby không được công nhận trong thời đại Fitzgerald đang sống, nhưng tới ngày nay, khi mà nhiều người trong số các nhà văn nổi tiếng cùng thời với ông đã bị rơi vào quên lãng, Great Gatsby, tác phẩm hay nhất của ông vẫn được nhiều người tìm đọc, được giảng dạy trong nhiều chương trình đại học Mỹ, là một sự công nhận lớn nhất mà một người là nhà văn hằng mong ước.
  • Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khi đó đã đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa khẩn cấp khu vực để bảo vệ nguyên trạng, họp bàn tìm cách khai quật tối ưu.
  • VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    Sao lại nói là không có cốt truyện? Không đúng. Cốt truyện có ở mọi nơi mọi chỗ. Anh hãy nhìn vào bức tường này. Ai cũng biết ở đấy chẳng có gì cả. Nhưng anh hãy nhìn kỹ vào đó, hãy tìm trong đó một cái gì của mình, một cái gì không ai thấy được. Và anh hãy viết ra. Xin cứ tin điều tôi nói, bấy giờ thế nào cũng có một truyện ngắn. Cũng như anh có thể viết rất hay về một chủ đề đã cũ mèm như viết về ánh trăng, miễn là biết nhìn ra trong ánh trăng một cái gì của mình mà không phải một cái gì khác đã quá nhàm.
  • Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Theo thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Minh Chuyên vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi những đóng góp đặc biệt cho văn học viết về chiến tranh thời hậu chiến.
  • Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lúc đầu thấy Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương không được, Nguyễn Thùy có lần đã đề nghị với Kim Cương một cách nghiêm túc hay là Kim Cương lấy Bùi Giáng làm chồng, biết đâu sẽ giúp anh ấy bớt khùng và viết lách đường hoàng, đĩnh đạc, dễ hiểu hơn?
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nguyễn Thùy có cô người yêu là sinh viên Đại học Sư phạm ban Anh văn rất quý trọng Bùi Giáng, cô này thường đi theo Bùi Giáng uống cà phê, quàng vai ông rất thân thiết khiến Bùi Giáng rất vui.