Nhà thơ Đông Hồ
Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,
Em đâu còn áo mặc đi chơi.
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ,
Đành gởi anh mua chiếc mới thôi!
Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng, em đã dặn rồi.
Còn thước tấc, quên! Em chửa bảo:
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?
Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!
Thi Viện: Đông Hồ 東湖 (10/3/1906 - 25/3/1969) tên hồi nhỏ là Lâm Kỳ Phác nhưng trong hộ tịch chép là Lâm Tấn Phác 林進璞, được bác nuôi đặt tiểu tự là Quốc Tỉ 國璽, sau đổi là Trác Chi 琢之. Tổ tiên mấy đời ông đều sinh trưởng ở ven Đông Hồ ấn nguyệt, một thắng cảnh trong Hà Tiên thập cảnh, nên ông lấy hiệu là Đông Hồ. Ông sinh trưởng ở nơi cùng tịch, nên chữ Pháp, chữ Hán đều được học rất ít, chỉ chuyên tự học tiếng Việt mà thành văn, thi tài.
Từ năm 1923 đến năm 1933, ông viết cho Nam Phong tạp chí xuất bản ở Hà Nội, trong đó, làm văn nhiều hơn làm thơ. Năm 1935, nghỉ viết báo Nam Phong, chủ trương tuần báo Sống xuất bản ở Sài Gòn. Năm 1953, giám đốc Nhân loại tập san, xuất bản ở Sài Gòn, để làm cơ quan cho nhà xuất bản Bốn Phương và nhà sách Yiễm Yiễm thư trang sáng lập từ năm 1950. Từ năm 1926 đến năm 1934, ông mở nhà nghĩa học trên bờ Đông Hồ lấy tên là Trí Đức học xá, chủ trương chuyên dạy bằng tiếng Việt, cổ động khuyến khích cho học trò và bè bạn tin tưởng ở tương lai Việt ngữ.
Về gia đình, Đông Hồ mồ côi cha mẹ từ lúc lên ba, được bác là Lâm Hữu Lân không có con nên mang ông cùng hai người chị về nuôi dạy và lo chuyện vợ con. Người vợ đầu Lại Linh Phượng do người bác dâu chủ động tác hợp cho ông bị bệnh qua đời khi mới 25 tuổi (năm 1928), để lại cho ông một con gái tên là Mỹ Tuyên. Hai năm sau (1930), Đông Hồ đã vâng lời ông bác tái giá với người chị thứ năm của Mộng Tuyết tên Nhàn Liên. Nhưng cũng một thời gian sau, bà Nhàn Liên lại mang bạo bệnh và mất khi cũng còn trẻ (năm 1946), để lại hai đứa trẻ thơ cùng với con gái lớn của Linh Phượng cho Mộng Tuyết chăm sóc. Một thời gian sau, Mộng Tuyết, người học trò yêu tại Trí Đức học xá, người bạn thơ trẻ trở thành người vợ tới cuối đời của Đông Hồ.
Về cái chết của ông, theo sách Núi mộng, gương hồ (Mộng Tuyết, quyển 2, NXB Trẻ, 1998, tr.115-116) thì các sinh viên dự lớp tại Đại học Văn khoa Sài Gòn hôm đó đều tin rằng khi đang bình giảng bài thơ Trưng Nữ Vương của Ngân Giang, vì quá xúc động trước vẻ đẹp của thơ diễn tả nỗi cô đơn, lạnh lẽo của người nữ anh hùng chạnh nhớ tới chồng mình sau chiến thắng, nên thầy Đông Hồ đã bị đột tử (tai biến mạch máu não) ngay trên bục giảng đường.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com