chan_dung-ke_si

MƠ VỀ MỘT CUỘC CHỌI TRÂU – Truyện ngắn Vũ Bằng

23-10-2023

Lượt xem 1630

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Vũ Bằng

MƠ VỀ MỘT CUỘC CHỌI TRÂU – Truyện ngắn Vũ Bằng

Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể. 

Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam.

Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra.

Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu.

Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức.

Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.

 

Nào ai có ngờ đâu chỉ tậu có một con trâu mà vất vả khó khăn đến thế!

Bố con Khóa Mạc chiều chuộng Lái Quẫy thôi thì chẳng còn thiếu một thức gì: cơm, phiện phò, đủ cả. Ấy thế mà cứ đụng vào con trâu nào thì Lái Quẫy cũng chê bai bải. Con này sổ toẹt được răng nhưng hỏng xoáy. Con này được xoáy nhưng kém sừng. Con này được sừng nhưng hỏng cẳng.

Nghe mà cứ tức anh ách! Có một lúc ông Khóa Mạc đã ngờ rằng Lái Quẫy làm khó dễ bố con ông, nhưng sau để ý mãi thì mới biết là không phải thế!

Chọn cái thứ trâu để chọi khó lắm chớ có dễ đâu như chọn trâu cày. Thành thử ra bố con Khóa Mạc đành là cứ phải vâng vâng dạ dạ, nhất tề theo đúng lời chỉ dạy của Lái Quẫy, không dám trái ý một ly. Bởi vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, bố con ông Khóa có biết trâu chọi là gì, chọn trâu chọi ra sao. Mà Lái Quẫy thì lại là… “một cây trâu chọi”!

Ngày nào cũng vậy, cứ cơm no rượu say rồi, Lái Quẫy lại dẫn cha con Khóa Mạc đi các chợ lớn chọn trâu: Chợ tỉnh, chợ Môi, chợ Tảo, chợ Kép… Một tháng tám phiên chợ mỏi cả chân, khản cả cổ mà rút cuộc chẳng có con nào ưng ý thì có tức không, hở trời? Giả sử là trâu cày, thì mua bừa lấy một con cho rảnh chuyện nhưng đàng này đâu có được, vì đây là trâu chọi, mà tậu một con trâu chọi đâu có phải là một chuyện chơi? Danh dự, tương lai và may rủi của cả nhà mình trông cả vào con trâu đó, phải chọn cẩn thận lắm lắm, không có thì hối hận cả một đời người.

Vì thế mỗi khi thấy ông Khóa có vẻ nản chí, bà Khóa lại khuyến khích ông đừng ngại công ngại của, phải cố chọn lấy một con trâu “ra phết”. Và cô Vang, chị gái của cậu Sóc, cũng xui em nên cố sức nhờ Lái Quẫy tậu giúp một con trâu “ra dáng” để lấy tiếng với dân làng, bởi vì ai có một con trâu chọi thắng cuộc thì được quý nể và trọng vọng gần như một nho sĩ thi đậu vinh quy bái tổ.

Xã Dương Sơn, thuộc tổng Dương Thủy, huyện Mỹ Hoa có tục chọi trâu hàng trăm năm nay rồi.

Theo lệ làng, tất cả những con trai đến tuổi tráng đinh đều bắt buộc phải nuôi trâu chọi trong một năm để năm sau dự cuộc chọi trâu vào ngày mười bốn tháng giêng tức là ngày đại đình đám của hàng xã.

Tục truyền ông Thành Hoàng xã Dương Sơn, sinh thời là một gã mục đồng mười bảy tuổi thường tổ chức những cuộc chọi trâu ở ngoài đồng cỏ để làm trò tiêu khiển cho các bạn chăn trâu. Gã đã bị trâu húc chết trong một cuộc vui nguy hiểm đó và chết vào giờ thiêng nên được làng lập miếu thờ rồi sau được phong Thành Hoàng.

Có người không tin ở tục truyền cho rằng tục chọi trâu do các bậc tiền bối trí giả trong làng bày ra để khuyến khích dân làng chú trọng đến việc nuôi dưỡng săn sóc giống trâu là giống gia súc cần thiết cho nông nghiệp.

Dầu sao những cuộc chọi trâu cũng là những cuộc vui ồn ào, sôi nổi nhất ở Dương Sơn, nhất là vào những năm được mùa thì trò đó thu hút hàng ngàn quan khách ở xa cũng như gần đến xem.

Năm Đinh Tỵ, tại thôn Dương Trung, con trai ông Khóa Mạc tên là Sóc đến tuổi nuôi trâu chọi. Theo lệ làng, nhà nào có tài lực phải tự xuất tiền ra để tậu trâu chọi, còn nhà nghèo thì có thể vay tiền ở làng xã để mua. Số tiền vay đó sẽ trả lại cho quỹ của xã, bằng tiền mặt hoặc bằng cách cày ruộng công cho làng.

Ông Khóa Mạc là người khá giả trong thôn, cho nên phải tự xuất tiền mua trâu chọi cho cậu Sóc. Bỏ tiền ra mua trâu, không phải là việc quan trọng đối với những nhà trời cho đủ bát ăn, nhưng quan trọng là vấn đề lựa chọn được con trâu chọi. Bởi vì sau một năm công trình nuôi trâu tốn kém, nếu trâu của cậu nào không được “đắc cử” để dự cuộc chọi trâu thì đó là cả một sự nhục nhã đối với dân làng. Chính vì thế trong hơn một tháng trời nay, Khóa Mạc khổ vì trâu chọi như ta đã biết, ông Khóa sốt ruột quá rồi. ông chỉ sợ lỡ không mua được trâu thì khổ. Vì thế, trong phiên chợ tỉnh hôm hai mươi bảy, ông nằng nặc đòi mua con trâu bốn răng, hai xoáy, sừng tròn, cẳng chúm, trông rất tơ, rất đẹp, rất khôn; nhưng Lái Quẫy cứ chê quài quài:

– Không được! Trâu này quý thật nhưng chỉ tốt cày, chứ không chọi được. Trâu chọi cần ở cặp mắt, yếm cổ và bốn vế. Mắt đỏ, cổ lùn, yếm nạc, vó nai: đó là những đặc điểm của “trâu hùng”. Loại trâu đó vừa khỏe, vừa dai sức, lại hiếu chiến. Tuy nhiên, đó là thứ trâu dữ, khó nuôi, khó điều khiển…

Lái Quẫy giải thích một cách sành sỏi, khiến cho Khóa Mạc và nhất là cậu Sóc hết sức thán phục và vui lòng để cho Lái Quẫy toàn quyền chọn trâu.

Được sự tín nhiệm của cha con ông Khóa Mạc, bác lái quyết đi lùng khắp các địa phương để mua kỳ được một con trâu chiến có nhiều hy vọng lọt được hai vòng tuyển lựa của ban thẩm sát và đoạt giải trong cuộc chọi trâu năm tới.

Riêng về việc tuyển lựa cũng đã hết sức khó khăn. Việc tuyển lựa này gồm hai đợt: Đợt thứ nhất gọi là vòng sơ tuyển, do sự thẩm sát của một ban gồm các bậc cao niên hoặc có chức phận lớn nhất trong làng. Đợt thứ hai, gọi là vòng linh ứng, do sự quyết định của một cuộc gieo âm dương trước bàn thờ Thành Hoàng.

Việc tuyển lựa của ban thẩm sát cán cứ vào những điểm sau đây: trâu chọi phải “trai tráng và trong sạch”, như những cậu trai tân, chưa vợ, đến tuổi chọi trâu. Vì những điểm quan hệ này, các cậu nuôi trâu chọi phải hết sức giữ mình cho thanh khiết, không được bắt tình với gái và ăn uống chay tịnh trong suốt thời kỳ nuôi trâu.

Việc “gieo âm dương” trước bàn thờ Thành Hoàng có tính cách “chung thẩm”, nhằm mục đích chứng tỏ rằng “đương sự” quả thật là một trai tân, hoàn toàn trong trắng, vì những hành động bất chính, ám muội của đương sự dù có che đậy được trước những con mắt phàm tục của ban tuyển lựa, cũng không thể qua “mắt thần” của Đức Thành Hoàng.

Sau khi làm lễ tạ thần để nhận trách nhiệm nuôi trâu, chuẩn bị tham dự cuộc chọi trâu trong vụ đại đình đám năm sau, hai cha con ông Khóa Mạc bắt đầu lo việc tậu trâu.

Đây là một vấn đề chuyên môn, cần phải có sự giúp đỡ của một người rất sành về trâu, nên ông Khóa Mạc đã soạn một mâm rượu thết bác Lái Quẫy, để nhờ bác này dẫn đi mua trâu chọi. Nhưng một tháng trôi qua, vẫn chưa chọn được trâu thì làm thế nào bây giờ?

Lái Quẫy đành hẹn với cha con Khóa Mạc trong mười ngày sẽ đi kiếm được con trâu vừa ý.

Nhận sáu mươi quan tiền đồng để một mình đi tậu trâu, Lái Quẫy phải thân hành đi cầu cứu một bạn đồng nghiệp ở hạt Đại Bái, phủ Thiệu Hòa.

Đại Bái là đất đồng sâu, thường có nhiều trâu tốt, cho nên sau năm ngày được bạn đồng nghiệp hướng dẫn đi quan sát những trâu thả ăn cỏ ở các cánh đồng Đại Bái, Lái Quẫy đã tìm thấy một “trâu chiến” đang tơ, có nhiều “điểm hùng”. Nhờ sự mối lái của bạn đồng nghiệp, Lái Quẫy mua được con trâu này rất lấy làm sung sướng, mặc dù phải trả tới giá năm mươi bảy quan tiền đồng, đắt gần gấp đôi một “trâu cày loại lực điền”.

Khi Lái Quẫy dắt trâu về đến thôn Dương Trung, mọi người trong thôn đổ ra xem như hội. Những tay sành trâu đều công nhận là một “chiến ngưu” hiếm có. Thực vậy, trên bãi Giang Đình ở đầu thôn, trong mười hai con trâu chọi vừa tậu về của mười hai nhà được vinh dự sắm trâu chọi, như nhà ông Khóa Mạc, trâu của cậu Sóc nổi lên vượt mức.

Cha con Khóa Mạc hết sức cảm ơn Lái Quẫy. Và bắt đầu từ hôm ấy lại càng chiều chuộng Lái Quẫy hơn, vì cậu Sóc còn phải nhờ Lái Quẫy chỉ vẽ cho cách thức nuôi trâu chọi.

Bác lái không từ chối mọi sự nhờ cậy của Khóa Mạc, nhưng có một điều làm cho bác vô cùng thắc mắc: cậu Sóc không đủ tài điều khiển con trâu bất kham này.

Ngay từ hôm bắt đầu làm chủ con trâu, Sóc đã bị nó giựt thừng, bất phục, xông ra chạy khắp các cánh đồng trong xã. Sóc không thể nào đuổi kịp để bắt về, phải nhờ năm bảy người khác phụ lực với Quẫy dùng mẹo mới tóm được dây thừng cột mũi trâu.

Hôm sau, trâu lại dở chứng nữa và lần này nó xông đến “đọ sừng” với bất cứ trâu nào khác mà nó gặp trong cánh đồng. Hơn nữa, nó quần phá nhiều đám ruộng mạ của dân làng làm cho ông Khóa bị phiền hết sức.

Cha con Khóa Mạc đâm lo vì con trâu quái ác. Chính Lái Quẫy cũng hết sức thắc mắc. Họ lo nhất là rồi đây mỗi tháng, bắt đầu từ tháng tám cho đến tháng chạp, sẽ có cuộc “chọi thử” giữa sáu cặp trâu chọi trong thôn, Sóc làm thế nào để điều khiển trâu cho thuần thục? Không chỉ huy nó thì tập dượt làm sao được?

Lái Quẫy bàn tính với Khóa Mạc:

– Nếu ông không quản tốn kém, chúng ta mời luôn chủ cũ của con trâu đến ở đây trong ít tháng giúp cho cậu Sóc điều khiển và tập dượt cho trâu vào khuôn vào phép. Ông nghĩ thế nào?

– Đối với việc thần thánh, tôi không hề quản tốn kém. Nhưng chúng ta làm thế nào mời được người ta đến ở đây hàng mấy tháng?

– Nếu ông vui lòng, tôi sẽ cất công đi thỉnh về đây và tôi chắc chắn là thỉnh được.

– Vậy thì còn gì quý hóa bằng. Tôi sẵn sàng nhờ cậy bác tất cả công việc này.

Nhưng dù sao đi nữa đối với một việc có liên quan đến vấn đề nội trợ, ông Khóa cũng phải bàn qua với bà Khóa. Bà chất phác hỏi ông: – Nuôi thầy dạy trâu có phải hầu hạ như thầy dạy học không?

Lái Quẫy cười ngặt nghẽo:

– Nào có phải thầy bà gì đâu! Đây là anh Khoát, con trai ông cựu Hương ở Đại Bái. Anh Khoát chính là người đã tậu con trâu này ở Nông Cống về từ năm ngoái. Chính anh ta đã nuôi nó và điều khiển nó trong việc cày bừa cũng như trong các cuộc chọi ở vùng Phủ Thiệu. Anh ấy cũng là trai tân như cậu Sóc, có lẽ hơn Sóc đến sáu, bảy tuổi. Nhà ta mỗi anh ấy đến để làm bạn với cậu Sóc trong vài tháng, giúp cậu Sóc tập dượt trâu cho quen nết, chứ đâu phải là chuyên nuôi thầy, nuôi bà gì, mà bà Khóa lo ngại?!

Bà Khóa tỏ vẻ ngại ngùng:

– Tôi thường nghe người ta nói “Trại Đại Bái, gái Kẻ Bôn”…

– Ý bà Khóa sợ trai Đại Bái hung tợn chứ gì? Không đâu, bà đừng sợ, câu “Trai Đại Bái, gái Kẻ Bôn” chỉ tỏ rằng trai Đại Bái khỏe mạnh, can đảm và tài giỏi cũng như gái Kẻ Bôn bạo dạn, đảm đang. Ai thì tôi không biết, chứ anh Khoát tôi cam đoan là rất nết na đứng đắn…

Ông Khóa Mạc, sốt ruột ngắt lời Lái Quẫy:

– Nào phải chuyện mối lái vợ chồng, mà bảo phải nhiều lời với bà nhà tôi. Thôi trong công việc hệ trọng này, chẳng qua tôi cũng bàn sơ với bà cho phải phép vậy thôi. Bà để mặc chúng tôi lo tính. Tôi nhất định nhờ bác Lái Quẫy đi mời anh Khoát về đây chỉ dẫn cho thằng Sóc.

Bà Khóa cười gượng, quay ra sân để phơi nốt mấy thúng thóc với cô Vang.

Cô Vang là chị Sóc, hơn Sóc hai tuổi. Cô đẹp vào loại nhất nhì trong xã, mà muộn chồng nhất trong đám con gái nhà khá giả trong thôn.

Người ta bảo là cô cao số. Từ năm cô mười ba đến năm ấy là mười chín, ông bà Khóa đã có tới ba chàng rể hụt: Một là cậu Đông con ông Chánh Quỳnh ở thôn Thượng, hai là cậu Bái con bà cửu Lan ở thôn Hạ, và ba là cậu Đạm con ông Đồ Loát ở cùng thôn.

Cậu Đông bị bịnh thương hàn chết hai tháng trước khi cậu định làm lễ cưới với cô Vang. Cậu Bái thì bị bắt đi lính khố đỏ sang Pháp đánh giặc “Đức” rồi biệt tích. Còn cậu Đạm thì bị ông bà Khóa từ hôn, trả lễ vì một vụ kiện tụng giữa hai họ thông gia. Sau đó ít lâu cậu Đạm lấy vợ, còn cô Vang vẫn là gái chưa chồng. Và cũng chưa có một người thứ tư nào dạm hỏi.

Dương Sơn là một làng giàu có, chuyên nghiệp nông trang, gồm có ba thôn, thôn nào cũng nhiều ruộng tốt: Dương thượng, Dương trung, Dương hạ.

Trai Dương Sơn nổi tiếng là lực điền và giỏi nghề cày bừa. Gái Dương Sơn nổi tiếng là hát hay, cày giỏi, và xinh, nhất là các cô gái Dương Trung. Mà cô Vang lại là cô đẹp nhất thôn Trung nữa! Trai gái Dương Sơn thường kết duyên với nhau, trai thôn Thượng lấy vợ thôn Trung, gái thôn Hạ lấy chồng thôn Thượng. Các họ trong xã thường thông gia với nhau. Họa hoằn lắm mới có cậu trai Dương Sơn lấy vợ ngoại xã, hoặc một cô gái Dương Sơn lấy chồng ngoại xã.

Đó là một thủ tục đặc biệt của xã Dương Sơn. Tuy thủ tục đó không bắt buộc nhưng nhà nào không theo thủ tục đó thì dân làng mỉa mai chê cười.

Chính ra cậu Khoát cũng không muốn sang thôn Trung chơi làm gì, nhưng vì nể Lái Quẫy, cậu phải nhận lời với một điều kiện là chỉ ở chơi nhà ông Khóa Mạc năm bảy ngày để chỉ vẽ cho cậu Sóc chăn nuôi và điều khiển con trâu, chớ không chịu ở lâu.

Hàng ngày, Khoát đưa cậu Sóc và trâu ra bãi Giang Đình để chỉ bảo cho Sóc biết những cách thức, mẹo mực khuất phục một con trâu bất kham; cách nắm mũi trâu như thế nào để trâu đứng yên; cách luồn yếm trâu để bắt dây thừng cột mũi, khi nào trâu sổng thừng; cách ho tiếng “họ” vừa ngọt ngào vừa oai nghiêm cho trâu vừa mến vừa sợ và phục tòng; cách đuổi theo và chặn đầu trâu như thế nào cho trâu khỏi lồng chạy…

Đó mới chỉ là phương pháp sơ đẳng để điều khiển một con trâu “khó dạy”. Phương pháp này chỉ trong một tuần, Khoát đã dạy cho Sóc thực hành với kết quả hiển nhiên.

Đến nghệ thuật tập dượt một con trâu chọi thì quả là cả một công trình đòi hỏi nhiều thì giờ hơn. Nhưng theo lời đã hứa, Khoát không thể ở lâu tại nhà Khóa Mạc. Vợ chồng ông Khóa yêu cầu chàng ở lại dạy thêm, cậu nằng nặc không; mãi sau cô Vang phải khẩn khoản mãi, chàng mới hứa sẽ trở lại giúp Sóc trong một tháng sau khi thanh toán xong việc nhà.

Từ hôm đó, dân làng, nhất là giới tráng đinh, thường kháo nhau về chuyện Khoát. Cậu trai làng “Đại Bái” được người ta nhắc đến luôn trong những lúc trà dư tửu hậu. Phần đông khen ngợi Khoát lanh lẹn, khỏe mạnh và dễ thương. Có lẽ những người khen ngợi Khoát hơn cả chính lại là cha con Khóa Mạc. Được thể, Lái Quẫy lại càng đề cao đức tính và tài năng của Khoát, nào là anh ta rất thạo nghề làm ruộng, cày cấy khỏe gấp hai những lực điền khác, tính nết khảng khái và “hùng” vào bậc nhất trong đám trai Đại Bái.

Khoát lại còn giỏi võ, giỏi vật và còn ăn cuộc nhiều vụ đấu võ, đánh vật tại suốt vùng Phủ Thiệu. Lái Quẫy tỏ ý muốn nhờ Khoát dạy võ cho các tráng đinh Dương Trung, ý kiến đó được cha con Khóa Mạc nhiệt liệt tán thành. Ông Khóa Mạc tuyên bố sẵn lòng để cho Khoát mở lớp dạy võ tại nhà ông. Ý định của ông Khóa và bác Lái Quẫy được Sóc khoe với các bạn tráng đinh trong thôn, mọi người đều tỏ vẻ hoan hỉ, đợi chờ Khoát trở lại để dạy võ cho họ. Bởi thế, khi Khoát trở lại Dương Trung lần thứ hai để giữ lời hứa với ông bà Khóa Mạc và cô Vang, anh ta đã có thêm cảm tình trong dân làng, nhất là trong giới tráng đinh. Và lần này, Khoát chỉ vẽ cách tập dượt trâu chọi không những cho Sóc mà còn cho tất cả những cậu trai có trâu dự cuộc chọi năm tới. Tuy nhiên, Khoát vẫn dành những mánh lới đặc biệt về môn chọi trâu để chỉ vẽ riêng cho Sóc.

Chỉ trong một tháng sự huấn luyện của Khoát cho giới tráng đinh thôn Dương Trung và nhất là cho Sóc đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Tiếp đó, các “môn đệ” của Khoát yêu cầu chàng dạy võ. Đáp lại tấm thịnh tình của Lái Quẫy cùng toàn gia Khóa Mạc, và cũng nhân dịp muốn lấy tiếng cho trai “Đại Bái”, Khoát nhận lời ngay.

Mỗi đêm, bắt đầu từ giờ Dậu, một số đông tráng đinh trong thôn đến nhà ông Khóa Mạc để học nghề võ của Khoát. Cả ông Khóa lẫn bà Khóa đều lấy làm hãnh diện. Còn cô Vang thì tươi hơn hớn, lúc nào mái tóc cũng như đầy sao rụng và môi lúc nào cũng nở hoa.

Tuy không có bổn phận phải phục dịch lớp dạy võ, cô cũng vui vẻ chu tất trầu nước cho mọi người đến học võ hay đến xem thầy trò anh Khoát luyện võ. Riêng đối với Khoát, cô vừa quý mến vừa khâm phục. Quý mến vì Khoát có nhiều đức tính của một nam nhi, khâm phục vì Khoát giỏi võ và giỏi quá.

Từ ngày Khoát đến ở nhà cô, cô cảm thấy trong nhà tươi sáng hơn, sống động hơn và trong lòng cô dào dạt một niềm vui lạ vui lùng như tâm hồn hoan lạc, tưng bừng của đứa trẻ trong ngày đình đám.

Cả nhà yêu quý Khoát, vì ngoài công việc tập luyện cho Sóc, Khoát còn giúp đỡ ông bà Khóa Mạc trong những công việc nặng nhọc như chuyển thóc ra phơi ngoài sân, hoặc chuyển thóc từ sân vào bục mỗi khi thóc phơi bị mưa bất thần. Đứng trông Khoát chuyển thóc, cô Vang cảm thấy lòng dào dạt thương yêu. Và cô thẹn với lòng. Sực nhớ lại mấy cậu Đông, Bái, Đạm là những cậu trai trước kia đã dạm hỏi cô, nhưng không thành, cô so sánh họ với Khoát rồi cô thấy bâng khuâng mơ ước một đám cưới sang sông… mà chú rể là một chàng trai Đại Bái.

Thế rồi có một hôm…

Hôm ấy là phiên chợ tỉnh, hăm hai tháng chạp, ông bà Khóa đi chợ sắm Tết và mua các thức ăn để làm cỗ tiễn ông Công và nhân dịp để thết đãi Khoát, Lái Quẫy và giới tráng đinh đồng tuế với Sóc, sắp dự cuộc chọi trâu vào đầu năm.

Sau khi tập dượt lần cuối cùng cho Sóc điều khiển trâu chọi ở bãi Giang Đình, Khoát trở về nhà ông Khóa giữa lúc cô Vang đang đuổi theo một con lợn sổng chuồng. Hai má cô đỏ thắm, áo đẫm mồ hôi, mà cô vẫn không đuổi được lợn vào chuồng.

Khoát vội vàng tiếp tay với Vang: chỉ đuổi vài vòng chung quanh mấy luống cải, Khoát đã tóm được một cẳng sau con lợn, xách bổng nó lên, đem thả vào chuồng. Trong khi quá vội vàng, anh bị một cái cọc chuồng heo đâm vào cổ tay, chảy máu. Quên cả e lệ, Vang cầm tay Khoát hỏi:

– Đau không anh? Để tôi đi lấy thuốc lào rịt cho anh.

Rồi nàng chạy vội vào trong nhà tìm ống thuốc lào của ông Khóa, rịt thuốc và buộc vải vào chỗ đau. Ngửng mặt lên, cô vừa gặp lúc Khoát đang nhìn cô đắm đuối. Hai má cô ửng đỏ, đôi hàng mi rung động như những con bươm bướm bé con.

Khoát nói một câu để phá tan bầu không khí ngượng ngùng:

– Tôi không đau đâu, cô Vang ạ! Tập võ còn nhiều khi bị đau hơn nữa…

Vang ngửng nhìn Khoát rồi vội nhìn ra cổng. Vang hỏi:

– Cậu Sóc đi đâu?

– Cậu ấy đi tắm trâu ở ngoài sông.

Hai người lại ngượng ngùng, im lặng. Vang đi lại bể múc nước rửa chân. Khoát nhìn theo, băn khoăn giây lát rồi bạo dạn bước lại gần bể nước, bắt chuyện:

– Hôm nay, cô không theo ông bà đi chợ tết?

Vang thẹn thùng trả lời:

– Tôi phải ở nhà, sửa soạn để ngày mai tiễn ông táo và…

– Và tiễn chân tôi về Đại Bái…

Khoát bạo dạn hơn:

– Không hiểu sao, lần này trở về Đại Bái, tôi thấy buồn buồn…

Mắt Vang sáng hẳn lên. Tim nàng đập rộn ràng. Vang muốn nói với Khoát, nhưng không thể nói nên lời.

Một phút qua đi, Khoát hỏi Vang về công việc trong thôn, việc đình đám năm sau và chuyện chọi trâu. Rồi sau cùng, anh thành thật hỏi Vang về vấn đề tình duyên. Vang không giấu một tí gì.

Khoát thú thật với Vang là anh yêu Vang từ lúc nào “cũng không biết nữa”, nhưng quả là yêu thật. Anh hy vọng được làm chồng Vang. Cô đỏ mặt, không trả lời, nhưng Khoát cảm thấy tim cô cũng đập một nhịp chung tình.

Ngày hôm sau, Khoát từ biệt ông bà Khóa, bác Lái Quẫy, cô Vang, cậu Sóc và các “học trò” của mình trở về Đại Bái.

Lòng chàng bâng khuâng như đánh mất một vật gì ở Dương Trung. Rồi sau đó năm hôm, nhân dịp cậu Sóc lên Đại Bái “tết thày”, Khoát theo về Dương Trung để đáp lễ ông bà Khóa và viếng thăm Lái Quẫy cùng bà con quen biết ở Dương Trung, nhân tiện chào mừng tất niên.

Hôm ấy, cô Vang thừa dịp đi chợ Tào sắm tết đã gặp Khoát tại bến đò Đức giáo. Khoát cho Vang biết rằng cậu đã nói cha mẹ, sẽ nhờ Lái Quẫy ngỏ lời với ông bà Khóa dạm hỏi cô.

Cậu cũng vừa đem chuyện này bàn tính với Lái Quẫy. Khoát khuyên Vang nên chiều chuộng Sóc để cậu ấy tán thành cuộc hôn nhân.

Vang lặng thinh nghe, tay mân mê một bông hoa dâm bụt. Nước sông lững lờ chảy giữa đôi bờ xanh xanh.

Thấm thoát đã đến ngày đại hội chọi trâu. Thôn Dương Trung rộn rịp từ tinh mơ. Hầu hết mọi nhà trong thôn đều chật ních những khách khứa từ các xã lân cận đến xem hội. Khách nhà ông bà Khóa đông hơn hết.

Khoát đã có mặt tại đó từ hôm trước. Cuộc chọi trâu này có tính cách vô cùng quan trọng, vì kết quả có thể định đoạt cuộc tình duyên của cậu và Vang. Bác Lái Quẫy có hứa với Khoát rằng sau cuộc chọi trâu, nếu Sóc thắng giải, bác sẽ thừa dịp vui mừng của ông bà Khóa Mạc mà ngỏ lời dạm hỏi Vang. Nếu Sóc thất bại, việc dạm hỏi phải chờ một dịp khác, dịp đó chưa biết đến ngày nào mới có. Bởi thế, Khoát còn sốt ruột hơn cả những cậu trai Dương Sơn được vinh dự tranh giải chọi trâu.

Ngày mười bốn tháng giêng, bãi Giang Đình ở đầu thôn Dương Trung được tổ chức thành một đấu trường chính thức, rộng ước năm sào, thiết lập ở giữa bãi, chung quanh có đóng cọc và cắm tre để phòng ngừa những con trâu hăng tiết lồng chạy ra bên ngoài.

Trước cuộc đấu, các trâu chọi được trình diện trước sân đình trong khi các tráng đinh dự cuộc phải làm lễ tế thần ở trong đình.

Sau đó cuộc gieo âm dương để cầu xin Thành Hoàng chứng giám cho sự trong sạch, chính đính của các tráng đinh và trâu chọi. Rồi đến cuộc rút thăm do ông Tiên Chỉ đích thân điều khiển và kiểm soát, để chỉ định từng cặp trâu chọi, tất cả có mười sáu con, chia ra làm tám cặp chọi sơ kết.

Những trâu nào thắng sơ kết sẽ được bắt thăm lần thứ hai để đấu bán kết, rồi chung kết.

Thường thường, ít có sự bốc thăm chung kết vì tất cả trâu chọi đã chết hoặc què trong vòng sơ đấu hoặc bán đấu. Chỉ những trâu nào không bị què sau các cuộc đấu mới được giật giải thưởng danh dự, còn những trâu dù thắng đối thủ nhưng bị què chỉ nhận được giải thưởng úy lạo.

Từ xưa đến nay, trong các cuộc đấu trâu ở xã Dương Sơn, chưa hề có con trâu nào giật được giải danh dự, vì chưa có một con trâu nào sau cuộc đấu mà không trở thành phế ngưu. Các phế ngưu đó sẽ bị mổ thịt tế Thần và khao thết quan khách cùng dân làng. Những cuộc chọi trâu ở Dương Sơn sở dĩ hấp dẫn rất đông khán giả, có lẽ một phần cũng vì chung cục đã biến thành một cuộc đánh chén thịt trâu? Không khí vô cùng náo nhiệt.

Một hồi trống và một hồi cồng nổi lên vang động cả cánh đồng. Khán giả hồi hộp chăm chú nhìn từng cặp trâu quần nhau, húc nhau, chém nhau bằng sừng một cách ghê rợn, hoặc đuổi nhau chung quanh bãi chiến. Tiếng cẳng trâu kêu huỳnh huỵch. Bụi cát bay mù mù. Tráng đinh trong làng đứng bao quanh bãi chiến, cầm roi hèo hoặc đòn xóc giữ cho trâu không chạy được ra ngoài bãi chiến.

Có cuộc chọi không đầy năm phút đã kết liễu vì một “địch thủ”, bị một “đòn đau”, vội vã bỏ cuộc chạy trốn, nhất định không quay đầu lại.

Có cặp trâu ngang sức chọi nhau hăng nửa tiếng đồng hồ mà không hề thấm mệt. Gặp các cuộc đấu hào hứng như thế, những tiếng trống tiếng cồng lại càng nổi lên om sòm để khích thích hai đối thủ. Mặc dù biết trước rằng trong trường hợp kịch chiến ngang sức như vậy, hai con trâu thế nào cũng bị thương nặng có thể cùng lăn ra chết, hai chủ trâu đều khoái chí và rất lấy làm kiêu hãnh. Trong khi ấy, các khán giả hò hét, reo mừng cổ võ cho cặp trâu tử chiến, rồi họ lại thét lên những tiếng thương tiếc khi cả hai con trâu lăn ra chết, hoặc khi một trong hai con bị chém đến lòi mắt, gẫy sừng, què cẳng.

Năm ấy, con trâu của Sóc đã toàn thắng và chiếm giải thưởng danh dự.

Nó đã đấu hai trận hết sức oanh liệt. Trong cuộc đấu thứ nhất, nó đã thắng đối phương rất mau chóng, còn trong cuộc đấu chung kết, nó đã mất non nửa tiếng đồng hồ mới hạ được địch thủ bằng một “ngón sừng” ác liệt đâm sâu vào mắt bên phải của đối phương, khiến cho đối phương vỡ trán, lòi con ngươi và lăn ra chết.

Tiếng reo hò, ca ngợi vang dậy bãi chiến, trong khi Sóc và Khoát vui mừng chạy ra dắt con trâu chiến thắng đến trước Hội đồng Giám cuộc, để nhận giải thưởng danh dự: một trăm quan tiền và mười thước nhiễu điều.

Hôm sau ông Khóa Mạc lập tức mở cuộc ăn mừng sự thắng cuộc chọi trâu của Sóc, cùng một lúc với cuộc mổ thịt các trâu tử chiến ở sân đình để Hội đồng Giám cuộc làm lễ tế Thành Hoàng.

Vui sướng nhất hôm đó là Khoát và Vang, rồi mới đến cậu Sóc và ông bà Khóa Mạc. Vang và Khoát đều chứa chan hy vọng. Nhờ vinh quang này của gia đình, cuộc tình duyên của hai người chắc chắn sẽ thành…

Ngày hôm sau, đợi cho khách khứa về hết, Khoát mới thúc giục Lái Quẫy ngỏ lời với ông bà Khóa Mạc về việc dạm hỏi Vang. Tự nhiên, Khóa Mạc buồn rầu buồn rĩ: ông rất tiếc không thể gả Vang cho Khoát.

Lái Quẫy nói hết lời, nhưng ông Khóa tiếc không thể làm khác được, vì đối với ông, thủ tục “trai làng lấy vợ làng” là một điều tối thiêng liêng, ông không thể vi phạm, để làm tổn thương đến danh dự của gia đình họ Mạc. Ông rất yêu quý Khoát và luôn luôn nhớ rằng Khoát đã dự một phần công lao rất lớn trong việc đem lại cho gia đình ông sự vinh quang sau cuộc chọi trâu. Để trả ơn Khoát, ông có thể chiều ý cậu về bất cứ sự việc gì trừ việc gả Vang cho cậu.

Trước sự từ chối quyết liệt nhưng chân thật của ông Khóa, Vang và Khoát đành ôm thất vọng.

Ngay chiều hôm ấy, Khoát từ biệt gia đình ông Khóa để trở về Đại Bái.

Ra đến bến đò Đức giáo, chàng ngồi trên bờ đê, quay nhìn lại phía thôn Dương Trung. Gió buồn lê thê. Mãi sầu chia ly. Chàng không muốn bước xuống đò sang sông, vì cảm thấy sang sông lần này chẳng bao giờ lại có cơ hội gặp Vang lần nữa. Những lời gắn bó với Vang; trong năm, cũng trên bờ đê này, đồng vọng trong tiếng thổn thức của con tim se sắt.

Giữa khi đó, Vang hớt hải chạy đến. Cô không nói nên lời, phần vì chạy vội, phần vì quá cảm động vì Khoát chưa sang sông.

Nhưng giây phút sung sướng chỉ thoảng qua, vì sau đó cả hai người lại càng thấm thía nỗi niềm tuyệt vọng mà cuộc gặp gỡ lần này chỉ là một cuộc vĩnh biệt mà thôi. Khoát nghẹn ngào nói cho Vang; biết rằng chẳng còn bao giờ chàng trở lại Dương Trung nữa.

Vang khóc hết nước mắt.

Tiếng sóng vỗ dưới chân đê, nghe như tiếng hát ru buồn của một người mẹ thương con.

Bèo ơi, nước ơi, nước chảy bèo cứ trôi và mãi mãi người ta ở trên thế giới này vẫn khổ.

Chuyến đò cuối cùng giục giã chia ly. Khoát sang sông, lòng đau như cắt. Vang chảy nước mắt, trở về Dương thôn, hồn nặng thê lương.

… Ba tháng sau, Lái Quẫy cho gia đình ông Khóa Mạc biết tin Khoát đã tình nguyện sang Pháp để đánh giặc Đức. Vang được tin, lâm bịnh gần hai tháng. Đến khi khỏi sinh ra ngớ ngẩn. Rồi một hôm kia nàng biệt tích.

Ông bà Khóa và Sóc chia nhau đi tìm Vang khắp mọi nơi, nhưng vẫn chẳng thấy Vang đâu.

Tháng giêng năm sau, có người đem tin Vang tu tại chùa Trương Các ở huyện Hà Trung. Ông bà Khóa đi bộ hai ngày, qua bảy con đê mới đến được chùa và ôm lấy con gái khóc như mưa như gió. Ai cũng tiếc cho nhan sắc của Vang và thương cô cao số.

○○○

Riêng Khoát hình như từ khi đi lính cho Pháp, không hay tin tức gì của Vang.

Hàng năm, cứ đến ngày mười bốn tháng giêng, Khoát lại trông ra hoa tuyết trên trời, tưởng nhớ một ngày hội chọi trâu ở quê hương và tự nhủ:

“Chắc bây giờ chọi trâu ở Dương Sơn không còn tưng bừng, náo nức như trước nữa!”.


Cùng tác giả:

MỘT NGƯỜI RƠI XUỐNG HỐ - Truyện ngắn Vũ Bằng

NGÀY MAI TÔI SẼ CHẾT - Truyện ngắn Vũ Bằng

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.