chan_dung-ke_si

MỘT NGƯỜI RƠI XUỐNG HỐ - Truyện ngắn Vũ Bằng

06-09-2023

Lượt xem 1311

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  TRUYỆN NGẮN HAY VŨ BẰNG

MỘT NGƯỜI RƠI XUỐNG HỐ - Truyện ngắn Vũ Bằng

Chân Dung Kẻ Sĩ: Năm 1931, Vũ Bằng mới 17 tuổi nhưng đã  xuất bản tác phẩm đầu tay Lọ Văn. Không chỉ viết văn, Vũ Bằng còn hoạt động cực kỳ sôi nổi trong lĩnh vực báo chí. Những năm 1930-1940, ông đã là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi tuổi còn rất trẻ. Không những thế, lúc Nhật-Pháp đang so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể. 

Chuyện này được nhà văn kể lại trong Bốn mươi năm nói láo như sau:

"Tôi còn nhớ mãi câu chuyện liên quan tới phụ bản in vào dịp báo xuân lúc đó. "Tiểu Thuyết Thứ Bảy" in một bức tranh lụa của Lê Văn Đệ. Muốn chơi "trội", "Trung Bắc Chủ Nhật" điều đình với họa sĩ Foujita, đến thăm Hà Nội vào một ngày tháng chạp, vẽ riêng cho một bức tranh để làm phụ bản "Trung Bắc Chủ Nhật". Thế là Pháp không bằng lòng. Thiếu tá Robb phàn nàn với cụ Luận và nhờ khuyên Vượng thay đổi phụ bản đi; nhưng đã lỡ quảng cáo rồi, Vượng cứ in phụ bản Foujita một mặt, và lo đối phó với Pháp mặt khác. Rút cục, Pháp cũng chịu luận cứ của Vượng đưa ra là hợp lý và cũng kể từ lúc đó, Pháp và Nhật cùng thi đua mua lòng "Trung Bắc Chủ Nhật" bằng cách này hay bằng cách khác, và có một lúc đại sứ Nhật đã không ngại bảo viên Tổng Lãnh Sự của ông là Ogawa đưa ra một túi bạc để lỳ sì "Trung Bắc Chủ Nhật" nhân dịp Tết."

 

Rượu mãi về sau mới ngấm. Y ngà ngà. Đến lúc ăn đồ nước, y loáng choáng. Nhà cửa quay đi nhè nhẹ. Đến bắt tay mấy "chị em" để ra về, y say thực thà.

Khuya lắm. Ngoài phố không có cái xe nào cả.

Y húc đầu vào quãng không, đi về.

Chuông nhà thờ thủng thẳng điểm ba tiếng.

Y loạng choạng đi giữa đường. Bụng no nhưng người nhẹ, y tưởng mình sắp có cánh bay. Thú quá. Y chạy nhanh rồi đứng lại, hát khẽ một câu. Nhưng lúc này cần phải hoạt động mới thực sướng. Y lại đi. Nhưng sự nhẹ nhàng rồi làm cho y khó chịu. Người y mất thăng bằng. Y đi bên nọ, dọ bên kia như người rồ.

Thế là y vấp phải một hòn đá. Trán y đập vào cái biển xanh kẻ chữ "Rue barrée", tay y định víu lấy cái hàng rào không được, y rơi xuống một cái hố người ta vừa đào lúc trưa.

Lúc y mở mắt, thấy mình nằm thẳng cẳng ở dưới hố, y hơi ngạc nhiên một chút. Người ê ẩm, y chẳng buồn đứng dậy, cứ nằm im mơ màng.

Đêm khuya ngấm vào người y, chậm chạp và dễ chịu. Y thấy mình tỉnh lắm và có những cảm giác rất hay về cuộc đời.

Thoạt tiên, y thấy ngay ở trên đầu, hàng vạn ngôi sao. Thuở bé, y đã trông thấy những ngôi sao, ở nhà quê. Nhưng từ khi lớn lên, ra tỉnh, đi làm, lấy vợ, có con, y không trông thấy nữa; bây giờ, lại có dịp được thấy, y có ngay cái cảm giác là mình bé nhỏ quá, cô độc quá ở trong vũ trụ xanh xanh này.

Sau, y thấy ở xung quanh có tiếng xì xào. Y hếch một tai lên để nghe cho kỹ: đó là tiếng cây reo như sóng bể; gió thổi sà sà mặt đất như một tiếng thở dài; một cái ô tô chạy ở đằng xa làm rung động mặt đất. Tiếng sột soạt, tiếng dế kêu, tiếng nước sông khẽ đập vào bờ. Y tưởng tượng đến một cuộc đời vô hình. Bỗng có tiếng người nói ở phía xa, ở phía sau.

Người trai trẻ nghe thực kỹ. Y lấy làm lạ sao ở chung quanh mình "lại có lắm người thế, mà vừa lúc nãy đây, sao quái quỉ! lại không có người nào cả" để cho y phải còm cọm đi một mình - đi một mình với cái say!

Y bực lắm. Những việc đã qua lại tỉnh giấc trong người y, rung động ở tim, đi qua ngực, đứng ở cuống họng và khẽ kêu bằng tiếng thở mạnh. Giờ nọ nối giờ kia tiến lại. Y thấy bao nhiêu việc não nùng khi trước bao bọc lấy y ở trong hố. Y thấy nhà y, quét vôi trắng, lù lù ở giữa tỉnh thành. Y thấy người vợ xinh xẻo của y đứng tựa cửa như một cái cây có bóng mát. Y thấy hai đứa con gái của y nhíu những đôi mắt đẹp, để trông xa vời.

ý nghĩ lan man quá. Nhưng đêm khuya đi nhẹ nhàng như mây khói. Róc... rách, róc rách... tiếng hát của con sông Hồng Hà, y đương nghe thì sình sịch có tiếng người đi lại.

Người trẻ tuổi kêu lên: "Tôi rơi xuống hố rồi!".

Người khách đi đường thứ nhất là một con chó cắm đầu đi theo một ông to lớn và một cái bót xì gà đồ sộ. Người to lớn nói: "Ê! Nếu anh không say rượu thì việc gì đến nỗi này...". Một ngọn khói xanh bay ra cuồn cuộn và theo gió tan đi dần.

Người khách đi đường thứ nhì là một nhà báo đứng về mặt quốc gia. Nghe thấy người ngã xuống hố nói chuyện với kẻ đi trước mình như thế, người ấy quát: "Anh trông mong hắn cứu thế nào được? Nam quốc Nam nhân mới thương nhau thôi. Hắn khác máu tanh lòng, thấy mình ngã xuống hố, có khi lại thích, nghĩ mà đau đớn. Bao giờ ta mới thoát khỏi vòng nô lệ để mở mày, mở mặt với đời? Nước ta, than ôi, nào có phải hèn kém gì đâu! Bốn nghìn năm văn hiến! Mà dân ta, một thủa, có lẽ đã tiến hóa bằng mười nước Nhật và nước Xiêm bây giờ.

Cũng tai mắt, cũng thịt da,
Cũng dòng máu đỏ, con nhà Lạc Long...

(à, ông nhà báo lại là một nhà thi sĩ!). Nhưng người tuổi trẻ kêu lên:

- Tôi xin ông hãy cứu tôi ra khỏi hố!

- Ra khỏi hố làm gì? Anh phải biết: chúng mình nô lệ thì ở đâu cũng thế. Trừ khi nào có một cuộc đổi thay...

Và khách rảo cẳng đi. Có lẽ để tìm sự đổi thay đó ở trong... điếu thuốc phiện hay căn phòng cho thuê.

- Tại làm sao anh lại thở than như vậy?

Người khách thứ ba hỏi thế.

Đó là một vị tu hành. Đầu nhẵn như chùi, môi đỏ, con mắt đa tình như ngôi sao. "Người ta ở đời có số cả. Không có gì thoát tay.Trời. Cái nhân có tốt thì cái quả mới tốt. Cái nhân đã xấu thì cái quả phải xấu. Không có cái quả tốt nào ở cái nhân xấu mà ra. Không có cái nhân tốt nào ở cái quả xấu mà ra. Kiếp luân hồi, mình không nên oán tức điều gì cả. Ta phải diệt dục. Ta phải chịu đựng đau khổ và cho đó là quả báo hay một cuộc thí nghiệm của Hóa công. Nếu là sự quả báo, Người nên biết rằng sau này Người sẽ thanh cao hơn và được tha thứ. Nếu là cuộc thí nghiệm, Người sẽ mạnh gấp bội lên. ở đời, không có một thánh nhân nào, không có tác phẩm vĩ đại nào không có bàn tay của Qủy Sứ mó vào. Hiểu chưa?

Người khách thứ ba nói thế, người khách thứ tư nghe thấy, tiếp rằng:

- Chính vậy. Đem khoa học mà cố sức giảng giải cuộc đời là vô lý. Ta phải sống cái cuộc đời mà hóa công đã định sẵn. Không có gì là quan hệ cả. Chỉ có tâm hồn là quan hệ mà thôi. Điều cần nhất là ta phải sống thực mạnh mẽ. Anh lấy làm khổ vì bị rơi xuống hố. Tại sao? Thế anh không thấy thế là sống à? Anh đau khổ: chính đau khổ là sống một cách mạnh mẽ đó. Chỉ có hai điều mà người đời nên tránh thôi: lười biếng và buồn bã.

Người ấy (à! ra là một nhà thông thái!) ngừng lại một lát để đọc câu văn của André Gide:

Nước tù hãm có chất độc

và khoanh tay vào mạng mỡ, nói tiếp: "Anh tưởng rằng anh lên bờ thì sung sướng hơn ở trong hố à? Chỉ cần biết một điều: anh biết rằng anh đau khổ. Và thế là đẹp đẽ lắm rồi. Anh làm động đến thần cảm của chúng tôi một cách mãnh liệt. Anh hơn chúng tôi chỗ đó.

Anh ơi, nên biết rằng có nhiều người hiện đương lo nghĩ băn khoăn vì anh. Đẹp thay mà nên thơ thay! Anh thử nghĩ đến con anh đương khóc. Anh thử nghĩ đến vợ anh ở nhà đương mong - và có lẽ tưởng anh chết rồi, đã định "bước đi bước nữa". Ôi! Anh có thấy tim anh đập mạnh không? Và nghĩ rằng không bao giờ ra được khỏi hố, anh có thấy những cái động lòng mãnh liệt không?

- Thưa ông, tôi chỉ muốn ra khỏi hố.

"Tôi chỉ muốn ra khỏi hố", mấy tiếng này lọt đến tai người khách đi đường thứ năm.

Cứ trông cái đầu, đôi mắt kèm nhèm, bộ quần áo xanh và cái dáng đi chắc chắn của ông khách này, cứ trông cái vẻ quả quyết, cái nhìn xót xa và hai bàn tay xương xẩu giơ ra như chực ôm lấy mình, cứ trông thế cũng đủ biết khách là một kẻ lao khổ biết thương người như anh em một nhà.

Khách nghe thấy tiếng người tuổi trẻ kêu, hộc tốc chạy ngay lại, giơ nắm tay lên chào.

Khách hỏi: "Anh làm sao thế, anh bạn?".

- Tôi rơi xuống hố từ ban đêm.

- Rõ khổ! Từ ban đêm? Mà, đến bây giờ, vẫn nằm im như thế trong khi bọn phú hào ở trên phố ăn uống nô đùa với nhau? Cái xã hội này mục nát quá lắm: một bên thì vui vẻ với cuộc đời trưởng giả, một bên thì là một kẻ vô sản rơi xuống hố từ ban đêm. Chao ôi! Giai cấp... phải có chiến tranh giai cấp! Thôi, anh đừng sợ nữa. Có tôi đây. Sự đau khổ của anh là của tôi. Anh có thấy thế không? Anh có thể thấy thế không?

Sự đau khổ của anh em bị bóc lột, anh em bị bóc lột, anh xem, tôi hít vào cùng với khí trời và nó chảy ở các mạch máu của tôi. Nó thấm nhuần vào da thịt tôi. Thành thử cái giọng tôi thành thực nhất, chua chát nhất, và mọi người đều phải cảm động khi tôi lên tiếng.

Bây giờ tôi định thế này: lập tức, tôi đi tìm bọn phú hào mà kêu rõ to vào lỗ tai họ. Tôi kêu: "Các anh sung sướng, các anh bóc lột quần chúng để có nhà lầu, ô tô, thế mà... thế mà ở đường Bờ Sông có người rơi xuống hố...". Anh bạn phải biết tôi sẽ nói hùng hồn như thế nào. Giọng tôi sẽ át cả giọng họ. Tôi sẽ hết sức tranh đấu nữa và những tư tưởng của tôi sẽ lọt đến những nhà lầu êm đềm. Ôi anh bạn ơi! Để rồi anh xem họ sẽ run sợ như thế nào! Để rồi anh bạn xem cái hình ảnh thảm đạm của anh bạn sẽ khuấy rối cuộc đời yên tĩnh của họ như thế nào!

Khách giơ nắm tay lên lượt nữa:

- Chào anh bạn ở lại nhé. Tôi, tôi phải đi ngay để tranh đấu cho tới cùng.

Và khách đi tranh đấu cho tới cùng. Bóng khách mờ dần ở trong cảnh tranh tối tranh sáng. Khách để lại đằng sau một tấm lòng nhân đạo hùng hồn và có mồ hôi.

Người trẻ tuổi thấy một sự thất vọng mông mênh cất tiếng khóc ở trong tim óc. Y định thần lại: gió thổi hiu hiu, nước sông lạnh vẫn đập vào bờ róc rách. Chung quanh, chỉ còn trơ lại con đường trắng và mấy khóm cây rung rinh vài hạt sương.

Y bèn ngửng đầu dậy, chống một tay, quả quyết đứng lên. Cái hố không lấy gì làm sâu cho lắm. Y ghếch một chân lên bờ, hai tay để hai bên, đánh đu một cái mạnh, cho nốt chân kia lên mặt đất, đứng thẳng dậy, phủi quần áo... rồi đi về nhà.

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.