chan_dung-ke_si

Mạc Lân- Một cây viết thời thương khó

20-08-2023

Lượt xem 1059

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

Mạc Lân- Một cây viết thời thương khó

Nhà văn Mạc Lân (bìa trái) trong buổi kỷ niệm Báo Tiền Phong 55 tuổi

Năm xa ấy được ngồi lâu lâu với ông. Gạn mãi ông mới hé chút về người cha của mình. Vâng, ông là Mạc Lân - người con trai của nhà văn Lê Văn Trương. Một nhà văn, một cây viết nổi danh một thuở một thời từng viết đến hơn 100 cuốn tiểu thuyết!

nha-van-le-van-truong

Nhà văn Lê Văn Trương - Cha của nhà văn Mạc Lân

Mạc Lân đang rủ rỉ cái đoạn chuyện Lê Văn Trương. Chuyện Lê Văn Trương một lúc viết 4 cuốn tiểu thuyết bằng cách đọc cho 4 người cùng ghi như nào. Những chuyện ăn chơi cùng hút xách này khác…

Mà này chưa thấy anh viết về cụ nhà bao giờ?

Mạc Lân im lặng dõi cái nhìn xa xăm…

Tôi biết không viết về bố nhưng khối lượng đồ sộ tác phẩm của cha, ông không hề núp bóng tẹo nào mỗi khi có cái tác quyền tái bản! Đâu như từ Đà Nẵng giở ra, người em trai ông lo. Đà Nẵng giở vô, em gái ông hưởng. Ông cho họ cái toàn quyền ấy!

Mạc Lân đẻ ở bên Miên, tỉnh Mongcuabray nào đó chứ chả phải ở Chùa Vua (Hà thành) như lý lịch cán bộ. Thuở ấy Lê Văn Trương làm ở Sở Dây thép bên Miên.

Năm lên 8 theo bố về Sài Gòn rồi ra Hà Nội. Cả nhà Lê Văn Trương sống khỏe, vung vinh vì những cuốn sách người hùng xuất bản và nối bản liên tục ở nhà sách Tân Dân của Vũ Đình Long.  

Vô số những buổi trưa, buổi tối bên mâm hút, Vũ Hoàng Chương lim dim bên khay thuốc cắt nghĩa cho thằng con trai của người bạn vong niên đang học ở Trường Cố Puginier cách thẩm văn chương mà ở trường cậu bé Lân không được học. Ngoài Vũ Hoàng Chương, các tao nhân mặc khách Hà thành khi ấy như Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Vũ Bằng, Đinh Hùng… thường xuyên lui tới chiếu hút của Lê Văn Trương.

Cái tên Mạc Lân thời ấy chưa có.

Như một biểu hiện cho sự kỳ diệu lẫn lạ lùng của cách mạng, chả ai thúc bách hay ép buộc vận động gì, cái gia đình văn sĩ giàu có và nổi danh Lê Văn Trương  gồm hai bà vợ, mấy người con trừ hai thằng xe với một con sen tất tật tình nguyện tản cư đi với kháng chiến. 

Chuyện Lê Văn Lân bí mật được giác ngộ và tham gia Việt Minh từ tháng 4 năm 1945 đã giấu bố ra sao là cả một câu chuyện dài. Thời điểm Lê Văn Lân đã có chân trong Ty Liêm phóng, lần ấy khẩu súng lục Lân cất trong nhà sơ suất để rơi đánh cạch xuống sàn trước mặt ông bố. Lê Văn Trương thản nhiên nói với thằng con trai mặt mày tái mét bằng tiếng Pháp: Toa làm gì thì làm đừng để người nhà bị vạ lây…

Nhưng chính nhà văn Lê Văn Trương khi ấy cũng có thiện cảm từ lâu với Việt Minh. Bằng cớ là thời điểm Tổng khởi nghĩa, ông đã mấy ngày đêm liền đi hò hét tham gia liên miên với nhiều đoàn biểu tình!

Đi với kháng chiến, nhà văn Lê Văn Trương được giao một trọng trách mà tác giả hơn trăm cuốn tiểu thuyết về đề tài người hùng chắc cũng chưa thể nghĩ ra? Lãnh đạo Liên Khu III cử Lê Văn Trương đảm chức Chủ tịch Hội Đào đãi vàng Bắc Bộ để tạo quỹ cho kháng chiến.

Rồi đùng cái, một người vợ của ông bất ngờ lặng lẽ dinh tê vào thành. Việc đào đãi vàng bê trễ. Lê Văn Trương được điều chuyển về Phòng Chính trị của Liên khu ngồi chỗ nhà thơ Lê Đại Thanh cùng Đoàn Văn Cừ.

 Cái tên Lê Văn Lân thành Mạc Lân chưa phải là thời điểm Lê Văn Lân tham gia Nam tiến dự những trận ác liệt ở mặt trận Phan Rang Tháp Chàm. Mà khi tham gia những trận máu lửa ở Hà Nội thời điểm Toàn quốc kháng chiến. Cảm phục tấm gương hy sinh dũng cảm của người trung đội trưởng Hoàng Đình Mạc. Anh Mạc có hai người em ruột tên là Nghiên và Bút. Cả ba anh em lần lượt hy sinh trong trận đánh ở Ô Đống Mác. Mạc là mực. Cái tên Mạc Lân có từ đấy. Tên ấy theo anh những ngày chiến dịch Quang Trung Đường số 6. Hà Nam Ninh... Những ngày vào vùng địch hậu.  Mạc Lân phóng viên báo Vệ quốc quân Quân khu II rồi báo Quân Bạch Đằng của Quân khu III.

Thời gian chững chạc ở vị thế Phái viên kiểm tra Bộ Tư lệnh Quân khu III. Mạc Lân thường qua chỗ bố Lê Văn Trương. Một nữa cha con được nhắn về gấp chỗ gia đình sơ tán ở mạn Mỹ Đức.

Khi họ tới nơi thì mọi sự đã muộn. Người vợ cả của Lê Văn Trương, người mẹ Mạc Lân đã trút hơi thở cuối cùng nơi sơ tán!               

Cái chết của người vợ cả và chuyện người vợ kế bỏ vào thành và gian khổ ác liệt của cuộc kháng chiến đã khiến Lê Văn Trương buồn nản suy sụp.

Mạc Lân cố trì níu mãi không được. Đành để bố vào thành… Thế là bố con bặt tin nhau cho đến một chiều lạnh năm 1963.

Ông bạn thân thiết Dương Tường - thi sĩ Dương Tường - khi đó là phóng viên TTXVN tức tốc gặp Mạc Lân khi ấy là Phóng viên tờ Tiền Phong thầm thì. Ông cụ mày mất rồi. Đài báo phương Tây đều nói…

Đó là ngày 13 tháng Giêng năm 1963.

Kể hay viết về Mạc Lân, không ai rành và hay hơn người bạn cố tri, nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

…Cha bỏ kháng chiến vào thành rồi lại đi Nam. Nội chi tiết ấy đủ để đen ngòm trong lý lịch! Nhưng may mắn Mạc Lân được người quen bảo lãnh về làm ở tờ Tiền Phong cùng đợt với Bùi Ngọc Tấn.

Khi mới về báo, Bùi Ngọc Tấn thấy ở tủ sách cơ quan có một tập truyện viết về Điện Biên Phủ.  Đó là cuốn “Bảo vệ đường lên Mặt trận”. Tác giả là Hồ Phương, Mạc Lân, Đại đồng. Tập sáng tác duy nhất khi ấy viết về Điện Biên Phủ. Cuốn sách đã được Giải thưởng trong cuộc thi sáng tác về Điện Biên Phủ.

mac-lan_2

Mạc Lân từng nhiều năm phụ trách hai ban Văn nghệ và Bạn đọc. Và thành tích đương đêm đạp xe từ Hà Nội vào Trại phong Quỳnh Lập ở Nghệ An để thực hiện phóng sự tố cáo tội ác dã man của Giôn Xơn ném bom tàn sát những người bệnh phong. Phóng sự của Mạc Lân đã đánh động dư luận quốc tế khi ấy.

Một Mạc Lân, xông xáo, tài hoa. Cả trong cách nghĩ. Lần ở mặt trận Hàm Rồng về, Mạc Lân cứ rủ rỉ mãi cái cốt bài báo sắp viết.

Nhưng mãi chả thấy Mạc Lân viết bài báo ấy! Bài báo về câu chuyện người vợ đến thăm chồng ở trận địa pháo...

Rồi cái đoạn vì chơi thân với những Phùng Quán, Trần Dần (chỉ chơi thân nhau thôi) mà Mạc Lân không được tổ chức tin tưởng. Thời ấy nó thế. Đang là Trưởng ban Bạn đọc và Văn nghệ Mạc Lân xuống làm phóng viên thường. Lương từ bậc 11 hạ xuống bậc 7. Là người thích đi thích viết điều đó không làm anh choáng. Nhưng bao nhiêu những tận tâm cố gắng vẫn chỉ là người ngoài lề, bên rìa.

Nhà văn Lê Bầu xui Mạc Lân chuyển sang Hội Văn nghệ Hà Nội. Thì sang. Được viết là thích rồi. Nhưng liền có một chỉ thị bất thành văn từ đẩu đâu là Mạc Lân không được ký tên dưới các bài viết. Đồng nghĩa với việc không được viết nữa!

Cú đánh đột ngột ấy khiến đời sống của một gia dình bé mọn chao đảo. Mà khi ấy Mạc Lân lại đang dám hẳn một cú dứt khoát! Để lại vợ với 3 con đằng sau để dấn vào cõi mịt mùng vô định với một phụ nữ khác! Không có tình yêu nào xấu, chẳng có nhà tù nào đẹp. Thì đã đành. Nhưng phải sống, phải có thứ chi bỏ vào mồm chứ?

 Nhờ có Dương Tường mách nên Mạc Lân mấy năm liền kiếm sống  bằng việc bán máu!

Anh cười hề hề chuyện thường ngày í mà. Ngày ấy Mạc Lân 60 ký hơn. Không viêm gan, không bệnh truyền nhiễm. Lại thuộc nhóm máu B dễ bán. Mỗi lần lấy 200cc. Nhưng gạ thêm trăm nữa thành 300cc. Phải lượng ấy thì ngoài tiền máu ra mới có thêm tiêu chuẩn bồi dưỡng một bát phở ăn ngay ở căng tin bệnh viện và phiếu 2 cân đường 1 kg thịt, hai hộp sữa 4 kg đậu phụ.

Mạc Lân thường bán ngay tem phiếu ấy cho đám con phe.

Việc bán máu chả thể là cần câu cơm chính. Mạc Lân được các bạn viết bí mật kết nạp vào hội viết văn chui. Nghĩa là viết mà không được ký tên mình để phục vụ những anh huếnh. Những gã đang muốn có chân trong Hội văn nghệ địa phương và cả Hội nhà văn quốc doanh.

Họ biết Mạc Lân đang có danh. Càng biết người viết ấy đang túng. Bởi cả hai bên cùng có lợi.

Hàng trăm bài báo. Hàng chục cái truyện ngắn. Hai cuốn tiểu thuyết. 5 giải thưởng cho các cuộc thi viết. Tất tật các công trình ấy Mạc Lân không được phép ký tên. Tất cả đều được sản xuất từ Made in MacLan.

Vâng phải hơn mười lăm năm làm cái việc viết chui như thế!

Một thời gian dài nữa có một việc cũng kiếm được. Là đi viết lịch sử ngành này địa phương nọ.

Lần ấy Mạc Lân may mắn được hợp đồng với tỉnh Thuận Hải, kiếm tàm tạm hơn cả.

Lão ấy mua gì về nhà, cậu biết không? - Bùi Ngọc Tấn dừng lại châm điếu thuốc. Rồi hạ giọng thật thấp - Chẳng biết mắc bệnh yêu vợ hay ngông mà lão khuân một tá đồ lót ngoại của  phụ nữ đủ com lê trên dưới. Lần ấy bọn mình nghe lão bộc bạch, là thương vợ quá, bao năm mà vẫn dùng thứ đồ nội cứng quèo thi thoảng mới bán nhỏ giọt ở hàng mậu dịch quốc doanh!

Khi gặp lại Mạc Lân, gạ anh thêm cái đoạn viết chui. Mà lạ, Mạc Lân là người giữ chữ tín khá kỹ trong chuyện làm ăn, thương trường. Rằng trong số những người đặt hàng thuê viết ấy, ông chả hé ra ai cả!

Cứ loanh quanh luẩn quẩn kiếm ăn như thế, Mạc Lân chưa có gì cho riêng mình ngoài những bài báo và cái giải chung với Hồ Phương viết về Điện Biên Phủ năm 1955 ấy!

Rồi tuổi già cùng cái họa tật bệnh theo nhau xộc đến. Hai lần gãy chân. Nhồi máu. Huyết áp cao. Và cú cuối, tai biến. May mà nhẹ.

Nhà báo Mạc Lân mất đã mười mấy năm rồi. Nhớ anh, một người viết thua thiệt, một cây viết thời thương khó!

 

Theo Daidoanket

Bài liên quan
  • Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khi đó đã đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa khẩn cấp khu vực để bảo vệ nguyên trạng, họp bàn tìm cách khai quật tối ưu.
  • VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    Sao lại nói là không có cốt truyện? Không đúng. Cốt truyện có ở mọi nơi mọi chỗ. Anh hãy nhìn vào bức tường này. Ai cũng biết ở đấy chẳng có gì cả. Nhưng anh hãy nhìn kỹ vào đó, hãy tìm trong đó một cái gì của mình, một cái gì không ai thấy được. Và anh hãy viết ra. Xin cứ tin điều tôi nói, bấy giờ thế nào cũng có một truyện ngắn. Cũng như anh có thể viết rất hay về một chủ đề đã cũ mèm như viết về ánh trăng, miễn là biết nhìn ra trong ánh trăng một cái gì của mình mà không phải một cái gì khác đã quá nhàm.
  • Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Theo thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Minh Chuyên vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi những đóng góp đặc biệt cho văn học viết về chiến tranh thời hậu chiến.
  • Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lúc đầu thấy Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương không được, Nguyễn Thùy có lần đã đề nghị với Kim Cương một cách nghiêm túc hay là Kim Cương lấy Bùi Giáng làm chồng, biết đâu sẽ giúp anh ấy bớt khùng và viết lách đường hoàng, đĩnh đạc, dễ hiểu hơn?
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nguyễn Thùy có cô người yêu là sinh viên Đại học Sư phạm ban Anh văn rất quý trọng Bùi Giáng, cô này thường đi theo Bùi Giáng uống cà phê, quàng vai ông rất thân thiết khiến Bùi Giáng rất vui.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Sau khi không may gặp hỏa hoạn, không chỉ nhà bị cháy mà tất cả tác phẩm và sách vở tài liệu bị cháy sạch, Bùi Giáng lại thêm một cú sốc lớn khiến tâm hồn nhạy cảm của ông càng bị chấn động. Bùi Giáng càng điên hơn, ban ngày ông lang thang ngoài đường trong trang phục “cái bang” với mấy con chó nhỏ trong túi vải đeo lủng lẳng quanh mình. Cứ thế ông rong chơi khắp phố phường và trêu chọc thiên hạ, nhất là các cô gái đẹp.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Để có cả một kho tàng tác phẩm như thế Bùi Giáng đã viết lúc nào trong khi ông thường dành hết thời giang trong ngày để rong chơi cho những cuộc điên tưởng chừng bất tận? Đây là một điểm rất bí ẩn mà cho đến nay chưa có lời giải, kể cả những người gần gũi nhất với ông.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Bùi Giáng không tốt nghiệp đại học nhưng lại làm “giáo sư” dạy học một thời gian, là nhà nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật và nhất là làm thơ. Ông dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trên thế giới, viết khảo luận đông tây kim cổ và đặc biệt là làm thơ nhanh như chớp bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào.
  • Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Hà Nội từng có 21 cửa ô nhưng đến năm 1866, trên bản đồ chỉ còn 15 cái tên.
  • Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Một câu hỏi được đưa ra từ lâu trong giới nghiên cứu nhưng không dễ trả lời: sự thay đổi chữ viết tạo ra sự đứt gãy về văn hóa, truyền thống trong dân tộc ta?