Sự việc trình diễn trên sân khấu khăn áo Thánh trong hầu đồng (di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt) ở tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa tạm lắng xuống thì mới đây nhất, tỉnh Cao Bằng lại tự hào vì xác lập kỷ lục “Màn biểu diễn hát Then, đàn Tính lớn nhất Việt Nam”. Trong khi Huế trình diễn hầu đồng và khăn áo Thánh ở sân khấu một trường đại học thì Cao Bằng “chơi lớn", “bê” hẳn 1.000 người, trong đó có 2 Nghệ nhân ưu tú ra khu vực thác Bản Giốc để biểu diễn, thậm chí có 1 cán bộ của Sở VHTTDL tỉnh mặc lễ phục của thầy Then đứng trên bục cao làm “nhạc trưởng” - như 1 dàn nhạc giao hưởng thính phòng hoành tráng.
Việc lập kỷ lục về trình diễn di sản phi vật thể ở Việt Nam không phải chưa từng có. Còn nhớ trước đó là câu chuyện xác lập kỷ lục Việt Nam “Nhiều người mặc trang phục Quan họ và cùng hát Quan họ Bắc Ninh” với hơn 3.000 người tham gia. Rồi xác lập các vòng “đại” Xòe, tỉnh làm sau vòng Xòe to hơn tỉnh làm trước… Cũng rất may là đã kịp “phanh” lại, không bị UNESCO trả hồ sơ, và Xòe Thái của Việt Nam vẫn được ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vât thể đại diện của nhân loại.
Lãnh đạo các địa phương, cán bộ văn hóa và nhiều người yêu di sản lý giải rằng: Đó chính là thể hiện tình yêu với di sản văn hóa phi vật thể, là cách bảo tồn, phát huy giá trị di sản và là cách hữu hiệu để quảng bá di sản. Và họ đang thực hiện đúng tinh thần Công ước 2003 của UNESCO về việc tham gia rộng rãi của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Yêu di sản, muốn bảo vệ, phát huy và truyền bá di sản rộng rãi trong nước và quốc tế là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đã yêu thì phải yêu cho đúng. Nếu đã bảo tồn, phát huy và muốn viện dẫn tinh thần Công ước thì cũng phải áp dụng cho đúng và đủ. Ngoài nội dung tham gia rộng rãi của cộng đồng thì Công ước 2003 cũng ghi rõ: Đảm bảo không làm biến đổi bối cảnh hoặc bản chất tự nhiên của các hình thức thể hiện và biểu đạt của di sản văn hóa phi vật thể có liên quan; Đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng, nhóm người và cá nhân có liên quan, cũng như nâng cao nhận thức ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, và qua đó đảm bảo sự trân trọng lẫn nhau. Chuyên gia cao cấp của UNESCO, TS. Frank Proschan giải thích: "Đầu tiên là bất cứ hệ thống thứ bậc giá trị từ bên ngoài hay thứ bậc so sánh giá trị nào cũng đều là “kẻ thù” (nguyên văn: anathema) của di sản văn hoá phi vật thể. Tất cả di sản phi vật thể đều sinh ra bình đẳng bởi lẽ di sản phi vật thể nào cũng đều có giá trị đối với cộng đồng, nhóm người, cá nhân của nó. Từ đó suy ra, không thể coi di sản của người này có giá trị hơn di sản của người khác".
Đối với Hầu đồng hay Thực hành Then - những di sản văn hóa phi vật thể gắn với tín ngưỡng và tâm linh, có “tính thiêng” thì không được sân khấu hóa, trần tục hóa và không được thực hành bên ngoài không gian thiêng của di sản đó. Bối cảnh của hầu đồng là trong đền, phủ thờ Mẫu. Bối cảnh của Then cũng là trước ban thờ Then trong không gian nghi lễ, với bản chất tự nhiên là giao tiếp thần linh, để cầu may, cầu an, giải hạn... cho cộng đồng. Chứ không phải là để tuỳ tiện diễn giải hay minh họa trong Hội thảo hoặc để so đo nhất – bét mà xác lập kỷ lục.
“Bệnh” thích kỷ lục ở Việt Nam thì nhiều lĩnh vực đều có, nhưng trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, việc so sánh hơn - kém, xác định thứ bậc nhất - nhì đều đi ngược lại lý thuyết về tương đối văn hoá và tinh thần Công ước 2003: mọi văn hoá đều bình đẳng, tất cả các di sản văn hoá của các cộng đồng đều được tôn trọng như nhau, làm mất đi sự đa dạng văn hoá, ngăn cản sự đối thoại văn hoá giữa các cộng đồng và bóp méo vai trò, chức năng xã hội của di sản. Hát quan họ để giao lưu, giao duyên, không phải là hát đồng ca và lập thành tích. Những vòng Xoè không giới hạn, những vòng tay mời gọi có thể mở ra bất tận nên có hàng nghìn người tham gia là chuyện bình thường. Nhưng bản chất của di sản đó là hoàn toàn tự nhiên, không có sự can thiệp có chủ ý để lập kỷ lục.
Thế cho nên, nếu việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể mà chỉ có sự nhiệt tình, chỉ có "tình yêu mù quáng", mà thiếu hiểu biết thì “yêu nhau như thế bằng mười hại nhau”!