Rất khó tránh được bài mẫu, văn mẫu vì đề kiểm tra cũng đang được nhân bản (Ảnh chụp từ màn hình)
GDVN- Lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa thì đúng hướng dẫn nhưng nếu bài thầy cô thích chắc gì học sinh làm được vì gần như các em chưa đọc, chưa hiểu.
Ngày 21/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông đã yêu cầu không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa để xây dựng đề kiểm tra trong phần đọc hiểu và viết.
Cụ thể, hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.
Mục đích của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH nhằm khắc phục tình trạng văn mẫu ở chương trình 2006 nhưng điều này cũng đang gây ra những khó khăn nhất định cho học sinh và ngay cả với giáo viên giảng dạy, ôn tập và ra đề kiểm tra định kỳ. Hơn nữa, việc lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cũng chưa hẳn tránh được việc sao chép từ các tài liệu có sẵn.
Lúng túng khi tìm ngữ liệu ra đề kiểm tra định kỳ
Thời điểm này, các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đã tổ chức kiểm tra định kỳ đối với bài kiểm tra giữa kỳ. Khác với các môn học còn lại, môn Ngữ văn được yêu cầu không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề kiểm tra.
Trong khi đó, chẳng hạn sách Ngữ văn 8, bộ Chân trời sáng tạo dạy đến thời điểm kiểm tra giữa kỳ đã xong được 2 bài (2 chủ đề). Bài 1 có tên Những gương mặt thân quen (Thơ sáu chữ, bảy chữ) và bài 2: Những bí ẩn của thế giới tự nhiên (văn bản thông tin) thì tất nhiên nội dung kiểm tra giữa kỳ cũng sẽ hướng vào nội dung kiến thức của 2 bài này.
Tuy nhiên, bài 2: Những bí ẩn của thế giới tự nhiên (văn bản thông tin) khó nên nhiều trường sẽ hướng tới nội dung kiểm tra của bài 1.
Có điều ở bài bài 1, tác giả sách giáo khoa bố trí 4 văn bản. Đó là: bài thơ Trong lời mẹ hát (thơ sáu chữ) của Trương Nam Hương; bài thơ Nhớ đồng (thơ 7 chữ) của Tố Hữu; bài đọc kết nối chủ điểm Những chiếc lá thơm tho (văn xuôi) của Trương Gia Hòa; bài thơ Chái bếp (thơ 7 chữ) của Lý Hữu Lương và bài này là đọc mở rộng theo thể loại.
Như vậy, trong 3 bài thơ của chủ đề 1, tác giả sách giáo khoa bố trí 3 bài thơ, 1 bài thể thơ 6 chữ và 2 bài thể thơ 7 chữ. Đến phần viết, tác giả sách giáo khoa bố trí bài: Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do.
Trong bài học này, tác giả sách giáo khoa hướng dẫn phân tích đoạn văn viết cảm nghĩ về bài thơ Lời con của Phan Thị Thanh Nhàn và phần hướng dẫn quy trình viết thì đưa ra đề bài: “Chọn một bài thơ tự do mà em yêu thích, viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ của em về bài thơ đó”.
Như vậy, giữa phần tri thức ngữ văn, văn bản và phần viết không thống nhất với nhau về mặt hình thức. Chủ đề là thơ sáu chữ, bảy chữ nhưng đến phần viết là thơ tự do.
Khi tổ chuyên môn họp, thống nhất nội dung ra đề kiểm tra, tất nhiên là phải bám sát vào Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH như hướng dẫn của Bộ, của các bộ phận chuyên môn của Sở, Phòng Giáo dục và Hội đồng bộ môn Ngữ văn của địa phương.
Vì thế, lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa và ra đề theo cấu trúc đề kiểm tra mà giáo viên đã được tập huấn trước đây.
Theo cấu trúc đề kiểm tra mà một số địa phương đang triển khai đối với những lớp thực hiện chương trình mới thì phần đọc hiểu sẽ có 8 câu trắc nghiệm (4,0 điểm) và 2 câu tự luận nhỏ (2,0 điểm); phần viết 1 câu tự luận (4,0 điểm) được vận dụng các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.
Để tìm ngữ liệu cho phần đọc hiểu, thông thường giáo viên sẽ tìm một bài thơ 6 chữ hoặc 7 chữ phù hợp với chủ đề ở sách giáo khoa đã giảng dạy cho học trò. Tất nhiên, bài thơ đó phải có nguồn gốc rõ ràng, nội dung mang tính giáo dục, phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng miền để những từ ngữ không gây khó hiểu cho học trò.
Vì thế, giáo viên phải tìm một bài thơ làm ngữ liệu là cả một quá trình trăn trở để có thể hỏi học sinh về thể loại; cách ngắt nhịp; gieo vần; ngôn ngữ; phép tu từ; kiến thức tiếng Việt cho phù hợp với mức độ nhận biết, thông hiểu và 2 câu hỏi vận dụng thấp.
Tuy nhiên, điều mà giáo viên lúng túng là tìm ngữ liệu cho học trò ở phần viết (4,0 điểm) ngoài sách giáo khoa. Lấy trong sách giáo khoa thì học sinh dễ làm vì thầy trò đã tìm hiểu, phân tích nhưng không đúng với hướng dẫn.
Lấy một bài thơ ngoài sách giáo khoa thì đúng hướng dẫn nhưng nếu bài thầy cô thích dễ gì học sinh làm tốt vì gần như các em chưa được đọc, tiếp cận bao giờ. Trong khi, những ràng buộc về điểm số, tỉ lệ học sinh tốt, khá, đạt, chưa đạt đã được giao từ đầu năm.
Vì thế, nếu học sinh làm không được, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá viên chức, xét thi đua của giáo viên và tổ chuyên môn ở thời điểm cuối năm học.
Đề Ngữ văn không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa có tránh được văn mẫu, bài mẫu?
Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển phẩm chất năng lực cho người học. Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng đến việc: “Đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.
Nhìn chung, đây là chủ trương đúng, tiến bộ nhưng cũng tồn tại những bất cập khi thực hiện vì nhiều lý do khác nhau.
Bởi lẽ, trong từng tổ chuyên môn, bên cạnh những giáo viên tự ra được đề kiểm tra theo cấu trúc, hướng dẫn mới nhưng cũng không ít giáo viên hiện nay không thể tự ra được đề kiểm tra khi tổ chuyên môn phân công vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Vì thế, tình trạng giáo viên lấy đề kiểm tra đã được tập huấn làm đề kiểm tra cho mình, hoặc có thể mua, tải trên mạng internet, xin giáo viên ở trường khác, địa bàn khác hoặc chép từ tài liệu bổ trợ nên gặp tình trạng này thì tính bảo mật của đề gần như không có.
Giáo viên này bán đề cho giáo viên này thì cũng có thể bán cho giáo viên khác; giáo viên này cho giáo viên này cũng có thể cho người khác mà cũng có thể người cho đã xin của người khác. Việc tải đề trên mạng internet lại càng dễ bị học sinh bắt bài vì giáo viên tìm được thì học sinh cũng có thể tìm và tham khảo được.
Hơn nữa, tình trạng trong các tổ chuyên môn, nhất là những trường ở những nơi có điều kiện thì nhiều giáo viên đang tổ chức dạy thêm cho học trò. Vì thế, việc bảo mật đề rất khó vì có những giáo viên dạy thêm cũng là người ra đề kiểm tra khi được tổ chuyên môn phân công.
Trong khi đó, điểm kiểm tra giữa kỳ nhân hệ số 2, điểm kiểm tra cuối kỳ hệ số 3, nếu học sinh được điểm kiểm tra cao thì điểm trung bình môn sẽ cao, nếu điểm kiểm tra thấp, điểm trung bình môn sẽ thấp theo và tất nhiên giáo viên bộ môn sẽ bị ảnh hưởng.
Vì thế, tình trạng bảo mật đề cho dù nhà trường thực hiện nghiêm ngặt nhưng người được phân công ra đề và những giáo viên dạy cùng khối thường cũng có trao đổi với nhau để ôn tập cho học trò vì nhiều giáo viên lo lắng đưa một bài thơ lạ vào đề kiểm tra thì làm sao học trò làm được.
Ngay cả với giáo viên khi dạy bài thơ mới cũng phải tham khảo nhiều tài liệu hỗ trợ mới tự tin đứng giảng trước học trò thì việc yêu cầu học sinh cảm thụ một bài thơ hoặc một truyện ngắn là gần như không thể.
Thực tế, số học sinh vừa đọc, vừa cảm nhận được một tác phẩm văn học trong vòng mấy chục phút để làm bài kiểm tra chỉ chiếm một số lượng rất khiêm tốn. Bởi vậy, Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH dù mục đích phù hợp nhưng không dễ để học sinh, nhất là những học sinh có học lực trung bình, học sinh lớp 6, lớp 7, lớp 8 cảm nhận được.
Không chỉ học sinh gặp khó khăn mà ngay cả giáo viên tìm ngữ liệu cũng không đơn giản. Vì thế, đề kiểm tra vẫn luôn được “nhân bản” từ trường này sang trường khác, từ địa phương này sang địa phương khác và tất nhiên trên mạng internet cũng không thiếu những đề kiểm tra của nhiều trường học.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com