chan_dung-ke_si

CÔNG DƯ TIỆP KÝ VẤN ĐỀ TÁC GIẢ VÀ VĂN BẢN TÁC PHẨM

19-08-2023

Lượt xem 924

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

CÔNG DƯ TIỆP KÝ VẤN ĐỀ TÁC GIẢ VÀ VĂN BẢN TÁC PHẨM

TRẦN THỊ KIM ANH - 

CN. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 

Công dư tiệp ký (CDTK) là một trong những tác phẩm truyện ký có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thể loại truyện ký chữ Hán thế kỷ XVIII - XIX ở Việt Nam. Có thể nói ngay từ khi mới ra đời - với nội dung gồm các truyện ký kể lại những truyền thuyết và giai thoại liên quan đến nhiều sự kiện và nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam cho đến đương thời - CDTK đã lập tức thu hút được sự chú ý của tầng lớp văn nhân trí thức lúc bấy giờ rồi nhanh chóng lan truyền bằng các bản chép tay. Sau đó liên tục cho đến nay, tác phẩm này luôn được sự chú ý của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu văn học cổ Việt Nam.

Ngay từ thế kỷ XIX, Phan Huy Chú khi soạn Lịch triều hiến chương loại chí đã đưa tác phẩm này vào mục Truyện ký loại trong phần Văn tịch chí. Theo thông tin của Phan Huy Chú thì CDTK có 1 quyển chia thành 12 môn loại với 43 truyện.

Sang đầu thế kỷ XX, khi chữ quốc ngữ được sử dụng phổ biến, CDTK đã là một trong những tác phẩm đầu tiên được các trí thức tân học chọn dịch từng truyện sang Quốc ngữ đăng tải trên một số báo và tạp chí nhằm cổ vũ nền quốc học. Sau đó trong các chương trình giảng dạy Việt văn, tác phẩm cũng được đưa vào phần giảng về truyện ký thời Lê Trung hưng, song rất sơ lược.

Vào thập niên 60, tại miền Bắc, tác phẩm tiếp tục được đưa vào chương trình giảng dạy trong các khoa văn học của một số trường đại học. Ở miền Nam, tác phẩm cũng được dịch giả Nguyễn Đình Diệm dịch và Nxb. Giáo dục ấn hành vào năm 1961-1962, đồng thời cũng được đưa vào chương trình giảng dạy đại học. Điều đáng chú ý là bản dịch của Nguyễn Đình Diệm có 91 truyện, nhiều hơn nguyên bản đến 48 truyện, song do phần giới thiệu rất sơ lược nên không biết tác giả đã dựa vào văn bản nào để có được bản dịch đó.

Nhìn chung các nghiên cứu về CDTK cho đến giai đoạn này vẫn đều hết sức sơ lược.

Năm 1984, tác phẩm được Trần Văn Giáp xếp vào phần Truyện Ký ở tập I trong bộ sách nổi tiếng Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - nguồn tư liệu văn học
sử học Việt Nam 
của ông (Nxb. Văn hóa. H. 1984), với lời giới thiệu khá đầy đủ về diện mạo văn bản cũng như tác giả. Theo Trần Văn Giáp thì “Sách Công dư tiệp ký vì tính chất truyền thuyết và giai thoại của nó nên tuy chưa được khắc in mà vẫn không phải là sách hiếm. Thậm chí được mở rộng thêm thành sách khác như Nam thiên trân dị tập gồm 2 quyển với 135 truyện, Bản quốc dị văn lụcDị văn tạp lụcNam hải dị nhân v.v… Qua mục lục ta thấy sách này ghi chép nhiều truyện Việt Nam đủ các loại, đã được truyền rộng vào đầu thế kỷ XVIII. Trong 43 truyện của sách này, phần lớn là truyền thuyết và giai thoại, dù đến cả truyện về các nhân vật lịch sử, cũng có ghi thêm nhiều sự việc do truyền miệng để lại mà không có trong chính sử, vì vậy các chuyện ấy đã được sử dụng rộng rãi trong các sách Lịch triều đăng khoa bị khảoKhoa bảng tiêu kỳ của Phan Huy Ôn và Đăng khoa lục sưu giảng của Trần Tiến v.v…” Ngoài ra ông cho biết: “Văn bản CDTK được sao chép cẩn thận và đầy đủ hơn cả là bản mang ký hiệu A.44. Bản này chép trên giấy lệnh hội, 85 tờ, có bài tựa của tác giả đề niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16 (1755) có phụ chép phần hậu biên (hay tục biên) gồm 67 tờ của Trần Quý Nha người Điền Trì Chí Linh Hải Dương”. Và theo Trần Văn Giáp, Trần Quý Nha có thể là Trần Tiến.

cong-du-tiep-ky-trang-1

Công dư tiệp ký trang 1 - tác giả Vũ Phương Đề (武芳㮛 )- Thư viện Quốc gia Việt Nam

 

Sau Trần Văn Giáp, người tiếp tục bỏ công ra tìm hiểu về văn bản tác phẩm này là Nguyễn Đăng Na. Năm 1989, trong bài viết Tục Công dư tiệp ký tác gia và tác phẩm (Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1989), Nguyễn Đăng Na cho biết, sau khi nghiên cứu Trần tộc hợp phả (gia phả họ Trần ở xã Điền Trì, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), thì theo ông, tác giả của Tục Công dư tiệp ký (Tục CD) là Trần Trợ (còn gọi là Trần Quý, hoặc Trần Nha, không phải là Trần Quý Nha), con trai của Trần Tiến - tác giả Đăng khoa lục sưu giảng  Cát Xuyên tiệp bút. Đồng thời Tục CD được viết xong vào trước năm 1786, trong đó bài Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và Văn thể là của Trần Tiến. Ngoài ra Nguyễn Đăng Na còn cho biết, ông có tìm được một văn bản CDTK không có phần tục biên, chỉ gồm 43 truyện và theo ông, có lẽ đây là văn bản gần với nguyên tác hơn cả. Tuy nhiên từ sau đó ông không cho biết thêm thông tin nào về văn bản này. Ngoài ra ông còn cho biết về một bản dịch Nôm CDTK của Vũ Xuân Tiên là Giáo thụ phủ Nho Quan, trong đó dịch đủ cả 43 truyện.

Sau đó, vào năm 2001, trong Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại (tập I, Nguyễn Đăng Na biên soạn, Nxb. Giáo dục, H. 2001), văn bản CDTK đã được Nguyễn Đăng Na tách thành hai tác phẩm riêng biệt là CDTK của Vũ Phương Đề và Tục CD của Trần Trợ.

Tiếp đó, vào năm 1996, Trần Nghĩa trong bài viết “Góp phần giải quyết những vấn đề văn bản học đang đặt ra với Công dư tiệp ký” (Tạp chí Hán Nôm số 4/1996) sau khi tiến hành đối chiếu sơ bộ các văn bản đã nhận xét “Ngoài những biến động về tiêu đề, nội dung các truyện trong các văn bản, nếu đem so sánh, ta cũng thấy có sự xê dịch nhưng cũng chủ yếu là về mặt câu chữ. Khác nhau về chi tiết giữa các truyện tuy có nhưng không nhiều.” Ngoài ra ông còn tiến hành nghiên cứu quá trình “tích hợp” và “tế phân” của CDTK. Theo ông từ CDTK của Vũ Phương Đề, người ta tích hợp lần đầu thành văn bản CDTK bao gồm CDTK tiền biên + CDTK tục biên, rồi tiếp tục tích hợp thành văn bản CDTK gồm: CDTK tiền biên + CDTK tục biên + Bạch Vân Am + Bổ di. Còn quá trình tế phân thì theo ông đó là từ CDTK gốc của Vũ Phương Đề sách được “vỡ ra, biến tướng thành nhiều dạng mới, dưới những tên sách mới như Danh thần truyện ký, Danh thần danh nho truyện ký, Chư gia phát tích địa, Thần quái hiển linh lục, Nam thiên trân dị tập, Thính văn dị lục v.v…”

Vào năm 1997, tác phẩm lại được Trần Nghĩa đưa vào Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam với bản dịch của Đoàn Thăng và phần giới thiệu của Trần Nghĩa. Ở đây Trần Nghĩa loại phần Bạch Vân Am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký và phần Bổ di ra khỏi tác phẩm và ngờ rằng Tục CD chính là Cát Xuyên tiệp bút của Trần Tiến.

Như vậy theo các nghiên cứu từ trước đến nay của các học giả thì có thể thấy văn bản CDTK nguyên do Vũ Phương Đề biên soạn và đề tự vào năm 1755 với 43 ký, sau đó được ghép thêm phần tục biên (hay hậu biên) của Trần Quý Nha, rồi lại được tiếp tục mở rộng thêm với phần viết về Bạch Vân Am cư sĩ và phần Bổ di. Văn bản mang tên CDTK hiện còn đến nay bao gồm hai phần chính là phần chính biên CDTK của Vũ Phương Đề và phần hậu biên Tục CD của Trần Quý Nha, còn ngoài ra là phần Bạch Vân Am và Bổ di. Phần chính biên là phần khá ổn định nhưng phần tục biên có một số vấn đề được đặt ra, đó là tác giả phần này là Trần Quý Nha hay Trần Tiến? Tục CD có phải là Cát Xuyên tiệp bút không?

Hiện nay tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có tàng trữ 4 văn bản chép tay mang tên CDTK bao gồm:

  1. Bản mang ký hiệu A.44: bản này dày 324 trang, chép tay, khổ 32x15cm. Ngay trang đầu có bài tựa ghi rõ “Tứ Bính Thìn khoa Tiến sĩ Đông các Hiệu thư Thự Sơn Nam xứ Tham chính Vũ Thuần Phủ tự”, tiếp đó là mục lục. Mục lục cho biếtCDTKcó hai phần Tiền biên và Tục biên. Phần Tiền biên có 43 ký, sắp xếp vào 12 môn loại như sau:

 

1. Thế gia

5 ký

2. Danh thần

6 -

3. Danh nho

9 -

4. Tiết nghĩa

1 -

5. Chí khí

1 -

6. Ác báo

1 -

7. Tiết phụ

1 -

8. Ca nữ

1 -

9. Thần quái

10 -

10. Danh phần dương trạch

5 -

11. Danh thắng

1 -

12. Thú loại

2 -

Phần Tục biên có 61 ký (nhưng trên thực tế chỉ có 58 ký), được sắp xếp thành 7 môn loại gồm:

1.Danh thần danh nho

31 ký

2.Dâm từ

1 -

3.Mộng ký 21 (thực tế chỉ có 18 ký)

 

4.Tài nữ

1 -

5.Tiên thích

1 -

6.Thần từ

2 -

7.Sơn xuyên

4 -

Sau đó là Bạch Vân Am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký, chú tên người soạn là Tứ Kỳ Ngọc Lặc Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân. Ngoài ra còn có bổ di gồm: Đan Sơn Tùng Niên Phạm cư sĩ phả ký: có 8 ký, Cổ tự 1 ký, Phù Ủng tiết phụ bi văn (Thân Nhân Trung soạn), Hàn công khu ngạc ngư vănBạch nhạn sa địa cảo.

Sau mục lục đến phần chính văn, ở phần này ngay dòng đầu tiên ghi: “Công dư tiệp ký (tiền biên)”, nhìn chung phần tiền biên không có gì đặc biệt. Sang phần tục biên ghi “Công dư tiệp ký (hậu biên)”, tiếp đó là một dòng chữ nhỏ: “Chí Linh Điền Trì Trần Quý Nha tự”. Hết phần hậu biên là bài Bạch Vân am…, sau đó là Phụ bổ di: gồm 8 bài là Chủng gian lễ xướng tri hào kiệt; Trần Quốc lão thế xưng dị thuật, Lệ Kỳ lĩnh cổ chung hiển dị, Độc Tôn sơn vân vũ tạc yêu, Phù Tang am trưởng lão viễn du, Đại Bi tự Bắc nhân sở kiến, Lô Giang văn viễn tế ngạc ngư (Ở mục lục là bài Hàn công khu ngạc ngư văn), Phao Sơn huyệt án triều bạch nhạn (Ở mục lục là Bạch nhạn sa địa cảo). Tám bài này theo mục lục là của Đan Sơn Tùng Niên Phạm cư sĩ. Sau đó lại Bổ di gồm Thượng Hồng Đường An liệt nữ bi (Ở mục lục là bài Phù Ủng tiết phụ bi văn). Bài Thượng Hồng Đường An liệt nữ bi được ghi chú là Thân Nhân Trung soạn, nhưng đọc nội dung thì thấy thực chất đây là bài viết giới thiệu về tấm bia này, trong đó có dẫn lại một phần nội dung văn bia chứ không phải toàn văn bài văn bia của Thân Nhân Trung. Như vậy phần bổ di có tất cả là 9 bài. Sau bài này là hai bài Quan phục hầu Nguyễn Trãi và Đặng Thời Cử viết bằng chữ nhỏ. Hai bài này nguyên nằm cuối mục Danh thần danh nho của phần tục biên, do bản này chép thiếu nên được phụ chép vào phía sau. Toàn bộ các bài trong văn bản đều có tiêu đề theo kiểu biền ngẫu của tiểu thuyết chương hồi như “Tiến sĩ sào phong thủy chung linh”, “Truy viễn đường kiều tùng thực tú” v.v…

  1. Bản mang ký hiệu VHv.14, 262 trang, chép tay, khổ 29x15cm, tương tự bản A.44, không có gì sai khác.
  2. Bản VHv.1324/1-2: 228 trang, chép tay, chữ rõ ràng nhưng sai sót rất nhiều. Có tựa ghi rõ “Tứ Bính Thìn Đông các Hiệu thư Thự Sơn Nam xứ Tham chính Vũ Thuần Phủ tự”, có mục lục. Bản này được chia thành 2 quyển, mỗi quyển có kích thước và nét chữ khác nhau. Quyển 1 chép từ đầu đến hết bàiHậu Bổng Quang Minh tự kýở môn loại Thần quái. Quyển 2 bắt đầu từ bài Bối Khê tự ký đến hết bài Bạch Vân Am… Văn bản được chép liền một mạch, không chia theo tiền biên và tục biên nên không nhắc đến tác giả phần tục biên. Không có phần bổ di. Tên các bài cũng được đặt lại theo kiểu đăng đối như đã nói ở trên.
  3. Bản mang ký hiệu A.1893: 72 trang, chép tay, khổ 30x20cm, gồm 4 quyển, quyển 1 chép phầnThế gia, quyển 2 chép phầnDanh thần, quyển 3 chép phần Danh nho và quyển 4 chép phần Tiết nghĩa và Thần quái. Có lẽ đây là văn bản hoặc bị thất lạc các quyển sau, hoặc vì lý do nào đó chưa được sao chép xong. Tuy nhiên đối chiếu những phần có được với các văn bản khác thì không có gì sai biệt.

Qua các văn bản vừa khảo tả trên đây thì ngoài bản mang ký hiệu A.1893 chưa sao chép xong ra, nhìn chung đều cho thấy trong các văn bản CDTK hiện còn không có văn bản nào chỉ chép riêng CDTK của Vũ Phương Đề với 43 ký như Phan Huy Chú đã cho biết, mà có hai dạng kết cấu như sau:

- Dạng gồm 3 phần: Phần Tiền biên

do Vũ Phương Đề tự. (Gồm 43 ký) + Phần Hậu biên do Trần Quý Nha tự. (Gồm 58 ký) + Phần viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm của Vũ Khâm Lân (1 ký).

- Dạng gồm 4 phần: Phần tiền biên của Vũ Phương Đề (43 ký) + Phần hậu biên của Trần Quý Nha (58 ký) + Phần viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm của Vũ Khâm Lân (1 ký) + Phần Bổ di của Đan Sơn Tùng Niên Phạm cư sĩ (gồm 9 ký).

Như trên đã trình bày thì có thể thấy cho đến khi sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ra đời, tức là vào năm 1819, CDTK vẫn là tác phẩm độc lập với 43 ký. Nếu căn cứ thông tin của Phan tiên sinh thì rõ ràng những văn bản hiện còn này được hình thành sau năm 1819, tức là sau khi sách Lịch triều của Phan Huy Chú ra đời. Vậy vì sao CDTK lại có diện mạo như sau này?

Theo chúng tôi, CDTK nguyên được Vũ Phương Đề biên soạn và đề tự vào năm Cảnh Hưng thứ 16 đời vua Lê Hiển Tông (1755). Bởi có lối viết theo thể truyện ký ngắn gọn giàu thông tin và nội dung lôi cuốn nên CDTK đã hết sức được ưa chuộng và sau đó được nhiều tác gia bắt chước, phát triển và tiếp tục hình thành một số tác phẩm khác theo thể loại này như Cát Xuyên tiệp bútSơn cư tạp thuật,Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục v.v. Và rồi người đời sau, do thấy sự tương đồng về lối viết, về nội dung phản ánh nên để tiện tra đọc đã nối kết CDTK với Tục Công dư tiệp ký rồi tiếp đó là những tác phẩm khác kể trên. Tuy nhiên sự nối kết này cũng được diễn ra dần dần, có thể thấy rất rõ điều này qua hai dạng văn bản vừa nói trên. Và như vậy, sự nối kết dần dần này đã dẫn đến hệ quả là văn bản CDTK hiện còn là tác phẩm của một tập thể tác giả gồm Vũ Phương Đề - Trần Quý Nha - Vũ Khâm Lân - Đan Sơn Tùng Niên Phạm cư sĩ. Ở đây xin được nói kỹ về từng tác giả để bàn thêm về vấn đề văn bản tác phẩm:

  1. Vũ Phương Đề: Vũ Phương Đề sinh năm 1697, không rõ mất năm nào, tự là Thuần Phủ, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 đời Lê Ý Tông (1736), làm quan đến Đông các Hiệu thư, Quyền Tham chính xứ Sơn Nam. Hiện chỉ biết ông có một tác phẩm duy nhất làCDTK.
  2. Trần Quý Nha: Về tác giả này như trên đã trình bày, Trần Văn Giáp ngờ rằng đây là Trần Tiến, tác giảĐăng khoa lục sưu giảng. Nhưng theo Nguyễn Đăng Na thì đây là Trần Trợ (hoặc Trần Quý, Trần Nha, không phải Trần Quý Nha) sinh năm 1745, không rõ năm mất, con trai Trần Tiến, làm quan đến chức Tri phủ. Còn Trần Nghĩa lại ngờ rằngTục CD chính là Cát Xuyên tiệp bút, và như vậy cũng có nghĩa là Trần Quý Nha là Trần Tiến.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, về sách Cát Xuyên tiệp bút (CXTB) thì hiện nay không tìm được văn bản nào mang tên này. Song đây là tác phẩm từng được một số tác gia đương thời nhắc tới. Phạm Đình Hổ ở mục Văn thể trong Vũ trung tùy bút, viết: “Từ trung hưng về sau văn thể thấp kém, điều này có thể thấy rõ trong Cát Xuyên tiệp bút của Trần Tiến”. Ngay sau đó ở mục Thi thể ông lại viết: “Ta mỗi khi đọc Cát Xuyên tiệp bút, đọc đến câu Thời hân phùng chí trị / Thần nguyện thú tam thê là lại phì cười”. Những dẫn chứng này của Phạm Đình Hổ đều thấy có trong bài Trung hưng hậu ty liệt văn thể ở Tục CD. Lại nữa, trong bài Trấn Vũ miếu của sách Quần thư tham khảo, khi nhắc tới Mạc Đĩnh Chi, Phạm Đình Hổ có viết: “Văn chương sự nghiệp của ông lược thấy trong sử đời Trần và sách CXTB của Trần Tiến người Điền Trì Chí Linh.” (Tức bài Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi trong Tục CD). Ngoài ra Sách Sơn cư tạp thuật của Đan Sơn chủ nhân cũng cho biết bài Trung hưng văn thể trong sách này được rút từ sách Tục tiệp ký của Trần Tiến. Từ những thông tin trên có thể thấy vào thời Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) có một tác phẩm mang tên CXTB của tác giả Trần Tiến người Điền Trì, Chí Linh, Hải Dương, sách này còn được gọi là Tục tiệp ký. Ngoài ra từ các thông tin này còn có thể biết các bài Trung hưng văn thể và Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi trong Tục CD chắc chắn là của Trần Tiến. (Chính vì vậy mà Nguyễn Đăng Na cho rằng hai bài này là của Trần Tiến bị chép lẫn vào Tục CD của Trần Trợ). Ở đây có một điều cần phải lưu ý, Vũ Phương Đề (1697 - ?) và Trần Tiến (1709 - 1770) là hai tác gia sống gần như đồng thời với nhau. Như vậy CDTK và CXTB ra đời chỉ trước sau trong một thời gian ngắn và đều cùng nổi tiếng, được nho sĩ trí thức lưu truyền, vậy thì vì sao CDTK thì còn mà CXTB lại hoàn toàn không thấy ? Hơn nữa, theo những gì vừa trình bày ở trên có thể thấy, trước khi Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú và Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ ra đời, chỉ thấy tồn tại hai tác phẩm CDTK (với 43 ký) và CXTB hoặc Tục tiệp ký chứ hoàn toàn không thấy nhắc đến một tác phẩm CDTK bao gồm cả Tục CD. Vậy mà chỉ sau một thời gian rất ngắn, khoảng vài chục năm, CXTB hoàn toàn biến mất mà lại xuất hiện Tục CD với hai bài của CXTB lẫn vào. Có thể thấy ngay rằng với một tác phẩm khá nổi tiếng và đã được sao chép lưu truyền như CXTB thì sự biến mất như vậy là điều rất khó hình dung. Ngoài ra, nếu theo Nguyễn Đăng Na thì Tục CD được Trần Trợ hoàn thành vào năm 1786, đây là thời điểm trùng lặp vào thời gian Phạm Đình Hổ sống và học tập tại quê nhà Hải Dương. Vậy vì sao với một tác phẩm đáng chú ý như Tục CD, lại là của một tác giả vừa cùng quê vừa đồng thời với mình mà Phạm Đình Hổ lại không hề biết đến? Chính từ những vấn đề vừa trình bày ở trên nên theo chúng tôi, rất có thể Tục CD chính là CXTB của Trần Tiến, và do bởi gần giống về lối viết cũng như nội dung phản ánh mà ngay đương thời, ngoài cái tên CXTB, tác phẩm đã được gọi luôn là Tục Công dư tiệp ký hay Tục tiệp ký rồi về sau, do được những người sao chép - để tiện tra đọc - ghép luôn vào với CDTK và dần dần cùng với thời gian, nó đã mất đi tên gọi ban đầu. Do từ những suy luận trên, chúng tôi cũng nghiêng về ý kiến cho rằng Tục công dư chính là sách Cát Xuyên tiệp bút của Trần Tiến.

Về Trần Tiến, sách Niên phả lục(1) đã cho biết rất rõ về ông, ở đây chỉ xin tóm lược đôi chút: Trần Tiến sinh năm 1709 mất năm 1770, tự là Hậu Phủ, hiệu là Cát Xuyên, người làng Điền Trì, huyện Chí Linh (nay thuộc xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), vốn là hậu duệ của Thái sư Trần Quang Khải nhà Trần. Đậu Tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 đời Lê Hiển Tông (1748), làm quan đến Phó Đô Ngự sử, tước Sách Huân bá, sau thăng Lễ bộ Thượng thư. Ông nổi tiếng là người cứng rắn, ngay thẳng trung thành, thanh liêm mẫn cán, không ưa xu phụ, rất được chúa Trịnh tin dùng. Theo một số tư liệu có thể biết ông là tác giả của các sách: Đăng khoa lục sưu giảng; Cát Xuyên tiệp bút, Cát Xuyên thi tập, Niên phả lục, Địa phương chí.

  1. Vũ Khâm Lân: nguyên tên là Vũ Khâm Thận, sinh năm 1703, không rõ mất năm nào, hiệu là Di Trai Vu Tẩu, người xã Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái thứ 8 đời vua Lê Dụ Tông [1727] làm quan đến Quốc sử tổng tài, Đô Ngự sử, tước Ôn Quận công, từng được cử đi sứ nhà Thanh. Tác phẩm của ông ngoài bàiBạch Vân Amcư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký được chép trong Công dư tiệp ký còn có một bài tựa viết cho sách Chu Dịch quốc âm ca quyết, ngoài ra chưa tìm được gì thêm.
  2. Về Đan Sơn Tùng Niên Phạm cư sĩ: về tác giả này có một chút rắc rối, nếu bảo đây là Đan Sơn cư sĩ, tác giảSơn cư tạp thuậtthì không phải, mà bảo đây là Phạm Tùng Niên tức Phạm Đình Hổ tác giả Vũ Trung tùy bút thì cũng không đúng, bởi chưa bắt gặp sách nào cho biết Phạm Đình Hổ có hiệu là Đan Sơn và ông cũng chưa từng bao giờ gọi mình là cư sĩ, còn Đan Sơn cư sĩ thì lại không có hiệu là Tùng Niên và chỉ viết về vùng Thanh Hóa quê ông chứ không hề viết gì về xứ Hải Dương (bởi 9 bài ký ở đây hầu hết viết về Hải Dương). Ngược lại Phạm Đình Hổ vốn quê ở Hải Dương nên viết rất nhiều về Hải Dương.

Tuy trong quá trình nghiên cứu về Phạm Đình Hổ, chúng tôi chưa bắt gặp các bài viết được đưa vào CDTK như đã kể trên, nhưng qua văn phong đã cảm nhận được lối viết rất quen thuộc của ông. Ngoài ra có một điều đáng chú ý ở đây là, các tác giả của văn bản CDTK hiện còn đều là người Hải Dương, cho nên chúng tôi nghĩ rằng việc đưa ra một văn bản gồm tác phẩm của các tác giả người Hải Dương rất có thể là chủ định của người chép sách. Vì vậy theo chúng tôi đây chính là các bài ký ngắn của Phạm Đình Hổ, có lẽ người đời sau do nhầm lẫn đã ghép nhầm tên hiệu của Phạm Đình Hổ với Đan Sơn cư sĩ.

Tóm lại, qua trình bày ở trên, có thể thấy văn bản CDTK hiện còn là văn bản được hợp thành từ Công dư tiệp ký (gồm 43 ký của Vũ Phương Đề) + Tục Công dư tiệp ký (hay Cát Xuyên tiệp bút gồm 58 ký của Trần Tiến) + Bạch Vân Am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký (gồm 1 ký của Vũ Khâm Lân) + Bổ di (gồm 9 ký của Phạm Đình Hổ). Tuy là một văn bản được nối kết từ những tác phẩm của những tác giả khác nhau, song đọc toàn bộ văn bản người đọc vẫn cảm nhận được sự thống nhất cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện giữa các tác phẩm. Ngoài ra có thể thấy, sự nối kết các tác phẩm này với nhau đã giúp phản ảnh khá tập trung và hết sức sinh động về lịch sử xã hội và con người Việt Nam, đặc biệt đậm nét ở giai đoạn sau khi nhà Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) - một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Có lẽ đây chính là mục đích và cũng là sự thành công của người hình thành nên văn bản hiện còn này.

Chú thích:

(1) Niên phả lục: Trần Tiến biên soạn. Nguyễn Đăng Na sưu tầm và khảo dịch. Nxb. Văn học. H. 2003./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (83) 2007; Tr. 13 - 24)

Bài liên quan