chan_dung-ke_si

“Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng:  Thênh thang những chân trời khát vọng

03-03-2023

Lượt xem 1024

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

“Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng:   Thênh thang những chân trời khát vọng

 

TRẦN THU HẰNG

Nhà thơ Phan Hoàng sinh trưởng ở Phú Yên, tác giả tập thơ Chất vấn thói quen vừa được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube quốc tế năm 2023 của Hungary. Để hiểu thêm giá trị tập thơ Chất vấn thói quen, xin giới thiệu bài viết của nhà văn Trần Thu Hằng.

 

Đọc tập thơ Chất vấn thói quen (NXB Hội Nhà văn 2012, NXB Văn Hóa Văn Nghệ tái bản 2015) của nhà thơ Phan Hoàng như gặp lại một “thánh đường” đang bị che phủ bởi những lớp bụi trần gian. Nhà thơ và vũ trụ gặp nhau trong một thánh lễ khác thường, đốt cháy lẫn nhau.

Thánh đường kia không phải là ảo mộng, nhưng con người luôn mãi kiếm tìm, trong nỗ lực sinh tồn và trong tiềm thức. Thánh đường ấy chính là dòng máu Việt, là đời sống Việt, là nếp văn hóa dân dã bao đời chảy trong huyết quản nhà thơ. Nhưng để tiếp nhận được, anh phải bơi qua cái bể trần thế đầy bóng tối, vượt qua được những định kiến độc hại bủa vây. 

img_20230303_214052

Nhà văn Trần Thu Hằng (áo đỏ) cùng nhà thơ Phan Hoàng và bạn bè

Ở phần thứ nhất – Văn bản dở dang – gần như là những lời tự sự của kẻ độc hành:

Tôi ngồi uống bóng

đêm xua ý nghĩ mưu sinh chợ đời rời rã

từng đốt xương lắc rắc âm sắc cháy rừng.

 (Uống bóng)

Trong cô đơn và khát vọng, nhà thơ không giấu được ý nghĩ về khoảng cách giữa mơ ước và hiện thực:

Ai đầu tư cổ phần tri âm

văn chương tình nguyện liên doanh tri kỷ

chữ nghĩa thị trường xuống chó lên voi.

 (Chữ nghĩa thị trường)

Ở phần thứ hai – Cái chết đen và vũ khúc trắng: Không ồn ào xúc cảm mà lặng lẽ và đơn độc, nhà thơ Phan Hoàng chọn những điểm nhìn rất chung, mang tính phổ quát để nói lên suy nghĩ của riêng mình. Anh khai thác một số chủ điểm của đời sống, từ thứ cụ thể nhất đến những khái niệm siêu hình, bằng sự chuyển động rất chậm, để tìm cho được “bụi vàng” (qua tấm gương lao động nghệ thuật của nhà văn Sơn Nam) và sự tái sinh:

Mang một vẻ đẹp khác nàng đến thế giới này

Mang một tinh thần khác nàng đến thế giới này

Mang một thông điệp khác nàng đến thế giới này

Cái chết đen như ngọn lửa hỏa hoạn liếm dần từng tế bào nền văn minh đang tiến về phía lợi danh ích kỷ

Vũ khúc trắng mang đến giấc mơ tái sinh từng giọt nước trong veo cho hành tinh cạn kiệt ám ảnh ngày tận thế

 (Cái chết đen và vũ khúc trắng)

nha_tho_attila_balacs

Nhà thơ Attila F Balázs – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Danube của Hungary trao giải thưởng cho nhà thơ Phan Hoàng

Riêng chùm ba bài thơ về Cần Giờ (Cần Giờ bất lực, Cần Giờ ngơ ngác, Cần Giờ lặng im) và Tiếng cười trên sông Sài Gòn là một mảnh đất Sài Gòn khác, không tả thực, cũng không giả định. Nhà thơ lắng nghe im lặng của đất:

và còn những nỗi đau mà ta không bao giờ chạm được

nỗi đau đau đến lặng im.

Và im lặng hóa thân:

Như cánh chim lãng du

sà vào lòng sông tắm gội phục sinh tiền kiếp

tôi thấy mình chấp chới bay ngược

về phía tiếng cười không thanh âm nhập nhòa ánh đuốc.

Sau những khúc suy tưởng, sau những thanh âm và chuyển động của vũ trụ được nén lại, là sự bùng nổ của khát vọng được sống, được tái sinh, được chạy, được bay trong tự do và tình yêu.

Phần thứ ba: Bóng tối đang nuốt chúng ta – đó không phải là tiếng kêu thương, mà là âm thanh mãnh liệt của một cuộc chiến đấu chống lại bóng tối, và cả những mầm mống mang đến cảm nhận sai lầm, giả ngụy về cuộc đời. Với tư cách một con người sống giữa nhân thế, nhà thơ tự chất vấn mình hàng loạt câu hỏi: Tôi đang ở đâu? Đó cũng là một cách trả lời cho những trường đoạn tự vấn của lương tri, kể từ khi là một hài nhi trong thúng gióng tản cư của mẹ, từng phải “chôn chặt sa mạc hạn hán lòng mình, những hạt giống đen sạm đạn bom”… Anh đã đặt con người lên bệ phóng hiện đại, từ bản năng thành cái “siêu tôi”, từ con chữ đến cơn bão ký tự mới, và từ những ước mơ đơn lẻ hướng đến một “đại công trường” vĩ đại của tạo hóa.

Chất vấn thói quen của Phan Hoàng là kết tinh của sự sống và cái đẹp chảy ra đầu ngọn bút, là thế giới nghệ thuật đòi hỏi cách tân và “lột xác”, là sự tỉnh thức “không quy luật tuần hoàn”:

Ở giữa sấm chớp và mưa giăng

tôi nghe thì thầm

tiếng giữa chuyển dạ và sinh nở

 (Tiếng thì thầm)

img_20230303_214258

Các nhà thơ Hungary tại Hà Nội

Chất vấn thói quen cũng là triết lý của sự đổi mới và hành động. Tác giả “thèm làm ngọn gió tự do” đêm đêm đánh vật với con chữ, đánh vật với chính mình để tìm cách kết nối với vũ trụ linh thiêng, bằng những nghi lễ rất giản đơn và bí mật. Nằm trong thế hệ đi đầu của thi nhân Việt Nam hiện đại, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng nói đến thơ như sau:

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,

Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ

Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,

Như đón từ xa một ý thơ.

 (Đà Lạt trăng mờ – Hàn Mặc Tử)

Sự “đắm đuối” của một nhà thơ trong thế kỷ XXI như Phan Hoàng mang một năng lượng chuyển hóa mãnh liệt, là sự vươn dậy của linh hồn Việt:

quang hợp sức mạnh rồng tiên

di truyền bản lĩnh núi non

hội tụ tấm lòng biển cả

hào phóng năng lượng tái sinh giống nòi.

 (Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc)

Những cánh rừng nguyên sinh, những làn hương thiếu nữ, cả làn gió tuổi thơ… đã quay trở về trong phần cuối tập thơ Chất vấn thói quen, mang tính biểu tượng của tình yêu và hòa giải. Chúng ta được thấy những mảnh đất (cõi sống) tan tác vì dục vọng, phủ mờ bởi thói quen, sáo mòn và cũ kỹ được nguồn năng lượng mới và sự say mê của nhà thơ làm cho tươi đẹp, vẹn nguyên trở lại. Chất vấn thói quen là bản trường ca được cô đặc về ngôn từ và ngữ nghĩa, nhưng thênh thang những chân trời khát vọng…

TRẦN THU HẰNG

 

Bài liên quan