chan_dung-ke_si

BỨC TRANH CÓ MA – Truyện ngắn Lê Đạt

03-11-2023

Lượt xem 1744

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lê Đạt

BỨC TRANH CÓ MA – Truyện ngắn Lê Đạt

Nhà văn Lê Đạt và vợ, diễn viên Đoàn kịch Trung ương Thúy Thúy (Nguyễn Thị Thúy). Vì yêu và cưới nhà thơ Lê Đạt, nhân vật chính của Giai phẩm mùa xuân, Thúy Thúy từ chỗ là diễn viên đang lên đã phải chuyển sang bộ phận phục trang, không được diễn xuất.

 

* Đường nắng cánh sen đèn hội má

Vườn mầu hoa con gái bướm phù dâu

Van Gogh vẽ miệt mài không ngơi tay. Ông cảm giác đang bơi trên một dòng sông nước xiết, ngừng lại sẽ chìm nghỉm, vĩnh viễn nằm dưới đáy tối.

Những quệt màu bừng bừng chạy trên mặt toan như những tia nham thạch miệng một hỏa diệm sơn phun lửa.

Liệu mầu sắc có dẫn ông tới thế giới mong đợi, nơi không còn Gauguin, người bạn tri kỷ đã phản bội ông.

"Ngày mai tôi sẽ trở về Paris..?" Gauguin hạ những chữ tàn nhẫn như lưỡi dao một đao phủ.

"Sao cậu hứa ở với mình đến hết mùa xuân. Mình van cậu, đừng đi. Cậu đi, mình ở đây với ai? Đừng đi, Gauguin... ở lại. Ở lại. Dù một tháng, dù một tuần... cậu không biết mình cô đơn thế nào? Mình cần cậu thế nào?"

Gauguin gạt tay bạn dứt khoát bước ra cửa.

"Thằng phản bội, tao sẽ giết mày."

Ánh nắng Provence lấp lóa trên lưỡi dao cạo dài. Van Gogh vừa chạy vừa thét. Gauguin từ từ quay lại, lừng lững dọa nạt như một pho tượng ăn thịt người trong những tà giáo phương Đông. Hai mắt hắn cháy đỏ như lửa địa ngục... Lạy Chúa! Nó trở thành ma quỷ rồi. Van Gogh đứng sững. Bóng Gauguin xa dần trên con đường chói nắng...

Gauguin! Quay trở lại ? Đừng đi, đừng đi... Trong một cơn tuyệt vọng, Van Gogh lấy dao cạo cắt luôn tai mình... Vẽ, vẽ đi chỉ ngừng lại một giây là những hình ảnh ma quái lại ùa về dồn dập dọa nạt. Van Gogh bóp mạnh những tuýp mầu chẩy tràn cả xuống đất... Vẽ... vẽ... Không thì điên, không thì chết. Chỉ mầu sắc may ra có thể cứu được Van Gogh giây phút hoạn nạn này.

Quệt màu da cam hơn hớn chạy trên toan vẽ, thách thức ánh nắng đang chứa chan vào xuân... Những bông hoa mào gà chói đỏ. Đâu như có lần một người bạn nào đó cho Van Gogh biết các nhà thơ Đường bên Trung Quốc từng gọi loại hoa này là mỹ nhân thảo... Óc tưởng tượng các nhà thơ Tầu thật tuyệt vời!

Những thân cây mào gà mảnh mai mới quyến rũ mới đàn bà làm sao? Ước gì Van Gogh được ngụp lặn trong đó, vĩnh viễn ở đó, không bao giờ trở về nữa.

Ông cầu xin mầu sắc dẫn đường. Liệu chúng có dẫn ông như một người bạn đồng hành trung thành tới một ga hẻo lánh của rực rỡ, của thơ nhỏ, nơi có một người yêu ông thật lòng. (Ôi, người đó cũng chẳng cần đẹp lắm). Người đó đừng phản bội ông như Gauguin, đừng xua đuổi ông như cô gái nước Anh kiêu kỳ...

Nhưng mầu sắc vẫn chưa đến... Van Gogh hành hạ những tuýp vẽ. Mầu ộc trên palét đỏ như vũng máu tươi. Ông đằm bút trong vũng mầu, quệt máu lên mặt toan. Ông hối hả, cuống quít, tưởng như không còn chủ động được nữa. Mầu sắc kéo tay ông vào cuộc mầu hoang dại cuồng nhiệt. Van Gogh chạy theo hổn hển muốn đứt hơi.

Cánh đồng hoa mỹ nhân hiện dần trên mặt toan day dứt kỳ lạ, tưởng chừng như Van Gogh không vẽ phong cảnh bên ngoài mà mải mê phong cảnh tâm hồn mình, những mầu sắc tự sự cả một tuổi hoa niên đã qua, chồng chất những vệt đời, những khao khát, những ấp ủ chết yểu. Những tầng mầu bồi lên nhau những tầng kỷ niệm.

Van Gogh bỗng nghe có tiếng hát. Cánh đồng vắng tuyệt không bóng người.

Thì ra những hòa sắc màu da cam, các manh, xanh cô ban ( cobalt) đang hát. Một bài hát xa vời và an lành như một bài thánh ca.

Van Gogh mỉm cười. Một cơn gió nhẹ thổi. Mặt ông bỗng thư giãn, bình yên lạ lùng. Cơn điên đã đi qua. Ave

Maria!

***

Van Gogh thanh thản bước vào tiệm cà phê quen. Một người cao lớn bỗng xô ra giang tay chặn cửa. Sao Gauguin lại ở đây? Sao đi đâu ông cũng không thoát nổi hắn?

- Ông đi ra ngay, không tôi gọi đội xếp.

Một giọng phụ nữ từ phía sau:

- Ô hay Jean! Sao con lại làm thế?

Một bà đứng tuổi trong quầy hàng chạy ra đon đả:

- Mời ông vào.

Thì ra đó không phải Gauguin là là Jean, con bà chủ tiệm cà phê, Célestine. Bà đẩy người con trai lực lưỡng và càu nhàu sang một bên lấy lối cho Van Gogh.

Đã hơn một năm nay từ ngày tới thị trấn Arles hầu như ngày nào Van Gogh cũng có mặt ở tiệm cà phê này.

Ông chọn một bàn vắng trong góc tối, nơi ông có thể buồn một mình, không sợ ai quấy rối. Chao ôi ! Buồn chỗ đông người dẫu sao cũng vui hơn buồn gác trọ hiu quạnh. Ông ngồi hàng giờ trước ly rượu ngải... Nghĩ đến cuộc đời bị hắt hủi. Ngay từ khi lọt lòng... Tên Vincent Van Gogh bố mẹ đặt cho là tên người anh bất hạnh vừa mở mắt nhìn ánh sáng đã vĩnh viễn nhắm lại vào cõi đêm bất tận... Nhiều buổi trưa Vincent quanh quẩn bên mộ anh, cúi đầu trên tấm bia chữ khắc đậm nét. "Ở đây yên nghỉ Vincent Van Gogh." Và bỗng tự hỏi "Vincent dưới mồ và Vincent bên mồ, ai là Vincent thật?"

Cỏ xanh lay động dưới cây trắc bá lá khẽ reo hát. Vincent sống bỗng thèm Vincent chết. "Ở dưới đó chắc bình yên."

* * *

Người ta thường chê Van Gogh hay lui tới đám gái chơi rẻ tiền, và buộc tội ông có những thích thú bệnh tật. Ngay Théo, người em ruột thương anh hết lòng cũng hơn một lần thắc mắc "Thiếu gì người mà anh cứ phải lui tới những nơi đó?"

Vincent cười một mình chua chát. Đúng, thiếu gì người... Nhưng vấn đề là người ta có thương mình không? Những Ursula, những Kett những cô gái dịu dàng con nhà tử tế đều khước từ một cách quyết hệt tình yêu chân thật của chàng trai rụt rè.

"Không... Không đời nào tôi thèm yêu anh!"

Chỉ có những cô gái chơi bất hạnh, xấu xí (Vincent cũng không dám mon men những cô gái chơi ít nhiều có nhan sắc) là không xua đuổi ông. Không ai hiểu rằng Vincent thèm yêu và thấp thỏm bị hắt hủi đến mức nào!

Người thiếu phụ đầu tiên chấp nhận tình yêu của ông là Clasina, một cô gái điếm mặt rỗ, cao lớn, tàn tạ. Nhưng vào lúc tàn canh chợt tỉnh trong bóng tranh tối tranh sáng thấy một thân thể đàn bà, dù người đó có đui què, nằm bên còn hơn là thức giấc cô đơn giữa cái trống lạnh mênh mông của chiếc nệm giường trắng như tấm vải liệm.

Ông bỗng nhớ cảng La Haye, một thành phố ẩm ướt, một vòm trời ám khói thấp tè trên những quán bia ồn ào. Đường phố ngổn ngang những thủy thủ say rượu vừa chệnh choạng đi vừa hát. Ôi! Cái tiếng hát người say nghe buồn đến đứt ruột. Và những bóng người dạng chân đứng đái gốc cột đèn vắng để giải thoát những vại bia nốc vô tội vạ và những khối sầu mãn tính. Xa xa là biển

và những hồi còi ú ớ thảm thiết với tiếng xích tàu sóng vỗ loảng xoảng một đoàn năm tháng khổ sai.

Nhưng đây cũng là nơi đầu tiên Van Gogh được yêu. Clasina là một gái điếm nghèo. Căn nhà nhỏ bé, trống trơn. Nàng có hai đứa con nhỏ. Lúc mẹ tiếp khách, đứa chị dắt đứa em ra bãi rác nhặt những chai bia, những đồ hộp, những con búp bê cụt đầu hay què chân xây dựng những thiên đường tưởng tượng dỗ em. Những hôm trời mưa, hai chị em tha thẩn chơi dưới bức tranh Đức Mẹ

Đồng Trinh ố bụi, bức tranh độc nhất trong ngôi nhà. Cạnh những tiếng chửi thề ầm ĩ. những âm thanh tục tĩu từ phía sau tấm rèm.

Clasina là một thiếu phụ kỳ lạ. Hình như người nào dám sống thành thật đều kỳ lạ. Cô uống rượu như một chiếc thùng không đáy... Hay nói theo kiểu cô: Uống rượu như một chiếc váy. Cô đã từng đọ cốc với những tay nhậu lì lợm nhất. Và hát những bài có thể đỏ tai các bà xơ. Đã có lần Van Gogh chứng kiến tận mắt cảnh Clasina trừng phạt một thủy thủ quỵt tiền. Tên thủy thủ cao lớn đã bị Clasina đấm ngã và lột trần, chỉ còn thiếu chiếc xi líp, lảo đảo chạy trên đường tuyết.

- Cái đồ đàn ông đ... quỵt lẽ ra phải thiến cho tiệt giống!

Cũng chính cái người thiếu phụ ghê gớm ấy...

Van Gogh vẫn còn nhớ... ông đang lang thang trên bờ biển bẩn thỉu, bơ vơ như một cái vỏ ốc luân lạc. Không biết nghĩ thế nào ông bước xuống biển lẳng lặng lội về phía ngọn hải đăng chói sáng như một vùng đất hẹn, một quyến rũ... Bỗng nghe có tiếng chân lội bì bõm phía sau và tiếng gọi thất thanh:

- Anh Vincent... Anh Vincent...

Van Gogh chưa kịp quay đầu lại thì đã thấy Clasina nắm chặt lấy tay:

- Anh điên à, đi đâu ra đây? ... Khổ... em tìm anh suốt, sao đến một tuần rồi anh không tới.

Van Gogh lắp bắp:

- Tôi không có tiền.

Ông bỗng thấy Clasina lùi lại, hai mắt trợn đỏ, tay nắm chặt như muốn đấm cho ông một quả . Van Gogh bất giác lấy tay che mặt. Chỉ thấy Clasina thở dài rồi lầm lì nắm tay ông xềnh xệch lôi đi như người mẹ lôi đứa con hư về nhà đánh đòn.

- Khổ, chân anh lạnh thế này thì đến ốm mất. Clasina quỳ xuống, hai tay ôm lấy chân ông ủ ấm, áp má vào đó, giọng bé bỏng như muốn khóc:

- Anh có biết em cần anh đến thế nào không?

Rồi nàng bế Van Gogh lên lòng. Người thanh niên rét lạnh như một hài đồng bị cai sữa quá sớm rúc đầu vào bộ ngực đồ sộ, nhàu nát của người gái chơi, ngủ lúc nào không biết...

Ru hời hỡi ru... Trong giấc ngủ đung đưa, hình như ông nghe thấy tiếng ru của mẹ.

Sau buổi đó Van Gogh vẽ chân dung Clasina trong bức ký họa được đời sau biết tới dưới tiêu đề "Sầu." Clasina đã ôm lấy bức tranh nức nở. Lần đầu tiên Van Gogh thấy nàng khóc xối xả như vậy. Và cứ để nước mắt ràn rụa. Clasina nghẹn ngào úp mặt vào tay Van Gogh.

"Sao anh lại biết em thời con gái?"

* * *

Nước mắt Van Gogh ứa ra lúc nào không biết, lặng lẽ rơi vào ly rượu ngải đắng. Van Gogh lén lút lau nước mắt, như một kẻ gian. Nhìn dòng nước mắt lăn trên gò má gầy người trẻ tuổi, bà chủ quán khẽ chép miệng. "Hẳn là con người này phải đau khổ lắm mới đến tiệm cà phê khóc một mình."

Từ ngày Van Gogh giết hụt Gauguin, cả cái thị trấn bé nhỏ này không còn dung được ông nữa. Một thằng điên như vậy không nhốt nó lại còn đợi đến bao giờ?" Và hai vợ chồng Jean, con trai bà cà phê đã hơn một lần định cấm cửa "thằng điên."

- Nó chỉ đem xúi quẩy vào nhà mình chứ béo bở gì? Lại còn uống chịu nữa!

Nhưng bà Célestine đã có một thái độ kiên quyết không ngờ:

- Ngày nào tôi còn làm chủ tiệm cà phê này thì không một người khách nào bước chân vào đây bị xua đuổi.

Nhìn mặt tường lâu ngày bẩn bụi, ám khói, bà lẩm bẩm:

- Nghe nói anh ta làm thợ vẽ, không biết có quét vôi được không?

*

Thị trấn ngày càng khó sống đối với Van Gogh. Ông nhận được nhiều thư đe dọa và đã mấy lần bị đám trẻ con ném đá. Nhà hội họa quyết định rời bỏ Arles.

Không một sợi dây tình cảm nào níu chân Van Gogh lại đây. Cô gái điếm Rachel, khi Van Gogh trân trọng đem đến tặng vành tai bê bết máu phong bao trong một mảnh giấy điều đã thét lên ù té chạy và từ ngày đó đã vĩnh viễn xa lánh ông.

À còn bà Célestine. Bà đã cư xử nhân đạo với ông, hơn nữa ông còn nợ tiền rượu của quán. Van Gogh không muốn bỏ đi như một thằng ăn quỵt. Nhưng trả nợ thì phải có tiền mà Van Gogh lần cả túi trong túi ngoài chỉ còn đúng có năm mươi xu. Ông đành đem bức tranh Cánh đồng hoa mào gà đến gán nợ.

Nhìn bức tranh sù sì gớm ghiếc. bà Célestine không muốn nhận nhưng bà không đành phật lòng người bất hạnh. Người đàn bà tốt bụng đưa cho Van Gogh mười quan và chúc ông lên đường may mắn.

Bức tranh của Van Gogh được treo ở một chỗ khuất che một khoảng tường lở vôi. Và bức tranh sẽ yên sống cuộc đời bụi bậm của nó nếu một bữa kia, một cơn gió chướng không bất thình lình thổi rơi chiếc đèn dìm cả tiệm cà phê trong bóng tối.

Bỗng một tiếng kêu thất thanh "Ma!..." khiến mọi người dựng đứng tóc gáy. Cũng may đều là cánh đàn ông cả. Khi chủ quán thay đèn và không khí đã trở lại yên ổn cùng với ánh sáng, mọi người xúm quanh ông chủ hàng xén, người đã kêu thấy ma. Mặt ông vẫn còn tái xanh. ông trỏ về phía bức tranh:

- Tôi thấy nó bay lập loè ở đây... Một con, hai con rồi hàng chục con nhẩy múa.

Ông rùng mình tợp một hơi rượu mạnh và yêu cầu thêm một ly nữa. Một khách đùa dai. "Hay bố mày say rượu, thần hồn nát thần tính." Một ngọn gió chướng lại nổi lên làm chiếc đèn chao đảo, chao đảo rồi phụt tắt. Lần này đến lượt ông khách đùa dai hét lên:

- Cứu tôi với, cứu tôi với! Ma! Ma!

Đèn lại được thắp sáng. Mọi người đến gần bức tranh. Trên mặt toan bám bụi, những chấm mầu sù sì lung linh đỏ dưới ngọn đèn bị gió thổi lắc lư nom càng ma quái.

Hôm sau người ta được tin Van Gogh nằm tại một nhà thương điên gần đó đã bắn vào ngực tự sát và qua đời đúng lúc trận gió chướng ùa vào quán cà phê.

*

Jean lúc này đã là chủ tiệm cà phê, bàn với vợ cho bức tranh ma quỷ kia vào lò đốt. Nhưng vợ Jean không nghe :

- Vải còn tốt lại được phủ một lớp sơn dày không thấm nước, để che chuồng gà cũng được, tội gì lại đem đốt.

Sau một hồi bàn bạc, hai vợ chồng thấy tiện nhất là đem cất tạm bức tranh vào phòng bà Célestine.

Vợ Jean nhún vai:

- Bà cụ cũng sắp ra ma rồi, nó có về rước đi cũng chẳng sao!

*

Sau khi Van Gogh bỏ thị trấn đi được mấy ngày thì bà Célestine bị một cơn tai biến não và nằm liệt giường đã hơn nửa năm.

Tuổi già là một gánh nặng. Lại còn nằm đấy thì đúng là một tội nợ cho con cháu, thử thách lòng kiên nhẫn và hiếu thảo của chúng. Giá như sau khi liệt độ một tháng mà bà vui lòng qua đời thì có thể là vợ chồng Jean cũng rỏ những giọt nước mắt thương mẹ một cách thành thật. Nhưng bà Célestine không biết điều. Bà sống quá hạn cho phép của lòng biết ơn. Liệt nhưng bà "có liệt ăn liệt đái ỉa đâu, ai mà dọn mãi được?"

Bà Célestine vô tình đã trở thành một đứa trẻ sơ sinh trong tay một mụ dì ghẻ ác nghiệt.

"Người ta còn bận tâm hàng trăm thứ ai có thì giờ đâu mà chăm sóc bà mãi được."

Không có gì ái ngại bằng cảnh một đứa con trai râu ria tắm cho một bà mẹ già. Nó lóng ngóng, nó vụng về, nó làm sao ấy. Có lẽ chính vì thế mà sau một hai lần cố gắng làm việc báo hiếu đó, Jean đã "quên" nó đi. Bà Célestine muốn chết. Nhưng chết nhiều khi cũng khó lắm, khó lắm.

Lấy lý do bà "ăn nhiều lại ỉa nhiều," vợ chồng Jean rút khẩu phần ăn của bà xuống một bữa. Mà một bữa cũng hạn chế. Bà tuy liệt và không nói được nhưng óc bà chưa liệt hẳn. Bà vẫn hiểu và chứng kiến một cách bất lực sự tàn tạ của mình. Mắt bà suốt ngày cầu khẩn van xin. Nhưng trong cuộc sống ồn ào này, quát tháo, nguyền rủa ầm ĩ hay vật nài đến mỏi miệng còn chẳng ăn ai, huống hồ là nói một cách thầm lặng bằng mắt.

Đêm lạnh và cô đơn. Gió xì xồ một ngoại ngữ quái dị. Chúa thì ở xa và có lẽ cũng cô đơn như bà. Hai người gần bà nhất là vợ chồng Jean thì sau khi hoàn thành bổn phận duy trì nòi giống đã ôm nhau ngủ say. Bà kêu ú ớ không thành tiếng.

Bà bỗng thấy những đốm lửa lập lòe từ bức tranh phía tường đối diện.

Có phải người họa sĩ điên đã nghe tiếng kêu cứu câm của bà. Cả một cánh đồng hoa mào gà rực lên dưới ánh nắng... không phải, có lẽ đó là ánh trăng thì đúng hơn. Bà mặc một chiếc váy mới chấm đỏ, tóc bà tết một con bướm đỏ. Bà vừa tung tăng vừa hát. Bà đang tràn trề dậy thì và biết mình đẹp. Tiếng sáo, tiếng trống rộn ràng. Đám con gái làng váy đỏ trong hoa đỏ. Điệu Phrăng Don

nhộn nhịp quá. Bà nhúc nhắc chân, cả người rạo rực, bà phải đi nhanh đến đồng hoa đỏ cho kịp. Người ấy đã hẹn bà.

Ôi! Cái chập môi đầu tiên. Hai người ôm lấy nhau, quấn lấy nhau giữa một đồng hoa lửa. Bà bỗng kêu thét lên. Cả trời hoa, cả đồng sao chao đảo bồng bềnh như sắp bước vào một ngày sáng thế. Bà rướn người, nhắm mắt lại trong một hạnh phúc tuyệt vời.

Hôm sau, khi nghe tiếng chồng gọi thất thanh trong phòng bà Célestine, vợ Jean te tái chạy tới. Hai người trố mắt nhìn bà cụ gục đầu vào bức tranh lìa đời, miệng còn chưa tắt một nụ cười.

Vợ chồng Jean run run:

- Làm thế nào bà cụ liệt còn bò được đến chỗ bức tranh.

Jean làm dấu chữ thập

- Đúng là bức tranh có ma.

HẬU TỪ

Bức tranh "Cánh đồng hoa mào gà" nghe đâu công ty Christie's bán đấu giá 12 triệu đô vào những năm 70.

Cùng tác giả:

HÈN ĐẠI NHÂN - Truyện ngắn Lê Đạt

Bài thơ trên ghế đá - Thơ Lê Đạt

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.