Nhà văn Lê Đạt và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Hà Nội 1994 - Ảnh Dương Minh Long
Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Lê Đạt (1929-2008) từng bị cấm viết ba mươi năm, từ 1958 đến năm 1988, năm ông được phục hồi tư cách hội viên Hội nhà văn Việt Nam, không lâu sau thời đất nước mở cửa và văn chương Việt Nam xuất hiện cơn bão do nhà văn Nguyến Huy Thiệp tạo ra với Tướng Về Hưu năm 1987.
Năm 2007, Nhà văn Lê Đạt được trao Giải thưởng Nhà nước với các tập thơ: Bóng chữ, Ngỏ lời và tập truyện ngắn Hèn đại nhân. Một năm sau ông mất.
HÈN ĐẠI NHÂN
Truyện ngắn của Lê Đạt.
Trình làng người dăm chữ ngụ cư
Chưa bao giờ Jăng thấy những biểu thức toán học thanh nhã và đẹp đến thế. Anh bóp mười đầu ngón tay tê cứng rồi lại mải miết viết. Những suy nghĩ như con nước đe dọa trào ra khỏi bình óc, nếu Jăng không giải phóng chúng trên giấy. Anh chợt nhìn đồng hồ. Kim chỉ hai mươi giờ mười lăm. Jăng giật mình. Anh đã quá hẹn với Mari mười lăm phút. Ôi, Mari em xinh đẹp thế… duyên dáng thế… Mà sao khó hiểu… sao rắc rối hơn những phương trình toán phức rất nhiều. Đang vui vẻ đang dịu dàng… bỗng em cau mặt… thế là dông tố nổi lên ầm ầm, có khi đến cấp mười hai, mười ba. Và rồi giữa cơn cuồng nộ em bỗng ôm hôn anh… mắt thăm thẳm… bình yên tuyệt vời. Có phải đó là điểm mà các nhà khí tượng gọi là mắt bão? Đang hát, đang nhí nhảnh như một con chim ức đỏ, mặt em bỗng lạnh tanh dưới không độ… và anh buồn như con hải mã mồ côi.
Toán học… sao toán học lại giống cái [1]? Có phải mọi nỗi niềm say mê đều giống cái? Liệu tâm hồn một người có đủ kích thước để chứa đựng hai niềm say mê đồng thời không? Toán học và Mari. Nhiều lần Jăng như linh cảm thấy một đổ vỡ sắp tới. Anh rùng mình. Nhưng bây giờ thì không phải lúc nghĩ tới việc đó nữa rồi. Anh khoác vội chiếc áo ngoài, tóc bù xù vừa đi vừa chải bằng lược năm ngón. Anh định gọi một chiếc xe tốc mã, nhưng khi cho tay đếm tiền trong túi lại thôi. Một con toán nhẩm cấp một cũng dễ dàng cho thấy kết quả là anh chỉ đủ tiền thết Mari một chầu cà phê bánh ngọt, dư một ít bạc vụn phòng ngừa rủi ro. Nhỡ Mari hứng lên, ăn thêm một chiếc bánh. Nhỡ một trong hai người đánh vỡ một chiếc tách. Những bất hạnh lặt vặt thường xảy ra trong đời nhưng là đại họa với đồng lương ít ỏi của một giáo viên trẻ.
Những bước chân hối hả của Jăng trên hè đường như chậm chạp một cách bất động. Anh vắt chân lên cổ chạy, nhiều lúc muốn đứt hơi trên hè đường tuyết tan nhầy nhụa bùn.
Nhưng cuối cùng thì cũng tới Roma. Tiệm cà phê Capitolơ đã hiện ra trước mắt rực rỡ. Jăng bước vào. Tấm gương lớn cho thấy hình ảnh một người trẻ tuổi đầu tóc rũ rượi, áo quần nhàu nát, lấm bùn, bệ rạc như một tên ma cà bông. Chỉ có đôi kính long lanh là còn giữ được một phần nào tư thế cho bộ mặt có vầng trán thênh thang như phòng đọc một thư viện quốc gia. Và kề bên là hình ảnh Mari hồng hào, ngon như một chiếc kẹo nuga. Jăng nuốt nước bọt. Nhưng nước bọt tắc nghẽn ở cổ họng. Bên cạnh Mari là một viên sĩ quan cỡ trung hay đại úy, quần áo phẳng phiu, khuy cúc, lon sao mạ bóng loáng, mặt mày nhẵn nhụi như vừa ở tiệm hớt tóc ra, với bộ ria đế chế oai hùng màu hung hung đỏ hai đầu xoăn tít như dây mayso. Bao nhiêu giấc mơ thiếu nữ đã thiêu rụi ở đó như những cánh bướm ngũ sắc. Và con số những tình tích chắc chắn còn nhiều hơn những chiến tích trong cuộc đời binh nghiệp của viên sĩ quan trẻ tuổi thời bình kia. Jăng tin là Mari đã nhìn thấy mình. Nhưng nét mặt cô thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
Jăng bây giờ mới thấm mệt. Anh muốn ngồi bệt xuống sàn. Cố gắng lắm anh mới lê lết… tới… được một bàn trống. Khoảng cách vô tận… như khoảng cách Zênông [2]. Anh uống một lúc hai ly đen. Đôi ria mép viên sĩ quan nhảy múa trong một điệu mơnuyê trịnh trọng. Cà phê đắng như có vị thạch tín. Và rực rỡ giữa vùng cà phê đen là chiếc nơ đỏ trên đầu Mari bay… lượn… bay lượn. Với tiếng cười rúc rích. Tan-ta-ran-tan-tan.
– Vous avez une très belle moustache [3].
Jăng bỗng thấy dâng lên cơn thịnh nộ không sao kìm hãm nổi. Cơn thịnh nộ làm anh choáng váng. Anh lảo đảo đi về phía Mari mặt bừng bừng.
– Mari! Tôi không muốn…
Mari quay về phía anh, mặt lạnh tanh:
– Ông muốn gì?…
Quá lắm, quá lắm! Cơn giận trong người Jăng sôi lên vượt ngưỡng báo động, đe dọa nổ tung cái vỏ não mỏng mảnh, nếu không mở một xúpáp an toàn. Người trẻ tuổi bật nói, không cưỡng lại được:
– Pute (3)…
Viên sĩ quan đứng dậy đẩy Jăng ra.
– Ngài có hành vi thiếu lễ độ với phụ nữ.
Jăng túm lấy ngực áo hắn.
– Cả mày nữa, mày cũng là một tên vô lại.
Viên sĩ quan đẩy mạnh một cái làm Jăng ngã chổng kềnh, chiếc kính rơi xuống đất. Hắn lấy ngón tay búng ngực áo rồi vuốt nhẹ cho phẳng phiu, giọng vẫn ung dung:
– Tay ngài hơi thiếu vệ sinh
Và hắn nghiêng đầu trước Mari nói:
– Xin lỗi tôi đã không làm tròn bổn phận kẻ vệ sĩ của người đẹp.
Jăng sờ soạng nhặt kính. Như trong một giấc mơ, anh chập chờn đến trước mặt viên sĩ quan:
– Thằng khốn nạn, mày có dám quyết đấu với tao không?
Viên sĩ quan cười lớn:
– Nhưng ngài có biết nạp đạn vào súng không?
Câu nói như một viên đá quẳng xuống mặt hồ làm tóe những sóng cười.
Mari đứng dậy nắm tay viên sĩ quan:
– Ta đi thôi.
Jăng hét to:
– Mày chưa đi được trước khi nhận lời quyết đấu với tao!
Viên sĩ quan lịch sự cúi đầu:
– Tôi sẵn sàng phục vụ ngài.
Một cuộc quyết đấu được thỏa thuận trong vòng hai mươi ngày tại phía bắc rừng Boulognơ.
Hai mươi ngày… Hai mươi ngày… Liệu kỳ hạn ác nghiệt này có đủ cho Jăng hoàn thành công trình không? Giờ đây thì cả Mari cả viên sĩ quan mạ kền, cả trận quyết đấu kia cũng đã lui vào hậu trường, trước mắt chỉ có những phương trình mọc lên tua tủa như rừng. Rồi chúng sẽ dẫn dắt Jăng đi đến đâu? Đó là một ẩn số. Một người nghiên cứu đích thực cũng như một nghệ sĩ, hình như ít thấy trước được điểm chấm hết của công trình đang tiến hành. Con đường xuất hiện đồng thời với bước chân lấn cõi chưa biết. Đó là một cuộc Gullivơ du ký đầy bất ngờ của trí tuệ, và thường khi mình định tâm tìm một vương quốc Ấn Độ huyền ảo… thần may rủi mù lòa lại đưa đến một Tân thế giới. Jăng viết rất nhiều, xóa cũng rất nhiều. Anh có cảm giác mình sắp phát hiện ra một điều gì cực kỳ mới lạ. Ai biết được mặt mũi cái mới lạ ra sao. Jăng chỉ linh cảm thấy mình không còn dừng lại ở những định thức toán rời rạc riêng lẻ địa phương mà đang xây dựng một cấu trúc toán đồ sộ lợi hại, nó mở rộng một lục địa toán mênh mông. Jăng làm việc ngày, làm việc đêm, mặt hốc hác, râu mọc tua tủa, hai gò má nhô cao, đôi con ngươi cháy long lanh như một kẻ bị ma ám trong hốc mắt ngày một hõm sâu. Một hôm bất thần soi mặt vào gương Jăng bỗng giật mình thấy mặt một Đấng cứu thế của Van Dyck mà anh đã được gặp tại Viện bảo tàng Louvrơ cách đó vài tháng. Mới có nửa năm, nửa năm mà xa lắc xa lơ. Hình như anh đang sống một hệ thời gian khác.
Pie, người làm chứng trong cuộc quyết đấu, hơn một lần đến vật nài anh nghỉ ít bữa để tập bắn.
– Cậu không nên coi đây là chuyện đùa. Cái viên sĩ quan nộm kia hẳn là đánh giặc rất tồi, nhưng bắn tập thì rất khá, vì bắn cũng là một trò chưng diện chim gái của hắn.
– Viên sĩ quan nào?
Phải một lúc lâu, Jăng mới nhớ được là mình đã hẹn quyết đấu với một người.
Nhưng những cái đó đối với Jăng bây giờ là vô nghĩa, cả cái sống, cái chết của anh cũng vậy. Anh chỉ nhớ rằng hai mươi hôm nữa anh sẽ có thể vĩnh viễn ra đi và thời gian này anh phải dành ra để hoàn thành một công trình còn quý hơn tính mạng.
Những lời vật nài, kể cả nguyền rủa của bạn như đều thuộc một thế giới ảo.
Cuộc chạy thi với thời gian thật vất vả, nhiều phần Jăng đành viết tóm tắt mà không kịp phát triển. Hậu thế hãy tha thứ cho người vận động viên nước rút oan nghiệt này.
Anh vừa gấp tập bản thảo lại cũng là lúc Pie đến gọi anh đi quyết đấu. Anh lặng lẽ bỏ súng vào túi đi theo Pie lên xe như một kẻ mộng du.
Tiếng vó ngựa gõ xuống mặt đường đều đều. Bỗng Jăng ra hiệu ngừng xe. Anh nói với Pie:
– Mình phải quay về cậu ạ.
– Sao cậu sợ?
– Sợ gì?
Pie bực mình:
– Sợ chết chứ còn sợ gì? Mình không ngờ cậu lại hèn thế!
Jăng cũng chẳng để ý đến lời xúc phạm của bạn:
– Mình vừa chợt nghĩ ra một cách phát triển thanh nhã và đẹp hơn nhiều. Tớ phải về. Thế nào tớ cũng phải về.
Pie cản lại:
– Cậu có thể hèn, nhưng tớ không thể hèn được. Ta cứ đến nơi hẹn. Nếu cậu sợ, tớ sẽ thay cậu…
– Đã bảo mình không sợ mà.
Phép lôgic nào có thể giúp cho anh chứng minh được rằng mình không sợ? Jăng đành thụ động theo bánh xe ngựa số mệnh.
Khi hai người tới điểm hẹn, viên sĩ quan đã đứng đó cùng với Mari. Tiếng cười của Mari như một gáo nước lạnh làm cho Jăng bừng tỉnh. Anh thấy mình không thể hủy cuộc quyết đấu được. Hai người đứng vào vị trí đã định. Trước khi hiệu lệnh bắt đầu, Jăng bỗng cho súng vào túi. Anh lặng lẽ tiến đến trước viên sĩ quan, giọng hết sức điềm tĩnh. Anh cảm thấy như mình là một người khác.
– Thưa ông, tôi có một việc tối hệ trọng cần phải hoàn thành, xin ông cho hủy cuộc đấu.
Viên sĩ quan vê ria mép, hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn cố giữ vẻ lịch sự rất thế kỷ mười bảy đọc trong sách của Duyma.
– Tôi sẵn sàng hủy bỏ cuộc quyết đấu với điều kiện ngài phải xin lỗi cô nương đây.
Như một cái máy, Jăng đến trước mặt Mari cúi đầu:
– Tôi thành thực xin lỗi cô nương.
Mari lẩm bẩm:
– Lâche! [4]
Và cô nhón đầu ngón chân quay hai góc vuông, khoác tay viên sĩ quan bỏ đi, vứt lại một chuỗi cười.
Những biến động lớn của cảnh ngộ đã làm cho tâm thần Jăng tê dại. Anh gần như sống trong một trạng thái cơ học. Viên sĩ quan có thể bắt Jăng quỳ xuống. Jăng cũng quỳ không chút do dự – Nhưng tiếng cười ma quỷ kia, nó như một chiếc vít vô tận khoan sâu đến tận đáy vô thức, một tia xung điện đánh vào chiếc hộp sọ đã quá tải. Jăng lấy hai tay bịt tai, và ngã lăn bất tỉnh.
***
Toán học đã cứu anh. Những phương trình toán tuyệt đẹp hình như đã nâng anh lên một thượng tầng không khí, nơi những ỉ eo của cuộc đời không tới được. Ôi khoảng không toán học bao la nơi những con số kỳ ngộ tạo nên những phương trình tuyệt vời như nàng công chúa trong rừng cổ tích.
***
Jăng có một thầy dạy toán lừng lẫy tên là Rơnê, mớ tóc bạc trắng như bọt biển lăn tăn với chiếc mũi sư tử, tạo cho ông một dáng suy tư tự nhiên, kể cả khi ông không nghĩ gì cả. Nó đã góp một phần không nhỏ vào uy tín của bậc trí giả.
Công trình Jăng gửi xin ý kiến, mấy trang đầu làm ông khó chịu vì những khái niệm kỳ quặc mấp mé sự điên rồ, nhưng càng đọc ông càng say mê. Nhiều chỗ ông không hiểu, nhưng cái khứu giác lâu năm trong nghề khiến ông đánh hơi thấy hình như mình đang đứng trước những phát hiện hết sức lớn lao.
Một người điềm tĩnh như ông mà đêm đó cũng phải dùng đến ba viên gacdinan mà vẫn trằn trọc.
Như người ta nói, đêm là một cố vấn tốt. Hôm sau, ông cho gọi Jăng đến. Giọng ông chậm rãi cân nhắc:
– Tôi đã xem công trình của anh. Có một số ý kiến độc đáo… Nhưng chưa được vững vàng, cần phải hoàn chỉnh thêm.
Rồi ông im lặng. Vầng trán đồ sộ nhíu lại. Mấy lần ông định nói, nhưng lại im. Cuối cùng rồi ông cũng nói:
– Tôi sợ một công trình như thế này công bố dưới tên anh sẽ gây phản ứng tiêu cực trong giới toán học, không có lợi cho tác giả. Vì anh còn non trẻ quá…
Ông lấy khăn lau mồ hôi trán:
– Nếu anh bằng lòng… tôi sẽ chỉnh lý, nâng cao và cùng đứng tên với anh…
Nét mặt cũng như cách nói của ông có vẻ đầy thiện ý. Nhưng Jăng đang ở trong một thời kỳ khủng hoảng lớn về tinh thần. Anh đùng đùng đứng dậy vơ lấy tập bản thảo và lắp bắp:
– Tôi không phải là một thằng ăn cắp!
Và bỏ đi như một sự khinh bỉ.
Jăng không hiểu rằng anh đã dấn thân vào một trận quyết đấu mới với một địch thủ còn thập phần nguy hiểm hơn viên sĩ quan bợm gái.
Một nguồn tin không biết ở đâu nhanh chóng được phát đi về hành động đáng xấu hổ của “thằng hèn đến giờ đọ súng bỗng thun vòi lại”. Người ta còn bổ sung rất nhiều chi tiết hấp dẫn, nào là Jăng “quẫn ra bình” [5] nào là Jăng quỳ mọp xuống đất hôn mũi giày địch thủ để xin tha mạng, vân vân…
Tin đó chỉ một vài ngày đã lan khắp giới khoa học, như một phản ứng dây chuyền. Người ta xì xào. Có lẽ nhục quá nó hóa điên. Chẳng điên mà đi chửi lại thầy khi ông thân ái góp ý đối với những trò rồ dại của hắn về một “tân toán ngữ”. Đúng là một thằng khốn kiếp. Cũng may, thầy Rơnê là người độ lượng. Jăng như con cá mắc trong tấm lưới, càng quẫy càng tróc vẩy, chảy máu, càng bị thít chặt…
Và anh bắt đầu nếm thứ hình phạt kinh khủng nhất trần gian: sự ruồng bỏ của đồng loại.
Các bạn anh gặp ngoài đường đều quay đi, đổi vỉa hè, hoặc chăm chú gí mũi vào tủ kính một tiệm tạp phẩm.
Trong những bản năng của loài người, day dứt nhất là bản năng bầy đàn. Cho nên trong các quần thể từ thời nguyên thủy, hình phạt nặng nhất sau án tử hình là sự tống khứ ra khỏi cộng đồng, được gọi bằng những định danh khác nhau như rút phép thông công, khai trừ, lưu đày…
Một người không thể sống suốt ngày với những con số. Người ta thèm hơi ấm của sự chia sẻ, thậm chí từ bất cứ một loại sinh vật nào.
Jăng cô đơn đến mức không có cả một con chó làm bạn vào những lúc tàn canh. Cây thánh giá lạnh.
Cho đến một hôm người hàng xóm nghe thấy một tiếng nổ. Khi cảnh sát đạp cửa vào thì đã thấy Jăng ngã gục trong vũng máu, quả tim rách bươm còn khét mùi thuốc súng. Jăng đã chết vì chính khẩu súng anh chuẩn bị cho trận quyết đấu không diễn ra.
Vì anh tứ cố vô thân, ông Rơnê đứng lên lo liệu mọi việc ma chay cho tên học trò bội bạc. Tất cả sách vở, bản thảo của Jăng được nhà chức trách trao lại cho ông thầy tốt bụng.
Sau khi chôn cất tươm tất cho người trẻ tuổi, Rơnê lên xe phóng vội về nhà.
Ông chốt cửa phòng làm việc lại. Di cảo của kẻ bất hạnh được lục lọi, xem xét với mức soi mói của sở mật thám, nhưng bản thảo cần tìm không biết bằng cách nào đã tẩu thoát!
***
Habent sua fata libelli.
Sách vở cũng số phận.
Lần nào đọc câu thơ trên của Terentianus Maurus tôi cũng rùng mình. Tác giả của nó là một nhà thơ mắn đẻ. Ông đã viết rất nhiều tác phẩm nổi tiếng một thời và chắc chắn tên tuổi ông từ lâu đã bị quẳng vào bãi phế thải mênh mông của lịch sử nếu không có câu thơ quái ác kia, nó như một chiếc đĩa bay chở ông qua hữu hạn đến những vùng biên ngoại vô tận của thi ca nhân loại.
Tôi xin lấy nó làm kết từ cho truyện ngắn này.
Một hôm nhà bác học Do Thái Anbe Anhxtanh tình cờ đi dạo trên ke Malake, nghĩa trang sách quen thuộc của đủ loại tình nhân thư tịch không riêng Pari mà cả thế giới. Hồi này, nhà vật lý đang bận tâm vì những con toán hóc búa cho lý thuyết trường thống nhất. Tại một quầy sách bụi bặm, ông bỗng chú ý tới một bản thảo vì bút danh kỳ cục của tác giả ghi trên mặt bìa đã ố vàng: Le Lâche [6].
Tiêu đề của bản thảo cũng không kém phần trêu ngươi: Bàn về toán hóa vũ trụ. Giá sách lại quá rẻ: chưa bằng một kilô bánh mì.
Ngay từ mấy trang đầu, bản thảo đã khiến Anhxtanh ngạc nhiên. Một người như ông kể cũng không dễ ngạc nhiên! Và càng đọc, nhà vật lý như càng bị thu hút bởi lực từ trường của những “sự thật quá thật đến mức người ta tưởng là điên rồ”. Trong bản thảo viết vội ông thấy nhiều vỉa đề xuất có trữ lượng lớn, đủ để các nhà khoa học khai thác trong nhiều năm.
Tuy không biết rõ tiểu sử tác giả, nhưng với trực giác của một nghệ sĩ nòi Anhxtanh linh cảm một nỗi khổ nạn bao la phía sau định danh Le Lâche.
Không đành lòng với biệt danh Thằng Hèn khi cho công bố công trình kiệt xuất trên, cũng không tìm được tên cúng cơm của tác giả, vị cha đẻ của thuyết tương đối nghĩ được một cách giải quyết khá đẹp. Chính tay ông nắn nót viết lên bìa bằng chữ hoa:
LÂCHE LE GRAND
HÈN ĐẠI NHÂN
Lê Đạt
Chú thích:
[1] Toán học, trong Pháp ngữ, là từ giống cái.
[2] Triết gia Hy Lạp phủ nhận tính chuyển động.
[3] Anh có một bộ ria tuyệt vời.
(3) Con điếm
[4] Đồ hèn
[5] Lược dịch lời nói có kèm điệu bộ: “Il fait dans le pantalon”.
[6] Thằng khốn.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com