Theo báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác xuất bản diễn ra chiều 8/8 ở Hà Nội, ngành đã in 14.968 đầu sách với hơn 176 triệu bản. Trong số đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt đạt 13.380 cuốn với hơn 163 triệu bản (giảm 30,5% về cuốn và giảm 53,9% về số bản sách). Xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.111 bản (giảm 2,8%). Xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 477 xuất bản phẩm với hơn 12 triệu bản (giảm 24,9% về số đầu và tăng 115% về bản).
Theo Cục trưởng Xuất bản Nguyễn Nguyên, số lượng đầu sách các loại giảm do khó khăn sau dịch và một số nguyên nhân như giá giấy, mực in tăng, ảnh hưởng đến ngành.
Về nội dung, các xuất bản phẩm chủ yếu thuộc các lĩnh vực như sách kinh tế - xã hội, sách văn hóa - văn học, sách chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, sách giáo dục - dạy nghề, sách khoa học - công nghệ, sách hướng nghiệp, sách thiếu nhi.
Sách về chủ đề lịch sử, văn hóa, xã hội được các nhà xuất bản quan tâm, đầu tư, nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, thành tựu phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Một số cuốn tiêu biểu thuộc lĩnh vực này là: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển; Người thầy.
Ngoài hoạt động in ấn, các nhà xuất bản đã chủ động phối hợp với lãnh đạo địa phương, tổ chức thành công Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai trên toàn quốc, giúp lan tỏa thói quen đọc sách trong cộng đồng.
Các đại biểu tại hội nghị cũng phân tích, làm rõ một số tồn tại của ngành. Cơ quan quản lý vẫn phải xử lý 10 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung với các hình thức, yêu cầu sửa chữa lỗi sai ba xuất bản phẩm, thẩm định nội dung bảy xuất bản phẩm. Ngoài ra, một số sách có nội dung chính trị, tư tưởng không phù hợp, vi phạm qui định về thuần phong, mỹ tục, vi phạm bản quyền, nội dung chưa được kiểm chứng vẫn xuất hiện. Bên cạnh đó, một số nhà xuất bản chưa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ ngũ lãnh đạo, biên tập viên.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết một số nhiệm vụ của ngành xuất bản trong sáu tháng cuối năm. Đầu tiên, đó là tập trung xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và các ngày lễ lớn của đất nước. Ngoài ra, ngành phải đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa hoạt động để phù hợp trong bối cảnh thời 4.0.
Các nhà xuất bản cần chú trọng việc hợp tác quốc tế, giao dịch bản quyền và xuất khẩu nội dung sách thông qua các nền tảng đa phương tiện. Cuối cùng, đó là tiếp tục quán triệt triển khai quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản; đồng thời tập trung đánh giá, tổng kết thực tiễn, đề xuất các giải pháp đối với xuất bản phẩm thuộc đề án, dự án của Đảng, Nhà nước.