chan_dung-ke_si.

XIN ĐỪNG GÕ CỬA - Truyện ngắn Xuân Thiều

17-10-2023

Lượt xem 2352

Đánh giá 2 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Xuân Thiều

XIN ĐỪNG GÕ CỬA - Truyện ngắn Xuân Thiều

Nhà văn Xuân Thiều (1930-2007)

     Thực ra, Hảo không điên như lũ trẻ mất dạy ở khu gia đình tập thể K.42 thường trêu. Gặp anh, chúng xì xào "Trung tá điên, Hảo điên". Có đứa còn giả vờ cúi đầu chào anh kính cẩn: "cháu chào chú Hiển". Và cả bọn cười phá ra cười. Ðấy là cách nói lái, Hảo điên thành Hiển đao. Cả khu K42 đều biết, trung tá Hảo không hiểu vì lý do gì, mà về hưu lúc mới 43 tuổi. Từ một sĩ quan nhanh nhẹn hoạt bát và vui tính, anh bỗng hóa như người mất hồn, im lặng, nhẫn nhục. Thường chỉ tủm tỉm cười. Gặp ai tủm tỉm đã đành, ngồi một mình cũng vậy. Chị Phúc, vợ anh hốt hoảng chạy thầy chạy thuốc hết đông, tây y lại sang cả bệnh viện tâm thần ở Trâu Qùy. Người ta đều bảo, anh bị một cú sốc gì đó về tâm lý, lên tổn thương thần kinh, một dạng tâm thần phân liệt. Ðến một lúc nào đấy, sẽ khỏi thôi. Ðến lúc nào đấy là bao giờ hở trời, chị Phúc than vãn. Một cú sốc về tâm lý, chị cũng linh cảm vậy, nhưng không biết ngọn nguồn. Anh Hảo không hay đem chuyện ở đơn vị tâm sự với vợ con. Chỉ biết trước lúc về hưu một thời gian, anh có đổi tính đổi nết, hay cáu gắt vớ vẩn. Cáu gắt đấy rồi lại bần thần đấy. Cứ ngồi ngẩn mặt ra, nhìn chăm chăm vào một điểm mơ hồ nào đó ngoài cửa sổ. Ngoài ấy chỉ có mấy cây đu đủ. Sau nữa là bức tường nhem nhuốc của dãy nhà khách. Chẳng có gì đáng để chiêm ngưỡng. Vào thời kỳ đó, anh có chứng giật mình. Ai gọi giật giọng, anh giật mình, mặt cứ tái ngoét. Ðặc biệt, anh sợ tiếng gõ cửa. Ðang đêm, nghe tiếng cộc cộc  gõ cửa, anh tung chăn choàng dậy, thở hổn hển, không lên tiếng đã đành, còn có vẻ sợ sệt, thu nhỏ mình lại sau tấm màn gió. Chị Phúc đã treo một tấm biển phía ngoài: "Xin đừng gõ cửa, cứ gọi tên người nhà". Hàng xóm đã quen, ai đến có việc gì cũng chỉ gọi khẽ. Chỉ mấy người khách xa, vô tình mới làm cho anh Hảo hốt hoảng. Sau mỗi lúc giật mình hốt hoảng, anh trằn trọc, không ngủ được. Về hưu, bệnh giật mình của anh càng nặng, trở thành ngớ ngẩn lúc nào không biết. Chị Phúc đã tìm đến bộ tư lệnh quân chủng, nơi anh làm việc. Phòng cán bộ tiếp chị lịch sự, tử tế, nhưng chị không moi được điều chị cần biết. Họ bảo, về hưu là do nguyện vọng của anh, lá đơn có chữ ký của anh sờ sờ trước mắt chị. Chẳng ai ép anh về hưu. Cũng chẳng làm gì có chuyện cú sốc về tinh thần. Cán bộ trong phòng quân lực, nơi anh làm việc, đều nói anh sống hòa thuận với đồng sự, chẳng bao giờ xích mích. Cán bộ đơn vị rủ nhau tới thăm anh, cho quà, khuyên chị đưa anh vào viện. Chị chỉ còn một cách thắp hương lên bàn thờ khấn vái tổ tiên phù hộ cho chóng đến cái lúc nào đấy. Chị Phúc buồn. Nói đáng tội, anh Hảo tuy bị tâm thần nhưng hiền khô, không đập phá, không đi lang thang, không quát nạt vợ con, không cà khịa với ai, kể cả với đám trẻ con hư đốn thường chạy theo anh trêu chọc. Chỉ cười tủm tỉm. Nhiều khi thấy anh cười cười như vậy, cũng đâm sợ. Anh vẫn lao động bình thường, chăm luống rau, nấu cám lợn, quét nhà quét sân, giặt giũ quần áo, đọc sách. Chỉ có điều là hầu như trí nhớ của anh lặn đi đâu, bà dì ruột anh đến thăm, anh lơ láo, cụ hỏi ai, khiến bà dì đứng khóc tu tu.Vẫn đọc sách đấy, nhưng không nhớ. Ðọc Tam Quốc đến tập 5 rồi quay lại đọc tập 3. Quá khứ đối với anh là một cõi u minh, suốt mấy năm, chẳng lúc nào anh nhớ được một chút kỷ niệm. Nói cho đúng hơn, anh nhớ được trong thời gian rất ngắn, từ sáng đến chiều chẳng hạn. Những việc mới xảy ra hôm qua, anh quên biến hoặc nhớ, cũng nhớ láng máng y như người bình thường nhớ một chuyện xa xưa lắm. Một hôm chị Phúc trước lúc đi làm, dặn anh bảo thằng Hiếu đi chợ mua su hào. Thằng Hiếu đi học về, vất cặp ra giường, anh ấn tiền vào tay nó, nhưng không thể nào nhớ ra tên củ su hào. Anh lấy que vẽ ra đất một cái hình bầu dục có mấy sợi dâu.Thằng bé lên mười một tuổi gật gật đầu ra vẻ hiểu ý, chạy ra chợ mua về một túm hành. Lại có hôm, cô hàng xóm gửi thằng bé một tuổi nhờ anh trông hộ. Thằng bé đang ngủ chợt tỉnh dậy khóc. Chị Phúc bảo anh bế nó dậy, xi đái. Thằng bé cứ ưỡn lên khóc không chịu đái, nhưng đũng quần anh lại ướt lũng nhũng. Chị Phúc đành lắc đầu, thở dài, đại loại thế. Nhìn vào mắt anh, dễ nhận ra vẻ ngớ ngẩn, lạc hồn lạc vía đi đâu.

     Một buổi chiều, vào lúc tan tầm, một chiếc commăngca mang biển đỏ đỗ xịch trước nhà chị Phúc. Dân khu tập thể thường có nết tò mò, trẻ con xúm đen xúm đỏ, người lớn ngấp nghé lảng vảng. Không ai để ý đến thiếu tá Cần phó phòng bảo vệ của quân chủng anh làm việc trước kia, người ta tròn mắt ra nhìn một thiếu phụ xinh đẹp, quần áo sang trọng môi son má phấn, nước hoa ngoại thơm lừng, tay xách ví đầm, chân đi giầy cao gót. Thiếu tá Cần giới thiệu với chị Phúc, từ ngoài cửa. Rằng chị khách là Việt kiều ở Canada về tìm đến đơn vị xin gặp anh Hảo, anh Phan Nhân Hảo. Ðơn vị đã nói rõ với chị về hoàn cảnh của anh, song chị thiết tha đòi được gặp. Cần đã xin xe đơn vị đưa chị về đến tận nhà. Thiếu phụ Việt kiều nghiêng đầu lễ phép chào chị Phúc, làm chị bối rối. Càng bối rối hơn là khi khách vào nhà, nhà cửa tuềnh toàng, bộ xa lông bằng gỗ nan cũ kỹ làm nơi tiếp khách ấm chén còn cáu bẩn. Anh Hảo buông cuốn "Hồng Lâu Mộng" ra, vừa lúc Cần đi tới vui vẻ chào "thủ trưởng". Không biết, Hảo có nhận ra người cùng đơn vị cũ không, vẫn bắt tay, bàn tay lỏng lẻo. Thiếu phụ không ngồi, đứng trân trân nhìn anh Hảo từ đầu tới chân, nét mặt xúc động. Bỏ cặp kính râm ra, thiếu phụ thốt lên.

     - Anh Hảo đấy ư? Anh có còn nhận ra em nữa không?

     Ðôi mắt chớp chớp, dường như Hảo cố nhớ, nhưng làm sao có thể nhớ ra, khi đầu óc còn chìm đắm trong cõi u muội. Anh lắc đầu.

     - Em là Hường đây! Huỳnh Thị Mỹ Hường ở Khang Xuyên!

     Giá là người tỉnh táo, khi thiếu phụ nhắc lại như thế, ắt phải reo lên. Mà anh vẫn nhìn bằng cặp mắt vô hình. Lại lắc đầu.

     Bỗng dưng thiếu phụ chạy đến nắm tay anh rân rấn nước mắt:

     - Trời ơi! Sao anh đến nông nỗi này? Anh là ân nhân của em, đã cứu sống em, cho em được làm người, mà anh thì thân tàn ma dại. Sau giải phóng, biết anh còn sống, em đã về Huế tìm anh. Ðến Mang Cá, người ta bảo anh chuyển ra Bắc rồi. Miền Bắc rộng lớn thế, biết tìm anh ở đâu. Cuối năm 1978, có người bảo lãnh, vợ chồng em mới sang cư trú ở Canada. Sang nơi đất khách quê người, em vẫn giữ một lời nguyền, nhất định phải gặp được anh, để tạ ơn tái sinh. Bây giờ, gặp được anh rồi, em mừng khôn xiết. Dẫu anh bệnh tật, dẫu anh không còn nhớ ra em, cũng xin anh nhận cho em mấy lạy đền ơn. Người thiếu phụ chợt quỳ sụp xuống nền xi măng trước mặt anh, vừa lạy vừa khóc nấc lên, khiến mọi người bàng hoàng. Một không khí im lặng thiêng liêng bao trùm lên gian nhà. Không ai hiểu gì cả, mà cảm thấy có một nỗi niềm sâu nặng trong trái tim người khách lạ. Những khuôn mặt tò mò ngoài chấn song cửa cũng trở lên nghiêm trang. Chị Phúc cầm cái ấm định đi pha trà, mà đứng chôn chân tại chỗ, tay run run, rơm rớm nước mắt. Còn cái Hằng, con gái lớn của chị đang học lớp 11 thút thít thành tiếng. Chị Phúc chạy tới đỡ thiếu phụ:

     - Em xin chị! Em xin chị! Mời chị ngồi ...

     Anh Hảo từ nãy giờ vẫn đứng, đôi mắt anh chợt sáng hẳn lên, dường như cái màn sương mù u ám trong đầu anh đang dạt trôi, anh đang cố gắng phục hồi lại trí nhớ.

     Khi đã ngồi đối diện với thiếu phụ, anh Hảo nở một nụ cười.

     - Sao cô Hường biết được địa chỉ đơn vị cũ của tôi mà tìm đến?

     Thiếu phụ đang lau nước mắt, mừng quýnh:

     - Anh nhớ ra tên em rồi ư? Trời ơi! Còn em không bao giờ quên cái tên Phan Nhân Hảo. Lúc chia tay anh hồi năm 69 ấy, em vẫn nhắc với anh rằng Phan Nhân Hảo nghĩa là một người họ Phan tốt bụng, em còn nhớ quê anh ở ngoại thành Hà Nội, có đúng không?

     Chẳng biết Hảo có thật hiểu hay chỉ theo thói quen mà gật đầu. Chị Phúc đáp thay chồng:

     - Vâng đúng đấy ạ! Quê nhà em ở Gia Lâm.

     Thiếu phụ nói tiếp:

     - Chuyện tìm tung tích anh dài lắm. Năm 82, em về nước, trở lại Khang Xuyên viếng mộ cha mẹ, thăm họ hàng, rồi lại lên Huế đến trại lính Mang Cá hỏi tin anh. Người ta bảo bây giờ đấy là bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Trị Thiên, không ai biết anh cả. Buồn quá, trở lại Sài Gòn. Tình cờ gặp anh Tốn. Anh có nhớ anh Tốn thợ may ở chợ Quán, Khang Xuyên nữa không? Anh ta khoe từng làm bí thư chi bộ thời chiến tranh, sau bị bắt quân dịch. Hồi thất trận 1975, anh Tốn đã bị chính đơn vị anh bắt. Anh còn giao cho anh Tốn phụ trách đám tù binh ở Cửa Thuận. Hồi này anh ấy lãnh đạo một công ty buôn bán đồ may mặc với nước ngoài ở Sài Gòn, giàu có và sang trọng lắm. Trước ở Khang Xuyên, quả thật anh Tốn rất mê em, tán tỉnh em mãi, nhưng em không thể... yêu được bởi em đã có người yêu, bây giờ chính là chồng em. Dù sao gặp anh Tốn, một người làng, em cũng mừng. Nói chuyện loanh quanh một lúc, hóa ra anh Tốn biết địa chỉ của anh. Nghe nói anh Tốn cũng xin địa chỉ của anh ở nhà O Thẻo, Khang Xuyên. Hình như hồi anh ra Bắc, anh vẫn viết thư thăm hỏi O Thẻo luôn. Biết được địa chỉ của anh, nhưng em không còn thời gian để ra Hà Nội nữa. Vé máy bay sang Thailand em đã cầm trong tay. Về Canada em viết thư liền cho anh. Không có hồi âm. Em lại viết thư thứ hai, thứ ba.Vẫn không có hồi âm. Lần này về Sài Gòn em chưa ghé vào anh Tốn. Thực tình em ngại. Bây giờ ai cũng có gia đình riêng cả, con cái đã lớn, vậy mà gặp em, anh vẫn gợi chuyện hồi xưa. Tính nết anh Tốn chắc anh còn lạ gì, hiếu sắc và sấn sổ...

     Anh Hảo lắng nghe chăm chú, có lúc anh cau mày lại cố tập trung trí nhớ. Và dường như câu chuyện dông dài của thiếu phụ tạo thành những mắt xích móc nối với nhau một cách hợp lý, khiến anh tìm được mã số đang cởi mở những u uẩn lưu cữu của mình lâu nay. Anh lẩm bẩm:

     - Tốn! Tốn! Tốn! A, nhớ ra rồi, thằng đểu! Thằng mặt...! Anh gầm lên một từ rất tục với  khuôn mặt tím rịm và đôi mắt bốc lửa. Mọi người sửng sốt và ngượng. Trong im lặng, không ai dám nhìn vào mặt nhau. Chị Phúc phá tan sự im lặng bằng cách mời khách uống nước. Cái Hằng ý tứ đặt trước mặt bố cốc nước đun sôi. Anh Hảo uống ừng ực. Chất nước lạnh làm anh tỉnh lại, chợt nhận ra mình đã quá lời.

     - Tôi xin lỗi cô! Bởi tôi giận quá! Nói cho đúng hơn là hiểu ra nỗi giận của mình.

     - Không có gì đâu anh! - Thiếu phụ đỡ lời nhưng trong lòng cũng vỡ ra một ước đoán, chắc tay Tốn có quan hệ tới cuộc đời anh.

     Anh Hảo trở lại hoạt bát, nụ cười trên môi cố xóa đi cái ấn tượng tục tĩu anh vừa gây ra. Anh kêu lên:

     - ấy, tôi quên mất... - Anh giới thiệu vợ và các con bằng một lối nói vui và chuyển sang thăm hỏi Mỹ Hường về chồng con, về đời sống ở nước ngoài. Lại hỏi về làng Khang Xuyên và người đàn bà tên là O Thẻo nào đấy. Câu chuyện giữa hai người sôi nổi, chân tình. Nét mặt anh biến đổi theo tình cảm của câu chuyện, không ai có thể nghĩ rằng anh mắc bệnh tâm thần. Cái nhìn đờ đẫn vô hồn mới ban nãy thôi, biến đâu mất. Giờ đây cặp mắt dậy thần sắc, sáng lunglinh. Chị Phúc và hai đứa con, cái Hằng và thằng Hiếu nhìn nhau, vui mừng và ngạc nhiên. Dẫu còn nửa tin nửa ngờ, nhưng họ đều cảm nhận được sự thay đổi đột ngột trong trạng thái, tâm lý và tình cảm của anh Hảo.

     Chuyện trò một lúc, Hảo mới nhận ra sự có mặt của Cần. Với vị khách là Việt kiều ở Canada về tìm gặp một cán bộ đã nghỉ hưu mấy năm nay, thay vì ghi hộ địa chỉ nhà riêng, đơn vị lại cho xe, cho phó phòng bảo vệ đi cùng, hẳn không phải vì xã giao. Anh nhìn Cần như lần đầu tiên mới gặp nhau. Rồi cảm ơn Cần đã đưa khách quý đến, nhất thiết gia đình phải lưu khách lại. Nhờ Cần chuyển lời cảm ơn thủ trưởng đơn vị. Hiểu ý Cần xin phép về. Chiếc máy ghi âm bé xíu nhưng cực nhạy trong túi áo Cần, dù sao cũng được việc.

     Dân khu tập thể K42 bàn tán xôn xao về chuyện người khách Việt kiều sang trọng tới thăm nhà Hảo "điên" và ở lại qua đêm. Sáng hôm sau, ăn uống xong, vợ chồng Hảo cho gọi xích lô, tiễn chân khách ra đến ngoài đường phố. Người thì bảo, đấy là người tình cũ của Hảo hồi chiến đấu trong Nam. Ðáng khen thay là chị Phúc chẳng hề ghen tuông, lại tiếp đãi nồng hậu. Vào tay tôi mà xem, không quại cho mấy gậy cũng tống cổ ra khỏi nhà và xích chân ông chồng lại. Bậy nào! Người khác cãi, chỉ bạn bè thôi. Nhưng trò đời, khi giàu có sang trọng, người ta nổi máu nhân đức, nghe bạn bị tâm thần, phải tới thăm cho quà. Chẳng phải quà nhỏ đâu, không đến ngàn "đô" cứ cổ tôi mà chặt! Chỉ có vài người đứng ngoài chấn song cửa sổ hôm đó mới biết sự thật. Người khách lặn lội từ nước ngoài về, tìm anh Hảo để tạ ơn đã cứu sống chị, thì chịu. Ðến ngay như chị Phúc cũng không biết. Ðêm có khách lưu lại, anh Hảo cho thằng Hiếu sơ tán sang hàng xóm, cái Hằng chung giường với khách. Còn anh vào phòng sau. Có dễ gần bốn năm, vợ chồng mới lại nằm chung.

     Da thịt tuổi bốn mươi của chị Phúc như được hồi sinh. Chị đã vuốt ve anh, ôm hôn anh. Và chị cũng thực sự sung sướng mãn nguyện trong vòng tay anh, vòng tay vẫn xiết chặt như hồi mới cưới nhau.

     Vậy mà khi thủ thỉ hỏi anh về chuyện người khách nằm giường ngoài, thì anh tặc lưỡi. Ðể tâm làm gì, hồi chiến tranh, cái sống cái chết cách nhau một sợi tóc, chuyện cứu sống nhau là bình thường. Và chị chẳng gạn hỏi, chẳng nỡ làm phiền anh. Bởi trong lòng chị đang oà vỡ một niềm vui quá lớn, bỗng nhiên chồng chị trở lại bình thường như có phép màu.

     Dân khu tập thể cũng ngạc nhiên không kém chị. Người ta thấy anh vui vẻ hoạt bát như xưa. Gặp anh, lời chào hỏi đã khác, nhìn vào mắt anh càng hoàn toàn khác. Dấu hiệu đầu tiên ai cũng dễ thấy là anh lại chạy thể dục buổi sáng. Ngày xưa, dẫu trời rét căm căm , anh vẫn không bỏ thói quen, không chạy ra đường cũng chạy quanh sân. Từ lúc vướng bệnh, anh nằm co ở nhà. Mấy hôm nay, anh trở về nếp cũ. Tinh mơ đã nghe chạy thậm thịch ngoài đường. Ðám trẻ con rồng rắn chạy theo anh. Làm một thôi trở về sân, mặt mũi hơn hớn, anh lao vào đá bóng cùng tụi nhỏ. Hoặc làm trọng tài trận đấu. Còi toe toe. Chú Hảo ơi! Bác Hảo ơi! Cấm đứa nào dám lếu láo gọi: "Hiển đao" như trước.

     Người ta thêu dệt đồn đại. Rằng chị Việt kiều nọ tặng anh một loại thuốc quý hiếm, uống vài viên là dây thần kinh săn lại như tơ se. Rằng trò nhân ngãi với nhau là thế, xáp được mặt nhau là bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ. Rằng có khi đấy là nàng tiên giáng thế chăng? Ăn ở hiền lành như vợ chồng anh Hảo ắt phải động đến thiên tào v.v.. Chuyện cứ tán nhăng tán cuội, nhưng anh Hảo khỏi bệnh là có thật.

     ở Bộ Tư lệnh quân chủng, đơn vị cũ của Hảo, cái tin Hảo khỏi bệnh cũng được các sĩ quan chào xáo. Cũng chỉ một chốc thôi ai hơi đâu mãi chuyện về anh sĩ quan về hưu. Riêng thiếu tá Cần phó phòng bảo vệ thì thực sự băn khoăn. Toàn bộ câu chuyện về hưu của trung tá Hảo, anh đều biết tường tận, giờ đây thêm diễn biến mới, buộc anh phải suy xét. Ðóng chặt cửa phòng nghiệp vụ, anh mở cuộn băng ghi âm nghe lại. Cái giọng gầm lên chửi tục của Hảo nghe như có sự bùng nổ. Có thể chính lúc đó, anh mới nhận ra kẻ làm hại mình là Tốn. Thiếu tá Cần lục tìm hồ sơ mang ký hiệu Y8. Anh đọc lại lá thư tố giác viết năm 1982 của một người tự xưng là Lê Huy Tốn. Ðịa chỉ không cụ thể, chỉ nói là cán bộ hiện công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Lá thư kể khá chi tiết về mối quan hệ giữa Hảo và Mỹ Hường, một tên chỉ điểm địch trong chiến tranh. Và lưu ý đơn vị theo dõi hành tung của họ hiện nay. Chứng cứ có thể nằm trong bức thư của Mỹ Hường từ Canada gửi về. Quả thật, sáu tháng liền sau đó, Quân bưu đơn vị lần lượt nạp cho phòng bảo vệ ba bức thư của Mỹ Hường gửi cho Phan Nhân Hảo. Nội dung ba bức thư không có thông tin gì đáng nghi vấn, toàn chuyện thăm hỏi trách móc sao không có hồi âm. Soi kính lúp, dùng thuốc hóa học kiểm tra vẫn không thấy chữ chìm chữ nổi gì cả. Hồi đó, còn là thượng úy trợ lý, Cần đã áy náy, giữ thư riêng lại là phạm pháp. Song đại tá Lê Hớn, phó chủ nhiệm chính trị kiêm trưởng phòng bảo vệ đã lý sự nghe ra có vẻ xuôi tai, thư riêng liên quan đến an ninh quốc phòng, thì không còn riêng nữa. Phải giữ lại để tiếp tục nghiên cứu theo dõi. Bây giờ, đại tá Lê Hớn đã về hưu tận trong Quảng Ngãi, nhưng ba bức thư còn lại đây . Cùng với ba bức thư là biên bản cuộc đối thoại giữa đại tá Lê Hớn và trung tá Phan Nhân Hảo, lúc đó là phó phòng quân lực . Biên bản này do chính tay Cần chép lại dựa trên cuốn băng ghi âm, hiện còn cất giữ trong hộp chống ẩm.

   "...

   - Anh có quen ai là Hường không?

   - Không, cái tên đó không nhớ.

   - Ðể tôi nhắc lại anh. Hồi năm 1969 lúc anh còn là trung úy chỉ huy đội trinh sát an ninh, có lần nào đấy anh nhận nhiệm vụ thủ tiêu một con gián điệp ở Khang Xuyên tên là Huỳnh Thị Mỹ Hường.

     - à, tôi nhớ ra rồi, vâng có một cô gái tên là Mỹ Hường. Chuyện đã quá lâu.

   - Mười ba năm, kể cũng dài, nhưng tôi tưởng anh phải nhớ chứ?

   - Nhớ sao hết được? Có chuyện gì vậy anh?

   - Cũng là chuyện cũ thôi. Chúng tôi muốn biết, sao hồi đó anh không giết mà tha cho nó. Lại không báo cáo cho tổ chức biết?

   (Im lặng một chút, rồi có tiếng cười của Phan Nhân Hảo).

   - Ai moi chuyện cũ ra để ton hót với các anh thế? Chỉ làm rối chuyện lên thôi.

   - Anh Hảo ạ! Anh nên nhớ đây là cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh giữa người có trách nhiệm và đương sự. Anh không nên giễu cợt. Nghiệp vụ đòi hỏi chúng tôi phải biết hết mọi việc, dẫu cũ thế, chứ cũ nữa cũng phải tìm hiểu. Vậy là anh công nhận sự việc chứ?

   - Vâng, thưa đại tá, đúng như thế!

   - Anh có thể giải thích kỹ hơn không?

     - Sao lại không? Chuyện hơi dài và không nên hiểu một cách  giản đơn. Anh ở quân chủng này đã lâu, chắc hồi 1969 anh ở Hà Nội hoặc sơ tán về vùng quê nào đó, còn tôi ở phía nam Huế, một vùng chiến trường quá gian khổ và ác liệt, nhất là sau Mậu Thân. ở căn cứ trên rừng lính chúng tôi ăn mỗi ngày một lạng gạo chia làm hai bữa nấu lẫn với môn thục. Chậu cháo màu xanh nhễu nhão ấy, chắc chắn heo nhà tôi bây giờ cũng lấy mõm hất đi. Sống cầm hơi như thế để gây dựng lại cơ sở coi như đã mất trắng. Khang Xuyên xưa là một xã hoàn toàn giải phóng, nơi chúng tôi quen thân, sà vào đâu dân cũng nuôi, vậy mà lúc đó... (im lặng   một lát để nén xúc động) cán bộ, đảng viên, du kích, người bị giết, kẻ bị bắt, số khác hoặc chạy lên Huế, vô Ðà Nẵng, Sài Gòn hoặc nhảy lên rừng, xin ra Bắc. Trật tự xã hội nằm trong tay kẻ địch. Còn hơn các xã khác mất trắng, Khang Xuyên vẫn trụ lại được ba đảng viên sống hợp pháp do anh Tốn thợ may ngoài chợ làm bí thư. Chúng tôi đã cử về Khang Xuyên một tổ ba người do thiếu úy Lân phụ trách, họ đào hầm bí mật lớn ngay trong vườn nhà O Thẻo, một đảng viên ngoài năm mươi tuổi góa chồng, con gái đã đi ở riêng. Người đàn bà mù chữ ấy thật nhân hậu, tốt bụng và cực kỳ dũng cảm. Ðêm thứ ba, xảy ra sự cố. Lúc trời tối mịt. O Thẻo mở hầm cho tổ của Lân lên. Ðang ăn cơm thì những họng súng AR15 của địch chĩa tới. Nhanh như chớp, Lân ném cả bát cơm vào mặt tên đứng gần nhất và hô anh em chạy. Súng nổ. Hai đồng đội của anh bị giết tại chỗ, máu lẫn với cơm. Chỉ Lân chạy thoát. Tất nhiên O Thẻo bị bắt. Thực ra O Thẻo bị chúng bắt từ ngoài vườn, lúc O  đứng gác cho anh em ăn cơm. Bị tra tấn hành hạ dã man nhưng O chỉ một mực khai rằng, thấy mấy người lính giải phóng vô nhà xin ăn cơm, thương họ mà cho ăn. Thế thôi. Không khai báo những đảng viên hợp pháp khác. O bị đày ra Côn Ðảo, sau giải phóng miền Nam, mới trở về. Lân chạy thoát, một ngày nằm giữa ruộng nước lúa đang thì, đỉa bám đầy lưng, bụng rỗng, đêm hôm sau, chờ tới khuya mới mò vô làng, tìm Tốn, nhưng không gặp. Tốn tạm lánh đi nơi khác phòng O Thẻo khai báo. Lại tìm đến ông Quán, một đảng viên  già bị bệnh tê thấp. Nắm xong tình hình, đánh  một bụng cơm no căng, Lân một mình một bóng mò về căn cứ báo cáo. Cú thất bại ấy làm đội trinh sát an ninh chúng tôi đau điếng. Vẫn quyết tâm trở lại Khang Xuyên. Dân Khang Xuyên không thể phản bội cách mạng, trước sự o ép của địch, họ đành nín thở chờ thời cơ đó thôi. Phải tạo thời cơ cho họ. Nhưng trước khi trở lại Khang Xuyên, phải biết nguyên nhân vụ thất bại vừa rồi. Ðịch hú họa tập kích hoặc có chỉ điểm? Trường hợp thứ hai thì phải tiêu diệt tên chỉ điểm đã.    

- Anh có thể nói ngắn hơn được không? Ði thẳng vào vấn đề chúng tôi cần biết!

     - Muốn hiểu kỹ, đừng ngại nghe kỹ anh ạ! Bởi anh ở quân chủng này lâu, e không biết nhiều về trinh sát anh ninh. Thực chất công việc của chúng tôi hồi đó là tiêu diệt bọn ác ôn, gián điệp. Chúng tôi đều qua lớp vũ thuật cả. Qua 5 năm làm trinh sát an ninh, riêng tôi... (Phan Nhân Hảo xòa ngửa hai bàn tay ra) tự tay tôi đã giết không kém một tá ác ôn, gián điệp. Ðang đêm đột nhập vào nhà đối tượng, lấy danh nghĩa cách mạng "mời đi học", thế là cho đi luôn. Không nổ súng, nổ súng bị lộ. Không dùng lưỡi lê, dao găm, sẽ có vết máu. Có thể dùng chiếc gậy ngắn bằng dùi trống  đánh một phát vào chỗ hiểm sau gáy, đối tượng uỵch, ngáp mấy cái là tắt. Nhưng mang gậy cũng lích kích. Chỉ bằng hai bàn tay này thôi. Bấy giờ tôi mới ngoài hai mươi tuổi khỏe như trâu mộng, hai bàn tay cứ như hai gọng kìm. Cầm chéo hai tai chó trên cổ áo sơ mi của đối tượng mà xiết chặt, giỏi lắm chỉ hai phút sau là đối tượng nghẹo đầu, nước dãi ộc ra. Ðàn bà còn dễ hơn, chỉ tay không bóp cổ cũng chóng vánh. Giết xong, vùi luôn và ngụy trang chỗ vùi, coi như đất bằng. Ðến ngay như chúng tôi cũng không thể nhớ nổi tên ác ôn nọ bị thủ tiêu nằm nơi đâu cho thật chính xác. Trường hợp phải giết để cảnh cáo, chúng tôi giết tại nhà đối tượng, bên cạnh xác là lời tuyên án. Công việc của chúng tôi để lại những ấn tượng không vui, nếu không gọi đó là những ám ảnh khủng khiếp. Ðấy là tiếng ằng ặc của người bị bóp cổ, là cái mùi nước dãi ộc ra trước lúc tắt thở cái mùi hoi hoi tởm lợm rửa tay bằng xà phòng thơm lá chanh ba ngày sau chưa phai. Ðấy là thứ tiếng phát ra từ dưới huyệt sau khi đã vùi xong, một loại nấc khan trầm và rè như cóc ho. Ðấy là nỗi day dứt không hiểu những cặp mắt lồi ra như ngạc nhiên trước cái chết của mình, có cặp mắt nào thực sự nói điều oan ức không? Chính những ấn tượng không vui ấy cùng với sự thanh thản trong lòng khi trả lại tự do cho cô Mỹ Hường, tôi đã quyết định xin chuyển sang lính đặc công. Bận độc một chiếp xilip, bôi nhọ nồi hoặc pin đèn khắp người, tiểu liên, thủ pháo trong tay, luồn vào tận giường ngủ thằng Mỹ mà chơi nhau, hoàn toàn yên trí những kẻ bị giết kia chỉ được sám hối lúc về cõi chúa.

     - Anh vừa nói tới Mỹ Hường. Hẳn là các anh phát hiện ra chính nó là chỉ điểm của địch ở Khang Xuyên.

     - Không phải chúng tôi phát hiện. Huyện ủy thông báo dựa trên báo cáo của cơ sở, nghĩa là của chi bộ Khang Xuyên.

     - Và anh đã phản đối?

     - Trái lại, tôi rất mừng. Tìm được tên chỉ điểm mà diệt, chúng tôi sẽ cho quân về "lún" lại ở Khang Xuyên ngon lành. Tuy thế, tôi vẫn thận trọng. Mỹ Hường là ai, tôi không biết. Nhưng tay Lân biết. Ðấy là một cô học sinh thi trượt tú tài về bán tạp hóa với mẹ ở chợ Quán. Bố cô là công chức bưu điện trong Sài Gòn. Nghe đâu, cô từng tham gia phong trào học sinh ở Huế. Hồi Khang Xuyên còn là vùng giải phóng, ở Huế về, cô cũng sinh hoạt thanh niên. Theo Lân đấy là một cô gái xinh đẹp duyên dáng. Thời xinh đẹp duyên dáng cũng dẹp, đã làm chỉ điểm là phải đền tội. Trước lúc quyết định hành sự, tôi còn cử Lân luôn về Khang Xuyên gặp Tốn thẩm tra lại. Tốn cung cấp thêm một số chi tiết. Rằng, người ta thấy Mỹ Hường mấy lần nói chuyện với bọn cố vấn Mỹ bằng tiếng Anh. Mỹ Hường có quan hệ mật thiết với tên thiếu tá quận trưởng, nghe đâu anh em con dì con già gì đấy. Rằng trước đêm xảy ra vụ đột kích ở nhà O Thẻo, buổi chiều Mỹ Hường có tới chơi nhà O nói chuyện lai rai, lại còn đi nghiêng ngó ngoài vườn. Ngần nấy chi tiết cũng chưa khẳng định được tội ác, nhưng có thông báo của huyện của chúng tôi vẫn hành sự. Thành lập một tổ công tác ba người tôi trực tiếp chỉ huy. Thêm thiếu úy Lân, thổ công ở Khang Xuyên và chuẩn úy Nẫm, người Tày Cao Bằng, một cây đẹp trai, da trắng và môi đỏ chót như môi con gái. Ðêm ấy, tôi còn nhớ, trời nhờ nhờ, chừng như trăng mười bảy, mười tám gì đó bị mây che phủ.

     Chúng tôi luồn về Khang Xuyên an toàn, móc với Tốn và chính Tốn dẫn chúng tôi tới nhà đối tượng. Sau đó Tốn lánh mặt. Nguyên tắc hoạt động bí mật ở vùng tạm chiếm, Tốn lánh mặt là phải. Gõ cửa. Tôi đã gõ cửa nhà đối tượng nhiều lần. "Cộc, cộc, cộc" cái tiếng của ngón tay gõ vào ván gỗ nghe đùng đục là mệnh lệnh giết người . Cũng là một ám ảnh dai dẳng. Thú thật với anh, mãi gần đây mỗi khi nghe ai gõ cửa nhà mình, tôi vẫn còn giật mình, cảm thấy ớn lạnh.

     - Anh kể dông dài quá đây! Anh nói ngắn gọn vì sao anh không giết tên chỉ điểm ấy, hoặc thấy nó xinh đẹp duyên dáng hoặc vì có ý nghĩ gì đó vừa nảy sinh?

     - Theo tôi, giết đúng đối tượng là hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bức thiết, trái lại, giết sai đối tượng là phạm tội giết người. Tôi không muốn là kẻ giết người vô căn cứ.

     (Im lặng một lúc).

     - Nghĩa là anh không công nhận Mỹ Hường là chỉ điểm.

     - Ðúng thế

     - Lý do?

     - Giản đơn thôi. Những tên ác ôn; gián điệp, chỉ điểm đều có khuôn mặt khác, thái độ khác, giọng điệu khác, hành động khác với cô gái này. "Mời đi học", ba tiếng ấy không có tên phản động nào không hiểu. Phải xạ ngay lập tức. Hoặc run lẩy bẩy, mặt đổ chàm. Hoặc đỏ mặt lên phản đối gay gắt. Có đứa làm ầm lên buộc chúng tôi phải dí súng vào lưng. Có đứa mắt trước mắt sau, chực tẩu thoát. "Mời đi học" là cục vôi giơ ra trước mắt con đỉa. Cô gái này vui vẻ, hớn hở nữa là khác. Lại hỏi đi bao lâu, mang chăn màn đã đành, chỉ tiếc không kịp sắm cái võng, chắc học "trên xanh" phải không mấy anh? ở trên xanh, em có khối đứa bạn. Bà mẹ lo cuống, cô an ủi. Một tháng ăn nhằm gì mẹ, ai hỏi mẹ phải nói thác là con vô Sài Gòn nghe.

     - Chắc anh chưa gặp những đứa gián điệp cao tay, hớn hở vui vẻ chỉ là bền ngoài nhưng nó đã nhẩm tính cách khác trong bụng.

     - Chẳng có cách gì khác, khi đang đêm, một cô gái tay không bị ba anh lính trinh sát an ninh, tiểu liên, súng ngắn áp giải. Có là bay đàng trời! Ðiều băn khoăn của chúng tôi lúc đó không phải là cô gái đào tẩu hoặc hạ thủ chúng tôi, mà ở chỗ khác. Dường như cả ba anh em chúng tôi đều linh cảm rằng cô gái này vô tội. Giá lúc đó, tôi gân lên một chút thì Lân và Nẫm phải im re, chỉ có chấp hành. Chậc, chiến tranh là thế, cứ lệnh mà làm, ai hơi đâu phân giải rằng oan hoặc không, dẫu giết nhầm một người cũng không hề tai hại đến sự nghiệp chung.

     - Và anh đã phóng thích cho con chỉ điểm?

     - Sự việc không giản đơn như thế. Ðiều băn khoăn ấy đeo đẳng chúng tôi suốt chặng đường dài hàng chục kilômét cho đến lúc chúng tôi gặp tai họa. Một trận pháo bất chợt chụp đúng đội hình hành tiến chúng tôi lúc vừa mớm đến chân đồi Thắm. Vùng giáp ranh là tuyến bắn chặn thường xuyên của địch. Dứt pháo, trong khói đạn mờ mịt là một vùng đồi sim im lặng hoàn toàn. Rồi có tiếng rên, lại có tiếng khóc. Thôi, chết tôi rồi, Nẫm bị thương khá nặng vào bụng. Lân bị một mảnh pháo vào sọ, chết ngay. Cô gái khóc vì quá sợ, nhưng cũng nhanh tay băng bó vết thương cho Nẫm và giúp tôi đào huyệt. Khi vùi Lân, cô gái khóc ròng. Lại tiếp tục lên đường, bây giờ trời đã mửng sáng . Tôi bí mật tháo hết đạn trong băng và trao cả hai khẩu AK, hai chiếc bồng nhỏ của Lân và Nẫm cho Mỹ Hường, tôi cõng Nẫm ì ạch mãi mới tới cửa rừng, mới chặt cây mắc võng làm cáng, Mỹ Hường vai trước, tôi vai sau chúng tôi khiêng được Nẫm đến một trạm xá  đội vận tải, mệt muốn chết. Ðến đây, Mỹ Hường gặp một bạn gái làm y tá vốn là học sinh cũ ở Huế lên. Hai chị em cứ tíu tít mãi, không chịu rời nhau. Tôi quyết định nghỉ một đêm ở trạm xá lấy lại sức. Sáng dậy, ăn uống xong, xin một nắm cơm vắt, lại lên đường. Bây giờ chỉ còn Mỹ Hường và tôi. Ði đâu? Rừng Trường Sơn mênh mông bạt ngàn. Mỹ Hường hỏi, đường còn xa nữa không anh Hảo? Cũng còn xa xa, tôi đáp vu vơ. Lớp học có đông không anh? Ðông. Tôi đáp vu vơ. Cô gái hỏi chuyện luôn miệng, còn tôi đáp cho có lời đáp, trong lòng đang ngổn ngang một cách xử sự. Khó mà tin cô gái này là chỉ điểm, nó đã tìm cách đào tẩu. Suốt một chặng đường dài thiếu gì cơ. Có sự u uẩn nào đây chăng? Báo cáo của chi bộ Khang Xuyên do tay Tốn làm bí thư, chưa có bằng cớ xác đáng. Cũng có khi chẳng vì thù oán, khử được một tên chỉ điểm, há chẳng  phải là thành tích của chi bộ trong công tác an ninh hay sao? Tôi không muốn bàn tay mình dính máu người lương thiện. Sẽ phải trả tự do cho Mỹ Hường. Nhưng để quyết định của tôi đảm bảo chính xác, tôi phải thẩm tra lại một lần cuối. Dừng chân bên bờ suối vắng, rửa ráy tay chân xong, chúng tôi ngồi nghỉ. Bây giờ tôi mới ngắm kỹ cô ta, quả là một cô gái đẹp duyên dáng. Tôi gợi chuyện cô, giọng nói và nét mặt dung dị, nhưng thực chất là thẩm vấn. Hỏi từ cha mẹ họ hàng, anh em, đến đời tư của cô, quan hệ của cô trên Huế, dưới Khang Xuyên. Rồi xoay sang chuyện liên quan đến vụ địch tập kích vào nhà O Thẻo. Mỹ Hường nói, cả làng gọi O Thẻo, còn cô đúng ra phải gọi thím. Ông nội cô và bố chồng O Thẻo là anh em ruột. Hôm đó, cô đang ở Huế về nhà mới nghe chuyện, chỉ biết hỡi ôi. Người ta nói hai người lính giải phóng bị bắn chết trong nhà, lính ông Thiệu còn đem trói vào gốc cau, suốt nửa ngày hôm sau, mới cho chôn. Rõ quân thất đức. Biết thím Thẻo bị tống nhà lao, mà chưa kịp đi thăm. Vậy là lời khai của Mỹ Hường (tôi tạm gọi lời khai) hoàn toàn khác với lời tố cáo của tay Tốn. Tuy đã hai năm rõ mười, tôi càng làm mặt nghiêm, nhìn thẳng vào mắt Mỹ Hường mà bảo, rằng có kẻ cho chúng tôi biết cô đã nhúng tay vào vụ thảm sát đó, cô đã chỉ điểm  cho lính ngụy cô nghĩ sao? Mỹ Hường đang vui vẻ hơn hớn chợt tái mét mặt, rồi khóc oà. Trời ơi, sao người ta có thể vu oan giá họa cho cô như thế. Dì ruột cô lâm bệnh phải nằm nhà thương Huế, mẹ cô bảo phải lên thăm nuôi gì cả tuần lễ, nào cô có biết nếp tẻ gì về việc giết người giải phóng  ở nhà thím Thẻo. Mà sao cô nỡ làm hại bộ đội giải phóng, còn làm hại cả thím Thẻo của cô được. Cô không thể thất nhân thất đức như thế! Tôi nói thẳng với Mỹ Hường rằng, không phải chúng tôi dẫn cô đi học, chẳng có lớp học nào cả, chúng tôi được lệnh dẫn cô đi hỏi tội. Ðang khóc, bỗng cô lau nước mắt, môi run run, cô ném vào mặt tôi một cái nhìn thách thức: vậy thì anh bắn em đi! Không, tôi không thích bắn cô, nếu giết cô, tôi đã hành động lúc còn dưới trảng cát vắng vẻ, hoặc dưới giáp ranh từ đêm hôm qua. Tôi không tin cô là chỉ điểm là gián điệp. Tôi sẽ trả lại tự do cho cô với một điều kiện:

     (Có tiếng cười của đại tá Lê Hớn)

   - Anh chớ vội nghĩ về tôi như thế. Bây giờ tôi mới 26 tuổi, chưa vợ, khỏe mạnh, chẳng đến nỗi xấu, lại con trai Hà Nội, có bằng đại học, tôi có thể bộc lộ tình yêu với cô ta, mà không thấy ngượng. Cũng như mọi người trẻ trai, nhìn khuôn mặt thanh tú, đôi môi thật duyên, chiếc cổ trắng ngần và bầu ngực nở nang của Mỹ Hường, cũng có phút chốc con thú đàn ông trong người tôi trỗi dậy. Hoặc tán tỉnh, hoặc cưỡng đoạt hoặc khêu gợi cô ta hiến dâng, bề nào cũng được. Chỉ hai người mà rừng quá vắng. Có điều tôi biết chắc chắn, sau khi thỏa mãn với người con gái này, nhất thiết tôi phải bóp chết cô ta. Như vậy tôi sẽ được nhiều bề. Vừa thỏa mãn, vừa có chiến công, vừa không lo sợ hậu quả. Nhưng lại mất một điều quan trọng, ấy là tự làm mất mình. Nhờ trời, tôi không bao giờ chịu đánh mất mình. Bởi thế, điều kiện của tôi đề ra cho Mỹ Hường là phải giấu tung tích đi, cấm không được lai vãng về Khang Xuyên. Cô muốn sống ở Ðà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ gì cũng mặc, nhưng sự có mặt của cô ở Khang Xuyên sẽ bất lợi cho cô và cho cả tôi. Cô gật đầu. Tôi lại dẫn cô tiếp một chặng đường đến cao điểm Eo Gió. ở đây đã nhìn thấy quốc lộ số 1, chỉ cần hai tiếng đồng hồ đi bộ là có thể vẫy xe ô tô. Chúng tôi chia tay. Nấn ná ngập ngừng một chút, rồi cô gái ôm chầm lấy tôi, khóc thút thít. Quả thật lúc đó trái tim trai trẻ của tôi đập loạn nhịp, cảm giác như hụt hơi. Không để cho sự xúc động trì níu, tôi nhẹ nhàng gỡ tay cô gái. Hãy can đảm lên, chúc mọi sự bằng an và giữ trọn lời hứa. Sau này, có lúc nào đấy chợt nhớ lại, tôi gọi đó là cuộc chia tay màu xanh.

   - Thôi được, cứ cho rằng anh tin việc làm của mình là đúng, sao không báo cáo cho tổ chức biết sự thật?

   - Thực ra không ai ký lệnh cho tôi giết cô gái ấy, huyện ủy chỉ thông báo cho biết tình hình. Ðồng chí phụ trách an ninh huyện giao cho đội trưởng trinh sát an ninh là tôi xem xét. Nghĩa là tôi có quyền quyết định số phận của đối tượng. Tôi đã phóng thích cô gái, bởi tin việc làm của tôi đúng, bởi tin vào sự thành thật và trong trắng của cô gái. Còn lúc bấy giờ mà báo cáo đúng sự thật thì câu chuyện trở nên vô cùng phức tạp. Chắc không ai tin tôi, bởi nhân chứng duy nhất còn lại là chuẩn úy Nẫm cũng đã chết ở trạm xá vận tải, vì vết thương quá nặng. Ðã không tin thì người ta bẻ hành bẻ tỏi tôi đủ điều. Bị kỷ luật thải hồi là may, còn hơn đón nhận cái chết. Mượn bàn tay kẻ địch  để loại bỏ một người bị nghi ngờ  là một cách giết người đó sạch sẽ nhất. Tôi rất am hiểu chuyện đó.

   - Vậy là anh cũng sợ chết?

   - Tôi sợ cái chết phi lý nhàm chán, nhưng không sợ cái chết có mục đích cống hiến. Như đã trình bày, sau vụ Mỹ Hường cùng với những ám ảnh nghề nghiệp, tôi nhất quyết chuyển sang bộ đội đặc công. Anh xem lý lịch tôi chắc biết, ba năm làm đại đội trưởng đặc công tôi đã có ba bằng dũng sĩ và hai huân chương. Khi lên cán bộ tiểu đoàn, tôi mới chuyển sang bộ binh. Năm 1975, tôi là đại úy tiểu đoàn trưởng bộ binh tấn công vô Huế, truy kích địch xuống tận cửa biển Thuận An. Trong đám tù binh tóm được tình cờ tôi nhận ra Tốn. Hắn khai là bị bắt quân dịch ngay sau khi chi bộ Khang Xuyên đổ bể, nghĩa là người đảng viên già cuối cùng tên là Quán cũng bị địch bắt nốt. Bí thư chi bộ gì mà chịu cầm súng cho địch từ bấy đến giờ. Dù sao gặp lại hắn trong tư thế tù binh bị bắt, tôi cũng thêm an tâm về việc trả lại tự do cho Mỹ Hường. Hắn cứ bám lấy tôi, nhưng tôi tránh. Chúng tôi không nhắc gì đến Mỹ Hường cả.

   - Anh có gặp Mỹ Hường lần nào hoặc có biết tin gì về cô ta không?

   - Hồi ở Huế tôi có về lại Khang Xuyên thăm O Thẻo, O có cho biết Mỹ Hường đã có chồng con trong Sài Gòn, bố mẹ cô đều mất cả. Chỉ biết thế thôi, chứ tôi không tìm cách liên hệ, chẳng để làm gì cả.

   - Anh có gặp Tốn không?

   - Tốn đi cải tạo, có lần hắn đi tìm tôi ở Mang Cá, năn nỉ xin tôi chứng nhận cho hắn có làm bí thư chi bộ Khang Xuyên, thêm nữa trong thời gian đi quân dịch vẫn móc nối với quân giải phóng. Hắn gãi đầu gãi tai, nháy mắt tinh quái với tôi rằng sẽ không quên ơn. Chẳng đời nào tôi hạ bút ký xằng xịt như thế, tôi nén giận, bảo hắn tìm mấy ông đảng viên cũ ở Khang Xuyên hoặc huyện ủy mà xin. Hắn kỳ kèo mãi, tôi mới nổi nóng đuổi hắn đi.

   - Chuyện anh kể đã dài, cứ hẵng biết thế! Dù sao cũng là ý kiến riêng anh - Phải đợi tổ chức xem xét, kết luận. Ta tạm dừng ở đây".

   Ðọc lại hồ sơ vụ Y8, thiếu tá Cần ngồi thừ người. Sự việc không có gì khó hiểu, vậy mà hồi đó phòng bảo vệ do đại tá Lê Hớn chủ trì không thể kết luận được. Lá thư ký tên Lê Huy Tốn rõ ràng là nặc danh, địa chỉ không có, và lời lẽ chỉ gọi là để đơn vị lưu ý, nhưng lưu ý một vấn đề chính trị nguy hiểm, quả là chết người. Phải chăng Tốn chỉ là Tốn? Mà một người như Tốn làm sao tin cậy được? Vụ Y8 không kết luận, hồ sơ nằm im trong tủ "mật", nhưng nghi án về Hảo cứ treo đấy. Không đề bạt được trưởng phòng, đến niên hạn thăng quân hàm đại tá lại kẹt. Ðại tá Lê Hớn gọi Phan Nhân Hảo lên, kiên trì thuyết phục, kể cả mớm cung, yêu cầu Hảo viết lại hoặc viết bổ sung thêm về quan hệ giữa anh và Mỹ Hường. Hảo phản ứng, không có gì phải nói lại, nói thêm. Ðại tá Lê Hớn đánh bài ngửa, nếu sự việc còn mù mờ không kết luận được thì việc đề nghị thăng quân hàm cho anh là khó. Tốt nhất, anh làm đơn xin về hưu. Sẵn sàng Hảo lấy giấy bút viết nhoay nhoáy, ký rẹt một chữ. Thế là xong, đại tá Lê Hớn thở phào. Coi như ông hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng nhận thêm một bậc lương nữa, trước khi nghỉ hưu. Lê Hớn mang theo cái thở phào về chăm mảnh vườn của mình trong quê đã vài năm nay. Còn hồ sơ vụ Y8 vẫn nằm mốc meo trong tủ "mật". Cán bộ thay thế lúc này đến mới toanh, không ai biết kỹ vụ Y8, ngoài thiếu tá Cần. Lòng đầy băn khoăn thiếu tá bèn trình bày với các thủ trưởng của mình. Các thủ trưởng nghe chăm chú, cuối cùng đều nói giống nhau. Rằng chuyện cũ bới lại làm gì, thôi dẹp. Muốn kết luận vụ này, không thể đơn giản. Nếu gọi là để trả lại danh dự cho anh Hảo, thì có ai làm mất danh dự anh đâu. Dù sao, anh đã về hưu lâu lâu, với lại nghe tin khỏi bệnh là mừng. Thế nhé! Hai chữ "thế nhé" có nghĩa là chỉ thị cấp trên, vậy mà thiếu tá Cần không sao giải tỏa được sự ấm ức trong lòng. Chẳng nhẽ để anh Hảo chịu tiếng oan, dẫu không ai biết chuyện ngoài một cán bộ có trách nhiệm, thì chính tâm tư anh cũng đau đớn, làm sao thanh thản được. Lương tâm cắn rứt, thiếu tá Cần quyết định đến thăm Hảo, nói cho  anh biết sự thật, chỉ mong anh thông cảm giùm. Một buổi sáng chủ nhật, Cần đạp xe đi, trong chiếc túi vải treo đầu ghi đông có một chai cuốc lủi nửa lít, mươi gói lạc rang mua ngoài quán nước. Anh em gặp nhau có cái mà lai rai, tâm sự.

   Hôm đó, Hảo ở nhà một mình. Chị Phúc ra chợ, hai đứa con đều đi học thêm ngoài giờ. Anh đóng cửa, nằm đọc lại Tam Quốc. "Cộc, cộc, cộc", tiếng gõ cửa đột ngột làm anh giật bắn mình, ngồi choàng dậy, cuốn sách rơi xuống đất. "Cộc, cộc, cộc", tiếng gõ cửa gấp hơn mạnh hơn. Tim đập loạn xạ, mồ hôi rịn ra trên trán, Hảo thở hổn hển, mắt chợt hoa lên trong một đám mây mù bao phủ trước mặt.

   - "Cộc, cộc, cộc", có ai ở nhà không? Anh Hảo ơi, anh Hảo!

   Hảo vẫn ngồi đờ đẫn như người lạc vía.

   - Anh Hảo ơi, ngủ à? Cần đến chơi đây mà!

   "Cộc, cộc, cộc" - thiếu tá Cần, tay xách túi vải, đang hớn hở gõ cửa mạnh hơn chợt nghe một tiếng gầm:

   - Cút mẹ mày đi! Tiên sư cha mày!

   Cần vội lùi ra, ngơ ngác chưa kịp hiểu tiếng gầm là có thật hay nghe nhầm, thì cánh cửa xịch mở. Phan Nhân Hảo nét mặt hoang dại, mắt đỏ ngầu, tay lăm lăm chiếc then cài cửa. Chiếc then cửa vung lên trong một tiếng hét, y như lúc xung phong. Miệng ú ớ, mặt tái mét. Cần kịp né tránh và cóc cò chạy. Cây đủ đủ trước hiên bị phạt cụt ngọn, ở đấy nhựa đùn lên trắng hếu. Mấy bác hàng xóm chạy tới giữ Hảo lại, dìu anh vô nhà, trong lúc anh vẫn thở hổn hển, chẳng nói chẳng rằng. Khi hoàn hồn, thiếu tá Cần, tuy chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, vẫn phải nhờ mấy đứa trẻ vác hộ xe đạp ra ngoài sân khu gia đình, tay run run mở khóa, mắt vẫn để ý về phía xảy ra điều kỳ quái.

   Kể từ hôm ấy, dân K42 không nghe thấy chân chạy thể dục buổi sáng của anh Hảo, đám trẻ con đá bóng thiếu trọng tài, cãi nhau ỏm tỏi. Anh Hảo trở lại căn bệnh như cũ, chỉ tủm tỉm, nét mặt ngây dại. Anh lại quên, chẳng những quên hết quá khứ, mà quên rất nhanh, kể cả những việc vừa xảy ra- Anh bảo cái Hằng vào ngủ với mẹ, còn anh chung giường với thằng Hiếu, hai bố con anh đắp hai chăn. Chị Phúc thở dài, cái Hằng và thằng Hiếu cũng buồn. Buồn nhất là lũ trẻ con mất dạy trong K42 lại cúi gập người "cháu chào chú Hiển ạ" và phá ra cười. Chị Phúc cho treo lại tấm biển "Xin đừng gõ cửa" vừa gỡ ra chưa đầy tháng. Niềm vui ngắn ngủi quá, tiếng thở dài của chị não nuột hơn. Lời khấn  của chị trước bàn thờ hương khói nay có khác. Chẳng những khấn tổ tiên ông bà phù hộ độ trì, chị còn khấn vái cầu mong người đàn bà có tên là Mỹ Hường quay lại. Biết đâu người đàn bà xinh đẹp nọ là tiên trên trời giáng thế cứu giúp  chồng chị chăng? Chị hoàn toàn không hiểu cội nguồn những việc xảy ra, lắm lúc muốn đến đơn vị cũ của chồng, hỏi chuyện thiếu tá Cần mà ngại ơi là ngại. Chị Phúc đâu biết, sau ngày xảy ra điều kỳ quái ấy và nghe tin Phan Nhân Hảo trở lại bệnh cũ. Cần đã xin chuyển công tác. Không biết anh đến đơn vị nào và chắc gì còn tiếp tục công việc cũ nữa.

10-1991

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.