Đánh giá
Những ngày qua, nhiều nhà khoa học, nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành có thời gian dài nghiên cứu về di sản đã đưa ra ý kiến tranh luận về việc quản lý di sản trong bối cảnh đời sống nhiều biến động.
Cục Di sản văn hóa phản ứng tiêu cực với những góp ý về quản lý
Để thực hiện tuyến bài xoay xung quanh những tranh cãi về quản lý di sản tín ngưỡng, phóng viên Lao Động đã thực hiện phỏng vấn với nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về di sản.
Trong suốt quá trình tìm hiểu, lắng nghe, và tác nghiệp, phóng viên Lao Động nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía các nhà nghiên cứu lâu năm về di sản, văn hóa tín ngưỡng.
Loạt bài phỏng vấn đã đưa ra quan điểm, góc nhìn của các nhà khoa học về quản lý di sản giữa bối cảnh đời sống liên tục biến động và phát triển.
Cuốn theo sự biến động của nhu cầu, đời sống, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung đều phải đối diện với rất nhiều thay đổi.
Theo các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, việc quản lý di sản của Cục Di sản văn hóa cũng cần có sự thay đổi, có văn bản dưới luật bổ sung quy định để theo kịp những biến đổi của đời sống, nhu cầu cộng đồng, và cả những biến đổi trong di sản.
Lẽ ra, ý kiến đóng góp của các nhà khoa học phải nhận được sự lắng nghe, tôn trọng từ cấp quản lý nhà nước là Cục Di sản văn hóa, thế nhưng, ngược lại, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa lại phản ứng khá tiêu cực khi tiếp nhận những quan điểm trái chiều.
Theo đó, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cho rằng, các bài phỏng vấn, lấy ý kiến trao đổi với các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về di sản đăng trên Lao Động đã “cổ súy” cho những cái sai trong xã hội, và đi ngược với định hướng tuyên truyền của Cục Di sản văn hóa. Nhưng cái sai ấy cụ thể là gì, được quy định ra sao thì vị lãnh đạo này lại không thể chỉ ra tường tận trong khi trao đổi.
Câu hỏi đặt ra, tại sao lãnh đạo Cục Di sản văn hóa lại phản ứng tiêu cực, không chấp nhận những ý kiến đa chiều, ngược chiều, khác biệt trong những góc nhìn khác nhau về quản lý di sản của các chuyên gia, với hàm ý giúp công tác quản lý di sản tốt hơn, hiệu quả hơn, giúp cho các địa phương hiểu đúng, làm đúng nếu được Cục Di sản văn hóa có văn bản hướng dẫn rạch ròi, cụ thể.
GS.TS Bùi Quang Thanh là một trong những nhà khoa học đã tham gia quá trình xây dựng hồ sơ di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trình lên UNESCO, để năm 2016, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO xét duyệt ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo GS.TS Bùi Quang Thanh, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều tỉnh thành, thậm chí “lan” sang một số dân tộc khác nhau. Thực tế cho thấy, cùng là thực hành nghi lễ hát văn - hầu đồng nhưng mỗi nơi lại mang đặc tính riêng, người ở châu thổ Bắc Bộ hầu khác, người Huế hầu khác… Không gian thực hành nghi lễ cũng đã mở rộng.
Di sản tín ngưỡng đã phát triển không ngừng theo thời cuộc và biến động theo nhu cầu đời sống, trong khi các cấp quản lý dường như vẫn chỉ đạo trên những bộ luật đứng im”.
"Đừng đóng khung di sản, khi sự kiến tạo, phát triển diễn ra không ngừng"
GS.TS Bùi Quang Thanh cho rằng: “Đối với văn hóa dân gian nói chung và sinh hoạt tín ngưỡng nói riêng, không có chuyện đúng - sai, mà chỉ có chuyện hợp lý hoặc không hợp lý mà thôi”.
Để bắt kịp với tính chuyển động của đời sống, GS.TS Bùi Quang Thanh cho rằng, quản lý về di sản cần thêm những văn bản dưới luật, đưa ra những quy định mới trong quản lý để phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, những quy định này cần nhận được sự đồng thuận giữa các nhà quản lý, cộng đồng nhân dân và các nhà khoa học.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, nhiều giáo sư, tiến sĩ bày tỏ sự đồng tình với quan điểm về đổi mới trong quản lý di sản của GS.TS Bùi Quang Thanh.
“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ đã đi một hành trình rất dài trải qua nhiều biến động. Tôi là một trong những người đầu tiên tham gia nghiên cứu về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Chúng ta có thể thấy, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt trước đây rất khác bây giờ, sau đó còn trải qua giai đoạn bị cấm, rồi lại được công nhận, và trở thành di sản văn hóa phi vật thể.
Ngay như trang phục hầu đồng của các thanh đồng, trước đây rất đơn giản, không màu sắc như bây giờ. Nói vậy để thấy, có rất nhiều biến đổi đã diễn ra, nếu các nhà quản lý muốn “giữ bản gốc”, tôi không hiểu, họ sẽ chọn “bản gốc” của thời điểm nào?
Nếu chọn thời điểm được UNESCO ghi danh để là “bản gốc”, thì trong những năm qua, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã có thêm những kiến tạo khi phát triển, lan rộng ra nhiều vùng miền. Tôi nghĩ, các nhà quản lý đang tìm cách đóng khung di sản để dễ quản lý nhưng điều đó là rất khó. Muốn quản lý được di sản, cần phải theo kịp thực tiễn, bắt kịp thời cuộc và nhu cầu đời sống của cộng đồng” – một nhà nghiên cứu cho biết.
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com