chan_dung-ke_si

VẾT THƯƠNG TRONG KHÔNG GIAN - Truyện ngắn Bão Vũ

15-07-2023

Lượt xem 1173

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Bão Vũ

VẾT THƯƠNG TRONG KHÔNG GIAN - Truyện ngắn Bão Vũ

Tôi, cao mét bảy sáu, ria rậm, tóc dài buộc túm đuôi gà, giọng khàn, có thể cởi trần với chiếc quần bò chẽn mà không hổ thẹn. Tôi, với cây ghi ta, có thể lên gân toàn thân, sô lô tới mười phút khiến khán giả nín thở, phó thác linh hồn để tôi dẫn dắt đi tới cùng trời cuối đất.

Và khi kết thúc trường đoạn “quỷ khiếp thần kinh” đó bằng một hợp âm chát chúa cùng với tiếng hú rung chuyển rừng núi của Ba na, tôi đứng dạng chân hiên ngang, tay giơ miếng mê đi a to lên như anh chàng Đan cô giơ cao trái tim bốc cháy của mình, khuôn mặt dại đi đau đớn, đón nhận tiếng gào thét của những người ái mộ. Tiếng gào thét như một cơn sóng thần tung tôi tới tột đỉnh vinh quang.

Anh nhăn mặt ư? Không, cái nghiệp nó thế. Lang thang, gào thét quên đời. Hướng cả niềm vui và nỗi buồn trong những chuyến lưu diễn. Ai đó cứ thử vào nghề của tôi mà xem, gọi là ma nhập, đồng ốp, là vị thần có cánh hoặc con quỷ có đuôi… gì gì cũng được, chỉ trừ là mình. Đúng, không còn là mình nữa.

Tôi thích lang thang.

Có lẽ vì tôi sinh ra trên một con thuyền trong chuyến tản cư về quê ngoại bằng đò dọc. Có lẽ vì tôi đeo nghiệp xướng ca. Có lẽ… vì nhiều lý do nào khác nữa mà tôi chưa biết đến. Nhưng tôi biết rõ rằng vì lang thang mà tôi đã nếm trải đủ chuyện tức cười và những điều buồn phiền trong các chuyến đi.

Mùa đông năm 1983. Trong chuyến về từ Praha, ở sân bay, tôi gặp gã bạn thân là vận động viên môn vật, một gã cơ bắp, mặt lúc nào cũng lừ lừ như muốn túm cổ áo người ta giằng giật rồi ngáng chân… hắn mặc bludông da, ngoài khoác chiếc măng tô bằng da, tay xách ca táp to, vai đeo mấy cái túi như đồ nghề phóng viên, túi nào cũng nhồi tròn cứng, dây đeo căng muốn đứt. Tôi vỗ vào bộ ngực đầy sắt thép của hắn thăm dò. Hắn ngừng nhai kẹo cao su nói khẽ, ra vẻ tự hào:

- Xích, líp, bi, moay ơ, lưỡi cưa thép… hai áo da nữa!

Cả một gia tài! Hắn đã lên gồng cái thân xác đô vật, mang hơn ba mươi cân mà đi đứng vẫn ra vẻ nhàn nhã, mặt mũi hả hê với cuộc hành xác tự nguyện. Tôi cũng vậy. ở phòng chờ, tôi đã phải lê những bước nặng nề, tay chân cứng đơ như một rô bốt.

Dù thế, tôi vẫn thích lang thang.

Bây giờ, ta có thể đi nước ngoài với chiếc va li nhỏ đựng vài bộ quần áo, tập thơ mỏng, ít đô đủ để nếm những loại rượu ngon, puôc boa cho các cô phục vụ và mua vài thứ su vơ nia. Trong phòng chờ ở sân bay, ta có thể ngả người trên ghế mềm, mắt đung đưa nhìn theo những cô đầm trẻ mặc váy ngắn, tưởng tượng ra những điều thú vị, miệng khẽ huýt sáo sai điệu một bài hát nào đó. Và ta không cần biết dây mai so, nồi áp suất, bi xe đạp… là gì. Tôi đã tận hưởng cái hạnh phúc ấy trong chuyến đi Tiệp Khắc gần đây nhất theo đoàn ca nhạc tạp kỹ, của một chương trình giao lưu văn hóa.

Vì thế, tôi càng thích lang thang.

Nhưng không phải tôi thích lang thang chỉ vì những niềm vui tôi đã gặp trong mỗi chuyến đi như đã kể trên. Mà sau này tôi thích lang thang còn vì một hy vọng rằng tôi sẽ được gặp lại Em. Tôi tin lý thuyết xác suất, và trái đất là hình cầu, như người ta vẫn nói. Nếu gặp lại Em lần nữa, tôi sẽ rẽ cuộc đời mình sang một hướng khác, dù hoàn cảnh có như thế nào đi chăng nữa.

Chuyến về từ Praha hôm đó, qua màn bụi trắng giá băng ngoài cửa sổ máy bay, tôi thấy trên cây cầu vượt vắng tanh bên nhà ga, một bóng người nhoè nhoẹt trong gió tuyết. Tôi nhìn bằng cảm giác và thấy mơ hồ khuôn mặt quen thuộc. Tim tôi thắt lại. Đến phút chót em mới đến sân bay. Em đến chỉ để nhìn theo chiếc máy bay mang tôi đi. Và chắc em nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ biết có cuộc tiễn đưa ấy. Nhưng tôi đã nhìn thấy em bằng linh cảm. Tôi chỉ muốn nhào ra khỏi máy bay, vứt lại tất cả mọi thứ xích, líp, bi, đũa, vải vóc… để ở lại với em. Nhưng không thể như thế được. Sẽ có bao nhiêu rắc rối, nếu tôi thực hiện ý định ấy.

Khi đêm xuống, máy bay cất cánh. Gió mạnh từng cơn dồn cuốn màn tuyết dày trên quảng trường thành hình thù một con thú lớn lông trắng đang vật vã vì đau đớn. Tôi vẫn thấy mơ hồ cái bóng nhoè nhoẹt xiêu vẹo ấy trên cây cầu vượt với bộ váy áo đỏ sẫm như một vết thương trên mình con thú tuyết khổng lồ kia. Cái bóng nhỏ nhoi trơ trọi tội nghiệp.

Máy bay lấy dần độ cao vượt thoát cơn gió tuyết. Tôi nhìn một lần nữa xuống kinh thành Praha cổ kính trong đêm với bạt ngàn đèn điện trên những đại lộ, dọc bờ sông Vi ta va, trải khắp ngọn đồi Stra hôp, lóng lánh đủ mọi màu sắc kỳ ảo của hồng ngọc, bích ngọc, mã não, hạt trai, bạch ngọc, kim cương… Và trong đám châu báu ấy có em - viên ngọc cô độc bất hạnh của tôi.

Em tên là Ngọc, Nguyễn Hồng Ngọc.

Thế là lần này đến Tiệp Khắc, suốt thời gian ở Praha, tôi đã không thể thư thái như đã tưởng. Nỗi buồn nặng trĩu như trọng lượng những thứ hàng hóa linh tinh mà tôi và gã đô vật đã cố mang theo trên người trong chuyến bay ngày ấy.

Mà thực ra những năm qua, có bao giờ tôi quên em. Ngay cả những lúc gào thét trên sân khấu những bài hát về cao nguyên nắng gió, giông bão, đắm mình trong dòng thác ánh sáng và âm thanh hỗn loạn, ngay cả những lúc uống bậy “ly coc tai tình ái” với một cô bé vũ công trong đoàn, hay với một nữ khán giả ái mộ cuồng nhiệt, tôi vẫn nhớ đến em.

*

Hẹn gặp ở quán Lính hầu Bi ba lúc sáu giờ tôi. Đó là câu quảng cáo gắn trước cửa ra vào, in trên miệng bìa tròn lọt vại bia, nhấp nháy trên mặt đứng của cái hầm rượu nổi tiếng Praha. “Có thể không biết Praha, nhưng không thể không biết Bi ba”. Có người đã nói thế, dĩ nhiên đó là một gã tửu đồ.

Anh lính hầu Bi- ba vui tính của nhà vua khi về vườn, đã mở một quán rượu. Quán Bi- ba rất nổi tiếng về những tiết mục tạp kỹ đậm chất lính tráng. Đến đó, phải đặt bàn từ trước.

Lần đến Tiệp trước ấy, ở quán Bi- ba, tôi đã được hưởng không khí của thời trung cổ trong một hầm rượu châu Âu. Những bước tường dày bả vữa một cách cẩu thả, ám khói, đầy những hình vẽ của những gã lính say rượu không hề học hội họa: trái tim bị xuyên thủng, tiên cá, thuyền buồm cổ, đại bàng… và những vết bẩn do những cốc rượu bị ném vỡ trong những cuộc ẩu đả, xem những dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng than, phấn màu, son môi… với các thứ tiếng. Dưới ánh trăng chập chờn của những ngọn nến, tôi tìm thấy một dòng tiếng Pháp: “Anh không biết ngày mai sẽ ra sao. Vậy thì hôm nay hãy uống say đi!”. Và: “Ta, tướng cướp Đuy- boa, đã say mèm ở đây sau khi đánh chìm hạm đội của vua Phéc- đi- năng đệ ngũ”. Rất ấn tượng và gợi cảm; nhưng chẳng ai hoài hơi lục tìm trong lịch sử một gã cướp biển Đuy- boa hay ông Phéc- đi- năng đệ ngũ vì đó chỉ là cách trang trí của mấy tay họa sĩ thời nay.

Như những quán rượu cổ, Bi- ba có các ca công vui tại bàn. Bỗng nhiên lửa bùng lên. Lính cứu hỏa chạy rầm rập. Khách nhốn nháo. Sau mới hiểu, mấy tay nấu bếp đội mũ lính đầu rồng trình diễn hài kịch “Lửa cháy đổ dầu thêm” để quay chín một con thỏ bằng rượu mạnh, ngay trước mặt khách.

Tôi không mấy hào hứng vì những trò như thế, cho đến khi một nhạc công mang phong cầm xuất hiện chơi một giai điệu phóng khoáng, lôi cuốn. Theo sau là cô gái tóc đen buông xoã, lông mày kẻ đậm, da hơi sẫm màu, tai đeo vòng, mặc váy dài nhiều nếp màu đỏ. Tôi huých khẽ anh bạn cùng đoàn:

- Nhìn kỹ đi! Di- gan bằng xương bằng thịt đấy, những người nghệ sĩ giang hồ lừng danh! Những kẻ bị Chúa đầy đoạ suốt đời lang thang, bị xua đuổi khắp nơi, nhưng lại được Người ban cho phúc lớn là có những tài năng phi thường bẩm sinh. Những con người duy nhất biết nhào trộn niềm vui với khổ đau thành một thứ bánh thánh để nuôi dưỡng thể xác và tâm hồn. Những kẻ…

Tôi chợt ngừng bặt đoạn độc thoại ngẫu hứng khi cô gái mà tôi coi là Di- gan ấy cất tiếng hát lanh lảnh:

“Dạt trôi khắp nơi… Đời gió cuốn theo cát bụi và tôi…”

Trời ơi, cô gái hát tiếng Việt bài “Khúc hát giang hồ”, bài hát mà ngày xưa tôi chép cho em! Đó là Ngọc. Tại sao lại như thế này? Tôi muốn kêu to lên gọi tên em. Nhưng tôi chợt nhớ ra rằng tôi có thể bị cảnh sát bắt về tội uống say, gây rối, nếu như tôi gạt đám đông đang bùng bùng bia rượu vỗ tay theo nhịp hát kia; để nhào đến bên Ngọc, xiết chặt tay em.

Ngọc hai tay chống nạnh, lắc hông, đung đưa đôi vai, nện đế giày sầm sập trên sàn gỗ; khuỷu tay, ngón tay gõ liên hồi một cách tài tình vào những mặt bàn, lưng ghế dọc đường nhảy. Những đồ trang sức trên mình em lóng lánh. Mắt em rực sáng, cổ vươn cao, nét mặt đượm buồn nhưng kiêu hãnh, thách thức. Bài hát với giai điệu trầm huyền hoặc, gợi ra hình ảnh những bóng người bơ phờ mệt mỏi, khép chặt vạt áo choàng, cúi rạp mình ngược gió, lê bước như những kẻ lưu đày trên thảo nguyên trơ trụi vô tận, như tôi đã từng miêu tả để gợi cảm hứng cho em tập hát bài này.
 
Ngọc hát và nhảy múa mạnh mẽ như giận dữ điều gì đó, lại như đang bị săn đuổi, cuống cuồng chạy trốn đến tuyệt vọng. Mỗi kiểu nhảy lạ kỳ, giống điệu cla-két nhưng náo động hơn, khiến cho đến đoạn cuối bài hát, cả quán rượu ào lên những tiếng dậm chân, vỗ tay. Tiếng hát chợt dừng bặt. Cơn lốc cát bụi mù mịt thảo nguyên đã ngừng đột ngột, và một khóm hoa rực lửa bỗng hiện ra. Ngọc với bộ váy áo đỏ, đứng lặng giữa chừng một tư thế múa, tay giơ cao chiếc khăn mỏng mầu lửa. Động tác của tôi ngày xưa, của chàng Đan-cô vừa móc trái tim bốc cháy trong lồng ngực của mình ra làm ngọn đuốc.
 
Tôi như trong cơn mơ, xô đến bên Ngọc, nắm lấy tay em: “Ngọc! Sao em lại ở đây?”. Ngọc đứng chết lặng, vẻ mặt diễn cảm cho bài hát và điệu nhảy vụt biến nhanh chóng. Ngọc trở lại là em như ngày xưa, buồn và kiêu kỳ.
 
*
 
Giữa năm bảy sáu, đoàn ca nhạc quân đội chúng tôi biểu diễn ở Sài Gòn. Thành phố mới giải phóng được một năm. Từ những thùng loa bày la liệt trên các hè phố vang những lời ca buồn lê thê như là các ca sĩ vừa hát vừa khóc. Cả những bài lính chiến cộng hoà hùng hổ kiểu phường tuồng nữa. Mới nghe thấy lạ tai hay hay, sau nhàm, phát bực mình, sốt ruột. Ấy là tự nhiên thế, chứ chẳng phải do được giáo dục tư tưởng gì. Đoàn chúng tôi đã hát những bài ca cách mạng và những bài hát ngoại quốc với giai điệu sảng khoái. Cũng là cách đem lại sinh khí cho một môi trường ca nhạc tù hãm, u ám.
 
Một đêm, chúng tôi hát ngoài trời. Đêm phương Nam như huyền bí, không khí thoảng nồng hăng, ngai ngái như chất men gây hứng khởi. Đến lượt mình, tôi hát và tự đệm ghi-ta. Một cậu phụ hoạ bằng bộ trống của Mỹ mới sắm có cường độ âm rất mạnh, ở những đoạn cao trào nghe dữ dội như chớp giật, núi lửa.
 
Khán giả thoạt đầu tỏ thái độ thăm dò, nghĩ rằng chúng tôi chỉ hát những bài “tiến lên”, “xốc tới”... sau họ ngạc nhiên khi thấy chúng tôi hát tình ca và những bài hát quốc tế kinh điển. Đến bài “Khúc hát giang hồ”, bài hát như dành riêng cho chất giọng của tôi, lần đầu tiên trong đời ca sĩ, tôi được biết tới sự hâm mộ cuồng nhiệt đúng nghĩa. Một cô gái mặc áo dài đỏ rực rỡ len qua đám đông dày đặc chạy lên sân khấu, dúi vào tay tôi bó hoa nát tươm vì chen lấn. Và cô gái mắt ướt đẫm đã vít cổ tôi, hôn tới tấp khắp mặt tôi. Tôi kịp nhận ra cô có nước da bánh mật, đôi môi mọng, sống mũi cao và cặp mắt buồn nhưng có vẻ kiêu hãnh, thách thức. Tôi đã tuyên bố với các đồng nghiệp rằng sẽ suốt đời không rửa mặt, để mãi mãi lưu giữ những vệt nước mắt và những vết môi son của cô gái đã ái mộ tôi hết mình.
 
Khi tìm được nhà ông chú ruột, tôi gặp lại chính cô gái ấy. Đó là Ngọc con riêng người vợ sau của chú tôi. Ngọc cũng là ca sĩ. Một nữ ca sĩ của những phòng trà, đang chờ nổi tiếng như Khánh Ly. Tôi hãnh diện thông báo điều đó với các đồng nghiệp và vênh vang:
 
- Được một ca sĩ xúc động khóc khi nghe ta hát là một thành công lớn nhất đời. Các người hãy cố gắng để gần được như tôi.
 
- Trái lại, ca sĩ đó khóc thương cho một bài ca hay đã bị một tên thợ hát hạng bét tàn phá! - Thằng cha chơi trống muốn làm tôi cụt hứng.
 
Nhưng rồi sau đó tôi thực sự hoang mang, nghĩ rằng hình như tay đánh trống đã nói đúng. Ngọc không hề tỏ ra có cảm tình với tôi, thậm chí còn như căm ghét khi nhìn thấy tôi. Có lẽ sự ái mộ nồng nhiệt đêm ấy là phấn hứng bất thường, một dạng stress ở những cô gái mới lớn? Có điều khốn khổ cho tôi là chính sự nồng nhiệt ngẫu hứng của Ngọc đêm ấy đã lấy mất hồn tôi.
 
Thằng Hùng, con người vợ trước của chú tôi cũng gườm gườm nhìn tôi thù ghét. Nó là một gã cảnh sát dã chiến mới đi học tập cải tạo về. Thằng trẻ con ấy nghĩ rằng mình là kẻ bất đắc chí, một kiểu Hăm-lét nội. Tôi điên tiết vì cái thói bắt chước những nhân vật bi kịch trong những cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội, đã mấy lần muốn cho nó một trận nhưng rồi tôi phải cố nhịn.
Ông chú nhạc sĩ chuyên sáng tác tình khúc mô-đen tiền chiến và là người theo thuyết vô vi, coi nhẹ mọi chuyện trên đời, đã nói với tôi:
 
- Con đừng chấp. Chúng nó bị nhồi sọ từ bé những điều nhảm nhí về Việt Cộng.
 
Thằng Hùng tuy thuộc bộ máy công lực bảo vệ đô thành Sài Gòn, nhưng chỉ là thằng nhãi cầm súng nhựa chạy theo một gánh hát, chứ bắn giết gì được ai, lý tưởng lý tung gì đâu! Còn con Ngọc có ba đẻ là thiếu tá không quân tử trận ở Khe Sanh, một tai nạn binh nghiệp, như mọi tai nạn nghề nghiệp khác. Nhưng hai đứa dị ứng với bộ đồ Quân giải phóng của mày. Thì cũng như bệnh sởi của trẻ con ấy, sẽ khỏi thôi. Chúng nó vẫn là “em út” của mày.
 
Tôi thấy yên tâm. Tuy nhiên tôi cũng tìm cách nói chuyện với Ngọc:
 
- Em nhìn kỹ anh xem có hung ác như áp-phích của bọn tâm lý chiến không? Nếu em muốn nghe, anh có thể hát bằng tâm hồn bài ruột của Elvis Presley, hay những bài gạo của ABBA... Em trai của anh cũng hy sinh ở Khe Sanh. Cô ruột anh chết vì bom Mỹ khi đang cấy lúa trên đồng, để lại những đứa em anh bơ vơ. Bố anh là liệt sĩ hồi “chín năm”. Anh không bao giờ quên. Nhưng những chuyện ấy đã qua rồi. Còn nhiều việc phải làm hơn là thù hận.
 
- Còn mày. - Tôi nói với Hùng cũng đứng đó. - Những người chết mà tao vừa nói ấy cũng là ruột thịt của mày. Bây giờ, anh em không phải tiếp tục nhằm bắn vào nhau cho những tham vọng của mấy thằng bụng bự lạ hoắc bên kia trái đất; mày còn khó chịu gì nữa?
 
Nhưng có lẽ tôi là một giảng viên kém, nên bài tẩy não ấy không mấy kết quả. Ngọc và Hùng vẫn giữ thái độ lạnh nhạt với tôi. Còn tôi thì mỗi ngày lại tìm thấy một điều đáng yêu ở Ngọc. Cô am hiểu sâu sắc về âm nhạc và văn học, tính tình mạnh mẽ, có bản lĩnh.
 
Bà mẹ Ngọc là một diễn viên cải lương có tiếng, ảnh hưởng tốt đến Ngọc. Bà rất tâm đầu ý hợp với ông chú nhạc sĩ của tôi. Nhưng bà và ông chú tôi không có con chung. Những ngày ấy đời sống khó khăn lắm. Chú tôi đã phô-tô những bản nhạc tiền chiến và đem những sách lý thuyết âm nhạc, tiểu thuyết cũ để bà vợ trộn lẫn với các loại sách bói toán tướng số, truyện võ hiệp... bán ở vỉa hè. Ngọc giúp má bán hàng, thỉnh thoảng tham dự nhạc hội thanh niên với những bài hát mới. Hùng suốt ngày ra quán gặp bạn cùng cảnh ngộ uống rượu. Tôi đem tiền lương và tiêu chuẩn thực phẩm của mình về phụ thêm với gia đình chú.
 
Nhưng Ngọc đã coi tôi như một kẻ xâm lược. Một lần tôi đang nằm đọc truyện chưởng, cô bước vào phòng với vẻ lễ phép cường điệu như chọc tức tôi:
 
- Thưa ông sĩ quan giải phóng. Dượng con mời ông xuống dùng bữa trưa.
 
Tôi phản ứng theo nghề nghiệp biểu diễn của mình, ngồi bật dậy, cất giọng hách dịch:
 
- Tốt lắm! Cô hãy đem thức ăn lên đây và đứng bên hầu rượu. Nhanh lên, đừng để ta nổi giận!
 
Ngọc chạy xuống gác. Lát sau tôi nghe thấy dưới nhà tiếng cười rộ của chú tôi và má của Ngọc. Rồi quan hệ giữa chúng tôi cũng được cải thiện. Một sớm chủ nhật, tôi về nhà ông chú sau vài tuần đi biểu diễn xa. Ngọc đón tôi vui vẻ khác thường:
 
- Em mong anh Hai về để cảm ơn đấy.
 
- Chuyện chi kỳ vậy, út? - Tôi bắt chước giọng Sài Gòn - Khi không lại cảm ơn! út không đặt bẫy qua đấy chứ?
 
- Lại còn ra vẻ coi như không có gì. Mà anh đừng nhại giọng Nam Bộ. Tụi con gái chúng em lại thích nghe giọng Bắc Kỳ.
 
- Được, thì nói giọng Bắc. Nhưng Ngọc cảm ơn anh vì cái gì?
 
- Vì tập nhạc chép tay rất đẹp anh tặng em. Có nhiều bài em thích lắm.
 
Tôi gõ trán:
- Có điều gì lầm lẫn chăng. Đúng là anh có bỏ quên tập nhạc ở đâu đó.
 
- Bỏ quên trong ngăn kéo bàn viết của em? Quên đã viết những câu bên lề bài ca “Khúc hát giang hồ” rằng anh sẽ suốt đời đem theo những vết môi hôn và những giọt nước mắt nhiệt thành của em! - Ngọc cảm động nói:
- Thôi được rồi. Anh xin chịu tội, nếu như chuyện đó làm em bực mình.
 
Ngọc im lặng. Tôi chờ câu nói: “Không! Em không bực mình, mà ngược lại...”. Nhưng Ngọc không nói câu đó và không nói gì hết. Cô chậm chạp bước lên gác.
Chiều hôm ấy, Ngọc nhờ tôi giúp thể hiện bài hát đã gây xúc động cho cô trong cái đêm ấn tượng nhất đời ca sĩ của tôi.
 
Như nhiều ca sĩ Sài Gòn cũ, Ngọc bị ảnh hưởng nặng lối hát thảm thiết cố định dành cho mọi bài hát có giai điệu buồn. Cũng giống lối diễn xuất quá tự nhiên thành thạo của các diễn viên cả lương nhà nghề.
 
- Em đừng hát theo cách buồn bã đơn điệu như thế. - Tôi nói với Ngọc. - Hãy hình dung ra những người Di-gan mệt mỏi bơ phờ, khép chặt vạt áo choàng, cúi rạp mình ngược gió, lê những bước chân lưu đầy trên thảo nguyên trơ trụi, vô tận. Hãy tưởng tượng rằng em ở trong đám người đó. Em đau đớn và kiêu hãnh vì được ở trong số những người bị Chúa trừng phạt suốt đời lang thang, nhưng lại được Chúa ban cho những khả năng kỳ diệu... vì chính nỗi khổ đau cay cực đã nuôi dưỡng những tài năng. Đó là sự an ủi của đấng tối cao đối với những số phận bất hạnh. Em hãy hát như những người Di-gan hát bài ca dành cho họ.
 
Ngọc lặng nghe, nét mặt cô bỗng trở nên u uất hoang dại và kiêu hãnh. Rồi cô hát, cặp mắt ướt, tiếng hát từ trong ức phát ra, tự nhiên như lối hát của những ca sĩ đồng quê phương Tây:
Dạt trôi khắp nơi... Đời gió cuốn theo cát bụi và tôi...
 
Khi Ngọc hát xong, tôi lặng người đi một lúc, sau mới xúc động khẽ nói với Ngọc rằng ngay cả I-ma-xu-mắc, nữ ca sĩ da đỏ nổi tiếng của Mỹ cũng không thể hát hay hơn em. Ngọc sung sướng bảo tôi: “Giải phóng quân mà cũng biết nịnh đầm!”.
 
- Anh đã bị mất hồn từ lúc em tặng hoa cho anh. - Tôi nói. - Bắt đầu từ một rung động nghệ sĩ tức thời, sau đấy là những đồng điệu về tâm hồn.
 
Ngọc không nói gì. Mà cần gì phải nói khi đôi mắt đã biểu hiện tất cả. Chúng tôi hôn nhau, không phải cái hôn trên sân khấu hôm nọ.
Nhưng có một rào ngăn vô hình giữa chúng tôi.
 
Trước khi chuyển sang Đoàn Ca nhạc Quân giải phóng, tôi ở một đơn vị pháo phòng không và đã tham dự trận Khe Sanh nổi tiếng. Khẩu đội của tôi đã hạ tại chỗ một trực thăng HU-1A và bắn trọng thương một phản lực cơ F4H. Chiếc máy bay ấy, sau cũng rơi ở khu rừng gần đó. Thằng em tôi ở bộ phận quân giải phóng đã chết vì rốc-két bắn từ máy bay đối phương. Có thể chính quả đạn rốc-két ở máy bay của ba Ngọc đã giết chết em trai tôi? Có thể chiếc máy bay ba Ngọc lái đã tan tành vì đạn pháo của tôi? Những chuyện dù thuộc về quá khứ ấy sẽ như quả bom nằm sâu trong quên lãng, có dịp vẫn có thể phát nổ.
 
Rồi có một chuyện đã đến thật bất ngờ.
 
Một tối, Hùng rủ tôi ra quán cà-phê. Cuối cùng thì cũng có sự thay đổi đáng mừng cho tình huynh đệ của chúng tôi. Tôi nghĩ thế và thân mật bảo thằng em: “Lẽ ra anh em mình phải đi nhậu tay đôi một bữa, nếu như mày nói sớm với anh.
 
Tao đủ tiền bao mày tới bến”. Nó im lặng một cách khó hiểu cho đến khi chúng tôi ngồi ở một góc vườn ít ánh điện. Tôi bảo Hùng:
- Không biết nói thế này có vô chính trị không, chứ tao với mày “Cộng sản, Quốc gia” gì thì cũng là anh em. Đúng không? Như vậy ông già sẽ không còn buồn về chuyện thế sự nữa.
 
- Vứt mẹ nó chuyện chính trị đi! Tôi muốn nói với anh về một chuyện khác. - Hùng bỗng dưng nổi đoá, dằn mạnh tách cà-phê, khiến tôi sửng sốt. Nó thở hắt ra. - Chuyện Ngọc!
 
Tôi lờ mờ hiểu. Và thằng em tôi đã nói với giọng cay độc:
- Anh cứ làm những gì mà kẻ thắng trận muốn làm, thậm chí anh có thể chiếm cả cái nhà mà ông già tôi có ý định chia đôi cho tôi và anh. Nhưng... Ngọc là của tôi!... Anh đừng có giở trò đấu hót. Tôi nói để anh biết, tôi và Ngọc sẽ vượt biên. Còn lại tất cả là của anh. Chúng tôi sẽ vượt biên, vượt biên...
 
Hùng nói to như quát, làm tôi hốt hoảng:
- Câm mồm đi, thằng khùng! Chuyện vượt biên mà mày sủa ầm lên như chó ấy! - Nhà tôi gồm những người dễ nổi nóng. Nhưng thực ra tôi đâu có nổi nóng. Tôi choáng váng như bị nện một gậy vào đầu.
 
Chúng tôi ngồi im lặng một lúc lâu. Hùng rít đến sáng rực đầu điếu thuốc lá, soi rõ khuôn mặt khổ sở đanh lại như sắt. Rồi nó nói, giọng khác hẳn:
- Anh Hai ơi, em xin anh. Em thương Ngọc từ khi em đi học tập cải tạo. Ngọc đến thăm nuôi, săn sóc em như má, như chị, như vợ. Lúc đó em mới thấy mình chẳng còn gì cả, chỉ có Ngọc. Ngọc là tất cả đối với em. Bây giờ anh để yên cho chúng em đi.
 
- Tao đâu có biết chuyện đó. Được rồi. Mày khỏi lo về Ngọc. Cả chuyện nhà cửa nữa. Ngay ngày mai tao về đoàn ở. Tháng sau đoàn ra ngoài bắc rồi, đi nước ngoài. Mày và Ngọc việc gì phải bỏ hai ông bà già đi đâu cho cực? - Tôi nói ra vẻ một ông anh độ lượng, cao thượng. Nhưng tim tôi lại gào lên câu hỏi: “Mày nói là mày thương Ngọc. Thế còn Ngọc? Hay là cô ta chỉ coi đó là tình anh em? Hai đứa ở một nhà từ bé, như ruột thịt, với những chuyện thông tục thường nhật, dễ gì đổi thành tình yêu!”.
 
- Anh cứ để mặc chúng em. Chỉ cần thỉnh thoảng anh thăm nom hai ông bà già cho chúng em. Em cầu xin anh Hai đấy. Em không bao giờ nghĩ rằng anh Hai lại phá em, nên mới có cuộc nói chuyện này.
 
Tôi còn có thể nói gì được nữa?
 
Hôm sau, tôi nói với mọi người rằng đoàn chúng tôi được lệnh chiều nay đi công tác miền trung rồi ra bắc. Hùng hớn hở như một đứa trẻ được chiều theo ý muốn.
Ông chú đang uống rượu, đã lơ mơ, gật gù bảo tôi:
- Con cứ đi. Đời trai giang hồ, chí lớn bình thiên hạ. Cứ đi đi!... ờ, mà chí lớn chí bé gì chúng mày! - Cái thuyết vô vi của ông lại trỗi dậy. - Kỳ này xong ba cái vụ hát xướng rồi chuyển vào đây. Tao với thím về Sóc Trăng. Nhà này một nửa của mày. Chú cưới vợ cho, rồi mở cho cửa hàng băng đĩa nhạc. Tao đã hứa với vong hồn ba mày là tao sẽ lo mấy cái chuyện vặt đó cho mày.
Ngọc lặng lẽ giúp tôi thu dọn hành lý.
 
- Anh Hai! Sự thật là thế nào? - Ngọc hỏi tôi. Linh tính của một người đang yêu đã mách cô biết có điều gì không bình thường. Tôi nhìn vào mắt Ngọc và hiểu được cô sẵn sàng đi cùng tôi với cuộc sống lang thang ca hát. Nhưng Hùng là em tôi, nó đang vô vọng.
 
- Không có gì đặc biệt cả! - Tôi cười, đeo cái túi du lịch lên vai rồi cung tay chào Ngọc theo kiểu “chưởng”: Hiền muội, hãy bảo trọng! Hẹn tái ngộ.
 
Tôi đã rời khỏi nhà ông chú như chạy trốn một sự phiền toái.
 
Ra bắc ít lâu, tôi được ông chú báo tin Hùng và Ngọc đã vượt biên.
 
Tôi thấy có điều gì đó giống như sự thanh thản. Nhưng cũng từ đó tôi chọn hát những bài hát về lửa, về những cơn giông bão và về vùng cao nguyên cằn khô khắc nghiệt.
 
Tôi nhanh chóng nổi danh trên các sân khấu ca nhạc.
 
*
 
Bây giờ thì tôi đang ngồi với Ngọc, trong quán rượu “Lính hầu Bi-ba”.
- Em nói đi, vì sao em ở đây?
- “Không có gì đặc biệt cả”. Ngày xưa anh đã trả lời như thế khi em hỏi về một điều hệ trọng đối với em.
- Lúc đó anh không thể nói khác được. Vì Hùng rất cần em. Còn bây giờ, hãy cho anh biết về em đi. - Tôi nói như van vỉ.
- Chúng em đến Tây Đức, rồi phiêu bạt qua Hung-ga-ri. Ở đó, Hùng đã bỏ em để sang Mỹ cưới con gái ông sếp cảnh sát cũ của anh ấy.
- Chú anh đã kể. Anh muốn biết về em hiện giờ.
- Anh đã có vợ con rồi phải không? Dượng cho em biết thế. - Ngọc vẫn không nói về mình.
 
Tôi thở dài: “... Nhưng chúng mình vẫn là anh em kia mà. Em hãy về nước đi. Dượng vẫn thương em như con đẻ. Về đi! Dượng sẽ lo mọi chuyện cho em”.
 
Ngọc uống cạn ly vang đỏ, ngắm chiếc ly không một lúc rồi đứng lên, mỉm cười:
- Má mất rồi. Em chẳng còn gì ở đấy để về. Em đã có cuộc sống khác. Chồng em kia kìa! Anh ấy là người Di-gan. Lấy nhau ở Hung. - Ngọc đưa mắt về phía gã chơi phong cầm lúc nãy đang vừa kéo đàn vừa nhảy như choi choi. Một gã béo lùn có cái đầu to xù, tóc xoăn tít, bộ ria rậm đen nhánh như mực. - Định mệnh đấy! Có lẽ vì em thích cái bài ca của người Di-gan mà anh đã hát.
 
- Không phải! Em nói dối! Nói dối! - Tôi hốt hoảng giữ tay Ngọc một cách tuyệt vọng. - Đừng tự đoạ đầy như thế! Anh xin em. Anh bay chuyến bảy giờ tối ngày kia, nhưng anh có thể xin ở lại lo việc hồi hương cho em. Anh có bạn thân ở sứ quán.
 
- Không cần phải thế. Em vẫn bình thường mà. Còn anh cũng nên về ở hẳn với dượng em để ông đỡ cô quạnh. Được, mất gì thì cũng đã được mất rồi. Đừng lang thang nữa, cực lắm. - Ngọc ho khan. Khuôn mặt thoáng tái đi. Chắc em không quen những mùa đông băng giá. Và rượu, và những cuộc nhảy múa ca hát kiếm sống thâu đêm đang tàn phá sức khỏe của em.
 
- Thế còn em thì sẽ chịu mãi được nỗi cực khổ vì lang thang? - Tôi hỏi.
 
- Chắc rồi cũng có lúc em không chịu được, lúc đó em sẽ chết. - Ngọc cười, như nói đùa - Có lẽ chết rồi, hồn em vẫn lang thang. Em thiêng lắm đấy nhé. Em sẽ tìm đến anh, luôn ở bên để phù hộ cho anh nổi tiếng hơn nữa. Nhưng nhớ đốt nhiều tiền vàng cho em làm lộ phí... Lâu lắm rồi mới nhớ đến tục đốt vàng mã của người xứ mình. Có lần em muốn đốt cho má em mà không có.
 
Tôi định nói rằng rồi tôi sẽ đốt vàng mã cho má em, nhưng tôi im lặng vì cơn nghẹn ngào dâng đầy lồng ngực. Ngọc như miễn cưỡng rút bàn tay ra khỏi tay tôi rồi “ôm quyền” chào theo kiểu “chưởng” như ngày xưa tôi đã đùa cợt em lúc chia tay:
- Bái biệt! Xin đại huynh hãy bảo trọng! - Ngọc ngập ngừng. - Có thể... muội sẽ đến phi trường tiễn huynh.
 
Nhưng mãi đến khi máy bay cất cánh, tôi mới mơ hồ thấy bóng Ngọc váy áo đỏ sẫm đứng lặng trên cây cầu vượt vắng tanh.
 
Cho đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi rằng, trong chuyện này, tôi có phải là người cao thượng, độ lượng không?
 
Khi bà thím tôi mất, tôi về đội khăn tang thay cho Ngọc, theo ước nguyện của bà. Có lẽ trước lúc theo Hùng vượt biên trong tâm trạng tuyệt vọng, Ngọc đã nói hết với mẹ về tôi. Hay vì cảm tính của người mẹ đã mách bảo bà? Ma chay xong, trong bữa cơm, ông chú say rượu, chửi tôi: “Thằng ngu xuẩn! Không, mày là thằng hèn nhát, ích kỷ, độc ác! Đúng, đồ hèn nhát! Hèn nhát! Hèn nhát!... Ngọc ơi, con ơi!”. Ông bưng mặt khóc rưng rức như kiểu những người quá say. Câu “Hèn nhát” được thét liên tục như những cái tát làm mặt tôi rát bỏng.
 
Sau này, trong một lần ngồi uống rượu với ông chú, tôi nói rằng những tính từ không hay ho mà ông ném tới tấp vào mặt tôi lúc đó là vô lý và bất công.
 
Ông chú nhìn tôi như nhìn một quái vật khốn khổ:
- Trước khi vượt biên, con Ngọc ngơ ngác như mất hồn. Nó hỏi tao: “Anh Hai chỉ rung động chốc lát kiểu nghệ sĩ chứ đâu có thực lòng yêu con. Anh ngán con vì ba con là thiếu tá nguỵ, chứ anh ấy thừa biết con chỉ coi Hùng như anh ruột, phải thế không dượng?”. Đấy, mày thử trả lời hộ tao! Còn thằng Hùng, nếu con Ngọc ở lại, thì nó đâu có đi!
 
Gió mạnh từng cơn dồn cuốn màn tuyết dày thành hình thù sống động của một con thú lớn có bộ lông trắng đang vật vã vì đau đớn. Trong khoang máy bay, tôi như nghe thấy tiếng rú rít thê thảm của con thú bất hạnh ấy. Và, tôi vẫn thấy trên cây cầu vượt, bóng em nhỏ nhoi trơ trọi, nhòe mờ trong làn bụi băng giá, bộ váy áo mầu đỏ sẫm như một vết thương ứa máu trên mình con thú tuyết khổng lồ kia. Vết thương trong không gian lạnh buốt.
 
Chiếc máy bay đưa tôi vượt qua mùa đông châu Âu trở về với nắng ấm. Dưới kia là những thành phố, làng mạc và những cánh rừng tuyết phủ. Một ý nghĩ giày vò tôi, rằng sẽ có một ngày em vĩnh viễn nằm lại đâu đó trên con đường lưu đày vô định ở một xứ xa lạ, giữa cơn bão tuyết mù trời. Và tôi nhớ đến câu nói của em lúc chia tay trong quán rượu Bi-ba: “Có lẽ chết rồi, hồn em vẫn lang thang. Em thiêng lắm đấy. Em sẽ luôn ở bên anh, phù hộ cho anh nổi tiếng hơn nữa. Nhưng nhớ đốt nhiều tiền vàng cho em làm lộ phí, để hồn em tìm đến với anh...”.
 
*
 
Tái bút: Người ca sĩ trong câu chuyện này bây giờ đã rời sân khấu, về mở lớp dạy thanh nhạc cho trẻ con. Dù anh vẫn tin thuyết xác suất và quả đất tròn, nhưng anh không được gặp lại Ngọc nữa. Vì anh không còn có dịp lang thang như ngày xưa.
 
Prague 1983, Hải Phòng 1996
 
 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.