Đánh giá
(Ấn tượng Tuyển tập truyện ngắn 75 gương mặt văn nghệ, NXB Hội Nhà văn, 2023)
Ấn tượng con số “75”
Nếu nối với Truyện ngắn tinh tuyển 60 năm Báo Văn nghệ (5 tập, NXB Hội Nhà văn, 2008) thì Tuyển tập truyện ngắn 75 gương mặt văn nghệ là hai ấn phẩm trong vòng 15 năm đánh dấu một chặng đường có ý nghĩa, minh chứng sự phát triển bền vững của văn chương Việt Nam hiện đại nói chung, thể loại truyện ngắn nói riêng, cùng với thơ ca khúc xạ hồn cốt văn chương dân tộc có truyền thống lâu đời. Nói không quá thì truyện ngắn là mặt tiền của văn xuôi (còn văn xuôi được coi là mặt tiền của văn chương Việt Nam đương đại, Đổi mới từ 1986).
Bảy mươi lăm (75) gương mặt văn nghệ dung chứa những con số biết nói: Tính đến nay (2023) có 42 nhà văn đã mất, 33 nhà văn còn sống và sáng tác; 4 nhà văn liệt sỹ; 30 nhà văn từng tham gia Quân đội và Thanh niên xung phong; 40 nhà văn thế thế hệ chống Pháp và Mỹ; 35 nhà văn thế hệ hậu chiến và Đổi mới; 63 nhà văn nam, 12 nhà văn nữ; 15 nhà văn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và 23 nhà văn nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; 8 nhà văn từng là nhà giáo; 2 nhà văn giữ chức Tổng Thư ký/ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; 15 nhà văn từng ở vị trí Tổng Biên tập báo chí, Giám đốc - Tổng Biên tập các nhà xuất bản trung ương.
Ai đó hay nói “con số lạnh lùng”. Tôi không nghĩ thế! Với tôi, 75 là con số đẹp, con số “biết nói” trong lĩnh vực văn nghệ nói chung, truyện ngắn nói riêng. Sinh thời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết về “Thời của tiểu thuyết”. Nay có thể tự tin nói về “Thời của truyện ngắn” (!?).
Ấn tượng tiếp nối thế hệ nhìn từ truyện ngắn
Kỷ niệm 75 năm Báo Văn nghệ ra số đầu tiên được tổ chức trọng thể tại Hà Nội sáng 26/10/2023. Trong cuốn kỷ yếu 75 năm Báo Văn nghệ (1948-2023) bạn đọc và người viết thân thiết đều đồng cảm và chia sẻ với tinh thần chung: “Từ thế hệ này qua thế hệ khác, đội ngũ cộng tác viên, đội ngũ nhà văn tập hợp xung quanh tờ báo ngày càng đông. Hầu hết những người trong đội ngũ ấy trước khi bước vào làng văn đều đi qua cánh cửa báo Văn nghệ. Có thể có một số nhà văn không xuất hiện tên tuổi mình trên tờ báo này tờ báo nọ, nhưng họ không thể không xuất hiện trên báo Văn nghệ”.
Bảy mươi lăm (75) gương mặt văn nghệ biểu trưng cho nhiều thế hệ: Từ thế hệ kháng chiến chống Pháp (Nam Cao, Kim Lân, Từ Bích Hoàng, Trần Đăng, Sao Mai, Hồ Phương, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Bùi Hiển, Nguyễn Khải) đến các thế hệ nối tiếp chống Mỹ, thời hậu chiến và Đổi mới; cuối cùng là thế hệ đang giữ vai trò quan trọng kiến thiết những đường nét, sắc màu văn chương mới - thế hệ f+ (bao gồm 7X, 8X). Nếu tính từ nhà văn Nam Cao (1917-1951) đến nhà văn Đinh Phương trẻ nhất (sinh 1989), sẽ thấy một độ dài thời gian hơn 70 năm từ thế hệ tiền bối đến thế hệ “hậu sinh khả úy”, tạo nên dòng chảy liên tục của văn chương, truyện ngắn Việt Nam thời hiện đại. Nếu Nam Cao là nhà cổ điển với phương châm “Sống rồi mới viết” thì Đinh Phương tiêu biểu cho Văn trẻ với động hướng tinh thần “Vì sao chúng ta viết?”.
Ấn tượng nghệ thuật văn chương nhìn từ truyện ngắn
Một nền văn chương giàu có, phong phú phản ánh trong sự đa dạng muôn màu, muôn vẻ của các phong cách nghệ thuật. Tất nhiên. Tạo nên những dấu ấn về các bước chuyển đổi quan trọng của văn chương Việt Nam hiện đại chính là thể loại truyện ngắn cùng với thơ. Nếu chúng ta nhìn lại “Một thời đại trong thi ca” (qua trước tác Thi nhân Việt Nam, 1942 của Hoài Thanh – Hoài Chân) thì cũng đồng thời liên hệ ngay tới một mùa bội thu truyện ngắn của các tác giả Nhất Linh, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nam Cao, Kim Lân, Bùi Hiển, Tô Hoài, Nguyễn Tuân...những nhà văn cổ điển đã góp công lao kiến tạo nên quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt trong thời kỳ ngắn chỉ có 15 năm (1930-1945). Nền truyện ngắn dân tộc có truyền thống từ trong văn học trung đại (thế kỷ X-XIX) đã thực sự được xây cất bền vững trong thời hiện đại (thế kỷ XX).
Văn học Việt Nam Đổi mới (từ 1986) cũng bắt đầu từ truyện ngắn với công lao của nhà văn Nguyễn Minh Châu – người mở đường tài năng và tinh anh với những truyện ngắn giàu phẩm tính văn hóa (Bức tranh, Cỏ lau, Bến quê, Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát, Sống mãi với cây xanh, Chiếc thuyền ngoài xa, Mùa trái cóc ở miền Nam, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành...). Đồng hành cùng Đổi mới văn chương, truyện ngắn ghi công sự đóng góp không nhỏ của các nhà văn tài danh Trang Thế Hy, Nguyễn Thành Long, Xuân Thiều, Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Kiên, Đỗ Chu, Dương Hướng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Bảo Ninh, Dạ Ngân, Trần Thùy Mai, Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Trường, Y Ban, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ...
Một nền văn chương giàu có, đa dạng và phong phú in dấu ấn trong các phong cách nghệ thuật, cá tính sáng tạo. Nở rộ các phong cách truyện ngắn như sắc màu đua nở trong một vườn hoa. Các nhà cổ điển trong văn học thời kỳ 1930-1945 (Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Bùi Hiển) đã khai thông mạch văn từ “hẹp” đến “rộng”. Nếu trước đây họ quan tâm đến “tiểu sử” của các thân phận, kiếp người thì nay quan tâm hơn đến “lịch sử”, đến số phận của nhân dân đông đảo và vĩ đại. Các nhà văn thế hệ chống Pháp và Mỹ được hiện thực ưu đãi, kê cao chỗ đứng của người cầm bút nên tiếp cận nhanh chóng và triệt để hiện thực đời sống trong dòng thác lũ lịch sử với những biến thiên long trời lở đất. Trong hoàn cảnh điển hình đó đời sống và con người thường hiện lên ở tầm cao, phía ánh sáng, lý tưởng. Vì thế nhà văn chỉ cần “ghi” lại trung thành và kịp thời “cái khách quan” đã có thể đảm bảo tác phẩm thành công phần lớn, thuyết phục độc giả phần nhiều. Khi cái anh hùng, cái đẹp, cái trác tuyệt thống ngự thì nhà văn tự giác “cùng xương thịt với nhân dân”, cất tiếng nói vì nhân dân. Vì thế âm hưởng sử thi-lãng mạn thấm nhuần vào trong tác phẩm đến từng chân tơ kẽ tóc. Những cá tính sáng tạo trong văn chương, truyện ngắn thời kỳ chiến tranh (1945-1975) đều có căn đế rộng và sâu khi hướng tác phẩm tới tính chất “biên niên sử bằng chữ”. Độc giả có thể thưởng thức nhã thú văn chương khi đọc Bút máu của Vũ Hạnh với sự hòa âm của cái kỳ ảo với cái hiện thực; có thể thả hồn cùng Nguyễn Thành Long với vẻ đẹp của thiên nhiên và con người bện quấn trong Lặng lẽ Sa Pa; có thể cùng Đỗ Chu lặn thật sâu vào những lớp phù sa màu mỡ vùng châu thổ sông Hồng qua thiên truyện mang vẻ đẹp tinh khiết của Phù sa; một lần cùng Dương Thị Xuân Quý phát hiện vẻ đẹp của Hoa rừng có sắc hương đặc biệt... Nghĩa là, đại bác nổ nhưng họa mi không ngừng hót. Chiến tranh là hủy diệt, nhưng cái đẹp có khả năng đứng ngoài sự băng hoại của thời gian. Cái đẹp và cái anh hùng trong văn chương, truyện ngắn thời kỳ chiến tranh trong từng trang văn dường như là một, hoặc giả được quan niệm như hai mặt của một tờ giấy.
Ấn tượng tương lai văn chương nhìn từ truyện ngắn
Cuộc thi truyện ngắn (2022-2024) Báo Văn nghệ đang vào hồi cao trào, có bằng chứng thực tiễn thuyết phục cho một vụ bội thu. Nhân dịp này nếu chúng ta nhìn lại những cuộc thi truyện ngắn do Báo Văn nghệ tổ chức gần nhất (2011-2013, 2015-2017) sẽ thực sự vui mừng vì nền truyện ngắn dân tộc thời hiện đại được tôn cao thêm cũng không phải vì tác giả, tác phẩm tăng về số lượng, mà vì chất lượng theo quy luật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Độc giả sẽ quan tâm tới thế hệ F+ (thế hệ facebook, gồm 7X, 8X và hơn nữa). Những cây bút của thế hệ này tuy đứng chân trong Tuyển tập truyện ngắn 75 gương mặt văn nghệ còn khiêm tốn (7 tác giả: Đỗ tiến Thụy, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Uông Triều, Võ Diệu Thanh, Phong Điệp, Đinh Phương) song có tính chất đại diện cho lực lượng viết truyện ngắn tương lai. Dĩ nhiên độc giả thấy cần thiết bổ sung, gọi về thêm những tên tuổi khác đã xuất hiện và thành danh trên văn đàn, gắn với Báo Văn nghệ như Nguyễn Ngọc Tư, Hồ Thị Ngọc Hoài, Thùy Linh (những cây bút đã từng hiện diện trong Truyện ngắn tinh tuyển 60 năm Báo Văn nghệ, NXB Hội Nhà văn, 2008).
Nếu xét về thi pháp thể loại thì truyện ngắn Việt Nam đương đại có những dấu hiệu khởi sắc, định hình, cách tân hơn so với tiểu thuyết. Ở đây chúng tôi không lạm bàn về “đẳng cấp thể loại”, đã có nhà văn cho rằng truyện ngắn là “dao găm, súng lục” chỉ có thể dùng “đánh gần”, cần phải có tiểu thuyết như “đại bác” trong tầm “chiến dịch, chiến lược”. Cách nói (quan niệm) này thể hiện căn tính định kiến của văn giới. Thực tiễn cho thấy “chân tủy” của văn chương không phụ thuộc vào “quy mô” tác phẩm. Lịch sử văn chương thế giới và Việt Nam đã cung cấp bằng chứng thuyết phục về những tác giả, tác phẩm truyện ngắn làm rạng danh nghệ thuật ngôn từ của một quốc gia như Lỗ Tấn (Trung Quốc), O. Henry (Mỹ), A. Chekhov (Nga), G. Maupassant (Pháp)... Tương tự, lịch sử văn chương Việt Nam hiện đại sẽ ghi công trạng của các tác giả truyện ngắn từ Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Thạch Lam đến Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp.
Tin tưởng vào tương lai văn học nhìn từ truyện ngắn. Tại sao không?!
Bùi Việt Thắng
Nguồn Văn nghệ số 44/2023
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com