chan_dung-ke_si

TRINH NGUYÊN -Truyện ngắn Hàn Nguyệt

15-07-2023

Lượt xem 868

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay

TRINH NGUYÊN -Truyện ngắn Hàn Nguyệt

 

   Chị xắn quần. Chị xắn quần khéo như người cuốn bánh. Chân chị vẫn còn trắng lắm, trắng đến xót xa. Chị đặt chân phải xuống ruộng, lớp bùn nâu thẫm phún lên kẽ chân. Cảm giác lành lạnh chạy dọc theo chân phải. Chị rùng mình. Cái cuốc con lưỡi chỉ to hơn môi múc canh rơi chỏm xuống ruộng. ấy chết, gãy mất hai nhánh lúa. Chị vội nhặt cuốc lên. Tay phải thấm nước, lạnh rờn rợn lên vùng ngực. Chị ôm lấy ngực theo phản xạ tự nhiên. Ngực chị đầy chặt tay. Chị mỉm cười cúi xuống. Vớ vẩn. Ruộng vẫn nguyên cỏ, làm kẻo trưa.

   Nắng bắt đầu lên. Tháng giêng nắng nhạt, lẫn bụi sương, rủ rê trên da thịt. Cái cuốc con đẩy lui thoăn thoắt trong tay chị. Một mình có ba sào lúa với hai sào khoai, chăn nuôi gà, đàn lợn nái cũng mướt mồ hồi. Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân. Số chị đã vậy, đành chịu.

   Chị thấy nhồn nhột đằng sau gáy. Có ai đó đang nhìn mình. Nắng chếch đổ một chiếc bóng dài xuống ruộng, những gợn sóng  làm cho chiếc bóng ngùng ngoằng. Chị dừng tay. Ðúng ông ta. Người cao lớn vòm ngực nở, mắt hơi xếch, ông ta như một kẻ  sơn tràng. Cục mịch mà mạnh mẽ. Chính cái đôi mắt xếch với tia nhìn dữ dội ấy làm chị khó chịu đằng sau gáy. Chị cố tình không quay mình. Cái cuốc con tiếp tục động đậy.

   - Thím Thư, tôi có chuyện.

   - ủa anh Hải. Chuyện chi mà trái đường trái gió rứa.

   - Là... cũng chuyện quan trọng. - Ông Hải nhè nhẹ đặt cày xuống đất, xắm rắm lựa thế ngồi - Thím nghỉ tay lên bờ tôi nói rõ.

   Ai thấy thì chết. Chị ngượng nghịu dúi dúi cây cuốc.

   - Thôi trưa về nhà hãy nói. Ruộng còn ngồn ngộn cả cỏ. Anh thông cảm.

   - Không, thím Thư, là tôi muốn nói cái chuyện mộ chú Ngộ ấy mà. Tiện đây gặp thím, tôi cũng không có ý tìm.

   Rứa thì được. Thanh thiên bạch nhật. Mình cứ thói xấu hổ đa nghi, trách gì già rồi như kẻ nít.

   - Dạ để tôi rửa tay.

   Ông Hải bảo  hồi này Nhà nước quan tâm đến chính sách thương binh liệt sĩ. Mộ chồng chị đừng nên để mãi trong vườn nhà. Nghĩa trang liệt sĩ ta đẹp, vừa rồi mới được tôn tạo, nên để xã đưa chú ấy vào nghĩa trang, ở vườn nhà chị chăm sóc chu đáo đấy nhưng chú ấy không có đồng đội, cô đơn.

   - Rứa là anh muốn để tôi cô đơn? - Chị rơm rớm nước mắt.

   - ờ... mà... ý tôi là như các anh trên xã. Còn thím thì... để mấy sào khoai tôi cày luôn thể, thím tự làm cực quá.

    Chị quẹt nước mắt, bùn ở tay áo dính một chút vào đuôi mày. Ông Hải định gạt vệt bùn cho chị nhưng ông đã rụt tay lại. Gương mặt  nồng nàn nhưng trầm uất của chị khiến ông không nỡ đụng vào. Ông Hải bứt vài ngọn cỏ, bập bập vào hàm răng chắc rịt:

   - Việc cày bừa của nhà tôi chỉ một mình tôi lo thừa sức. Chỉ tội cho hai đứa con gái, phần lo học hành, phần lo vườn tược. Thím thì chẳng chịu làm bạn với tôi. Ông Hải dặng hắng - Thím có mang nước theo không?

   Chị giật mình:

   - Dạ. Dạ, có.

   Nước lá nấu sôi kỹ, cho vào bi đông ủ trong bọc vải, quá nửa buổi nước vẫn còn ấm. Chị thận trọng rót nước ra nắp bi đông mời ông Hải. Mỗi nắp bi đông vừa vặn một ngụm. Nước lá chị nấu uống thơm tận tóc.

   Ông Hải chép miệng:

   - Ngon. Thiệt tình thím nấu nước lá ngon nhất xóm.

   Quê chị lắm đồi trọc, lúp xúp cây, đa phần là sim mua, thảo mộc. Trưa đúng ngọ lên đồi bẻ lá, lá vối, lá vằng, lá hón, lá bướm bạc, lá ngấy, bông trang rừng... phơi khô, nấu kỹ, đi biệt chân trời vẫn còn lẩn quẩn mùi nước lá trên môi.

   "Bọn mất gốc mới uống nước trà. Trà móc câu, trà Thái, trà nhài, trà sen, trà gì cũng đậm lưỡi nhưng chẳng có thức uống gì vừa bổ dưỡng vừa đậm đà hương vị bản xứ như nước lá". ấy là chị nghe lỏm chuyện của ông giáo Phùng với tay kỹ sư nông nghiệp buổi tối chị gánh nước qua.

   Chị đặt bi đông nước xuống cỏ:

   - Anh Hải à. Ơn anh tôi còn mang nặng lắm. Anh khuyên gì, bảo gì tôi cũng cúi dạ, riêng chuyện mộ anh Ngọ, anh cứ nói thẳng với mấy ông trên xã đừng đụng đậy làm chi. Sinh có nguồn, thác có cội, anh Ngọ ở trong đất đai cha mẹ tổ tiên là tốt lắm rồi.

   - Thím Thư, hai mươi mấy năm rồi thím đày đọa thân. Tôi thiệt bụng thương thím. Nếu thím gật đầu thì trầu cau vẫn chưa muộn. Tôi có ý...

   - Thôi anh Hải. ủa nắng lên lửng ngọn cây vối. Anh về kẻo thiên hạ nhòm ngó. Ruộng vẫn còn ngộn cả cỏ, anh thông cảm.

   Chị lật đật xuống ruộng. Chị xắn quần vội như người cuốn bánh bị khách giục. Ông Hải lắc đầu, uể oải nhấc cày lên vai. Ông cười thảm hại.

   Ông Hải vác cày đi chông chênh trên bờ ruộng. Chị cảm thấy rõ lúc này chiếc cày quá nặng với sức lực vốn rất cường tráng của ông. Mái tóc ông còn đen dày hơn tuổi năm mươi ba. Ông Hải đẹp hơn chồng chị nhiều. Chồng chị ngày xưa lỏng khỏng, ai nói gì cũng rụt cổ cười. Nhưng chồng chị có tài  ép hoa thị thơm lâu đến mê muội cả đám con gái mấy làng thung. Mớ hỗn độn ký ức lẫn với những cảm xúc hiện tại làm chị nhói đau. Chị ôm ngực ho húng hắng rồi lệt xệt dần vào bờ. Chị ngồi phệt xuống mép ruộng, thõng chân xuống nước. Thế là quá buổi sáng. Thế là quá nửa đời người. Chị khép đôi mi rợp cho hai giọt nước mắt lăn khẽ qua.

   Ngày chị lấy chồng, chỉ có mẹ vui. Ngày ấy chị có hai mươi tuổi lẻ. Cha mẹ chị chỉ có mỗi mình chị. Cấy lúa ruộng trũng, trồng khoai đất đồi, dăm bảy cây mít cây dứa đủ để nuôi chị lớn. Da hồng rựng, tóc dày mượt, đôi mi rợp buồn. "Ngữ ấy hồng nhan bạc phận" - mấy mệ bà chằng tụm đầu dè bỉu chị. Chị đẹp ngời ngợi ở tuổi mười chín, đôi mươi, điều đó khiến thằng cha thợ rèn khó tính nhất làng cũng phải thừa nhận. Trời còn cho chị một cái đẹp hiếm có: gót chân son. Cha chị gót chân chai sần, đi rừng không cần dép. Chân mẹ chị nứt nẻ, ra đồng mùa nắng khó phân biệt đường nứt ruộng với đường nứt chân. Gót chân chị đỏ hồng, mịn bóng hơn cả da mặt. Chân đất lội bùn, đạp đồi đào củ, hái rau, từ bé cho đến tuổi lấy chồng gót chân chị không hề có vết rạn nhỏ. Chị yêu gót chân chị lắm. Mỗi tối sau khi rau heo cháo chó chu tròn, chị ngồi lên giường nắn nắn gót chân. "Mình nghèo chẳng có gì cũng được đôi gót chân son" - Chị cười an ủi.

   Tưởng chẳng ai chú ý đến đôi gót chân ngà ngọc của chị, nào ngờ anh chàng Ngọ làng bên phát hiện ra. Ngọ là con út ông bà Liên, hai vợ chồng bác sĩ duy nhất của cả ba làng.

   Những năm ấy trai gái rậm rực vào dân quân du kích. Ngày cày ruộng cuốc rẫy, đêm tập trận bày bố kế hoạch đánh đấm không khí bùng bục như rượu nén. Chị vào du kích làng Thung Thượng, Ngọ du kích làng Thung Hạ. Một đêm vào cuối năm 1971, tiểu đội du kích của chị và tiểu đội của Ngọ được phân công đi dò đường lên cứ điểm địch ở Ðầu Mầu. Ði từ tám giờ tối, lần theo núi, đồi, khe, suối, khi trở về thì trời đã rạng. Chị thấm mệt, bấu vào vai Ngọ để vượt suối La La. Ðôi mắt tinh anh của Ngọ đã phát hiện ra đôi gót chân hồng ửng như táo chín. Ngọ mê gót chân chị. Bà Liên giục chồng hỏi vợ cho con.

   Cha chị chưa muốn gả con. Nó còn dại quá, tội nghiệp. Nhưng mẹ chị mừng lắm, lấy được con trai gia đình thầy thuốc duy nhất trong vùng, trái gió trở trời cũng đỡ lo, lại gia đình cách mạng, tốt quá, phúc quá.

   Những tháng sau Tết 1972, ngòi cháy của cuộc chiến tranh sắp đến độ bùng nổ. Hình như ai cũng linh cảm được điều đó. Ðám cưới chị buồn tẻ, vội vã, đầy những âu lo. Chỉ có mẹ chị vui như tất cả các mẹ nông thôn Việt Nam gả được con gái không còn lo ế ẩm.

   Ðêm tân hôn. Chị khổ sở ngượng ngập vì đúng ngày kiêng trong tháng. Ngọ rụt cổ cười, hai đứa bẽn lẽn như trẻ chơi đồ hàng bị hỏng. Chị hôn Ngọ rất lâu, để bù lại những cái hôn vội vàng đêm trăng tập trận, bù lại sự rủi ro của chu kỳ con gái rơi đúng vào đêm ngọc ngậm hoa cười.

   Cưới nhau được hai ngày. Cuộc tổng tấn công bùng lên. Cả vùng bờ nam sông Bến Hải ầm ầm trong bão đạn. Ngọ nhận lệnh theo tốp giao liên dẫn bộ đội chủ lực đánh chiếm cứ điểm Ðầu Mầu. Ðó là ngày mùng hai tháng tư năm bảy mươi hai. Chị nghe tin báo nhận xác chồng. Ông bà Liên đau đớn mất con nhưng lẫn cả niềm tự hào, nó đã hoàn thành nhiệm vụ. Hôm đó. Gio Linh, Cam Lộ chấp chới cờ đỏ sao vàng, chị đeo tang chồng, ôm gót chân khóc không thành tiếng.

   Chị ở với cha mẹ chồng ba năm nữa thì anh Thìn, anh trai cả của Ngọ về. Anh Thìn là đại tá, chị vợ thượng úy. Anh chị cất được ngôi nhà khang trang ở phố huyện, mời cha mẹ cùng ở. Chị một mình với ngôi mộ chồng côi cút cho đến tận bây giờ.

   Chị cũng không ngờ mình nguyên vẹn cho đến lúc này. Chị đã yêu chồng biết bao nhiêu. Ngọ cao mảnh, da trắng, miệng nói có duyên. Khi Ngọ nói, chị muốn uống từng tiếng. Ngọ yêu chị lắm. Ngọ ép rất nhiều hoa tặng chị. Nhiều khi tập trận, Ngọ giấu theo một gói hoa thị ép khô. Mãn buổi tập, hai đứa lại lên đồi sim, Ngọ rải hoa thị lên tóc chị, lên môi chị, bỏ vào ngực áo chị. Thơm. Thơm ngất cả đồi trăng. Thế mà bao giờ Ngọ hôn chị cũng vội vàng: "Về nhé, bảo đảm sức khỏe mai đi tập. Khi nào hai đứa cưới nhau..." Chao ôi. Vậy mà cả ngay một lần làm vợ chị cũng không có được. Nhiều đêm nghĩ miên man, chị bóp gót chân đến buốt mà không biết.

   Hồi mới giải phóng, chị suýt ngã lòng. ấy là vì cái anh chàng hạ sỹ Mận ở tiểu đoàn 17 đóng quân gần làng chị. Mận quê ở Bắc Ninh, hát quan họ ngọt mướt, miệng hát duyên hết rớt lưỡi hái. Mỗi lần chị đi gặt, Mận đòi làm "dân vận", gặt lúa giúp. Lúc đầu chị đuổi khéo, dần dà mê hát, ngồi bệt xuống cỏ quên cả bó lúa, cười đắm đuối. Tình hình đến tai ông bà Liên, bà Liên mắng chị tơi bời. Nào bẽ mặt cha mẹ chồng. Chồng hy sinh chưa hết khó đã lúng liếng. Liệu mà ở cho thơm mặt nhà chồng, thơm mặt vợ liệt sĩ. Chị khóc. Chị tự rủa mình. Chị lặng lẽ ôm gót chân và tự hứa chẳng bao giờ mềm lòng nữa.

   Chị tưởng chị sẽ bị cha mẹ chồng cột chặt vào ngôi nhà rường ba gian với ngôi mộ chồng quanh năm hoa cỏ. Ai dè bà Liên có lần đến ở lại thủ thỉ với chị hẳn một đêm. Ðại khái làm thân đàn   bà con gái phận mỏng, con còn trẻ tuổi, mẹ tùy con lựa bề tái giá. Bà Liên còn gợi ý có thằng Phi đẹp người tốt nết ở làng Yên Thịnh, dạm ý bà gả con dâu.

   Chị sực nhớ. Phi có chiếc xe đạp Thống Nhất, mỗi lần chị đi chợ thường dắt theo. Hỏi: "Sao không đạp xe?", đáp: "Xe hỏng". Phi rất đẹp trai. Mái tóc bồng hay gãi rối lên mỗi khi nhìn chị.

   Mấy buổi chiều sau hôm bà Liên thủ thỉ. Chị bồn chồn không yên. Chị nhận ra mình mong Phi, đợi Phi, rồi giả tảng mắng mình vô duyên.

   Phi đến thật. Phi mang đến mấy bông hoa giấu trong vạt áo. Phi ít nói, chỉ cười, nụ cười úp mở lời yêu. Chị rót nước, rơi vỡ hết bốn cái cốc. Phi nhặt từng mảnh sứ, vô tình nhặt phải ngón tay chị. Phải đến bảy tám hôm sau chị mới quên được cái vô tình hôm ấy.

   Thỉnh thoảng Phi đến, vẫn dắt xe.

   - Sao anh không đạp mà dắt cho mỏi?

   - Xe hỏng. Thử giúp xem nó hỏng chỗ nào.

   - úi dà. Súng các loại hỏng đâu em còn biết cách chữa chứ xe pháo thì em xin hàng.

   - Nói đùa. Pháo thì tôi là tay thiện xạ. Hồi lính, xe tăng xe pháo đối với tôi như trò chơi. Hay thật. Xe tăng trườn đồi. Xe tăng lội nước mới khoái, đạn sẵn tha hồ vãi. ấy chết... - Phi bịt miệng không kịp. Anh ta quên mất anh là lính thiết giáp ngụy đang nói chuyện với vợ liệt sĩ.

   Chị ôm gót chân tự rủa mình đúng mười lăm hôm. Trời ơi, biết đâu quả đạn của Phi đã cướp đi Ngọ của chị... Phải rồi, hồi giải phóng Phi đi cải tạo, vợ chưa cưới bỏ Phi. Trời ạ, mà sao mẹ chồng ta cũng loạng quạng. Chị oán mình, oán đời rồi khóc, bóp đau nhừ cả gót chân.

   Ðêm vùng trung du u u tiếng côn trùng. Thi thoảng lắm vào mùa mưa mới có tiếng ếch nhái, ễnh ương. Ðêm chị thường tắt đèn đi ngủ sớm, nửa khuya lùng bùng dậy dỏng tai nghe tiếng cú, tiếng vạc, tiếng chuột sục sạo. Ðôi khi các cháu nội ông giáo Phùng khóc đêm, nghe hủ hủ rồi nhòa hẳn vào tiếng đêm. Ngôi nhà cha mẹ chồng nhường cho chị ba gian lợp ngói. Ðêm cả ba gian nhà là vương quốc của chuột, gián, thạch sùng, có cả rết và bò cạp. Chị chẳng nỡ đuổi chúng. Ðêm quạnh quẽ, quan sát chúng đỡ cô đơn.

   Khổ sở nhất là những đêm trăng sáng. Trăng trung du độc địa, sáng vặc như soi tận nơi sâu kín của người ta. Vại nước đầy trăng. Chị vục nước tắm, trăng vỡ ra xõa lên mình chị. Trăng trung du trần truồng rất khó chịu. Tàu lá chuối gợi tình, phẩy phẩy, lấp lóa sáng. Gốc mít lâu năm đen đủi như gã đàn ông rình rập, dòm ngó chị. Chị cười khẩy, chẳng có ai cả, ai mà rỗi hơi.

   Chị cẩn thận kỳ cọ, dù biết chẳng có gì để kỳ cọ. Từ cái cổ tròn, chị lần xuống ngực. Tay chị làm lụng nhiều da tay ram ráp, xoa lên cặp vú căng muốt cứ ngỡ ai đặt tay lên. Vai chị cũng mềm. Ngày xưa Ngọ chỉ mới hôn lên đó. Ngọ chưa hôn vào chỗ nào ngoài môi và vai. Mấy mệ bà chẳng bảo đàn bà sướng nhất là mông, mông nục nạc đàn ông đụng vào như nam châm gặp sắt. Chị chẳng dám sờ tay vào nơi khốn khổ nhất của mình. Nếu phải kỳ cọ, chị dội nước thật nhanh như ma đuổi. Chị ngắm mình rồi ngửa cổ hình dung những điều quái gở. Nếu có ai đó yêu chị, hẳn người ta sẽ xiết lấy chị mà thốt lên, chị là nữ thần, như tượng nữ thần cụt tay chị thấy ở nhà ông giáo. ừ, nếu có ai đó để yêu, chị sẽ làm thế nào nhỉ, ít nhất là xem cặp mông tròn mẩy của chị có phải là nam châm không.

   Mùa trăng trung du dài. Chị hao mòn đi chút ít và đôi mi rợp thấp hơn.

   Một đêm vào cuối mùa trăng, trời se lạnh, chị tắm táp vội vã. Chưa kịp mặc áo, chị bắn người vì hai bàn tay sắt quắp lấy chị. Một thân thể nóng rực như lò than áp vào. Chị chỉ kịp hét lên: "Bác Phùng ơi, cứu cháu", thì bị đè vật xuống. Gã sờ soạng, gã tìm miệng chị để bịt lại. Một tay gã tìm nơi khốn khổ nhất đời chị, gã thở như lợn bị trói. Nhưng trời cho chị sức lực đạp đổ cả cây vối chặt nửa. Gã đàn ông đen nhẻm lòng khòng, tay chân cứng như nạng sắt bị chị xô bật, văng ra đám nhầy chỗ vại nước. Chùm bầu khô rơi loảng xoảng.

   Gã đàn ông biến vào vạt chuối.

   Ông giáo Phùng vác gậy lạt xạt băng qua vườn.

   - Trộm hử?

   - Dạ. Dạ không. - Chị khép vạt áo - Thằng Thỉ thợ rèn bác ạ.

   - Không sao chứ? Khổ quá! Thằng này phải nhờ ông Hải giã cho một trận mới được.

   - Dạ thôi bác, không có sao đâu mà, bác đừng nói gì xấu mặt cháu.

   Ông Phùng không nói gì thật. Ông chỉ bảo con Hồng cháu ngoại học lớp bốn sang ngủ đêm với chị. Con Hồng tính rụt rè nhưng chăm đọc sách. Có lần đọc sách xong nó bảo:

   - Dì Thư sao không lấy bác Hải? Bác Hải coi bộ thương dì lắm.

   - úi dà. Hồng muốn dì Thư thành mụ dì ghẻ trong chuyện Tấm Cám đó hử?

   - Eo!  Vậy thì thôi. Làm dì ghẻ chán chết, dì ha.

   Con Hồng ngủ, mặt nó phảng phất cười, chị nắn nắn gót chân không ngủ được.

   Cây vối đơn độc đầu bờ ruộng hồi bom đạn sạt tận gốc. Hai mươi mấy năm chồi khẳng khiu cao dần. Lá của nó đủ chị hái uống suốt đời. Mùi vị nước lá uống không tả được, chỉ thấy ngan ngát nhẹ bẫng cả mặt, cả đầu. Nước lá chị nấu, có một người biết là nó ngon đến mềm môi. Ông Hải. Ông Hải là trung đội trưởng du kích hồi ấy, ông Hải xót Ngọ lắm. Ông Hải cũng thương chị. Ban đầu ông thương như một người anh cả thương đứa em út bạc mệnh. Rồi ông cũng không cắt nghĩa được sự quyến luyến của ông. Hình như. Mà phải. Ông yêu chị. Vợ ông hiền thục, sinh hạ được hai cô con gái rồi chết trong lần sinh thứ ba. Vợ ông to khỏe, có thai chín tháng vẫn đi chặt củi, đốt than. Sinh con to quá, trạm xá xã dốt nát, uể oải chẳng ai giúp chị kéo được đứa con trong bụng ra. Vợ ông chết, đứa con thứ ba chưa sống được một giờ cũng chết. Ông thành người bất hạnh.

   Ông Hải là người hay mộng mị. Suốt nhiều năm rồi ông ít mơ thấy vợ, chẳng mơ thấy gã thợ rèn khó tính thường cãi nhau với ông vì rèn rựa chóng cùn, ông chỉ mơ thấy chị. Chị đẹp quá, nồng nàn quá. Ngọn đèn leo lét nhà chị bao giờ cũng tắt khi bầy lợn không còn kêu in ỉn nữa. Chị một mình nuôi lợn nái, gà bầy, một mình cuốc đất, bó lúa, sảy rơm. Chao ôi. Những việc nặng nề kia, ví như việc sửa lại gian bếp lâu năm mối mọt, lẽ ra lực trai như ông làm mới phải. Ông muốn nói với chị ông yêu cả những nếp nhăn mủi lòng bắt đầu gợn lên đuôi mắt chị. Vậy mà ầm ờ mãi ông chẳng nói được gì.

   Cả vụ lúa đông xuân, ông theo dõi năm thửa ruộng cộng bằng ba sào của chị. Vụ này không sâu bệnh, mưa thuận gió hòa.

   - Ðược mùa rồi đó anh Hải. Mấy năm ni mưa lũ nhiều, huyện đồng bằng nghe nói có nước cuốn trôi cả trăm ngàn tấn. Mình đây lúa má ít ỏi, dăm bảy tạ được mùa cũng đã mừng húm.

   - Thím Thư à. Ruộng thím ruộng tôi chập lại bằng một sức người làm. Thím cứ để chuyện gặt hái cho tôi, ở nhà nấu nước lá cho ngon là được.

   - Anh Hải hay đùa. Quá nửa đời tôi có chết cũng đã vừa, huống chi đôi ba sào lúa đâu có nặng nhọc mà anh làm lớn chuyện.

   Chị tủm tỉm. Tay chị bó lúa chắc và khéo như tay đàn ông. Chân trái bấm xuống ruộng, chân phải đạp hờ lên bó lúa, dây lạt tre mềm mại "kít" một tiếng khe khẽ. Bó lúa gọn thon như lưng chị. Chị xóc lúa cũng khéo. Tay phải nhấc đòn xóc, xoay một vòng, chị đặt mũi xóc đúng vào giữa tâm bó lúa, nhún một cái, mũi xóc găm qua chạm mặt ruộng. Chị hất bó lúa ngược lên, đặt mũi xóc kia vào bó lúa thứ hai, nhún nhẹ. Gánh lúa vụt bẫng lên vai, không rơi một hạt.

   Ông Hải chỉ còn biết lắc đầu. Hai bó lúa vàng rộm nhún nhẩy theo bước chân.

   Từ xa vẫn thấy đôi gót chân đỏ hồng của chị đạp lên thảm gai trinh nữ, có cả mùi nước lá theo về dưới chân đồi.

Tháng tư 1997 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.