chan_dung-ke_si

TRĂNG LU - Truyện ngắn Lê Vĩnh Hòa

14-10-2023

Lượt xem 1963

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Lê Vĩnh Hòa

TRĂNG LU - Truyện ngắn Lê Vĩnh Hòa

Nhà văn Lê Vĩnh Hòa (1932-1967)

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn liệt sỹ Lê Vĩnh Hoà, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1932, tên thật là Đoàn Thế Hối, em ruột nhà văn Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn). Lê Vĩnh Hòa quê Bình Định nhưng sống từ nhỏ ở vùng Rạch Giá, Kiên Giang và đứng về phía nhân dân. Vì thế các tác phẩm của ông đậm chất văn hóa và ngôn ngữ trong không gian sông nước Miền Tây. Không như người anh trai sống trong vùng địch chiếm, ông từng bị tù 5 năm dưới thời Ngô Đình Diệm.

Nội xóm, từ quán chú Xồi tới nhà bác năm Cà-Cuống, coi kỹ không có chỗ nào làm rạp hát điệu cho bằng cái sân đình này.
Nè, " hậu trường " là ruột của bàn thờ ông Thần Nông bằng xi-măng, rộng rãi. Đào kép chun vô đó bôi lọ nghẹ, thoa bao nhang ấm cúng thấu trời. Còn hễ chun ra là đụng ngay cái nền gạch cao : sân khấu đó. Phía trước là sân đất rộng mênh mông, chứa năm trăm khán giả còn không chật. Muốn ngồi thượng hạng thì cứ leo tuốt lên cây gừa ngồi, chớ có ai cản đâu (trừ ông từ ưa ra nạt bất tử).

Bởi vậy cho nên, tối tối - những tối có trăng - tiếng trống ếch tung tung của thằng Hai Méo vang lên, xen lẫn với tiếng thùng thiếc bể xèng xèng của thằng Cảo con chú Xồi làm nôn nao ruột gan lũ trẻ trong xóm. Tụi nó hối hả lùa cơm, cột trâu, tắm?.cái gì nhằm lúc đó cũng phải làm gấp để kịp tụ hội tại rạp hát đúng giờ trước khi trăng tỏ.

Đào kép tiếng tăm ở ấp Trà-Lọt không sót một mặt nào. Về đào, phải kể trước hết là con Nga, tay chơn dịu nhĩu, chuyên đóng vai bi ai ; con Ái giọng eo éo, ưa giành làm cô Lan trong Hoa Rơi Cửa Phật ; con Nhãn tướng tá phục phịch thích làm tướng, con Nghĩa hò "số dách", thường đóng vai thôn nữ trong Tình Yêu Thôn Dã ; con Mai xuất sắc trong lớp Nguyệt-Thu-Nga.

Nói qua kép thì có thằng Út Trà-Lọt với sáu câu vọng cổ mùi rệu thấu xương. Trà-Lọt là tên anh em trong gánh đặt cho nó đó. Út Trà-Lọt mà gặp Sáu Nhỏ đờn ghi-ta thì phải biết ! Nó lim dim hai con mắt, rướn gân cổ nói lối, qua nhịp song lan, bỏ xuống chữ hò,người mộ điệu nghe qua thiếu điều muốn rụng rún. Ngoài ra còn phải kể thằng Tương ti hí mắt lươn, cái mặt xỏ lá, đóng vai nịnh không chê. Rồi tới Tám Rỗ, cái thằng mặt xấu xí vậy đa chớ nó có giọng cười be he không dễ gì kiếm, nên chuyên môn thủ vai công tử bột. Thằng Sáu Địa mập ù mập ú không biết ca, biết hát, đánh gươm đánh kiếm gì ráo, chỉ có môn làm vua đập bàn la ải ải và vân vân?

Trăng sáng hực hỡ ngoài trời. Trăng sáng tràn lan nơi sân khấu. Đào kép bấy nhiêu mà khán giả cũng chỉ bấy nhiêu. Vài mươi đứa chộn rộn ồn ào lăng xăng chờ đợi.

Cộp ! Cộp ! Cộp !

Hai cái chăn tắm dơ hầy " trịnh trọng " vẹt qua hai phía. Rồi thì một thằng cha Kinh-Kha từ dưới bàn thờ Thần Nông lót tót chun ra, mình bận áo sơ-mi măng-sết đen, quần vải hột dền cột túm ống. Nó đi tới đi lui, nói nghinh ngang phách lối một hồi cho đã, rồi hờ ơ thằng cha Tần-Thỉ-Hoàng mắc lo vuốt râu cười ha hả, liền nhảy lại, rút con dao cây bôi lọ nghẹ ra ẹt cổ bạo chúa ! Nhưng rủi thay, con dao trợt ra ngoài, tráng sĩ chới với, liền bị một tên quân hầu cận bận quần xà lỏn đứng kề bên vớt cho một đao ngang cuống họng.

Út Trà-Lọt - tức Kinh-Kha đó đa - té quị xuống rồi chờn vờn đứng dậy, con mắt chớp lạch, hai tay uinh uinh tới trước, rướn cổ lên quất trọn sáu câu ngon lành, xong xuôi mới yên bụng, từ từ ngã xuống gạch, chết giả.

Khán giả vỗ tay rốp rốp, la lên : " Cụp đa ! Cụp đa Trà-Lọt ! ".

Đêm đó trăng gần xế, tuồng mới vãng. Đào kép trổ hết tài, mồ hôi ra ướt áo. Vậy mà vừa hạ màn là tụi nó chạy ùa lại chỗ cây gừa, bu quanh anh Hai Hảo hỏi tíu tít :
Anh Hai coi được không anh Hai ?

Mùi hông ?

Ờ ! Mà tại con Mai nó chết bộ quá, chớ không thì còn ác nữa đa anh.

Đổ thừa hoài. Bộ người ta vậy mà chết nỗi gì ?

Hổng chết hả ? Mầy phải biết khi người ta đóng tuồng nầy hễ khi hát tới khúc " Anh ôi !? " thì phải rề lại gần thằng tướng Nhựt-Thanh-Thiên nắm tay nó. Cái nầy mầy đứng chết trân như trời trồng mà còn cãi nữa !

Đừng làm tàn. Giỏi sao hồi nãy hổng lên đóng đi. Ai mà làm kỳ như vậy cho được ?

Thôi thôi ! Giữ trật tự đi.

Tụi nó đương tức nhưng cũng ráng bấm bụng nín thinh, nghe lời anh Hai Hảo.

Từ ngày mở gánh tới giờ, đây là lần thứ nhứt mà " bổn ban " tụi nó hân hạnh được một quí khách là người lớn tới dự cho nên tụi nó vồn vã cũng phải. Chớ mọi lần người lớn có ai thèm léo tới coi tụi nó làm cái thứ gì. Nghe đánh trống điếc tai có khi họ còn lại nạt um sùm, báo hại cuốn màn chạy không kịp.

Anh Hai Hảo là anh ruột con Nga, tuổi nhỏ mà đi đây đi đó nhiều, tánh tình lại hiền lành, anh ở đời điệu như vậy hèn chi trong xóm ai nấy cũng đều thương hết cũng phải.

Chờ cho tụi nó dứt ồn ào, anh Hảo mới ngồi xuống đất, bảo tụi nó ngồi vòng quanh. Anh bắt đầu nói. Tụi nó im khe.

- Mấy em đóng tuồng khá lắm. Giọng ca trong trẻo, đóng có thần, điệu bộ tự nhiên, dạn dĩ. Nhỏ mà như vầy, lớn có tương lai lắm. Nhưng chỉ tiếc có một điều là các em không biết chọn lọc tuồng. Hát nhảm nhí có hại lắm. Tích xưa, tuồng hát máy cũng có cái dở, cái hay. Mình còn nhỏ mặc dầu chớ cũng biết cái phải cái quấy, ghét chuyện đói rách giặc giã, thích chuyện no ấm thái bình, biết thương bà con làng xóm, thương nước, thương người trung. Bày đặt hát làm chi cái chuyện giành vợ giựt chồng đánh chém đổ máu đổ mủ, có ai mà khen đâu. Vậy mà còn ôm bụng than van " Em ơi ! Cái quả tim anh ngày nay nó đã nát ngướu như một hũ tương hơ hơ hơ... tàu! ". Rệu quá.

Tụi nó cười ha hả. Coi bộ thấm ý. Anh Hai Hảo tiếp :

- Hồi nãy có em nào nói em Mai đóng chết bộ đó. Nói vậy cũng trúng mà cũng trật. Vậy chớ sống làm sao được. Còn con nít mà biểu nắm tay kêu anh ơi anh hỡi thì sống làm sao cho nổi mà sống nè ! Trong đồng bái thiếu gì chuyện hay. Cô bác mình còn biết thiếu gì tuồng tích có ý nghĩa. Trong làng xóm còn biết bao điệu hò, điệu múa theo kiểu chèo ghe, đập lúa cắt cỏ cho trâu ăn. Mình vừa làm vừa tập, tối đem ra hát múa lại, có phải vui không ? Anh nói vậy mà mấy em nghĩ coi có phải không ?

Phải ! Mà anh Hai tiếp dẫn tụi tui với đi.

Ừa ! Anh tiếp.

Tụi nó hoan nghinh một cái rần.

Nắng chiều thoi thóp trên cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ xác xơ. Vài con cò uể oải bay xập xận bên kia rặng trâm bầu. Đìu hiu quá !
Sau một lúc lâu im lặng, con Nghĩa vuốt tóc con Nga, nói như khóc : 

- Mầy đi, tụi tao buồn quá. Mất đào chánh chắc rã gánh rồi.

Con Nga khẽ lắc đầu. Oanh đứng bên, thơ ngây hỏi :

- Ở Sài-gòn chắc vui lắm chị há ! Có sung sướng cũng đừng quên tụi tui ngheo. Đừng quên gánh hát Trà-Lọt tụi mình ngheo !

Con Nga ứa nước mắt, không biết phải trả lời sao. Thằng Tám Rỗ thạo đời, xen vô giảng giải :

- Con Oanh mầy không biết cái gì ráo. Con Nga nó đi ở đợ giữ em cho bà chủ chớ làm vua làm chúa gì mà sướng mà vui. Tao hiểu nhiều mà ! Sài-gòn vui là vui với kẻ có nhiều tiền kìa, chớ còn mình bỏ nhà cửa, ra đi ở đợ ở đần, kiếm miếng cơm thừa canh cặn mà vui cái nỗi gì, Oanh ?

Tủi thân, con Nga bụm mặt, khóc òa. Tụi nó lặng thinh. Thằng Nhẹo ngó mông. Nó nhớ tới hồi mùa rồi, làng xóm còn khá giả, gánh hát tụi nó cũng nhằm lúc hưng thời. Từ khi sửa đổi tuồng tích, có người tập luyện, gánh hát thiếu nhi Trà-Lọt nổi danh như sét. Người lớn trong xóm hết coi thường tụi nó. Ai cũng trông cho mau có con trăng để được coi tụi nó hát, múa, hò lơ. Người ta khen, chê, sửa chỗ này, thêm chỗ nọ cho tụi nó. Chú Xồi có khi còn dám cho mượn hai cái đèn khí đá treo hai bên nữa. Hôm cúng kỳ yên, ông từ kêu chúng nó lại diễn tuồng " Bạch-Phù-Dung loạn trào " cho mấy ông già coi chơi. Vậy mà có thiếu gì người rơi nước mắt, móc tiền ra cho Bạch-Phù-Dung, lấy không muốn kịp. Tiền đó tính để mua màn.

Vậy mà mùa nay?Nó thở dài. Bỗng có tiếng đứa nào đó ngập ngừng nói lên :

- Đêm nay có trăng, tụi mình hát một đêm cuối đưa chị Nga lên đường. Đồng ý không anh em ?

- Đồng ý ! ? Chị Nga cũng hát nữa nghe. Hát một đêm với tụi tui đi.

Buồn quá làm sao mà hát cho nổi. Nga im lặng giây lâu. Nhưng không biết nghĩ sao lại khe khẽ gật đầu.

Đêm nay trăng lên quá ngọn tre. Sân đình im tiếng trống. Đàn trẻ ngồi khít bên nhau trên nền gạch trống trải bơ vơ, lặng lẽ.
Mới đêm hôm qua, con Nga còn ca múa trên sân gạch nầy. Giờ thì còn đâu nữa. Vì hồi sớm mai, sau đêm hát cuối cùng, Nga đã lên xe theo bà chủ đi Sài-gòn rồi. Hồi sớm mai, đưa bạn lên xe, tụi nó thấy con Mai bồng cháu bà chủ ngồi sát phía trong, day mặt dòm chỗ khác. Khi xe chạy, nó úp tay vô mặt, không dám dòm lên; hai vai nó run run. Bộ nó sợ dòm lên thấy bạn bè rồi tủi thân. Xe chạy mất rồi ! Chắc con Nga khóc nhiều. Tội nghiệp nó biết chừng nào.

Thằng Tương ngồi ngó trân trân lên sân vắng. Nó nhớ quá ! Nó còn như thấy hình ảnh đêm qua : Đêm qua con Nga thủ vai Đào-Tam-Xuân tuyệt diệu.

Gọn gàng trong cái áo hồng thắt lưng xanh, đầu bịt miếng vải đen, con Nga rút gươm truyền lanh lảnh :

- Tam quân ! Đã đến tận kinh thành Tống thất. Lịnh truyền chúng tướng đình binh. Cả tiếng kêu bớ Triệu-Hoàng huynh ? Khá thượng thành đối nại với Đào-Tam-Xuân cho mau bớ Triệu-Hoàng huynh ! (1).

Giữa tiếng kèn lá cây áo não, giọng của Đào-Tam-Xuân run lên, đầy uất hận : 

- Hay cho Hoàng huynh ! Giỏi cho Hoàng huynh ! Tôi hỏi chớ Nhữ-Nam-Vương hà tội ? Mà Hoàng huynh nhẫn sát chi. Chồng tôi có tội tình gì ? Sao vô cớ võ tràng hạ sát là hạ sát làm sao chớ ??

Chồng tôi có tội tình gì mà giết ? Có phải là tội hết lòng thờ nước, tội hết sức cứu dân, tội liều mình dẹp giặc Khế-Đơn, tội vì nước trừ quân gian nịnh, tội làm tôi trung tín, tội làm đứng công thần, tội muốn nhứt thống giang san, tội khuôn phò xã tắc. Hay tội gì ? Xin Hoàng huynh hãy nói đi, bằng không tôi sẽ đạp thành như bình địa?

Thấy vẻ mặt căm hờn đau khổ của con Nga, nhớ tới anh Hai Hảo ngày nay không còn nữa?thằng Tương bỗng sợ quá. Nó đương đóng vai Triệu-Khuôn-Dẫn, nhưng nó tưởng chừng như chính nó thiệt tình đã làm cho gia đình con Nga khổ. Nó run rẩy, bệu bạo : 

- Tội nghiệp cho Trẫm lắm, Vương phi ôi ! Xin Vương phi chớ dùng nhiều lời gắt gao mà tội nghiệp cho Trẫm lắm Vương phi à !

Bỗng con Nga bật khóc. Khóc thiệt tình. Nó nức nở nghẹn ngào nói qua dòng nước mắt : 

- Bây giờ Hoàng huynh mới biết tội nghiệp ! Hoàng huynh ơi ! Sao Hoàng huynh chẳng nhớ thuở bên cầu hộ giá ? Chẳng nhớ hồi cứu chúa xả thân, chẳng nhớ khi lưu lạc phong trần, chẳng nhớ lúc giang hồ lao lực. Nhờ ai ??

Nước mắt lăn từng giọt, từng giọt, từng giọt trên má, xuống môi, xuống cằm và nhỏ trên áo hồng của Đào-Tam-Xuân. Có những tiếng khóc thút thít ở phía dưới sân khấu. Bao nhiêu người đã chia sớt nỗi đau khổ của nó, bác Năm lấy vạt áo chậm nước mắt, nói : 

- Tội nghiệp con nhỏ quá !

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 

Lũ trẻ quay nhìn nhau. Trăng xế ngang đầu. Sương đêm bay trắng đất trôi một màu tang tóc. Đêm nay, đêm mai, cho mãi tới đêm nào, hình ảnh Đào-Tam-Xuân đã không còn nữa trên sân khấu quen thuộc thân yêu này.

Đêm nay, trăng lu.

Hàng dương cao rên rỉ thì thầm.

Có đàn trẻ lặng nhìn nhau, thẫn thờ, rướm lệ.

Lê Vĩnh Hòa
XII, 56

Những câu hát trích trong bài này rút trong tuồng Trảm Trịnh-Ân vì không rõ tên soạn giả nên không ghi ra đây. Xin cáo lỗi.

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.