30-05-2023
Lượt xem 2223
Đánh giá 1 lượt đánh giá
- Con ạ! Làm thằng đàn ông bản lĩnh không, chưa đủ. Phải biết người biết ta... Lòng người khó đo.
Làng tôi ở một vùng núi hẻo lánh, khỉ ho, cò gáy. Ba tôi trước đây làm nghề thợ rừng. Mười tám tuổi ba đã là thợ gỗ nổi tiếng với những đường đẽo sẵc sảo, với sức mạnh và lòng dũng cảm "ăn của rừng rưng rưng nước mắt". Thời gian sau có người phất lên nhờ nghề trầm. Ba tôi bỏ nghề gỗ chuyển sang làm trầm. Gỗ hay trầm đều là của rừng cả.
Năm thứ ba ở trường đại học tôi bị kỷ luật vì đi thi giùm đứa bạn. Trở về nằm nhà, sống hoang hoải. Hậu quả của sự càn rỡ vay mượn, bồng bột ngây thơ đã làm tôi buồn đến khánh kiệt. Một bữa ba tôi có ý định cho tôi đi theo lên rừng tìm trầm. "Cho con biết thế nào là lao động đích thực, thế nào là cực nhục" - ba tôi bảo vậy. Ði đợt này có ba người: Ba tôi, tôi, anh Ðang - con bác Hai tôi. Ði bộ năm sáu ngày đường mới đến nơi có trầm. Ðường đi khó khăn lắm, phải cắt rừng, vượt thác, trèo lên những con dốc đứng đến nỗi mũi chạm đất. Trưa ngày thứ sáu chúng tôi đến ngọn núi có tên là Sương Mãi. ở đây đêm ngày sương mù vây phủ, khái niệm về thời gian mất đi.
Tôi hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra giữa khu rừng heo hút, âm u này một nấm mộ, cỏ đã lên xanh. Trả lời sự thắc mắc của tôi, ba tôi kể:
Câu chuyện thứ nhất:
Hai anh em Phú, Quý quê ở Phú Khánh ra vùng này tìm trầm. Cùng đi trong bầu (1) có hai người nữa tên là Thân và Lương. Trước khi đi họ làm lễ ăn thề, sống chết có nhau, gặp phúc cùng hưởng, gặp nạn cùng chia.
Hơn nửa tháng dạo quanh ngọn Sương Mãi vẫn không tìm được chút trầm nào. Họ bắt đầu nản chí. Lương thực gần cạn. Sang ngày thứ mười bảy, hai anh em Phú, Quý đang ngồi nghỉ chân, hút thuốc bên cạnh một lùm gai mây rậm rạp, tình cờ phát hiện một cây dó mục nằm dài dưới giàn mây. Họ phát cây và dây leo quấn quanh nó, bóc hết lớp gỗ và mối, dần dần những gộc trầm lớn hiện ra đen óng ánh. Hai anh em mừng đến ngạt thở, chất đầy hai ba lô trầm loại dách. ước chừng số trầm bán được khoảng trên bốn trăm cây vàng.
Mang về trại báo cho hai người kia biết xong, bốn người trong bầu quyết định trở (2) sau buổi trưa. Hai anh em Phú, Quý xuống suối xách nước trong khi hai tên Lương, Thân tìm củi bắc bếp. Một thoáng thâm hiểm của hai tên này gặp nhau. Chúng đã hiểu ý. Phú, Quý vừa mang nước từ dưới suối lên liền lãnh trọn hai nhát cúp (3) vào đầu, bổ xuống từ sau gốc cây trên đường xuống suối. Hai anh em chết ngay không kịp kêu lên một tiếng.
Hai tên Lương và Thân khoác hai ba lô trầm đi như bay, bất kể gai rừng. Ði miết đến tối mịt khi nào chúng cũng không hay. Ðã thấy đói, chúng dừng chân bắc cơm ăn tạm. Tên Thân vừa lúi húi thổi cơm vừa hỏi:
- Này?
- Gì?
- Ð. mẹ... Hai thằng ấy to con mà rẻ tiền. Mới ăn có một nhát mà vội vàng trẩu (4) liền. Tao thấy mày chơi khá đấy!
- Khá cái con mẹ gì!
- Khoảng một tuần nữa là sống vương giả. Lúc ấy ông có leo lên đái trên đầu thiên hạ chúng vẫn cười. à, còn tao với mày chia chác với nhau bằng trầm hay bằng vàng đây?
- Ðây, chia bằng cái này! "Bụp".
Cái cúp phang mạnh vào gáy. Tên Thân kêu lên một tiếng thất thanh rồi ngã dụi. Tiếng kêu rít lên rồi chìm hẳn trong rừng đêm như tiếng đá ném xuống khe núi. Tên Thân ngã úp mặt vào nồi cơm đang sôi dở, tóc bắt lửa cháy khét lẹt, máu từ gáy nhỏ xuống than đỏ kêu xèo xèo. ánh lửa lụi dần, cảnh tượng trông hết sức ma quái.
Một mình tên Lương xốc lại hai ba lô trầm băng rừng đi trong đêm như điên như dại. Sự hưng phấn tột độ, nỗi ám ảnh của ba cái chết và nhất là mấy trăm cây vàng trên vai làm hắn mụ mị. Giữa đêm, hắn bị xịnh (5) vào một khu rừng toàn mây gai không thể nào ra nổi. Những sợi mây to như bắp chân bắt từ ngọn núi này sang sườn núi kia đan vào nhau chằng chịt như trận đồ bát quái. Ðến ngày thứ năm hắn hoàn toàn kiệt sức ngã quỵ xuống úp mặt lên hai ba lô trầm mà chết, hai bàn tay hai móng diều hâu bấu chặt lấy miệng ba lô.
Nửa tháng sau một bầu khác xuyên qua rừng mây gặp xác tên Lương đang nằm sấp trong tư thế níu kéo cố giữ lấy hai chiếc ba lô. Ðùi và bụng của hắn bị heo rừng và kỳ đà ăn gần hết. Bọn này định lấy hai ba lô trầm nhưng hai bàn tay tên Lương cứ giữ chặt đến nỗi kéo mãi cũng không ra. Sau này chúng dùng rựa chặt đứt lìa hai cổ tay mới lấy được.
Có một bầu nữa gặp xác anh em Phú Quý với hai vết thương trên đầu. Cùng hội cùng thuyền nên cũng dễ hiểu được tình thế. Bầu này chôn hai anh em chung một ngôi mộ và cắm lên đầu một gộc trầm làm bia.
Câu chuyện thứ hai:
Ông Nghệ là người làng Hạ, võ thuật cao cường, nổi tiếng mạo hiểm. Là dân tìm trầm đã tám năm nhưng chưa bao giờ ông chịu chung bầu với người dưng nước lã trong làng.
Có một huyền thoại về cây dó sau trăm tuổi ở trên núi Sương Mãi, toàn bộ phần ruột cây đó biến thành kỳ nam nhưng chưa ai tìm thấy. Nhiều người sành, có cơ may bắt mùi hương của nó nên đoán được loại kỳ nam. Ðúng ngọ ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng nó mới phát tiết. Hương trầm tỏa thơm nồng cả cánh rừng. Người nào đi vào phạm vi tỏa hương của nó cũng ngơ ngẩn, đầu óc mê muội đi không biết ngày đêm, không biết mình là ai. Ðến lúc mùi hương ma quái đó biến mất họ mới sực tỉnh và tiếc nuối. Người mới gặp mùi hương này về nhà sống trong nỗi hoài nhớ mãnh liệt, ba tháng mười ngày sau thì chết. Ðúng ngọ thi thể họ hóa ra mùi trầm thơm ngát.
Hai cha con ông Nghệ nhất quyết mạo hiểm tìm cho được cây dó đã thành kỳ nam đó. Ông dọn mình sạch sẽ, ăn chay nằm đất một tháng ông. Dâng lễ cúng, ông Nghệ gieo quẻ âm dương chín lần trên núi Sương Mãi mà vẫn không được. Ông nghĩ bụng: "Tìm không ra bất quá về không. Ðã đến là phải tìm".
Một ngày nọ ông dạo dó trên sườn núi, thằng con dạo dưới suối. Ðúng ngọ - bữa đó là rằm tháng bảy - ông Nghệ sững người khi bắt đầu nghe mùi trầm lẩn khuất mê mẩn. Ông lần theo mùi hương để tìm cho ra nơi xuất phát nhưng chỗ nào cũng nồng nàn một mùi như nhau. Mùi hương cứ chập chờn quyến rũ, mời gọi, mê hoặc một cách ma quái.
Lúc ông Nghệ hôn mê trong làn hương trầm thần bí cũng là lúc thằng con ông bắt gặp bên cạnh suối một đùi nai bỏ dở, máu còn tươi rói, cạnh đấy là một đống xương nhẵn nhụi. Nó hì hục vác đùi nai về trại.
Ông Nghệ thoát ra khỏi mùi hương bừng tỉnh và tiếc nuối. Lúc mặt trời lặn, ông cắt rừng về trại. Nhìn thấy đùi nai treo lủng lẳng cạnh bếp lửa, ông Nghệ sửng sốt kêu lên một tiếng - tiếng thở than bất lực của người đi rừng kinh nghiệm:
- Trời ơi! Mày giành mồi của Ông Lớn (6) rồi! Chết đến nơi rồi con ơi!
Ông Nghệ biết chắc chắn chiếc đùi nai ấy là mồi thừa của con cọp. Bất hạnh sẽ ập xuống bất cứ lúc nào. Ðêm đó ông dỡ sạp xuống đốt một đống lửa lớn giữa trại. Ông nằm mở mắt thao láo, tay cầm chắc cái rựa chờ đợi... Giữa khuya một bóng đen dài vút qua trại, cả căn trại rung lên. Chiếc ba lô đựng lương thực cạnh cửa biến mất.
Hai cha con ông Nghệ ngồi đốt lửa đến sáng. Con cọp mất mồi tưởng chiếc ba lô là cái đùi nai nên lao vào vồ lấy và chạy biến.
Sáng ra ông Nghệ quyết định trở ngay. Ông đi trước, thằng con đi sau. Ra cách trại chừng ba trăm mét bỗng một tiến "ào" vang lên. Quay nhanh lại đằng sau ông nhìn thấy con cọp vằn cắp ngang cổ thằng con ông đang lao xuống vực rậm. Ông đứng nhìn theo nhỏ những giọt nước mắt dài.
Mấy ngày sau đó một mình ông Nghệ vác cây AR 15 cưa nòng trở lại núi Sương Mãi, tìm được bộ xương và cả cái đầu lâu nhẵn sạch trơ hốc bên bờ suối. Gần đó một đống xương thú ngổn ngang. Chỗ này chính là nơi thằng con ông đã lấy đi cái đùi nai. Ông Nghệ đem bộ xương của con táng trên núi Sương Mãi, trên mộ cắm một gốc trầm. Xong xuôi ông bắn ba loạt súng lên trời và quay về. Nghe nói từ đó ông bỏ nghề.
- Thế cái gộc trầm làm bia trên mộ đâu rồi ba? - Tôi hỏi.
- Có một bầu "đói" quá nên nhổ về bán rồi.
Tôi, ba và anh Ðang vào sâu hơn, đóng trại ở thung lũng Ðá Hang, cạnh suối. Suối có nhiều đá lớn. Anh Ðang xuống suối bắt được vô số là ếch đá. ếch trong núi không có mùi tanh. Con nào cũng đen thui, chân dài ngoẵng. Không cần chặt đầu lột da, anh Ðang chỉ moi ruột rồi bỏ vào nấu cháo. Cháo chín, những con ếch nổi lềnh bềnh chồng chất trong nồi, ngổn ngang là chân cẳng. Tôi thoáng nhớ đến những người chết trên núi Sương Mãi. Có cái gì đó... Từ hôm ấy tôi không bao giờ ăn thịt ếch nữa.
Mưa rừng. Những cơn mưa dây dưa, buồn, trắc ẩn. Ðêm nằm trong rừng nghe gió âm u, tiếng suối chảy ầm ào cả đêm. Nhắm mắt lại cứ ngỡ đấy là tiếng mưa lớn, dai dẳng như mưa trong giấc mơ. Xa xa tiếng những con chim ăn đêm kêu vọng lại: Bóp... Bóp... Bóp... Tiếng kêu nhỏ dần rồi lịm hẳn.
Ai nằm ban đêm trong rừng sâu mới biết, giữa rừng thấy con người thật là nhỏ bé, yếm thế. Tôi chợt thấy mình chỉ là hạt cát nhỏ nhoi, là con sâu cái kiến đớn hèn, bất cứ lúc nào cũng đứng bên bờ vực của sự bất trắc, lãng quên, sẵn sàng tan biến, sẵn sàng vô nghĩa. Vậy mà con người lại đang tâm đi làm những việc tày trời. Phải chăng sự cơ cực đã bắt con người dám giẫm đạp lên các lẽ thường tình.
Ở đây sống chết, hạnh phúc, hiểm họa chỉ là sợi tóc mỏng manh, chỉ cần một chút hèn nhát, một chút đê tiện, muối mặt là con người tan tành ra tro bụi. Tự dưng tôi buồn đến phát khóc.
Sau gần một tháng không tìm được chút trầm nào, lương thực cạn. Chúng tôi bò ra được bìa rừng lúc chạng vạng tối của một ngày. Ba tôi vào một cái rẫy hoang nhổ sắn đốt lửa lên nướng. Tôi đã ăn những củ sắn nướng ngon lành, vừa ăn vừa rơi nước mắt.
Ba tôi nói khi nhìn thấy tôi vừa ăn vừa khóc:
- Thiện tâm trên đời này khó kiếm hơn cả trầm. Ðừng buồn! Ðàn ông phải can đảm lên.
Ðêm đó ngủ ở bìa rừng trên những chiếc lá tơi, tôi mơ thấy mình đâm chết con hổ vằn, máu nó phun ra xối xả. Những giọt máu rơi xuống đất bỗng biến thành trầm. Cây trầm đen óng ánh. Rừng trầm chợt phát tiết thơm nồng nàn. Mùi thơm quyến rũ, mê man. Thơm lịm người. Cơ man nào là hương thơm và hương thơm... khôn tả xiết.
Bây giờ tôi là thằng sinh viên bị đuổi học. Cuộc đời phía trước còn dài.
(1). Bầu: Những người cùng chung một nhóm tìm trầm (bầu điệu) - Tiếng lóng.
(2). Trở: Ði về. (3). Cúp: Dụng cụ nửa là rìu nửa là cuốc.
(4). Trẩu: Chết (tiếng lóng).
(5). Xịnh: Ði lạc, lạc rừng (tiếng lóng).
(6). Ông lớn: Cọp (tiếng lóng).
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com