chan_dung-ke_si

TIẾNG NÓI MẶT ĐẤT – Truyện ngắn Tô Nhuận Vỹ

10-11-2023

Lượt xem 1459

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Tô Nhuận Vỹ

TIẾNG NÓI MẶT ĐẤT – Truyện ngắn Tô Nhuận Vỹ

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ 

Chân Dung Kẻ Sĩ: TIẾNG NÓI MẶT ĐẤT là truyện ngắn của nhà văn Tô Nhuận Vỹ viết ngay trong thời điểm ông đang ở Hà Nội khi Mỹ ném bom rải thảm xuống thủ đô suốt 12 ngày đêm năm 1972.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho tiểu thuyết nổi tiếng Dòng Sông Phẳng Lặng vào năm 2012.

I.

Tiếng còi như con thuồng luồng đen khổng lồ chạy loạn lên trong không gian với tiếng hụ hụ trần truồng. Mọi vật loạng choạng. Cây lim già, cây đa nhiều cành, cây si rễ già, những hàng cây lớn bé bên hồ rùng mình, rồi như cùng một lúc nghiêng hàng vạn tai lá nghe tiếng hụ. Đã khá lâu rồi, tiếng hụ của còi mới quen lại trong không gian thành phố.

Tiếng còi lạ, dai dẳng.

Thiên nga trắng đang ồ ồ tâm sự ngoài đảo chim bỗng quác lên thất thanh. Rồi giống như một người mất trí, nó lao xuống hồ, hai cánh đập lạt rạt, lết trên nước như chạy.

– Máy bay địch đã lọt vào bầu trời thành phố…

Dưới cành sấu đầu ngã ba, loa phóng thanh truyền đi một giọng nữ trung, rõ và tròn tiếng. Không gian trên tất cả những ngọn cây và dưới hết các tán lá dày như có tiếng thở phào yên tâm, nhưng mờ hồ.

Những chuỗi nổ đã bắt đầu phá mặt đất.

Từ các hướng đang dậy tiếng bom. Tiếng sau to hơn tiếng trước, gom dần về vùng đảo chim. Súp – lê từ doanh trại nào xoi cả vào đất, báo cho lòng đất thức dậy. Nhưng đất thì trốn đi đâu với cái lưng mênh mông của mình. Những con dế đực thường gọi mái vào giờ này cũng im bặt. Người qua đường và những đôi trai gái vội vã, lom khom nhảy xuống các hầm tròn như giếng cạn. Tiếng nổ tạt lên mặt hồ khiến những con cá giật mình, bắn lên trắng nhờ rồi rớt xuống lõm tõm. Cả ngọn gió hồ Tây trèo qua con đường đất cao ngày xưa là tường thành kinh đô tới đây cũng nặng nhọc như một nhịp đập gấp. Con Thiên Nga tội nghiệp chạy trốn tiếng nổ không tìm đâu ra chỗ nấp. Bỗng thấy bóng người ở cái hầm cạnh cây si quen thuộc, nó lết tới bằng đôi cánh đập nước lạt rạt.

Ngoài sắc trắng nhờ của đêm bỗng hừng hừng ở các quãng hở của lá, giữa đoạn cách các thân cây và đầy cả lá trên các ngọn cao. Bầu trời bắt đầu cháy. Từ những nơi nào?

Những chuỗi nổ dai dẳng. Nhưng bây giờ chẳng còn biết được sự gần xa là từ đâu.

*

*        *

Cây si rễ dài cúi xuống mặt hồ, trùm bóng tối lên chiếc ghế đôi dưới gốc nó. Ngay bên cạnh chiếc hầm tròn đúc xi măng.

Một Người – Đàn – Bà vừa nhảy xuống thì chuỗi nổ gần đánh dồn chị vào thành hầm. Chị rên một tiếng rất khẽ và thụp xuống. Từ trên chỉ thấy một quành tròn tối của miệng hầm. Vụn xi măng tơi đổ xuống lớp lá khô dưới đáy lào rào. Bom nổ phía Ngọc Hà? Hay đường Thanh Niên? Hay từ đâu? Chuỗi nổ sau trải ra xa. Ở đâu nữa? Người – Đàn – Bà rút hai ngón tay ra khỏi tai, lắc đầu rủ đất bụi và cũng là để trấn tĩnh rồi ngước mắt nhìn lên. Bầu trời đang cháy. Tiếng nổ gần, tiếng nổ xa… Tất cả như từ bầu trời tròn đổ ập xuống hầm, và cũng từ đâu đây, từ chung quanh đây tung lên. Nó đỏ dần… Đến mức khó nhận ra những bùng lửa của đạn lớn ở tầng cao. Những luồng năm mươi bảy ly thẳng băng từ phía sân Hàng Đẫy rạch những đường đỏ lừ rất chụm và điềm tĩnh.

Có tiếng lịch bịch phía trên hầm.

– Sao anh đứng đấy?

Một mảnh bom chém rạt vào đám lá si. Người – Đàn – Bà rùng mình. Một tiếng quát thất thanh ngay trước bờ nước.

– Ôi con Thiên nga háu ăn!- Người – Đàn – Bà thảng thốt.

Lại một mảnh bom chém vào thân cây đa bên trái. Con Thiên nga rúc vào chân Người – Đàn – Ông, cuống quýt vì tiếng rên thảm thiết.

– Con chim hả? – Anh dúi con Thiên nga vào lòng Người – Đàn – Bà.

Loạt bom thứ ba nổ như đào đất. Người – Đàn – Bà bất thần kéo tuột Người – Đàn – Ông xuống.

Hai người với con Thiên nga nên chật. Người – Đàn – Bà lúng túng, đứng dậy. Nhưng cứ mỗi tiếng nổ chị lại thụp xuống. Thiên nga lại lộ ộ rên. Chẳng biết vì bị ép hay vì sợ. Chắc vì cả hai. Còn Người Đàn – Ông vẫn trầm tĩnh nhìn lên bầu trời cháy đỏ.

Những tiếng nổ bỗng dịu đi nhưng tiếng ì ì như tiếng xay lúa vẫn vùi trong những tầng mây cao.

– Đồng bào chú ý, máy bay địch vẫn đang…

Hình như khi bom ngừng thì ánh sáng các đám cháy từ các phía mới thật đỏ hơn. Cả công viên như được soi rõ bằng một ngọn đuốc giữa trời. Người – Đàn – Ông xem đồng hồ, chống hai tay lên miệng hầm lấy đà.

– Đừng coi thường tụi Bê năm hai.

Người – Đàn – Bà vẫn ôm con Thiên nga vào lòng, nhắc. Giọng của chị là giọng của một người quen nhắc nhở người khác. Nhưng đều đều, mệt mỏi.

– Trong đầu chị có một chiếc bê năm hai đấy.

Hình như Người – Đàn – Bà không nghe thấy. Chị nghiêng tai lên phía những tầng mây cao. Tiếng ì ì lại mỗi lúc một rền. Những nháy lửa như chớp giông. Tiếp theo là tiếng nổ xé không khí. Lần này có vẻ xa hơn nhưng đất dưới hầm như bị xé ra. Bom xuyên? Dãy nhà nào vừa sập? Bao giờ thì đến lượt những thân cây này? Mặt hồ này? Con Thiên nga này nữa?

– Không! – Người – Đàn – Bà ôm chặt Thiên nga, vuốt lên bộ lông trắng như bông của nó.

– Chị nói gì?

– Đâu.

Anh bộ đội kéo tay một cô gái cùng xuống cái hầm tròn trước mắt, mà nãy giờ hai người không thấy.

– Bom đạn thế này lại dẫn nhau đi chơi – Người – Đàn – Bà lại nói bằng một giọng chán ngán.

– Chắc anh ấy sắp ra trận. Chia tay mà.

Giọng trầm của Người – Đàn – Ông tự nhiên cũng nhẹ xuống, như thanh minh cho bạn bè.

– Đàn ông các anh thật ích kỷ. Sắp ra trận lại yêu, lại cưới. Để có chuyện gì thì…

– Chị nghĩ thế?

– Tôi là đàn ông, có gan ra trận thì có gan gác chuyện riêng lại.

– Chị nghĩ thế thật à?

– Đấy, Bê năm hai, bom như trấu.

Con Thiên nga rung rung cái thân đầy ắp mầu trắng của nó, cổ lục khục như mắc sỏi. Hay nó muốn nói chen vào một câu gì?

– Chắc chị chưa bao giờ yêu?

– Thiếu sáu ngày tôi đã hai mươi sáu tuổi.

– Con trai nước này đánh giặc hai mươi bảy năm rồi.

– Cả anh?

– Hai năm trước tôi còn cầm súng.

Im lặng lại làm quãng cách giữa hai người. Chỉ có tiếng lạp cạp của mỏ Thiên nga cắn vào cúc áo Người – Đàn – Bà. Phút giây đáng sợ đã qua, bây giờ nó có vẻ yên tâm hơn. Ừ, giá như nó nói được như con Thiên nga Đan Mạch xưa ấy, ví thử một câu thôi, nó sẽ nói gì nhỉ?

– Có mùi máu ở đâu? Người – Đàn – Bà băn khoăn hỏi.

Nghe nói, Người – Đàn – Ông xoay nhìn ra chim. Anh hỏi buông;

– Anh ấy ở đâu?

– Anh lịch sự một chút! – Giọng Người – Đàn – Bà đột ngột rung lên.

Người – Đàn – Ông luống cuống. Anh mơ hồ cảm thấy mình vừa chạm vào một vết thương của Người – Đàn – Bà.

– Xin lỗi chị.

Người – Đàn – Ông lấy đà nhún người lên. Đúng lúc đó, Người – Đàn – Bà thấy ở vạt quần trên đầu gối của anh một vệt đen sẫm.

– Máu! Anh bị?…

Người – Đàn – Ông đã gỡ tay của Người – Đàn – Bà ra.

– Tôi không phải là con Thiên nga. Tôi cần đi gấp.

– Không được!

Người – Đàn – Bà buông Thiên nga rồi lấy từ trong túi ra một cuộn băng vô trùng. Rất tự nhiên, chị kéo ống quần của Người – Đàn – Ông lên xem vết thương. Một mảnh bom bằng đầu đũa cắt chéo qua. Vết thương cạn, may quá. Máu đã đông lại, đen nháy. Anh bị ngay loạt đầu tiên trên đường qua dây. Nhìn tay băng thành thạo của Người – Đàn – Bà, anh hỏi:

– Chị kiêm y tá à?

– Tôi là bác sĩ. Tôi phải đến bệnh viện, phía đang nổ đó.

– Tôi đưa chị đi được không?… Mà chị không sợ…

– Có lúc cần thế.

 Đúng lúc quá. Không gian chùng xuống khi tiếng nổ bỗng ít đi. Chúng rút ra rồi nhưng sẽ còn đánh bao nhiêu đợt nữa từ giờ tới sáng?

Người – Đàn – Bà vuốt đầu con Thiên nga khi nó cuốn lấy chân chị.

– Sợ có lúc thôi em – Chị nói với nó – Không đàn ông họ cười.

– Ngày trước chắc chị hay ra đây?

– Cả bây giờ.

– Với?…

– Bốn mươi cây số Đông Nam vẫn có máy bay địch…

– Xin anh đừng hỏi

Lần thứ hai Người – Đàn – Ông lúng túng. Anh nhìn theo dáng đi quả quyết của Người – Đàn – Bà phía trước, tầng ngần không biết nên theo hay đạp xe về nhà máy. Nhưng nhà máy anh lại sát bệnh viện ấy. Phía đó, những cơn rùng rùng của tiếng nổ lại vừa dậy lên.

II.

Từ mấy năm trước, Thiên nga trắng đã quen Người – Đàn – Bà làm nghề bác sĩ ấy. Đó là vào những chiều chủ nhật đẹp trời, những đêm giữa kẽ hở của vòm lá có những ngôi sao nhấp nháy. Đó là thời gian của tình yêu. Lúc yêu nhau mọi người đều thông minh nên biết chọn chỗ đứng và thời gian cho mình. Trong hàng trăm chỗ ngồi ở công viên này, họ đến chiếc ghế đôi trước cây si bên hồ. Thiên nga cũng thường bềnh tới đó giữa bóng si rậm rạp đổ xuống khi mặt trời ngả về phía Tây, và đêm đến, lạ quá, gió từ đâu cũng vuốt nhẹ nơi này rồi mới lướt đi tận đâu đâu.

Những ngày đầu tiên, Người – Con – Trai thường đến trước, ngơ ngác nhìn quanh và ngồi xuống đứng lên bồn chồn đến tội nghiệp. Đôi lần Người – Con- Gái đến và thấy chiếc ghế không. Cô ngúng nguẩy tính bỏ đi liền đó. Sao thế chị, đừng thế. Em cũng là con gái, em là chị em chờ. Anh ấy đã bao lần như thế, đừng đi… Thiên nga tính nói như vậy với Người – Con – Gái. Nhưng nó là chim, nó đâu phải người. Nó kêu lên một tiếng thật vui rồi lướt tới gốc cây si. Sắc đẹp và lòng tốt của nó đã xoa dịu giận dữ của Người Con Gái. Cô ngồi xuống đùa với Thiên nga cho tới lúc bước đi hấp tấp của Người Con Trai tới gần.

– Thiên nga ơi Thiên nga hãy bơi ra hồ một lúc…

Thiên nga bơi ra gần giữa hồ nhưng đôi tai nghịch ngợm của nó vẫn nghiêng về phía cây si.

– Cho anh hôn Hà một lần?…

– Đùa với Thiên nga vẫn không đủ sao anh?

Tiếng thì thầm từ chiếc ghế đôi như một hơi gió.

Từ đêm sau, những câu nói đó Thiên nga chẳng còn nghe lại nữa. Và khi họ hôn nhau – đâu phải một lần – họ cũng không còn bảo Thiên nga hãy bơi ra hồ một lúc nữa. Những đêm lạ lùng như vậy của họ rất tò mò đối với Thiên nga cứ nối nhau qua đi. Cho đến khi họ đến chiếc ghế đôi vào những buổi ngày, không phải người trước người sau, mà cùng lúc. Người – Con – Trai với bước đi đàng hoàng, vừa đi vừa nhìn vào khuôn mặt có đôi mắt tinh nghịch của Người – Con – Gái mà cười. Người – Con – Gái cũng thôi chỉ nhìn xuống chân và bẻ tay rắc rắc. Họ còn đem đến cho Thiên nga những miếng bánh mì rất thơm. Họ cười với nhau, cười với cả mọi người qua đường mà không cần giấu sau cái ngoảnh mặt nữa.

Họ đã thành vợ chồng.

Một hôm, họ lại đến chiếc ghế đôi trước cây si rễ dài vào buổi tối như ngày nào mới yêu nhau. Đêm ấy Người – Con – Trai nói nhiều, hình như cười nhiều hơn mọi ngày. Cả khi tiếng loa lúc ấy còn chưa quen với thính giác với người dân thành phố này vang lên, đồng bào chú ý đồng bào chú ý… Họ vẫn ngồi đó nói với nhau những gì lộn xộn.

Người – Con – Gái gục đầu vào bộ ngực vừa khoác chiếc áo ka – ki màu xanh lá cây của chồng, nấc lên:

– Anh tha lỗi cho em, em không định khóc…

Một lúc sau cô nói bằng giọng đã khô hơn:

– Anh yên tâm mà đi, anh thân yêu!…

Gần một năm trôi qua.

Hôm đó, buổi chiều, một buổi chiều rất sáng vì đầy nắng.

Người – Con – Gái đến cây si bên hồ với bước chân của một con bệnh. Tiếng sỏi va nhau rời rạc dưới chân cô. Mắt cô nhìn đâu, mà như chẳng nhìn đâu. Cô không mang bánh mì cho Thiên nga. Cô đến đó ngồi xuống và im lặng. Từ đôi mắt đỏ quầng của cô, hai dòng nước mắt trào ra. Thiên nga luống cuống bơi dọc bờ kè tìm đường lên cạnh cô nhưng nó cứ lập cập trượt chân. Tai họa gì đã đến với người bạn gái của nó? Một giải khăn sô trắng trên đầu.

– Thiên nga ơi, làm sao tôi sống nổi…

Tiếng cô nghẹn trong cổ. Ôi, sao mà vô lý. Trời đất đang đầy nắng mà sao lòng tôi là nước mắt. Thiên nga bất lực nhìn Người – Con – Gái mà lúc này khuôn mặt đã lạ đi như mặt một người đàn bà xế tuổi. Nó chợt nghĩ đến nó, nó rùng mình. Nó cũng chưa thể nào quen với tiếng “đồng bào chú ý”, nó chưa thể quen với tiếng nổ đấm ngược nước hồ vào ngực tức ách.

… Vậy mà đã mấy năm qua rồi. Qua rồi trong những ngày tháng bầu trời và mặt đất quằn quại giữa những âm thanh dữ dội.

*

*        *

Ngày sinh nhật của Người – Đàn – Bà. Đúng buổi chiều ấy bom rơi trúng bệnh viện nơi chị làm việc. Phòng Dược và một khoa bệnh viện bị đổ. Mười mấy người chết, và chưa biết hết số bị thương. Cũng sáng đó bom rơi xuống khu nhà chị ở. Hàng xóm mất bốn người, có một đứa bé sáu tuổi bị thương. Cháu gẫy tay phải, quãng sát vai. Bốn người mất đi là cha mẹ và anh chị cháu. Người – Đàn – Bà đưa cháu đến bệnh viện của mình thì gặp trận bom chiều. Vết thương vừa mổ của cháu bị bung ra, lại thêm vết giập mới ở vai. Cháu mất nhiều máu, máu khô ở phòng Dược lại bị vùi trong đống gạch ngổn ngang. May mà công nhân xưởng cơ khí qua, có một người cho cháu hai trăm xê xê. Chị thắt ruột lo cho cháu. Chị quên, chính chị cũng suýt chẳng còn để chị mổ, để chị cho thêm cháu Hoa một trăm xê xê máu của mình nữa. Máu của chị, máu của người công nhân nào đó là tấm lòng của mọi người đối với cháu, cháu có sống không Hoa? Còn căn phòng của chị, mất nó đi thì hình như chị cũng chẳng thấy đau gì. Anh ấy đã nằm lại ngoài chiến trường, với cuộc sống cô đơn chịu đựng của chị thì căn phòng càng làm cho chị thấy trống trải. Suốt ngày ở phòng cấp cứu khiến sức lực của chị gần như kiệt. Bây giờ chị đi bộ về nhà. Dù sao cũng xem lại cái gì có thể còn dùng được cho cuộc sống hàng ngày. Như thường lệ, chị rẽ vào đây với Thiên nga. Những lúc niềm vui dồn đến, những lần đau khổ dày vò, chị đều tìm đến Thiên nga. Thiên nga với màu trắng trong sạch của nó như một bàn tay êm vuốt tròn niềm vui và xoa dịu nỗi đau. Con chim trời rộng lòng chia sẻ ơi, chị yêu màu trắng như một tấm lòng tốt của em.

Người – Đàn – Ông hôm nay không cùng về với chị. Anh ấy đi đào hầm sập. Chị ngồi xuống một cái ghế lạnh trơn lấy tay vỗ một tiếng cụt ngủn. Màu trắng ngoài đảo chim động đậy, rồi một tiếng ào ở bờ nước, Thiên nga nghe tiếng gọi, bơi vào. Lúc này sao yên tĩnh quá. Chẳng báo động nhưng đèn công viên vẫn tắt. Đêm trắng nhờ như một đêm phương bắc. Nghe tả thế, chứ chị chưa có dịp đến những vùng của vĩ tuyến Bắc địa cầu. Mất mười sáu giờ từ Guam, mất bảy giờ từ Utapao, lúc nào thì tụi bê năm hai Mỹ ấy lại ì ì trên đầu chị đây.

-… Đến quốc Mỹ láo xược tuyên bố đẩy Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá…

Người – Đàn – Bà hực một tiếng ở cổ. Chúng nó dọa? Thế giới này người ta hay dọa nhau, nhưng có sự dọa dẫm nào tối tăm vậy không. Thời đá nào? Thời đá mài cả vạn năm trước ư? Khoang ngực chị đau nhói. Hay chúng chỉ dọa những người ít nhiều còn yếu bóng vía như chị và Thiên nga? Khuôn mặt đang lạnh của chị nóng bừng lên. Ôi, ngày hôm nay, máu… Cháu Hoa có qua khỏi không. Chút nữa phải quay về bệnh viện. Và lại ngủ đâu. Hai mươi sáu năm mình sống làm người rồi đây, ừ…

Thiên nga ơi, tôi sống có gì không đúng phải không?

Thiên nga chưa hiểu điều chị muốn hỏi. Nó hướng cái mỏ dài ra phía đảo chim. Nó muốn kể với chị sáng nay một mảnh bom chém trúng con cá trôi ở đó chăng. Hay muốn khoe với chị, tới bữa nay nó cũng ung dung như chị nghĩa là không chui vào hầm người ta vừa xây cho chúng nó mà đứng trước cây liễu đợi chị về. Người – Đàn – Bà bẻ một mẩu bánh mì sừng bò đưa tận miệng Thiên nga. Nó chóp chép nhá mẩu bánh mì một cách thích thú. Anh ấy nói gì nhỉ, thanh niên đất nước này đánh giặc hai mươi bảy năm rồi. Có cái gì vô cớ khi chị cảm thấy Người – Đàn – Ông ấy là một người tốt. Anh ấy nghĩ gì khi đưa chị đến bệnh viện và tiễn về tận nhà. Có người đàn ông nào hoàn toàn trong sáng khi đến với người đàn bà không. Sao lúc vào ca mổ cháu Hoa, chị có cảm giác gần như xấu hổ. Cái dao mổ thì mảnh như lá lúa, còn tiếng ì ì của chúng nó đầy cả mấy tầng mây trên đầu. Có cái gì phù phiếm, không phải đạo.

– Thiên nga ơi, tôi sống có gì không đúng phải không?

– Khi nhà chị tan mà chị vẫn mổ thì câu trả lời của Thiên nga là thừa.

Người – Đàn – Bà ngoảnh lại. Người – Đàn – Ông đã đứng sau ghế đá từ lúc nào. Giọng nói và hơi thở của anh run và yếu như một người mất sức. Người – Đàn – Bà đặt bàn tay lên ngực anh theo thói quen nghề nghiệp.

– Anh cần nghỉ ngơi. Tim anh đập không đều.

– Những ngày này tim ai mà chẳng thế chị.

– Tây bắc Hà Nội năm mươi cây số có máy bay địch…

Người – Đàn – Ông bẻ một nhành si bứt lá vo vụn ra rồi ném cho Thiên nga.

– Chị cho tôi nói điều này. Chị hãy dọn đến nhà tôi ở tạm… – Câu nói vừa ra khỏi miệng thì cả người anh bỗng lạnh toát – Thế này chị à, chị đừng hiểu sai đi, tháng này tôi phải trực suốt ở nhà máy. Lúc nào có chỗ, chị trả lại tôi.

Người – Đàn – Ông lúng túng quá, nói mà cuống lên. Sao chị chưa kịp hiểu thì anh đã sợ hiểu nhầm. Anh ấy thiếu tự tin?

– Anh thương hại tôi phải không?

– Ôi!?… – Người – Đàn – Ông bàng hoàng.

Ngay lúc vừa hỏi, chị thấy chị đã làm tối đi chính tấm lòng của chị. Chị hối hận.

– Tôi xin lỗi anh, xin lỗi anh.

Bây giờ chị mới nhận thấy tay Người – Đàn – Ông cầm cành hoa hồng trắng. Anh ấy mang hoa đi đâu? Hôm nay sinh nhật mình, hay là…

Người – Đàn – Ông bước ra đường. Nhưng mới đi vài bước, anh dừng lại.

– Chị nghĩ chỉ có con Thiên nga ngoài đảo mới có mầu trắng sao?

Chẳng biết sức gì kéo chân chị xuống không cho chị bước tới. Sương đã xuống nhiều. Một vài tiếng lộp bộp đâu trên lá đa. Bóng Người – Đàn – Ông lặn dần trong mầu trắng mờ như sữa của đêm. Người – Đàn – Bà hòa trong sương như choàng lấy một người thân ấm áp. Có mầu trắng như áo em nhưng chẳng dễ gì nhìn được, Thiên nga biết không?Tiếng ì ì đang lẩn quất trên những tầng mây xa phải không? Chúng nó đưa cái chết đến dọa mình sao? Hay bằng sự sống cô đơn, chúng nó thách thức mình? Mình đã sống được mấy năm làm người? Hai mươi sáu ư?…

Gió lặng từ lúc nào. Đêm lạnh dần và đảo chim mỗi lúc một mờ trong sương. Tiếng còi lại nổi lên. Thiên nga từ từ xuống nước, lướt ra đảo. Dù sao nó cũng phải nghe lời người coi chim. Từ đây vẫn nhận ra mầu trắng mát mắt của Thiên nga ngoài đảo. Trong tiếng hụ của còi, trong sự rục rịch của mọi vật mà con người có thể biết, màu trắng Thiên nga lúc này sao mà yên lành, bất chấp.

Con đường đi về hàng ngày của họ qua công viên nên nơi dừng chân của họ là ghế đá, chỗ nấp bê năm hai của họ là chiếc hầm cạnh hồ, và những gì riêng tư của họ có hồ đêm kín tiếng, có hàng cây tò mò, có Thiên nga màu trắng chứng kiến.

Lại một đêm như những đêm nào.

Công viên tối đèn. Những đôi trai gái yên lặng hơn. Bóng người vội vã trên đường đi, thỉnh thoảng ném một cái nhìn về phía tiếng rì rầm ở ghế đôi. Và loa phóng thanh dưới cành sấu vẫn nhắc chừng máy bay địch.

Người – Đàn – Ông và Người – Đàn – Bà của chúng ta lại đến. Người – Đàn – Bà đã dọn đến phòng của anh. Còn bây giờ họ đến đây, trên đường tới bệnh viện và nhà máy, ít ra với lý do họ có chung một người bạn là Thiên nga. Bóng trắng Thiên nga ngoài đảo vẫn tròn một bàn tay trong cái mờ mờ của sương mới buông còn mỏng. Nhưng đêm nay Người – Đàn – Bà không vỗ tay gọi. Còn Người – Đàn – Ông thì cứ loay hoay với khẩu súng trường, hết cầm tay lại khoác vào vai. Hình như anh chưa quen ngồi ở ghế đá với một người con gái. Loa phóng thanh đang phát tin về một kiến nghị đòi tự do báo chí ở Sài Gòn.

– Con Thiên nga bây giờ quen rồi, đỡ sợ hơn hôm đầu. Người – Đàn – Bà chỉ ra bóng trắng ngoài Đảo chim.

– Bê năm hai đối với nó còn lạ, lạ thì chưa quen. Người ta cũng thế, quen rồi thì chẳng lạ nữa.

– Nghe nói trời giao cho vợ chồng thần Păng-đo-rơ giữ cái hộp khóa kín các tai họa. Hai vợ chồng tò mò giở xem nên tai họa bay tung ra làm khổ loài người – Giọng của Người – Đàn – Bà như có tiếng cười.

– Chúng ta sẽ là người gom tất cả các tai họa rồi khóa kín lại. Thợ chúng tôi có một cái khóa rất tốt để không ai có thể cạy ra. Nó đây chị! – Người – Đàn – Ông đặt tay lên khẩu súng trường.

Một cơn gió rung nhẹ các vòm lá dày. Tiếng xào xạc êm nghe như một hơi gió thứ hai nổi lên từ những vòm lá đó. Lốm đốm giữa bầu trời bao la mấy ngôi sao như mắt người ngái ngủ. Ngoài đảo, Thiên nga đang tâm sự với con chim gì mà giọng léc kéc như dao sắc. Giá có mùi thơm của hoa hoàng lan thì đêm nay sẽ ngất ngây biết mấy.

– Tôi xin nhận cháu Hoa làm con, anh Quân à.

– Chị nghĩ kỹ chưa?

– Anh nói gì?

– Khi chị có anh ấy, anh ấy bằng lòng không?

– Tôi sẽ lấy chồng bộ đội. Đó là những người có tấm lòng rộng rãi.

– Trước đây chị nói đã có gan ra trận…

– Anh không tin lời tôi vừa rồi à?

– Cả hai im lặng. Một lúc, Người – Đàn – Ông trả lời:

– Trước đây chị nói như vậy, tôi tin đó là điều chị nghĩ. Bây giờ chị nói thế, tôi biết là chị không sai lòng mình. Nhưng vì sao…

– Đông Nam Hà Nội bốn mươi cây số…

Người – Đàn – Bà nhìn về phía loa phóng thanh dưới cành sấu đầu ngã ba.

– Anh hỏi một câu thừa.

Họ cùng bước ra đường. Còi đã lại hụ lên. Hình như họ không để ý đến thứ âm thanh đang choán cả không gian ấy, Gió vẫn xào xạc trên những ngọn cây. Những ngôi sao lúc này như mắt người vừa rửa mặt, sáng hẳn ra. Ngoài đảo chim, màu trắng Thiên nga vẫn tròn một bàn tay, và nó vẫn tâm sự với bạn mình. Bây giờ đến lượt nó nói, cái giọng ồ ồ chẳng hợp với cái vẻ thanh nhã của nó tí nào cả. Đêm sao hiền hòa, yên lành. Thành thử tiếng ì ì bê năm hai vô duyên quá. Nó như cái thằng dọa người hùng hổ mà chẳng ai thèm để mắt tới.

III.

Trong âm thanh hỗn tạp của bom đạn, người thành phố vẫn nhận ra sự đánh trả ngày một chững chạc của lực lượng vũ trang mình. Những mảng lửa vàng đen lẫn lộn cứ loạng choạng hút xuống mỗi đêm một nhiều. Có đời nào bê năm hai cháy cho dân thành phố xem rõ và đã vậy. Nó rơi ngay trên con đường gần nghìn năm trước là tường thành kinh đô, rợng lên như một đám cháy rừng. Và ở các ngã đường, ngay giữa những trận đánh giáp mặt, người đứng trên mặt đất xem mỗi ngày một đông. Những ghế đá bỏ không quanh hồ và khắp công viên mỗi đêm một ít, và đến bây giờ thì chẳng còn nữa. Với trái tim con người thì có tiếng bom nào, dù là bom Fatơnbơt, lại có thể vang tới?

Người – Đàn – Ông hôm nay đến chiếc ghế đôi từ sớm với vẻ bồn chồn đến lạ. Mãi một giờ sau, khi trời đã bỏ qua quãng tối nhất để sáng dần lên vì những ngôi sao và vì mặt hồ đêm phản quang thì Người – Đàn – Bà từ bệnh viện về, cũng với vẻ vội vã khác thường.

– Tôi có lệnh ngày mai trở lại quân đội.

– Tôi biết rồi.

– Làm sao chị biết?

– Vì tôi là bạn anh.

– Tôi phải đến nhà máy họp bây giờ.

– Vâng.

– Ồ, Thu Hà…

– Anh lại định hỏi vì sao tôi biết phải không?

-…

– Anh ngốc lắm!…

Hai người lại ngồi xuống cái ghế đá đã bao lần họ ngồi. Nhưng lúc này họ đều có một cảm giác rất lạ, như chưa bao giờ họ ngồi trên ghế đá này cả. Không, khác nữa, cái ghế như một lớp mây trắng dày và êm…

– “Tôi là Trần Thanh Quân, hai mươi chín tuổi, công nhân tiện bậc bốn, tôi tha thiết đề nghị…”

– Ôi, Thu Hà!

– Anh không biết tôi ở trong hội đồng tuyển quân của khu phố sao?

– Bây giờ tôi mới hiểu Thu Hà.

– Anh chẳng hiểu nổi đâu, anh Quân – giọng Người – Đàn – Bà bỗng nhạt đi như sương – anh đi họp đi, tôi chờ…

Người – Đàn – Bà ở lại một mình. Chị ngã người xuống thành ghế nhìn lên khoảng trời đã nặng sương. Chị ôm lấy khuôn mặt mình. Ôi, ngày mai anh ấy đi rồi… Anh cứ tưởng mình chỉ biết anh ấy từ ngày xuống chung hầm ư? Đàn ông sao cả tin như trẻ con. Mình sẽ nói gì với anh ấy? Chị sắp chia tay với một người thân lần thứ hai. Thằng Mỹ thách thức với tất cả những người không cầm súng như chị bằng sự chịu đựng và nỗi cô đơn khó quen ư? Chúng thách thức với Thiên nga màu trắng đã nổi chưa mà lần đến những người như chị? Người – Đàn – Bà vỗ tay. Như trong câu chuyện thần thoại,Thiên nga từ trong màn sương bạc hiện ra. Khi Người – Đàn – Ông trở lại, thấy hai người bạn vẫn chờ mình, anh cảm động đến luống cuống.

– Có lúc tôi đã tính nhận nó làm con nuôi. Trong người nó có giòng máu của tôi Hà ạ!

– Anh nói về ai thế? – Giọng Người – Đàn – Bà run run.

– Hà chăm sóc nó chu đáo.

– Anh Quân, anh nói gì?

– Không, Hà đừng hiểu sai tôi, cháu Hoa vẫn là con của Hà.

– Ôi!…

Người – Đàn – Bà bất ngờ nắm lấy bàn tay của Người – Đàn – Ông trong cảm giác bàng hoàng. Nhưng rồi chị rụt tay lại. Con Thiên nga, chắc hiểu rằng người bạn đó ngày mai sẽ đi xa, nó âu yếm rúc vào lòng Người – Đàn – Ông. Chẳng biết nó nghĩ gì khi nó nhè mấy ngọn cỏ nó vừa cắn từ ngoài đảo chim vào lòng bàn tay anh. Người – Đàn – Ông nắm lấy ngọn cỏ ướt sương, vuốt cái đầu mịn của nó.

– Cảm ơn Thiên nga. Sắp đến lúc em không phải chạy nấp bom nữa rồi.

Thiên nga ngước mắt lên. Hình như nó ngạc nhiên trước câu nói của những người bạn lớn tuổi. Chẳng lẽ nó sợ bom đến thế ư? Như để tỏ cho Người – Đàn – Ông biết sự đàng hoàng của nó, nó quác lên một tiếng chững chạc rồi tuồn xuống nước, bềnh ra giữa hồ sương trắng. Nhìn theo Thiên nga, Người – Đàn – Ông bỗng cười dòn tan, thích thú. Chỉ có Người – Đàn – Bà hiểu rằng tiếng cười đó còn giấu tâm trạng bối rối của anh. Nhưng chính lòng chị lúc này đây có bằng lặng đâu. Chị nhìn lên khoảng trời giữa các tán lá dày. Ôi bao nhiêu là sao. Gió nữa kìa… Ngọn gió nào tha thướt, đã khuya sao chưa về? Chị rùng mình, rồi xoay lại, nhìn vào mặt Người – Đàn – Ông.

– Anh biết không, trong lòng anh có màu trắng Thiên nga.

Từ giữa hồ, Thiên nga trắng vẫn nghe được hơi thở riêng tư rất kỳ lạ của loài người, tiếng nói run run của hai người bạn đó giữa âm thanh của người phát ngôn viên.

– Chúng ta nói cho Đế quốc Mỹ biết rằng…

Chúng ta nói, chúng ta là cả nó, cả Thiên nga màu trắng. Nó nghiêng tai với tấm lòng thương yêu và tôn trọng. Đó…

– Hoa cũng là con của anh.

Bây giờ Thiên nga lớn rồi, lịch sự hơn, nó biết lúc này chẳng cần tò mò nữa. Nó bềnh ra phía đầu bờ kia của đảo chim. Nó chỉ muốn nói với hai người bạn mình: Anh ấy sẽ trở về với chị, chẳng xa đâu.

Còi thành phố đã lại hụ lên. Quả tên lửa đầu tiên từ hướng Bắc thành phố đã phóng lên. Chỉ mấy giây nữa bầu trời đầy sao trên đảo chim sẽ là một bầu trời nóng bỏng lửa cháy.

Quảng Bá – Hà Nội mùa Giáng sinh 1972 

 (*) Tháng 12/1972, Hội Nhà văn Việt Nam lập Tổ phóng viên xung kích chi viện cho báo Hà Nội Mới để góp phần phản ảnh cuộc chiến đấu oai hùng của quân dân Hà Nội chống B52 Mỹ. Tổ xung kích này lấy từ Lớp bồi dưỡng khóa 5 của Hội Nhà văn (có những tác giả từ chiến trường miền Nam vừa ra) là Tô Nhuận Vỹ, Văn Dinh, Phan Thị Thanh Nhàn, Đỗ Thị Từ. Họ đã có mặt ở những điểm nóng Đông Anh, Mễ Trì, Khâm Thiên… ngay khi bom Mỹ vừa rải xuống và đã có những bài viết nóng bỏng từ những thực tế đau thương và anh hùng này. Truyện ngắn này Tô Nhuận Vỹ viết ngay Mùa Giáng sinh lịch sử đó.

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.