chan_dung-ke_si

Thót tim với ngữ liệu đề thi văn

11-01-2024

Lượt xem 871

Đánh giá 3 lượt đánh giá

Chia sẻ

Thót tim với ngữ liệu đề thi văn

Việc dạy và học môn ngữ văn trong nhà trường có nhiều đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Tân Phong (Q.7, TP.HCM) đang diễn tiểu phẩm Tấm Cám trong buổi ngoại khóa sân khấu hóa tác phẩm văn học với chủ đề “Di sản văn học dân gian” - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ra đề thi thường là nhiệm vụ và cũng là đặc quyền của người giáo viên. Nhưng với nhiều giáo viên ngữ văn trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đề thi có phần đọc hiểu phải là ngữ liệu mở khiến họ thấp thỏm, lo lắng.

Sau sự việc ngữ liệu đọc hiểu trong đề kiểm tra học kỳ I môn ngữ văn lớp 8 của Trường THCS Colette (TP.HCM) bị dư luận "ném đá" vì cho rằng đề thi có ý bôi xấu người thầy hồi cuối tháng 12-2023, mới đây xã hội lại râm ran câu chuyện ngữ liệu đọc hiểu trong một đề kiểm tra ngữ văn lớp 8 của huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) quá phản cảm.

Nói thật, lo sợ bị "ném đá" nên khi kiểm tra xong, chúng tôi không cho phép học sinh mang đề về. Không mang đề về đỡ phức tạp, đỡ bị soi. Tôi biết dạy học cần chia sẻ, cần sự thẩm định từ nhiều phía, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì buộc phải chọn như vậy.

Một giáo viên ngữ văn tại TP.HCM

Không biết khi nào tới lượt mình

Tâm sự với Tuổi Trẻ, cô Đ., giáo viên ngữ văn bậc THCS tại TP.HCM, chia sẻ: "Sau sự cố của đồng nghiệp ở Trường Colette, nhiều đồng nghiệp của tôi nói rằng họ bất an, không biết bao giờ thì tới lượt mình. Vì với yêu cầu về ngữ liệu trong các đề thi hiện nay thì không một giáo viên nào có thể nói "hay" được".

Cô Đ. tâm sự mỗi kỳ kiểm tra định kỳ, một giáo viên phải chuẩn bị ba đề thi. Như vậy, từ đầu năm đến nay cô đã ra sáu đề thi định kỳ, chưa kể những đề thi thường xuyên tự ra cho học sinh làm trên lớp. Theo yêu cầu của đổi mới hiện nay, ngữ liệu đọc hiểu trong đề ngữ văn không được nằm trong sách giáo khoa (SGK). Vì thế, cô và nhiều giáo viên ngữ văn phải vất vả để chọn ngữ liệu không trùng lặp, đạt được ý đồ chuyên môn và... không bị "ném đá".

Với các giáo viên dạy trực tiếp, ra đề trực tiếp, họ đã rất áp lực. Nhưng với tổ trưởng chuyên môn ngữ văn của một trường phổ thông, áp lực này còn lớn hơn.

"Tôi phải chịu trách nhiệm khi duyệt 12 đề thi mỗi lần kiểm tra định kỳ. Từ đầu năm đến nay là 24 đề thi rồi. Các đề thi này không được trùng ngữ liệu, không sử dụng ngữ liệu trong SGK. Tôi chỉ dạy một khối thôi nên để duyệt đề thi tôi phải... mở hết ba bộ SGK ra để dò. Rồi tôi lại phải coi, dò lại hàng chục văn bản đọc hiểu mà giáo viên ra đề đã chọn để... phản biện. Nhiều khi làm việc đến kiệt sức nhưng vẫn chưa hết lo lắng" - thầy tổ trưởng tổ ngữ văn một trường THCS tại TP.HCM tâm sự.

Công văn 3175 cứng nhắc, thiếu hợp lý?

Theo một số giáo viên, công văn 3175 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông yêu cầu việc chọn ngữ liệu trong ra đề kiểm tra, đánh giá phải tránh dùng lại các văn bản đã học trong SGK. Điều này rất bất hợp lý trong việc ra đề kiểm tra ngữ văn.

"Việc ra đề với nguồn ngữ liệu mở không phải là vấn đề xa lạ với giáo viên. Riêng ở TP.HCM, việc đó đã được thực hiện gần 10 năm nay. Nhưng với chương trình 2006, việc chọn ngữ liệu có phần "dễ thở" hơn vì không có nhiều yêu cầu về thể loại văn bản như hiện nay. Vì đã có nhiều năm làm quen với cách ra đề như vậy, nên ở chương trình cũ, chúng ta đã có được rất nhiều đề thi chất lượng, sáng tạo" - một giáo viên tâm tư.

Một giáo viên khác nói thẳng: "Tôi thấy rất không hợp lý khi không cho giáo viên ra đề lấy ngữ liệu từ SGK vì ngữ liệu trong SGK là một kho tàng về những tác phẩm đã chọn lọc, những tác phẩm kinh điển, việc bỏ qua những tác phẩm này thật đáng tiếc cho các tác phẩm được đưa vào SGK.

Chưa hết, nó rất cứng nhắc, một chiều khi khăng khăng bắt giáo viên thoát ngữ liệu SGK. Vấn đề không phải nằm ở ngữ liệu mới hay cũ mà vấn đề ra đề thi nằm ở hệ thống câu hỏi và mục tiêu kiểm tra. Tôi đề nghị bộ xem lại quy định này".

Trả lời Tuổi Trẻ, một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng nhận định rằng việc "hành chính" hóa cách ra đề theo hướng đồng loạt, rập khuôn, máy móc theo văn bản 3175 nói trên khiến giáo viên bị hạn chế không gian trong sáng tạo đề thi. 

"Tưởng là đổi mới nhưng lại vẫn cũ, giáo viên bị đóng khung về nguồn ngữ liệu. Chưa nói đến việc không thúc đẩy sáng tạo, với tinh thần công văn đó, giáo viên sẽ hiểu phiến diện về cách ra đề thi" - vị này nhận định.

Áp lực dư luận

Khi chọn ngữ liệu mới để đưa vào đề, giáo viên ngữ văn phải thường xuyên nghĩ đến rất nhiều tình huống. Trước nhất là việc chọn ngữ liệu, đặt các câu hỏi xoay quanh ngữ liệu: học sinh có thể hiểu không, có hiểu sai ý nào không, có những cách trả lời nào bất ổn không?... Sau đó là nghĩ đến dư luận.

Dư luận gần nhất là đồng nghiệp, sau đó mới tới xã hội. Sau khi học sinh làm bài kiểm tra xong, giáo viên vẫn chưa hết lo lắng vì không biết dư luận sẽ đánh giá như thế nào. Người có chuyên môn nhận định thì tốt, nhưng nhiều người không có chuyên môn, có cái nhìn phiến diện, áp đặt lại có những đánh giá, nhìn nhận gây tổn thương. Đây là một trong những điều mà chúng tôi lo lắng nhất.

Ông Võ Kim Bảo

(giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM)

Để tránh những tai nạn

Theo ông Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP.HCM, công văn 3175 pháp lý hóa yêu cầu về nguồn ngữ liệu dùng trong kiểm tra đánh giá. Định hướng này đặt yêu cầu giáo viên môn ngữ văn phải không ngừng mở rộng vốn đọc, trau dồi kỹ năng lựa chọn ngữ liệu ngoài SGK để phục vụ việc dạy học đọc hiểu và sử dụng trong kiểm tra đánh giá.

Quy định ngữ liệu kiểm tra môn ngữ văn không được lấy trong sách giáo khoa học sinh đang học gây nhiều khó khăn, rủi ro cho giáo viên - Ảnh: MỸ DUNG

Quy định ngữ liệu kiểm tra môn ngữ văn không được lấy trong sách giáo khoa học sinh đang học gây nhiều khó khăn, rủi ro cho giáo viên - Ảnh: MỸ DUNG

"Tuy vậy, thời gian gần đây, việc lựa chọn ngữ liệu (nhất là ngữ liệu văn học) chưa chuẩn xác, thiếu sự xem xét tường tận đã trở thành tai nạn nghề nghiệp của nhiều giáo viên. Theo tôi, sai sót chuyên môn này đến từ những nguyên nhân sau.

Thứ nhất là tiêu chí lựa chọn ngữ liệu được nêu trong chương trình ngữ văn (CTNV) 2018 chỉ dừng ở những định hướng chung, rất khái quát, chưa được cụ thể hóa để thành những chỉ dẫn chuyên môn thiết thực cho giáo viên.

Thứ hai, giáo viên thiếu tài liệu hướng dẫn về việc đổi mới kiểm tra đánh giá trong CTNV 2018 nói chung và việc lựa chọn ngữ liệu nói riêng.

Thêm vào đó, các đơn vị xuất bản, tác giả các bộ SGK thường quan tâm đến việc giới thiệu SGK của mình nhưng chưa chú ý hoặc không dành thời gian tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ về kỹ năng lựa chọn ngữ liệu cho giáo viên.

Thứ ba, giáo viên đôi khi chưa cân nhắc thấu đáo đến đặc trưng đa nghĩa của ngôn từ nghệ thuật, không lường trước được sự biến đổi nghĩa của văn bản/từ ngữ trong văn bản tương ứng với việc thay đổi ngữ cảnh hoặc góc độ tiếp nhận, chưa xem xét kỹ tương quan giữa ngữ liệu với tâm lý lứa tuổi, với những lĩnh vực tham chiếu khác" - ông Khôi phân tích.

Theo ông Khôi, để tránh các tai nạn nghề nghiệp, giáo viên cần chú ý đáp ứng những yêu cầu sau:

1. Giáo viên cần biết cách phân tích, kết nối các tiêu chí lựa chọn ngữ liệu được nêu trong CTNV 2018 cùng yêu cầu cần đạt theo từng khối lớp để từ đó chi tiết hóa thành hệ thống tiêu chí khoa học, đầy đủ, khả thi trước khi lựa chọn ngữ liệu;

2. Giáo viên cần chú ý đến nguồn trích dẫn. Theo tôi, văn bản được sử dụng làm ngữ liệu phải được trích dẫn từ tài liệu dạng sách in do nhà xuất bản uy tín chịu trách nhiệm biên tập, phát hành;

3. Giáo viên phải đặc biệt chú ý đến yêu cầu "tương đương văn bản trong SGK": Định hướng đánh giá năng lực đặt ra vấn đề nội dung kiểm tra phải tạo ra một hoạt động mô phỏng, xây dựng tình huống mới tương tự như tình huống mà học sinh đã được rèn luyện hay có kinh nghiệm xử lý để xem xét mức độ thành công khi giải quyết tình huống mới nảy sinh.

Do đó, giáo viên phải lựa chọn được ngữ liệu ngoài SGK nhưng tương đương (về loại thể, về đề tài - chủ đề, về độ khó/ độ phức tạp...) với các văn bản trong SGK ngữ văn mà học sinh từng tiếp xúc để các em có thể huy động vốn kiến thức, kỹ năng đã được trau dồi, rèn luyện.

Theo tuoitre.vn

Bài liên quan
  • Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Việt Nam khai quật thành công ‘kho báu’ bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới

    Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khi đó đã đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa khẩn cấp khu vực để bảo vệ nguyên trạng, họp bàn tìm cách khai quật tối ưu.
  • VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    VIẾT TRUYỆN NGẮN NHƯ THẾ NÀO* - CHEKOV

    Sao lại nói là không có cốt truyện? Không đúng. Cốt truyện có ở mọi nơi mọi chỗ. Anh hãy nhìn vào bức tường này. Ai cũng biết ở đấy chẳng có gì cả. Nhưng anh hãy nhìn kỹ vào đó, hãy tìm trong đó một cái gì của mình, một cái gì không ai thấy được. Và anh hãy viết ra. Xin cứ tin điều tôi nói, bấy giờ thế nào cũng có một truyện ngắn. Cũng như anh có thể viết rất hay về một chủ đề đã cũ mèm như viết về ánh trăng, miễn là biết nhìn ra trong ánh trăng một cái gì của mình mà không phải một cái gì khác đã quá nhàm.
  • Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Nhà văn Minh Chuyên được phong tặng Anh hùng Lao động

    Theo thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Minh Chuyên vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi những đóng góp đặc biệt cho văn học viết về chiến tranh thời hậu chiến.
  • Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Nhà thơ Bùi Giáng: Kỳ cuối: Gặp hoạn nạn là Kim Cương có mặt

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lúc đầu thấy Bùi Giáng cầu hôn Kim Cương không được, Nguyễn Thùy có lần đã đề nghị với Kim Cương một cách nghiêm túc hay là Kim Cương lấy Bùi Giáng làm chồng, biết đâu sẽ giúp anh ấy bớt khùng và viết lách đường hoàng, đĩnh đạc, dễ hiểu hơn?
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 4: Tỉnh điên một cõi hồng trần

    Nguyễn Thùy có cô người yêu là sinh viên Đại học Sư phạm ban Anh văn rất quý trọng Bùi Giáng, cô này thường đi theo Bùi Giáng uống cà phê, quàng vai ông rất thân thiết khiến Bùi Giáng rất vui.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 3: Trong cõi điên nhân tình thế thái

    Sau khi không may gặp hỏa hoạn, không chỉ nhà bị cháy mà tất cả tác phẩm và sách vở tài liệu bị cháy sạch, Bùi Giáng lại thêm một cú sốc lớn khiến tâm hồn nhạy cảm của ông càng bị chấn động. Bùi Giáng càng điên hơn, ban ngày ông lang thang ngoài đường trong trang phục “cái bang” với mấy con chó nhỏ trong túi vải đeo lủng lẳng quanh mình. Cứ thế ông rong chơi khắp phố phường và trêu chọc thiên hạ, nhất là các cô gái đẹp.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 2: Bút lực hoa trôi nước chảy

    Để có cả một kho tàng tác phẩm như thế Bùi Giáng đã viết lúc nào trong khi ông thường dành hết thời giang trong ngày để rong chơi cho những cuộc điên tưởng chừng bất tận? Đây là một điểm rất bí ẩn mà cho đến nay chưa có lời giải, kể cả những người gần gũi nhất với ông.
  • Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Nhà thơ Bùi Giáng - Kỳ 1: 'Giáo sư' không tốt nghiệp đại học

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Bùi Giáng không tốt nghiệp đại học nhưng lại làm “giáo sư” dạy học một thời gian, là nhà nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật và nhất là làm thơ. Ông dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trên thế giới, viết khảo luận đông tây kim cổ và đặc biệt là làm thơ nhanh như chớp bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào.
  • Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước

    Hà Nội từng có 21 cửa ô nhưng đến năm 1866, trên bản đồ chỉ còn 15 cái tên.
  • Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Chữ quốc ngữ khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

    Một câu hỏi được đưa ra từ lâu trong giới nghiên cứu nhưng không dễ trả lời: sự thay đổi chữ viết tạo ra sự đứt gãy về văn hóa, truyền thống trong dân tộc ta?