11-09-2023
Lượt xem 2090
Đánh giá 0 lượt đánh giá
Nhà văn Túy Hồng và chồng nhà văn Thanh Nam
Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Thở dài của nhà văn Túy Hồng (1938-2020) đăng lần đầu trên Bách Khoa số 158, 1/8/1963, in trong tập truyện cùng tên năm 1964, Thời Mới xuất bản.
Truyện có tên Thở dài, nhưng nội dung còn hơn cả tiếng kêu xé trời của một nhân vật từ tuổi thiếu nữ, đến làm cô giáo và trở thành một gái ế, trước những tiếng ác miệng của người đời về quá khứ tuổi mười sáu bị lính Tây hiếp dâm của cô: "Họ không thương hại bằng im lặng, họ phổ biển ra hết cả rồi mới than thở, oán thù dùm cho tôi. Một thân, một phận mà mấy kẻ đem rao."
Tiếng kêu xé trời còn bởi vì: "Không biết phận... Còn treo cao giá... Trong trắng quá, nguyên lành quá, hừ... ở tù hai năm cũng chưa đọa bằng sa vào một tay thằng Tây... người ta đã tha cho mà còn tuyên dương người ta... Tôi bảo thật, chỉ cuộc đời chai sạn này họa may mới buông tha cho tấm thân tì vết kia thôi...". Đây là lời của nhân vật Điều, vì anh ta mà Cỏ May đã bị hãm hiếp.
Túy Hồng là nhà văn gốc Huế. Giống như nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, bà cũng là một cô giáo nhưng về sau lại theo nghiệp văn chương. Nguyễn Thị Thụy Vũ từ Vĩnh Long lên Sài Gòn, còn Túy Hồng bỏ dòng An Cựu tiến vào Sài Gòn với những giấc mơ.
Tuy nhiên cả hai có một điểm chung đến éo le. Túy Hồng mơ màng với một nhà văn đàn anh, nhưng người ấy đã có vợ. Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng thế, bà ở với nhà thơ cũng đã có vợ Tô Thùy Yên.
Năm 1964, Túy Hồng viết Vòng Tay Anh, gửi đến Bách Khoa và bị Võ Phiến, nguyên mẫu của nhân vật trong truyện, hăm dọa bắt bà rút lại truyện. Nhưng Túy Hồng bất chấp vẫn nhất quyết không chịu rút. Truyện sau đó đăng hai kỳ trên Bách Khoa số 175 (15/4/1964) và số 176 (1/5/1964).
Trong bài viết mang tựa đề “Võ Phiến”, Túy Hồng viết: “Đó là cái nghiệp của ít nhiều nhà văn và nhà thơ nữ miền Hương-Ngự, những kẻ tháo gỡ vòng dây trói Khổng Mạnh Huế để vào Nam hòa nhập với tự do Sài Gòn. Những người viết nữ thường sa vào tay những kẻ đã có vợ và nhiều con. Nếu tôi là một ông thầy tướng số mù, (thầy bói thì phải mù, chứ thầy bói mà hai mắt mở thao láo thì nói ai nghe), tôi sẽ tiên đoán vận mệnh của các nhà văn nữ: văn chương thì rạng rỡ, nhưng tình duyên thì trắc trở. Những nhà văn nữ thường thích sinh sống ở Sài Gòn hơn ở Huế, Vĩnh Long, Phan Rang. Sài gòn thông cảm tâm sự của họ hơn Huế, và những nơi khác. Sài gòn có đủ đàn ông để họ lãng mạn và làm bạn”.
Bìa tập truyện Thở Dài của nhà văn Túy Hồng - Thời Mới xuất bản năm 1964
Nếu bọn học trò hiểu mình thì những bài luận văn của chúng đừng kéo dài ra nữa. Lớp đệ thất mà hầu hết bài nào cũng giăng đầy bốn trang giấy học trò. Nói mãi là thời buổi bây giờ con người chỉ chọn thứ văn chương ngắn ngắn mà chúng không tin. Những câu què, câu gãy mình vừa gạch vừa rên, thêm mấy cái lỗi chính tả nữa, thật là ngứa ngáy khó chịu.
Tôi tưởng là mình cao tay ấn lắm rồi khi trị chúng, nói với chúng như thế này:
Thân Trọng Khanh ! Cô dặn mấy lần rồi mà suốt bài luận chỉ đếm được hai cái chấm, thật là một bài văn nghẹt thở, thác loạn. Đây này, các em nghe một câu văn, chỉ một câu thôi. Viêm đứng lên bịt mũi Khanh lại. Tất cả lớp hãy nín thở, cô nín thở với các em. Khanh hãy đọc to lên, không cho thở, nếu đọc dứt câu mà chúng ta nín thở được thì lần sau được tiếp tục viết dài..
Xấp luận dày bằng cả công phu lương tâm nhà giáo, chấm lai rai cả tuần. Thật là đau mắt, nhức đầu, mỏi lưng, chán đời. Tôi xếp tên những học trò yêu xuống cuối xấp đề níu mình ngồi chấm lâu hơn như hồi còn bé thường chôn những miếng ăn ngon trong đáy chén.
Trên trời trăng tròn một vòng, đẹp và trong như học trò tôi thường tả trong bài luận. Muỗi chích rát hai bàn chân nhét dưới gầm bàn. Tôi chịu khó chấm cho đến bài của Quốc Viêm.
Bài của Viêm lạc đề. Ý tưởng hắn tung tăng chạy chơi ngoài đề tài. Cô giáo bảo « hãy tả một cơn mưa giông và nói cảm tưởng» mà hắn gạt cả mưa gió ra ngoài hết tuy bài làm có go ngắn lại!
«Trời nắng chang chang, cây cối đứng sững ra như nghe bài hát suy tôn. Bỗng dưng mây đen từ mùa đông năm ngoái trở về trộn xám bầu trời. Gió ào ào thổi lên hất tung cát bụi vào mắt... Rồi mưa.
« Trong nhà, em vừa vẽ tranh tô màu vừa nhìn xa gần. Em cảm thấy buồn hình như có vài giọt mưa đang khóc nhẹ trong lòng em . Bỗng từ ngoài ngõ, một cô gái nhỏ, nhỏ bằng em gái của em, cúi đầu chạy vào đụt mưa dưới mái hiên. Nàng đứng cách em không đầy hai thước. Đầu tóc búp bê Nhựt bản vươn ngoài cửa sổ. Em nảy ra ý vẽ một đầu tóc con gái nhỏ. Cô kiều mẫu nôn nao nhìn từng giọt mưa. Em hoà ba ly nước màu: màu tím, màu đỏ, màu nâu... Rồi vung tay chấm phá. Càng vẽ càng lúng túng. Vẽ tay vẽ chân thì rất dễ. Cái đầu người ta không thể cắt ra được mà đặt lên giấy để đồ. Em cứ ham hố vẽ nhưng càng vẽ càng tức. Nổi xung, em xếp hết giấy tờ lại, đập hai tay xuống bàn thật mạnh và hét tướng:
-Ta thèm muốn một cái đầu con gái.
Đầu tóc hung nhỏ quay ngay lại, hai hạt mắt đen nhãn lồng cuống quýt chạy tròn và chụp nhìn em rồi đậu trên những ly nước màu. Vụt một cái cô em phóng thân ra ngoài trời mưa như con sẻ non. Em ngẩn ngơ tìm hiểu. Thôi chết! cô bé nghe lời nói tàn bạo của em rồi hốt hoảng nhận lầm ba ly nước màu ra những thứ khác. Cô em dám cho rằng ly nước màu tím là thuốc độc, ly nước đỏ là màu máu, máu nóng và ly màu nâu phải là rượu. Chắc nàng yên trí rằng em đang say, say rượu, say máu và say giết. Có thế mới bỏ em mà chạy chứ. Gan đàn bà! Đàn bà ai cũng tội cả!
« Mưa tạnh. Em vội chạy ra vườn xem lại cảnh vật. Mọi thứ đều tươi mát vì mới tắm. Một con rắn mối thấy tạnh mưa mò đi kiếm ăn dưới gốc thanh trà. Bỗng lão mèo đen xông ra chực vồ. Em hoảng hốt lấy đá ném mèo giải thoát cho rắn mối. Rắn thoát chết chạy về hướng đông nam để em đứng tần ngần mơ màng những chuyện trả ân huyền bí...
Tôi thở thật kêu. Không biết ngả nào mà cho điểm nữa. Thật là ly kỳ hấp dẫn. Thường ngày Viêm viết được, lâu lâu mới điên lên một lần; hắn biết tính mình hay cười.
Bài luận của Quốc Viêm là con người của hắn. Nhìn Viêm ngồi nghe giảng bài tôi thương hắn triệt để. Hai mắt xoay đủ mọi chiều, hắn còn nghe bằng mắt và bằng đầu. Nhìn hai lỗ tâm hồn ấy, mình dò được lối diễn xuất của mình có vào sâu tầm hiểu biết của học sinh không. Mỗi lần tan lớp, Viêm tiễn tôi ra cửa bằng hai hạt mắt đen quyến luyến. Đã bao lần hai chấm sao nhỏ ấy chong sáng một thời quá vãng của tôi. Tôi thấy lại cái nhìn của anh Khôi, tôi gặp lại lũ bạn vui nhộn.
Anh Khôi ! Hễ em ngồi lâu thì tê một chân. Mỗi lần như thế, em ngồi đè lên bàn chân khốn khổ ấy, sợ máu đi qua đau đớn thấu gân, da, thịt. Nhưng anh lại rút chân em ra thật dài, anh lấy tay vỗ nhẹ vào bàn chân và vuốt từ đầu gối trở xuống. Bàn tay anh đầy máu di chuyển điều hòa trong thân thể em. Em nhăn nhúm mặt lại để anh đau đớn với em.
Anh Khôi chăn dắt một bầy em nhỏ. Những ngày tản cư sống không biết sợ. Đạn reo veo véo nhưng không một viên nào đến gần chúng tôi cả. Tây đổ bộ là công việc của họ, không can dự chi đến phần vui của chúng tôi cả. Chú tôi có rủ thêm mấy gia đình bạn về lánh nạn ở nhà thờ. Bảy tám gia đình sống chung dồn được một bầy trẻ nhỏ. Tôi mười sáu tuổi chẵn nhưng vẫn còn nguyên con nít dại khờ, suốt ngày rong chơi phờ phạc cả người, quên nhìn xuống bộ ngực đã trưởng thành. Các cha mẹ sợ con em thất học nên rước anh Khôi về dạy chữ, dạy hát và làm trọng tài cho những xích mích gây gổ của tuổi thơ. Thầy giáo dạy học và dỗ em nhỏ. Gần ba chục trẻ, ở những lớp vỡ lòng anh Khôi lãnh thêm phần việc vú em. Chúng tôi bám lưng anh sát nút, anh đặt ra nhiều câu chuyện đời xưa nay khiến lũ trẻ mê man quên quấy rầy cha mẹ. Chính phủ, hoàng đế đều thua, anh Khôi là nhất hết cả. Anh bảo sau này tôi sẽ làm cô giáo nên thường buộc tôi phải đứng lên giữa sân tìm nghĩ một cái gì kể trước đám đông. Bao giờ tôi cũng kể chuyện đời xưa, chữ quốc ngữ người Pháp mới đặt ra sau nầy, nhưng trong chuyện đời xưa của tôi, con zéro có từ thuở trời đất còn gần nhau, có đường đi lên xuống xuyên qua những vòm mây năm màu. Ngọc Hoàng muốn đem văn hóa nhà Trời xuống trần gian ngu muội nên truyền Kim Tinh xuống trần làm một thầy đồ dạy chữ nghĩa. Lúc ấy quả đất còn ở thời kỳ sơ khai, khí u uất ngày đêm xông lên mờ mịt nên qủy sứ lẫn lộn với người ta. Thấy con người cắp sách đi học, lũ quỷ cũng bắt chước, cũng lều chõng, cũng tráp sách, nhưng hoang hạng nhất là quỷ, chúng phá thầy, giỡn thầy, chọc bạn, nhất là những anh khóa có vợ trẻ ở nhà. Ông thầy khổ sở, đầu hàng lũ học trò du đãng, ông khóc như mưa rào trốn về Trời xin từ chức, vái tạ cái nghề đày đọa tinh thần đó. Trời muốn bỏ tù ông hay đày hóa thành con vật chi cũng được nhưng đừng sai ông gõ đầu quỉ. Trời bối rối. Thái Bạch chầu bên cạnh mau miệng tâu xin cho nhà giáo một món bửu bối. Đó là một cái vòng sắt trăm màu hấp thụ tinh khí âm dương, ngày đêm đun trong lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân, khi thầy niệm chú tung lên trời, bửu bối sẽ bay thẳng lên, trông vào đầu quỷ sứ siết mạnh, thật mạnh, nhức nhối vô cùng, đau gấp mười chiếc vương miện trên đầu Tôn Hành Giả nữa. Bọn quỷ trâu lắm, thế mà cứng trở nên mềm, có kỷ luật và học hành tiến bộ trông thấy. Tuy nhiên đã là học trò thì làm sao khỏi vấp phải tội lỗi. Thỉnh thoảng vẫn còn vài kẻ chơi quấy bị chụp vòng sắt lên đầu. Nghiệm ra, nhiều khi chỉ vì một sơ xuất nhỏ nhặt nhưng đầu vẫn chịu cực hình y như kẻ trọng tội nên một hôm toàn thể học sinh đồng qùy xin thầy áp dụng luật phân biệt tội nặng tội nhẹ để trừng trị cho cân xứng. Giáo sư mủi lòng, định rằng từ nay hễ ai mà bê bối thì phạt treo; thầy sẽ ghi vào sổ một vòng tròn làm dấu, đếm được nhiều vòng sẽ trị sau, vòng sắt sẽ chụp lên đầu… Kể từ ngày ấy, mọi ông thầy trên thế gian đều bắt chước cái lệ ghi vào sổ điểm từng vòng, từng vòng mà ngày nay gọi là con số không.
Nhưng anh Khôi có một kẻ không phục; đó là Điều mười chín tuổi, lớn nhứt trong bọn. Hắn bắt đầu luyện tập cơ thề ì ạch, sáng nào cũng dậy sớm chạy bộ vài vòng quanh xóm làm bầy chó cao hứng đuổi theo sủa vang dậy. Ai cũng quở. Da dẻ Điều ăn nắng đen như bánh đường Quảng ngãi, biệt hiệu hắn là «Điều đường đen». Hắn hay làm quan trọng như trên trái đất chỉ mình hắn là đáng kể. Tôi cứ nhởn nhơ làm con nít cho hắn khinh. Điều là một chàng thi sĩ nhưng hắn không bao giờ làm thơ ca tụng mẹ. Tôi phục người lớn, tôi thương những hộp phấn, những thỏi son, những chiếc kẹp giắt tóc, và tôi cũng thương vẻ đẹp không son phấn của mẹ Điều, tấm nhan sắc non bốn mươi với hai con mắt trữ tình, vòng môi cong cong và không tái ngay cả những buổi sáng mai ngủ dậy. Tôi thích nghe cha Điều nói chuyện thời thế, nhất là lúc ông bàn về người dân Tây. Mẹ Điều sợ Tây sảng hồn sảng vía. Ông cha bao giờ cũng suy bụng ta ra bụng người :
– Mình gặp Tây cũng như gặp tri kỷ. Tại Pháp, nhất là sĩ quan, họ trọng người trí thức lắm. Tôi mà nói tiếng Tây ra thì thù hóa bạn, họ nể mình, bắt tay mình ngay và còn có cả biscuit, champagne ăn uống lu bù nữa... một chốc là thả về ..
Điều nghiêm giọng :
– Ba à, anh Khôi có giấu lựu đạn trong người. Anh quyết ném tụi Tây trước khi bị bắt...
Bà kêu to:
– Có đời thuở nào trứng mà dạy khôn cho mén... Mày không có lỗi?. . Không có cha chúng mày thì chúng mày đốt nhà.
Điều đọc sách ngâm thơ và nhìn trăng luôn luôn. Những buổi trưa nắng xém cỏ, hắn cởi áo cụt hì hục vẽ tranh đồng quê. Nhìn Điều sáng nào cũng tập thở tập chạy, bà mẹ thắc mắc.
– Mày tập dữ rứa mà cái bụng còn chưa chắc... đúng rồi, lúc bé mày bú sữa sống khi tao có mang thằng Trai.
– Mẹ, sữa sống có phải lúc người mẹ đang có thai đứa em mà thằng anh hay con chị còn đeo bú mę phải không ? Cha mẹ ích kỷ lắm..
Tôi thấy Điều vô tích sự và lẻ loi như cây đu đủ đực. Nghe giọng ngâm thơ của hắn thì hay nhưng nhìn thì mất hết cảm tình. Hai tay hắn từ từ giang rộng và giựt giựt mãi để bế nàng Thơ; tất cả mắt, miệng, cằm, môi đều rung động, vẻ trơ trẽn, khác với lúc Điều học bài, lúc nói chuyện; mặt Điều như mê đi Khi hồi tỉnh, thấy tôi chăm chú nhìn, Điều gọi đến tâm sự :
– Cỏ May ơi, ta cô đơn nên tâm hồn như chết héo. Lúc còn bé tí, Cỏ May có bú không? Mẹ ta bận có mang em Trai nên ta phải bú sữa vữa. Cha mẹ thật ích kỷ, chỉ biết thương yêu riêng mình, quên nghĩ đến con, dành cả phần con, phá hư bầu sữa của con.. Cái bao tử của ta chừ còn ọc ạch…
Trong lúc Điều lừng đừng cô độc, thì chúng tôi chơi bời mê mệt. Có lúc cả bọn chơi chung và có lúc phải chia ra hai phe trai gái riêng rẽ. Thằng Danh bắt đầu thoát xác con nít và giọng nói bể ồm ồm, hai đầu gối luôn luôn « lãnh sẹo » trầy da rớm máu cả đời, nhiều khi khô đen như hai miếng cơm cháy, chụp tắc kè hay không chỗ chê. Buổi trưa trời nắng độc, cây cối đứng trơ ra, thẳng Danh dẫn cả bọn giặc non sục sạo lùng kiếm tắc kè cùng làng. Biệt tài của hắn là thộp ngay cổ mà mấy cái gai dưới đầu con vật vẫn còn nguyên, không bao giờ bị cắn ngã hậu. Danh đè cổ tắc kè ra, lấy một nhúm bông gòn nhúng vào rượu để lau chùi mình mẩy khử trùng. Cái đuôi con vật rối rít kêu cứu. Khi trên mình tắc kè không còn một loại vi trùng bệnh tật truyền nhiễm nào nữa, Danh mới phết vào một lớp keo thật dày rồi tỉ mỉ lấy bông gòn dán lên, đắp áo bông cùng mình con vật chỉ chừa hai mắt cho chú tắc kè chiêm ngưỡng cuộc đời. Danh lấy hai cái lông chim chấm « côn » găm lên cô tắc kè, điệu như hai chiếc lông trĩ trên mũ minh tinh màn bạc. Xong đâu vào đấy, Danh mới lấy cu-lơ nước hòa màu vẽ vào, tô lục chuốt hồng cho thân phận tắc kè.
Danh muốn sưu tầm đủ loại tắc kè : cao bồi, thợ săn, tu sĩ. Cứ phết keo, phích bông gòn, vẽ, tô màu, rồi tưởng tượng theo ý mình. Mấy chú tắc kè con gai góc khó xài, góc cạnh phức tạp khó độn bông, Danh đợi đến đêm đi săn thằn lằn thế vào nhưng thằn lằn hể đụng đến là đứt đuôi và da bụng thằn lằn trắng hếu- mềm xèo, rờ mà lợm tay.
Con Ty Ty rủa thằng Danh là hung thần. Sao nỡ tay đổi tác phong, hình dạng tắc kè để rồi đây đồng bào không ai còn biết gốc tích chúng nữa. Làm người ta mất gia đình mất tổ quốc, mất nhân loại, mất cả bản thân mình nữa, Ty Ty ngồi hàng giờ trước lồng nhốt tắc kè. Lũ tù nhân của Danh không hề biết xót xa cho số phận mình. Chúng đấu võ hơn thua nhau cả ngày, rớt từng mảnh bông, chúng cắn chùng nhau từng miếng. Danh giá chi chuyện ở tù mà huynh đệ còn tương tàn? Nhân đạo ở đâu? hạnh phúc ở đâu? Ty Ty không biết ai là chàng, ai là nàng. Lũ tắc kè cũng không nhận ra nhau dưới lớp bông. Muốn « yêu » và được “yêu » thì phải biết ai thuộc âm, ai thuộc dương. Bị bắt buộc quên chuyện ái tình nên chúng đánh nhau cho đỡ buồn, đánh tơi bời, húc vẹo cả lồng, khó mà tìm được một tắc kè nghệ sĩ sống thuần bằng tâm hồn. Cuộc đời ngang đây thật hết sạch mọi sinh thú.
Cuộc vui kéo dài không hết, không khí đồng quê bổ khỏe, gió đồng quê lành mạnh, chúng tôi đi ngủ khi gà vịt lên chuồng. Trời chạng vạng, thằng Bô tổ chức cuộc đua vịt. Hắn cắt giấy, viết chữ số lên trên, rồi dán vào lưng bầy vịt và cả tụi vừa vây kín vừa xua đàn vịt chạy nước rút. Lũ vịt không ham đoạt cúp cứ nép vào nhau vừa chạy, vừa hỏi thăm nhau rộn đám.
Nhưng khi bọn con trai đánh trận cờ lau thì phái yếu không cần tham dự vì Đinh Bộ Lĩnh dẹp chưa yên mười một sứ quân đã thèm lấy vợ. Thằng Sĩ làm mai xông vào đám con gái kéo bừa một ả...
Xung quanh tôi, Tây đã đổ bộ rầm rầm. Nếu không có người lớn can thiệp thì những ngày tản cư hoàn toàn dùng để chơi. Mẹ mắng tôi là đứa vô tâm vô tạng. Ý mẹ muốn rút tôi ra khỏi cuộc vui, mẹ không tin tôi còn nhỏ nữa. Chị Vân hơn tôi có hai tuổi mà đã đầy đủ thước tấc người lớn - tôi muốn nói đến chu vi của buồng ngực. Anh Khôi giờ đây cơm đùm cơm vắt trốn chạy cùng làng. Thỉnh thoảng tôi có chong tai nghe những việc làm độc ác và dơ bẩn của lính Tây nhưng biết xong lại trả về cho người lớn. Bây giờ mẹ, các cô, các bà trong nhà chia nhau chun vào sống tạm với những người nghèo. Mẹ bắt cóc tôi theo một bên chân. Nhà thờ tổ gần như bỏ hoang hằng ngày. Các bà mẹ quẹt than và mồ hóng lên mặt, lên tay chân, tóc tai thì vày vò cho rối nùi, mượn áo quần nhớp mặc vào. Mẹ kéo tôi và chị Vân vào bếp vạt hết đầu tóc chỉ còn chừa một cái chóp, đánh bóng da mặt và cổ bằng lọ nghẹ, kẻ khóe mắt bằng bột nghệ, tay chân như trét dầu hắc. Bọn trẻ nhìn tôi sắm tuồng rồi nhận xét riêng với nhau :
– Bác Tham gái sợ Tây bắt Cỏ May về làm con nuôi…
Những lúc nghe báo động, mẹ kẹp hai chị em bên nách tay chân run giật, miệng lẩm nhẩm cầu kinh Phật Bà. Tay mẹ trét lọ thêm lên mặt, bết tro thêm vào áo quần tôi. Mẹ di ngón tay tro vào trán tôi dặn đừng bén mảng về nhà thờ tổ. Tôi thèm chơi đến khô nước miếng. Đội lốt lọ lem ban đầu thì hay hay nhưng dần dần cô độc như cây trụi lá. Tôi rình tuột tay mẹ là chạy ra với lũ bạn hiền. Bọn hắn phủi quần áo và kỳ cọ mặt mày cho tôi. Mẹ cầm roi mây quất loạn xạ cả tụi.
Một hôm, mẹ ngủ trưa mê mệt, Điều nháy mắt chỉ chỏ dụ tôi sang chơi bên nhà thờ tổ. Tôi lủi theo hắn, vốc nước ao rửa mặt vội vàng. Trưa nay nội bọn giải tán đi đâu cả trừ con Thanh phơi bụng nằm chơi trên tấm phản dưới nhà ngang. Điều bảo tôi phủi chân lên ngồi bên Thanh và yêu cầu giữ im lặng đề hắn vẽ chân dung «Ruột thịt”. Chúng tôi ngồi coi Điều vẽ thật lâu, sốt ruột sợ mẹ, đến khi bàn chân mặt của tôi bắt đầu tê thì một tên lính Tây ngất ngưởng đi vào. Điều và Thanh văng mình chạy. Bàn chân trái không tê cũng cứng sững, tôi bại cả toàn thân, ngồi dán trên tấm phản. Sự kinh hãi đột ngột quá, tôi không hét được, cũng không khóc được khi tôi còn kịp thấy Điều ngoái mặt lại nhìn tôi...
Từ đó Điều không nhìn tôi nữa.
Trước đôi mắt đục lệ của mẹ. và hơi thở oán hờn của cha tôi liên tiếp đồ tội cho Điều. Còn anh Khôi nữa, ai bắt anh phải nhìn tôi như thế. Tia mắt anh vừa ngọt vừa chua vừa nồng vừa lạnh. Ai có làm chi đâu mà anh buồn giận. Bao giờ tôi cũng vô tội, vô trách nhiệm. Ai thương tôi như cha mẹ ruột thì còn phải cay đắng với tôi suốt đời. Điều dỗ tôi trốn đi chơi, anh Khôi qui tội hắn. Tôi tìm thiên hạ đề rình nghe chuyện.
– Đứng vào địa vị em, chắc anh cũng bỏ chạy như em mà thôi.
- Vì anh không có trong giờ phút đó nên anh phải hứng chịu sau này... Em có tập võ... Nếu em bình tĩnh đứng lại thì được hai người. Cả em và Cỏ May có thể vừa chống lại vừa kêu cứu... Không có chi níu chân em lại cả.
Điều như hầm hè từ bên trong:
– Nóng quá... chịu Trời không nổi . . . Anh Khôi ạ ... Cái thân thể ấy cũng chưa nhàu nát đâu và cái tâm hồn ấy chưa biết nhục đâu... Nếu có một người đàn ông chịu hy sinh... một tình thương sâu rộng. Chỉ cần một người đàn ông để cuộc đời bắt đầu lại... Vết tích sẽ tiêu tan. Anh đã thử lại anh chưa? Anh có chịu được không ? Anh có dám... cứu không ?
- Nói chi mà dữ tợn... Tất cả vẫn còn đầy... còn quý như xưa lòng thương vẫn còn nguyên. Tôi không khổ vì tôi vẫn thương. Tôi dành lấy trách nhiệm, nhận đón một sự tiếp tục cho tôi và cho hắn... Tôi chỉ bắt đầu yêu thương hơn mà thôi Không có việc gì xảy ra thêm cho đến ngày hồi cư. Chúng tôi giải tán, mỗi người tìm về nhà cũ. Tôi gặp lại Điều dưới mái trường Kadé đối mặt với trường Déca Thanh học. Tản cư trôi không mấy năm, việc học cầm lại trễ nải, tôi trùn lưng lại học lớp thấp so với số tuổi khá bộn mà tôi vẫn bưng bít giấu quanh. Bạn cùng lớp công kênh mình lên làm chị. Điều già đắng lại vì còn phải chịu thêm hai năm mắc kẹt trong tù. Thời gian pha thuốc hóa trang, da Điều xếp nếp in như những đường chỉ tang nổi lên nằm hai bên miệng. Vai Điều so lệch, hai mắt tối thăm thẳm mệt chán. Không còn chi nữa, không còn chi để nói được đó là chàng trai ham thể thao bị chó rượt chạy quanh xóm năm xưa nữa.
Trong lớp học, tôi chỉ trẻ hơn giáo sư. Vì thiếu người nên đôi khi cũng cần làm duyên với thầy. Bọn con trai chỉ thích trụt xuống hàng em, họ thôi nhìn mình. Những tình cảm sôi nổi mơ mộng chỉ đề riêng cho bọn em út tham dự với nhau. Thiếu vui, thiếu an ủi, chỉ có cô đơn đề buồn duyên, buồn phận. Tâm hồn tôi càng ngày càng khô càng rỗng. Già tự mấy chỗ đó. Những cô em gái của tôi — các em của chị – trẻ đẹp và nhiều điều kiện thuận lợi. Họ xưng hô với tôi rất lễ phép như thể ở nhà cha mẹ họ có dạy bảo. Những tiếng « dạ», tiếng «em» ngọt ngọt sắt và mềm mỏng quá khiến tôi muốn biến thành đàn ông. Nhưng tôi không muốn làm chị, làm bà ngoại ai cả. Mấy lần tôi định bảo Thúy:
– Mình không xứng đáng với tiếng « dạ» mê ly của Thúy. Thúy không “dạ» với mình thì cũng chẳng ai chết cả. Cứ để bọn con trai nhìn vào cũng biết ai già hơn ai rồi mà. Kêu mình bằng chị cũng đủ lễ phép rồi.
Còn Điều, vì tình bạn lâu năm, Điều cũng dành cho tôi chức chị. Ngày xưa mà được thế thì quá sướng. Điều làm giấy khai sinh lại trụt mấy năm nên làm em cũng xứng đáng.
Ngoài ra mấy anh lớp trên cũng chịu khó xông vào làm em tôi vô điều kiện, vì tôi có em gái đẹp, tiếng kêu sa của Thanh lẫy lừng trường Déca. Tôi là một bà chị có không biết bao nhiêu em trai, em gái ở đời. Các « cụ » nhờ tôi giúp đỡ khẩn thiết. Thanh chê tôi là bị đàn ông lợi dụng, bị đàn ông điều khiển, tự hạ uy thế của mình. Theo Thanh, chữ lợi dụng chỉ đề dành riêng cho đàn bà dùng. Đàn ông phải hiếu chữ ấy bằng hành động nghĩa là phải sai được, nhờ được, phục vụ được.
Thanh còn thắc mắc thêm:
– Chị thì thôi, ai chị cũng sợ hết... Thanh há,.. nếu có chú oắt con nào đang nở lòng nở dạ được đi song đôi với Thanh ngoài đường, hoặc được hồng phúc nói chuyện tay đôi với Thanh thì Thanh phải suy nghĩ, nặn óc làm sao tìm cho ra một vài công chuyện để bắt anh chàng chạy để sai, tỉ dụ như đi mượn cho quyển sách, mua hộ cho hộp thuốc, vẽ dùm cho «em tôi» một bức địa đồ... sai.. để mà trả đũa việc hắn lợi dụng mình đè đi song đôi hoặc nói chuyện với mình. Vì chưa am hiểu chữ lợi dụng nên hễ anh chàng nào nhờ giúp đỡ, tôi đều cười bày cả hàm răng trên:
- Muốn làm em rể à?... Cứ nạp đơn đi...
Thanh tuồng như chấp thuận lá đơn tưởng tượng của Điều. Hồ sơ đương sự xét ra không gồm một thân thể to bản, thiếu hẳn điều kiện tiền bạc của cha mẹ, lại không có chứng chỉ văn bằng nào cả. Hắn chỉ nạp cho Thanh cái khổ người bệnh hoạn tốn tiền thuốc, và mấy tập thơ chép tay tự hắn làm tác giả.
Tôi khuyên Thanh trước mặt Thủy:
- Thà chết còn hơn lấy đồ nớ, đã từng bị tù rồi, đã từng bị pháp luật thích dấu…
Cách hai ngày sau, Điều chận tôi giữa giờ ra chơi hắn nói bay cả nước miếng và hơi thở miệng vào mũi tôi:
– Không biết phận... Còn treo cao giá... Trong trắng quá, nguyên lành quá, hừ... ở tù hai năm cũng chưa đọa bằng sa vào một tay thằng Tây... người ta đã tha cho mà còn tuyên dương người ta... Tôi bảo thật, chỉ cuộc đời chai sạn này họa may mới buông tha cho tấm thân tì vết kia thôi...
Tôi nhìn Điều trân trân, tay cấu víu vạt áo, chân tôi bước lui, tôi không nói được, không mở môi ra được. Cái miệng Điều, một chiếc răng cửa sứt mẻ đầy bợn đen, hai cái môi màu tro xéo qua xéo lại dữ hơn nọc rắn, chôn sống cuộc đời tôi ở đây. Nước mắt tôi quá nhiều và chảy ra quá dễ, tôi khóc mấy ngày cũng không hết, khô cổ xin cha mẹ nghỉ học không được. Vừa khóc vừa ngấu nghiến chương trình học công và học tư, cuối năm tôi thi đỗ bằng tú tài phần một.
Những loạt dư luận xô bồ, mấy cô em gái cùng lớp đọc lại những lời Điều cho những ai chưa nghe rồi chắc lưỡi tội nghiệp. Họ không thương hại bằng im lặng, họ phổ biển ra hết cả rồi mới than thở, oán thù dùm cho tôi. Một thân, một phận mà mấy kẻ đem rao.
Có những đêm ướt sũng nước mắt tôi đã nguyền rủa cho Điều đau một bệnh gì rồi chết đi, tôi đã cầu trời cho Điều bị động viên cho rồi.
***
Và tôi vẫn kéo dài cuộc đời tôi ra mãi, cuộc đời một mình với nỗi cô đơn. Đừng hiểu lầm «một mình» là trơ trụi, cha chết mẹ chết, người ta thường nói “ một mình» với « hai mình».
Chưng diện. tẩm bổ hao hớt quá nhiều, nhưng thân phận tôi vẫn hàm lạnh như phải làm tu nữ. Thì giờ dùng để chôn vào việc làm tốt. Buổi sáng đánh phấn nước, trưa về chùi; chiều đi làm đánh phấn bột, tối lại phải rửa mặt đề giữ gìn làn da. Cái cô gái bốn chục xuân thì trong «Aimez-vous Brahms» đánh phấn cho thiên hạ coi, có hai người đàn ông đòi thương cho được. Năm ngón tay nghề nhồi phấn trắng nhuyễn đến nỗi thiên hạ chịu tìm không ra vết tích nhân tạo. Năm ngón tay ấy không dám điểm phấn hồng trên hai gò má sợ già.
Sáng nào cha tôi cũng mắng vài câu điềm tâm:
– Cứ chăm lo sửa soạn, sáng nào đi dạy cũng trễ lên trễ xuống, rồi họ đổi cho lên Cao nguyên mà diện với ba anh thượng.
Tôi chợt lo ngại vì cả tuần nay làn da mặt không còn mướt nữa, ruột già không tìm ra chất gì để bài tiết, chứng táo bón làm hư da mặt, phình eo, và tròn bụng. Chiều nay phải dùng một thực đơn cà rốt và đu đủ chín đã!
Sáng nào bác xích lô ngoài ngõ cũng kéo hai lần chuồng chiêu hồi. Từ nỗi lo ngại cho da mặt đến nỗi sợ trễ giờ chào cờ cùng cái nhìn hứa hẹn của ông hiệu trưởng. Ngồi trên xích lô để nhận thấy mình vừa cô đơn, vừa chậm tiến, vừa chia rẽ với quần chúng. Thời buổi phụ nữ ào ào nổ máy vélo mà hai chân tôi chỉ biết cày bộ một mình. Đi bộ cũng là một cách tập thể thao. Nhiều hôm lòng xe xích lô bỗng rộng vì tôi thả long hai mắt cho nhìn những người đàn bà trẻ hơn tôi rất nhiều, son môi quết đỏ trái tim, phơi phới ngồi bên tay lái của chồng. Người ngoài đường thường gọi lầm tôi là bà nhất là mấy ông xích lô.
Thu nhỏ người lại, tôi không xếp được thế ngồi trịnh trọng an bài, chồng chân lên nhau, hai tay chững chạc vòng dưới ngực. Cách ngồi yếm thế, lẻ loi là me mé dựa thành xe, lưng dựng thẳng, hai tay ngượng nghịu không biết vòng.
Tôi đến trường bằng xích lô sáng chiều, tiếc tiền đau thắt ruột.
Sáng nay, bọn nam giáo sư duyên dáng đứng vầy chuyện ở cửa ra vào. Bà thư ký phát lương nhìn tôi một cái dài để tính giá bộ đồ tôi đang mặc cộng với tiền may tối đa là bao nhiêu. Tháng nào tôi cũng tặng bà năm bảy cắt bạc tiền lương lẻ không thối lại được.
Đoàn ngồi chấm bài chút thời gian rảnh trước khi vào lớp. Nghe tiếng gót giày ngắn, nhỏ của tôi, chàng hất cổ lên cười rồi vứt viết. Chiếc miệng cười khéo, nổi rõ màu hồng trắng của môi và răng. Đàn ông mà môi hồng và ướt nước miếng. Phổi của những anh con trai ăn uống điều độ, không hề chơi khuya thường tươi và non. Tôi dán mắt vào nụ cười của chàng, nụ cười mà các chị cùng trường kháo nhau là dùng để quảng cáo thuốc đánh răng tuy đôi lúc các cô chợt cảm thấy tim mình phải chao qua chao lại vì nó.
Tôi đứng trước mặt Đoàn lấy lược vuốt lại tóc. Nếu tôi ngồi thì cái bàn sẽ che mất nửa vẻ đẹp của thân hình. Đoàn đứng lên đến ngồi vào cái ghế xáp vào nửa người tôi, tôi thấy được những chấm đen trên mũi chàng. Mái tóc chàng dưỡng rẽ, nếu chàng không choàng cà vạt thì không lớn hơn học trò tôi mấy. Tôi chợt buồn nghĩ đến lời Trang :
- Đoàn nó bảo mày đáng đàn chị nó.
Tôi cảm thấy nhụt cả nhuệ khí, vội bước ra tìm Niệm kéo đi đến lớp. Trong trường, tôi và Niệm thường hay liều mạng tra cười giỡn bất cần đời, bất cần thiên hạ. Chúng tôi vừa đi vừa củng người vào nhau mà cười. Đến cửa lớp, cả hai phải đứng lại cười cho xẹp bụng rồi mới dám vào với học sinh. Uy thế nhà giáo buộc mình phải giấu răng thật kỹ trước mặt trẻ.
Đầu giờ dạy mà lỡ cười thì xong. Dạy học trò con trai la hét rọm người nhưng có đứa nhớ ơn dai. Nữ sinh chỉ ngoan ngoãn hiền lành được lòng mình khi còn học. Ra trường là không hề đến thăm thầy, gặp nhau chào hỏi khó khăn.
Đoàn tâm sự với tôi bằng những lời ví von rất điển:
- Bọn mình là những chị gà mái ấp trứng thuê. Ngày mai lũ chim sẽ bay thẳng, không bao giờ quay lại tìm hơi ấp trứng cũ. Chim đại bàng thì vỗ cánh càng xa ... Còn một cách nói nữa là tôi với chị là những cô lái đò, mỗi năm đưa một đò học sinh. Bọn hắn tuần tự nhờ mình đưa sang từng con sông, từng niên hóa, nhưng khi niên học tàn chúng phải rời bến, thử đếm được mấy đứa còn giữ hình ảnh cô lái đò. Khách sang sông tầm thường như những bộ đồng phục họ mặc.
Tôi nuốt nước miếng:
– Anh nói hay lắm.. nhưng này cô lái, chắc cô đã cảm nhiều nữ khách...
Tôi tìm niềm vui giữa đám học trò đồng phục, xa những đứa con mình không đau dạ đẻ ra, mình nhịn cơm vì giận chúng. Làm đàn ông khoẻ, sự nóng giận sẽ nguội lần sau cái tát tai . Tôi chỉ được một cách trả thù học trò là đem bài thật khó ra giảng khiến chúng ngồi ngơ ngơ như ngỗng đực.
Nhưng, những con chim của thành phố một ngày kia sẽ bay đi, mình ngó theo và thấy tất cả chẳng còn chi.
Phải là mẹ, là con thật sự mới hoàn toàn của nhau. Tôi vẫn nhận tất cả học trò là con, đề làm oai với chúng, tôi dặn :
— Phải xưng hô với cô bằng con, hễ mà xưng em thì cô cho zéro.
Tôi nhìn cái khuy bấm cuối cùng trên áo dài của Trang; Trang dày da bụng, có thai đứa con đầu tay nhưng áo dài vẫn chưa chịu nới kích ra. Tôi xoa xoa bụng Trang:
- Mừng lắm nghe.
Trang cãi phắt:
– Mệt bắt chết... mình với anh ấy sống có tình yêu cần chi phải có con mới buộc dây thân ái. Tôi cãi lý :
– Trước sau chi cũng phải có con. Mình muốn thấy con trưởng thành khi mình còn làm việc được.
Tôi muốn một đứa con nuôi cũng được để tém dẹp bớt những thì giờ buồn tẻ. Tay không, vào đời lâu rồi mà vẫn tay không. Không ai chia cho chút bận rộn làm mẹ nên suốt ngày nhìn ngắm mình trong gương. Tôi thương thằng bé Guigoz mút tay đêm ngày, tôi săn sóc những đứa cháu ngoại của mẹ tôi.
Tôi nhìn thấy Đoàn lảng vảng ở xa, rất xa, xa như số tuổi chênh lệch ngược giữa tôi với chàng. Đừng nhìn người ta nữa đi! phải nhìn xuống áo quần mình, nhìn những chiếc khăn tay chặm chặm mồ hôi ướm rịn trên chiếc da mặt đắp phấn trắng. Những chiếc áo dài thì giao cho thợ; còn quần..., những đường lai tôi đều đạp máy. Phải có những cái chạm nhẹ của người khác phái trên trán, trên mắt, trên môi mới chuyền nổi hăng hái vào gân, vào bắp thịt tay để người phụ nữ chăm chỉ cầm kim luôn, hoặc vắt từng mũi kim nhỏ nhắn đều đặn, làm khéo với đời. Bốn đường viền khăn tay cũng may máy, sẵn vải cứ ngồi lên đạp. Những người ngồi thêu khăn tay trông thật yêu đời, rất nên chụp hình.
Có cái chi đó mới tỉ mỉ ngồi rua từng chữ I; có trao về ai đó mới cặm cụi ngồi vắt tai bèo trên mép khăn tay chứ. Nhiều khi ngán quá, ngán cả may máy nữa, chỉ còn nước đi phố mua khăn hộp. Cha tôi vô ý đề tàn thuốc cháy lủng quần đã hai năm, mắt yếu, nên mẹ sai tôi mạng mãi mà tôi vẫn hẹn lần, hẹn hồi. Quần cha yêu kính lủng ống hai năm còn để đó.
Tôi không có gì đề cầm trong tay giữa cuộc đời này nữa. Tiền bạc lẻ tiêu vặt cũng phải xin mẹ. Đầu tháng đếm trọn số lương đưa mẹ giữ, mình vẫn nghèo như khi còn làm học trò mà mẹ vẫn hỏi thăm luôn:
– Tiền nhuận bút kỳ này đã lãnh chưa.
Tay tôi dang ra chới với, Đoàn còn lảng vảng ở xa để tôi gom góp hi vọng, Đoàn còn chạy quanh co cùng tôi đuổi bắt; tôi đã bước vòng mọi ngả và tôi đã nắm gì chưa trong tay ? Nhiều đêm không khóc nhưng nước mắt sống ứa ra sau cái ngáp, tôi thầm gọi Đoàn: Anh Đoàn, nếu yêu em thì đừng đi quanh nữa, đừng đuổi bắt nhau như hai cái kim đồng hồ nữa Anh hãy cho em đi con đường ngắn nhất, con đường độc đạo của tình yêu.
Thấy Đoàn có lui tới, chị tôi thắc mắc :
– Ai mà đến chơi luôn nữa... cũng cần lắm. Tôi phủ nhận :
Cần chi nổi…. thằng con nít... em út mình. Chị cười ngờ vực :
- Thiên hạ bây giờ đều là con nít. . Con nít đi dạy, biết yêu đương. Làm cô giáo rồi cũng vẫn còn con nít.
***
Nỗi cô đơn chỉ đến chỗ nào một người Cha có mẹ, mẹ có cha, hai bên có chung một bầy con đông đảo và một ngôi nhà bên sông. Cha xa mình thấy rõ. Bây giờ cha không hề để ý đến mình nữa dù chỉ chút ít, cha đem cả tâm trí vào việc sửa chữa nhà cửa, vườn tược ; cha làm to nhưng cha không chịu giao thiệp đề tìm « người » cho mình. Đã đến lúc mình cầu cứu cha mẹ một cách tiêu cực. Cha không thấy thái độ bất bạo động lâu nay của mình hay sao? Tính cha độc tài lắm lắm, may mà chính phủ không cho cha làm việc chính trị. Cha chỉ chuyên cai quản mẹ và chúng mình. Sao cha không tìm « ai đó » đề đầy bớt mình đi cho rộng nhà. Uy quyền cha bủa nặng lên cấp dưới tức là mẹ và chúng mình. Bởi đó cha không biết phải cô đơn là buồn chịu không nổi. Chúng mình có nhau, mình có mẹ thỏ thẻ, còn cha thì chênh vênh trên địa vị người cha. Tính cha khó lắm, không chơi với bạn nào cả, chỉ biết tích cực làm nhà, làm cửa, xây bến. Đã hai tháng nay mà cái nhà ngang còn đập phá lung tung, cha còn đang tuyển lựa thợ nề, tìm cho ra một người thợ nề lý tưởng. Điều kiện thật khó khăn : ông thợ nề phải có hạnh kiểm tốt, đời tư trong sạch. Mấy ông bậy bạ cha mình nạt cho lui hết. Cha cứ lo tìm tay thợ lý tưởng cho nhà cho cửa mà chưa chịu tìm người không lý tưởng cho con gái lớn. Cha mẹ cứ tưởng con gái mà có nghiệp trong tay được rồi...
Tôi khóc dằng dai. Những chỉ máu đỏ gợn dậy trên lòng mắt. Tôi sửa soạn đồ nghề rửa mặt đi ngủ. Những giọt “nước hoa hồng» vầy vào mắt cay cay Trước khi uống thuốc an thần, tôi còn phải thoa lên đôi môi một lớp sáp bóng nuôi dưỡng. Tôi nghe trong người thiếu đủ mọi thứ sinh tố. Hai lòng bàn tay ướt nhẹp mồ hôi. Mình đau tim. Trên tờ tuần báo phụ nữ nọ một chị có chỉ bảo cách giữ gìn cho bàn tay luôn luôn khô ráo. Những con chó bỗng xóm dậy một loạt truyền tin nhau sủa hoặc tru náo cả khu vực. Nhà cầm quyền chưa nghĩ đến việc đàn áp những kẻ phá rối an ninh trật tự ban đêm đó.
Đêm nào cũng nghĩ ngợi dành phần giấc ngủ. Đèn trong nhà tắt hết, tôi quơ tay tìm bóng trăng men đến bên giường. Phải chồm qua người con em để vào nằm trong, tôi đá vào bụng nó một cái. Nó chưa ngủ, vừa gài mùng lại vừa cằn nhằn :
– Đợi thật khuya mới bò vào đạp toát cả mùng.
Muỗi vô cắn u mặt mày. Chẳng thà muỗi cắn chân tay, cứ nhè cắn sưng mặt, người ta lại tưởng mình có mụn...
Còn hai năm nữa. Tuổi ba mươi lăm. Hết thời học bán quân sự.
Chính phủ sắp chê mình già đây. Chính phủ còn muốn cho mình cô đơn nữa huống chi ai.
– Anh Khôi, em ba mươi ba tuổi rồi, tóc anh chắc đã có sợi bạc. Không biết bây giờ anh ở đâu. Chỉ có anh, anh mới thương và chịu chấp nhận em thôi...
Thư, bài vở cộng tác vui lòng gửi tới Email:
Vui lòng ghi rõ nguồn khi copy nội dung từ website này.
© Copyright: chandungkesi.com