chan_dung-ke_si

NẮNG CHIỀU VÀNG - Truyện ngắn Nguyễn Thị Thụy Vũ

05-09-2023

Lượt xem 2893

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Truyện ngắn hay Nguyễn Thị Thụy Vũ

NẮNG CHIỀU VÀNG - Truyện ngắn Nguyễn Thị Thụy Vũ

Chân Dung Kẻ Sĩ: Nguyễn Thị Thụy Vũ đang lúc là cô giáo miệt Vĩnh Long thì bỏ lên Sài Gòn. Tới hồi tiền đem theo đã hết mà việc vẫn chưa có, thì may sao một người trong giới chơi bời bảo bà đi dạy Tiếng Anh cho các cô gái làm đĩ ở Sài Gòn. Tiếng Anh chưa rành, thế là bà đăng ký học Tiếng Anh. Bà cứ vừa học vừa dạy, cần mẫn, chăm chỉ và quan sát mấy năm trời như thế...

Đâu đó là những chua chát của các cô gái điếm:

"Giấu làm gì hén cô ? Đi đâu ai mà chẳng biết danh tụi tui là mẹ Tây me Mỹ. Người ta lúc nào cũng kêu mình là “con đĩ” chở có ai tôn làm “bà đĩ” bao giờ đâu. Thà nhận phức đi cho thiên hạ còn thương hại. Tui ghét cái lối nói văn huê mỹ. Thứ như tụi tui chỉ để ăn nói tục tằn mới có duyên."

Hay một hoàng hôn đã xuất hiện ngay khi một cô gái vừa thấy ánh bình minh?

"Nàng là ánh hoàng hôn lộng lẫy. Ánh nắng đỏ đã lên màu rực rỡ tột độ, chỉ đợi giây phút sẫm dần rồi thỏn mỏn tắt đi. Thịt da nàng đã rã rời với từng cơn ân ái miễn cưỡng. Tâm hồn nàng lúc nào cũng bị dày vò bởi khao khát. Tôi liên tưởng đến những cô gái đĩ về già xoay qua nghề tào kê. Nhưng Mi-sen thiếu tài đảm đương đó. Ngày mai là một ngày khác. Bây giờ nàng sống xa hoa, ngày khác sẽ là ngày thế nào khi nàng già xấu đi?

Khách tìm hoa thường cạn cợt, thích làm xoa dịu cơn nổi loạn của tế bào, chớ mấy ai đi tìm được cái đẹp huyền nhiệm tiềm ẩn trong người đàn bà."

Chân Dung Kẻ Sĩ trân trọng giới thiệu Nắng Chiều Vàng, một truyện ngắn xuất sắc trong tập Mèo Đêm, xuất bản năm 1967 của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Đây là truyện ngắn xứng đáng đại diện cho các truyện bà viết về cuộc sống của các cô gái bán hoa ở Sài Gòn những năm 1960.

 

Từ trên xích-lô bước xuống, tôi lấy ra một mẫu giấy nhìn lại lần nữa, đoạn cất vào ví.

Tôi lần theo con đường lát đá sỏi dẫn vào một khu biệt thự ở đường Chi lăng. Ánh nắng buổi trưa hè xuyên qua những tàn cây trứng cá rơi xuống mặt đường trải sỏi trắng. Tiếng giày của tôi nghe khô khan giữa khung cảnh tịch mịch. Đi qua hết lối đi ấy tôi dừng lại trước một biệt thự đề “Palais d’Azur”. Nhìn quanh không thấy một bóng người, tôi với tay ấn nút chuông. Một người con gái kẹp tóc mặc com lê màu hoa cà điểm những chấm nâu thẫm từ trong biệt thự đi ra. Tôi chào. Cô gái cất tiếng hơi khàn hỏi:

 – Cô tìm ai? 

– Xin lỗi cô, có phải đây là nhà của bà Mi-Sen (Michèle) không ?

 – Dạ phải. Cô ta đưa tôi đến một phòng khách, chỉ cho tôi chiếc ghế bành lót nệm mút, rồi bảo ;

- Cô chờ em một chút. Có lẽ bà em đã thức dậy và đang trang điểm.

Khi cô ta khuất sau tấm rèm tuyn màu hồng nhạt tôi mới có dịp quan sát khắp gian phòng.

Bộ xa-lông chiếm một góc phòng, sau lưng chiếc xô pha là quầy rượu bằng mây hình bán nguyệt. Những chai rượu mạnh đủ các loại chiếm hai ngăn kệ. Ngăn cuối cùng xếp đầy cốc bằng pha-lê. Trong chiếc lọ sứ Tàu màu gan gà cắm mấy cành huệ trắng đặt ở đầu quầy giữ nguyên cái tươi mát từ luống hoa đem tới. Chiếc mâm đồng chạm rất tinh vi bóng loáng đặt trên cái chân bằng gỗ gụ để giữa bộ xa-lông màu đỏ thẫm dệt hoa hồng đen. Một chiếc lọ không sâu lòng hình con sò đặt giữa mâm. Vài đóa hồng nhung cắm rất mỹ thuật theo lối cắm hoa Nhật bổn. Sau lưng chiếc xô-pha là cái kệ sách. Những quyển sách ngoại ngữ xếp rất ngăn nắp. Chiếc quạt sơn trắng treo trên trần quay uể oải.

Có tiếng dép lê về phía căn phòng bên trái sau tấm màn tuyn. Tôi nhìn lên. Một thiếu phụ trong bộ ki-mô-nô màu xanh da trời tiến về phía tôi. Bàn tay thon dài, mềm mại móng sơn màu bạc, khoác tấm màn.

Tôi đứng dậy khẽ gật đầu. Thiếu phụ trên ba mươi tuổi có một suối tóc hơi rối xỏa đến lưng. Nàng cười đon đã chào tôi:

– Có phải đây là cô giáo dạy Anh văn cho chị Rô-det (Rosette) không?

Tôi cười, đáp : 

–Dạ em có dạy chị Rô-det, chị giới thiệu em đến đây.

Thiếu phụ ngả người trên chiếc ghế sô pha có vẻ mệt mỏi. Nàng nhìn tôi mỉm cười lơ đãng :

– Tôi thích học lắm nhưng dốt và lười biếng không chỗ chê. Vậy cô cố gắng đừng nản. Khi nào rảnh tôi mới học, bởi vì tôi thường vắng nhà luôn. Tuy vậy tôi vẫn trả đủ tiền học phí cho cô.

Nàng lấy gói thuốc Salem trên cái mâm. Dáng điệu nàng chậm rãi lạ. Mi-sen rít một hơi dài tìm lại sự tỉnh táo vì mặt nàng hãy còn ngái ngủ. Đặt điếu thuốc trên dĩa gạt tàn thuốc bằng sứ trắng, nàng nhìn tôi cười một lần nữa.

– Bao giờ cô có thể đến dạy tôi ?

Tôi trả lời :

– Tùy bà.

Nàng tiếp :

– Cô đến vào giờ này cũng được. Nói cô đừng cười, từ mẹ đẻ đến giờ tôi chưa hề đi học. Cho đến chữ quốc ngữ cũng không biết mặt mũi nó ra sao ?

Tôi hơi ngạc nhiên. Có lẽ đọc được ý nghĩ của tôi. Mi-sen tiếp ngay:

– Có lẽ không bao giờ ngờ bộ gió mướt rượt như tôi mà mù chữ?

Rồi bằng một giọng hơi thấp thiếu phụ kề : 

– Lúc tôi còn nhỏ cha mẹ nghèo lại sợ cho con gái đi học rồi viết thơ mùi cho trai. Ở nhà quê khi vừa lớn thì ba má tôi đã đem đợ tôi rồi còn thì giờ đâu mà đi học.

Đôi mắt Misen nhắm lại, ôn qua quá khứ ; nhưng nụ cười liền trở lại chiếu sáng khuôn mặt. Tôi cảm thấy bà học trò này có ít nhiều khác biệt những người khác. Nàng có vẻ thành thật hơn. Thiếu phụ tiếp.

– Cô nhắm coi tôi học bao lâu sẽ biết đọc chữ quốc ngữ. Sau khi biết đọc và viết được chữ Việt tôi sẽ học tiếng Mỹ. Nói cô thương, thậm chí cái tên Mi-sen mà mười mấy năm nay khi tôi mang làm tên tôi không hề biết nó viết ra sao. Đi đâu mà phải ký tên là tôi gạch chữ thập cho tiện. Không có gì khổ bằng có việc phải vô quan ra quận. Khi người ta biểu mình ký tên là tôi rầu thúi ruột. Cô biết không, cái tên Gấm của tôi nghe nhà quê kỳ cục lắm. Hồi tôi mới vào giới chơi bời, thằng tây mà tôi gặp đầu tiên kêu Gấm khó khăn nên nó cho tôi cái tên tây là này đây, và tên đó * chết nước » đến bây giờ. Chắc dạy trong bọn chúng tôi lâu cô thừa biết, tôi chẳng cần giấu diếm làm gì cho mệt ốc. Nghe con Dết (Rosette) nó nói cô chịu khó lắm. Vái trời cho tôi học được thì ngoài số lương trả cô hàng tháng bao giờ tôi biết rành hai thứ chữ tôi sẽ bù công cô thật xứng đáng.

Như nhớ ra điều gì nàng đi lại góc phòng gọi: 

– Nè Năm, đem nước ra uống coi.

Một tiếng dạ khẽ, cô gái mà tôi gặp lúc nãy trở ra thưa.

- Cô kêu em.

Thiếu phụ trách :

- Nãy giờ mầy đi đâu mà không lấy nước cô giáo uống.

 Tôi đỡ lời:

– Em không khát bà à.

Thiếu phụ nhìn tôi và thân mật: 

- Trời nắng dữ quá, cô nên uống thứ gì cho mát chớ.

Cô gái đi lại tủ lạnh kê ở cạnh bức màn bưng ra ly nước nho màu tím sẫm đặt trước mặt tôi. Thiếu phụ nói:

– Thôi lấy cho tao hai trái cam vắt nước. Mầy nhớ cho tao nhiều đá nghe hôn.

Cô tớ gái hãy còn lẩn quẩn ở sau bức màn, sẵn sàng đợi lệnh bà chủ.

– Năm, cho quạt chạy mau thêm chút nữa đi, nóng quá.

Sau khi uống cạn ly nước nho tôi xin phép về. Thiếu phụ tiễn tôi và còn dặn : 

– Thể nào cô cũng đến nghe cô. Nàng nhắc lại lần nữa: 

– Tôi mà biết chữ tôi sẽ nhớ ơn cô hoài.

Tôi gật đầu đáp :

- Xin bà đừng bận lòng.

Thiếu phụ phì cười đặt tay lên vai tôi:

-- Tiếng “bà”, nghe sang và oai quá. Gọi điệu đó làm mình mắc cở đa. Tui có phải là vợ ông to, ông bự gì đâu. Thôi kêu mình bằng chị cho tiện hơn, nghe hôn cô. Mai tôi đợi cô đó.

 

VỚI tôi, một người đàn bà đẹp hoàn toàn chưa chắc là hấp dẫn. Trên nét mặt cần có vài chi tiết thô đề những chi tiết còn lại càng nổi bật hơn. Tôi thích ăn kẹo nhưng kẹo ngọt quá dễ ngán. Cần có pha một chút chua thêm vào mới làm cho hạch nước miếng hoạt động.

Mi-sen không hẳn đẹp. Gương mặt nàng có những nét vụng về ghép vào những nét tuyệt xinh. Răng nàng hơi hô, mà cặp môi dầy ít khi che kín. Đó là dấu hiệu của con người cởi mở và nồng nàn. Mắt nàng vừa buồn vừa lẳng pha trộn một cách khéo léo. Thiếu phụ đó có vẻ rất đài các và lịch sự từ cách cầm điếu thuốc, từ cách cầm ly nước bằng pha-lê đến cách đi tréo chân trọn đôi giày bít mũi... nhưng ngôn ngữ của nàng vẫn còn đầy giọng, điệu quê mùa. Nàng không cần trau chuốt giọng nói hoặc dùng những tiếng cầu kỳ tật mùi tiểu thuyết.

***

Một tháng trôi qua. Tôi đã quen thuộc với biệt thự này từ đường đi đến nhà bếp. Tôi ít giữ gìn như hồi đến nhận việc.

Hôm nay, như thường lệ, tôi đến dạy Mi-sen vào những buổi trưa nắng gắt. Vào giờ này cánh cửa sắt trước nhà đã được chị Tư mở sẵn. Tôi cứ việc ung dung dẫn xe đạp vào rồi tự tay đóng cửa lại không phải gọi chuông inh ỏi nữa. Đi ngang phòng khách tôi rẽ tấm màn quẹo qua buồng ngủ của Mi-sen, rồi gõ nhẹ cửa.

- Cô giáo đó hả? vô đi.

Tôi đẩy cửa vào, rồi Mi-sen cười ngặt ngoẹo :

 

– Vào đi em cưng. Chờ chị làm massage một chút nghen.

Tôi tìm chiếc ghế ngồi cạnh giường Misen pha trò:

- Cô giáo hôm nay bắt gặp học trò truồng trần như nhộng. Chỗ đàn bà với nhau cả phải không cô.

Mi-sen nằm úp mặt xuống nệm. Bà tẩm quất bôi thêm dầu trên lưng nàng nắn từ bờ vai xuống tận mông.

Tôi vớ lấy tờ báo lên đọc. Mi-sen gọi giật :

– Cô giáo ! hôm nay học trò nghĩ học một bữa nhưng cô giáo khoan về nghe hôn. Chị nhờ cô giáo chuyện này một chút.

 

Bây giờ tôi được dịp quan sát Mi-sen kỹ hơn. Nàng nằm trên một chiếc khăn bông hồng, trải trên tấm nệm, mút phủ ga trắng. Bà làm massage quỳ đai gối xuống niệm, hai tay bà thoăn thoắt trên các bắp thịt mông và lưng nàng, Mồ hôi rịn ướt trên đôi tay gân guốc của bà ta. Mắt Mi-sen lim dim. Dáng điệu nàng như con mèo sưởi nắng một cách khoan khoái. Lúc nào nhìn người đàn bà khỏa thân tôi cũng có một cảm giác lạnh lẻo và tê tái như nhìn một bức tranh tĩnh vật với màu sắc hết sức ảm đạm. Riêng đối với Mi-sen, tôi nghĩ rằng tấm thân nỏn nà, với làn da mịn màn đó, có một cái gì mỏng manh. Tuổi già đã gần kề nàng. Chẳng bao lâu nửa những bắp thịt thon đẹp kia sẽ nở bung ra, nây bụng sẽ nhão nhẹt. Nghĩ tới giai đoạn đó tôi cảm thấy buồn hơn là ganh tị.

 

Bà tầm quất sau một tiếng đồng hồ xoa nắn không hở tay, cuối cùng dùng một thứ dầu có tác dụng làm cho tan các vết mở bôi lên khắp mình mẩy Mi-sen,

Nàng bước xuống giường sờ soạng tìm đôi dép đỏ thêu cườm. Misen quay người lại : 

– Cô xem, tôi sanh được mười lần mà hình như thân thể tôi chẳng đến nỗi nào.

Tôi tiếp lời nàng:

- Ai mà biết được chị là gái mười con?

 

Ngực Mi-sen còn phồng ra như hai trái bưởi bà mọng như da quả nho tươi. Chỉ có vài lằn nhăn trên ngực và trên háng, mà kẻ tinh mắt lắm mới nhìn thấy. Mi-sen thong thả lại tủ áo. Chiếc tủ bằng gương bốn bề. Hàng mấy chục kiểu áo đủ màu treo thứ tự vào mắc áo. Nàng chọn chiếc màu đỏ trong suốt như pha-lê. Misen trở vào bàn học mà chúng tôi ngồi thường ngày rồi nhẹ nhàng kéo ghế ngồi, châm thuốc. Nàng vừa nhả khói vừa nghĩ xa xôi. Tôi biết ngay là sẽ có chuyện khác lạ hơn mọi ngày, vì mỗi khi Mi-sen muốn nói gì là nàng cần hút thuốc lá rồi mới bắt đầu câu chuyên.

 

Tóc Misen hôm nay bới cao chừa cái gáy trắng tròn. Mặt nàng không lộng lẩy như mọi hôm nhưng cái miệng tươi và chiếc răng khểnh của nàng làm tăng vẻ tinh nghịch. Mi-sen thường cười nhưng dáng nàng trở nên rầu rầu mỗi khi miệng bắt đầu nhả khói trắng. Nàng dở quyền vần ra lấy hai cái thư đã xé sẵn :

– Cô đọc dùm tôi cái này trước. Cái thơ đó của ông Giôn-xôn (Johnson) ở Đà nẵng.

Bức thư này dài nhưng vô vị vì toàn giọng nhớ nhung, và hẹn gởi tiền và quà sinh nhựt cho Mi-sen. Nàng cười nhìn lên tấm lịch, lầm bầm :

 

- Hôm nay mấy tây rồi ? Sắp có tiền xài rồi đó cô, Tôi cầm lá thư khác, hỏi:

– Lại ông Giôn-xôn hả chị ?

Mi-sen cười rồi thản nhiên đáp:

– Tôi có một lúc hàng chục ông Giôn-xôn lận. Tôi cũng cười. Vẻ cởi mở của Mi-sen đem đến cho tôi một sự thích thú nhè nhẹ.

Em cưng Mi-sen,

Anh đếm từ ngày trôi qua. Hãy chờ anh, anh sẽ cầu nguyện đề chúng mình yêu nhau đến mãn kiếp.

Anh tin tưởng nơi em. Hãy chờ anh, anh sẽ qua sống với em sau ngày Giáng sinh.

 

Mi-sen có vẻ thất vọng : 

– Gần đầu tháng chẳng gởi được một xu lớn, xu nhỏ nào hết mà biểu chờ đợi. Cái thằng Mẽo già này nhiều chuyện dữ đa, Bộ ổng muốn tôi vừa đi ăn mày vừa chờ ổng sao chớ. Tôi ở với ông Bô-by (Bobby) này được ba tháng trước ngày ông về Mỹ. Ổng tuy già nhưng sộp lắm. Mỗi khi ổng lãnh lương về là tôi tịch thâu hết, chỉ chừa vài chục đồng trả tiền xe thôi. Ổng ngoan ghê, hứa khi về Mỹ sẽ ly dị vợ rồi qua đây cưới tôi. Thú thiệt với cô tôi lấy ổng và ổng nhiều tiền chơ thật sự tôi mê ông Giôn-xôn hơn vì ông này đẹp trai lắm tuy là mới gắn lon trung sĩ. Còn ông Bô-by thì làm kỹ sư. Tôi không thích lấy chồng. Cái thứ như tôi mà làm vợ nỗi gì. Tôi khoái làm nhân tình hơn. Coi tôi vui tươi như vầy chớ bên trong tôi « thù » đàn ông ghê lắm, chỉ làm khổ họ. Cô có tin không?

 

ĐÊM Sài Gòn lúc này nhộn nhịp hơn nhất là ở cuối đường Hai Bà Trưng đổ ra bến tàu. Những 

dãy snack bar bắt đầu cuộc sống sôi nổi từ lúc tắt nắng đến gần giờ giới nghiêm. Khi cỡi chiếc xe đạp đi qua đó, tôi có cảm tưởng đến bộ mặt hóa trang diêm dúa của Misen. Cô Gấm ngày xưa đã chết rồi. Bây giờ chỉ còn một bà Misen có đôi chút tên tuổi trong giới chơi bời. Bà Mi-sen này lúc nào cũng bị quá khứ ám ảnh. Tôi nghĩ lại đến cái giường của nàng đã từng đón tiếp biết bao người đàn ông ngoại quốc, đề rồi sáng ra nệm ga nhầu nát và Misen nằm uể oải nửa thức nửa ngủ chờ bữa ăn sáng dọn tận nơi. Tôi lại nghỉ đến những đêm nàng ngồi bên bàn phấn, tẩn mẩn xem màu phấn son nước thuốc sơn móng tay. Tôi lại nghĩ đến những đêm vắng khách cô đơn, trước khi đi ngủ nàng bôi một lớp kem nuôi da trên mặt rồi ngồi bên cửa sổ hóng mát, hút liên tiếp từ điếu thuốc này sang điếu thuốc khác.

Trưa hôm đó tôi dừng lại trước cửa phòng Mi-sen. Có tiếng cười nói lao xao trong phòng. Tôi dừng lại. Giọng đàn ông lè nhè:

- Nếu chị bằng lòng, có mối này sộp lắm. Xong xuôi chị phải thù lao cho tôi một thùng Whisky thôi. Ô kê ?

Tiếng Mi-sen bén lạnh:

- Mốc xì! chưa chi mầy đòi whisky! Nầy ăn tận ống chí đáy của tao !

Tiếng cười của người nói chuyện với Mi-sen lại dòn tan như bắp rang cát. Tiếng người đàn ông van nài: 

– Có bao nhiêu đó mà bà chị nói nhiều nói ít. Đáng lẽ chị còn phải tăng tui một cái ra-di-ô bốn băng nữa mới xứng công cho.

Hắn đổi giọng sôi nổi:

– Nếu chị khéo « tóm » nó được thì chị em mình tha hồ lên hương.

Có tiếng người đàn bà lạ xen vào :

Con khỉ, làm cái nghề này mà mày nói là sẽ giàu sang hả ? Của thổ hườn thổ. Tao còn lạ gì! Mầy quên cái câu mấy đời làm đĩ có giàu với ai rồi chớ?

Người đàn bà lại hạ thấp giọng.

– Misen, nếu tụi mình biết ăn cần ở kiệm như người ta chắc mấy căn phố lầu ở Catinat này về tay chúng mình hết ráo rồi.

Hưng, tên đàn ông, thêm vào: “sao mấy mẹ” lo xa vậy ? Sống thì chơi cho đã đời, chết khỏi làm ma chết thèm chớ .

Tôi gõ cửa. Câu chuyện nghe lén cũng thú vị. Mi- sen đổi giọng mừng rỡ :

- Vào đi cô giáo :

Tôi bước vào, ngã đầu chào nhân vật mới. Gã đàn ông tên Hưng non ba mươi tuổi, đôi mắt hắn láo liên. Cái nụ cười thật lẳng và đểu hắn nhếch lên để chào tôi.

Hắn quay sang Mi-sen :

- Cô giáo của chị đó hả chị Sên ? Mèn ơi ! hân hạnh quá. Tôi cũng muốn làm đệ tử của cô đây. Tiếng Mỹ của tội càng “rùng rợn” hơn hai bà này nữa.

Tôi nhìn hắn cười e lệ không đáp. Mi-sen thay lời:

– Thằng này học với hành cái khỉ khô gì. Lúc nào trong đầu nó chẳng nghĩ đến tiền và rượu. Chán mầy thấy mồ. Lỡ đầu năm, đầu tháng gặp mầy tao cất đầu sao nổi ?

Người đàn bà xen vào:

– Chà! cái thằng này muốn ve vãn cô đó, cô giáo 

– Ê, chị đừng xài người ta trước mặt cô giáo nghen. Hai bà chị này ăn hiếp tui hoài hà.

Tôi cười bạo dạn và thản nhiên nhìn Hưng.

Người đàn bà trạc tuổi Mi-sen, màu da « bánh ếch đường hạ » nhưng thân nàng đầy sinh lực. Mắt lá răm của nàng kẻ thêm hai viền đen sâu thẳm như hai cái miệng giếng lúc tối trời. Nàng tiếp tục nhiếc Hưng:

– Cái thằng ôn hoàng dịch lệ này. Chắc nó có chuộc bùa chuộc ngải gì đó. Mỗi lần chơi bài với nó, tui cũng nướng ít nhứt là mười ghim. Tôi đã thề là sẽ không bao giờ ngồi chung một chiếu bạc với nó vì ai lại không biết danh nó chơi bài lận, Thế mà mỗi khi nó rủ rê gầy sòng đậu chến là tôi mùi tai nghe theo mặc dầu trước đó tôi đào mồ cuốc mã nổi thiếu điều lấy khăn vệ sinh trùm lên nó.

Người đàn bà làm bộ chán nản kêu lên :

 

- Chắc tôi ở đợ vì thằng nầy. Cái thằng bán trời không mời thiên lôi thiệt mà.

Mi-sen sực nhớ ra, nàng nói với người bạn :

- Mày muốn học không? Đây là cô giáo của tao. Còn nếu mầy muốn viết thơ cho mấy thằng bồ của mầy nhờ cổ biên cho. Cổ viết thơ mùi lắm. Mỗi lần cổ hạ bút là tao có tiền xài đều đều.

Nga nhìn tôi:

– Phải đó, hồi chưa gặp cô tôi phải nhờ thằng học trò ở gần bên viết dùm. Trời ơi! mỗi, khi nhờ nó, nó cũng làm tình làm tội mình rồi mới chịu viết. Vả lại vì nó là đàn ông thứ khô queo viết nghe không mùi tai chút nào cả. Tôi thích viết thơ cho thiệt là cảm động như mít ướt sút cùi. Vậy nếu có rảnh mời cô mỗi tuần đến giúp cho tôi hai lần. Nhớ nghe cô giáo. Tôi trông cô dễ lắm nghe. 

Hưng đến vỗ vai Mi-sen ;

- « Mẹ » sửa soạn để « con » đi rước nó về liền bây giờ. Cây bạc tới nơi rồi bà còn trì huỡn hoài.

Mi-sen đứng lên vươn vai rồi che miệng ngáp: Chán quá, hồi hôm đánh xệp với con Châu con Thúy, tao đã đầu hàng mà tụi nó cứ ép chơi hoài. Thua sơ sơ hết mười ghim đó Nga. Bây giờ tao buồn ngủ quá không muốn gặp ma nào hết. Gặp thứ Mỹ phì lũ chắc tao nhẹp luôn.

Nga tiếp :

- Thôi, rán hôm nay câu nó để gở tiền thua hồi hôm. Bữa nay tao cử ít lâu vì có kinh chớ chẳng phải tao tử tế gì đó. 

Mi-sen đi tìm một bộ áo ngũ màu hồng, nàng nhìn tôi cười nửa miệng:

- Cô giáo !

Tôi mỉm cười nhìn nàng thân ái.

Mi-sen đặt tay lên vai tôi, dịu dàng :

- Chắc đứng trước mặt tụi tôi cô bợ ngợ về cách chuyện trò bừa bãi nầy lắm phải không?

Tôi chỉ đáp bảng một nụ cười.

Nga thong thả bóc thỏi chewing gum bỏ vào miệng nhai chầm chậm:

- Giấu làm gì hén cô ? Đi đâu ai mà chẳng biết danh tụi tui là mẹ Tây me Mỹ. Người ta lúc nào cũng kêu mình là “con đĩ” chở có ai tôn làm “bà đĩ” bao giờ đâu. Thà nhận phức đi cho thiên hạ còn thương hại. Tui ghét cái lối nói văn huê mỹ. Thứ như tụi tui chỉ để ăn nói tục tằn mới có duyên.

Mi-sen quay mặt vào tường tuột nhanh chiếc quần ra chỉ chừa cái xì-líp.

Tôi vờ quay ra tìm tờ báo. Nga kêu lên:

- Trời đất thánh thần ơi! Cái con này làm như là chỗ không người vậy ! Mày thấy thằng Hưng nó ngồi đó không mà mầy tuột ẩu vậy ? Nếu chỉ có tao và cô giáo thì không sao vì là chỗ đàn bà với nhau cả. Đằng này...Thiệt là hết nói cái con ngựa bà này rồi mà.

Mi-sen bĩu môi:

- Thằng Hưng là cái giống gì. Nó không đáng con tao à ? Cái mạng của nó đáng từ trong lỗ kín của tao chui ra, việc gì tao phải mắc cở ? Mầy chỉ có tài đạo đức giả hoài, làm ra tuồng tiểu thơ trinh bạch thấy ghét.

Hưng cười xòa :

- Thôi không sao đâu chị Nga, bà Mi-sen muốn cho em rửa mắt một chút. Co chị còn đẹp nên chị khoe đó mà.

Tôi không xen vào câu chuyện của họ chỉ nhìn lên trần nhà. Mi-sen đến bên tôi:

– Cô giáo ! ngày mai cho tôi nghĩ một bửa nghen. Sáng mốt cô đến lúc tám giờ sáng. Học giờ đó mát hơn.

 

Tôi đứng dậy ra về, mang theo một niềm vui nhe nhẹ. Ngày tôi mới đến với họ, những câu ăn tục nói phét của họ làm tôi hơi ngượng, nhưng dần dà rồi quen đi, đôi khi cũng thấy thú vị.

 


THEO ý của Misen tôi đến dạy nàng buổi sáng. Vừa gõ cửa Mi-sen đã hiện ra trong bộ đồ ngủ trong suốt bằng voan trắng. Tôi theo nàng vào buồng. Một người Mỹ đang ngủ say. Trên thân hắn chỉ mặc vỏn vẹn chiếc quần đùi trắng. Ngực hắn đầy lông, đôi chân dài thậm thượt. Tôi nhẹ nhàng kéo ghế ngồi lại bàn học trong lúc ấy Mi-sen sang buồng bên cạnh rửa mặt. Hơi thở của người đàn ông đều đều, tóc hắn rối bồng.

Misen trở lại, nàng bật đèn lên vì cửa trong phòng đóng kín sáng lờ mờ.

Tôi không dám giảng bài to tiếng sợ hắn thức giấc.

Mi-sen hiểu ý. Nàng cười to :

– Cô cứ việc đọc lớn lên. Bây giờ có khiêng “nó” quăng xuống đường “nó” cũng chẳng thức. Cái thằng nầy ăn ngủ như trâu.

Tiếng ngáy của hắn vẫn đều đặn theo nhịp lãnh lót. Sau khi học, Mi-sen nhờ tôi viết dùm nàng một cái thơ cho người tình cũ đến bây giờ vẫn còn cấp dưỡng nàng hàng tháng.

Tôi hỏi :

– Chị muốn viết gì đây?

Mi-sen cười thản nhiên :

– Cô làm phước nói với Ha-ry (Harry) là tôi đau và đang cô độc.

Nàng ngó tôi rồi nhìn người Mỹ đang nằm sóng sượt trên giường cười ngặt nghẹo.

- Cô nghĩ có tức cười không ? Ý là cô đơn mà năm ba đêm lại đổi món. Cô thấy chán gái làm ba chưa.

Tội cười theo. Mi-sen trề môi chỉ người đàn ông trên giường;

– Cô chưa biết lũ này, Chúng nó trở mặt như trở bàn tay. Vừa mới ngủ với mình hồi hôm, sáng ra gặp con khác nó giả đò như không bao giờ biết mình. Với lũ nó phải xử tàn nhẫn như vậy mới được. Rồi nàng nói ngân nga như hát:

– Anh gà trống kia cứ đưa đô-la cho tôi đi, rồi đó anh đạp mái tha hồ.

Tôi đến dạy mỗi tuần sáu lần. Cứ vài hôm tôi lại gặp một người Mỹ khác nhau. Tôi cứ dạy học thản nhiên như không có người thứ ba trong phòng.

***

 

Một hôm, vừa bước vào nhà nàng, tội thong thả bước lên cầu thang. Ả giúp việc cho nàng có lẽ đã xuống chợ. Tôi phải dừng lại vì gặp ngay một người Mỹ đang nằm dưới gạch. Đầu kê lên chiếc áo treillis. Hắn đang ở trần trùng trục, nằm chắn ngay cửa vào phòng Mi-sen. Tôi đến gần hắn giật mình ngồi nhỏm dậy, đôi mắt hắn đỏ ngầu ra vě thiểu não. Tôi nhớ đã có lần hắn đến đây cách đó không lâu.

Ái ngại tôi hỏi :

– Ông đã gặp Misen chưa ? 

Không đáp, hắn chỉ gật đầu.

Rồi hắn sờ soạng túi quần, rút cái ví ra lật vào trong như tìm kiếm vật gì, đoạn hắn cười lạt :

– Nó móc hết tiền bạc tôi rồi.

Tôi ôn tồn hỏi :

Hôm nay ông không đi làm sao ?

Hắn rùn vai:

– Tôi không có tiền về xe.

Nghe động Mi-sen mở cửa. Tôi chưa kịp hỏi nguyên do thì nàng vào ngay câu chuyện :

– Nó hết tiền rồi; bây giờ cho nó vọt là vừa, Cái thằng này hành sự dai như đỉa đói. Mệt quá thiểu điều tôi muốn xỉu. Tên đàn ông cố đoán câu chuyện giữa chúng tôi, nét mặt cứng lại dần. Mi-sen quay lại nói với hắn:

– Anh về đi, đến giờ tôi phải đi. Hẹn gặp anh lần khác.

Tôi can thiệp vào câu chuyện giữa nàng và hẳn;

– Chị cho ổng tiền về xe đi.

Mi-sen rùn vai:

– Kệ mồ nó, cô đừng lo. Nếu tôi không lột da nó thì gái khác cũng “liễm”, hết tiền của nó.

Rồi nàng phân trần :

– Lúc nửa tỉnh, nửa say, nó nói cho tôi hết cả số tiền đó để mua tủ lạnh. Bây giờ nó mới câm họng đó chớ. Nếu tôi tự ý móc túi thì dễ gì nó để yên cho

Tôi hỏi:

- Nhưng sao chị cho ông ấy ngồi ngoài như vậy ?

- Nó hôi rượu quá, cứ thở ào ào vào mặt tôi chịu không nồi. Tôi giả bộ rủ nó đi tiêu và lẹ chân khóa trái cửa buồng lại cho nó ngủ dưới gạch cho nó biết mùi ái tình với gái bán trời. Gặp giờ giới nghiêm nó đành chịu phép ngủ lì đợi đến sáng đó chớ.

Misen vào mở tủ lấy ra hai mươi đồng trao cho tôi dặn khẽ :

-Cô đem ra đưa cho nó đi kiếm xích lô về Tân Sơn Nhứt cho khuất mắt.

Tôi làm như lời nàng căn dặn. Hắn cầm lấy tiền cảm ơn rồi chạy nhanh xuống cầu thang.

Tôi trở vào Mi-sen đã đứng trước cửa buồng.. Nàng cười khanh khách như kẻ đắc thắng.

– Cô thấy nó ngoan lắm không? tôi đã cho nó leo cây không biết mấy lần rồi. Nó mê tôi ghê lắm. Làm tình, làm tội như vậy mà cứ dẫn xác theo. Đề rồi cô coi, lúc nào có tiền lại mang đầu về năn nỉ dâng tôi.

 

CÁI già ám ảnh mãi Mi-sen. Nàng quyết định ăn uống theo thực đơn gồm rau sống, dưa leo, và cữ dùng gia vị. Để có thân hình dẻo dai và màu da sậm, mỗi ngày nàng đi bơi và phơi nắng. Tuy vậy, đôi má của nàng đã bắt đầu hóp lại, mắt trũng xuống thành một đường nhăn. Tôi an ủi khi thấy nàng âu sầu hay hốt hoảng:

Chị chơi Hatha Yoga thử coi. Người tóc bạc nếu tập môn đó thường cũng trở nên xanh tóc, trẻ trung.

Mi-sen phải bỏ ra một ngày nửa tiếng đồng hồ đề tập cách cải lão hoàn đồng. Nàng thấp thỏm đợi chờ... nhưng kết quả còn đợi năm tháng lâu dài. Càng sợ già nàng càng diện. Ngày nào mặt nàng cũng ướt trĩnh kem, nên da không có dịp nào để thở được. Bỏ thói mê cờ bạc nàng chăm chú ăn mặc, mua các tạp chí dạy cách chải tóc, tô môi ..

 

Nàng là ánh hoàng hôn lộng lẫy. Ánh nắng đỏ đã lên màu rực rỡ tột độ, chỉ đợi giây phút sẫm dần rồi thỏn mỏn tắt đi. Thịt da nàng đã rã rời với từng cơn ân ái miễn cưỡng. Tâm hồn nàng lúc nào cũng bị dày vò bởi khao khát. Tôi liên tưởng đến những cô gái đĩ về già xoay qua nghề tào kê. Nhưng Mi-sen thiếu tài đảm đương đó. Ngày mai là một ngày khác. Bây giờ nàng sống xa hoa, ngày khác sẽ là ngày thế nào khi nàng già xấu đi?

 

Khách tìm hoa thường cạn cợt, thích làm xoa dịu cơn nổi loạn của tế bào, chớ mấy ai đi tìm được cái đẹp huyền nhiệm tiềm ẩn trong người đàn bà.

***

Chẳng những Mi-sen thôi đánh bạc, mà nàng không còn ngồi đồng cốt để cầu cho đắt khách nữa. Nàng nói rằng nếu mình chinh phục đàn ông bằng cái duyên quyển rũ trời cho, chính cuộc chinh phục đó mới vinh quang hào hứng. Nàng cũng không xem hát cải lương và cho rằng các nhân vật chính trong tuồng có bao giờ khỏi tật khóc than thảm thiết ở mấy câu vọng cồ đâu. Suốt ngày nàng xem báo, học Anh văn, tập Hatha Yoga và mỗi đêm đi bán ba. Công việc đều đặn làm nàng chán nản, có ý định đi bãi biển đổi gió.

 

Khi nàng đã leo lên tuyệt đỉnh của cuộc sống xa hoa trụy lạc, nàng đã mơ kiếm một tấm chồng tâm đầu ý hiệp. Nàng lại mơ hái một vì sao, tưởng chừng vì sao đó ở trên đỉnh núi khi nàng ở dưới mặt đất trông lên. Nhưng khi lên tới đỉnh núi, ngôi sao đó vẫn còn xa, như một ảo ảnh. Và nàng cô độc ngó mông chung quanh, mệt mỏi khi nghĩ đến lúc phải xuống núi. Buồi chiều cuộc đời chẳng còn bao xa.

 

Trước khi đi Vũng Tàu, Mi-sen nhắn tôi lại nhà nàng dùng cơm. Vừa trong tắc-xi chui ra, tôi đến cổng ấn chuông. Vẫn không thấy chị Tư ra mở cửa. Tôi đoán là Misen đã đi dạo phố, nhưng khi tôi vừa quay đi thì có tiếng gọi lớn :

– Cô giáo I cô giáo ! khoan đi đã cô !

Tôi quay lại. Chị Tư mở cổng, rồi tất tưởi kéo tôi vào nhà. Nét mặt xanh xao vì bị kích thích mạnh chị hổn hển kể:

- Hồi hôm, cô em bị ông Phrăng (Frank), bế cửa đánh trọng thương.

Tôi hoảng hốt hỏi:

- Phrặng!  ủa mà Phrăng nào ?

Chị Tư cười đau đớn :

- Chắc cô chưa gặp ổng. Cái ông Mỹ nhỏ tuổi mê cổ như mê á phiện đó mà.

– À, tôi bật lên kêu, nhưng không thề nhở hẳn là ai. Giọng chị Tư sôi nồi như kề một chuyện phim cực lạc:

– Trời ơi, ổng đâm cô em đùng đùng. Sợ cổ bị mềm nát thành ba-tê, em phá cửa vào can, nhưng vô phương. Lúc đó khoảng ba giờ đêm. Em run quá. Trong phòng tiếng ve chai chạm nhau rổn rổn. Em nghe cổ chửi muốn rách cổ họng. Nhưng rồi một lúc sau cô im bặt. Em nghĩ ổng đã giết chết cổ rồi. Em, trời ơi, em sợ quá khóc rống lên. Một lát sau, ông Phrăng tông cửa chạy ra ngoài, xuống cầu thang rầm rầm, rồi bương bỏ ra cửa ngõ. Em chỉ kịp thấy chiếc áo trắng của ông tét từ trôn lên tận nách. Rồi đó, khi bước vào buồng, em chỉ thấy cô em nằm quằn quại dưới đất, máu me đầy miệng và mặt mũi sưng to lên. Gọi mãi mà chỉ nghe cổ rên ư ử trong cuống họng, em vội rờ ngực cổ. May quá cổ còn thở. Chờ cho hết giờ giới nghiêm, em chạy qua nhà ông bà Thanh kêu cứu. Họ xúm lại chở cổ chở đi nhà thương Đồn Đất rồi.

 

Ái ngại, tôi hỏi:

– Bịnh chỉ ra sao? ở mặt mày có mang thương tích nặng không.

Chị Tự vạt đồi ra vẻ hí hởn:

- May quá, nhờ có Phật Quan Âm với thánh thần phò hộ, nên mình mây cổ chỉ mang vài vết bầm sơ sịa thôi. Nhưng môi dưới của cô rách tét phải nhờ bác sĩ khâu lại và ông nầy bảo dầu vậy nhưng không sao, tô môi khéo một chút là cặp môi vẫn hấp dẫn như thường.

Rồi chị ta ưỡn ẹo vươn vai:

– Bây giờ cổ đã tỉnh, uống sữa được rồi. Em vừa về để lấy quần áo cho cổ thay rồi chở cổ về. Ý cha! thức đêm, mệt thấy mồ. Vừa mệt lại vừa sợ nữa..

- Sao không đề chị Mi-sen ở lại dưỡng bịnh ? 

– Bác sĩ cho cổ về, chỉ dặn mỗi ngày cổ phải đến nhà thương thay, xúc thuốc.

 

Tôi từ giã chị Tư ra về. Cố lục lại trí nhớ để tìm ra người Mỹ mang tên Phrăng nhưng tôi đành chịu thua. Từ ngày đến nhận việc nay, tôi gặp vô số người Mỹ đến với Mi-sen.

***


Sau khi đi làm việc về, tôi vội quay lại nhà Mi-sen. Tôi chạy lên cầu thang nhanh hơn mọi ngày. Chị Tư ra đón tôi và báo cáo sơ về sức khỏe của Mi-sen :

– Cổ đòi ăn cháo, và biểu em đem kiếng lại cho cổ soi mặt. Sau khi ngắm nghía bóng mình, cổ mừng, rồi khóc, rồi niệm Phật.

Tôi bước ngay vào phòng. Nghe tiếng động, Mi-sen mở mắt ra. Tôi đến bên giường nàng. Miệng nàng bị băng kín chỉ chừa môi trên. Mi-sen vẫy tay ra hiệu tôi ngồi xuống gần nàng. Tiếng nàng chìm trong cổ. Tôi phải kề tai sát gần mặt nàng.

– Chị đã đỡ rồi chứ ?

Mi-sen cau mày :

– Ối thôi ! mình mẩy tôi rêm như bị dần. Cái thằng mắc dịch đó nó lên gối tôi, đá tôi muốn dập bọng đái. Tôi lấy chai whisky sáng lên đầu nó, nhưng nó né kịp! nếu không chắc nó ngủm rồi. Chắc cô nhớ thằng Phrăng chớ ?

Mặt Misen dịu xuống :

– Cái thằng Mỹ tôi cho hai chục đồng về xe đó mà. Mới hôm đầu tháng đây nó đem theo năm trăm đô la. Tôi cứ tưởng là câu chuyện tằng tịu sẽ xảy ra êm thắm như thường lệ. Ai mà dè, thừa lúc tôi mở tủ cất tiền nó xông lại bịt miệng tôi, rồi thò tay lấy cái bóp đựng tiền của tôi hết ráo. Nóng của, tôi giựt cái bóp lại. Nó thoi tôi tối tăm mặt mũi.

 

Sau khi mở mắt được, tôi chạy lại tủ xách chai rượu whisky như tôi vừa mới thuật lại đó. Sau khi né xong nó điên tiết ép tôi vào vách và thoi tôi túi bại rồi bóp họng tôi muốn nghẹt thở. Tôi nhảy lên bực cửa sổ định phóng ra ngoài, nhưng nó đã liệu trước nên đã khóa cửa chặt chẽ từ hồi nào rồi, và nó giấu chìa khóa ở túi quần.

Mắt Mi-sen trợn to lên. Cơn giận được hâm lại. Tôi ngọt ngào an ủi .

Chi nằm nghỉ ngơi đi chớ. Cứ cho đó là vận rủi của mình trong năm nay. Vẫn chưa chịu thôi, Mi-sen kể tiếp :

-Tôi rình, cố chụp cái hạ bộ của nó, bóp cho nó trợn trắng. Nhưng nó lanh lẹ tránh. Cuối cùng tôi định lao ra khỏi cửa sổ kẻo bị nó đánh đau đớn có thể chết. Đoán là tôi muốn nhảy, nó chụp tôi lại. Vừa nắm được tôi, nó lên gối. Trúng nhằm chỗ nghiệt, tôi chết giấc. Nó bỏ chạy...

Rồi Mi-Sen rên lên.

– Ý ui cha! Uổng cái công tôi o bế chăm chút sắc đẹp tự bấy lâu. Bây giờ bị một trận này, chắc tôi sụm luôn, chắc phải vào nhà thương dưỡng lão.

Tôi nắm tay nàng, hỏi :

– Chị tính xử trí với hắn cách nào?

Mi-sen nhắm mắt để cho nước mắt trào ra. Rồi với vẻ cam chịu, vị tha, nàng nở một nụ cười mỏi mệt :

– Tôi định đâm đơn kiện nó. Bác sĩ đã cho tôi giấy chứng thương rồi, nhưng nghĩ mình chưa đến đỗi nào, tôi không thèm thưa gởi gì hết. Mình cũng chẳng tử tế gì với nó, lại còn bạc ác ra mặt nữa. Ối thôi ! vậy cũng vừa.

- Chị mất hết bao nhiêu tiền?

- Ba trăm đô la và mười ngàn bạc Việt nam. Mắt Mi-sen sáng lên :

Hôm trước, tôi có đi coi thầy bói. Người ta nói là tháng nầy tôi bị tai nạn hao tài tốn của, nếu không cũng tới cò bót. Lúc đi bán ba tôi bỏ qua chuyện bực mình vụn vặt, nhưng rồi cũng tránh không khỏi. Lão thầy bói hay thiệt ! Để khi tôi mạnh giỏi, tôi dắt cô đi coi một quẻ, không mắc lắm đâu, chỉ tốn có hai trăm bạc thôi, cô.

Mi-sen lim dim mắt rồi phác họa chuyện sắp tới bằng giọng sôi nồi:

Khi mạnh, tôi nuôi da mặt cho thật mịn, tôi mua son rồi mở tạp chí thời trang sắc đẹp ra để tô môi. Tôi may áo đầm cho thật chiến, tôi..

 

Bóng tối đã ôm choàng thành phố ngoài khung cửa. Tôi đứng dậy bắt tay Mi-sen rồi lần xuống cầu thang tối om. Tôi phải bước dò từng bước một... Ra khỏi nhà Mi-sen bước vào khoảng ánh sáng vàng của ngọn đèn đường...

Cuộc sống về đêm bừng bùng khởi đầu.

 

Từ tập truyện Mèo Đêm - 1967 Kim Chi xuất bản

Bài liên quan
  • KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    KÝ SỰ CAO LẠNG - NGUYỄN HUY TƯỞNG

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ký sự Cao Lạng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ghi nhận là một trong những tác phẩm dài hơi đầu tiên của nền văn học kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, đại diện xuất sắc cho thể loại ký sự trong văn học sử Việt Nam thời hiện đại. Tác phẩm như một thiên sử thi, ghi lại những diễn biến lần đầu tiên Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tiến công quân xâm lược Pháp, do đích thân Hồ Chủ Tịch ra trận chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận trọng trách chỉ huy trưởng chiến dịch. Ký Sự Cao Lạng cùng với một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng diễn ra 5 năm một lần) trong lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức năm 1996.
  • MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    MÙA GỤ - Truyện thiếu nhi Trần Tâm

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mùa Gụ là truyện ngắn trong tập Ngày mai sẽ nắng của nhà văn Trần Tâm, Nxb Kim Đồng in năm 2002.
  • ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    ĐI COI NƯỚC -Truyện ngắn Nguyễn Trọng Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chuyện của nhà văn gốc Cà Mau, về miền sông nước...
  • CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    CHUYẾN XE CUỐI NĂM - Truyện ngắn Thanh Tịnh

    Chuyến xe lửa đêm ra Bắc hôm nay có vẻ hấp tấp vội vàng như người đi trốn nợ. Thỉnh thoảng đầu xe lại thét vội giữa quãng đồng không, xa xa. Nghe như hơi thở của đêm vắng.
  • LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    LÀN GIÓ CHẢY QUA – Truyện ngắn Lê Minh Khuê

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Làn gió chảy qua là truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016.
  • THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thường viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.
  • HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    HỌC TRÒ GIÀ – Truyện ngắn Trần Kim Trắc

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn quê gốc Chợ Gạo Trần Kim Trắc, còn được biết đến với tên gọi Ông Thiềm Thừ, theo tên một truyện ngắn xuất sắc của ông, là một trong những cây đại thụ của văn chương Nam Bộ. Truyện nào của ông, cũng như gieo những cơn mưa Nam Bộ, thấm đẫm từng trải và bạt ngàn vốn sống lên văn đàn.
  • ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    ĐẢO CỦA DÂN NGỤ CƯ – Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến in trên báo Văn học và Dư luận năm 1992, ngay lập tức đã gây chú ý  tới đông đảo độc giả yêu mến văn chương. Năm 1994, Đảo của dân ngụ cư đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa Terre des éphémères và được lấy làm tên cho một tập truyện xuất bản ở Paris. Truyện cũng được dịch sang tiếng Anh với tựa The Way Station trong tuyển tập Night, Again xuất bản tại New York năm 1996. Đến năm 2016, tại Việt Nam, nó được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn.
  • THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH – Truyện ngắn Nguyễn Trọng  Nghĩa

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Truyện ngắn THẾ GIAN MỘT THẺO NHÂN TÌNH của Nhà văn Cà Mau Nguyễn Trọng Nghĩa in lần đầu trên báo Tuổi trẻ chủ nhật sau đó in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nhà xuất bản Trẻ 2005.
  • ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    ĐIỆU MAMBO HƯ ẢO – Truyện ngắn Nguyễn Đình Tú

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhà văn Nguyễn Đình Tú đến với văn chương từ cuộc thi Tác Phẩm Tuổi Xanh của Báo Tiền Phong năm 1995, với giải thưởng cho truyện ngắn Niềm vui của một dòng họ. Nhưng phải tới khi đạt giải nhì cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999, anh mới chính thức rẽ vào làng văn và trở thành một trong những nhà văn thế hệ 197x viết nhiều và đa dạng thể loại thành công nhất hiện nay.