chan_dung-ke_si

THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

19-09-2024

Lượt xem 1307

Đánh giá 1 lượt đánh giá

Chia sẻ

  Phan Thị Vàng Anh

THÁNG BẢY – Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh

Chân Dung Kẻ Sĩ: Tháng Bảy là truyện không ngắn như những truyện ngắn khác mà nhà văn Phan Thị Vàng Anh thuờng viết, nó dài hơn hẳn. Truyện được viết khi tác giả tham dự chương trình viết văn của Đại học Iowa, Mỹ, đăng trên TTCT năm 1996.

Năm đó tôi mười bảy tuổi. Tháng bảy, chiều nào cũng mưa, sáng ra đã gió, ngày nào tôi cũng nghe mẹ ví von về loại thời tiết này: "Cậu ở, mợ đời". Tôi nhớ, khi nói câu này, mẹ đứng vịn cửa sổ nhìn ra vườn, ngày ấy ao mới lấp, bố về thăm nhà trồng cây hoa vàng anh, hoa to thồi thồi, vàng tươi, ngày nào cũng nở. Mẹ đứng như thế này, vươn cái cổ cao cao, áp mặt vào mấy song cửa gỉ, hai tay dài thò ra ngoài khung cửa, mẹ có dáng vẻ của một đứa trẻ bị khóa trong nhà muốn ra ngoài hơn là dáng của một phụ nữ ba mươi ba tuổi bị chồng bỏ. 

Ông ngoại bảo: "Mẹ mày còn ham chơi!". 

Khi ấy, tôi học lớp 12. Thỉnh thoảng mẹ rủ: "Mẹ với mày đi chơi?". Tôi đùa: "Ai chở ai?". Mẹ rất duyên dáng cười ma lanh: "Mẹ hơi đau lưng nhưng vẫn chở mày được?". Mẹ đánh phấn nâu, mặc áo đen, mắt mẹ long lanh, cười ngậm miệng mệt mỏi khi các chú đến tán tỉnh. Mẹ thích người ta nhầm mẹ và tôi là hai chị em để mẹ có cơ hội tự hào bảo: "Con gái tôi đấy!» Thể nào người ta cũng dấn thêm một bước tò mò bằng câu hỏi về tuổi tác, mẹ lại có thêm cơ hội gợi cho người ta lòng hiếu kỳ khi hình dung ra cảnh một con bé mười sáu tuổi vào phòng sinh. "Thế anh ấy làm gì?". Đến câu này, tuy lần nào mẹ cũng khẽ hạ mắt xuống, mỏi mệt đáp: "Chúng tôi ly dị", nhưng tôi vẫn thấy vẻ vui thích láu lỉnh ẩn nấp đâu đó sau tiếng thở dài. 

Ông ngoại nói mẹ tôi trẻ hơn tôi. 

Trong nhà, tôi sống cùng mẹ và ông ngoại. Từ một năm nay ông không chịu ở chung một nhà, ông làm một cái chòi ngay trong vườn. Từ chòi, ông mắc một cái chuông nối sang nhà tôi, mỗi khi muốn qua, ông giật chuông; mẹ (hoặc tôi) thò đầu ra cửa, thấy ông đứng ở cửa chòi, nói to: "Tao sang nhé ! ", nếu phe tôi gật đầu, ông sang. Dần dà, mẹ sợ hàng xóm nghe lại hiểu lầm trò này do mẹ bày ra, mẹ bảo ông  giật chuông rồi đừng hỏi to gì cả, mẹ sẽ ra hiên, nếu mẹ gật đầu ông qua. Được vài tháng. ông bảo mắt ông kém dần, mẹ phải thay cái gật đầu bằng cái vẫy tay cho nó rõ hơn. Từ đó, hễ chuông rung, chúng tôi ra hiên vẫy tay, và ông qua. Tôi hỏi sao không mắc một cái chuông ngược lại sang ông, để bọn tôi qua cũng phải xin phép. Ông cười, bảo thôi không cần, mẹ bảo nhưng các bà trong tổ hưu bạn ông cần chuông, ông trừng mắt âu yếm bảo im đi. "Các bà ấy, ngay từ hồi trẻ tao đã không thèm để ý!". 

Bố bỏ đi khi tôi mười lăm tuổi. Tôi dùng chữ "bỏ đi" là không đúng, nghe có vẻ hoang đàng quá mà thực ra bố đi rất đàng hoàng. Một năm trước đó tôi không sống ở nhà. Tôi về với ngoại, khi đó ngoại còn sống cùng dì Tư. Trước đó nữa tôi chưa từng chứng kiến trận cãi nhau nào của bố và mẹ. Tôi nói bố đi rất đàng hoàng là có nhiều lý do, thứ nhất ngay cả ngoại, cả dì Tư đôi khi nói với nhau cũng để tôi nghe lén rằng bố đi là đúng, thứ hai khi trở về tôi thấy nhà cửa, đồ đạc còn nguyên, bố chẳng mang đi theo. Tôi rất không thích mỗi khi mẹ kết luận hiện tượng này bằng cái câu: « Đến mày mà bố còn không đòi chia thì đòi chia của cải làm gì!". Tôi bảo, à, hóa ra mẹ nuôi con chỉ vì bố không đòi chia con chứ cũng chẳng phải bỏ công giành giật gì mà được, phải không ? Mẹ bảo, không, nếu bố giành giật, bố sẽ thua, mẹ phải được nuôi con. Thỉnh thoảng tôi hồ nghi câu này. Thế nhưng, tôi vẫn yêu mẹ. Thứ ba (tiếp cái lý do cho là bố đàng hoàng), ngay cả bây giờ về chơi bố vẫn ung dung vào nhà, không giống như trong truyện trong phim, lén lút ngậm ngùi gặp con vài phút, mừng mừng tủi tủi bên dậu bên rào. Bố vào, đặt túi quà lên bàn, có khi là thức ăn, mẹ tự động mở túi giở ra rổ làm cơm. Bố uống trà với ông, lại bàn chiến sự nước này nước nọ, rồi gọi mẹ vào nhà, vài phút thôi nhưng ông ngoại nhìn theo cảm động, tôi biết bố cho mẹ tiền. Tối đến mẹ đếm, tôi ngồi cạnh mẹ trên giường, mẹ bảo chừng này đáng gì, bố mày bây giờ giàu lắm cơ. Tôi bảo mẹ buồn cười, đáng ra ngoài tiền nuôi con mẹ chẳng được xu nào, sao mẹ lại đòi chia một tỉ lệ 6/4 hoặc 5/5 như “hồi còn tại chức” thế... Mẹ tôi cười, đuôi mắt mẹ bắt đầu nhăn và ngay tuần sau bố lặng lẽ để trên bàn một hộp kem xoa mắt. 

Năm ấy mẹ và chú Lân cắt đứt. Cắt lần này cũng không khóc lóc mà cũng chẳng cãi nhau, chỉ thấy một tuần rồi hai tuần chú Lân không mang lăng quăng cho cá. Hỏi thì mẹ nói chú ấy còn trẻ thế, chắc mẹ chú ấy cấm chứ sao. Mẹ nói tỉnh rụi như chuyện của ai. Tôi nghĩ chú Lân đang ngồi góc nào đắc chí nghĩ mẹ đang đau thì phải một phen bẽ mặt. Tôi tự hào về mẹ tôi lắm. Tôi càng tự hào vì tập mãi không giống được mẹ tôi. Tôi đến lớp, trong giờ sử, Phước than cái bút máy không ra mực đành vứt ở nhà. Tôi ân cần dặn dò hôm sau nhớ mang theo để tôi đem đến sửa hiệu quen. Tôi đã đợi một đêm để hôm sau hỏi: "Bút đâu?". Phước ngơ ngác hỏi: "Bút nào? Để làm gì?". Tan học, tôi đạp xe về, cả đường nước mắt chảy. Nó không nhớ ra bút nào có nghĩa là nó quên mẩu đối thoại hôm qua, nó quên mẩu đối thoại hôm qua có nghĩa là về nhà nó quên mất mình. Nếu nó cũng nhớ mình như mình nhớ nó là phải nhớ đến mẩu đối thoại hôm qua, nếu nhớ đến mẩu đối thoại hôm qua thì không thể quên được chuyện hư bút máy mình tình nguyện sửa, nếu cảm động về chuyện mình tình nguyện sửa thì đã phải nhớ ra được cây bút nào.... Tôi đạp xe, nước mắt lem nhem. Gần đến đường rày, ngươi ta chắn tàu, tôi nhìn tàu hỏa chạy qua trong nhạt nhòa mũi dãi mà nghĩ mình chết bây giờ mới thỏa chí căm thù. Đến sân nhà, thấy mẹ đang cho đàn vịt con vàng ruộm ăn bèo tấm, mẹ nói chuyện vui vẻ mà không nhìn mặt tôi rằng hôm nay chú Lân tới, mượn cớ sợ cá đói mà mang theo một bịch lăng quăng. Mẹ nói trông chú gầy đi, hom hem và bạc nhược. Mẹ tung nắm bèo cuối cùng, phủi tay, nói: “Cắt đứt cũng vừa!”. Lúc ấy mẹ mới ngẩng mặt nhìn tôi, mẹ bối rối khi thấy mặt tôi đỏ, mắt tôi ướt. Mẹ lúng túng nói con đi tắm đi mẹ nấu sẵn nước rồi, xe cứ để đấy để mẹ dắt vào cho. Tôi thấy thương mẹ quá, lại buồn cười nữa, mẹ đã không già kịp bằng tôi lớn. 

Năm ấy tôi quyết định không để ý ai nữa. Lý do thì đã nêu trên: cái bút. Tôi ngồi bàn cuối trong lớp, sát kẹt tường, suốt học kỳ hai không nhìn Phước trong giờ học nữa. Tuy nhiên luôn luôn có một đứa phản bội đứng trong góc mắt tôi, nó mách tôi: Phước quay xuống mượn thước, Phước leo bàn nhảy qua cửa sổ, Phước kẻ lông mày cho Lan Chi... Phước, đúng hơn, cái bóng của Phước... Tôi muốn mà không thoát được cái bóng ấy. Tôi đặt tên cho cái góc không nhìn mà thấy ấy là "góc tình cảm", có lẽ nó nằm ở khoảng một phần hai đuôi mắt, năm kia Hùng rơi vào góc ấy, hai năm nay là Phước. Cái góc nhìn ấy không nằm trong tầm kiểm soát của tôi, mà như mẹ tôi vẫn bảo, cái gì thuộc về tình cảm thì chính mình cũng không quản được. . . Tôi quyết định từ đây cả  đời chỉ có học, mẹ rất tán thành. (Nhưng nếu hôm sau tôi định cả đời phải chơi, tôi chắc mẹ cũng tán thành. Tán  thành, đó là cái cách nhanh nhất để mẹ tôi đi qua một câu  chuyện). Tôi bảo: “Con phải đậu đại học”. Mẹ thuê về một “gia sư”. Đầu tiên là một chị đeo kính cận, có phong cách vú em hơn là gia sư, luôn sẵn sàng thỏa hiệp với những lười  nhác của tôi. Tôi đề nghị mẹ tìm người khác, một người  nghiêm khắc hơn. Hai tuần sau, mẹ bảo: “Thôi nhé, từ nay  mày hết chơi !”, và giới thiệu thầy mới với tôi, cảm tưởng đầu tiên của tôi là thầy buồn và lạnh lẽo. 

 Thầy tên Thăng, không ai biết nhiều về đời thầy. Ngay từ  đầu ông đã có vẻ không thích thầy. Tôi hỏi ông có phải tại  thầy ít nhìn thẳng, thầy hay cúi mặt hay thầy ít nói mà ông ghét không? Ông bảo không, ông chỉ thấy không ưa chứ không biết giải thích thế nào. “Có thể tại da nó tai tái - Ông nói - Cũng có thể tại quầng mắt nó thâm – Ông loay hoay - Nhưng nói  chung là tao không thích!”. Khi ông  thích ai, ông đanh thép liệt kê những dẫn chứng vì sao ông thích; khi ông ghét ai, ông nói cùn, cái kiểu khịt mũi xua tay, người nghe có muốn bênh vực kẻ bị ghét cũng bằng thừa, thế nên dù tôi đã nói: “Thầy Thăng dạy hay, thầy Thăng đúng giờ, thầy Thăng nghiêm túc không bao giờ đùa…” thì ông vẫn ghét. 

Ông ghét và bố cũng ghét, tuy nhiên bố bất lực vì tuy bằng tuổi thầy nhưng kiến thức toán của bố rơi rớt hết chỉ còn lại vài công thức căn bản của chương trình cấp hai. Thỉnh thoảng bố cũng mở vở tôi ra xem, thử moi móc may ra nhặt được dăm điều lẩn thẩn của thầy, nhưng tôi đã nói, bố bất lực. Những lúc ấy nhìn bố bé lại hẳn, và lạ lẫm nữa. Bố bé lại đến mức tôi cũng thấy ghét thầy Thăng, thầy vẫn cứ ngồi điềm nhiên, giảng đều đều, mắt buồn buồn nhìn xuống vở, và bố tôi chợt giống như một đứa nhỏ rình rập xung quanh tìm cách phá không xong. Tôi hỏi mẹ sao bố không có cái kiểu đó với chú Lân, mẹ bảo: “Không biết!”, rồi không nói gì thêm. Mẹ không nói gì đến thầy, cái này cũng không giống mẹ trước đây. Khi thầy đến mẹ hay xách xe đi, đi một chút về ngay rồi giữ nguyên quần áo đẹp cùng phấn son chạy qua chạy lại lên nhà xuống bếp. Thầy không nhìn mẹ, còn tôi không tập trung học được. Khi đó tôi thắc mắc không hiểu mẹ có lọt được vào “góc tình cảm” của thầy không. Một đêm, tôi ôm mẹ, hỏi giọng bè bạn: “Mẹ có thích thầy không?” Mẹ đắn đo rồi nói: “Không !”, xong nhắm mắt giả vờ ngủ tiếp. Tôi hơi phật ý vì mẹ không coi tôi như bạn. Tôi nói: “Nếu không thích thì mẹ đã phải mắng con!”. Mẹ lưỡng lự, vẫn nhắm mắt, bảo: “Nhưng thầy có thích mẹ đâu!”. Giọng mẹ hoang mang, tôi thấy đáng thương và cả đáng ghét. 

... Tôi đậu đại học. Tiệc ăn mừng chỉ có bốn người: ông, mẹ, thầy và tôi. Tôi đã dẫn bạn bè ra ngoài quán. Tôi đã xin bố tôi chỉ hai bố con vào nhà hàng để tôi gọi món ăn và uống bia như người lớn. Tôi không muốn những người ấy trong bàn tiệc thấy mắt mẹ long lanh nhìn thầy Thăng lạnh lẽo. Mở đầu tiệc, tôi nói cám ơn thầy một năm qua đã hết lòng với tôi Thầy không nói gì, chỉ nhìn mặt bàn mỉm cười bâng quơ. Tôi rành rọt xin thầy cho số nhà, hằng năm lễ tết rảnh em sẽ ghé thăm. Thầy ngẩng lên nhìn, mắt thầy tình cảm nhưng tôi hiểu ngay cái nhìn này chỉ gửi nhờ vào mắt tôi và dành cho mẹ. Thầy nói thỉnh thoảng thầy sẽ ghé thăm. Cuối câu, mắt thầy lạnh lại, tôi biết, cái nhìn này thầy dành cho tôi, nó như cái cười khẩy: “Mày muốn tao đi luôn chứ gì?” Ông ngoại nghe thầy nói thỉnh thoảng sẽ ghé thăm thì thần cả người, ông bẻ bánh mì mà quên cả lột vỏ. Mẹ cũng ăn bánh mì không, chẳng chấm cà ri gì cả. Nếu cứ căn cứ vào cách ăn thì tôi dám chắc thầy không thích mẹ bằng mẹ thích thầy. 

Tôi vào đại học và đi suốt ngày. Tôi ngoái đầu nhìn lại những chuyện phổ thông giống như chuyện kiếp trước. Tôi thích Biên, một sinh viên ở tỉnh lên nên tôi quẩn quanh ký túc. Buổi trưa đứng trên lầu nữ, nhìn xuống thấy Biên xách ca ngang sân bóng chuyền đi mua nước đá là tôi phóng vội xuống căn tin giả vờ lơ láo mua kem... Tôi tìm trên bản đồ ở đâu cái tỉnh của Biên; đọc báo hôm nay lụt, mai bão... tôi hỏi lại, Biên nói hiền lành: “Tui sống ngay thị xã”. Dù thị xã tôi cũng mơ màng được, thể nào cũng phố chợ ven sông, và cái nhà ủy ban to đùng trên những con đường vắng... Tôi rủ mẹ cuối tuần xuống đó với tôi, mẹ lắc đầu; tôi rủ hay hai mẹ  con mình ra đường chơi, mẹ nói ngày khác đi. Tôi tì cằm lên  bàn hỏi mẹ: “Mẹ yêu rồi phải không?” Mẹ nhìn như thể ước lượng xem tôi đã đủ lớn chưa để gật đầu nên tôi gật đầu hộ mẹ. Mẹ phì cười, tôi hỏi: “Nhưng người ta có yêu mẹ không?” Mẹ nói: “Có”. Tôi hỏi: “Người ta có muốn cưới mẹ không?” Mẹ gật đầu. Tôi nói: “Mẹ lấy chồng đi, con chẳng cần đâu!”. Tôi đã phải nói bằng giọng chân thành nhất nhưng mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn ra cây vàng anh hoa vàng thồi thồi, mẹ lắc đầu: “Rắc rối lắm”. Tôi nói: “Mẹ lấy chồng đi, lấy ai con cũng hứa sẽ không hỗn hào, mẹ sinh em bé con không phải học thì con sẽ ẵm…” Mẹ đứng vụt lên, bám khung cửa sổ nhìn ra vườn rồi mẹ khóc. Tôi hoang mang quá tôi lại gần mẹ, mẹ vẫn không nhìn tôi. Tôi nhìn ra vườn cây, trời mưa, tôi đắn đo: “Con hiểu rồi! Người ta không thích con ở cùng nhà, phải không mẹ?” Rồi tôi khóc, vừa khóc vừa nghĩ mình đã dự tính trước rồi mà, sao lại khóc. Nhưng tôi đã không hình dung được mẹ lại đồng ý để bị bứt khỏi tôi, tôi không hình dung được mẹ sẽ có em bé khác để mẹ yêu, tôi không chịu đựng được tôi đến thăm, mẹ sẽ ra mở cửa cho tôi vào phòng khách... 

Đó là năm ấy... Bây giờ tôi ở với ông. Tháng bảy chiều nào cũng mưa, hai ông cháu rủ nhau qua đánh cờ bên cái chòi dây chuông đã đứt.

TTCN, 1-12-1996

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.