chan_dung-ke_si

THẰNG ĂN CẮP - Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan

09-08-2023

Lượt xem 1300

Đánh giá 0 lượt đánh giá

Chia sẻ

  truyện ngắn hay Nguyễn Công Hoan

THẰNG ĂN CẮP - Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan

Nhà văn Nguyễn Công Hoan và vợ

 

Phải đòn trận này thì nó cạch đến già! Nhưng đáng kiếp lắm! Ai thương? Ai bảo mới nứt mắt ra đã đi ăn cắp?
Người ta kháo nhau:
- Quân ấy tinh quái lắm! ấy, nó cứ giả vờ đói khát để ăn xin, trát bùn vào mặt, vào người, lử thử lừ thừ, làm như thằng ốm, nhưng hễ rình nhà nào vô ý, là thừa cơ thó ngay, rồi lẩn mất, nhanh như cái cắt!
Người ta gờm mặt nó! Người ta sợ nó! Hễ nó lảng vảng đến, người ta ngờ, người ta canh, người ta giữ, coi nó như một con chó đói.
Một hôm, nó vơ vẩn giữa đám hàng bán rong. Thấy nó, bà hàng rau đứng dậy, quẩy gánh lên vai, đi chỗ khác. Bà hàng thịt sờ lại ruột tượng. Bà hàng bún riêu nắn lại túi tiền. Bà hàng lê bấm cô hàng bánh đúc. Chị bán bánh rán sốt đưa mắt cho bác bán khoai. Họ thì thào:

- Thằng ăn cắp.

Trông nó đáng sợ thật. Hai mắt trắng dã, lấm la lấm lét, tóc thì bồng lên như tổ quạ. Da đen thui thủi. Mặt rạn như men lọ cổ. Hai tay thọc vào túi cái áo tây tàng, xơ xác như tổ đỉa, nó đứng nhích ra chỗ bóng nắng, dún dẩy cho ấm. Nó nhìn gánh bún riêu. Nó nhìn mẹt bánh đúc. Nó nhìn rổ khoai lang. Cơ chừng nó thèm. Nó thèm vì nó đói. Thấy nó ám, các bà chẳng dám đuổi, nhưng bụng mong nó cút ngay đi. Nó đứng một lúc. Rỗi quá. Nó chìa bàn tay ra xin, xin bằng những câu văn sách thuộc lòng, chứ không cố lấy giọng nằn nì khốn nạn:

- Cắn cỏ lạy bà, con đói khát, bà làm phúc thí bỏ cho con đồng cơm bát cháo.

Thấy nó giở giọng, các bà giữ riết ruột tượng, túi tiền, thức hàng.

- Để bận sau, đi mà xin chỗ khác.

Nó nhăn bộ răng trắng như bầu ra, cười láu cá. Gớm chết! Nó cười gì? Ai biết được! Hay là nó chế các bà lần này quá khinh nó? Vì nó tham cơ hội mà xin đó thôi. Nó làm bộ, lắc túi cho các bà nghe thấy tiếng xu kêu loẻng xoẻng! Ranh con thực! Nó lại đứng yên. Nó ngắm. Hai mắt chòng chọc vào cái nồi bún riêu khói bốc lên ngùn ngụt, vào cái nồi bánh đúc ngon lành, vào cái rổ khoai tròn trĩnh như "Ông ỷ". Nó chảy nước dãi. Nó thèm. Vì nó đói thực.
Suốt từ sáng, nó chỉ được có sáu đồng trinh, và một bát cơm nguội. Bát cơm ấy, chưa đủ sức đền vào chỗ nhịn chiều hôm qua. Nhưng thôi, làm quái gì cái vặt! Ăn không ra bữa đã quen từ thuở bé. Nó chỉ thấy đói. Chứ không thấy cồn cào. Nó ngồi sán vào cô bán bánh đúc. Nó chìa tay ra xin một miếng. Cô hàng ôm khư khư lấy mẹt vào lòng, xua lấy xua để:

- Chưa bán mở hàng đấy! Khỉ ạ!

Nó lại lê dịch sang kề nồi bún riêu:

- Lạy bà, con ăn mày bà một bát.
- Ba mươi sáu cái nõn nường! Mỗi bát mấy đồng xu của người ta đấy! Thôi đi! Dơ!

Nó lại mó vào củ khoai lang, tủm tỉm cười. Bà ấy vội hất tay nó ra, và mắng:

- Bà thì tát cho một cái bây giờ, đừng láo!

Bà hàng lê chắc chẳng đời thuở nào nó dám động đến hàng mình, là thứ xa xỉ phẩm, đùa nó rằng:

- Một hào một quả, bỏ tiền đây, tao bán cho.

Nó cười, lắc đầu. Bà ấy ném vào lòng nó một mảnh vỏ quýt. Nó đỡ được, bỏ vào mồm, nhai gau gáu. Rồi nghĩ thế nào, nó đứng dậy. Tay nó đếm xu trong túi, nói với bà hàng bún riêu:

- Bà bán cho cháu một bát.
- Mày có tiền không?

Nó gật đầu, mạnh bạo. Rồi đắc chí, nó lắc túi. Bà ấy múc cho nó một bát đầy. Nó ăn. Phù phù! Nóng! Xuỵt xoạt! Cay! Ngon quá. Ai cũng yên bụng. Không ai để ý đến nó nữa. Họ nghênh xe đạp. Họ nhìn ô tô. Họ pha trò. Họ cười ha hả. Nó vẫn ăn. Ngon quá!

*

 

Năm phút... Mười phút... Bỗng chốc:

- ối ông đội sếp ơi! Thằng ăn cắp! Ai đuổi hộ tôi!

Bọn bán hàng nhốn nháo. Chạy tứ tung. Quang gánh vướng. Người ngã. Hàng đổ. Bát vỡ.

- Bắt lấy nó!

Thằng ấy cắm đầu cắm cổ chạy, nhanh như mũi tên.

- Giời ơi! Nó kia kìa! Ai đuổi hộ tôi!

Một người qua đường đuổi theo nó. Hai người qua đường đuổi theo nó. Rồi ba bốn người, sáu bảy người...

- Bắt lấy thằng ăn cắp!

Rồi hàng chục người. Rồi không đếm được bao nhiêu người nữa. Họ chạy huỳnh huỵch. Họ làm như bắt giặc! Ai cũng kéo cả ra đường để nhìn theo. Một thằng chạy. Mấy trăm người đuổi. Bụi mù! Bà ấy chạy sau rốt. áo lấm. Khăn xổ. Tóc rũ. Ngửa mặt lên mà kêu:

- ối ông đội sếp ơi!

Mọi người hỏi nhau.

- Ai mất gì?

Người bảo:

- Nó cắt đứt ruột tượng của người kia.

Người bảo:

- Nó lần túi người ta! Chà thằng oe con gớm thật!

Rồi lại thêm mấy chục người nữa đuổi theo thằng ăn cắp.

- Thằng ăn cắp! Bắt lấy nó! ối ông đội sếp ơi! Nó ăn cắp của tôi!
- Kìa, ông đội sếp đến thực. Bỏ mẹ!

Ông ấy cắm cổ, gò lưng, bấm chuông liên thanh, đạp xe đuổi theo. Nó vẫn chạy như khoàng cả hai chân lên vai. Chạy hăng quá! Nhưng người đuổi chạy nhanh hơn. Bà ấy thì lạch bạch như con vịt, kêu không ra tiếng, mỗi lúc một xa nó, xa nó đến sáu bảy mươi thước.

- Khổ thân tôi, giời đất ơi!

Đến ngã tư. May quá. Một ông chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, nghe tiếng kêu, đâm bổ ở trong nhà ra, tóm ngay được cổ nó. Nó cúi xuống, mồ hôi trơn, ông ấy suýt nắm trượt. Nhưng liền vớ ngay được cánh tay nó. Nó giằng ra. Ông ấy khỏe như vâm, quật ngay nó xuống đánh oách, ngã sấp xuống đường đá, sây sát cả người, máu mê bê bết. Ông ấy vồ được nó.

- Nó ăn cắp gì?
- Nó giật khăn.

ức! Một cái đá vào mạng mỡ.

- Chạy nữa đi!

Hự! Một quả tống vào ngực. Nó méo mặt, không thở được! Đành chịu nằm yên. Người ta chạy tới dần.

- Nắm chặt lấy nó!

Nhưng chẳng nắm, nó cũng chẳng chạy được. Huỵch! Huỵch! Bốp! Bốp!

- Này chừa này! Ăn cắp này!

Ai cũng phải giã cho cẩn thận, để bõ lúc chạy mửa mật bắt nó! Nó lạy. Nó van. Nhưng ai tha? Dại gì mà tha thằng ăn cắp? Họ càng ghét, túm lại, đánh như mưa.

- Cho đáng kiếp! Nó giật đôi khuyên vàng của người ta

Họ lại đánh túi bụi, không tiếc tay.

- Mười ba mười bốn tuổi đầu, đã dám lần lưng, lấy của người ta năm đồng bạc, rồi lại đánh người ta!

Họ lại tức dữ. Lại cho thêm một trận. Nó đau quá. Nằm sóng soài, không nói được nữa. Hai mắt lừ đừ, khốn nạn như con chó bị trói giật bốn cẳng ra đằng sau lưng. Họ khám túi nó. Tang vật nó tẩu đi đâu rồi?

- Mày để đồ ăn cắp ở đâu?
- Nó có đảng!

Nó mở mắt ra nhìn. Họ lại uỵch. Họ lại thụi. Họ lại tát. Họ lại đá. Không tiếc tay. Rồi lại hô:

- Đánh chết nó đi!

Nó cũng gần chết thực. Những mũi giầy, những ngọn gân bò, những quả đấm, những nhát gậy, làm nó đau ê ẩm cả mình. Phen này có sống cũng thành tật! Nó cựa. Nó nhăn. Nó ôm bụng. Đám đông càng ùn lên. Xe pháo tắc tị không đi được. Ông đội sếp lôi tay nó dậy:

- A lê! Lên Cẩm!

Nó mềm như sợi bún, không dậy được.

- Nó giả vờ đấy!

Lại mấy cái móng giò. Lại mấy cái tát. Để đợi người khổ chủ còn đương ỳ ạch chạy theo ở đằng xa. Bà ấy mệt quá. Không lê được một bước. Không kêu được một tiếng. Cơ chừng tiếc của. Cơ chừng hết sức. Cơ chừng hết hơi. Không biết mất cái khăn, đôi khuyên, hay năm đồng bạc? Không biết bị nó đánh có đau không? Chờ bà ấy đến sẽ rõ.

- Ông... bà... giữ... lấy... nó... cho... tôi!
- Có thả nó cũng không chạy được, mau lên!

Bà ấy vẫn chạy. Bà ấy vẫn kêu. Bà ấy vẫn thở. Thảm quá! Vòng người đứng giãn ra. Bà ấy đến. Hổn hển thở chẳng được.

- Phải, nó đây rồi.

Bà ấy vồ lấy nó, vả lấy vả để. Bà ấy đánh cứ tưởng mạnh. Nó cũng không biết đau. Nó mê lên rồi. Bà ấy kiệt sức, ôm chầm lấy nó, rồi ngã sóng soài ngay cạnh.

- Giả tao đây!... Giả... tao... đây!

Nó không thở được. Nó nhăn.

- Nó lấy gì của bà?
- Các ông đưa... nó lên... Cẩm... hộ.. tôi!
- Bà mất gì?

Bà ấy cố trả lời, nói rời rạc như người sắp tắt thở:

- Nó ăn của tôi... hai xu... bún riêu... rồi... nó quịt... nó chạy!

 

Nguyễn Công Hoan
(Kép Tư Bền. - Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản, 1935)

 

Bài liên quan
  • BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    BẾN ĐỢI CHỒNG – Truyện ngắn Nguyễn Thị Châu Giang

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Nhiên cất tiếng hát "Ơi chàng ơi chim có bạn có bầy, thuyền có bến có sông sao lại để em năm canh gối chiếc chăn đơn đợi chàng... "
  • HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    HAI NGƯỜI BẠN – Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Hai người bạn là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, in trong tập truyện ngắn Hạnh, Đời nay xuất bản năm 1940.
  • CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    CÁI ĐÈN LỒNG – Truyện ngắn Vũ Bằng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Vũ Bằng hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí từ những năm 1930-1940 khi tuổi đời còn rất trẻ. Ông là chủ bút tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc Chủ Nhật khi mới hơn hai mươi tuổi. Khi Nhật-Pháp so kè với nhau chiếm nước ta, dưới áp lực kinh người của những kẻ xâm lược, Vũ Bằng vẫn giữ tư thế của tờ Trung Bắc Chủ Nhật là phục vụ người Việt, vì quốc gia dân tộc, khiến cả chính quyền Pháp và Nhật đều phải kiêng nể.  Trước 1945, Vũ Bằng nổi tiếng trong việc giúp đỡ các nhà văn khác cả tiền bạc lẫn kinh nghiệm viết lách. Rất nhiều nhà văn nhận những lời khuyên của Vũ Bằng sau này đều trở thành những nhà văn lớn của Việt Nam. Thế nhưng, một thời gian dài kể từ khi Vũ Bằng di cư vào Nam năm 1954, các tác phẩm của ông biến mất không còn dấu vết, không được nhắc tới trong nhà trường, bị đưa vào danh mục cấm do cái tiếng "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến"... gây ra. Ông lâm trọng bệnh và mất ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984 trong cảnh vô cùng túng thiếu. Mãi sau này, ông mới được minh oan rằng không phải ông quay lưng với kháng chiến mà là ông đã nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952 và vào Nam năm 1954 theo lệnh của tổ chức. Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.
  • ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI – Truyện ngắn Xuân Quỳnh

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ hàng đầu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, sức ảnh hưởng của Xuân Quỳnh lớn tới nỗi Google từng vinh danh bà trên trang chủ của họ vào năm 2019. Là nhà thơ nên tất nhiên bà nổi tiếng về thơ và hầu như khó tìm được ai không biết bài Thuyền và Biển của bà. Nhưng Xuân  Quỳnh cũng viết văn và viết rất nhiều truyện cho thiếu nhi, truyện Ông nội và ông ngoại dưới đây là một trong số đó.
  • LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    LỜI NGUYỀN - Truyện ngắn Khái Hưng

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Lời Nguyền là truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng, viết về quãng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội (1941) và đưa lên giam giữ tại trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Truyện được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc cuối cùng của nhà văn Khái Hưng. 
  • CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN III. - MƯỠU CUỐI - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Mưỡu Cuối được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1946, đặt làm Phần cuối và đem đi xuất bản ở Quốc Văn với tên Chùa Đàn. Với Tâm sự của nước độc, Nguyễn Tuân băng băng trèo lên đỉnh đèo văn, còn với Chùa Đàn, ông bồng bềnh trôi, chưa mỏi gối nhưng đã không còn đỉnh đèo nào để leo nữa.
  • CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - II. TÂM SỰ CỦA NƯỚC ĐỘC - Truyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần II của Chùa Đàn, được nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1945 có tên Tâm sự của nước độc. Truyện có phần đề từ lấy trong Chữ Nhàn, một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ; “Ai hay hát mà ai hay nghe hát”. Trong Chùa Đàn, truyện được sắp xếp thành phần II. Nhà văn Khái Hưng và một số nhà văn khác cho rằng, (việc) Nguyễn Tuân viết thêm Dựng và Mưỡu Cuối, đã làm hỏng mất sự toàn bích một tác phẩm tuyệt mỹ.
  • CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    CHÙA ĐÀN - DỰNG - Tuyện ngắn Nguyễn Tuân

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Chùa Đàn được xem là tác phẩm hội tụ những gì tinh hoa nhất của nhà văn Nguyễn Tuân do Quốc Văn xuất bản năm 1946 tại Hà Nội. Chùa Đàn bắt đầu từ truyện ngắn Tâm sự của nước độc trong loạt truyện kinh dị Yêu Ngôn ông đăng trên các báo thời bấy giờ. Đến năm 1946, để phù hợp với diễn biến thời cuộc, ông viết thêm hai phần bổ sung, đặt làm phần Một và Ba, Tâm sự của nước độc trở thành phần Hai của tác phẩm.
    Dù là tác phẩm hay nhất của Nguyễn Tuân, nhưng Chùa Đàn đã bị đánh giá thấp do các yếu tốc ma quái kì dị đầy màu sắc tâm linh của nó. Kể từ lần in năm 1946 và sau đó được Tân Việt tái bản ở Sài Gòn* năm 1947, đến tận năm 1981, Chùa Đàn vẫn không được nhà xuất bản đưa vào tuyển tập của ông. Điều này đã khiến Nguyễn Tuân buồn bã đến nỗi; "Tôi tiếc cái Chùa Đàn quá. Họ cắt cái Chùa Đàn khỏi tuyển tập này, cũng giống như cắt cái gan ra khỏi bụng tôi".
    Đến năm 1999, Chùa Đàn mới được in trở lại trong tập Yêu Ngôn do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh thực hiện. Ngày nay Chùa Đàn không những đã được xuất bản, mà còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, cải lương, phim điện ảnh. Ở mảng điện ảnh, Chùa Đàn được dựng thành bộ phim khá nổi tiếng Mê Thảo – thời vang bóng do đạo diễn Việt Linh thực hiện.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần cuối

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Phần cuối của Ngõ lỗ thủng, tác phẩm dựa trên những ký ức, sự kiện và nhân vật có thật của nhà văn Trung Trung Đỉnh, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.
  • NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    NGÕ LỖ THỦNG – Trung Trung Đỉnh Phần 1

    Chân Dung Kẻ Sĩ: Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh dựa trên ký ức của những sự kiện, nhân vật có thật của chính nhà văn, về một con ngõ quanh co gần phố Vân Hà của Hà Nội thời đất nước đang chuyển mình những năm 1980. Truyện, cùng với Tiễn biệt những ngày buồn, đã được Đài truyền hình Việt Nam chuyển thể thành phim truyền hình 29 tập Ngõ Lỗ Thủng, và dù, ông viết lời cho ca khúc trong phim, nhưng ông lại chả biết bộ phim ấy thế nào, vì ông bảo không xem phim.